Lắc, lắc, lắc ! Lắc đến tận chân Cầu Bà Ngoại…
Tác giả: Mùa Thứ Năm
Con đường gồ ghề đầy vấp váp, hệt như làn da sần và mỏng manh của bà ngoại tôi vậy…Chỉ nhớ những mùa thu thật cũ, khi những màu hoa lá phong vẫn còn đỏ rực mỗi khi tôi thấy ánh mắt của bà ngoại đi chợ về. Bước chân của bà nhẹ tênh như được lắp cánh, tay bà xách một chiếc giỏ đan quen thuộc. Con đường đất đỏ lúc đó vẫn còn dơ hầy và bẩn thỉu lắm, nhưng chỉ vài lần dạo chơi trong những buổi trời mưa với lũ trẻ con hàng xóm, tôi lại chẳng còn để ý gì nữa. Lúc đó, tôi thật sự thích mùa thu, nhất là những ngày mưa dầm, lúc tôi còn rất khỏe, đủ để chạy nhảy đùa chơi suốt ngày. Chỉ khi trời đã quá lạnh lẽo, tôi thấy bà ngoại ngồi co ro trong căn nhà phết lá dưới gầm cầu Thuận Phước, tôi mới thật sự cảm thấy được, mùa thu thật là buồn và chán nản biết bao nhiêu. Lúc đó tôi thật mong những mùa thu tiếp theo có thể trôi qua nhanh hơn, nhanh thật nhiều đến hết mức có thể, để tôi có thể lớn lên, kiếm được tiền và xây cho bà ngoại một căn nhà khác, tốt hơn và ấm hơn.
Trong tư tưởng tôi chỉ nhớ đến một cây cầu vượt không quá to, không quá dài. Chỉ đủ để hai bà cháu tôi nương nhờ dưới đáy tối như mực. Về sau một số người bà con giúp đỡ, câu dây điện và bắt đèn nhà cho chúng tôi, bà ngoại và tôi mới có thể cảm thấy ấm hơn đôi chút. Bà tôi làm nghề bán bánh tráng tương. Mỗi buổi trong tất cả mọi buổi, kể cả buổi sáng hay buổi trưa thậm chí là buổi chiều, bước chân của bà lội khắp những con đường đất đỏ, dọc đến tận các hẻm phố xấu xí xa xa. Thỉnh thoảng bà bán được rất nhiều nhờ mùa mưa lũ, người ta thích ăn cái gì giòn giòn, cay cay và rôm rốp, người ta trả cho bà nhiều hơn vài tí, bà lại để dành để bận sau có thêm tiền cho tôi đi học…Tôi không nhớ rõ lắm cái mùi tương bà làm, mỗi lần bà bán và dắt tôi theo, tôi nghe bà vui vẻ rao với người ta, tương của bà ngoại làm ngon lắm cháu à, người ta ai ăn cũng muốn xin thêm. Lúc đó, tôi và bà sóng chân chẻ gió trên những cồn cát bãi biển, bất kể có bán được hay không, bà đều vui và ân cần với mỗi người khách, ngay cả khi có ai đó xin bà một ít tương về ăn thử…
…
Và, tôi mở mắt dậy, trần nhà hơi sáng làm tôi thấy chói. Tôi nhiu mắt và cảm thấy mệt mỏi, tôi thở dài rồi từ từ bước xuống nhà vệ sinh cá nhân.
