Chương 7
Tác giả: Mark Twain
Buổi chiều hôm nay, không khí buồn bã nặng nề bao trùm ngôi làng. Gia đình Harper, dì Polly và Mary chuẩn bị tang phục, thẫn thờ đau đớn. Những cuộc tìm kiếm chẳng đi đến đâu, mọi hy vọng đành phải bỏ.
Trong sân trường vắng lặng, Becky Thatcher đi lang thang, lòng tràn ngập một nỗi buồn sầu thảm.
- ôi! Phải chi mình giữ chiếc vòng của anh ấy! - Cô bé than thở. - Một kỷ niệm của anh ấy mình cũng chẳng có... Thế là hết, mình sẽ không bao giờ gặp lại anh ấy nữa, sau những lời kinh tởm mình đã nói ra với anh! Chắc anh ấy đã chết vì tuyệt vọng!
Và những giọt nước mắt to chảy dài trên má cô bé. Lúc đó, một đám trẻ, bạn của Tom và Joe, trai có gái có, đi qua. Chúng tìm đủ mọi cơ hội để gợi lại một cử chỉ, nhớ lại một lời nói nào đó của mỗi một trong hai đứa bé mất tích.
Chúng cãi nhau để biết ai là kẻ nói chuyện với Tom và Joe lần sau cùng. Tất cả đều cho rằng chúng đã linh cảm về tai họa. Đứa nào cũng ca tụng những việc làm lừng lẫy của các vị anh hùng quá cố.
Hôm sau, sau buổi học ngày chủ nhật, tiếng chuông cầu hồn thảm đạm kêu gọi tín đồ đến dự thánh lễ thay cho hồi chuông vui vẻ ngày chủ nhật. Dân làng lần lượt kéo nhau tới, đi thành từng nhóm lặng lẽ. Khi đến cổng nhà thờ, họ trao đổi cảm tưởng về biến cố buồn thảm trong giây lát rồi thủng thỉnh bước vào nhà thờ.
Khi dì Polly, Sid, Mary và gia đình Harper đi vào, mọi người đứng dậy tỏ ý kính trọng, chờ họ vào ngồi ở hàng ghế đầu rồi mới ngồi xuống.
Những chiếc khăn tay bắt đầu được lia lịa móc ra để lau nước mắt. Vị mục sư bèn lên tiếng thuyết giảng hăng say về đề tài sự phục sinh và cuộc sống đời đời đang chờ các đứa bé thân yêu ra đi quá sớm. ông ta dùng những lời rất cảm động nói đến nhiều đức tính tốt đẹp của các nạn nhân bé nhỏ, gợi lại tính vui tươi hồn nhiên, tính.tinh nghịch nhưng không hề ác ý, tính tự nhiên hào hiệp, bản chất trìu mến và trung nghĩa, tính tình dũng cảm - thậm chí táo bạo và than ôi!
Đây có lẽ là nguyên nhân khiến chúng phải gánh chịu cuộc đời ngắn ngủi - ông ta nói say sưa đến nỗi những người ngồi nghe, ai cũng tự hỏi làm sao mà các chú bé hoàn thiện đến như vậy lại có lúc đối với họ lại giống như những tên vô lại cần phải sửa trị thẳng tay... để chúng nên người...
Tín đồ càng lúc càng cảm động, vị mục sư càng lúc càng lâm li, văn chương bay bổng chẳng khác gì thánh Jean Chrytostone, diễn giả "lời lời châu ngọc", đến nỗi chẳng mấy chốc toàn thể cử tọa đều rơi nước mắt và sau đó chỉ còn nghe những tiếng nức nở, tiếng thút thít và những biểu hiện khác của nỗi đau chung.
