Truyện thứ ba
Tác giả: Mùa Thứ Năm
Ông Sáu nhà bên không có vợ con, cũng chẳng có nhà cửa ổn định. Ông thuê một căn phòng trong khu phòng trọ tập thể dành cho người vô gia cư để sống. Nếu bạn có ý định hỏi ông ta làm nghề gì, bỏ ngay đi, ông ta chẳng đời nào tiết lộ đâu.
Bản chất ông ta không đến nỗi tệ, bằng chứng là có ai tạt ngang xin miếng nước, ông ta vẫn cho, tuy nhiên họ không thể xác thực được thứ nước đó có an toàn không. Đám trẻ sống gần đó bảo: ông ta là một lão phù thủy!
Tại sao chúng lại nghĩ như thế? Không phải là tại chúng rỗi hơi hay xàm xí đâu nhá! Ngay đến một số người lớn còn cảm thấy thế nữa là. Chính cái sự bất cập thông tin làm cho ông ta trở nên cực kỳ bí ẩn và đáng sợ. Buổi sáng ông đi đâu, buổi trưa ông về đâu, buổi chiều ông làm gì? Chả ai biết. Chỉ dám khẳng định mỗi cái là buổi tối ông ta có về khu nhà trọ để đi ngủ. Đám trẻ rất nghi ngờ, chúng nghi ngờ ông không phải là một con người bình thường, mặc dù chúng không để ý một chi tiết nhỏ xíu là nếu không phải người bình thường, ông ta sẽ chẳng cần về nhà trước bảy giờ làm gì, chẳng lẽ phù thủy mà sợ bị cho leo cổng à?
Mà thôi, quay lại vấn đề chính, chúng ta đang bàn về ông Sáu, biệt danh là Sáu kinh dị. Cái tên bắt nguồn từ hai thứ: một là ngữ pháp tiếng Việt, hai là đặc điểm con người. Điểm thứ nhất có thể lý giải như sau: Sáu kinh dị là một từ được kết hợp bởi danh từ riêng ( ông Sáu ) và tính từ miêu tả tích cách ( kinh dị ), còn thứ hai thì dễ miêu tả hơn: Sáu kinh dị tức là sáu điều kinh dị của ông Sáu.
Một: không bao giờ thấy ông ta bấm móng tay,
hai: mái tóc trước của ông ta để ba chỏm như con nít thời thượng cổ,
ba: suốt đời ông ta chỉ mặc mỗi một bộ đồ
bốn: ông ta cao hơn bất cứ người nào mà bọn trẻ từng thấy,
năm: trước khi ra khỏi nhà vào buổi sáng sớm, ông ta cầm theo một cái chai nhỏ,
sáu: đó là tên của ông ta và cũng vì bọn trẻ chẳng tìm ra được thêm một điều nào kinh dị nữa. Đó là điều mắt thấy tai nghe của bọn nhóc.
Ông Sáu kinh dị càng lúc càng làm cho bọn trẻ quan tâm nhiều hơn. Lý do là vì khu nhà mà ông trọ, càng ngày càng có nhiều người bỏ đi hơn, bây giờ cả khu chỉ còn bốn người ở trọ, ngoài ông Sáu còn có bà Ba bán mía, anh Năm bán cóc, chị Bảy bán tôm. Mỗi người đều có nét kỳ lạ khác nhau, nhưng ông Sáu là kỳ nhất, vì thế bọn trẻ chỉ nghi ngờ mỗi mình ông ta.
Nhưng nghi ngờ thì cũng chỉ mãi là nghi ngờ, ngày nọ, thằng Cún quyết định cầm đầu lũ nhóc trong xóm xung phong đi tiêu diệt kẻ kinh dị.
Ngày hôm đó là một chủ nhật khá đẹp trời, Cún ta không đi học và chỉ phụ mẹ đi chơi. Mẹ nó không bao giờ có thời gian rảnh rỗi, vì thế Cún rất muốn chơi bớt giúp mẹ, để khỏi phí phạm thời gian. Như thường lệ, Cún tập họp lũ bạn nối khố lại. Bé Mi, bé Xíu và bé Ti. Cún chơi toàn với con gái, vì thế nó nghiễm nhiên trở thành đại ca cầm đầu. Lũ con gái toàn răm rắp nghe theo lời nó. Mỗi đứa có một tích cách khác nhau, nhưng chẳng hiểu sao chúng lại chơi thân với nhau đến thế, dường như mới đẻ ra là chúng đã muốn chạy qua nhà kết bạn với nhau rồi hay sao ấy. Đối với chúng, cuộc đời hạnh phúc nhất có ba điều: một là búp bê, hai là rô bô, ba là ông Sáu kinh dị. Trừ búp bê và rô bô, ông Sáu kinh dị là niềm vui chung của cả nhóm, chứ nếu mỗi lúc bọn con gái hứng lên chơi búp bê thì thể nào cũng cho Cún ra rìa. Vậy là mỗi lúc tập trung lại, Cún toàn moi ông Sáu ra để nói, thành thật thì nó phải nói cảm ơn ông Sáu rất nhiều.
