watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bảy tuần, ông yêu bà. - tác giả Mùa Thứ Năm Mùa Thứ Năm

Bảy tuần, ông yêu bà.

Tác giả: Mùa Thứ Năm

Câu chuyện sau xin viết để tặng những người già neo đơn.





Tuần thứ nhất.

Ở quê,

ông chưa yêu bà.




Ông gặp bà từ hồi bà còn trẻ, trẻ măng. Hồi đó nhà ông cũng nghèo mà nhà bà cũng chẳng giàu chi. Cả hai gặp nhau không một chút cảm giác yêu đương, cái mà người ta vẫn gọi là tình yêu sét đánh. Sinh ra ở cái thời một sống chín chết, đám cưới của họ khổ chưa từng thấy. Vậy mà họ cũng gặp nhau hoài, run rủi thế nào, họ lại cưới nhau. Họ trở thành vợ chồng, vậy đấy.

Và, không sướt mướt như trên truyền hình, không ca cẩm như trong cải lương, không lãng mạn như tiểu thuyết diễm tình, ông không có cảm giác yêu nồng cháy với bà. Đan vào nhau, từng nhịp một của cuộc sống, họ cứ thế mà tiếp tục, tồn tại như những người bạn đời, không hơn. Trải trên những cảm xúc nhạt nhẽo, ông và bà không thích những cái cách mà người Tây hay làm, họ theo kiểu truyền thống, chồng dạy vợ nghe, vợ làm chồng nghỉ. Chẳng bao giờ hai người hôn nhau, họ làm chuyện đó, nhưng đơn giản chỉ để duy trì nòi giống hoặc giả làm thỏa mãn nhau. Ông, cũng như bà, chưa từng biết cái hôn là gì. Hôn để biết tình yêu đẹp như thế nào, nhưng đó là với đám trẻ bây giờ, còn họ, họ không hôn vì chẳng thiết tình yêu, chẳng thiết cái cảm xúc cháy bỏng, mãnh liệt, có khả năng đốt chết hàng loạt con tim đó. Nhưng nói vậy, không có nghĩa họ không phải con người. Họ là người 100 %, chỉ có điều, là những người không có tình yêu, hoặc chưa biết đến tình yêu, hoặc hơn nữa, họ chưa thấu cái tình yêu họ có, có lẽ thế chăng ?





Tuần thứ hai.

Ở quê,

Ông mất bà.




Đến một ngày, ông buồn, một nỗi buồn khủng khiếp đến với ông, một nỗi mất mát ráo hoẵng mà ông chưa bao giờ cảm thấy, đau hơn cả kim châm, nhức hơn cả lửa đốt. Bà đi mất.

Không phải bà chết đâu, mà bà bị bắt, bị bắt với một tội danh lạ hoắc lạ huơ. Ông hối hận, đến chết vẫn còn hối vì cái buổi sáng đó, tiếng gọi cửa vang lên, và ông đã chính tay mở cửa cho họ vào. Đó là mấy anh, mấy chị cán bộ. Ông thường gọi họ như thế, họ trẻ măng, và cầm những giấy má chìn chịt chữ, ông chẳng đọc được chữ nào, chỉ nghe họ nói huyên thuyên, hẳn nhiên là ông cũng chẳng hiểu câu chi luôn. Chủ yếu, cái mà ông quan tâm, sự việc mà ông nhận ra, là họ bắt vợ ông.

Bắt mất bà.

Ông chỉ biết có thế, và chỉ thế mà thôi, họ bắt vợ ông mất rồi.

Trấn tĩnh lại, ông mới nhận ra, vợ mình đã đi khỏi cùng với những người lạ mặt. Bà gói ghém đồ đạc nhanh chóng, khóc lóc ỏm tỏi, nước mắt nước mũi tèm hem, bà níu ông, tìm chỗ dựa nơi ông, nhờ ông bênh vực. Và, chắc chắn ông đã làm vậy. Đàn ông Việt Nam, được cái gì không được, được nhất là biết bảo vệ gia đình mình. Đó như bản năng, ông che chắn bà, làm cái việc mà người chồng phải làm, ông quát mắng và chống chọi lại cái bọn “vô duyên, khả ố”, từ ngữ mà ông hay dùng. Nhưng không được, cái tội của bà đã rành rành như thế, họ bắt bà đi vì: bà có nghi can đến một vụ án giết người, hung khí tìm được trong ruộng dưa của nhà bà, có cả nhân chứng đàng hoàng. Họ bắt bà, vì đã khẳng định và hoàn toàn được sự ủng hộ của công lý.