Thình lình cánh cửa nhà thờ rít kêu khe khẽ, tiếng động hoàn toàn mất hút trong bản đồng ca đang than vãn. Mục sư mắt đẫm lệ, tiếp tục chủ đề đó trong suốt cả mười phút thì ông bỗng ngưng bặt như biến thành tượng đá. ông trợn mắt nhìn về phía cuối chính điện như thế nhìn thấy ma hiện. Các tín đồ, từng người một quay lui từ từ để nhìn xem cái gì đã chận ngang sự hùng biện và lôi cuốn sự chú ý của mục sư như vậy. Lúc đó mọi người thấy ba kẻ được xem như đã chết từ từ đi lên phía chính điện, quần áo rách rưới tả tơi, tóc tai bù xù nhưng mới nhìn qua cũng thấy rõ là còn sống nhăn...
Dì Polly, Mary và gia đình Harper nhào tới ôm chầm Tom và Joe, hôn như mưa và siết lấy siết để làm chúng đến ngạt thở. Những tiếng la sửng sốt xen lẫn tiếng kinh cầu tạ ơn Chúa vang lên không ngớt. Chỉ tội nghiệp một mình Huck không được quyền hưởng sự đón tiếp cuồng nhiệt đó.
- Dì Polly, - Tom nói, - vậy là không công bằng. Huck cũng phải có người nào đó hài lòng khi gặp lại cậu ta chứ!
- Kìa, dì cũng hài lòng, sung sướng mừng như điên được gặp lại nó đấy chứ! Gặp lại nó ai cũng mừng cả! Còn sống, chúng còn sống đây, ôi cảm ơn Chúa!
Và lần này, bà cũng biểu lộ những tình cảm thân thương sướt mướt, nồng nàn luôn cả với Huck làm nó ngượng đến chết.
Bỗng một bài thánh ca tạ ơn Chúa vang rền làm rung cả cửa kính nhà thờ: ai nấy đều ráng hết sức để hát thật to, như vậy là giải tỏa được.những cảm xúc mà suốt cả tuần qua họ chất chứa trong lòng. Tom vẫn bị siết đến nghẹt thở trong vòng tay bà dì, nó vui mừng rạng rỡ và tự cho đó là ngày đẹp nhất trong đời mình. Bọn trẻ đứa nào cũng nhìn nó, lác mắt thèm thuồng. Sống lại, đó là một kỳ công dễ dàng làm người ta nổi bật trong cõi người trần!
Ngày hôm đó, tùy theo tâm trạng của dì Polly tội nghiệp, Tom từng lúc được ôm hôn hoặc bị những cái tát tới tấp nhiều lần hơn suốt cả một năm, ấy cũng do nó đã làm bà lo lắng đến điên cuồng. Và nó bối rối không biết giữa những cú tát và những cái vuốt ve, cái nào trong hai thứ đó biểu lộ đúng nhất tình thương của bà dì dành cho nó và lòng biết ơn của bà đối với Chúa nhân từ.
Vậy ra đó là kế hoạch phi phàm của Tom để giữ lại trên đảo hai đứa bạn đang lúc chao đảo tinh thần; cho chúng dự tang lễ của chính bản thân chúng! Vì vậy, tối thứ bảy, sau khi vượt qua sông trên một thân cây trôi giạt, chúng đã ngủ trong khu rừng, cách làng vài cây số, rồi lựa ngày giờ thích hợp len lỏi trong những hẻm phố vắng vẻ và đã lẻn vào nhà thờ để dự tang lễ một cách khoái trá.
Tuy nhiên, vào sáng thứ hai, giờ tính sổ đã đến. Dì Polly nửa vui nửa buồn cất lời hạch hỏi Tom:
- Tom này, dì không nói rằng phỉnh gạt được cả làng như vậy trong gần một tuần lễ chẳng phải là một vụ đùa nghịch hết sức thú vị. Dì nghĩ bất cứ đứa nhóc nào cũng bị quyến rũ làm chuyện đó. Cái mà dì trách cháu, đó là đã để dì trong tình trạng phập phồng kinh khủng, dì đây yêu thương trìu mến cháu thay thế bà mẹ tội nghiệp của cháu - cầu Chúa cứu vớt linh hồn mẹ cháu!