Hôm chủ nhật đó, Cún ta nói với đám bạn rằng, hôm nay nhất quyết phải biết ông Sáu đi đâu và làm gì. Quả nhiên, nói tới đây, không khí hào hứng lên hẳn, bé Ti và bé Xíu rì rầm cái gì đó vào tai nhau rất thú vị. Nhưng mà làm sao để biết đây? Ông Sáu thì đã ra khỏi nhà từ giờ nảo giờ nào, làm gì chờ cho bọn con nít như Cún ngủ dậy, đánh răng, ăn sáng xong rồi mới lên đường. Thế là một điều đắn đo bỗng nảy lên trong đầu cu Cún. Bé Ti là đứa lớn nhất bọn, cũng là đứa nhiều chuyện và hay đề xuất ý kiến nhiều nhất. Nói bảo với cu Cún rằng:
“Lo gì, tới nhà ổng rồi lần theo dấu chân là ra ngay”
Quả xứng đáng là quân sư quạt mo của nhóm, Ti vừa nói xong là bọn nhóc vỗ tay ầm ầm. Thật ra thì do Ti hay coi phim chưởng với ba mẹ, nó thấy ông Bao đen ( tức là Bao Công ấy) thường sai thuộc hạ theo dõi dấu vết để lại, thế là nó nhớ và thực hành ngay. Bọn cu Cún vừa bước vô cửa thì đã bị ông bảo vệ chặn lại:
“Nè, mấy con đi đâu đó?”
“Mấy con bắt ông kinh dị”
Ông bảo vệ hơi thắc mắc một xíu, ông kẹ thì biết chứ ông kinh dị là cái giống gì? Nhưng mà để bọn trẻ chạy lung tung thế này thì có chuyện ông biết tính làm sao. Ông vừa xua bọn nhóc đi thì bé Xíu lên tiếng ngay:
“Ông mà không cho tụi con vào, tụi con méc mẹ, không cho ông ăn bún chịu nữa”
Công nhận con nhỏ Xíu là đứa bé nhất mà cũng quỷ nhất. Nó suy nghĩ già dặn hơn mấy đứa kia nhiều, thằng Cún là con trai mà ngố, con Ti to xác mà rẻ tiền, con Li vừa đen vừa tồ, chỉ có con bé Xíu là hay bắt chẹt người ta nhất, đến người lớn mà nó cũng không tha. Ông bảo vệ quả nhiên nghe xong giật nảy mình ngay, nó mà méc thiệt thì lỡ ba mẹ nó tưởng ông quýnh nó sao. Món bún của mẹ bé Xíu bán là ngon nhất xóm, mà làm nghề bảo vệ thì tiền bạc chẳng là bao, chẳng lẽ tự dưng mất miếng ăn, thôi thì cho chúng vào rồi ghé mắt trông chừng là được.
Thế là bọn cu Cún công phá được bức thành đầu tiên, dễ y chang trò Mario hái nấm, chỉ đỡ hơn một cái là chúng không nhảy tưng tưng như trong game. Mấy đứa kia thì không biết, chứ mập như con Ti mà nhảy thì có mà rụng rốn
Nhà ông Sáu hiển nhiên là khóa cửa, hiện trường cũng chẳng để lại vết tích nào, cu Cún nhăn trán bí lù. Con Li trông tồ thế mà lại hay, người ta nói ngu lâu năm, khôn trong tích tắc quả chẳng ngoa tí nào, nó bảo:
“Cún chạy thẳng về nhà, bảo Cún ra đây đánh hơi”
Người Việt Nam mà nó cứ làm như dân Xì Trum không bằng, cún này với cún kia. Nhưng nói thế thì cu Cún vẫn hiểu. Cún thứ nhất chắc chắn là nó, cún thứ hai là người bạn nối khố của nó. Đó là con chó con lông trắng mẹ nó xin về từ khi Cún còn nhỏ, mẹ nó bảo mặt thằng Cún đẻ ra giống mặt con chó, ông nội vui miệng kêu nó là thằng Cún mà không biết ông ngoại nó đặt cho con chó cũng tên là Cún. Ai thông minh thì kêu con chó là Cún, còn kêu thằng nhỏ kia là Cún F2, nhưng mà gọi F2 thì có vẻ tây quá, người trong nhà không quen, vì thế cứ gọi là Cún cho lẹ, kêu thì kêu, trúng đứa nào tốt đứa đó. Cả nhà cứ nghĩ con chó thì không khôn bằng con người, nhưng mà tiếc là trí thông minh của thằng nhỏ cũng cỡ cỡ ngang bằng con chó. Nhiều lúc kêu con chó thì thằng nhỏ chui ra, kêu thằng nhỏ thì con chó lon ton chạy tới. Đến là khổ, nhưng mà riết cũng quen.