Thế là ông với bà chưng hửng, chẳng biết làm sao. Họ đưa ra một con dao bầu còn đỏ máu, ông rùng mình và bà thì ngất xỉu. Bà đã cao tuổi rồi, gần sáu mươi rồi còn gì, tóc bạc trắng cả.




Tuần thứ ba.

Trên đường đi, ở ngoại ô thành phố,

Ông nhớ bà.





Ông không tin, không tin vợ mình có tội, nhất định thế, nhất định là bà bị oan. Ông, một người hay coi và cập nhật tin tức trên kênh thời sự, từ khi xóm ông được tổ dân phố bắt điện và cáp truyền hình. Dĩ nhiên không phải là cáp kỹ thuật số rồi, cái tivi màu cổ lỗ sỉ nhà ông, chỉ bật được có mấy kênh ít xì xì. Hồi đó gắng lắm ông mới bán heo mua được, cả xóm có mỗi nhà ông xem được tivi đầu tiên, tự hào lắm chứ bộ. Nhưng thôi, quay lại chuyện của ông. Ông không tin vào cái tội mà họ đặt cho bà, ông nghĩ họ đã vu oan cho ông. Cái tên gì gì… họ nói, cái người gì đã vu cho bà cái tội giết người, ông ghim trong bụng, ông quyết định lên thành phố, kiện cái người đó, đem vợ mình về.

Nhà ông có một ruộng dưa, hằng ngày đem trồng ra chợ bán. Ông lấy cuốc ra xem còn bao nhiêu, đào hết bỏ vào bị, bán luôn một lần. Trong nhà còn bao nhiêu tiền để dành, ông vét hết bỏ vào bị, chuẩn bị hành trình lên thành phố, cái chốn lạ lẫm ông chỉ lên đó một lần. Ông dắt theo một con heo nái để phòng hờ, con heo ú ụ làm phiền ông nhiều lắm. Nó khiến ông phải cuốc bằng chân lên huyện, chứ không phải bằng xe buýt hay xe lửa. Không có xe nào chịu nổi con heo, hay cả ông già quê mùa chủ của nó nữa. Lục đục cái lưng khỏe như vâm, một tay ông cắp giỏ, một tay ông dắt heo, lết thết một ngày trời, vừa đi vừa nghĩ cũng tới được bến đò. Thế là từ đò, ông và con heo cũng tới được ngoại ô thành phố. Nhìn cái dáng ông lê dép xềnh xệch, dắt heo như dắt con, đến là khổ. Người ta nhìn vào chỉ trỏ quá trời, lần đầu tiên họ thấy một ông già ăn bận quê xệ dắt heo đi chơi. Ai hỏi ông đi đâu, ông bảo lên phố. Nhiều người không hỏi kỹ cứ tưởng lão này già mà còn học làm sang, lên phố chưng diện. Nhưng mà ông không có để ý, ông câm như hến, hỏi thì nói, không thì thôi, tính ông nó thế. Bởi vậy mà suốt ngày cứ ra ra vào vào, ông với bà chẳng nói với nhau đến dăm câu. Trừ lúc bà gọi ông ăn cơm, hay bà bảo ông nhắm rượu ít thôi, còn thì chỉ có ông vẫy bà vào buồng nói nhỏ…

Đường đi đò làm ông mệt lử, ngay cả con heo cũng chóng mặt lằm xệ cả ra. Đường đò lâu ơi là lâu khiến ông buồn chân buồn tay. Thường ông không trồng dưa thì cũng chạy qua chạy lại kiếm việc gì đó làm, chứ ít khi ông chịu ngồi không. Bây giờ, giữa miền sông nước lềnh bềnh, ông chợt hít vào những suy nghĩ về vợ mình.