Cháu làm vậy là chẳng dễ thương chút nào. Vì cháu có thể vượt sông về tham dự tang lễ, thì cháu cũng có thể bằng cách nào đó về cho dì hay để dì yên lòng về số phận của cháu chứ!
Cháu biết rõ là dì lúc đó sẽ tha thứ việc làm liều lĩnh của cháu kia mà!
- Thưa dì - Mary xen vào - cháu chắc rằng nếu nó có nghĩ tới, hẳn nó đã làm chuyện đó. Tom yêu dì lắm, đâu đến nỗi cố ý làm dì đau khổ!
- Có thật cháu sẽ làm thế không, Tom? - Dì Polly hỏi ra vẻ không yên tâm. - Cháu đã không cố ý muốn làm dì phập phồng lo lắng chứ?.- Nhưng cho dì biết thì sẽ hỏng bét hết rồi còn gì?
- Vậy ra cháu yêu dì ít quá... - Bà cụ nói giọng đau đớn làm Tom áy náy.
Mary lên tiếng biện hộ:
- Dì ơi, hãy tha lỗi cho nó, tính nó như vậy, có bao giờ nó nghĩ tới cái gì đâu.
- Dì ạ, dì biết cháu thương dì lắm. Bây giờ cháu tiếc là đã không báo trước cho dì biết. Dầu sao, cháu đã nằm mơ thấy dì, đó không phải là một bằng chứng sao?
- Thế cháu đã mơ thấy gì nào hở cháu? Dì tò mò muốn biết đấy...
- Thế này nhá... Đêm thứ tư rạng ngày thứ năm, cháu mơ thấy dì ngồi ở phòng khách, chỗ kia kìa, còn Sid ngồi trên cái rương gỗ và Mary ở bên cạnh, và mơ thấy bà Harper đến thăm dì...
- Đúng rồi, tối đó bà ta đã tới!
- Trong giấc mơ, cháu thấy có gió và có lúc gió đã làm ngọn nến phập phồng...
- Chúa ôi! Lạ thật: đúng như đã xảy ra... nói tiếp đi, Tom!
- Lúc đó, hình như dì bảo Sid lại đóng cửa vì cửa hơi hé mở. Rồi sau đó dì bảo cháu không phải là một đứa độc ác, mà chỉ hơi... dại dột.
- Chúa ôi! Hoàn toàn đúng như vậy. Dì sẽ kể lại chuyện này cho Sereny Harper nghe rồi mới biết. Để xem bà còn bảo dì giấc mơ chẳng có gì thật và toàn là chuyện mê tín nữa hay không! Nói tiếp đi Tommie!
- Lúc ấy bà Harper đã khóc lóc, nhớ lại bà đã phạt Joe vì tội ăn bát kem mà chính bà đã đổ bỏ... Rồi Sid nói...
- Em có nói gì đâu. - Sid nói để chống chế.
- Có mà, em có nói. - Mary nói.
Và cứ thế Tom dần dà tái tạo lại toàn bộ cảnh tượng đã diễn ra dưới mắt nó trong cái đêm li kỳ đó, bị gián đoạn đều đặn bởi những câu xuýt xoa của dì Polly.
- Đúng là một phép lạ, phép lạ thật sự! - Dì nói. - Tom à, có lẽ cháu đã thấy hết cả nên nói không khác một điều gì! Hẳn phải có mặt một thiên thần! Rồi sao nữa?
- Rồi dì đi nằm; cháu xúc động quá chừng khi thấy nước mắt và lời cầu Kinh của dì nên cháu đã lấy một mảnh vỏ cây sung và viết lên đó một câu nhắn gởi để dì yên lòng. Cháu đã.để nó trên bàn, gần bên cây đèn cầy. Rồi cháu cúi hôn dì.
