watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Trà Thất-Chương 3 - tác giả Minh Đức Hoài Trinh Minh Đức Hoài Trinh

Minh Đức Hoài Trinh

Chương 3

Tác giả: Minh Đức Hoài Trinh

Gần mười năm rồi Quốc kéo lê một cuộc sống tầm thường trên xứ Pháp, cũng tầm thường như ngày còn ở quê nhà. Con người ấy không có gì làm thay đổi được. Ngôi sao chiếu mệnh không có tên trong số 28 vì sao sáng nổi danh, mà chỉ là một thứ sao mờ bé nhỏ, một vì sao chưa được nhà khảo cứu chuyên viên nào tìm thấy, một vì sao không tên. Thuê được một gian phòng nhỏ cạnh bờ sông Seine là cả một điều may mắn nhất, căn phòng rộng mấy chục thước vuông chỉ vừa đặt một cái giường một kệ sách một cái bàn viết lại vừa là bàn ăn và một cái tủ áo. Cạnh đó là góc bếp và góc nhà tắm.
Làm kế toán trong một hãng tư, không bị tiền bạc chi phối, Quốc lại ít tham vọng, chẳng muốn tranh giành se sua với ai, không cần xe cộ sang trọng cũng không cần đua đòi vợ con, nhờ thế nên cuộc sống của chàng khá thoải mái.
Ngôi nhà ở Sài Gòn đã được mẹ mang sửa chữa lại cho người ta thuê để gửi thêm tiền hằng tháng, Quốc quả đã may mắn hơn nhiều thanh niên khác cùng lứa đang sống trên xứ Pháp.
Mẹ lại lo ướp trà gửi sang mỗi mùa cho thằng con trai, nhờ những sự chăm sóc ấy nên tuy ở xa quê hương mà Quốc vẫn không thấy thiếu thốn.
Mỗi tuần được hai ngày nghỉ thêm một tháng hè và những ngày Quốc Lễ tha hồ cho Quốc đi du lịch xa gần.
Thích nhất là làm cái công việc mổ xẻ thành phố Paris, công việc mà người sinh trưởng ở Paris không hề nghĩ đến. Có kẻ ở hằng chục năm vẫn chưa có dịp nào trèo lên tháp Eiffel hay nóc Notre Dame, chưa bao giờ nhìn kỹ những tác phẩm điêu khắc trên mái nhà hát Operạ.. nói gì đến những hang cùng ngõ hẻm ở trong thành phố. Quốc đã dùng Paris để thay thế người yêu, may mắn nhất là được cái chỗ ở lý tưởng trên bờ sông Seine, mỗi khi buồn, dư thì giờ thì đi dạo nhìn sách cũ chưng bày trên mấy cái "ke" tán gẫu với mấy ông bà hàng sách. Nơi đây có những ông già đã sống hằng mấy chục năm hầu như cả đời người nhìn mầu lá thay đổi trên đầu mình.
Có những sáng đầu mùa xuân, Quốc dậy lối sáu giờ, mặc áo ấm đi lang thang xuống sát bờ sông, đi sâu vào đảo Saint Louis rồi ra uống cà phê ăn sáng trong một cái quán nhỏ ở tại đảo, đọc báo đến trưa mới về nhà ăn cơm. Đời! Có mấy ai biết tận hưởng cái thú nầy, phải là những người độc thân, phải biết cảm thông với sự cô quạnh, hòa mình với vô thanh và còn phải là nam giới chứ phái nữ thì cũng khó mà ngồi yên với những đấng nam nhi độc thân khác đang đi săn người đẹp để lấp cô đơn.
Những rặng cây hai bên bờ sông Seine vào độ đầu xuân còn trơ xương xẩu khẳng khiu, nhưng tai Quốc đã chừng như đang nghe được những tiếng tróc tróc nhè nhẹ của bao nhiêu chiếc lá non đang vươn vai tìm cách tung mình vượt ra khỏi những cái bao lá tù túng mà suốt cả mùa đông chúng phải nằm đợi, như lũ gà nằm trong trứng chờ đúng ngày để được đạp vỏ trứng tung nở.
Quốc chú ý nhất là những gốc cây Tremble, mùa đông trụi lá thì có run rẩy cũng chẳng ai nhìn thấy, nhưng vào đến tháng ba tháng tư, cành lá như bỗng vụt lên rất nhanh. Mầu xanh mới tuần trước còn non nớt, nhạt mầu mà đầu tuần sau đã ngả sang mầu ngọc ngà, lục thẫm, chỉ cần một làn gió nhẹ lướt qua là cả trăm nghìn chiếc lá run lên.
Bà Lê cũng như một người đàn bà đẹp, đứng tuổi, ngoài khía cạnh nhan sắc, còn cái khía cạnh tâm hồn, thâm trầm, kinh nghiệm sống, phải chịu khó tìm tòi mới hiểu thấu tầm thâm sâu, mới có thể cảm thông và say mê.
Mùa xuân còn có những cây Lật Thụ, hoa nở từng chùm hình lăng giác mầu trắng pha hồng chi chít trên cành, nhìn xa chỉ còn thấy mầu hoa cũng chẳng khác rừng Anh Đào của Nhật Bản, mỗi làn gió lướt qua làm rụng xuống bao nhiêu trăm cánh hoa, hình ảnh của muôn nghìn lũ bướm trong ngày đại hội, tiếc rằng hoa không ở lại lâu với đời, trong vòng một tuần lễ là hoa rụng hết, cây đổi áo cũng từ chiếc áo xanh non sang mầu xanh nồng nàn hơn.
Lá cây nào cũng chỉ xanh được có vài tháng, vào lối tháng bảy tháng tám là sửa soạn chuyển vàng, mầu lục diệp tố bị phế truất để cho mầu tông hoàng xuất hiện, mầu tông hoàng là thứ nâu vàng, lại còn chen thêm mầu đỏ mầu cam, mầu nâu đen... Tất cả họp nhau tạo thành một bản hòa tấu không bằng âm thanh mà bằng âm sắc, tha thiết, vĩ đại, ca ngợi mùa thu. Họa sĩ hay không phải họa sĩ, ngay cả những kẻ phàm phu cũng chỉ mơ một bản điều sắc trong tay để quệt lên vải lên lụa vài nét cho đỡ rạo rực, khi đứng trước sự chuyển mình của thiên nhiên, của những ngày sang thu nầy.
Người dạo trong rừng còn bị ngây ngất say trước hương lá, sắc lá của những cây Phong, cây Hộc, cây Bạch Dương, cây Ma Lật...
Hôm nay đang vào tháng tám, dân Ba Lê kéo nhau đi nghỉ hè gần hết, thành phố vắng, các cửa hiệu đều đóng cửa, nhất là những cửa hiệu chuyên buôn bán với nhà giàu. Quốc không phải là nhà giàu nên đã khôn ngoan đi nghỉ hè từ tháng trước để tháng nầy có thể trở về, đi lại trên những con đường vắng bóng xe, bóng người, có cảm tưởng được sống lùi một thế kỷ trước lúc mà Ba Lê chưa đến nỗi chật chội như ngày hôm nay, chỉ thấy thiếu tiếng vó ngựa lóc cóc trên đường đá, để cho người cảm giác ấy.
Mới tháng tám mà cành đã đổi mầu lá cây, theo âm lịch chăng, vì âm lịch đang vào tiết lập thu. Và bắt đầu viền sắc vàng chung quanh, để rồi chỉ trong vòng một tuần sau là sẽ ngả sang mầu nâu, khác thứ nâu Tông Hoàng tức là vừa nâu lại vừa vàng, chỉ thiên nhiên mới tài tình pha lên được những mầu sắc độc đáo như thế. Mầu lá thu, gọi chung tất cả cây rừng vào thu, nhưng lá thu có một khuyết điểm là quá dòn, đạp lên nghe xào xạc dưới gót giày, khuyết điểm hay là ưu điểm vì những ai thích âm thanh mùa thu thì hãy vào rừng lối tháng tám, tháng chín sẽ được nghe đầy đủ bản hòa tấu của âm thu.
Mùa thu đẹp, trong cái đẹp tuy rực rỡ nhưng vẫn nói lên được một cái gì thê thiết, rưng rưng, không hẳn là tang tóc bi đát mà là một thứ thương cung bàng bạc se sắc giục người bâng khuâng. Chỉ có ở miền Nam Việt Nam là mùa thu không được nhấn mạnh, hẳn vì không cùng một loại lá cây hay vì không có tuyết, ở đâu có tuyết đều có mùa thu rực rỡ, gào thét lên vũ trụ những ý nghĩ đam mê, cuồng nhiệt, nhưng thê thiết của mình. Gào lên cho thỏa, gào một lần cuối để rồi chịu đựng sự phũ phàng của tuyết sương trong suốt một mùa đông chăng? Chỉ có loại Tùng Bách mà người xưa gọi là nhuyễn mộc hay dương mộc mới ngạo nghễ lại được với cái mùa đông quái ác đó.
Say mê thiên nhiên, biết ơn thiên nhiên, nên Quốc sẵn sàng đón nhận và yêu quy tất cả bốn mùa, mỗi mùa đều mang riêng một vẻ đẹp. Mùa đông mà lắm người lo sợ phải tính chuyện lẩn trốn, đối với Quốc cũng gợi cảm không kém mấy mùa khác. Quốc thích mặc thật ấm, trang bị kỹ càng đi lang thang dưới dường tuyết, cho tuyết đập tơi bời vào mặt vào mình. Thỉnh thoảng một vài cánh hoa tuyết rơi đúng vào môi, bắt mình phải đưa lưỡi ra đón những cánh hoa lạnh lẽo ấy, để tránh cho đôi tay khỏi phải rời cái túi áo da ấm.
Quốc hay nhớ mẹ mỗi lần đi dưới tuyết, mẹ biết là sẽ bị rầy, mẹ không bằng lòng chỉ sợ Quốc ốm, nhất là trong lúc xa nhà. Từ ngày Quốc rời quê hương, mẹ ít vào Sài Gòn, chỉ thương cái vườn hoa cúc, ai trông nom mỗi mùa.
Đêm qua nằm đọc sách, Quốc đã ngủ quên đi, không tắt đèn, cứ thế mà mơ, Quốc mơ thấy cảnh đêm trăng xứ Huế, ở trước sân nhà của mẹ vẫn còn đủ bốn cây dừa, trĩu quả trên ngọn. Ánh trăng trải đầy khắp mặt sông, làm rung rinh tứng loáng bạc trên mỗi làn sóng. Quốc đã trèo lên cây phượng trên bờ sông, ngồi vắt vẻo thổi sáo, ánh trăng mỗi lúc một sà xuống, sà xuống, đến đọt cây thì trăng ngừng. Trăng to và sáng quá làm Quốc giật mình thức giấc. Thì ra, nhờ quên tắt cây đèn mà Quốc đã có được giấc mơ quá đẹp ấy.
Quốc biết mình là người của quê hương, không thể bỏ quê hương mà đi lâu như thế nầy. Hôm nọ ở Champs Elysee, đang đứng nhìn cái quảng cáo phim mới, Quốc nghe một giọng Hoa Kỳ nói to như cố ý cho mình phải lọt vào tai "Draft dodger" (phường trốn lính). Quốc giận lắm định quay lại gây nhưng rồi chàng cắn môi dằn cơn bực tức vì nhận thấy nó nói cũng có phần đúng. Chứ còn gì nữa, quê hương mình mà bỏ đi hết để nhờ người ngoại quốc đến giữ hộ. Ngày xưa bố cứ nhắc câu "gia bần tri hiếu tử", những thằng con trai như Quốc quả là bất hiếu "gia" bần mà bỏ "gia" để ra đi, trú thân nơi khác. Ngày nay chúng nó có chửi ngay vào mặt cũng phải cúi đầu mà chịu. Lắm đêm thức giấc, nằm tính sổ lại cuộc đời, thấy mình chưa làm được cái gì đáng gọi vui lòng cha mẹ khoan nói vội đến chuyện làm vẻ vang nước nhà. Đến cái tối thiểu, ngay cả một kẻ thất phu cũng còn làm được là cái máy đúc lính Quốc cũng không làm nổi. Quốc là đứa con bất hiếu đối với gia đình cũng như đối với quê hương.
- Phải về. Quốc tự nói với mình.
Phải về, đi lâu quá rồi, ngộ lỡ ngày về không còn mẹ nữa thì sao. Lạ nhất là bà cụ chẳng bao giờ giục con về, hay giục con cưới vợ. Người mẹ ấy quá tin tưởng vào thằng con trai phi phàm của mình. Một khi con bà đã làm gì, tức là việc làm ấy phải có lý, phải được cân nhắc kỹ càng rồi. Sự thật, Quốc tự thấy mình đâu có phi phàm như vậy, ngay cả vấn đề bỏ xứ ra đi cũng do những yếu tố bất ngờ mà thôi.
Ở đây, Âu Châu, tình người không đậm đà, hình như ánh đèn càng sáng thì tình người càng mờ nhạt. Đô thị càng to lớn thì lòng người càng bị thu hẹp, teo thắt lại. Con người và cái đồng hồ được buộc chặt vào nhau. Những sự kiện như ngắm trăng, ngắm sao, đợi hoa nở, chờ nhìn mặt trời lặn, mặt trời mọc, nằm ngủ dưới vòm cây để thở hương lục diệp tố. Tất cả những hành động đều trở thành những xa xỉ phẩm, phải nhà thật giàu mới mua nổi. Ai không giàu mà dám đòi thực hiện thì sẽ được tặng cái danh hiệu là điên, với đủ các ngữ ngôn trên thế giới.