Rồi cũng tới nơi, việc đầu tiên là đi tìm chỗ trọ. Trời đất, tìm chỗ ở được cũng là một chuyện khó lắm chứ chẳng chơi. Thật ra chỉ khó với mỗi ông, tiền thì kiết, lúc nào cũng mặc cả, lại còn dắt theo con heo hôi thối kêu eng éc nhức bưng cả đầu. Ai thấy ông cũng tránh xa, còn thì dễ với người lắm tiền, vung ra vài chục hay vài trăm thì được ở chỗ sang ngay. Nhưng mà ông đâu có dám, ở thì ở đâu chẳng được, tiền phải dành để cứu vợ.

Thế là ông ở trong một cái chòi nhỏ, giá thuê rẻ bèo. Nhìn sơ thì chỗ đó giống cái chuồng hơi cái chòi, y chang luôn, đến cả con heo vừa vào thì rú lên như phải gió, trông nó mừng quýnh vì tưởng được về nhà. Ấy thế mà ông mừng hơn cả con heo, có chỗ thuê như vầy tốt quá, cứ tưởng phải tìm gốc nào trên con đường đất mà chui vào ngủ đỡ. Bụng ông đói meo, trong cái chòi ánh điện mập mờ như chớm tắt, ông móc một củ khoai từ trong giỏ ra nhai. Ngon tuyệt, trời lạnh ngắt cắt ra, tháng một tây rồi còn gì, ấy thế mà ông quên bê theo cái chăn. Nhưng mà chiếc áo ông khoác trên người, giờ thì ông cảm thấy ấm lạ lùng. Chắc là vì đó là cái áo vợ ông may, áo mới đàng hoàng. Mùa nào bà cũng may áo mới cho chồng mặc đông. Nói thế mà ngẫm lại mới hiểu, áo mới của ông khâu lại từ áo cũ của bà năm ngoái, hai vợ chồng đổi nhau mặc cho khác màu.

Tối đó ông ngủ sớm lắm, có con heo nằm bên cạnh cũng đỡ lạnh. Buồn quá, ngồi làm chi. Ông nằm xuống ngáy khì khì, cả ngày đi bộ tê rần cả chân, giá mà có bà ở đây vuốt dầu cho ông nhỉ ! Sau hôm đó, ông ốm luôn. Nằm một chỗ mà rên hừ hừ, có lẽ ông bị cảm vì mái chòi hở dữ quá, lại còn mặc áo mỏng và thiếu ăn. Ông xanh xao và chỉ nằm một chỗ, ước gì có bà ở đây, bà sẽ lo cho ông. Nhưng bà không có, mà chỉ có con heo trơ tráo nhìn ông, trông nó có vẻ lo lắng khi thấy điệu bộ của ông. Mỗi khi ông ốm, có thói quen rên dài lên: “bà ơi, bà”. Đó, lạ, nằm không cũng kêu, buồn cũng kêu mà vui cũng kêu. Thức cũng kêu mà ngủ cũng réo. Mỗi lần ông ốm là mỗi lầm bà mất ngủ, nhưng mà bà lại thấy vui vui, chỉ có mình ông hay kêu bà chứ ai, mà mỗi lần ông ốm, bà thấy ông dễ thương đến lạ. Nói nào ngay, bà thấy ông đẹp trai và hiền hẳn ra. Cái câu “bà ơi, bà” nó âm ấm và dễ chịu làm sao…

Và giờ cũng vậy, ông cũng kêu như thế, mà chẳng có bà nào chạy tới, trừ “bà heo”. Nhưng mà bả thì chỉ biết nằm kêu ẹc ẹc thôi chứ biết làm gì. Cũng may làm sao, ông biết từ chăm mình. Cố vực dậy, ông lôi mấy đồ trong giỏ ra, có chai dầu gió bự, ông xức lấy xức để lên trán lên cổ. Rồi ông quay qua con heo, bôi lên hai thái dương của nó nữa. Gớm, heo mà ốm thì mấy bữa nữa ông biết bán thế nào. Ông lại moi hết đống khoai ra, ních cho no bụng. Ông sợ ông cứ ốm hoài, vợ ông sẽ khổ, vì thế cứ ăn cho no đã, khỏe lại thì đi tìm cái khác mà nuốt. Người nhà quê sợ nhất là bị ốm, ốm rồi là bãi hoải, chẳng làm được gì, có mà đói. Tuần đó ông cứ ở lại nhà ngủ với con heo, chờ cho khỏe. Ấy thế mà cử ốm của ông dai phết. Ông thở hắt ra rồi quay sang ôm heo ngủ cho ấm, ngày qua ngày, đến gần cuối tuần ông mới đỡ dần.

