Chương 1
Tác giả: Minh Quân
Ai bảo cứ hễ giàu là sướng và nghèo thì khổ ? Hòa không tin vậy. Bằng cớ là nó thấy thằng Tâm, bạn thân của nó, con nhà giàu thật sự, giàu ghê gớm, giàu nhất trong số những nhà giàu mà nó được biết, cứ luôn miệng kêu khổ không ngừng.
Ngay cả Hòa, nó cũng tin là bạn mình khổ thật chứ không phải giả vờ. Kể ra, thoạt nghe qua người ta khó mà tin được, thì vẫn… xưa nay ai người ta cũng nghe, cũng nói tiếng nghèo đi kèm bên tiếng khổ : nghèo khổ ! Chứ có ai mà lại đi nói ngược đời giàu khổ bao giờ ?
Nhưng mà sự thật vẫn là sự thật, không sai suyển đi đâu được. Thằng Tâm khổ lắm, có thể nói nó là đứa trẻ khổ nhất mà Hòa được biết, cũng như chuyện Hòa biết nhà Tâm giàu có nhất vậy.
Trước hết, Hòa biết bạn nó rất khổ về chuyện ăn mặc – nói vậy cho xuôi tai chớ thật ra không có chuyện ăn ở đây, mà là chuyện mặc thôi. Vâng ! Tâm vẫn điên đầu về chuyện này và thường thổ lộ tâm tình với bạn là nó khổ sở ra sao. Nó khổ điên vì có nhiều quần áo quá ; nào quần áo mặc đi học, nào quần áo mặc đi chơi, nào quần áo mặc lúc đi lễ nhà thờ, nào quần áo mặc vào dịp nhà có chuyện trọng thể (chẳng hạn như tiệc tùng, tiếp tân mà nhà nó thì tiệc tùng, tiếp tân không ngớt) hay đám cưới các anh chị nó. Tâm còn kể rằng khi ăn, nó phải mặc một thứ áo khoác riêng, nhưng điều này thì quá sức tưởng tượng của Hòa, nên Hòa không tin. Cho đến khi Tâm tức đến chảy nước mắt ra vì bị bạn cho là nói dóc, giơ tay thề, Hòa mới hết nghi ngờ.
Tâm vẫn nhìn các bạn cùng trường và cùng lớp của nó bằng đôi mắt thèm thuồng ao ước. Bởi quần áo nó quá sang, nó phải giữ gìn cẩn thận, giờ ra chơi cũng như giờ học, không được tự do chạy nhảy, leo trèo như các bạn. Tâm đứng đâu đứng yên, ngồi đâu ngồi thẳng chỉ những nơm nớp sợ nhầu nát bờ ly quần, nếp áo thì về nhà bị la rầy về tội ăn mặc không đúng “biên tơ nuy”. Có trời mới biết được biên tơ nuy là cái quái quỉ gì, riêng đối với Tâm thì ba tiếng đó rất là đáng ghét, đáng sợ, đầy đe doạ.
Mặc dù vậy, một lần nọ, Tâm ta quên phắt cái bổn phận phải “biên tơ nuy” của mình đi, lăm le nhập bọn với tụi thằng Hòa. Tức thì thằng bạn thân nhất của nó (thằng Hòa) lôi nó về với bổn phận liền, không do dự :
- Thôi ! Đứng coi tụi tao chơi cũng vui rồi, đừng bày đặt…
Hòa coi vậy chớ khá tế nhị, nó không bao giờ muốn nói trắng ra sợ làm bạn buồn lòng, song đâu phải tất cả bạn bè đều tốt bụng như Hòa, cho nên trong đám đông có tiếng cười khung khúc và tiếng nói cất cao :
- Ông đừng nhập vô đây chi, lỡ rách áo, trầy da, tụi nghèo thêm… mệt !
Hoà gắt thằng vừa cất tiếng trêu Tâm :
- Thôi đi Sử, chọc tức nó làm chi ? Bộ nó không phải là bạn của mình sao chớ ?
- Ha ! Binh hả ? Binh nhà giàu hả ? Nịnh hả ? Chầu rìa hả ?
Hoà nghe mặt mình bừng nóng, mắt mình bừng nóng, nó sừng sộ :
- Nói ai nịnh ? Nói ai chầu rìa ? Đồ chó ! Muốn ăn thoi hở ?