- Thật vậy không? Nếu cháu đã làm như vậy, dì sẵn sàng tha thứ cho cháu ngay! - Rồi bà ôm hôn Tom âu yếm đến nỗi nó cảm thấy đôi chút hối hận.
- Phải, anh ấy thật tử tế, dù đó chỉ là trong mơ. - Sid nói phớt nhẹ ra vẻ không tin, như chỉ để mình nghe.
- Im đi, Sid. Khi thức làm sao thì người ta chiêm bao làm vậy: tâm tính chân thật lộ ra, cái đó không đánh lừa được! Này Tom, cháu cầm quả táo này đi, quả lớn nhất đấy! Dì đã để dành nó cho cháu khi người ta đã tìm ra cháu. Thôi bây giờ tất cả đi đến trường hết đi, các cháu ạ!
Và bà đuổi chúng đi một cách nhã nhặn, miệng vẫn lẩm bẩm những lời tạ ơn Chúa về lòng quảng đại của Ngài đã cho bà tìm lại được đứa cháu thân yêu, đứa con của người em gái quá cố, dẫu bà không chút xứng đáng với lòng nhân từ của Chúa, và lời lẽ theo giọng điệu ấy cứ tiếp tục tuôn ra...
Sau đó, bà đích thân lên đường đến kể cho bà Harper nghe phép lạ đã hiện ra dưới mái nhà của bà.
ở trường, dĩ nhiên Tom và Joe đã trở thành những anh hùng, nhân vật danh tiếng. Cả hai nghênh ngang nhìn, đáp trả mọi người, có thế mới đáng mặt là những tay hải tặc ghê gớm đã từng trải bao nỗi hiểm nguy của cuộc đời hoang dã, những kẻ thoát hiểm từng đối diện với cái chết... Cả hai làm ra vẻ như không nghe thấy những câu chuyện đầy vẻ tán tụng của các người thành kính theo sau lưng chúng, nhưng trong thâm tâm, chúng khoái chí lên tận chín tầng mây và ngây ngất trước những lời ca ngợi ngọt ngào như sữa mẹ... Các đứa nhỏ hơn xúm xít theo sau gót, hãnh diện được người ta thấy mình đi bên chúng. Những đứa lớn hơn trong lúc làm bộ dửng dưng thờ ơ, vẫn tái mặt vì thèm muốn có được nước da rám nắng và bắp chân trầy trụa của chúng, bằng cớ hiển nhiên của trò liều mạng vinh quang. Chẳng cần phải nói vì thế mà cả hai đứa trở thành kiêu ngạo không chịu nổi: chúng không ngớt thuật lại các cuộc phiêu lưu của mình, luôn luôn thêm vẻ li kỳ trước một cử tọa háu chuyện và thường như thế chúng không quên kết thúc bài ca bằng cách lơ đãng rút trong túi.ra chiếc ống vố, phì phèo như những thủy thủ lão luyện.
Giờ đây Tom đang ở cực điểm vinh quang, được mọi người săn đón và xu nịnh, một bất hòa của nó với Becky chỉ còn xem như là một giai đoạn vui vui thời quá khứ. Bây giờ, cô ta cứ thử đưa ra tín hiệu ngỏ ý làm lành với nó xem, cô sẽ thấy mình chuốc lấy sự đối xử thờ ơ đến mức nào! A, tiểu thư đã khinh rẻ chiếc vòng của nó, những lời thề nguyền chung thủy thật lòng của nó... Được rồi, cô nàng đã làm bộ bị xúc phạm...
Bây giờ sẽ đến lượt nó cho mà xem! Vậy là, khi cô bé đi đến, Tom giả tảng không trông thấy.