Tuần này, ông khỏe rồi. Ông khỏe thì ông bắt đầu công việc ngay. Ông hỏi đường. Đừng tưởng thế mà dễ, trong cái hỏi đường tiềm ẩn biết bao nhiêu là chuyện vặt, mà chuyện nào đối với ông cũng khó hơn lên trời. Chuyện thứ nhất, quan trọng nhất, ông phải vô trung tâm thành phố, ở đó mới có luật sư. Chứ thành phố rộng lớn quá, ngoại ô thì cũng gần như chốn quê, làm gì có ai. Thế là ông khóa cửa, bỏ con heo lại trong chòi, lấy tiền mua vé xe lên phố. “Chu choa” lần thứ hai lên phố, ông đã thốt lên như vậy đấy. “Phố đẹp quá, cái gì cũng đẹp, người cũng đẹp, ai cũng đẹp hết” Ông trầm trồ nhìn ngắm. Hồi xưa lên phố tham gia chiến tranh, ông chỉ thấy đây đó mìn nổ lụp xụp, bụi cát vù vù. Giờ đây nhìn đâu cũng thấy kính lắp bóng lộn, trông mà lóa cả mắt mũi. Lại còn ồn nữa, ông lấy cục bông gòn xé ra nhét bớt vào hai lỗ tai mình cho đỡ ồn. Ở nhà quê yên tịnh quen rồi, lên đây ồn quá, nhạc nhẽo xập xình, ông váng cả đầu.

Hỏi người này người kia, rốt cục ông cũng đến được phòng luật sư. Miệng ông móm mém, khiến cho ông luật sư khổ sở ngồi vừa nghe vừa… suy đoán. Ông vừa ngồi vào là nói tràn lan đại hải, nói búa lua xua, phần lớn để mô tả vợ mình như thế nào, rồi bị bắt ra làm sao. Ông luật sư ráng ngồi nghe, nghe xong rồi mới tóm tắt lại câu chuyện giùm ông. Chủ yếu là ông muốn kiện tên người đó, người đã bắt vợ ông, rồi phải cứu cho được vợ ông ra. Cuối cùng luật sư hỏi, phần quan trọng nhất, chứ ông có bao nhiêu tiền ?

Ông lủi thủi ra về, trời lạnh, lòng ông cũng lạnh toát. Nhìn ông già lủi thủi đi ngang qua cái cầu phao, người ta ai thấy cũng liếc lại buồn buồn. Ông lạch bạch bước bộ cùng với cái bóng dần in đậm trên đất của mình. Trên đường nhạt thết, trống trãi. Phải rồi, gần tết rồi mà, ai cũng lo làm lo ăn, lo vui cái hạnh phúc của mình. Còn ông, giờ ông chỉ có mỗi một mối lo duy nhất, liệu có đem vợ về được không ? Nhớ tới tết mà ông chợt chạnh lòng. Mỗi cái tết với ông là một niềm vui nho nhỏ. Đời ông đã ăn gần năm mươi mất cái tết rồi, cũng nhàm. Nhưng mà y chang rượu, mỗi lần nhắm tết với vợ, nó men men và say say. Vợ ông hồi trẻ không đẹp, già rồi lại càng xấu, nhưng mà ở với nhau lâu thật là lâu, dần rồi trở thành cái tay, cái chân, thiếu không được. Mỗi lần bà đi đâu lâu một chút, đi chợ hoặc đứng trò chuyện với bà cụ xóm trên, là ông lại đâm lo lo. Người ta chọc là vợ ông có bồ, đôi lúc ông còn tưởng thế thật. Thế là ông cấm, bà đi đâu, ông theo đó, đi chợ cũng đi chung, đi chơi cũng đi chung, đi cày cũng chung nốt. Giờ nghĩ ông tự cười phì một mình. Tối đó, ông về chòi gặm khoai, vừa ngồi vừa vuốt đầu con heo mấy cái, y như mấy người vuốt con vật cưng của mình. Còn ông, cũng may mà còn con heo, chứ không thì ông buồn chết mất. Lần đầu tiên, ông nhận ra, cảm giác không có vợ ở bên cạnh, lâu và chán nản như thế nào.