- Được ! Nhào vô chơi ! Coi đứa nào ăn…
Thế là trong một nháy mắt, một pha đấm đá gay cấn xảy ra, trên sức tưởng tượng của Tâm. Thằng bé đa cảm bưng mặt khóc rấm rức. Nó bị cái mà các nhà trí thức (giả và thật) kêu là “mặc cảm tội lỗi” giày vò hành hạ. Nó biết chính nó là nguyên nhân cuộc bạo động. Sân trường trống rỗng mấy góc kia, đám đông tụ tập lại một góc, góc mà Hòa và Sử đang quần nhau. Tiếng cổ võ reo hò, tiếng vỗ tay náo động cả sân trường, bụi tung mù mịt, át cả tiếng khóc của Tâm.
Tâm không ngờ rằng câu chuyện đó lại có lợi cho nó : tuy Hòa mất đi vài giọt máu mũi và rách hết một ống tay áo, song kể từ đấy tình bạn giữa hai đứa thắm thiết hơn lên. Đặc biệt hơn nữa, từ đó trở đi, tuyệt nhiên không một đứa nào dám nho nhoe trêu chọc Tâm, nghĩa là trêu câu nặng nặng, còn những lời châm chích nhẹ thì cứ tiếp tục như thường…
***
Một hôm cậu học trò con nhà giàu, cậu học trò vẫn khổ tâm mỗi khi vô ý vương một chút mực ở ống quần, lai áo, coi như phạm một trọng tội đó, thỏ thẻ hỏi bạn :
- Tối ngủ Hòa có thay áo không ?
Thay áo quần trước khi ngủ ? Chà ! Bộ nó tưởng mình là con ông Hoàng chắc ? Hòa nghĩ thầm chứ chưa trả lời, Tâm tưởng Hòa chưa nghe rõ, hỏi lại :
- Tối ngủ Hòa có thay áo quần không ?
Bởi theo ý Tâm đó là một việc bắt buộc, mà bắt buộc thì là không vui, là phải làm, mà hễ có tiếng “phải” ở đâu thì cái khổ theo liền ở đó, không sai. Hòa cười khẩy, đáp bằng giọng tự tin :
- Không ! Không thay, thay làm chi, mệt !
Tâm ngạc nhiên :
- Thiệt không ? Như vậy mày bận luôn áo quần này ngủ hả ? (gục gặc đầu ra dáng người hiểu biết) chà, dơ chết!
Hòa làm bộ ta đây cũng là một con người vệ sinh :
- Trời ơi ! Mày khi tao quá ! Ai lại bận áo quần dơ mà ngủ bao giờ ? Đi học cả ngày bụi bặm, lấm lem (cu cậu đỏ mặt lên ấp úng) ai thèm bận…
Tâm sốt ruột, hỏi dồn :
- Ủa, mày nói không thay, không bận áo quần này, vậy thì…
Hoà lấy lại bình tĩnh, đáp gọn :
- Trời nóng, tao chỉ bận quần đùi mà ngủ thôi !
Nhìn vào mặt bạn, Hòa ngờ ngợ hỏi lại :
- Mày lạ lắm hở ? Bộ mày chưa khi nào bận quần đùi mà ngủ hết chắc ?
- Trời ơi ! Sướng quá ! Tao muốn bận quần đùi mà ngủ lắm chớ mà không được đâu, mẹ tao la.
Lại một lần Hòa đến nhà bạn chơi. Tâm lôi Hòa lên phòng nó, điệu bộ bí mật y như là có điều gì quan trọng lắm (nhân cha mẹ Tâm đi vắng chớ có hai ông bà ở nhà thì cho kẹo Hòa cũng không vô). Miệng Tâm liến thoắng :
- Mau ! Có cái này hay lắm. Mau lên coi, Hòa !
Hai đứa vừa thở vừa kéo nhau lên lầu. Tâm tiếp :
- Hòa, nói thiệt đi ! Bộ mày chưa bao giờ bận đồ ngủ hết, phải không ?
- Chưa, rồi sao không ? Không tin hả ?
Hòa trả lời bạn, hơi tức vì Tâm tỏ vẻ nghi ngờ lời mình. Tâm tươi tỉnh nói :
- Vậy thì tao đưa mầy một bộ, bận coi chơi, hay lắm. Bận cho biết.