Để trả thù nó, Becky làm bộ lăng xăng hớn hở, vui vẻ rượt đuổi các bạn gái và rú lên cười khanh khách khi chụp được một đứa. Nhưng Tom nhận thấy ngay là con bé vẫn không quên liếc nhanh nhiều lần về phía nó để xem nó có chú ý không. Cái trò này thay vì làm nó mềm lòng lại càng khiến nó quyết tâm làm lơ hơn nữa. Được một lát, cô bé ngừng trò chơi và cất bước vừa đi lang thang vừa thở dài, nhất là khi trông thấy nó nói chuyện sôi nổi với Amy Laurence. Amy mỉm cười, uốn éo, thỉnh thoảng đụng vào người Tom...
Như bị thỏi nam châm hút, con bé tiến lại gần nhóm có Tom đang đứng và giữ ý không nhìn thấy nó, cô ta nóng nảy nói với cô bạn gái Mary Austin:
- Này Mary, cậu có thích dự một buổi đi píc-níc không?
- Píc-níc hả? Thích chứ, mà tại nhà ai thế?
- Tại nhà bọn này đó. Mẹ mình cho phép mình tổ chức. Mình muốn mời ai cũng được.
- Tuyệt vời! Nghe nói mình thèm chết đi được. Định bao giờ tổ chức đấy?
- Ngay khi vừa nghỉ hè.
- Thế thì bọn mình sẽ vui biết mấy! Cậu mời tất cả bọn tớ chứ?
- Tất cả những bạn nào muốn dự đều có thể mời hết. - Vừa nói nó vừa liếc trộm về phía Tom. Nhưng thằng bé này vẫn mải say sưa nói chuyện: với những chi tiết rành mạch, nó kể cho Amy nghe chuyện sét đã đánh rụi cây sung đại thụ và vài ba cây khác, chỉ cách nó mấy bước như thế nào. Amy lắng nghe nó như uống lấy từng lời..- Tớ có thể đến được không? - Một cô bé hỏi.
- Được. - Becky đáp.
- Còn tớ? Còn tớ thì sao?
Đứa bé nào cũng muốn được mời. Riêng Tom và Amy vẫn mải mê trò chuyện không đòi được ân huệ đó. Chuông reo, bọn trẻ phải vào lớp. Cô bé Becky đáng thương đã khóc! Buổi píc-níc mà không có Tom chẳng làm cô ta thích thú chút nào!
Giờ ra chơi, Tom muốn kéo dài cái trò độc ác của nó. Nhưng nó phí công vô ích. Tự ái bị tổn thương, nhưng Becky rõ ràng đã trấn tĩnh, cô ta đến ngồi bên cạnh Alfred Temple. Chụm đầu vào nhau, hai đứa say mê ngắm nhìn các hình ảnh một cách ngoan ngoãn. Máu ghen của Tom sôi lên sùng sục. Uất ức trong lòng, nó cảm thấy hai má đỏ bừng và tim đập như muốn vỡ ra. Nó tự xỉ vả mình bằng đủ các thứ tên gọi vì đã bỏ lỡ mất lời cầu hòa mà Becky đã đề nghị.
Nó tức tối như điên khi nhìn thấy sự đồng lõa rõ rệt, sự ăn ý hoàn toàn giữa Becky và Alfred.
Hẳn cô bé đã chọn hắn trong bao đứa khác rõ ràng vì nó có bộ tịch kiêu kỳ, làm bộ cao sang và áo quần đẹp đẽ. Nó thấy hài lòng khi nhớ lại trận đòn nó đã nện cho thằng kia khi hắn mới tới làng và muốn làm lại một lần nữa mới cam.
Nó đâu có ngờ là Becky dù cho ra vẻ chăm chú như vậy, đã không bỏ qua một thoáng cảm xúc nào lần lượt hiện lên mặt Tom và con bé mừng thầm cho sự thành công của mưu kế nó bày ra.
Nhưng Tom bỏ đi làm cô ta cụt hứng: cô bé không còn vui vẻ, nó đâm ra thẫn thờ, buồn bã.