Người ta tìm đến nhau không phải vì nhớ nhau mà cần nhau, cần dưới mọi hình thức. Những tiện nghi văn minh hay những sản phẩm thẩm mỹ cấu tạo nên, không ngoài mục đích dụ dỗ lũ thiêu thân đến tìm cái chết dưới ánh đèn. Khi xác rơi xuống đất là hết, không ai cần biết đến đêm qua có mấy nghìn con thiêu thân đã chết cũng như chiều chủ nhật ấy có mấy trăm tai nạn xe hơị.. ánh đèn còn phải lo đi dụ dỗ những con thiêu thân khác, và những cái xác thiêu thân chết khô dưới chân đèn nằm bên nhau mà không hề quen biết.
Cuối tuần người ta đưa nhau đi về đồng quê, không phải để thở khí lành mà để thở làn không khí ô nhiễm của đoàn xe hơi nối đuôi nhích từng bước, hàng mấy chục cây số, bận đi, bận về. Cố nhiên là có kẻ đi không về, trước lúc đi có bức thư viết dở dang chưa kịp gửi, và bức thư đành mang phần hẩm hiu không tới tay người nhận. Thiêu thân cả.
May cho Quốc, mặc dầu sống ở xứ người những đã cố cưỡng lại được với cái trào lưu ô nhiễm đó. Chàng vẫn là con người lạc loài từ một hành tinh khác đến. Thời buổi mọi người sống phải biết tự dối mình để được gọi là trẻ, là hợp thời.
Càng ngày Quốc càng thấy xa lạ với người ngoại giới, cái thứ ngoại giới ngụy tạo, tất cả mọi sự đều được làm bằng chất du chi, thụ chi, ni lông hoặc bằng nhôm, bằng sắt, bằng vàng.
Ý định trở về mỗi ngày một vững chắc, nhưng từ dự định, tới quyết định cũng phải qua bao nhiêu đường đất. Sự bỏ xứ ra sống ở ngoại quốc có vài điểm lợi, hấp dẫn, nhưng cũng có trăm điểm không lợi và chẳng hay ho tí nào, con người bỏ xứ phải càng ở lâu mới càng thấy rõ.
Ngày ấy Quốc ra đi vì muốn quên Duyên hay muốn cho Duyên khỏi phải gặp mặt mình, nghe nhắc đến tên mình, có thế thì cái hạnh phúc của Duyên mới trọn vẹn. Bây giờ chắc nàng đã có mấy con rồi. Bổn phận và tình thương yêu chồng, con đã có đủ uy lực để xóa mờ những kỷ niệm của thời con gái trong lòng nàng. Hẳn Duyên cũng tin rằng Quốc đã có vợ con và cũng đang hạnh phúc như nàng, vì có mấy ai dám cưỡng lại được những quy luật, những đòi hỏi của thiên nhiên.
Ở đây Quốc quen với nhiều người ngoại quốc và vài người Việt Nam. Các cô gái sang đây có một số cố ý đi săn bằng cấp, nhất là những cô có nhiều nhan sắc. Quốc từng được nghe những vụ săn bằng cấp rất ly kỳ nhà có con gái thường hay tổ chức khiêu vũ, dạ vũ, mời những chàng trai nào ưu tú ở các trường lớn, để rồi có những sự kén chọn, hạ nhục hay đề cao nhaụ.. Tất cả những sự kiện ấy chỉ làm cho Quốc thêm ghê sợ. Vấn đề khác chính kiến cũng làm chia rẽ người Việt Nam rất nhiều, và ép dầu ép mỡ, chứ ai nỡ ép chính kiến bao giờ.
Nghĩ đến quê hương Quốc cảm thấy mính quá ích kỷ, trốn bổn phận làm dân, làm chồng, và làm cha, những cán bộ, những công dân mà quê hương đang cần. Chiến tranh không biết đến bao giờ mới ngưng. Hòa Bình có phải là một chữ mà sẽ không bao giờ được ghi trong tự điển Việt Nam, hay nếu có ghi thì phải được viết bằng mực máu, lấy xương thay bút và mầu giấy trắng phải là mầu khăn tang.
Tội nghiệp cho cái xứ mà từ khi Hùng Vương dựng nước đến bây giờ ngoại trừ 18 đời Hùng Vương, theo truyền thuyết. Nếu mang đếm lên đầu ngón tay xem được bao nhiêu năm, hay bao nhiêu chục năm có thanh bình thật sự. Quốc không đồng ý với những ai đã kể rằng những năm tháng sông dưới thời Pháp thuộc là thanh bình. Đó chỉ là một thứ thanh bình giả tạo mà hậu quả là ngày nay và chắc còn lâu lắm cũng chưa gội rửa được. Ông vua cuối, người đã chạy sang cầu cứu ngoại bang, xin người Pháp cứu viện cho để được làm vua, quả là một kẻ đắc tội với đất nước, với dân tộc. Tất cả những kẻ chạy đi cầu viện mà không biết khôn ngoan tránh né cho giỏi thì đều có tội với đất nước.
Chiều nay cũng là một buổi chiều mùa thu, lá vàng tô thắm không gian. Quốc thích dạo trên bờ sông Seine cố ý dẫm chân lên lá khô để nghe giọng lá rên rỉ dưới gót giày, và ngửi hương lá chết do từ mùi hoàng diệp tố toát từ trong đống lá mà những người đã quét ủ dồn lại một góc, xe rác chưa kịp đến hốt đi. Mùi lá chết thoang thoảng, thanh sạch không làm bực dọc ai nên sự ủ lại đấy thêm vài giờ nữa cũng chẳng sao.
Quốc vừa đi vừa suy nghĩ, mắt lơ đễnh nhìn mấy hàng bán sách. Độ nầy phong trào yêu đương lên cao quá, chỉ thấy chưng toàn những sách dạy yêu nhau theo lối kim cổ, lối tân thạch khí, cựu thạch khí... Chỉ có loại sách nầy là bán được nhất nên các nhà xuất bản chỉ săn đón có loại tác phẩm nầy, yêu tinh thần, yêu thể xác, đủ mọi hình thức. Những thứ đề tài mà ngày xưa cấm đoán thì ngày nay là những thứ cơm bữa rất tầm thường không có gì phải dấu diếm và tuổi nào cũng được huấn luyện, giáo dục, tha hồ mà mua, mà bán, mà bàn cãi.
Từ mười năm nay, biết bao nhiêu lần Quốc đã dẫm lên con đường bờ sông Seine nầy, nhìn những quyển sách đang phơi bày chờ đợi những bàn tay, những đôi mắt hướng về mình. Sách là người, cũng mang một tâm trạng như người, cũng chỉ mong được một sự cảm thông. Có những quyển sách đợi cả trăm năm không ai biết đến và đang mòn mỏi theo thời gian, có những quyển sách được chào đón niềm nở, càng sâu sắc càng cao siêu, càng phải chờ đợi lâu vì số người hiểu tới càng ít.
Quốc giật mình, mải nhìn mấy quyển sách mải suy tư đến cuộc đời của chúng, Quốc đã đâm đầu vào một cô gái Âu cũng vừa dừng chân lại ở quầy sách ấy.
- Xin lỗi cô.
Quốc vội vàng nói ngay để rồi định quay đi chỉ sợ cô gái hiểu lầm.
- Không sao, ông đâu cố ý.
Tiếp theo đó là một nụ cười rất dễ thương, nụ cười bắt Quốc phải cau mặt vì có gì hơi giống Duyên của chàng, từ mầu tóc, lối buộc tóc ra đằng sau, vừng trán thanh khiết. Tất cả như có gì phảng phất hình ảnh của người yêu xưa làm Quốc giật mình choáng váng mất một giây.
Sợ cô gái ngỡ rằng mình cố ý tìm cơ hội để làm quen như có nhiều trường hợp đã xảy ra, Quốc vội vã quay đi. Người ta chỉ giống Duyên vậy thôi chứ đâu có phải là Duyên, đâu có thể là Duyên, sao Quốc lại bận lòng. Đã bảo từ mười năm nay đàn bà đối với chàng chỉ là một thứ nấm độc, càng đẹp, càng quyến rũ, càng độc, càng phải bước tránh xa cho mau.
Đến một quầy khác, cách cái quầy trước quãng một trăm bước. Quốc nhìn thấy có mấy quyển sách nói về thuyết linh hồn truyền sinh. Chàng đứng dừng lại để nhìn kỹ tên tác giả, tên nhà xuất bản và giá tiền đằng sau. Đáng tiếc là người ta bọc quyển sách kỹ quá, chỉ còn cái bìa qua làn giấy bóng kính mà không cho nhìn vào nội dung. Quốc phân vân không biết có nên mua hôm nay hay để chờ một lần khác. Tuy đây là loại sách không sợ bị ai dành, vì thời buổi nầy đành rằng vẫn còn có một số người thích nghiên cứu, nhưng số người ấy chỉ là số ít và họ cũng chẳng ra đường mỗi ngày.
Vừa ngước lên, Quốc lại thấy cô gái ban nãy đứng cạnh mình, cô gái lại mỉm cười, nụ cười làm quen, nụ cười hỗ trợ cho câu hỏi tiếp theo cùng mang chung một mục tiêu.
- Có đắt không? Giá bao nhiêu vậy?
Câu hỏi trống trơn không thưa thốt, chứng tỏ sự rất muốn làm thân mà chưa vào đề được, bắt buộc Quốc phải trả lời.
- Không... cũng vậy, sách mới, chắc cũng một giá với các hiệu sách, có thể rẻ hơn một tí...
Giọng Quốc bình thản, hơi lạnh lùng chàng không muốn cô gái ngỡ rằng mình đã cố ý dừng mua sách để chờ cô ta đến. Sợ cái cơ hội được tạo ra nếu cứ kéo dài, Quốc vội vàng tiến về phía ông già bán sách đang ngồi tán gẫu với bà đồng nghiệp ở quầy sách bên cạnh, để trả tiền. Định quay đi thì cô gái đã đứng chặn ngang trước mặt.
- Ông thích loại sách nầy lắm phải không?
- Cũng thích.
- Tôi rất tiếc là với cái loại khó tiêu nầy tôi chẳng có một ý niệm gì cả. Chắc tôi phải tìm người hướng dẫn. Ông có ở gần đây không.
- Khá gần.
- Tôi cũng ở gần đây, thế ra chúng ta là người đồng cư một quận nhỉ, thế mà đi chợ sao chẳng bao giờ gặp ông? Khi nào ông rỗi đến nhà tôi chơi, tôi chắc ông thạo về vấn đề linh hồn truyền sinh nầy lắm nhỉ.
- Đại khái.
Thấy cô gái cứ như muốn tiến tới, muốn giữ chân mình lại không cho rời, Quốc đang phân vân, chưa biết phải tính sao để rút lui. Xin lỗi kêu có hẹn, bận, rồi rảo đi thật nhanh hay là chịu mất thì giờ nghe cô ta líu lo. Đúng là có sao đào hoa chiếu mệnh. Mười năm nay tránh được, không để vướng chân, quả cũng phải bản lĩnh lắm. Từ độ sang đến đây chàng cũng đã từng bị vướng không biết mấy lần, may quá lần nào rồi cũng thoát được. Với người ngoại quốc, chàng có một phương pháp nói thẳng, gọi là trải bài xuống mặt bàn. Ngay từ khi mới gặp, phải cho các cô và gia đình họ biết rằng tôi không thể cưới người ngoại quốc, tôi còn mẹ già chờ ở nhà. Người ngoại quốc dầu đen hay đỏ hay trắng đối với chúng tôi cũng đều là... xa lạ nếu không muốn dùng chữ man di. Cưới ai là phải cưới luôn cái văn hóa, cái giáo dục, và cả những căn bệnh di truyền của họ. Gặp một giòng họ có máu ăn cắp hoặc bạc bài, thích xài của người hoặc đã từng lừa gạt ai cho người ta sa cơ lở bước, tù tội hay mắc bệnh thì con cháu mấy đời sau cũng còn phải rước cái máu ấy vào mình.
Nhờ cái lối ăn nói trắng trợn mà Quốc đã chuẩn bị ghi sẵn lên giấy học thuộc lòng nên gặp nhiều cô có tự ái mạnh là dội ra ngay, đỡ mất thì giờ. Với những người có tư cách mà chính Quốc cũng cảm thấy lòng mình hơi rung động thì chàng sẽ nói nào là mẹ tôi không nói được tiếng Pháp mẹ tôi chỉ có một mình tôi là con thừa tự, mẹ tôi khó tính, mẹ tôi sợ con dâu ngoại quốc... tả oán đủ mọi điều quy hết lỗi lên mẹ. Nếu ai có thích vui chơi, xem như một thứ tình qua đường thì được, nhưng nếu cố ý bôi keo bôi nhựa vào sàn cho dính giày tôi thì tôi sẽ vứt luôn cả đôi giày mà chạy trốn.
Với người Việt Nam khó đưa cái lý do mẹ sợ dâu đầm, thì Quốc lại khai là mình nghèo, kêu ầm lên sự không bằng cấp không địa vị. Nếu cần thì cứ chân thành mà thú thật ngay rằng tim mình đã bị xiềng xích bằng một thứ xiềng xích mà chỉ có cái chết may ra mới cởi được. Tim mỗi người chỉ có thể khắc lên một lần, một hình ảnh mà thôi. Một vài cô tự tin và kiên nhẫn đã phô bày đủ mọi chiến thuật và chiến lược mang tất cả các thứ binh pháp đông tây để tìm cách phá vỡ mặt trận mà: "quân ta đã đẩy lui kẻ thù một cách anh dũng". Cuối cùng không thể chờ đợi, vì sợ tuổi xuân tàn tạ, các cô đều phải rút lui sau khi đã tự an ủi bằng một câu: "cái thứ đàn ông ấy thiếu gì, mang giỏ cần xế ra hốt cũng không hết".