Nhìn bữa sáng đã được dọn sẵn trên bàn, tôi mơ hồ và những tưởng, cái trứng ốp trên bàn là một cái lòng đỏ son bà ngoại đã đặt trước cho tôi nhân ngày sinh nhật…Bất giác, tôi lại thêm một lần nữa thấy nhói đau ở dưới đáy trái tim. Ngày hôm trước, tôi đã nhận được tin dưới quê gởi lên, dù không muốn tin, không muốn tiếp nhận nhưng thông tin bà ngoại tôi đã mất trong một buổi đi bán bánh tráng, tôi đã không còn thấy thế giới này quá quan trọng nữa, kể cả người bạn gái tôi đang yêu, những cơ hội tuyệt vời sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế mà tôi đang có, những tương lai lý thú tôi sắp trải qua, ngôi nhà khá giả tôi đang ở, không, những thứ đó không còn ánh lên một màu quá đậm trong tâm trí tôi, tất cả ngay từ thời điểm đó, hoặc thậm chí là bây giờ và có thể về sau, tất cả ngoài hình ảnh của bà ngoại tôi dưới đáy cây cầu, đã hầu như không còn quan trọng nữa…
Hôm nay tôi sẽ lên máy bay lên đường về khu thôn quê ở ngoại ô Đà Nẵng. Mua ngay một tấm vé cấp tốc là việc tôi đã làm trước tiên vào ngày hôm qua. Mọi thứ đều đã được mẹ nuôi tôi chuẩn bị đầy đủ, quá đủ để tôi có thể mang về bên mái tranh nhà bà ngoại. Không cần mua nhiều quà cho ai, vì ở quê của bà ngoại, đâu có quá nhiều người thân thích. Chỉ là sống quanh cây cầu đó, vài đứa trẻ khác, cũng mồ côi như tôi, cũng đã rất nghèo và không được may mắn như tôi, cũng gọi bà là bà ngoại…Hình như bà không có tên, tôi cũng không biết tên họ đích xác của bà, giờ thì tôi chợt nhận ra, tại sao tôi chưa hỏi bà điều đó, nhưng cũng chẳng cần phải thế, vì bà muốn chúng tôi gọi bà là bà ngoại, vì dường như, bà sinh ra để làm bà ngoại của chúng tôi mà.
Tôi tự cười thầm bản thân, nếu như còn là lúc trước, còn là một thằng cu năm, sáu tuổi, tôi nhất định sẽ sửa lại chính suy nghĩ của mình. Bà ngoại của tôi, của riêng tôi, của một mình tôi mà không thể chia xẻ cho bất cứ ai khác. Bà ngoại đối với tôi lúc ấy như một tài sản quý, quý lắm, quý hơn cả cái bánh nướng hay cái lồng đèn ông sao bà tự tay làm cho tôi vào mỗi dịp trung thu. À, chỉ cái lồng đèn thôi, tôi vẫn nhớ bánh nướng là do bà bỏ tới mấy trăm đồng để mua lại từ hàng bánh mì cách đó vài dãy phố cơ mà. Chủ yếu, tôi nghĩ là, tôi chưa từng biết tôi thương ai hay cái gì hơn là “cái bà ngoại”, lúc nhỏ tôi không hình dung được. Tôi chỉ biết, có lẽ khi vị tiên nào đó trong cái tivi tôi và đám trẻ con nhìn trộm ở nhà thằng Quý xóm trên, mấy vị tiên có phép thuật thường sở hữu một bảo bối, riêng tôi, tôi đã nghĩ bà ngoại chính là bảo bối của mình.
“anh dùng nước chứ ạ?” Giọng một tiếp viên hàng không vang lên. Tôi ngước lên khỏi tấm kính cửa sổ máy bay, nhìn cô tiếp viên.
“uống nước không con, đi đâu về mệt ghê rứa?”
Tôi cau mày lại gục đầu xuống, thở hắt ra. Cô tiếp viên nhìn tôi lo lắng hỏi:
“anh có làm sao không ạ?”