Thằng Cún chạy về kêu con chó ra, trông hai đứa giống như hai anh em, beo béo trăng trắng y chang nhau. Con chó là quả là giỏi, còn cao cấp hơn cả ông chủ vô tích sự của nó. Cún đánh hơi một xíu là vọt đi ngay, mấy đứa kia chỉ việc đuổi theo, mừng húm.
Chạy đi một đoạn thật xa mà chẳng thấy ông Sáu đâu, mấy đứa kia bắt đầu hơi nghi ngờ khả năng đánh hơi của con chó. Thằng Cún cứ liên tục nghệt mặt ra, đến là chán! Còn ba đứa kia cũng chẳng hơn gì, tội nhất là con Ti, đã mập mà còn phải nâng bụng lên chạy, nhìn nó le lưỡi thở hổn hển thấy mà thương. Con Li thì không thể biết đích xác được nó có mệt hay không. Cả người nó vừa đẻ ra đã đen thủi thùi thui, cứ như chuột cống khổng lồ, mấy lúc trời tối thì không thể thấy rõ, đâu là bóng còn đâu là da nó. Nó mà nhắm mắt một phát là đố mẹ nó phân biệt được mặt trước với mặt sau. Con Xíu thì càng tội hơn, thân hình loắt choắt gầy gò, thiếu điều muốn cưỡi chó mà đi. Rất tiếc là con chó con không đủ bự để cho nó cưỡi.
Nhìn cả đám thì có vẻ như con chó còn khỏe và sung nhất, nó cứ đánh hơi khìn khịt, vẫy đuôi và chạy đi một cách chuyên nghiệp. Cả bọn chẳng biết làm gì hơn ngoài lết xác chạy theo nó. Trông vẻ mặt nhíu lại hết sức hình sự của con chó thì đôi khi Cún nghĩ, đem nó bán cho mấy ông làm xiếc thì được khối tiền mua kẹo.
Cả bọn rốt cục chạy lên một cái đồi. Đến chỗ này thì con chó dừng lại, không đánh hơi nữa mà “gâu” lên một phát đắc thắng. Chứng tỏ ông Sáu ở gần đâu đây.
“Ông Sáu ơi!” Con Ti kêu lên
“Trời đất” Con Xíu mắng mỏ
Quả là hai đứa, một đứa ngu một đứa khôn, làm như con Ti thì khác gì lạy ông con ở bụi này? Nhưng mà cũng phải thông cảm cho nó, mỗi khi nó mệt thì còn ngốc gấp chín lần lúc bình thường.
Con Xíu hất mặt lên rồi đưa ngón tay suỵt, nó suỵt một lúc cả chục cái, miệng nó xì xì văng ra cả tá nước bọt. Đây là chiêu độc của con nhỏ. Mỗi lần ai lỡ trông thấy nó suỵt thì y như rằng hết muốn mở miệng ra luôn. Thành ra bây giờ con Xíu trở thành đứa tiên phong, nó vẩy tay bảo mấy đứa kia chạy theo nó. Trên đồi vắng lặng, chẳng có gì ngoài mấy cây cao khổng lồ rời rạc nhau.