Tuần thứ tư,

Ở thành phố, nhà đứa cháu mới,

Ông lo cho bà.




Làm sao để có tiền ? Đó là một câu hỏi khó. Mất cả tuần, ông mới hình dung ra cả quá trình cứu vợ. Nó mới bất khả thi làm sao. Vét hết trong giỏ mà chỉ có vài trăm ngàn. Ông thở dài thườn thượt, giá mà ông trẻ hơn chục tuổi, còn xin làm cái này cái kia. Già khú đế như ông xin làm, ai mà nhận.

Ấy vậy mà cũng có người nhận mới hay. Một cô hai chừng ba mươi tuổi, răng hô, mặt nhọn, xấu nghí. Cô thuê ông làm một cái nghề kì cục khi bắt gặp ông ngồi ở quán nước chè đầu kiệt nhà mình. Nghề của ông là giả làm ông nội. Đến là lạ, nhưng lại chẳng lạ chút nào, đối với cô gái kia. Cô ta dẫn ông về nhà, mời ông uống nước. Nhà trống hoẵng, chỉ có vài đồ dùng lặt vặt, đặt bê bối và vụng về. Ông hỏi kỹ, làm ông nội là như thế nào. Thì ra, cô răng hô nhờ ông đi làm xui cho mình. Ý là gia đình nhà chồng đòi hỏi phải có cha mẹ thì mới cưới xin, chứ không thì bị cho là người không đàng hoàng.

Vậy là cô răng hô thuê ông làm ông nội mình, đi dạm hỏi cho cô. Trời đất, hồi nào giờ ông có làm cái này bao giờ đâu. Bà chẳng sanh cho ông nổi đứa con nít nào để ẳm chứ đừng nói đến chuyện cháu chắt. Hai người sống với nhau thui thủi, nhiều lúc thèm biết bao cái cảm giác làm cha, làm mẹ nhưng không được, lại chẳng ai nói ra. Đùng một cái, ông lại có một đứa cháu, lại còn phải đi hỏi cưới cho nó nữa. Vừa mừng mà vừa lo, lại có cảm giác là lạ. Mới đầu ông định từ chối, vì cái nghề này… kỳ quá. Nhưng mà nghĩ đến bà, ông lại chẳng biết làm thế nào, cứ ngần ngừ mãi. Rồi cô răng hô nằn nì, tỉ tê với ông. Bảo là cô xấu quá nên ế, đến giờ mới gặp được một chàng, giờ mà không cưới thì chắc ở giá tới già quá. Nhìn cô có cái răng gồ ghề, xấu xí, ông bất giác chợt cảm thương. Nếu mà ông có một đứa cháu như thế, nếu mà ông nghe rằng, nó không lấy được chồng chỉ vì vẻ ngoài của mình, chắc ông cũng buồn ghê lắm. Và ông đồng ý với cô, ông sẽ làm ông nội của cô, sẽ đi cưới chồng cho cô. Ông nhe răng cười, vừa tủi thân, vừa nhớ vợ vừa thấy cái gì đó vui vui len lỏi trong trái tim bằng phẳng của ông.




Tuần thứ năm.

Ở thành phố,

Ông yêu bà.




Ông ăn vận thật chỉn chu. Cô cháu gái mới của ông bắt ông ở luôn lại nhà cô ta, đem theo con heo nữa. Cả đời ông, chắc đó là lần đầu tiên ông được ở trong nhà xây gạch trắng. Ông ăn đủ ba bữa, chẳng bỏ bữa nào. Ông được cho ngủ riêng một buồng, có thể nói là sướng chưa từng thấy. Và đến kỳ hạn định, ông bắt đầu công việc của mình. Ông dắt cô cháu gái, mà đúng ra là cô cháu gái dắt ông, đến một nhà hàng nơi nhà trai hẹn trước. Cuộc gặp gỡ hoàn toàn thất bại, theo đúng nghĩa đen của nó. Người ta chỉ lấy cớ phụ huynh này nọ, chứ nhìn cô là họ vốn đã không ưa rồi. Cả hai đành lủi thủi ra về, cô kia buồn, ông còn buồn hơn, cứ như người mất hồn vậy. Ông có cảm giác, chính vì sự xuất hiện của ông mà cô mất chồng, ông mặc cảm và bỏ đi, chưa lấy xu tiền công nào. Ông dắt con heo đi mất, cô kia chẳng kịp nói gì, cũng chẳng biết ông đi đâu để mà đuổi theo.
Ông về lại căn chòi đó, cố tìm cách khác. Ông quay lại chỗ luật sư, hỏi xem ông ta có cho khất nợ không ? Cả phòng luật cười ngất, công việc hành chính chứ có phải buôn lê buôn thóc đâu mà khất với chả thiếu. Người ta nhìn ông với cái kiểu thông cảm hết sức mỉa mai, cái nhìn thường trực của những cô cậu trẻ tuổi với người già quê.