“à” Tôi ngước lên, mỉm nhẹ môi trái và chậm rãi lắc đầu “không sao, cám ơn cô, tôi không khát”
Cô tiếp viên gật đầu và đẩy cái xe tiếp tân đi
“nếu cần gì, anh có thể gọi”
“cảm ơn”
Tôi vuốt tóc, và nằm ngửa mạnh ra chiếc ghế mềm sau lưng, đôi mắt tôi nhắm nghiền lại. Tôi đã thiếp đi, trong giấc ngủ, tôi không thấy gì cả. Màu đen và tối, đôi lúc có những vệt trắng rọc ngang, nhưng rồi lại biến mất không một giấu vết. Những ngày này, tôi gần như không để tâm vào công việc thường ngày. Mẹ nuôi tôi đã khuyên tôi đến bác sĩ để khám, nhưng tôi có thể chỉ bị stress vì áp lực cuộc sống. Chỉ vài ngày sau, cú điện thoại liên lạc từ công an thành phố Đà Nẵng với gia đình của tôi đã làm tôi choáng váng, hụt hẫng và trống rỗng. Tôi bệnh, mà cũng không hẳn là bệnh, tôi chỉ có một cảm giác kỳ lạ, nước mắt không tuôn rơi như từng bị những cơn đau quằn quại, xót xa hành hạ. Trong cuộc đời non trẻ của tôi, tôi vốn biết nỗi đau lớn nhất thật sự không hẳn đã biểu lộ bằng các cảm xúc, nó chiếm cứ lấy một phần nào đó, có thể rất lớn, hầu như toàn bộ trái tim, cũng có thể nhỏ nhưng âm ỉ đau đớn suốt cuộc đời còn lại của mình. Quá nhiều cái của, quá nhiều cái của riêng, đến cuối cùng, những cái quá nhiều đó lại chính là nguyên nhân cho nỗi mất mát quá khủng khiếp này…
“xin quý khách thắt dây an toàn, chuyến bay sắp hạ cánh, mong quý khách có một chuyến đi vui vẻ, hẹn gặp lại!”
Ánh nắng vất vưởng như chưa từng được trau chuốt. Hàng đám mây ùn ụt dồn đẩy nhau gợn lên ở các góc của bầu trời, ngay đến màu gió sáng cũng trở nên đen ngòm như hắc ín, mỗi khi nó nổi lên, hàng lớp bụi lại bám vào trông như mấy cây sắt dơ dáy. Trông chúng đứa nào cũng thật xấu xí, nếu mỗi đứa trong bọn chúng có một bà ngoại, ắt hẳn, chúng sẽ không dơ như thế.
Hồi xưa, lúc ít khi ghé ngang qua chỗ này, sân bay Đà Nẵng giờ đây trông rất là đẹp, rất là khang trang. Không biết hồi xưa, nó có như thế không ? Thành phố Đà Nẵng có đẹp như bây giờ không ? Nhưng tôi chỉ biết, những không gian mà tôi và bà ngoại đã trải qua, cái màu của Đà Nẵng lúc đó, cái mùi của đất, của không khí, của các dãy nhà cũ kĩ, mòn vẹt. Đà Nẵng lúc đó trông thật là buồn.
Tôi bắt một chiếc xe xích lô, ngay cả chiếc xe xích lô cũng không như hồi xưa, nó được treo thêm rèm và modern hơn. Dù sao tôi cũng không thích đi ô tô, về quê ngoại chứ có phải đi thăm chủ tịch Nước đâu ? Tôi phì cười, chắc hẳn bà ngoại tôi sẽ nói thế nếu tôi ngồi vào một chiếc xe con nào đó… Tôi cũng thích đi xích lô, thoáng hơn, dễ thở hơn.
“cậu ưa đi mô ?” Ông chú ngồi gần đó nhe răng cười ỡm ờ, hỏi
“anh chở em tới cầu Thuận Phước” Tôi đáp mà không chú ý nhiều lắm, hình như mấy người xung quanh đó nhìn tôi hơi lạ
“xa lắc cậu ơi” Ông chú la lên, mặt nhăn xị
“anh lấy bao nhiêu?” Tôi hỏi
Ông chú nhìn qua bên kia đường, chỉ trỏ
“chừ cậu đi xe ôm hay xe tắc xi cho nhanh, chở xe xích lô hồi mô mới tới?”
“thì anh cứ nói anh lấy bao nhiêu đi?”