Bốn đứa đều bằng tuổi nhau, tức là năm nay chúng cùng học mẫu giáo lớn. Ngày thường đứa nào đứa nấy phải lên lớp học với cô giáo, cố tỏ ra ngoan ngoãn để được cái phiếu bé ngoan. Còn giờ thì tụi nó chạy chơi ngoài trời, vừa sướng vừa khỏe mà chẳng sợ bị phát phiếu bé hư. Tụi nó đi một chập nữa mới thấy có hai cái cây lùn bè bè choáng giữa đường đi. Xung quanh toàn là cây cao chổng ngồng, thế mà tự dưng lại xuất hiện hai cái cây lùn xủn, quả là bất thường hết sức. Bé Xíu tỏ ra am tường nhất, nó dùng tay gãi cằm rồi phán:
“Rõ rồi”
“Sao?” Ba đứa kia đồng thanh hỏi
“Ừm, cây ở đây cái nào cũng cao” Bé Xíu ung dung chỉ tay một vòng
“Ừ, rồi sao nữa” Bé Ti gồng mặt, vẻ hồi hộp lắm
“Mà hai cái cây này lùn xủn hà”
“Ừm” Cu Cún gật đầu lia lịa
Bé Xíu im lặng, nó lại đi một vòng đến gần cái cây. Thấy nó im ru bà rù, bé Li hơi chưng hửng:
“Ớ, rồi sao nữa?”
“Sao là sao?” Xíu thắc mắc
“Tưởng Xíu biết gì chớ”
“Thì đó” Xíu la lên “xung quanh cây to mà ở đây cây nhỏ, bất thường quá còn gì”
Bé Ti phụng phịu, thông tin của Xíu chẳng giúp ích gì hơn, tụi nó vẫn chẳng biết ông Sáu ở đâu. Nhưng mà sự lo lắng của bé Ti chẳng kéo dài được hơn nhiều giây. Chỉ một lúc sau, khu đồi đã trở thành công viên mới cho lũ trẻ, ba con bé nhỏ thì ngồi với nhau bứt lá chơi đồ hàng, thằng cu Cún giỡn hớt đuổi theo con chó cún. Tụi nó tha hồ hít thở và nô đùa trong bóng mát. Chúng chẳng còn nhớ mục đích đến đây là gì, ông Sáu kinh dị dần bay mất khỏi đầu chúng. Đang chơi vui, bỗng nhiên có một tiếng xùm xụp vang lên làm bọn trẻ giật mình.
“Cái gì thế?” Ti hỏi trổng
“Không biết”
Thì ra có một con chim bị gãy cánh rơi xuống chỗ hai cái cây lùn, nó rên lên ư ử trông tội nghiệp hết sức. Tụi trẻ chau đầu vào chỗ con chim, nửa muốn bế lên, nửa sờ sợ bị chim mổ.
Cuối cùng, con cún trườn lên le lưỡi liếm liếm đầu con chim. Dường như con chim có vẻ sợ cái lưỡi của con chó lắm nhưng nó đang đau, lại chẳng biết nói nên đành để con chó muốn làm gì thì làm. Bé Li rùng mình một cái, lẩm lẩm:
“Thấy ghê quá, hay là vứt nó đi
Mấy đứa quay sang trừng mắt nhìn con Li ngạc nhiên, thế mà lúc trước nó cứ bảo nó yêu động vật lắm. Hèn gì mấy con búp bê nhà nó cứ bị bẻ cổ miết. Rốt cục không đứa nào dám đụng vào con vật tội nghiệp. Một lúc sau, có tiếng nói vọng tới:
“Ai thế?”
Tụi trẻ hết hồn khi nghe tiếng nói đó, chúng quay lại thì thấy ông Sáu kinh dị đang vác cuốc đứng đằng sau. Ông Sáu người ngợm bẩn thỉu, mặt mũi lấm lem làm bọn trẻ sợ chết khiếp. Chúng hét lên rồi bỏ chạy tán loạn, thằng Cún loi choi thế nào lại bị vấp té, đè lên con chó. Nhìn kỹ lại thì đã thấy ngón chân va vào đá, rỉ máu ra. Cún mếu máo khóc lên om sòm, bọn trẻ đã sợ bây giờ lại còn run hơn. Chúng đứng im như tạc tượng vì sợ nếu bỏ đi, cu Cún sẽ bị ông Sáu bắt mất. Quả nhiên, ông ta vội vàng vác cuốc cau mặt chạy vùn vụt đến chỗ cu Cún, thằng này vừa thấy ông hùng hổ chạy đến chỗ nó, nỗi sợ bị lột đồ đem hấp làm nó vội nín khe.
“Coi này, chạy cho lắm vào, cháu bị chảy máu rồi”
Ông ôn tồn nói rồi nhìn vào ngón chân bị thương của Cún. Ông bế nó lại sát cái cây lùn bên phải. Ông trèo lên bứt một cái lá màu trắng, áp vào vết thương của nó, lập tức máu ngừng chảy ngay, không những thế Cún cũng chẳng còn thấy đau nữa. Thật là kỳ diệu! Ông cũng vừa nhìn thấy con chim bị rớt xuống nằm chỏng chơ đó, ông cũng lấy một chiếc lá khác áp vào cánh chim, tự dưng con chim vỗ cánh rồi bay lên được ngay. Nó vẫy cánh chào ông rồi phóng vụt đi mất. Mấy đứa kia cứ thế mà há hốc mồm ra ngó, chẳng biết nói thế nào. Ông Sáu gật gù xoay qua nhìn đám nhóc, cười cười hỏi:
“Rồi, sao, mấy đứa con tới đây làm gì?”