Chiều nay, Quốc hơi cảm thấy cô đơn khắc khoải. Có phải tại mầu lá thu, tại hương lá thu, tại buổi chiều đến sớm hay tại một lý do gì khác. Phải cô đơn lắm Quốc mới chịu đi lang thang ra bờ sông Seine lâu như thế nầy. Nếu không thì chàng đã ngồi nhà đọc sách, hoặc nghe nhạc mà suy tư vẩn vơ.
Đang trong tình trạng trống trải nầy mà có một cô gái cứ tấn công đến, thôi thì mặc cho cô ấy tấn công. Qua một buổi chiều, ngày mai đi làm việc lại, đâu sẽ vào đó. Ngày chủ nhật cũng như ngày lễ đặt ra để thỏa mãn những kẻ có gia đình, có vợ con, cho họ được dịp để gặp nhau, sống gần nhau. Với những người độc thân, ngày chủ nhật và ngày lễ chỉ gây thêm vấn đề rắc rối, lắm khi còn làm buồn hơn. Chẳng dám đến nhà ai sợ biến mình thành cái vật chướng ngại, mà cũng chẳng ai thèm đến nhà mình vì người ta còn bận hạnh phúc hay là bận cãi nhau. Đâu có ai thèm nhớ đến mình, chưa kể sự ghen tuông vì chàng độc thân, không vợ, người đàn ông nào cũng ngại ngùng, sợ vợ mình yếu đuốị..
Cô gái đi song song bên Quốc, hướng nhìn đến phía nhà thờ Notre Dame, một hồi chuông chiều đang ngân vang báo giờ cầu nguyện.
- Sáu giờ rồi, angelus đổ rồi.
Cả hai cùng đưa tay ra nhìn đồng hồ, thỉnh thoảng cô gái lại liếc mắt sang phía Quốc, càng nhìn càng cảm thấy mình thích những nét khắc khổ và cái thái độ không thèm xun xoe của chàng trai nầy. Franscoise, tên cô gái, bỗng có ý định rủ Quốc vào nhà thờ cầu nguyện.
- Chúng ta vào dự buổi nhạc lễ chầu ở Notre Dame đi anh. Tôi phải gọi anh là gì?
- Quốc.
Quốc miễn cưỡng khai tên, chàng đâu có muốn đi sâu hay là quen thân với ai. Đã bảo đàn bà chỉ làm mất thì giờ, niềm vui tìm bên người đàn bà chỉ là niềm vui tội lỗi, gượng ép, vẩn đục. Trừ một người trong cuộc đời của mỗi người đàn ông... Đó là ý nghĩ Quốc vẫn mang ra để bảo vệ cho mối tình của mình với Duyên từ 10 năm nay.
- Kụ.. ác... đúng không? Còn tôi là Franscoise.
Quốc hơi mỉm cười, nụ cười khinh bạc của người Á Đông có chiều sâu, đối với man di da trắng. Trong nụ cười có nghĩa là... chúng bay biết gì, ngày chúng bay con chuyền tay đánh đu trên cành ăn quả, gọi nhau chí chóe, thì chúng tao đã có một nền văn hóa, văn minh, và kỹ thuật vững chắc. Nghe cô gái uốn giọng gọi tên mình một cách tội nghiệp, Quốc thấy thương hại và chịu nhận là mình hơi ác với người ta. Chàng quay hẳn người, nhìn kỹ, quả cô nàng có gì mang máng gợi hình ảnh Duyên.
Coi chừng, cô nầy sẽ mở cuộc tấn công, một cuộc tấn công có tầm vóc đáng ngại. Quốc nghĩ thầm và đang tìm cách đối phó. Lo trước đi thì vừa, để quá muộn, khi địch đã chui vào nằm vùng, bố trí ngay trong doanh trại ta thì chỉ còn có nước kéo cờ trắng lên mà đầu hàng gấp. Không chơi đâu. Quốc sẽ có cách đối phó. Tí nữa, ngay trong nhà thờ ngay trước mặt Chúa, Quốc sẽ bảo cho cô gái biết rằng tim chàng đã có người giữ lấy mất rồi, và tâm hồn cũng bị xích lại rồi. Tất cả mọi người đến với tôi đều chỉ là để giúp tôi sống mà nuôi dưỡng mối tình ấy cho hết kiếp mà thôi. Vài tháng nữa tôi sẽ về xứ, về ở hẳn, về luôn, không trở lại. Đừng ai theo tôi mất thì giờ.
Đấy, Quốc sẽ nói như thế, liệu Quốc có can đảm nói, nhưng sao lại không, nếu từ đầu mà không phũ phàng thì về sau mắc nghẹn khó nói.
Mà cũng lạ, tại sao đối với cô gái nầy, chưa có gì mà Quốc đã vội dàn binh bố trận dữ quá vậy. Quốc sợ gì, cô ấy có gì để sợ. Hay vì theo kinh nghiệm những anh chàng nào gần về xứ thường dễ bị mắc bẫy? Hay vì cô gái có gì phảng phất nét của Duyên, người ta vẫn đi tìm kỷ niệm để sống, một thứ "thương hại vi lạc" lấy sự cào cấu cho đau làm niềm vui chăng.
Vào trong nhà thờ, Franscoise quỳ xuống làm dấu Thánh Giá, dáng dấp thùy mị, nàng cố nhớ lại những gì người ta dạy cho lúc bé đi rước lễ chứ sau nầy, có bao giờ cô nàng trở vào nhà thờ đâu. Quốc vẫn đứng yên. Franscoise biết rằng anh chàng không phải đạo Chúa. Cô gái nghĩ thầm đây lại là một chướng ngại nữa, nhưng chẳng sao, cô gái vẫn đầy tự tin, chưa bao giờ thất bại, ngay từ đầu Franscoise đã nhận thấy cái thái độ lạnh lùng cố ý của Quốc, nhưng nàng sẽ đủ tài đối phó.
- Chúng mình đi tìm đèn đốt anh nhé.
- Không có đèn, đốt làm gì vô ích.
Quốc cố nói cho thật dễ ghét để tháo bẫy, nhưng cô gái như không nghe, cứ lờ đi, hai bên đang muốn so tài với nhau xem ai thắng ai bại.
Quốc nhìn quanh không thấy chỗ nào bán đèn, chàng vui mừng. Kỵ nhất là vào nhà thờ đốt đèn, ngộ nhỡ các cô cầu nguyện xin cho mình rơi vào cái bẫy của họ, rồi ngộ nhỡ như Chúa hoặc Đức Mẹ có đấy, và các ngài nghe được mà chấp thuận thì sao. Mình lại phải thủ ngay một cây đèn đốt liền sau đó để xin Chúa giải cho. Nhà thờ nầy không xin được, lại phải đi nhà thờ khác... rắc rối.
Đời Quốc chỉ đi đốt đèn với Duyên có một lần ở nhà thờ Đức Bà, hôm ấy Duyên có cầu nguyện, chẳng biết nàng đã cầu những gì, chắc nàng cầu lạy Chúa xin bắt anh chàng phải yêu con suốt đời, và lời cầu đã được chấp thuận.
Quốc thở dài từ sau nầy chàng thề không bao giờ chơi dại nữa. Nhất là có cái điệu bắt cả hai tay cùng nắm chung một cây đèn cắm xuống, eo ôi, khốn khổ, thế mà bảo Chúa không cảm động sao được.
Tiếng nhạc đại phong cầm vang lên nghe thật lôi cuốn. Cây đại phong cầm nầy nổi tiếng, cũng ngang với cây phong cầm ở nhà thờ St Sulpice, các nhà nghệ sĩ chuyên về phong cầm suốt đời chỉ mơ được đến đánh vào cây đàn một lần rồi chết mới mãn nguyện. Nhất là nếu được mời đàn cho một buổi lễ lớn thì chết ngay sau đó cũng vui. Tiếng đàn thoát tục, chung quanh có nhiều người đang quỳ xuống lẩm nhẩm cầu kinh. Một vài thanh niên còn ít tuổi cũng mà cũng vào quỳ, Quốc cảm động nghĩ thầm những anh chàng nầy phải là những người quê quán ở các xứ Đông Âu cộng sản mới vượt tuyến đây chăng. Chỉ ở những xứ cộng sản mới còn tin tưởng, vì cái thiên đường cộng sản nó quá đỗi địa ngục nên mọi người muốn đi tìm chốn thiên đường mà họ đã bị cướp mất. Các nước tự do vì quá tự do nên cũng đánh mất cái thiên đường tinh thần của mình, chỉ còn cái thiên đường xa hoa vật chất mà thôi.
Nếu muốn giữ con chiên thì cứ giả vờ cấm không cho đi nhà thờ, không cho tin, ai tin sẽ phạt, thì con chiên sẽ kéo đến ùn ùn cho mà thấy. Đấy chỉ là những ý nghĩ mâu thuẫn điên rồ, ai đọc được chắc họ sẽ cho Quốc là thằng vượt nhà thương điên.
- Anh nghĩ gì vậy?
- Chẳng nghĩ gì cả.
- Tôi đang nghĩ đến một cảnh thiên đường.
- Có cái của ấy à?
- Có chứ.
- Ở đâu?
- Giờ phút nầy đang rực rỡ trong tôi.
Quốc im lặng biết cô gái sắp mở cuộc hành quân, tấn công vào vị trí tim ta, chàng phải lo dàn binh tìm cách đẩy lui phe địch. - Tôi đang nghĩ đến chốn địa ngục.
Franscoise nhanh trí vồ ngay lấy ý nghĩ của chàng, sự nhanh trí của cô gái làm Quốc ngờ rằng cái chiến thuật nầy cô gái đã từng tung ra với những chàng trai khác. Đời vẫn thế, tự điển nào cũng chỉ có mấy chục nghìn, hay trăm nghìn chữ. Những lời yêu đương, những câu nói giữa một đôi trai gái lại càng nhàm hơn nếu ai thử đặt máy ghi âm thâu lén một nghìn đôi thì sẽ thấy có ít nhất cũng chín trăm chín mươi tám đôi đã nói giống nhau, làm giống nhau. Tất cả đều chỉ là một sự nhắc lại mà lắm khi chính người nhắc lại cũng không biết.
- Địa ngục lắm khi còn khêu gợi hơn thiên đường, anh biết không. Quốc hơi nhếch mép cười, nghĩ thầm, con bé quá quắt đến thế sao, ta phải huy động toàn lực lượng ra mà chống trả mới được.
Ở nhà thờ ra, Franscoise rủ Quốc vào ăn trong một quán ăn nổi tiếng là xinh xinh ở ngay đấy. Nếu tìm được chỗ gần cửa sổ thì có thể nhìn ra sông Seine. Mùa đông người ta đốt sưởi bằng lửa củi, để cho những ai muốn tìm nguồn cảm hứng trong tiếng củi nổ lách tách, và nhìn ngọn lửa bập bùng nhảy múa và những làn ánh sáng trên ánh mắt người đối thoại. Đệm vào còn có tiếng nhạc cổ điển rất khẽ, không làm bận câu chuyện, tất cả những yếu tố tạo ra để kéo hai con người ngồi lại gần nhau hơn.
Trời mới chớm thu, không làm gì có lửa trong lò sưởi, giảm mất đi một yếu tố, biết vậy nên Quốc không ngại, cứ vào. Ở đây chẳng có gì đáng ăn Quốc cũng chẳng đề nghị đưa đi nơi khác. Chỉ là một sự quen biết qua đường thôi, cần gì phải cầu kỳ, Quốc không hề có ý định gặp lại cô gái, mặc dầu biết rằng cô gái sẽ còn bám vào mình nữa chứ chẳng chịu buông ngay đâu.

Sáng thứ bảy. Quốc nằm lười biếng trong chăn nghe nhạc và nghe tin tức. Không còn gì thú bằng, nghĩ đến mai là chủ nhật, còn suốt ngày hôm nay và cả một ngày mai để được lười biếng như thế nầy nữa, viễn ảnh sáng tươi. Quốc chưa có ý định làm gì ngày hôm nay, tí nữa dậy pha một ấm trà ngon uống xong rồi sẽ tính sau. Cũng khỏi phải cần đi mua bán, trong tủ lạnh còn đủ thức ăn để "cấm trại" được cả tuần lễ.
Buổi chiều tan sở đi ngang siêu thị khi thấy vắng khách là Quốc ghé vào, mua sẵn các thứ để phòng khi lười, hoặc bận. Người Việt Nam lại còn một thứ chợ chỉ chuyên bán các thức ăn dành cho người Á Đông mà người Âu không biết tới, nhờ thế mà bao nhiêu người rời Việt Nam nhưng vẫn không thấy thiếu thốn gì cả, nếu vắng thứ chợ nầy chắc đã có những người phải dọn về.
Tiếng nhạc vừa ngừng chuyển sang phần tin tức. Quốc đang lắng nghe xem có tin chiến sự gì ở Việt Nam, từ mấy năm nay chàng chỉ sống với cái máy vô tuyến điện. Lùng hết các đài xa gần để bắt cho được và biết cho đủ những tin tức có liên quan đến quê hương.
Quốc vừa rửa mặt cạo râu xong, ngồi cạnh ấm trà đang vừa nhấm nháp vừa suy tư vì một bài bình luận về tình hình chiến sự tại Việt Nam do một ký giả thiên cộng sản, chàng đang bực mình, nhận thấy sự thiên vị của mọi người đối với cái miền Nam thân yêu của mình, bỗng có tiếng bấm chuông. Ngạc nhiên chẳng biết khách nào mà đến sớm, nhất định không phải là khách thường ngày rồi.