Đoạn nhanh nhẹn mở tủ, du bạn lại trước mặt kính, lôi ra bộ quần áo ngủ bằng hàng trắng có sọc xanh, miệng lia lịa :
- Bận vô coi chơi, đi ! Nếu mày ưng…
Trời đất ơi ! Quần áo ngủ ! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ cho đến nay Hòa nào có biết hình thù bộ áo ngủ ra làm sao đâu ? Nhà nghèo làm gì có chuyện may thứ áo quần chỉ dành cho mỗi việc : bận trong lúc đi ngủ? Tuy vậy, Hòa cũng làm theo lời bạn. Chỗ bạn bè con trai với nhau, không xấu hổ gì, Hòa ta cứ tự tiện tuột phăng ra, vất bộ áo quần của mình lên ghế bên bàn học của Tâm, mặc bộ đồ ngủ vào. Tâm đứng yên, lặng lẽ nhìn bạn. Xong xuôi rồi, Hòa nhìn vào gương thấy mình kỳ cục làm sao : y tựa trái dưa gang, một trái dưa gang biết di động ! Lúng ta lúng túng, Hòa đỏ mặt cởi ra trong lúc bạn thì xuýt xoa khen :
- Trời ơi ! Hòa bận coi… hay lắm, được lắm !
Hòa đâm cáu, gạt :
- Hay con khỉ ! Y như trái dưa gang mà kêu “hay” nỗi gì ? Dóc…
- Không phải dóc đâu, tao nói thiệt đó. Mày ưng không ?
- Hỏi chi vậy ?
- Mày ưng thì lấy đi, lấy về bận chơi, tao có nhiều, không sao. (Tâm chợt nhớ đến chuyện bạn vì ra tay hào hiệp bênh mình mà bị chảy máu mũi và rách áo nên giọng nồng nhiệt hơn) lấy một bộ bận đi, Hòa !
- Thôi, thôi… -- Hòa dẫy nẩy như đỉa phải vôi – Thôi ! Không bận đâu.
Tâm thật thà tiếp :
- Mày sợ ba má tao biết hả ? Không sao đâu, tao có nhiều lắm, ba má không…
Tuy cảm động trước lòng tốt của bạn, song chỉ cái lúng túng vướng víu ban nãy cũng đủ làm Hòa mất cảm tình với bộ áo quần rồi. Huống chi nghĩ đến chuyện tốn xà phòng Hòa lại ngán hơn. Đó là chưa kể mình phải tự tay giặt lấy khi nào mẹ hay chị vắng nhà, bận việc. Thôi, đánh cái quần đùi giản dị, tiện lợi bao nhiêu ?
Ừ, phải chi Tâm cho bạn cái quần đùi còn quí hơn, được việc hơn. Nhưng mà Hòa không thể nói toạc ra như vậy, kỳ quá. Mình cũng biết giữ thể diện của mình chớ ! Còn Tâm, không bao giờ có ý nghĩ cho bạn cái quần đùi, như vậy là khinh bạn quá. Nghĩ coi, ai lại nói :
- Hòa, tao cho mày cái quần đùi, nghe ? Tao có nhiều…
Bộ bạn mình nghèo tới nỗi không sắm được cái quần đùi sao ? Còn tặng nhau áo quần ngủ là chuyện khác, không ngại gì, không thương tổn gì đến tình bạn hết.
Thấy Hòa từ chối, Tâm hơi phật ý. Tuy nhiên, vốn tính hiền lành Tâm không muốn làm mất lòng bạn nên chỉ buồn thầm thôi, không nói ra.
Nghe Hòa khen mình có nhiều quần áo đẹp, Tâm nhăn nhó :
- Có nhiều thêm khổ, sướng ích chi đâu ?
Hòa trố mắt nhìn Tâm, tưởng là Tâm nói chơi, song khi nhìn kỹ mặt bạn, Hòa hiểu ngay là Tâm nói thật. Bấy giờ Tâm mới trình bày cặn kẽ nỗi khổ của mình : phải giữ gìn quần áo ra sao ? Đi học về phải thay ra sao ? Tối ngủ thay ra sao ? Mùa nắng mặc thứ gì ? Mùa lạnh mặc thứ gì ? Lạnh vừa mặc áo lót thứ gì ? Lạnh nhiều mặc áo lót thứ gì ? Nghe chối cả tai.
Sau cùng, trầm ngâm một giây, Tâm thêm để bạn đừng buồn lắm về tình cảnh mình :
- Coi vậy chớ tao cũng còn đỡ, không đến nỗi khổ quá như chị Bạch Tuyết, chỉ khổ gấp mấy tao, Hòa ơi !