Ông chú nhếch mép
“nếu thế thì tui lấy cậu bảy chục”
“em trả anh một trăm”
Không biết có phải do không khí nhòe hơn mọi khi không, nhưng sao tôi cảm thấy cái gì cũng hơi cũ cũ. Tôi dựa vào chiếc xích lô và nhẹ ngắm cảnh vật xung quanh. Tôi chớp mắt nhiều lần, mỗi lần chớp, tôi có thể đếm được mỗi cái mất mấy phút. Tôi ngắm các dãy chợ. Sao mà lắm chợ thế, cứ cách mấy quãng tôi lại thấy một khu. Tôi thấy những con cá dãy nảy khi một bà mập chụp lấy đuôi nó và vung dao lên. Tôi thấy nhiều gian hàng dọc đường phố treo lên những bộ đồ vừa giặt xong. Tôi thấy một quán nhỏ gồm hai cái bàn bự, đặt trên đó mấy thúng rau díp cá và bún, tô sành và khói của mấy vĩ thịt đang nướng…Tôi thấy những hàng cây lớn bị chặt lúc khúc ven đường, nhưng cũng đủ để trải bóng lăn tăn trên khắp mặt đường, nơi bốn chiếc bánh xe xích lô tôi đang ngồi lướt qua, nhẹ nhàng và vút dịu…
Tôi thấy rất nhiều nhưng không thấy bóng dáng của bà tôi, tôi nhìn rất nhiều nhưng không nhìn ra chiếc dép mòn cũ trãi bước trên mấy con đường quen thuộc…Tôi không thấy bà ngoại của tôi!
Tôi đi qua những khu đô thị lớn, những cửa hàng rộn rã và cả những nhóm buôn rong, những món ăn nóng hổi lẫn trong hàng người nghi ngút màu áo xanh vàng…Tôi đã nhìn ra những người rất lớn tuổi trong đó, nhỏ, ốm yếu, nhưng không tài nào tìm ra một ai kẹp bên nách thúng bánh tráng như bà ngoại của tôi…Bất giác, tôi nhìn thấy mấy sạp hàng bán lồng đèn điện, lúc còn nhỏ, tôi chỉ thấy thịnh hành nhất loại đèn điện hình tháp có nhạc và ánh chớp. Tôi không hiểu, vì sao tôi không thấy nơi chúng một vẻ đẹp nào cả, không như những đứa trẻ khác. Cũng không hẳn tôi biết tiết kiệm, chỉ bởi thật sự tôi thích thứ gì làm tôi thích thật lòng, và tôi không thích những chiếc lồng đó, và vì vậy tôi chẳng bao giờ xin bà tôi thậm chí khi bà đã hỏi.
Tôi đã thấy con đường dẫn tới khu ngoại ô đó, rộng và thưa, cũ kỹ và bẩn. Nó có cái mùi gì đó tôi rất thích, tôi nhắm nghiền mắt và tận hưởng. Những đợt gió phả vào cơ thể của tôi mát lạnh. Bên cạnh tôi là điểm bắt đầu của những vùng cỏ dại thuần khiết, xanh ngắt. Tôi hình dung được một đứa trẻ nhỏ thó đang chạy nhảy ở đó, những bước nhảy của nó búng mạnh bởi từng tán cỏ nhành lá, sống động và vô cùng khỏe khắn, tôi cười, tôi không biết vì sao tôi cười. Nụ cười của tôi không vang lên thành tiếng, tôi chỉ mở miệng, thoải mái và vô cùng thỏa mãn, tôi cười và nháy mắt rất chậm rãi. Tôi thấy đứa bé đang nhảy nhót đứng gần bên tôi, cười với tôi.