Quốc ra mở cửa, lặng yên một phút vì người khách không chờ đợi nầy là Franscoise, cô gái mới quen hôm tuần trước, và chàng không hề mời đến.
- Em có làm phiền anh không?
Cô gái không dùng lối xưng hô khách sáo của những người mới quen hôm tuần trước. Lệ thường, muốn đổi cách xưng hô là phải có sự thỏa thuận của đôi bên, phải có vài câu giáo đầu làm nghi thức, đằng nầy cô gái cứ tự tiện, đặt Quốc vào thế kẹt.
- Cũng chẳng có gì phiền, tôi chưa có chương trình.
Franscoise mặc chiếc váy mầu xám nhạt, trên là chiếc áo hồng mỏng bên ngoài khoác tấm áo len xám đậm, trông cũng khá nhã nhặn. Nàng bước vào quan sát gian phòng của Quốc một cách thích thú.
- Chương trình hôm nay anh định làm gì? Nhà anh bừa bãi quá, để em giúp anh dọn dẹp nhé.
Thôi dọn làm gì, đi chơi.
- Em chẳng đi chơi, em thích dọn nhà lắm.
Quốc mím môi để nén một ý nghĩ yếm thế. Chàng vốn không thích ngồi chứng kiến người khác dọn nhà. Lệ thường chàng chỉ giao chìa khóa cho bà gác gian, đợi lúc chàng đi vắng thì lên dọn dẹp. Hôm nay bà ta đi nghỉ hè nên nhà mới bừa bãi như thế nầy. Quốc chẳng biết quyết định thế nào với cô gái. Chàng vốn kỵ sự hai người cùng dọn nhà giống như vợ chồng rồi, mà chẳng lẽ ngồi nhìn người ta dọn cho mình làm chủ nhân ông. Chàng cau mặt suy nghĩ một lúc rồi trả lời nhanh:
- Muốn làm gì thì làm.
Franscoise vui mừng chạy vội vào góc, cởi áo khoác máng lên, lấy một cái khăn lau tay treo sẵn ở bếp, buộc vào che phía đằng trước cho khỏi bẩn áo rồi đi tìm xà phòng, dọn góc nhà bếp trước.
- Hết xà phòng rửa bát rồi sao anh?
- Không biết, xem đấy.
Cô gái đến mở cái ví của mình soạn ra một cái ống dầu rửa bát nhỏ thứ hàng quảng cáo mà nàng đã cố ý cất vào từ hôm qua, đoán trước rằng sẽ có ích. Cô gái còn mang theo cả bao tay và một vài thứ cần thiết khác.
Quốc nhìn cô gái soạn các thứ từ trong ví ra bằng đôi mắt ngại ngùng. Con bé nầy bản lĩnh siêu việt, rồi bỗng Quốc mỉm cười tự chế riễu mình đúng là thứ trai già bi quan, yếm thế, chỉ sợ người ta cướp mất cái tự do của mình, sao không chịu nhìn lấy cái khía cạnh tốt đẹp mà cứ nhìn cái khía cạnh xấu làm gì.
- Chén đĩa của anh nó phát mốc lên rồi đấy.
- Tại bà gác gian đi nghỉ hè lâu quá.
Cô gái lắc đầu thở dài một mình. Tiếng thở dài an phận của những bà vợ hiền khi thấy chồng hư mà không rầy rà được. Rửa xong đống bát đĩa, xếp gọn đâu vào đấy, rồi quay sang chùi lò và cái tủ lạnh, sau đó là tính chuyện đổ rác. Nàng đi nhặt một tờ báo trải ra rồi đi quanh phòng thu hết những cái gạt tàn thuốc mang đổ chung với nhau, định gói gọn lại. Quốc trông thấy chạy đến giật lại.
- Cô để cho tôi, cô đi làm chuyện khác.
- Em làm giường vậy, cần thay khăn trải giường không?
Chẳng đợi câu trả lời, cô gái cứ tự tiện đến nắm mấy tấm khăn kéo xuống hết, rồi đến mở cửa sổ ra phơi tấm thảm trải giường.
- Coi chừng, chúng nó mà thấy phơi lâu là chúng nó kêu ầm lên sợ mất vẻ mỹ quan của Ba Lê.
- Em chỉ phơi một lúc thôi cho tí mặt trời nó ướp vào ấy mà.
Nói xong cô gái quay vào gấp gọn những tấm khăn giường bẩn rồi ngơ ngác tìm những chiếc khăn mới. Quốc không muốn cô gái biết hết ngóc ngách nhà mình nên phải đứng dậy đi lấy hộ. Vứt xong mấy gói rác, Quốc định đến giúp cô gái làm giường nhưng Franscoise không chịu.
- Tôi ghét ngồi nhìn người ta dọn nhà trước mặt tôi lắm.
- Em đâu phải là người ta. Thì anh đi xuống đường mua hộ em cái gì vậy. Anh mua hộ em...
- Thức ăn có sẵn rồi, nhưng không nên ăn nhà, ra ăn ngoài vì bếp mới dọn, ăn nó bẩn phí đi. Cô gái bật cười vui thích, Quốc chợt tìm ra một ý chàng reo lên.
- Tôi đi mua tờ báo.
Tìm được lý do để ra khỏi nhà, Quốc vui mừng sung sướng như thoát nợ, lúc về thì thấy cái gì cũng đã xong. Bụi dưới thảm cũng đã hút, Franscoise đang thu xếp cái máy hút bụi. Trông căn phòng khác hẳn với những ngày hôm trước.
- Anh về rồi sao? Bây giờ đến lượt em xuống đường.
- Mua gì?
- Em muốn mua ít hoa, nhà anh có lọ cắm hoa không anh?
- Thôi vẽ, chật nhà.
Quốc định nói thêm nhưng lại sợ tạo cơ hội thuận tiện cho cô gái.
- Thì em đi mua ít thức ăn vậy. Ghét ăn ngoài lắm, người ta hay dùng thứ dầu ăn rẻ tiền, thứ dầu hoa vàng, ăn vào hại sức khỏe lắm.
Quốc cắn môi để tránh những ý nghĩ ác mà chàng đã thủ sẵn.
- Muốn ăn gì tôi xuống mang lên cho.
Quốc hỏi Franscoise với giọng cố ý lạnh lùng để cô nàng chớ vội tưởng rằng đã thành công, cô gái hầu chẳng thèm để ý.
- Ừ thế thì anh xuống mua hộ em ít thịt bò, cà chua, hoa quả và...
- Những thứ ấy có cả rồi, tôi mới vứt vào tủ lạnh hôm qua, mở mà lấy, nếu chỉ cần có thế.
- Hay quá, thế thì bây giờ em đi làm bếp cho anh .

Quốc nhìn quanh, chịu là con bé nầy thu dọn sạch và gọn hơn bà gác gian. Ghê thật nó đưa miếng võ Hiền Thê nhử anh hùng ra đây. Để xem chưởng của ai cao hơn, phe ta hay phe địch sẽ thắng. Quân ta bách chiến bách thắng, sẵn sàng nghênh địch, quân ta có nỏ thần. Quốc chợt nghĩ đến cái nỏ thần của Triệu Đà, chàng chợt mỉm cười khi nghĩ tiếp đến Mỵ Châu đã nghe lời dụ dỗ của Trọng Thủy. Chàng thường hay đặt vấn đề với các bạn rằng khi yêu nhau mà đã chủ mưu một việc gì thì đâu có phải là yêu. Dầu là một thứ mưu bé nhỏ như nhắm bố vợ có thể giúp đỡ, hay là nhắm của hồi môn, nhắm cái khéo cái tài cũng không còn là tình yêu nữa. Bản án ly dị hay bản án tử hình như Trọng Thủy với Mỵ Châu đã tuyên ngay từ hôm đám cưới. Trong quyển sách Ấn Độ thời cổ có một câu rằng là: sự gần nhau đồng thời cũng là sự đào hố để xa nhau, đúng.
Trong khi Franscoise vào phòng tắm để rửa tay và tô điểm lại nhan sắc, Quốc thấy cô bé còn bỏ quên, vô tình hay cố ý, đôi bao tay rửa bát ở cạnh bếp. thế nầy tức là cô nàng đã tính chuyện sẽ trở lại dọn dẹp một lần hay nhiều lần khác nữa, rồi từ từ sẽ mang luôn cả va li quần áo xuống trấn ngự đây luôn cho mà xem. Đâu có dễ như thế được nhỉ. Quốc đang suy nghĩ tìm cách đối phó, Quốc thốt ra một câu rất tầm thường,có lẽ nhiều người trong hoàn cảnh nầy cũng đã nói ra câu ấy.
- Đàn bà giỏi thật...
- Cái ấy đã hẳn, anh không biết sao, đàn bà muốn là trời muốn, và người đàn ông bao giờ cũng phải có người đàn bà bên cạnh không thì giống như bồ côi bồ cút...
Cô gái vừa trả lời Quốc vừa tiến lại phía bàn ở đầu giường ngủ, cầm quyển sách mà nàng thấy Quốc mua hôm nọ mang lại cho Quốc, muốn bắt chàng giảng qua cho mình.
- Khiếp anh đọc gần xong rồi sao?
- Sao cô biết?
- Thấy những nét gạch xanh, đỏ ở trang gần cuối. Anh giảng cho em nghe.
Nói đến đây, chợt nhìn thấy cây sáo trên tường, cô gái bước nhanh đến gần đưa tay lấy xuống.
- Anh biết thổi sáo nữa cơ à, nhưng sao để bụi thế nầy?
- Sáo vỡ rồi, lâu lắm tôi không sờ đến nên bụị..
Franscoise mang cây sáo xuống mở ví lấy chiếc khăn giấy ra lau bụi, hai tay nâng niu vì thấy cây sáo quả đã vỡ.
- Phí quá, để thế nào mà đến nỗi vỡ đi nhỉ?
- Tại bắt nó phải vỡ đấy chứ.
- Ô hay, sao anh lại tàn nhẫn đến thế?
- Có lý do, ở đời bất cứ một hành động điên rồ nào cũng có lý do.
Cô gái treo cây sáo lên chỗ cũ rồi đến kéo chiếc gối đặt xuống sàn ngồi lên, hai tay bó gối nhìn Quốc.
- Anh có thể nói cái lý do vì sao anh nỡ đập sáo, cho em biết được không?
- Tại người yêu bỏ mình đi lấy chồng.
Giọng Quốc rơi vào quãng trống. Một phút im lặng, hình như phải nhắc đến sự kiện nầy là một điều làm Quốc khổ sở. Franscoise nhíu mày ghi nhận ngay những nét thay đổi trên mặt người con trai. Cô gái bỗng muốn khóc, không biết tại sao mình lại muốn khóc. Phải cố gắng để gượng lại, khóc như thế nầy là vô nghĩa, đã ai nói thương yêu gì mình đâu. Nhưng tâm trạng phức tạp của con người làm sao giải thích được. Từ hôm gặp cái nhìn của Quốc, Franscoise như bị thôi miên. Ngày còn bé và mãi đến bây giờ, trong gia đình vẫn gọi đùa cô gái là bông hoa Đông, vì cô bé có mầu tóc nâu thẫm, và theo cái nhìn của người Âu thì đôi mắt hơi xếch. Ông bố vẫn bảo rằng có lẽ thủa quân đội Thành Cát Tư Hãn sang đánh Âu Châu thế nào chẳng lưu lại một vài giọt máu kỷ niệm. Xuống đến ngày nay.
Cô bé rất thích được nghe mọi người kể chuyện Á Châu, thích đọc những quyển tiểu thuyết của mấy ông Tây thuộc địa viết sách, đinh minh rằng sau nầy lớn sẽ lấy chồng Á Châu. Mấy lần Franscoise có dịp gặp những thanh niên Á Đông, nhưng chẳng bao giờ cô gái thấy mình bị xúc động mạnh như lần nầy. Mặc dầu cái thái độ đủng đỉnh bất cần của Quốc nhưng tình yêu lại ưa cái trò hú tim nầy, Quốc càng lạnh lùng, Franscoise lại càng say mê. Ở sở từ mấy hôm nay Franscoise không ngừng kể chuyện "mon petit prince", bắt mọi người phải nghe.
- Cô có biết chuyện... mà làm sao cô biết được, người Âu chẳng mấy ai biết đến văn hóa chúng tôị..
Giọng Quốc ngạo nghễ chàng vẫn không bỏ cái thói xem "man di da trắng" là còn thiếu xót nông cạn trong sự suy tư, cần phải được giáo hóa, nhất là phải biết tự giáo hóa lấy. Bây giờ sách vở đầy ra đấy, ai không đọc là què, cái chân què còn mang chân giả chứ cái óc què thì chịu. Chết xuống âm phủ mà bị chất vấn về văn hóa Á Đông mà không nói được là sẽ bị phạt bắt phải nuốt than hầm... Quốc hay tinh nghịch nói đùa với các bạn như thế. Franscoise kéo cái gối lại, dần dần ngồi sát ngay dưới chân Quốc chống tay cho tựa vào đùi Quốc, chàng để yên không từ chối, không rút chân về, cô gái biết rằng đã đi được nửa đường đất rồi đấy, cứ việc tiếp tục tấn công thế nào cũng hạ được thành.
- Anh dạy em đi, anh kể em nghe đi, nhận em làm cô học trò bé nhỏ của anh, em sẵn sàng học tất cả.
Duyên cũng đã có lần nói với Quốc những cầu nầy bằng tiếng Việt, nghe đậm đà và ý nhị hơn nghìn lần những chữ tu m'apprends? Oui, none t'en priẹ.. thốt từ miệng một cô gái Âu thì phải là bên tai cậu trai xứ ấy. Khỏi có sự phiên dịch ngầm ở bên trong mà chính mình không biết rằng mình đang phiên dịch để tìm chữ nào cho đúng cho hay.