Bạch Tuyết ! Nghe tên đó Hòa bật cười – không nén được dù nó cố nén – vì chị Tâm, chị có cái tên hay ho đó lại là một cô gái đen thủi, đen thui, đen cậy, đen kịt đi kìa, trời hỡi ! (Phải, Hòa không có hân hạnh cầm đến bút lông, song Hoà thừa biết đi rằng bạch là trắng, tuyết là trắng như tuyết, mà Bạch Tuyết gì lại đen thui ?) Tuy nhiên Hòa cũng biết lịch sự, giữ ý tứ, không có cười to, cười mím mím thôi. Ai ngờ trông thấy bạn cười, Tâm ta sừng sộ lên :
- Mày cười cái gì ? Bộ ai thèm nói láo sao ? Chị Bạch Tuyết khổ thiệt đó. Đứa nào nói láo, xe cán liền…
Hoà chồm tới, bịt miệng bạn :
- Thôi, đừng thề, tao tin mà. Có điều tao không hiểu chỉ khổ cái gì ? Tao thấy chỉ chơi không…
- Vậy mới kỳ. Mày mà thấy chỉ đứng trước tủ áo của chỉ, chọn cái này, lựa cái kia, bận thử cái nọ, mặc vô rồi cởi ra, mặc cái khác, chắt lưỡi cởi ra nữa… kêu trời trách đất, nhăn nhó, hầm hừ… mày mới thông cảm, mới biết chỉ khổ hơn tao.
- Chắc gì ?
- Sao không chắc ? Tao thấy bộ dạng chỉ là tao biết vì đôi khi tao cũng giống y như chỉ, với lại, không khổ sao chỉ kêu “Khổ quá ! Khổ quá !” hoài mỗi lần sắp mặc áo đi đâu ?
- Chỉ còn nói gì nữa không ?
Hoà làm một cuộc phỏng vấn tốc hành. Tâm cao giọng :
- Có chớ : chỉ nói vầy nữa : “Kỳ ghê, kỳ hết sức, cái nào khi treo coi cũng ngộ cũng hay mà khi bận vô thì xấu đui, xấu điếc. Kỳ ghê, sao vậy trời ?” Đó, mày coi, tội chỉ chớ, Hòa ? (Tâm nhìn bạn mong Hòa biểu đồng tình) phải không ?
- Ừ ! Tội nghiệp thiệt !
- Mà có cái tao cũng ghét chỉ -- Tâm tiếp – là vầy : miệng thì kêu khổ mà cứ tiếp tục may thêm không ngừng. Tao thì trái lại, không ưng may mà cứ bị bắt phải may thêm.
***
Kể từ ngày đó, Hòa không bao giờ còn cảm thấy buồn tủi về nỗi mình ít áo quần. Trái lại, nó thấy mình quả là có phước. Coi thằng Tâm kia : nó có bao giờ được cái hân hạnh mặc quần đùi đi chơi không, ngủ không ? Lúc nào cũng bơi lội trong trái dưa gang. Lúc nào cũng vướng víu, khi thì chật chội trong bộ âu phục, nịt niết hẳn hoi, khi thì lụng thụng trong bộ áo quần ngủ thùng thình, lượt thượt y như ông cụ già ! Đi học, ăn bận như trẻ khác vào dịp lễ lạc hay ngày tết không bằng. Đôi khi Hòa vẩn vơ tự hỏi : “Sao người ta bày đặt may đồ ngủ có sọc làm chi ?” và rất muốn hỏi Tâm nhưng vốn tế nhị, sợ khơi dậy nỗi khổ tâm của bạn, nên cố nén tò mò xuống.
Tâm hay đau ốm bất ngờ. Theo lời nó kể lại thì Hòa hiểu rằng nó không có lỗi gì trong chuyện đau ốm cả. Tại cha mẹ nó mà ra. Bằng giọng rầu rầu, nó thêm :
- Cậu tao nói vậy đó, Hòa ơi ! Cậu tao là Huynh trưởng hướng đạo, mày ơi ! Cậu tao đã năn nỉ nhiều lần để cha mẹ cho tao vô hướng đạo mà…
- Đơn nào cũng bị bác hết, phải không ? – Hòa khôi hài tỉnh.
- Ủa, sao mày biết ?
- Sao lại không ? Nghe giọng nói mày là biết liền.
Tâm hậm hực :
- Tao vô hướng đạo thì có tốn kém gì đâu mà cha mẹ tao tiếc, không cho ?
- Đó là ông bà thương mày lắm, sợ mày dang nắng nhiều, nắng nó chiếu cố tới mày thì sổ mũi, nhức đầu, hiểu chưa ?