Và chiếc xe lắc lư theo nhịp điệu của sỏi đá lẫn con đường đất hư chưa được sửa chữa nhiều, mà cũng có thể đã sữa quá nhiều lần, rồi người ta không còn hứng thú để sữa nữa. Tôi trả tiền xích lô, tôi không biết chính xác tôi đã ngồi trên xe bao lâu rồi, nhưng tôi đã nhận ra, chỉ còn một đoạn nữa là đến chân cầu Thuận Phước. Tôi nghĩ là tôi có thể đi bộ vì tôi đã thấy hình bóng cây cầu vượt bắt ngang hai con đường ở phía xa xa… Đồ đạc của tôi không mang theo nhiều, chủ yếu là mấy bộ đồ và mấy gói kẹo. Tôi biết những đứa trẻ bạn tôi bây giờ hẳn cũng đã lớn bằng tôi, có thể hơn, nhưng theo thói quen, tôi vẫn cứ muốn đem kẹo về. Tôi không mua những gói kẹo đắt tiền vì nghĩ chúng không quen thuộc. Nhưng tôi cũng không mua được loại kẹo mà bà ngoại vẫn phát cho những đứa cháu nhai cứng cả răng. Tôi cảm giác được bầu trời thật là xa, xa ơi là xa. Xa và lãng đãng rất rộng, tôi không hình dung được không gian quanh tôi, tôi đã chợt giật mình nhẹ khi một cái gì đó chạm vào tay, nhưng nhanh chóng tôi đã nhận ra chỉ là những cây bụi bên đường, vậy mà tôi cứ ngỡ, bàn tay gầy và mềm đó lại một lần nữa nắm lấy tôi.
Tôi đã từng đi như thế này, ngô nghê và nhiều lúc vấp té. Đó là khi tôi bị mấy đứa xóm trên bắt nạt, khi lũ trẻ nghèo chúng tôi lén xem trộm con chó mới của nhà thằng Quý xóm trên. Phát hiện thấy chúng tôi thập thò ngắm con chó bec-giê, thằng Quý đã thả nó ra, và nó không hiền như chúng tôi tưởng, nó đã cắn, vô cùng hung dữ, lấy tôi và thằng Hiền. Tôi bị nặng nhất, nhưng bà tôi đã cầm theo một cây chuỗi để đánh nó, cứu tôi về. Lần đó là lần đầu tiên tôi thấy bà ngoại khóc, bà ít khi khóc, tôi cũng vậy. Nhưng hôm đó là lần đầu tiên, bà tặng quà cho tôi. Bà đã dắt tôi về căn nhà lá dưới gầm cầu và bôi thuốc cho tôi. Trước khi ru tôi ngủ, bà ngoại cho tôi một cái gì đó bóng bóng và sáng, đó là một cái lồng đèn bọc giấy gương đỏ. Đặt trong đó là một mẩu đèn sáp dơ hầy. Nhưng tôi không để ý nhiều lắm, tôi đã thấy bà thật là vui khi tôi cười, tôi đã hát lẩm bẩm cho bà ngoại nghe bài hát mừng trung thu. Tôi đã chạy mặc dù các vết thương còn rất đau. Sau đó tôi chỉ còn nhớ những lời ru của bà ngoại :
“ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh”
Tôi không phân biệt được cũng như hiểu nhiều những lời hát của bà ngoại. Tôi không hỏi bà ai đã dạy cho bà những điều đó, có quá nhiều thứ tôi đã quên và chưa kịp hỏi bà ngoại…Và tôi đã đi, đi thật là xa, và giờ thì đã quá xa, không những xa mà còn quá muộn màng…Quá muộn để hỏi bà những thứ tôi chưa kịp hỏi
Tôi đã thấy cây cầu, căn nhà dưới gầm cầu đã không còn nữa, nó đã được dọn đi từ lâu lắm rồi. Tôi lướt nhẹ trong bóng tối dưới đáy cầu, sạch và gọn gàng, bây giờ đã là một đường đi trọn vẹn và ngon lành. Tôi không thấy hình bóng của bà tôi, tôi chợt nhớ ra, nơi tôi phải đến không phải ở đây mà là nhà từ thiện của thành phố.
Nhưng đôi chân tôi không bước thêm nữa, tôi muốn ngắm lại nơi này một chút. Tôi nhìn mà cũng không biết mình đang nhìn cái gì, tất cả chỉ là một khoảng tối vô nghĩa, vô nghĩa khi không có bà ngoại.