Tội nghiệp thằng bé Alfred nhận ra nó đã thất thế nhưng không biết tại sao và vẫn kiên trì lôi kéo sự chú ý của nó:
- ồ, hình này này! Nhìn xem nó đẹp biết bao!
Becky hết chịu nổi, đuổi nó không một chút nể nang:
- Bực mình lắm rồi, tranh với ảnh! Sao mà ngốc đến dữ vậy!
Nói xong, con bé òa khóc, đứng dậy, quay phắt người và bỏ chạy.
Alfred muốn an ủi, bèn lẽo đẽo đi theo.
Nhưng làm thế, hắn cũng không được Becky tỏ ra ưu ái, mà trái lại....- Đừng đeo theo tôi như con chó con nữa!
Rõ ghét cái mặt! - Con bé nói thẳng, mặt mày sừng sộ.
Bối rối, tức giận, Alfred trở vào lớp. Chỉ cần một lúc nó hiểu ra ngay: rõ ràng là Becky đã dùng nó để chọc Tom ghen tức. Vậy ra chính vì Tom, vì thằng khoác lác, thằng trời đánh thánh vật ấy mà nó phải chịu sự thất vọng cay đắng này. Thằng này không để yên đâu! Alfred rút một cuốn sách học của Tom lòi ra khỏi bàn viết.
Nó lật ra đúng trang phải học trong ngày rồi đổ bình mực lên đó.
Ngay lúc ấy, Becky nhìn qua cửa sổ lớp học và bắt quả tang Alfred đang làm chuyện đó. Mới đầu con bé định tìm gặp Tom tại nhà để kể hết cho thằng bé biết. Nó có cớ rất chính đáng để bắt chuyện với Tom và sự bất hòa giữa chúng chắc chắn sẽ chấm dứt. Tom biết ơn, ắt sẽ cám ơn cô ta. Nhưng trên đường đi con bé đổi ý.
Tom đã coi rẻ vụ píc-níc, đã nối lại quan hệ với vị hôn thê cũ. Nếu nó bị đòn vì làm hư sách thì đó cũng là một bài học cho nó. Nó không xứng đáng với tình yêu của cô ta và hơn nữa, cô ta căm ghét nó.
Tom về nhà với tâm trạng rất buồn bực. Hỡi ơi, khổ như thế chưa thấm vào đâu. Khi thấy nó, dì nó gọi nó lại với giọng cay cú khác thường:
- à, thằng này đã về đó hả? Đáng tội như mày mà không biết cái gì đã ngăn tao không bóp cổ mày chết quách cho xong!
- Dì ơi, cháu làm gì mà dì giận vậy?
- Thế mà mày còn dám hỏi à, đồ nhãi ranh vô liêm sỉ! Mày làm gì, để tao nói cho mày nghe.
Mày đã dối tao, mày đã đem tao làm trò cười cho thiên hạ. Tao đến nhà bà Harper, làm duyên làm dáng, hí hửng xúc động, và vội kể cho bà ta nghe giấc mơ của mày, thật ra là giấc mơ bịa đặt của mày... Bởi vì, té ra tao đâu có biết. Mày đã về đây tối thứ tư, mày đã nghe những gì bọn tao nói. Chính thằng Joe đã cho mẹ nó biết như vậy.
Làm gì có sự sáng suốt siêu phàm mà tao thán phục! A, tao phải làm gì mày đây hả Tom? Sao mày có thể để tao đi đến nhà bà Harper trong khi mày biết tao sẽ chuốc lấy sự lố bịch với câu chuyện hoang đường thô thiển ấy... Rồi đây cả làng sẽ cười tao còn gì!
Xúc động vì sự khốn khổ của bà dì tốt bụng, Tom thấy trò đùa của nó mang một vẻ hoàn.toàn khác hẳn, không phải vô hại như nó đã tưởng trước kia.
- Dì ơi, cháu rất tiếc đã gây ra nỗi buồn phiền này; cháu đã không suy nghĩ.