Tâm móc túi lấy khăn tay hỉ mũi, giọng càng tấm tức :
- Rồi không đi Hướng đạo sao tao sổ mũi hoài đây ? Nói nghe coi ? Hả ?
Tâm chợt thấy mình vô lý, ngừng lại, bởi Hòa đâu có trách nhiệm gì về chuyện mình sổ mũi ? Sao lại thua một đằng, gỡ một nẻo ?
Hòa rất hiểu nỗi bực mình của bạn, an ủi cầm chừng :
- Thôi đừng buồn. Biết chừng nữa ông bà nghĩ lại, sẽ cho mày đi Hướng đạo cũng nên.
Tâm đi học bằng xe hơi nhà, có anh tài xế của sở lái, đưa nó đến trường. Cu cậu khổ sở, bứt rứt ngồi lọt thỏm trong lòng nệm xe, buồn bã giương mắt nhìn lũ bạn kéo đi lũ lượt dưới đường, phía trước hay bên hông, sát cạnh mình. Thật là : “tuy trong gang tấc mà xa nghìn trùng !” Chao ơi là xa cách, là lẻ loi !
Thình lình, trông thấy nó (thường thì cả lũ ít để ý, mải bận trò chuyện) nhiều đứa tinh nghịch giở mũ ra tung lên trời, hét toáng :
- Cụ đi kinh lý, bay ơi ! Cụ đi kinh lý ! Dang ra ! Dang ra…
Tâm đỏ bừng mặt vì xấu hổ, tức giận. Không phải tức giận bạn mà tức giận cha mẹ đã không cho mình đi bộ như mọi người, từ nhà đến trường xa xôi chi cho cam ?
Nó muốn khóc song cố ngăn giữ nước mắt lại, nuốt ực xuống trong lúc anh tài xế mở cửa xe cho nó một cách trân trọng. Anh ta lừ mắt, chỏ vào bọn học trò buông sõng ba tiếng :
- Đồ mất dạy !
Anh ngỡ là mình đã làm vừa lòng tiểu chủ, ai ngờ Tâm cau có thêm lên :
- Anh kỳ quá, anh nói làm chi vậy ?
Thật tội nghiệp cho Tâm ! Nó bị trêu chọc, ghét bỏ, hành hạ đủ điều chỉ vì có mỗi cái tội không do nó gây ra : con nhà giàu có ! Mà nào Tâm có kiêu hãnh hay làm bộ làm tịch chi đâu ? Lúc nào nó cũng hiền lành, nhũn nhặn đó chứ ? Ngay cả Hòa ban đầu cũng tỏ ra không ưa nó, về sau thấy Tâm như bị cả “thế giới học đường” khai trừ một cách bất công, độc ác nên đâm ái ngại, kết thân với nó.
Tâm còn cho Hòa biết rằng cậu nó vẫn chỉ trích bố mẹ nó không biết cách nuôi con, ông nói :
- Anh chị cho uống thuốc bổ làm chi, vô ích, có tiền bày đặt. Coi thử lũ con tôi coi, có bổ báu gì đâu, toàn ăn thứ rẻ tiền mà đứa nào cũng mạnh như trâu…
- Thiệt không ? Mày thấy con cậu mày mạnh như trâu không ? (Hòa ngắt lời bạn)
- Có, tao thấy tụi nó mạnh lắm. Mày ưng gặp không ? Bữa nào tao dẫn tới chơi ?
Đoạn, không cần Hòa phát biểu ý kiến về đề nghị của mình, Tâm thú thật rằng vì uống quá nhiều thuốc bổ, mình không ăn cơm được. Thấy vậy cha mẹ nó đem đi bác sĩ, lại thuốc bổ, lại tiêm làm nó càng khổ thân hơn mà hình dạng thì lúc nào cũng mỏng tanh, gầy nhom như cái que được chuốt kỹ !