Trong đời tôi, tôi chưa từng thấy thiếu thốn và hụt hẫng như vậy. Tôi bây giờ đã biết, người tôi yêu nhất trên đời này là bà ngoại của tôi. Mà cũng không hẳn, tôi biết bà không quen gọi là yêu. Tôi thương bà, nói vậy mới đúng. Những người như chúng tôi ít khi nói là yêu, dù biết có nhiều kiểu yêu và tình yêu là thứ ai cũng có. Nhưng tôi và bà tôi cũng như hàng triệu người khác vẫn thường nói là thương. Thương thì nghe hiền và thật hơn. Tôi thương bà tôi, thương nhất là bà. Tôi nhớ có lần bà đã nói với tôi, bà thương ông ngoại cháu nhất. Hôm ấy là ngày tôi ghen tị nhất, ghen tị hơn bất cứ vật chất nào mà đứa trẻ khác có, trong khi tôi không có. Nhưng tôi không nói ra, tôi sợ làm bà buồn, về sau tôi mới biết. Có một tình yêu khác, đẹp và không thể so sánh với các loại tình yêu khác. Nhưng tình thương của bà ngoại tôi cho tôi, tôi biết, lại là một thứ khác hơn nữa…Nó làm cho bà tôi, kể cả bản thân tôi trở nên hoàn thiện hơn, hoàn hảo hơn và giúp tôi cảm thấy, mọi thứ trên đời này dù khó đến đâu rồi cũng sẽ tự trở nên có thể thực hiện được. Tôi đã biết như vậy, đó là một trong những thứ bà ngoại đã làm tôi nhận ra được trong nơi mà tôi đang đứng đây, lúc trước là một ngôi nhà tranh siêu vẹo và thiếu thốn.
Tôi chợt cảm thấy buồn, buồn không thể diễn tả được, tôi buồn và không thể chịu đựng hơn những gì tôi tưởng là tôi có thể chịu đựng. Tôi ngồi chồm hổm xuống và khóc như một đứa trẻ, không ai ở quanh đó để nghe tôi khóc, tôi cũng không còn để ý. Tôi cứ ngồi khóc vậy thôi, nhưng khóc mệt rồi lại chẳng có ai dỗ. Tôi tựa người nằm xuống chiếc vali, nước mắt tôi cứ tuông ra như mưa…tôi không kìm nỗi và cũng không cần thiết để kìm lại. Tôi biết, dù không có mặt ở đây, nhưng dưới cây cầu này, bà ngoại tôi vẫn đang dỗ một đứa bé đang khóc, khóc vì đau và khóc vì nỗi buồn lớn quá mức có thể cảm nhận được…
Mấy tuần sau, tôi đã lo xong đám ma của bà ngoại. Tôi đã không còn buồn như trước, thật sự là bây giờ tôi cũng không thể đếm được bao nhiêu xúc cảm trong tôi còn tồn tại.
“tất cả mấy thứ đồ của bà , tụi tui còn giữ hết, anh có muốn lấy không ?” Một người đàn bà đứng tuổi hỏi tôi, bà là tình nguyện viên của hội phụ lão.
“có” Tôi đáp giọng chắc nịch “có, tôi nhận hết, hãy chuyển hết cho tôi vào địa chỉ trên Hà Nội, tôi sẽ trả tiền”
Một lần nữa, tôi đã thấy tôi lại ích kỷ. Tôi muốn giữ những thứ cuối cùng chỉ thuộc về hai bà cháu tôi, tôi muốn giữ ngay cả mấy cái bát sành nứt nẻ lẫn mấy đôi đũa cũ mốc. Tôi muốn giữ chúng làm của riêng. Tôi không biết bà ngoại có la tôi không, nhưng tôi nghĩ, đây sẽ lần ích kỷ cuối cùng trong cuộc đời của tôi.
Hết.