- Thì kể. Nếu cô muốn...
Vẫn cái giọng trầm, cố làm ra lạnh nhạt khách quan, Quốc kể câu chuyện Bá Nha, Tử Kỳ cho cô gái nghe. Trước khi đôi bạn ấy gặp nhau đã có một trận cuồng phong, mà cuồng phong bao giờ cũng để báo một tin đại hồng hay là bão tố cho người biết trước.
- Cho tất cả mọi người sao?
- Không, chỉ cho một số người nào đó thôi.
- Số người đó là người nào?
Quốc nghĩ thầm, đúng là một lũ man di, cái gì cũng phải hai với hai là bốn mới chịu. Thế mà bảo cưới về thì hiểu nhau sao nổi, nhất là đến lúc về già, ông nhớ cây cau, bà nhớ cây táo tâỵ.. thảo nào mà... Nghĩ đến đây Quốc chợt ngừng, chàng quên hẳn cô gái đang ngồi dưới chân mình, đầu óc chợt trở về với bộ Kinh Dịch mà người xưa bảo phải đọc các thứ kinh khác đã rồi mới hiểu được quyển kinh nầy. Tình của hai người Á và Âu cũng vậy chăng. Ở Pháp, các cô lấy chồng Á Đông bao giờ cũng phải gặp hai ba ông Á Đông trước cho họ huấn luyện đã, chính các cô cũng nhận như vậy.
- Anh, nói đi, số người đó là người nào vậy?
- Một số người không tầm thường...
Cô gái im lặng cau trán hơi suy nghĩ, muốn hỏi thêm thế nào để được gọi là không tầm thường nhưng lại sợ anh chàng chê là man di da trắng, cái gì cũng phải vẽ ra giấy mới chịu hiểu.
Khi mới trông thấy Tử Kỳ, ăn mặc thô lậu thì Bá Nha không có vẻ xem trọng lắm. Tử Kỳ bảo. Đại phu cứ đàn cho tôi thử đoán, nếu có sai xin cũng đừng lấy làm lạ. Câu nói chứng tỏ sự khiêm tốn, nhưng vẫn tự tin, Bá Nha nối lại sợ giây đàn đứt trong khi Tử Kỳ nghe trộm ban nãy, chỉnh đốn dáng ngồi rồi mới bắt đầu đàn.
- Tại sao nghe trộm lại đứt giây đàn nhỉ?
Franscoise hỏi cắt ngang, nhưng Quốc không trả lời, tiếp tục kể nốt câu chuyện... Trước khi đàn, Bá Nha trầm ngâm một lúc, trí nghĩ đến non cao vòi vọi, sau đó mới cất tiếng đàn. Tử Kỳ đoán được ngay và lên tiếng khen sao nghe như non cao vòi vọị..
Bá Nha không nói gì, lại ngồi trầm ngâm một lúc, nghĩ đến giòng nước cuồn cuộn rồi mới dạo đàn. Tử Kỳ lại tấm tắc khen, hay quá nghe như giòng nước đang cuồn cuộn. Bá Nha buông đàn, bước đến gần Tử Kỳ, chắp tay xin lỗi: "Thất kính, thất kính, thạch trung khả tàn mỹ ngọc".
Sau đó hai người kết làm anh em, Bá Nha hai mươi tám tuổi, được làm anh. Mời Tử Kỳ cùng đi với mình, nhưng Tử Kỳ, vì nhà còn cha mẹ nên đã từ tạ, hẹn đến trung thu sang năm sẽ gặp lại nhau ở bến Mã Yên Sơn. Mùa thu năm sau, Bá Nha lo chuẩn bị cả năm để đón ngày tái ngộ, nhưng thuyền đến bến mà nhìn chẳng thấy bóng Tử Kỳ đâu. Bá Nha nghĩ bụng, chắc Tử Kỳ chưa nhận ra thuyền nào là thuyền của cố nhân, bèn so giây đàn, dạo một khúc, hy vọng rằng Tử Kỳ sẽ theo tiếng đàn mà nhận biết, nhưng đàn xong rồi mà sao tiếng đàn nghe buồn bã, u uất, ngỡ là Tử Kỳ đang gặp chuyện tang tóc gì chăng. Nhất là khi xưa, bạn có nói rằng còn cha mẹ già. Ngày mai Bá Nha dậy sớm, cùng tiểu đồng đi đến Tập Hiền Thôn là nơi mà Tử Kỳ đang sống với cha mẹ để tìm bạn.
Đi nửa quãng đường thì gặp một lão ông, đầu tóc bạc phơ đang tiến tới phía mình. Bá Nha hỏi thăm mới biết ông lão là cha của Tử Kỳ và Tử Kỳ đã chết đúng một trăm ngày. Trước khi chết dặn, phải chôn mình ở ngã ba đường, vì có hẹn gặp lại Bá Nha vào trung thu năm nay.
Bá Nha nghe nói xong đã ngất đi, ông đốt nhang cúng và tỉnh dậy than khóc làm động một lòng cả xóm. Trước mộ bạn, ông đốt ngang cúng và so giây, đàn lên một khúc cuối gọi là "Điếu Tử Kỳ". Người trong thôn nghe tiếng đàn cười ầm lên với nhau và bỏ đi. Bá Nha đàn xong, cắt giây đàn và đập đàn, cho rằng từ nay, không còn ai hiểu tiếng đàn của mình nữa. Hẹn với bố mẹ Tử Kỳ chờ mình về thu xếp công việc rồi sẽ trở lại đón hai ông bà già về ở với mình để phụng dưỡng thay bạn.
Câu chuyện Bá Nha với Tử Kỳ nầy có lần Quốc đã kể cho Duyên nghe, cố nhiên là với một cái tinh thần khác. Lần nầy là để giải thích câu chuyện đập sáo, Quốc kể rằng tiếng Pháp, cũng có ý để so cái tầm cảm xúc giữa hai người con gái Đông và Tây.
Ngày xưa, sau khi kể xong, Quốc nghe tiếng thổn thức nhẹ của Duyên. Cô gái đã gục mặt xuống bàn rồi chạy vội vào phòng sau, chùi đôi mắt ướt vì xấu hổ. Quốc hỏi Duyên sao lại khóc.
- Em thương cho hai người bạn ấy và thương cho em...
- Tại sao lại thương cho em?
- Em linh cảm một sự gì không vui sẽ xảy ra cho đời em, em sợ.
- Nói bậy.
Đấy là phản ứng của cô gái Á Đông, với Franscoise hôm nay thì sau khi nghe xong câu chuyện nàng hỏi ngay:
- Giá lúc ông ấy đàn xong trước mộ mà có một Tử Kỳ khác chạy đến khen ngợi hay là cùng khóc với ông ta thì chắc ông ta sẽ chẳng điên gì mà đập đàn anh nhỉ?
Phản ứng của cô gái khá đặc biệt, Quốc chưa kịp hiểu xem ý cô gái muốn nói gì, thì Franscoise lại tiếp ngay:
- Như anh, nếu nàng đi lấy chồng mà anh có sẵn ngay một cô bạn gái khác thì chắc anh sẽ chẳng đập cây sáo kia.
Quốc cau mặt, thầm tiếc sao cô gái lại nói câu sau tiếp theo làm gì. Cứ để câu đầu cho ai muốn hiểu sao thì hiểu, có phải đỡ phũ phàng,đỡ trắng trợn không. Nhưng Quốc nghĩ, chặc tại mình dịch không hay, không lột hết ý của câu chuyện nên mới xảy ra sự bất đồng tư tưởng như thế chăng.
- Quốc, em yêu anh.
Quốc giật mình vì lời tỏ tình cấp bách như một cuộc đột kích mà gián điệp đã ngủ quên không thông báo. Franscoise nói xong, ngã đầu vào đùi Quốc, ngước mặt lên chờ đợi. Quốc chẳng biết đối phó cách nào, chàng cắn môi rồi suy nghĩ nữa, cúi xuống hôn lên trán cô gái nhưng Franscoise giữ chặt Quốc bằng cách vòng tay qua cổ và không buông ra. Quốc đành chịu thua kéo cờ trắng, đầu hàng vô điều kiện.
Lạ lùng nhất là trong những giây phút cảm động vừa qua, Quốc vẫn thấy lòng mình chỉ hướng về người yêu cũ. Tất cả những hành động hôm nay với con người nầy cứ ngỡ như với con người kia. Trí óc Quốc đã bị bỏ tù, bị xiềng xích trong một hình ảnh. Không ai có thể đập vỡ những sợi giây xích nầy được, dẫu cho có được sự bằng lòng của Quốc. Ngạc nhiên hơn nữa là, sao đối với Duyên ngày xưa thì Quốc lại tỏ ra dè dặt, kính trọng, tự biết cách chế ngự con người, mà ngày nay, đối với cô gái nầy lại không như thế. Quốc vẫn nhớ đến hôm xưa có những lần Quốc phải đứng vụt dậy kéo Duyên ra vườn xem mấy gốc hoa Cúc. Giá ngày ấy Quốc cứ thả liều cho tình cảm chỉ huy thì bây giờ ra sao, hệt như tâm trạng của Kim Trọng chăng, nhưng chắc chắn là chàng sẽ không mất Duyên.
- Thể xác không phải là tình cảm, xin nhớ cho.
- Anh nói gì?
- Không, chẳng có gì cả.
Quốc không biết nói dối, nằm bên cạnh người con gái mà tâm trí chơi vơi nghĩ về hai người bạn xưa. Bá Nha và Tử Kỳ, thì ra Bá Nha chỉ đàn cho Tử Kỳ nghe có bốn lần mà thôi. Lần thứ nhất là khúc lâm vũ nội thứ, khúc Khổng Tử khóc Nhan Hồi, lần thứ hai để thử tài xem sự hiểu biết của Tử Kỳ đến đâu, lần thứ ba lúc chờ đợi Tử Kỳ ở Mã Yên Sơn, và lần thứ tư là khúc Điếu Tử Kỳ, đàn trước mộ. Trước lúc đập đàn. So sánh với mình, chàng tính nhẩm xem có mấy lần thổi sáo. Lần thứ nhất ở buổi dạ lễ, thổi khúc tiền tấu theo lối tức tịch cho bài Hạng Vũ biệt Ngu Cơ. Lối thổi nầy dễ gợi cảm nhất, vì con người có thể buông thả, cho mình được tự do trôi theo cái hứng độ của mình, và nếu lúc ấy mà tâm tư yên ổn hứng độ cao thì giọng sáo tha hồ mà du dương truyền cảm. Cố nhiên lúc ấy mà gặp được một tâm hồn đang sẵn sàng thâu nhận thì thế nào cũng phải có sự ý hợp tâm đầu, hay nói văn hoa hơn là sự giao duyên sau đó. Lần thứ hai, Quốc thổi bài con thuyền không bến cho Duyên ca theo, lần sau là khúc tịch dương tây trầm, rồi sau đó là những lần khác không đếm được nữa, có mấy lần Duyên đã khóc... cho đến ngày đập vỡ sáo.
Quốc thở dài, ngừng đến đấy, không muốn nghĩ ngợi thêm. Tội nghiệp cho Franscoise đang nằm bên cạnh, vẫn nghĩ rằng,chiếm được thể xác của chàng rồi là có thể dùng cái uy lực của thể xác mà chỉ huy và điều khiển cả cuộc đời thằng đàn ông trong tương lại. Nàng vẫn nhất định chỉ lấy chồng Á Đông mà thôi, mang ý tưởng ra nói với Quốc, chàng hỏi lại:
- Em không sợ rồi hai bên sẽ không hiểu nhau sao?
- Em tin rằng khi hai người yêu nhau thì không còn có biên giới nào nữa hết đâu anh.
Quốc lắc đầu, chàng không đồng ý, cố bé lạc quan, tự tin, và chưa có nhiều kinh nghiệm. Cứ bảo rằng không có biên giới nhưng nội mỗi một cái vấn đề ngôn ngữ thôi đã là một bức tường ngăn cách rồi. Như trường hợp chàng với Franscoise, đành rằng Quốc nói được tiếng Pháp, hiểu văn hóa Pháp, nhưng chỉ có một chiều, người con gái nằm bên cạnh không có một ý niệm gì về văn hóa Á Đông, nói chung, chứ chẳng cần phải nói riêng đến văn hóa Việt Nam. Nếu bây giờ mới bắt đầu học thì quả là muộn màng. Nếu bây giờ mới bắt đầu học thì quả là muộn màng. Học đến già, nghiên cứu đến mãn đời cũng không bằng người dân của xứ ấy.

Quốc bỗng như vừa khám phá ra một điều mới, thế thì tại sao một người Á Đông sang Âu Châu lại có thể học hỏi ngay, rồi hiểu biết tất cả, và chấp nhận tất cả. Hay chỉ riêng người Việt Nam là một thứ dân tộc khả thấu, vứt vào đâu cũng rung cảm, thông cảm được, sang đến xứ nào cũng sống một cách dễ dàng. Cái tính chất khả thấu nầy phát sinh từ đâu. Có phải mới từ một trăm năm nay khi bị đô hộ hay từ trước. Nếu bảo vì bị đô hộ cũng có một phần đúng, nhưng cũng chưa hẳn là đúng, vì bên cạnh, các nước láng giềng như Lào, và Cao Miên cũng bị đô hộ, mà mang ra thì cái khả thấu tính nầy chỉ thấy với người Việt Nam là mạnh nhất. Những người Việt Nam sang Âu cũng làm thơ, làm văn, có khi quên luôn cả tiếng mẹ. Nếu gọi sự khả thấu là một điểm ưu, đáng hoan nghênh, nhưng khi vượt đến cái độ không ngửi được mùi nước mắm, hay là ăn cơm sình bụng và nói tiếng mẹ đẻ một cách ngọng ngịu, thì cũng chẳng còn gì đáng kiêu hãnh nữa. Nó chỉ còn trơ ra cái hình hài của một tên con dân thuộc địa, được ưu đãi vì quá trung kiên với nền bảo hộ mà thôi.