Tâm làm Hòa phát hoảng lên, gần chóng mặt vì những bữa ăn nhà nó ; nó gọi những bữa ăn đó bằng những cái tên văn vẻ như : ăn điểm tâm, ăn tráng miệng, ăn guýt tê , ăn lót lòng, ăn… khuya…v.v. Mẹ ơi ! (Hòa kêu thầm) nhà mình nói chung và nhà tụi bạn nói riêng – Hòa học lõm mấy tiếng hay ho này đâu trong sách báo mà chưa có dịp nào dùng thử, bây giờ thấy đúng chỗ quá nên dùng liền – chưa bao giờ có chuyện điểm tâm, lót lòng, tráng miệng cả. Ăn là ăn thẳng cánh, ăn thực sự, hễ bữa cơm dọn ra xong thì a lê hấp : cả nhà ngồi tụm lại, tay bát, tay đũa, vèo một nhoáng là xong. Ăn thì ăn no chứ miệng làm sao mà tráng được ? Miệng người ta chớ cái chén, cái tách sao ? Vô lý ! Lại còn chuyện lót lòng: lót cách nào, kia chứ ? Làm sao mà lót lòng cho được ? Một khi thức ăn vào đến dạ dày là tiêu hoá tất, lộn xà ngầu với nhau tất, lót cóc khô gì được đâu ? Đến như điểm tâm, tiếng này nghe đường được một tị, vì nó có vẻ nho nhã, hiềm cái Hòa không hiểu nổi. Đã bảo Hòa không có làm bạn với bút lông mà. Tuy nhiên, Hòa không thấy có gì chướng tai về hai tiếng điểm tâm. Hòa chấp nhận. Còn ăn guýt tê và ăn… khuya thì phải hỏi cho ra lẽ mới được. Tâm vui vẻ giải thích ngay :
- Guýt tê là ăn lúc xê xế, cỡ bốn giờ chiều đó, hiểu chưa ?
- À, vậy thì tao hiểu rồi. Lâu lâu, vào giờ đó mẹ tao có luộc cho tụi tao nồi khoai lang. Ăn khoai lang có kêu là guýt tê được không ?
- Sao lại không ? Muốn ăn gì thì ăn, miễn là ăn vào giờ nào thì kêu thứ tiếng đó, còn ăn gì tuỳ ý mình chớ. Ai cấm mình ? Mày quê quá !
- Không phải, tao cứ tưởng là phải ăn ba tê, xúc xích, xăng uýt, cá hộp mới là…
Hòa ngừng nói, hai đứa đấm thùm thụp vào lưng nhau, cười ngặt nghẽo. Bỗng, Hoà nghiêm giọng :
- Vậy còn “ăn… khuya ?” Người ta chớ muỗi sao mà ăn khuya ? Mày giảng nghe coi ?
- Ăn khuya là ba má tao đi coi hát hay đi chơi về khuya đói bụng ăn cháo gà hay bồ câu hầm gì gì đó…
Và rồi đột nhiên Tâm nổi giận bất ngờ, giọng gắt gỏng :
- Đừng chọc giận tao, sao mày nói muỗi mới ăn khuya ? Khinh cha mẹ tao hả ? Bộ cho cha mẹ tao là muỗi hả ?
Hòa nhỏ nhẹ :
- Thôi, xin lỗi, xin lỗi ! Tao nói thiệt, tao không biết, tao đâu dám…
Tâm nguôi giận, song vẫn không tin, gặng lại :
- Bộ nhà mày không khi nào ăn khuya hết, phải không ?
- Không bao giờ -- giọng chắc nịch, Hoà xác nhận -- nếu có thì tao đã biết, không hỏi mày làm chi. Tao cứ tưởng muỗi nó vo ve nửa đêm mới đi ăn chớ người ta thì ngủ khò, thức làm chi mà ăn uống ?
- Mày ngu quá : muỗi đâu có ăn ? Nó hút máu người ta chớ ?
Đó là lần đầu Tâm tỏ ra thông minh hơn bạn nhưng Hòa không chịu thua :
- Thì hút máu, mà nó không có ăn, chỉ biết hút thôi thì phải kể là ăn chứ !
Tâm tò mò :
- Nhà mày mỗi ngày ăn mấy bữa ?
- Ba.
- Ngày nào cũng vậy hết hả ? Ngon không ?
- Ngày nào cũng vậy hết, ngon lắm.
- Bữa sáng ăn cái gì ?
- Cơm !
- Cơm ?
- Ừ, cơm nguội chiên.
- Sao không ăn bánh mì ? Hay là ăn phở ?
- Bày đặt, tốn tiền mà không chắc bụng. (Giọng Hòa như người lớn). Hiểu chưa ?
- Sao mày biết không chắc bụng ?
- Mẹ tao nói, sao không biết ?
Trầm ngâm một giây, Tâm phê :
- Vậy mà mày cũng sướng hơn tao.
Hoà không cãi lại Tâm. Nó chỉ nghĩ rằng giá nhà Tâm nghèo nghèo một chút, một chút thôi, chớ đừng nghèo quá thì chắc là Tâm sướng hơn. Hòa chỉ khổ cái ăn cơm nguội mỗi sáng, chớ Tâm ấy à, bao nhiêu thứ khổ nữa kia, trời ạ !
