Phần I
Tác giả: Minh Thi
Vẻ đẹp rất khó để định nghĩa, nhưng lại rất dễ để nhận ra. Sắc đẹp và sự hấp dẫn luôn làm chúng ta say đắm, nhưng vẫn luôn là một thứ gì đó bí ẩn. Gần đây, giới khoa học đã có thể kết hợp lại những đầu mối để giải thích cho hiện tượng này.
Vẻ đẹp và sự duyên dáng làm chủ cả thế giới - Benjamin Park
Tôi không biết cái đẹp là gì, nhưng tôi biết nó chạm tới rất nhiều thứ - Dürer
Theo nghiên cứu tổng hợp của tiến sĩ Joe Bulger tại Học viện Nha khoa Thẩm mỹ ở Tonronto, Canada, sự hấp dẫn thể chất có mục đích sinh học quan trọng của nó - đó là tìm kiếm bạn tình để sinh sản. Với ý nghĩa nguyên thuỷ đó, tận sâu trong tiềm thức của chúng ta, sự hấp dẫn đồng nghĩa với sự hoàn chỉnh về mặt sinh học, và chọn một người tình hoàn chỉnh về mặt sinh học sẽ gia tăng cơ hội có những đứa con khoẻ mạnh. Vì vậy, theo khía cạnh tiến hoá, thì có sắc đẹp và bị hấp dẫn bởi sắc đẹp là những lợi thế mang tính di truyền học.
Tại sao ngoại hình của chúng ta lại quan trọng đến vậy? Ngoại hình của chúng ta không chỉ đơn thuần là cái mã ngoài - nó còn mang tới những thông điệp rõ ràng cho người khác. Chúng ta trông như thế nào phản ánh cảm nhận của chúng ta về bản thân. Một ngoại hình chau chuốt ám chỉ sự sạch sẽ, có tổ chức, lòng tự trọng cao và niềm kiêu hãnh cá nhân. Thời trang của quần áo cũng nói lên địa vị xã hội của chúng ta, đồng thời tăng cường vẻ bề ngoài. Dù công bằng hay không, thì ở một chừng mực nào đấy, tất cả chúng ta đều đánh giá người ngoài qua vẻ bề ngoài. Rất có thể có một viên ngọc quý ẩn sau một cái vỏ bọc xấu xí. Tuy nhiên, trong xã hội tốc độ, thì người ta sẽ chẳng thèm chú ý đến lần thứ hai, chưa nói đến lần thứ nhất.
Sắc đẹp có quyền năng. Trong truyền thuyết Hy Lạp, nàng Helen của thành Troy, "khuôn mặt có thể khởi thuỷ hàng nghìn con thuyền" nổi tiếng là người đàn bà nghiêng nước nghiêng thành, và cuộc chiến thành Troy kéo dài 10 năm nổ ra là vì bà. Câu chuyện đã minh họa giá trị lớn lao của sắc đẹp, cũng như sự sẵn sàng dùng tới bạo lực của đàn ông để giành được vẻ đẹp đó.
Chúng ta luôn ngưỡng mộ, nếu không nói là ghen tị, với những vẻ đẹp lộng lẫy. Thế giới như luôn rộng mở với những người có sắc đẹp trời phú. Một con người hấp dẫn thường hay nhận được sự quan tâm tích cực, sự đối xử lợi thế, điểm tốt tại trường học, cơ hội nghề nghiệp thuận lợi cùng lương bổng cao, thậm chí còn nhận được bản án nhẹ nhàng hơn. Cả về đời tư cũng như sự nghiệp, sắc đẹp có thể đưa bạn qua bất cứ cánh cửa nào. Dường như là không công bằng nhưng chúng ta đều công nhận rằng sắc đẹp có rất nhiều lợi thế.
Tất nhiên mỗi người có những sở thích khác nhau về cái đẹp, có người muốn một anh chàng cao to có đôi mắt đen, có người lại thích một cậu bé thư sinh có nụ cười hồn nhiên. Cho dù sở thích của bạn là thế nào thì chúng ta đều bị cuốn hút bởi cái đẹp. Tuy nhiên, có phải vẻ đẹp chỉ nằm trong mắt của người ngắm? Xét về sự khác biệt văn hoá và địa lý, hẳn ai đó sẽ cho rằng có sự bất đồng lớn trong khái niệm về cái đẹp. Nhưng không hẳn như vậy. Thực tế, có một sự đồng nhất mạnh mẽ về một số khía cạnh của cái đẹp trên phương diện toàn cầu. Thậm chí ở cả những bộ tộc xa xôi, chưa bao giờ biết tới phương tiện thông tin hiện đại, cũng có sở thích về cái đẹp tương tự một cách ngạc nhiên.
Lịch sử của cái đẹp
Nghĩ về tất cả những cái đẹp còn sót lại quanh bạn mà vui vì chúng - Anne Frank.
Ở thời đại trước, con người sống khá tách biệt và không được tiếp cận tới vẻ đẹp ở xung quanh. Sắc đẹp hào nhoáng là một thứ gì đó vô cùng hiếm, dễ vỡ và thoáng qua. Thậm chí một nụ cười đẹp cũng đặc biệt hiếm - để giữ cho răng khỏi rụng thôi đã là một thách thức. Điều kiện sống khắc nghiệt, hàm lượng dinh dưỡng thấp, nước khan hiếm và sự thiếu thốn những phương thuốc hiện đại đã nhanh chóng tàn phá sắc đẹp trước khi nó kịp nở rộ. Bệnh tật tràn lan và tuổi thọ con người thì ngắn. Chỉ sống sót thôi đã là một điều khó khăn. Tuy nhiên, con người vẫn khao khát cái đẹp trong cả cuộc đời.
Xét về lịch sử, những vẻ đẹp lộng lẫy có thể được nhìn thấy qua các tác phẩm nghệ thuật, như tranh vẽ và điêu khắc. Tuy nhiên, việc tiếp cận cái đẹp đó chỉ giới hạn ở những người có đủ khả năng chi trả cho nó. Trong một số nền văn hoá, những người thuộc tầng lớp thượng lưu thường trưng diện quần áo diêm dúa, cặp tóc, đồ trang sức, mỹ phẩm và mạ răng để tăng cường vẻ đẹp và sự sành điệu. Những chiếc quạt trang trí cũng được một số quý bà sử dụng, nhưng không phải để làm mát mà để xua tan mùi hôi toả từ chiếc miệng đầy bệnh. Món đồ xa xỉ đó cho phép con người thượng lưu chìm đắm trong ảo giác của cái đẹp, bất chấp nụ cười răng sứt, hơi thở hôi thối và nước da xấu xí.