- Anh đang nghĩ gì mà nghĩ dữ thế?
- Nghĩ đến vấn đề chủng tộc.
- Ừ, có gì...
Quốc không có ý định cãi với cô gái nầy, đúng là chưa gặp nhau mà đã thấy xa nhau, và lần nầy chàng lại có thêm một từng kinh nghiệm nữa qua những cuộc va chạm thử thách. Thế mà đòi xây dựng. Nhưng không muốn rắc rối với cô bé, Quốc đưa câu chuyện sang hướng khác.
- Nếu chỉ còn một ngày để sống thì em sẽ dùng ngày ấy để làm gì?
- Làm ái tình, chỉ làm ái tình mà thôi, còn anh?
- Đọc cho hết mấy quyển sách mua về mà chưa đọc. Anh có một thằng bạn viết văn, nó bảo rằng, nó sẽ ngồi viết suốt ngày hôm ấy, rồi gục xuống bàn để chết trên bàn viết như Pétrarque.
- Khiếp. Các anh biết hơn chúng tôi nhiều quá. Bây giờ anh chỉ cần hỏi đa số tụi con gái chúng em xem Pétrarque là người xứ nào, chắc chỉ có một số ít là dám trả lời. Xứ Ý phải không anh?
- Ông ta là một thi sĩ ở Toscane.
- Anh dạy em đi, tại sao ông ta được nổi tiếng, anh thích bài gì nhất trong tác phẩm của ông ta?
Quốc quay lại nhìn cô gái, nhận thấy một sự cố gắng của Franscoise đồng thời cũng là một chiến thuật khá khôn ngoan. Khi mình không làm thầy được thì làm học trò, đó là một phương thức để có sự trao đổi giữa đôi bên, nếu không thì sẽ là một sự giao duyên giữa hai con hến, nín lặng cho đến ngày chết mà thôi.
- Ông ta có một bài viết về cây bút mà nhà văn nào đọc lên cũng phải thích.
- Anh đọc cho em nghe.
- "... Chẳng có gì nhẹ nhàng bằng cây bút, và cũng chẳng có gì làm vui thích người bằng nó. Những niềm vui khác sẽ tan biến đi và trong khi vừa làm vui lại có thể làm đau. Ngọn bút kẹp trong tay làm ta vui lúc đặt xuống, nó cho ta một sự thỏa mãn, và nó không phải chỉ lợi ích cho người xử dụng mà còn cho cả những người khác, và thường là những người ở xa, có khi cách nhau hằng trăm năm...".
- Khiếp sao anh nhớ hay thế, em có cảm tưởng là nếu bây giờ nói ra một nhân vật khác chắc anh cũng sẽ đọc một tràng tác phẩm của họ như thế chứ gì. Sợ người Á Đông các anh luôn.
- Có gì mà sợ, cái gì thích mới nhớ chứ.
- Dạy em đi, để mai em ra khoe với lũ bạn trong sở, bây giờ anh biết vì sao mà em muốn lấy chồng Á Đông chưa? Để sau nầy đẻ ra những đứa con thông minh, nó sẽ mang cái thông thái của hai quốc gia.
- Nếu nó không mang cái thông thái mà chỉ mang cái ngu ngốc thì em bảo sao?
- Em không tin, con em vừa đẹp vừa khôn, em đã gặp nhiềụ..
- Chưa chắc...
- Anh gàn lắm, em tin chắc như thế, anh cứ thử đi hỏi mấy ông bác sĩ y học sẽ giảng cho anh nghe.
- Các ông ấy chỉ biết bệnh thôi chứ ngoài rạ.., theo anh, vấn đề con lai vẫn còn là vấn đề nan giải, hai quê hương đều từ chối.
- Em không đồng ý với anh, em tin chắc rằng chỉ trong vài chục năm nữa là thế giới sẽ đi đến chỗ bắt tay đoàn kết với nhau. Sẽ không còn chiến tranh, không còn biên giới, chủng tộc gì nữa hết. Nếu chúng ta lấy nhau hôm nay, thì sau nầy con chúng ta sẽ là những cán bộ tiền phong để đập vỡ bức thành kỳ thị ấy.
Quốc hơi ngạc nhiên nghe cô gái nói thao thao, biết rằng cô gái đã chuẩn bị những cái ý kiến nầy từ trước và có thể là đã nói lên hay là đã nghe một thằng nhân tình cũ nào xứ da đỏ da đen tán bằng những lý thuyết nầy để lay chuyển cô gái. Chàng chợt thấy mình ác, cũng ác như nhà văn hào Pháp, André Maurois. Ông nầy cho rằng sự hiểu biết của người đàn bà là do những cái từng lớp trùng tích vật của những lần quen biết nối tiếp với những người đàn ông đã yêu họ. Nhưng cái lập luận nầy là ngoan cố, là của kẻ ở trong tháp ngà, lạc quan một cách non dại, chưa đụng chạm với thực tế.
-Tôi chịu thôi, tồi về xứ tôi.
- Thì anh đưa em về với anh, em sẽ theo anh, em sẽ săn sóc mẹ anh.
Câu Franscoise vừa nói chỉ làm Quốc cảm thấy buồn, nhớ Duyên, sao giờ phút nầy câu nói nầy lại không thốt ra từ miệng Duyên Duyên, cái hình hài nằm cạnh mình hôm nay sao lại không thể là Duyên Duyên. Nhưng rồi Quốc kìm hãm những ý nghĩ ngông cuồng nầy lại, sắp về nước, sắp gặp lại Duyên, mà mình thì gàn dở như thế nầy. Chưa chắc gặp lại mà Duyên đã chịu nỗi mình.
Franscoise không phải là cô gái Âu thứ nhất đến nhà chàng xin phục vụ, nói yêu, nói thương. Nhưng sau khi nhìn thấy cây sáo vỡ, biết lý do tại sao nó vỡ thì cô nào cũng lặng lẽ rút lui, nhanh hay chậm. Một vài ngày hay một vài tuần sau. Chỉ có mình Duyên là không biết Quốc đã đập vỡ cây sáo ngày nàng lên xe hoa. Có bao giờ Duyên biết được không, có bao giờ hai người còn được ngồi tâm sự bên nhau không?
Trước khi từ giã nước Pháp, Quốc đã lang thang thật nhiều, trên khắp các nẻo đường phố nhỏ lớn, lê lết khắp các hiệu cà phê, từ hiệu rất sang, đến hiệu rất tồi, biết rằng rồi đây sẽ không còn có dịp nào đi trở lại nữa. Đời sống dài được bao nhiêu lâu mà bỏ ra cả chục năm đi lưu lạc xứ người. Thật là đắc tội với quê hương, với đất nước, nhất là khi còn cha mẹ già, chưa biết cha mẹ còn sống được đến ngày nào.
Phải chịu nhận là Ba Lê có một sức thu hút lạ kỳ, một thứ nam châm đã lối cuốn biết bao nhiêu người, đủ tứ xứ. Có những người say mê Ba Lê và chịu đánh đổi cả cuộc đời, nhưng Quốc không thuộc vào hạng những con người ấy. Quốc được nghe kể chuyện có một nhà sư Việt Nam sang Ba Lê, gặp được một thanh niên cơ cực, nhà sư bỏ tiền ra trả nợ và mua vé máy bay đưa anh chàng về xứ, xuống đến phi trường là anh chàng đã chửi nhà sư, và từ đấy chỉ ôm mộng trở sang lại Ba Lê.
Quốc không như thế, biết chắc rằng mình không phải sinh ra để sống ở ngoại quốc, con người chỉ khô cằn đi mà thôi, nếu có tươi tốt thì cũng là thứ tốt tươi của loại cây trồng trong lồng kính. Sự trở về với quê hương, nếu không có tài cán gì để mang ra giúp nước thì ít nhất cũng chia sẻ được sự vui buồn, lo âu hơn là nằm ôm cái máy truyền thanh để đón tin chiến sự. Mỗi khi nghe một biến cố nào lại thao thức mất ngủ, mất ăn.
Tình của chàng với Duyên ngày nay cũng đã trở thành một thứ cao quánh đặc, cô đọng lại. Quốc không còn bị quằn quại khổ sở như mấy năm đầu, nhưng chàng vẫn không thể yêu ai một lần nữa.
Con đường Tự Do chẳng thay đổi gì mấy, thêm vài ngôi cao ốc, một vài nhà hàng chưng bày rực rỡ hơn. Người ta chỉ dám xây cất ở những nơi khác. Vẫn hai dãy phố kênh kiệu bán các thứ hàng xa xỉ cho nhà giàu. Vẫn những tà áo thướt tha và rất nhiều xe gắn máy của Nhật Bản. Nhìn những hàng xe gắn máy ầm ỉ tung khói, Quốc vừa giận lại vừa thương cho con người của quê hương.
Quốc đi lang thang định thả bộ từ bưu điện mà ra đến bến tàu để ngồi nhìn sông nước, vừa để nhìn người ta sống, đủ các kiểu sống. Một trong những thú vui của Quốc là ngồi nhìn người đi đường qua lại, cái thú muôn thuở của kẻ độc thân, có tâm hồn phức tạp. Uống trà trong quán nhỏ vỉa hè, để nhìn người qua lại, xem tướng cái đô thị mình đang ở. Chỉ có ngồi như thế mới tận hưởng được cái thú vui, phán xét được những khía cạnh độc đáo của một dân tộc. Nó được phát hiện trên nét mặt giáng đi của đủ hạng người, từ một anh chàng thất nghiệp đi tìm bà nhà giàu để bán thân, đến một cô gái đi khoe nhan sắc, một phú ông đi kiếm thằng bờm để lừa đảo cho được phú thêm.
Các bạn cũ đã đi xa làm ăn, mỗi người một nơi, và hầu hết đều có gia đình mà như cố nhân đã nói, thê tróc tử phọc, vợ cột con trói, một khi đã bị rượt bắt phải đi làm tiền và bị trói để mang đủ tiền về phụng sự thì thằng đàn ông chỉ còn biết nhắm mắt tuân lệnh cho yên thân. Thì giờ đâu nữa mà chia cho bạn bè.
Quốc về quê hương vừa đúng một tuần, cả từ tinh thần đến thể xác đều đang còn bỡ ngỡ, hoang mang, lắm đêm thức dậy, không biết mình đang nằm ở đâu. Phải định trí lại mới nghe được những tiếng động khác biệt của đêm giới nghiêm ở Sài Gòn, một đô thị đang được tô điểm bằng chiến tranh, nó khác hẳn với những đô thị thanh bình trên thế giới mà từ mươi năm nay Quốc đã quen thuộc. Thì ra Quốc đang ngủ với quê hương, ngủ trên quê hương, trong vòng tay quê hương. Có những lần thức giấc, Quốc chỉ nghe im lặng, không một tiếng xe, không một tiếng người, thứ im lặng vời vợi của đêm giới nghiêm mà người dân thanh bình khó biết, sự im lặng miễn cưỡng như nung nấu, như chờ đợi, và lúc tan giới nghiêm như là một tiếng nổ bùng lên của người nhìn thở vừa được cho phép thở.
Năm giờ chiều, nắng đã bớt gay gắt, gợi lại những chiều hè nóng nhất ở Paris... Hình ảnh Paris như đang lùi dần, lùi dần, hình ảnh mỗi ngày một nhạt mờ trong ký ức.
- Anh Quốc đấy phải không?
Quốc ngước lên, ngơ ngác tìm, giọng nói quá quen thuộc. Vẫn không thay đổi, cái giọng nói mà ngày xưa Quốc đã có thiện cảm ngay từ đầu, ngay từ khi nghe gọi tên mình lần thứ nhất.
Trước mặt chàng giờ nầy không phải là một thiếu nữ e ấp trong chiếc áo tím ngày xưa, mà là một thiếu phụ lộng lẫy, xinh đẹp đi với hai đứa con, một trai một gái. Hai người nhìn nhau, quá khứ như một mũi tên vùn vụt bay về, mang theo bao nhiêu là hình ảnh. Kỷ niệm nhảy múa, tranh dành, chen chúc để được rõ rệt trong tâm tư của mỗi người.
Quốc choáng váng vì người đàn bà quá đẹp và cũng vì sự không chờ đợi gặp lại người yêu hôm nay, đúng ngày giờ nầy. Một tiếng chuông của định mệnh báo giờ thứ 25 mà mỗi người chỉ được nhận có một lần trong cả cuộc đời.
- Anh về từ hôm nào?
Duyên gọi Quốc mà chưa dám tin rằng người đứng trước mặt mình là Quốc, trông anh chàng to lớn hơn xưa, hơi già đi. Nàng cũng chỉ sợ Quốc không nhận ra mình. Người đàn bà bao giờ cũng chóng già hơn người đàn ông, nhất là khi phải thay đổi hết cả nếp sống cũ, thay cả cái lề lối của cuộc đời. Từ một thiếu nữ lãng mạn, vô tư trở thành một bà bác sĩ với bao nhiêu bổn phận với chồng với con, với xã hội, với cả chính bản thân mình.
- Tôi về một tuần naỵ.. Duyên... bà vẫn thường chứ, các cháu đây phải không?
- Anh cứ gọi là Duyên như xưa có được không? Tệ thật anh về một tuần rồi mà không cho biết để còn đón rước...
Nói xong nàng cúi xuống cầm tay các con trịnh trọng giới thiệu với Quốc.