Vì vậy, Hoà hiểu cái câu tối nghĩa của bạn, không trách móc gì, giá đứa khác nói, nó sẽ mắng ngay cho một câu:
- Đồ ngu ! Ăn cơm nguội mà kêu là sướng.
Dần dà, Hòa khám phá thêm nhiều nỗi khổ của Tâm hơn. Chẳng hạn một lần đến nhà Hòa chơi, gặp lúc Hòa đang tắm. Tâm đứng nhìn bạn múc dội, múc dội từ đầu xuống chân, nước chảy loang loáng khắp sân. Thấy Tâm, nó chỉ cười khì một cái rồi vẫn tiếp tục múc dội không ngừng. Phải chi ở nhà mà mình làm vậy là má la rồi đó, nào là ướt sân, nào là cảm gió đủ thứ. Tâm buồn bực nghĩ. Nhìn đôi mắt đầy thèm muốn, ước ao của bạn, Hòa biết rằng không bao giờ Tâm được tắm nước lạnh như mình, dù cho trời nóng đến bậc nào đi nữa. Cứ tưởng tượng đến nồi nước luộc của mẹ nó trong phòng kín – dĩ nhiên là trong lúc tức, Tâm nói quá đi, nhân cái nóng bức lên cho bạn dễ dàng thông cảm – là Hòa đủ ngán ngẩm rồi ! Tắm nước nóng ! Trời ơi ! Sao ở đời lại có những chuyện kỳ quái khác thường như vậy không biết : củi than không để nấu cơm, kho cá, củi than ở đâu mà phí phạm, mà dùng vô công chuyện nấu nước tắm, hở trời ?
Giữa lúc Hòa vừa cười, vừa rung rung cái đầu tóc ngắn cho nước rụng hết xuống, Tâm nghiêm trang nói :
- Cậu tao biểu ánh nắng mặt trời chiếu lên da tốt lắm đó, nó tác dụng sinh ra vitamin D đó, ổng biểu má tao đừng bày đặt tắm xà phòng làm chi vì xà phòng làm mất chất ấy.. Vậy mà má tao đâu có nghe ? Tắm kiểu này là đúng cách lắm đó, Hòa ơi !
Hòa len lén thở dài một cái : cu cậu vẫn ưa được tắm xà phòng thơm. Bữa nay vì mẹ chưa mua, miếng cũ hết rồi đành phải tắm không chứ nó nào biết kiểu cách chi đâu ?
Từ bữa nghe Tâm nói, Hoà không thèm ăn cắp xà phòng thơm của em bé nữa. Chẳng biết lời cậu Tâm nói đúng hay sai, có điều được cái lợi là mẹ khỏi rầy. Mẹ Hòa rầy thì… nhức đầu lắm. Mỗi lần bánh xà phòng mòn đi một chút hay dính tóc Hòa (đi hớt tóc về Hoà lấy gội cho thơm một tị mà) là bà kêu lên :
- Thằng Hòa thiệt ! (không biết thiệt cái gì) Con trai sao mà ngựa quá ! Ăn cắp xà phòng của em hoài. Mẹ cấm đa, từ này còn tái phạm, mẹ đánh đòn đa !
Hòa ức lắm, cãi lại :
- Sao mẹ không cấm chị Mai ? Chị Mai xài hoài đó, có sao đâu ? Bộ con không phải con mẹ sao ? Mẹ tiếc chút xà phòng với con sao ?
Mẹ Hoà cắt nghĩa :
- Chị Mai mày nó dùng xong nó cất vô hộp tử tế, nó không có làm rớt dính đất, không có để dính tóc như mày, nó cũng không làm hao, còn mày…
Chị Mai coi bộ đắc chí lắm, chen vô :
- Mà con trai cần gì thơm ? Miễn sạch sẽ là được rồi. Nhiều chuyện…
Hòa tức lộn ruột lên, gây với chị Mai một chặp. Tới chừng mẹ đòi đánh cả hai, mới thôi.
Càng chơi với Tâm, Hòa càng thấy mình sung sướng, những sung sướng nó mặc nhiên tận hưởng mà không hề hay biết, phải nhờ Tâm mới nhận ra.