- Chính cái đó là điều ta trách cháu đấy, cháu không bao giờ chịu suy nghĩ trước khi hành động cả, cháu chẳng nghĩ tới gì hết, chẳng nghĩ tới ai ngoài bản thân của cháu. Cháu chỉ nghĩ đến việc về đây lúc nửa đêm để đánh lừa bọn dì, cháu chỉ nghĩ đến chuyện phỉnh gạt dì với cái tài thấu thị vô cùng sáng suốt của cháu, những cái đó thì có, nhưng cháu chẳng mảy may nghĩ đến nỗi buồn mà bọn dì có thể cảm thấy, cũng không nghĩ đến cách nào để tránh cho bọn dì khỏi một chút buồn phiền đó.
- Thưa dì, cháu rất lấy làm xấu hổ, bây giờ cháu biết rằng cháu đã có lỗi với dì, nhưng quả thật không phải cháu có ác ý. Hơn nữa, sở dĩ cháu về đây đêm thứ tư là vì cháu có ý định nói để dì khỏi lo, rằng bọn cháu không bị chết đuối.
- Tom ạ, nếu ta tin được lời mày thì mất gì ta cũng chẳng tiếc. Nhưng giải thích thế nào đây khi cháu lại bỏ đi mà chẳng nói gì với ta cả?
- Thưa dì, ấy là vì khi nghe dì nói đến buổi tang lễ: liền lúc ấy, cháu chỉ mang một ý duy nhất trong đầu, đó là chứng kiến tang lễ. Cháu không thể từ bỏ ý nghĩ ấy được. Thế là cháu để lại mảnh vỏ cây vào trong túi áo cháu rồi bỏ đi mà không nói gì cả.
- Mảnh vỏ cây nào?
- Dạ miếng vỏ cây trên đó cháu giải thích cho dì biết là chúng cháu đang ở trên đảo chơi trò hải tặc. Lúc cháu hôn dì, cháu muốn dì thức dậy biết mấy; nếu vậy thì đã hay hơn cho mọi người cả rồi!
- Thế có thật cháu đã hôn dì không hở Tom?
- Dì Polly hỏi, lòng đã dịu lại.
- Trong giấc ngủ, dì lộ vẻ khổ sở đến nỗi cháu thấy tim cháu se lại và cháu muốn an ủi dì theo cách riêng của cháu. Cháu thương dì lắm dầu cho không phải lúc nào cháu cũng biểu lộ rất đúng cách.
Bà cụ cảm động vì lời thú tội ngây thơ đó, đành phải xiêu lòng. Bà kéo thằng cháu lại với mình:.- Nào, lại hôn dì một lần nữa đi, thằng mất nết. Thôi bây giờ, hãy đi học nhanh lên, đừng có đi phiêu lưu mà không báo trước nữa đó!
Tom vừa quay gót thì dì Polly chạy đến tủ treo quần áo nơi Tom đã móc cái áo vét rách tả tơi nó mặc ở trên đảo.
- Chúa ôi, ta có dám nhìn không? Liệu có gặp thêm một lần thất vọng nữa chăng? Thằng nhỏ thân yêu đó sẽ nói dối ta vì lòng tử tế để ta khỏi buồn. Ta nhìn vào không hay thôi đi?
Thôi, ta chỉ còn đành biết trách mình nếu phải khóc cả buổi chiều nay vì ta là một mụ già ngu ngốc...
Hai lần bà đưa tay ra, hai lần bà dừng tay lại. Lần thứ ba, bà không chịu nổi nữa, bèn lục lọi cái áo và thấy mảnh vỏ cây! Nước mắt ròng ròng, bà vừa khóc vừa đọc lời nhắn gửi đã phai nhòe hết một nửa rồi giọng bà run run vì xúc động kêu lên:
- Từ giờ trở đi mình sẽ tha thứ cho nó dù nó phạm đến trăm ngàn tội lỗi!