- Xin giới thiệu với bác đây là Phi Túy Dương Phi, và đây là Vỹ, Bạch Phượng Vỹ hai thứ hoa cúc quý nhất, các con khoanh tay chào bác đi.
Giới thiệu tên hai con xong, không cần nói thêm Quốc cũng đã hiểu, chàng cảm động chưa tìm ra câu gì để đáp lại. Ngày giờ nầy không phải như ngày xưa mà có thể tự do nói lên tất cả những ý kiến của mình.
Ngày nay muốn nói cái gì thì trước hết còn phải suy nghĩ xem câu ấy có ảnh hưởng gì, nếu một người thứ ba nghe được thì sao, liệu có thể làm hại cho hạnh phúc của Duyên không.
Quốc chăm chú nhìn hai đứa bé, cố tìm trên mặt những nét quen thuộc những nét nào giống mẹ những nét nào giống mình... nhưng sao lại giống mình, vô lý, nhưng Quốc vẫn muốn tìm.
Ngày xưa cách mười năm trước Quốc vẫn chưa quên được, có một buổi hai người ngồi cạnh nhau, chỉ một lần ấy lý trí suýt bị tình cảm đàn áp, một thứ tình cảm không phải như mọi ngày. Quốc đặt chiếc sơ-mi ngắn tay, Duyên đã ôm cánh tay áp vào má mình, cả hai đều nghe nhịp tim đập mạnh hơn lệ thường, Duyên cắn lên cánh tay Quốc.
- Thịt anh ngon lắm. Duyên biết không.
- Sao anh biết được.
- Anh chắc thế.
- Cho em ăn thử, cho không.
- Cho. Ăn đi.
Sau đó cả hai đều nhận thấy khó chế ngự được mình, nếu còn ngồi sát và còn nói những câu chuyện thân mật kỳ quái như thế. Quốc đã cố gắng đứng lên, kéo Duyên đưa nàng ra vườn, chỉ cho Duyên xem các thứ cúc. Thế mà không ngờ Duyên đã ghi vào lòng. Một sự tình cờ là người chồng Duyên, mang tên Ấn cũng là tên một thứ hoa cúc. Hoàng Kim Ấn là tên một thứ cúc mà mẹ Quốc rất yêu. Nhờ sự xếp đặt lạ lùng của định mệnh ấy mà Duyên có thể đặt tên hai con như ý Quốc muốn. Hôm ấy chàng đã dặn và hẹn rằng nếu sau nầy có con sẽ đặt tên là Túy Dương Phi và Bạch Phượng Vỹ.
Sau nầy có lần nhớ Duyên, Quốc cứ mơ rằng mình có con thì sẽ đặt tên ấy và nếu được có con với Duyên thì sung sướng biết bao nhiêu.
- Hôm nào anh Quốc rỗi? Ngày mai nhé, ngày mai mời anh đến nhà ăn cơm với tụi nầy chắc chắn anh Ấn sẽ vui lắm, vì được gặp anh, tụi nầy vẫn hay nhắc tới anh... Duyên ngừng nhìn Quốc van lơn chỉ sợ Quốc từ chối và nhất là sợ Quốc phải còn về xin phép ai đó nữa.
Quốc cũng nhìn lại Duyên, cái nhìn thăm dò, thầm cám ơn người đàn bà đã tế nhị, không dùng hai chữ "nhà tôi" để gọi chồng khi nói với mình, mà chỉ gọi bằng anh Ấn. Duyên tiếp lời như muốn cho Quốc được yên lòng hơn.
- Anh ấy "chic" lắm, mai anh đến dùng cơm với chúng em. Phi Phi sẽ thổi sáo cho bác nghe.
- Sao? Cháu cũng học thổi sáo ư?
- Vâng từ hai năm nay, cháu chơi khá lắm, tuy còn non nớt vì thiếu kinh nghiệm đời, nhưng sau nầy chắc cũng sẽ làm cho nhiều người ngẩn ngơ. Mai anh đến chỉ thêm cho cháu, hai bác cháu sẽ hòa với nhau.
Quốc muốn nói lên một câu gì để cảm ơn, nhưng lại thôi, nói gì bây giờ. Chàng chỉ muốn bảo cho Duyên biết rằng cây sáo đã bị đập vỡ từ hôm ấy.
- Bây giờ may ra thì chắc bác chỉ còn biết thưởng thức mà thôi.
Duyên mở to đôi mắt ngạc nhiên, cau mặt rồi chợt hiểu, cái nhìn trở nên âm u, xúc động đến lặng người, người đàn bà cắn chặt môi để tìm trấn tỉnh, nàng vờ cúi xuống nắm tay các con.
Hai đứa bé thật kháu khỉnh, một đứa giống mẹ, nhất là đứa con gái Túy Dương Phi, thằng em hơi khác, hẳn nó giống bố, Quốc biết chắc rằng rồi đây mình cũng sẽ thương yêu hai đứa bé như con của chính mình, tại sao? Quốc không thể và cũng không muốn giải thích.
Phút dao động của lúc ban đầu đã qua, Quốc mời ba mẹ con Duyên vào Continental uống trà, vô tình hay định mệnh cố ý, nơi nầy cũng là nơi mà xưa kia hai người đã vào uống trà và xem triển lãm lần thứ nhất. Chẳng ai chờ đợi cuộc gặp gỡ kỳ diệu hôm nay. Nếu Duyên không gọi Quốc trước, nếu Quốc là người đã nhận ra Duyên trước thì không biết chàng có dám gọi hay không. Bao giờ cũng chỉ sợ mình là thừa thãi, không mang lại gì cho ai, vẫn tiếp tục cuộc sống của một người bị định tội từ lúc sinh ra, trước khi làm tội, trước khi vào đời đã được giam vào chốn ngục thất đơn côi.
Hai đứa con của Duyên chăm chú nhìn Quốc, lần đầu tiên chúng gặp cái ông bác lạ nầy, mà chúng chưa bao giờ biết mặt, chưa bao giờ thấy đến nhà. Trông giáng điệu không đến nỗi quê mùa, nghe mẹ nó hỏi thăm thì chúng biết là ông bác từ Pháp trở về, thảo nào mà từ mầu da đến giọng nói đều có gì không giống với mọi người mà chúng vẫn hay gặp ở đây. Trông cũng không đến nỗi khó thương.
Vào quán trà, hai đứa đòi ăn kem, Duyên không chịu kêu sợ của ngọt làm hỏng răng, nhưng Quốc thì sẵn sàng chiều chúng. Chàng gạt ra ngay. Về phe chúng nó ngay, gây thiện cảm trong nháy mắt, chúng cho rằng ông bác nầy biết điều và dễ thương hơn những ông bác từ trước đến nay.
- Tuổi thơ trẻ được bao nhiêu năm mà bà cấm đoán con người ta. Sau nầy khi cái tuổi đẹp nhất đi qua rồi, bà có mang lại cả núi kem, đưa tận miệng, vừa nài, vừa ép người ta cũng chẳng thèm... xem như chúng mình.
- Đấy, giao cho bác, các cháu mà đau răng thì bác đến mà lãnh chúng nó, lo cho chúng nó.
Duyên nói dỗi, nhưng giọng nói tỏa ra một niềm hân hoan trong sáng, không phải cái thứ nhượng bộ khó chịu, hai đứa bé nhìn Quốc biết ơn, rồi quay sang phía mẹ, nhìn mẹ đắc thắng.
- Muốn sao cũng được, người ta mới về, đang thất nghiệp tha hồ sai.
Hai người nhìn nhau cảm thông, bên ngoài, trời như rực rỡ hơn, tuy rẳng giờ nầy đã chiều lắm rồi.
- Nào hai cháu nói chuyện cho bác nghe đi, Phượng Vỹ con học đến đâu rồi, còn Túy Dương Phi sau nầy con phải là cây sáo của đệ nhất thiên hạ dưới trời Việt Nam cho bác nhé.
- Cháu học Septième.
- Cháu học Huitième.
Thấy Quốc hơi cau vừng trán, Duyên hiểu ngay, nàng vội chữa cho con.
- Các con phải nói là lớp bảy và lớp tám, chứ chúng mày mà nói pha tiếng Pháp là khốn khổ với bác đấy, bác sẽ kiếm chuyện cho đấy.
- Bác đâu dám kiếm chuyện, bác chỉ đề nghị, tại nước mình cũng có đủ chữ để nói từ số một đến số... triệu, chứ đâu có thiếu thốn mà phải đi vá víu, vay mượn của tiếng nước nầy nước khác.
- Tưởng bác sống cả chục năm trên đất Pháp thì bác đỡ gay gắt, bớt bế môn tỏa cảng đi chứ.
Duyên vừa nói vừa cười cố ý trêu Quốc. Giọng Duyên vừa mỉa mai lại vừa nghịch ngợm, giống hệt như ngày xưa. Nàng vui thích khi nhìn thấy cái thái độ ngạc nhiên của Quốc, không ngờ cô gái học trường Tây thuở ấy, bây giờ cũng biết dùng tiếng Hán để nói chuyện.
- Bộ anh tưởng mẹ con tôi u mê lắm chắc.
Quốc cười, quả là Duyên vẫn đi theo con đường Quốc đã vạch ra cho nàng ngày nào.
- Ai dám nói bà u mê, nhưng tại bà bảo tôi bớt gay gắt vì sống lâu ở nước ngoài thì cái ấy cần phải xét lại.
Duyên nghe niềm vui tràn ngập không gian. Trong ánh mắt, giọng nói đến cử chỉ của người đàn bà giờ phút nầy cũng đang toát ra niềm vui, từng tế bào bên trong như cũng chia xẻ niềm vui của bên ngoài nầy hay là do chính từ bên trong? Vui nhất là khi biết rằng người xưa vẫn không thay đổi, chưa có gia đình vợ con gì cả. Tuy chưa ai nói lên một lời tâm sự với ai, nhưng linh tính đã cho Duyên biết, qua những câu đối thoại đơn sơ, những cái nhìn có lúc xa vời như tìm về dĩ vãng những nụ cười như sẵn sàng dâng hiến tất cả cái gì mình có... Nhiều chi tiết vụn vặt thôi mà đã nói cho Duyên biết rằng Quốc vẫn sống một cuộc sống cô độc và vẫn yêu mình như thuở nào.
- Thế mà em... cứ ngỡ rằng anh đã có gia đình...
Quốc không trả lời, cố ý không trả lời, chàng giả vờ lơ đễnh nhìn ra ngoài đường, những đứa trẻ đánh giày đang cãi nhau tranh khách. Đứa lớn nhất chỉ mới độ lên mười, đứa nào cũng mặc một chiếc quần ngắn với tấm áo trên không cài khuy, có đứa ở trần, mình đưa những cái xương sườn tuy không xanh xao lắm, chúng nó gầy vì thiếu tình thương nhưng không thiếu hoạt động. Quốc thở dài thương hại những đứa bé ở tuổi ấy mà không được ăn học. Một đứa bé nhanh mắt, trống trông Quốc đang nhìn chúng nó, và đôi giày của Quốc là loại giày da, có thể công tác được, thằng bé bỏ chạy vụt vào, đến quỳ dưới chân Quốc.
- Chú đánh giày mỗi ngày kiếm được bao nhiêu tiền?
- Hên xui, gặp tụi ngoại quốc tử tế nó cho cả trăm bạc, có khi đi mãi mà chẳng ai cho đánh đôi giày nào, xui, về nhà chỉ có vài đồng.
Quốc móc túi lấy tờ một trăm nhét vào tay nó nói khẽ.
- Hôm nay coi như là hên đi nhé, thôi khỏi đánh, tối nay tôi về sẽ tự đánh lấy, giày tôi đâu có bẩn lắm.
Thằng bé mỉm cười cảm ơn, cúi nhìn đôi giày một lần nữa, như muốn tỏ ra xứng đáng với tấm lòng của Quốc Người ngoại quốc chỉ cho tiền sau khi đánh giày xong, chứ chẳng ai cho tiền trước mà lại không để đánh giày như ông khách nầy bao giờ. Quốc lắc đầu, thằng bé không muốn làm phiền nên bỏ ra ngoài chạy nhanh, vui sướng vì có tiền mang về mua gạo mà khỏi tốn kem, tốn công.
Hai đứa con Duyên ngơ ngác không hiểu thái độ lạ lùng của ông bác, hình như chúng nó cảm thấy ông bác mới quen nầy có gì gần với chúng hơn những người lớn khác.
- Anh vẫn không thay đổi nhỉ.
Quốc mỉm cười, nụ cười thay câu trả lời.
- Bà dùng nước chanh nhé.
- Vâng, cũng được, nhưng không đường, còn anh thì nên gọi soda mà uống, mới về uống chưa quen coi chừng đau bụng ấy.
- Bày đặt, bà làm như tôi là người ngoại quốc Âu Mỹ, có tiêm thuốc rồi chẳng sao đâu.
Người hầu bàn mang đến một cái khay lớn, nào nước chanh, còn nguyên chất, nào đường, nào soda và hai cốc kem đầy. Duyên mở ví lấy khăn tay lớn buộc vào ngực các con, sợ chúng ăn làm bẩn áo.
- Sài Gòn vẫn đẹp nhỉ, ông bà đã về Huế chưa?
- Về rồi, thích lắm, nhưng buồn cứ như là muốn đứt ruột đứt tim.
- Tại sao?