Mới đây nhất, Hòa biết rằng vì nhà giàu, có máy truyền hình, có máy ghi âm, có máy hát, radio hai ba cái (nhà Hòa cũng có một cái radio mà hễ ba đi làm thì đem theo) cho nên mải mê coi, nghe mấy thứ đó, học bài không thuộc, làm bài không thông, chuyên môn ăn trứng ngỗng.
- Nhiều khi không phải tại tao, chị Tuyết Mai chỉ ưa mở nhạc, mở đài bất tử, làm mình lo ra…
Tâm phàn nàn với bạn. Hòa hỏi :
- Mày có phòng riêng mà, tao có phòng riêng thì…
- Thì phòng riêng, mà phòng chỉ gần phòng tao, chỉ mở to ong óng, dội vô lỗ tai chớ tưởng…
- Sao không nói chỉ tắt đi đặng mà học ? Bộ chỉ không thương mày sao ?
- Ai dám lại gần chỉ ? Má tao kia mà tao còn không dám lại gần nữa là…
- Kỳ không ? Tại sao vậy ?
- Tại sao ? Tại người nào cũng sợ tao tới gần làm nhầu áo chớ tại sao. Hỏi hoài… đâu phải được như mày…
- Như tao cái gì ?
Giọng bùi ngùi, Tâm nói :
- Như mày hễ thấy mẹ hay chị đi đâu về là a đại tới như em bé, chớ như cái gì nữa. Làm bộ hoài, mày không biết chớ ai biết ?
Hoà nén một tiếng thở dài thương cảm, an ủi bạn :
- Thôi, đừng buồn…
Còn đang ngập ngừng không biết nên khuyên bạn cách nào cho có hiệu quả thì Hòa ta chợt nhớ ba mình hay trêu mình cứ lẽo đẽo theo bên mẹ với chị Mai như con gái, liền tiếp :
- Mình là con trai, đừng theo đàn bà con gái làm chi, theo ba vui hơn.
Tức thì Tâm trừng mắt lên :
- Ba tao ? Bộ mày tưởng chuyện chơi sao chớ ? Tao đâu dám lại gần ổng ! Tưởng ba tao cũng như ba mày hả ? Muốn ăn đòn hả ?
- Sao kỳ vậy ? Bộ ổng không thương mày sao ? Ổng dữ lắm sao ?
Tâm trả lời xuôi xị, câu trả lời không bao giờ Hòa có thể ngờ tới :
- Thương chớ ! Mà điều… ổng thương cái cặp da hơn . Suốt ngày tao thấy ba tao ôm khư khư cái cặp da. Có lúc tao muốn làm cái cặp da còn hơn. Hễ rời cái cặp da ra là tới giờ ăn, giờ đi ngủ, đi chơi hay tiếp khách. Ba tao có giờ nào rảnh đâu mà tao dám lại gần ? Tao…
Nói xong một hơi, Tâm có vẻ hối song quá muộn, nó ngừng lại đột ngột, nhìn lên chòm cây trước ngõ như có gì đáng chú ý trên đó lắm vậy. Hòa cũng ái ngại quá : càng đi sâu vào tâm tình bạn, càng biết nhiều khúc mắc đáng… buồn hơn ! Trông bộ dạng mơ màng của Tâm, giá lúc khác, Hòa đã trêu :
- Mày coi bộ thi sĩ quá !
Nhưng Hòa phanh kịp và ngay lúc ấy Tâm chợt quay lại, Hòa thấy bạn mình chớp mắt một cái, hai giọt nước trào ra, lăn dài xuống má.
Đêm đó, lần thứ nhất Hòa quì xuống trong bóng tối, nó lặng lẽ cám ơn Trời đã quá thương, quá rộng lượng mà ban cho mình một thiên đường nho nhỏ. Nó có cảm tưởng mình giàu lắm, giàu hơn tất cả bạn bè, dù đôi khi nó thiếu thốn vài thứ vì cha mẹ ít tiền không sắm nổi. Hòa hiểu rằng không sự thiếu thốn nào đáng buồn, đáng sợ, đáng kể bằng sự thiếu thốn Tình Thương. Mà Hòa, Hòa được bao dung, che chở, yêu mến, nó không hề thấy điều quan yếu ấy. Hòa bơi lội, vùng vẫy trong Tình Thương như con cá trong nước vậy ! Hòa cảm thấy rằng rồi đây mình sẽ đủ sức vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, thử thách trong đời.
Hòa xoay mình, trèo lên giường nằm duỗi thẳng, cười thầm trong bóng tối, yên tâm chờ giấc ngủ, trong khi nhà ngoài mẹ và chị Mai đang cặm cụi vá áo quần.