Túng bẫn, ông chẳng biết làm gì, cứ ngồi một chỗ trong lều mà suy nghĩ. Tuần này trời trở mưa lớn, không đi đâu được. Trong căn chòi, ông lấy nhiều miếng vải mỏng và ni lông cũ, kéo đỡ vào những chỗ mưa dột. Sáng đến tối qua, ông co giò ngồi ngắm trời mưa. Nhớ những lúc này, hồi còn ở quê, ông cũng cứ ngồi như thế. Nhưng mà lúc đó có bà ngồi bên, bà bóp chân bóp tay cho ông, rù rì với ông mấy chuyện trên trời dưới đất, cũng đỡ buồn. Trời đất, giờ ông mới nhận ra, cái giọng bà nói mới dễ nghe và dễ thương biết bao. Hồi xưa còn trẻ, bà nói nhiều lắm, bà bảo lấy ông rồi, ông trầm tính quá, bà nói bù qua cho phần ông luôn. Thế là bà huyên thuyên suốt ngày, dần dần tuổi già lấy đi bớt phần nào sự nhiệt tình của bà, giọng bà khàn dần, rệu rã dần đi, vậy mà bà vẫn nói… Nói khi ông buồn, khi ông chán, khi ông thèm nghe bà nói. Bỗng nhiên, ông nhớ bà quá. Nhớ da diết, nhớ đến mức bỗng dưng khóe mắt nó rưng rưng. Hồi nào giờ có bao giờ xa bà lâu như vầy đâu, nhớ quá !

Ông lên cơn thèm rượu, nhưng mà không có rượu, ông moi khoai từ ra gặm, nhắm với nước lọc, cũng đỡ thèm. Rượu thì còn thế được, nhưng thiếu bà thì không có cái gì bù vô nổi. Ông thở dài cái thượt, ông lẩm bẩm “bà ơi, bà…”. Hai từ cách nhau đến một quãng xa lơ xa lắc, ông thấy sao mà cái đời ông nó ngu ngơ quá. Ngồi không làm gì, ông đâm ra nghĩ ngợi linh tinh. Suy nghĩ của ông chỉ quanh đi quẩn lại có mỗi hình bóng của bà. Con người ta bình thường đã quen hơi thứ gì rồi, thiếu đi lại thấy khó chịu, bứt rứt. Ông cũng vậy, không biết bà có vậy không nhỉ ?