Duyên lắc đầu không trả lời, tin chắc rằng Quốc đã hiểu. Nơi nào cũng bắt Duyên nhớ tới Quốc, từ con sông Hương, nhất là con sông Hương được Quốc thường hay nhắc đến, tất cả đều gợi lên giọng nói, tiếng cười và bóng giáng, hình ảnh Quốc. Nhìn nét mặt thằng con trai nào, tuổi nào, Duyên cũng thấy có gì hao hao gợi nhớ. Nàng đi qua cầu Gia Hội, nhìn lại bến sông với mấy gốc dừa, đấy là phía trước nhà của Quốc, nhưng Quốc ở đâu. Bao giờ hai người lại được gặp nhau, bao giờ nàng lại được nghe giọng sáo? Duyên ngỡ rằng, sẽ không bao giờ nữa cả.
Tất cả đều gợi lại hình ảnh, mối tình mà Duyên đã cố sức bóp chết, nhưng mối tình hệt như con yêu xà Hydra trong thần thoại Hy Lạp, có chín cái đầu. Chặt cái đầu nầy thì cái đầu khác mọc lên. Thần thoại bảo con yêu xà chỉ thua thần Hercule mà Duyên đâu có phải là thần Hercule.
May là bên cạnh Duyên, lúc nào cũng có Ấn và mỗi đứa con ra đời là một sợi giây thừng buộc chặt, thêm một nấc vào hai vợ chồng lại với nhau. Tình cảm Ấn như càng ngày lại càng đậm đà, không như người đàn ông đàn bà khác mà khi nắm trong tay rồi thì thấy nhàm, chán và không còn thấy giá trị người bạn đời của mình như ngày chưa được chung sống bên nhau nữa.
Về đến nhà Duyên kể lại cuộc gặp gỡ của mình cho chồng nghe, Ấn tỏ ra vui thích, chàng trách ngay:
- Sao em không kéo anh ấy bắt về tối nay, ăn cơm với chúng mình cho vui, tha hồ nghe kể chuyện Ba Lê.
- Em mời ngày mai, sợ tối nay anh có mệt, hay bận chuyện gì...
- Có bận chuyện gì cũng dẹp lại, gặp người ở xa về là phải dành ưu tiên cho họ, ngày mai em nhớ làm món hoành thánh cho anh ấy ăn để anh ấy biết tài, còn hơn tất cả mấy chệt ở Chợ Lớn.
- Ai đặt tên cho hai cô bé chú bé nhà nầy đó?
- Còn ai vào đấy nữa.
Quốc đã thừa biết nhưng vẫn cứ hỏi để được nghe chính miệng Duyên nói lên, để được uống lấy, hớp lấy, ghi khắc những lời khai thú nhận ấy vào tâm óc mình.
- Giỏi nhỉ, nhớ dai lắm.
- Một sự xếp đặt của định mệnh, bố chúng mang tên Ấn, em còn nhớ anh có bảo là mẹ thích thứ cúc Hoàng Kim Ấn. Ông nội đòi đặt tên nhưng em nhất định tranh trước. Về sau các cụ phải chiều vậy, bây giờ thì các cụ và tất cả mọi người cho là cái tên vừa hay lại vừa đặc biệt. Khiếp, em phải mang ba tấc lưỡi ra mà tán tỉnh mãi, nào là quân tử chi hoa, nào là Vô Cúc sử nhân đọa tục... Các cụ thấy mình có lý, và có văn hóa, nên mới chịu nhường cho đó chứ.
- Bà nầy láo quá nhỉ, dám sửa lời của Tô Đông Pha, người ta bảo vô trúc sử nhân đọa tục chứ ai bảo vô cúc đâu.
Duyên mỉm cười bí mật.
- Ấy thế, phải dối trá như vậy mới tranh lại được với các cụ. Tô Đông Pha là nhà thơ, đã là nhà thơ thì phải hiểu giùm tâm trạng của em.
Quốc gật gù, nhưng hơi có vẻ ngơ ngác, Duyên khoe thêm.
- Em còn thuộc cả tiền Xích Bích, hậu Xích Bích nữa chứ anh, và còn biết cả cái nơi nào là cái Xích Bích của Tào Tháo, và nơi nào là Xích Bích mà nhà thơ đi chơi đêm hôm ấỵ.. Em cũng bắt chước ngâm hoài câu "Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương" đó, anh có biết không, và đố anh...
Quốc cắn môi để tự cấm mình, không cho nói lên một lời nào. Chàng biết thêm được một vấn đề, thì ra mối tình vẫn tiếp tục như phần linh hồn của con người có chết đi cũng vẫn còn tiếp tục. Quốc bỏ thổi sáo vì Duyên, và nàng cố trau dồi trí thức, tìm đọc về văn hóa Á Đông để gần chàng trong tâm tưởng.
Từ nay hai người sẽ trở thành một đôi bạn độc đáo. Họ biết chế ngự tình cảm, thêm Ấn là người thứ ba. Phút đầu tiên hai người đàn ông gặp nhau quả là một phút lịch sử, sự có giáo dục, có học thức, có đạo đức là ba yếu tố cần thiết để gây quân bình cho cuộc đời.
Ấn phải chịu nhận Quốc là người điển hình cho loại kẻ sĩ, loại người quân tử của thời xưa, càng ngày càng khó gặp, nhất là trong thời buổi loạn ly nầy. Chàng nghĩ đến những loại dã thú đã mất giống trong rừng núi, vì bị sự khai thác của loài người. Cũng như con Pindare, là một loại dã thú ở Á Châu gần bị mất giống vì một thứ tản trúc thức ăn độc nhất của nó không còn tồn tại trên mặt đất. Loại kẻ sĩ như Quốc cũng mất dần vì cái tâm đạo của con người đã mất. Ai cũng chỉ còn nghĩ đến tiền mà thôi, tiền quy định hết cả mọi thứ, chỉ cần có tiền... Không còn chỗ đứng cho thứ người như Quốc nữa. Vì thế mà sau khi nói chuyện, Ấn về bảo với vợ rằng loại người như anh Quốc chúng ta có bổn phận phải giữ gìn, duy trì đừng để mất đi, cũng hệt như loại dã thú ngày nay vậy.
Quốc cũng khen thầm người chồng của Duyên, thấy anh chàng tận tâm với bệnh nhân, vừa làm ở quân đội vừa làm thêm phòng mạch ở nhà. Sẵn sàng chữa cho người nghèo không lấy tiền, trái với một số bác sĩ của thời đại, học nghề nầy vì nó kiếm ra nhiều tiền nhất.
Quốc mừng thầm cho Duyên, không rơi vào tay cường hào ác bá, hay là phường túi cơm giá áo nhan nhản trong xã hội. Nhìn cuộc sống đầy đủ, sung túc của vợ chồng Duyên với Ấn, Quốc mới có một chút tin tưởng vào cái xã hội, cái thời đại nầy. Chứng kiến những buổi cơm thân mật mà thỉnh thoảng thấy Duyên âu yếm gắp bỏ cho chồng. Quốc không thấy buồn, không thấy ghen với cái hạnh phúc mà chỉ thấy vui cho Duyên, một niềm vui vị tha, bao dung.
Sau những buổi cơm thân mật, thường là những buổi hòa nhạc, tiếp theo, bố mẹ đánh đàn cho con thổi sáo. Quốc thường lặng yên ngồi mơ mộng, suy tư, thả hồn theo tiếng sáo, không biết giọng sáo đó là của ai, của chính mình đang thổi, của bé Phi, hay của dĩ vãng. Hình ảnh con bé lúc tỏ, lúc mờ, lúc gần, lúc xa, tiếng sáo như múa, như nhảy, như quay, như cuồng, như một tấm lụa, một làn sương bao phủ xuống, vây quanh thân người.
Con bé vừa có khiếu lại vừa có tài. Con của Ấn hay là con của Quốc, chỉ có thể là con của Quốc mới thổi nên tiếng sáo ấy, chính là những giấc mơ cuồng loạn của Duyên đã tạo nên con bé. Nhìn những ngón tay bé nhỏ lướt trên thân sáo, Quốc chỉ muốn chạy đến ôn lấy, cắn vào, nhai nuốt hết, để chứng tỏ rằng nó là sở hữu của chính mình... Điên cuồng... nhưng sau đó thì con người trầm lặng lại trở về, và con người nầy bao giờ cũng vững mạnh.
Hôm nay một dịp, Quốc đến mà mọi người đều vắng nhà, Ấn ở muộn tại phòng mạch vì có bệnh cần. Các con được mời đi ăn sinh nhật tại nhà người bạn. Quốc tưởng đến muộn mà vẫn còn là sớm, định mệnh hay tình cớ. Quốc bấm chuông bước vào hỏi ngay:
- Hai đứa đâu rồi, mang quà cho chúng nó.
- Chúng nó được mời đi ăn sinh nhật rồi, chắc sẽ về muộn.
Không chờ đợi sự vắng mặt của tất cả mọi người như thế, Quốc cảm thấy hơi bị dao động. Chàng định vờ bảo có việc phải đi đâu một lúc sẽ trở lại, nhưng hành động như thế tức là còn thấy mình yếu đuối, không xứng đáng. Người quân tử phải biết chế ngự ngoại giới và cả nội tâm.
Quốc đi thẳng đến phía tủ sách, nhìn những quyển sách được xếp ngay ngắn. Nhiều quyển được đóng bìa da hay chữ mạ vàng, toàn những sách loại khảo cứu, sưu tầm đứng đắn, không có lấy một quyển văn chương rẻ tiền mà hiện đang ăn khách của nước nầy hay nước khác.
- Bà bác sĩ cũng chịu khó đọc quá nhỉ.
- Nói ốt dột, làm như bà bác sĩ u mê lắm.
Lần nầy là lần thứ mấy Duyên cố tình dùng những chữ điển hình, quê mùa của xứ miền Trung, còn thêm cả chữ "ốt dột" là chữ mà ngay chính người miền Trung mà ngày nay cũng không dùng tới. Đây là những chữ mà hồi mới quen, Quốc đã dùng, cố ý dạy cho Duyên, mười năm qua Duyên vẫn chưa quên.
- Cây sáo của ông Quốc đâu rồi, hôm nào tôi phải bắt ông thổi lại.
- Sáo đập từ lâu rồi.
- Từ bao giờ, chết thật sao lại tàn nhẫn đến thế.
Từ ngày người ta đi lấy chồng, 12 giờ sau khi nhìn đoàn xe hoạ.. đứng nghễnh cổ, chen chân trong đám quần chúng để nhìn cô dâụ..
Quốc hạ giọng nói rất khẽ, cố dùng giọng an nhiên như người đọc một trang sách, như sợ vị quan tòa lúc nào cũng như đang ngự trị trong lòng mình nghe được. Duyên cảm động lặng yên một lúc, đôi mắt như mờ đi, không ngờ mình được yêu đến độ ấy. Phức tạp. Người đâu mà quá phức tạp, yêu như thế mà bảo cưới thì lại từ chối không chịu, nhưng biết đâu như thế nầy lại hơn.
Duyên nhìn Quốc và Quốc nhìn lại Duyên, cái nhìn cảm thông, hiền lành âu yếm, cái nhìn của con chó già nhìn chủ, hứa hẹn suốt cuộc đời còn lại xin nguyện sẽ trung thành, sẽ bảo vệ trong bóng tối, và chỉ dám trong bóng tối mà thôi.
Người đàn bà tuy biết đặt bổn phận và tình yêu chồng con lên một điểm cao nhất, nhưng cũng không thể nào dối mình, nói rằng không cảm động trước mối tình đầu. Một thứ tình quá thanh khiết, cao quý chưa gợn bụi, một thứ tình được gọi là ly tính dục ấy.
Những mối tình nào đã bị thể xác làm vẩn đục thì ngày nào gặp lại chắc không thể có sự xúc động, và hai người còn nhau đến hôm nay. Tất cả đều nhờ Quốc, con người rất gàn dở mà hành động xử sự lúc nào cũng quá cao thượng. Giá gặp một người đàn ông khác thì sao?
Ban nãy, trước khi Quốc đến, Duyên mặc tấm áo khoác để làm bếp. Có chàng, nàng vội chạy vào phòng trong thay áo, cởi bỏ chiếc áo khoác mặc chiếc áo mầu tím than, có thêu lác đác mấy bông cúc, vừa lấy ở hiệu may về. Biết rằng sẽ làm đẹp mắt tất cả mọi người, nhất là Quốc sẽ hiểu ý mình. Nếu thể xác không thể mang đi hiến dâng người yêu thì tất cả tinh thần nàng sẽ dành cho chàng từng lúc.
Mầu tím nầy ngày xưa đã đưa hai người lại gần nhau, ngày nay tuy cảm tình đã biến thể, nhưng mầu tím còn đó, trời đất còn đó, cảm tình của hai người cũng sẽ còn đó mãi.
Từ ngày gặp lại Quốc, thấy chàng vẫn sống độc thân mà biết là chỉ vì không thể yêu ai khác hơn mình, biết chàng đập sáo vì mình. Cuộc đời của Duyên như mang thêm một sắc thái độc đáo hơn.Vai trò mà mỗi người phải đóng trong sân khấu xã hội, trong gia đình, đã trở nên nhẹ nhàng hơn. Duyên có thể đóng mãi và từ nay Duyên sẽ không còn những phút mông mênh trống trải, những phút lờ đờ mà chẳng ai dám tìm biết.
Hình ảnh Quốc lúc nào cũng như đâu đó, chàng là ngôi trà thất của cả gia đình, của Duyên, mỗi khi buồn vui hay có gì thắc mắc. Chỉ cần nhắc ông điện thoại lên là từ đằng xa, một giọng nói đầm ấm đang chờ đợi mình, để nâng đỡ, để dìu dắt, khuyên bảo, như một người thầy, một người anh cả, một người mẹ hiền.
Duyên ngủ một giấc thật êm, mùi hương châu trà còn vương vương quyện quanh không gian.

Hết
Trà Thất
Chương 1
Chương 2
Chương 3