Ông đột nhiên nhớ đến những ngày còn trẻ, lúc đó ông khỏe lắm, đi làm điền làm ruộng, làm đủ thứ cả. Rồi ông cưới bà, ông càng khỏe hơn. Nhưng mà cái đời ông sao mà khổ, có làm bao nhiêu cũng nghèo. Cả bà với cả ông, xưa thì sống nhà tranh, nay thì sống nhà đúc. Ông lại thở dài thêm cái nữa. Giá mà chỉ một mình thôi cũng chả sao, ông thì gì cũng sống được, nhưng mà với bà thì không thế. Bà là con gái, mà con gái thì thường thích những thứ tốt đẹp. Cả đời bà chắc chưa thấy cái gì gọi là tốt đẹp, đến cái trâm hay cây son, ông cũng chẳng mua gì cho bà được. Vậy mà bà vẫn theo ông. Người Việt Nam mà, thay vì nói từ “yêu”, chắc họ sẽ nói là “thương”. Cái từ thương đó nó mặn mòi mà sâu nặng. Nhưng mà thương mãi cũng chẳng yêu, hay chưa nhận ra tình yêu. Người ta nói, cưới nhau về rồi từ từ bồi đắp tình cảm, kể cũng đúng thật. Nhưng mà sao từ đó tới giờ, cái tình cảm đã được bồi đầy đủ, có khi còn dư ra nữa, mà ông vẫn chẳng nhận ra. Ông không khi nào biểu lộ tình cảm với bà. Ví như ông vuốt tóc bà một cái hay là hôn lên má bà, bảo với bà là “tôi thương mình lắm…”. Không, ông chưa từng nói vậy, để rồi giờ đây, ông lại tiêng tiếc. Ông nhớ lại mấy lúc bà bị ốm trên ruộng, ông hoảng hồn, vừa thô lỗ vác bà vào trong giường như vác một cái tủ, lộc xộc đi nấu cháo cháy cạn cho bà ăn. Đấy, ông chẳng nhớ ra có khi nào ông đối xử hiền dịu, tử tế với bà lấy một chút không ? Ông lại thở dài, lại buồn, buồn não nề. Mỗi lúc chiều lại là khi con người ta thấy sầu não nhất. Còn ông thì cứ sáng, chiều hay là tối, hoặc là những thời khắc chen giữa mấy lúc đó nữa, ông đều thấy thiếu bà. Ông thương, hay là yêu bà thiệt rồi.



Tuần thứ sáu,

Trong thành phố,

Ông yêu bà, rất nhiều.




Ông mừng quá.

Ông vui thật, niềm vui vỡ cả ra như nước bể chảy.

Tuần này ông tìm cách vô tù, thăm bà, và được biết bà đã được giải oan. Bà không giết người, cái tên gì đó đã cho người điều tra, và bắt được thủ phạm đã dấu dao vào vườn của bà, tạo hiện trường giả. Thì ra thủ phạm thông đồng với quan chức địa phương, rồi họ vu cho bà cái tội đó. May quá, công an thấy kỳ, họ xét lại, rồi bí mật điều tra lại, mọi chuyện sáng tỏ. Bà đã được người ta cho xe chở về quê nhà, sao bà không chờ ông nhỉ. Mà làm sao bà biết ông lên kiếm bà chứ ? Thôi, gì gì thì, ông vui lắm, ông nhảy cẫng lên, reo um sùm, reo mấy câu đại loại như:

“bà ơi, bà”

“bà hổng có giết người, bà ơi,…bà”

“bà ơi, bà…”

Ông vui quá, vội trả tiền trọ cho chủ cái chòi. Ông bán phứt con heo đi, định bụng sẽ tới chợ mua cái gì đó đem về cho bà. Bỗng nhiên, ông muốn hẹn hò hay làm cái gì đó vui vui với bà. Như trên tivi ấy, họ làm đủ cả. Có người già khú đế, già còn hơn ông mà còn tái cưới nữa là.

Theo lời của mấy người sống quanh đó khuyên, ông nên mua cho bà cái gì bà thích nhất. Bà thích gì nhỉ ? Ông không biết, hồi nào giờ ông có hỏi hay có biết bà thích cái gì đâu. Nhưng mà chắc bà thích đeo nhẫn. Hồi còn trẻ cưới về, ông nghèo sơ. Ông mua khay trầu rồi cưới bà luôn, chẳng có cái gì làm tin cả. Người ta cưới xin ăn nhau là cặp nhẫn, vậy mà cả đời trên tay bà chỉ toàn đất là đất, trẻ thì căng non, già thì nhăn nhúm, tay bà cứ trống trơn. Càng nghĩ ông càng thương bà, thương lắm cơ. Ông ra tiệm vàng, đem toàn bộ tiền mua hai cái nhẫn rẻ mà xấu nhất, rồi hí hửng ra tàu về nhanh với bà.

Lòng ông rộn ràn, bước chân thơ thới. Ông như trẻ ra chừng chục tuổi. Tiếng người nói nói cười cười làm ông bất giác thấy sướng theo. Tết mà, ai cũng chuẩn bị sắm đồ đón xuân.

Nhớ mấy năm rồi, năm nào hai ông bà cũng tựa lưng nhau ăn tết. Nó thành cái truyền thống. Bà mua thêm gạo và thịt lợn về nhào bánh chưng, ông hì hục lấy sợi gai quấn bánh. Năm nào ngày 30 ông với bà cũng thức trắng. Xem trên tivi, ông thấy người ta cứ mua bánh chưng sẵn ngoài tiệm, bánh không có buộc gai mà quấn bằng sợi ni lông, thế thì còn gì mà thích, còn gì là tết ? Với ông, quấn bánh gai với bà cũng là một cái thú. Càng lúc ông càng nhận ra, ông với bà có bao nhiêu là kỷ niệm, vợ chồng mà, người ta bảo càng già thì càng thương nhau, đúng thế thật.

Cái bánh, cái mứt, không khí chộn rộn mà sôi nổi hẳn. Ông ngồi trên xe đò mà ngắm nhìn chung quanh. Không khí như có màu, cứ tới tết là nó lại đổi màu, từ không sang có. Ông tính khi về rồi sẽ dắt tay bà cùng đi mua bánh mứt, mua gà và đồ cúng về để sẵn. Từ nay không chỉ đi đứng cùng nhau, ông cũng sẽ cùng bà làm mọi việc. Đối với người già, họ quá lớn tuổi để chú ý đến sự đời, nhưng lại quá trẻ để tiếp tục yêu nhau nhiều hơn nữa. Trời ơi, càng nghĩ ông càng nôn nao, bụng ông cứ quằn quặn, sao mà tự nhiên ông thèm gặp bà thế này không biết…




Tuần thứ bảy,

Ở quê,

Bà cũng yêu ông, nhiều lắm.




Ông đứng trước cửa nhà rồi, nhưng mà ông không dám vào. Người ta bu quanh đông ngịt, có cả nhà báo, mấy người hay cầm máy ảnh, cả đời ông chỉ chụp với bà có một lần. Có công an, cả đời ông chỉ làm bộ đội có vài lần. Có hàng xóm, cả đời ông chỉ nói chuyện với họ có triệu lần… Không có bà, người mà cả đời ông dành trọn cho…

Người ta chụp lấy tay ông, khóc lóc…

Có người hãm bước chân ông lại, vì ông đi nhanh quá…

Có người đỡ ông, vì ông bắt đầu khuỵa xuống…

Có người ôm lấy ông, vì ông bắt đầu khóc…

Có người đỡ và báu chặt lấy ông vì ông bắt đầu rú và lồng lên…

Họ buông ông ra vì bà đang nằm ở đó.

Bà đã ra đi.

Người ta nói bà bị trúng gió, đã bảo nên ở lại bệnh viện để kiểm tra, nhưng bà không nghe, bà đòi phải về nhà với ông. Cũng như ông, bà nhớ ông, nhớ kinh khủng, thương ông, thương rất nhiều. Nhiều đến mức mà ông bất giác cảm thấy xấu hổ. Nhưng cảm xúc của ông dường như bỏ tim ông mà đi đâu mất rồi. Ông ôm bà, ôm hoài, ông lay bà, lay mãi, nhưng bà không có trả lời ông. Cũng như khi ông hay gọi : “bà ơi, bà” Những lúc như thế, bà ba chân bốn cẳng chạy đến bên ông, quắc mắc vì có vài khi bà đang đi tiểu. Nhưng mà giờ, bà không có tới bên ông nữa. Bà không có nghênh cái mặt nhăn nheo ra trêu ông nữa. Ông run rẩy nói:

“bà ơi, bà coi, tui mua nhẫn cho bà rồi nè. Tụi mình đám cưới lại, hen…”

Bà để ông đeo nhẫn vào, không phản kháng, nhưng cũng không trả lời. Đám người xung quanh như đang chết dần đi, câm lặng… Không khí lại đổi màu, đen ngịt


“bà ơi, bà…”

Các tác phẩm khác của Mùa Thứ Năm

Thần Thoại

Bạn có biết "Tình yêu màu gì ?

Chiếc kéo trộm tóc

Cái Chết Kiểu Mỹ

Xóm Cô Chí

Những bức thư chưa gửi

Nàng Tiên Cá Nhỏ

Lắc, lắc, lắc ! Lắc đến tận chân Cầu Bà Ngoại…

Kiếp sau của em...