“Dạ”
Bọn con nít riu ríu, chẳng dám nói gì. Ông Sáu chẳng hiểu tại sao đứa nào đứa nấy cứ thậm thò thậm thụt nhìn ông, ông vẫy tay nói với con Ti:
“Sao mấy con tới đây?”
Ti giật thót bụng khi ông Sáu đột ngột quay qua hỏi nó, nó ú ớ rồi xổ ra một tràng:
“Dạ, thằng Cún nó bảo tụi con ra đây kiếm ông đó ông”
“Kiếm ông á?” Ông Sáu mở lớn mắt ngạc nhiên “Kiếm ông chi vậy?”
“Dạ, mấy người bảo ông là phù thủy, nên tụi con muốn bắt ông đem về”
Trời đất, con này chắc chắn là bị mỡ lấp nên ăn nói lung tung. Nhìn vẻ mặt của ông Sáu dám ông đang nghĩ như thế lắm. Nhưng mà ông lại cười phá lên rồi gật đầu vui vẻ:
“Rồi, hóa ra là do lỗi của ông mà mấy con ra tận đây hả”
Ông Sáu nói rồi ngồi chàng hảng ra dựa vào cái cây lùn bên phải, ông ngồi như thể bảo rằng: “tao ở đây nè, ngon thì nhào vô bắt đi”. Dĩ nhiên là bọn nhóc chẳng dám nói hoặc làm gì cả, cứ im thin thít đứng nhìn ông lão. Lâu lâu cu Cún còn len lén dòm ông một cái. Ông hỏi:
“Thế mấy đứa bắt ông rồi định làm gì ông nè?”
“Dạ, mẹ con nói khi nào bắt được cái gì thì đem về cho mẹ nấu bún, chắc bắt ông về con cũng đem cho mẹ nấu luôn”
Ông Sáu nghe xong phá ra cười sặc sụa, con bé này nhỏ thế mà nói chuyện tếu ghê. Không biết bây giờ ông là phù thủy hay là mẹ nó nữa. Ông vẫy tay bảo mấy đứa xích gần lại một chút. Giờ thì tụi nó thấy ông cũng không nguy hiểm gì mấy nên nghe lời ông răm rắp. Ông chỉ vào hai cái cây, hỏi:
“Đố mấy con, hai cây này dùng để làm gì ?”
“Dạ, để chữa thương ạ” Ti hồ hởi trả lời. Đó là nó căn cứ vào thực tế của cu Cún.
“Ừm, nó còn nhiều tác dụng nữa lắm các con ạ. Bây giờ ông sẽ bày cho các con chơi, nhưng mà chỉ hôm nay thôi, lần sau không có bày đặt đi bắt bớ tầm bậy nữa nghe”
Mấy đứa đồng ý ngay, chẳng gì mà lại đi bắt một ông lão tốt bụng như thế. Đã chữa chân cho cu Cún, còn bày trò cho tụi nó chơi nữa, thích quá còn gì. Ông hỏi:
“Bây giờ, các con muốn chơi trò gì?”
“Có trò gì hả ông?”
“Nhiều lắm, muốn chơi trò gì là ông cho chơi trò đó”
“Vậy chơi xích đu nha ông”
“Rồi, xích đu hen”
Ông bước tới chỗ hai cái cây lùn, bứt một cái lá màu trắng và một cái lá màu đen, đan lại với nhau. Ông vứt chúng xuống đất rồi thổi phù một cái, trời đất, thì ra ông biết làm phép thật. Từ hai cái lá đan vào nhau, một cái xích đu màu ca rô bỗng hiện ra rồi tự động móc vào hai cái cành khác nhau. Ông Sáu bế Li lên rồi bỏ nó ngồi lên chiếc xích đu, đẩy tới đẩy lui. Một lúc sau ông không đẩy nữa mà để cho xích đu tự đánh. Ông vừa bỏ tay ra, mấy sợi dây leo trên cây bỗng vươn dài thườn thượn, mốc vào bụng lũ trẻ kéo lại cho an toàn. Hết đứa này đến đứa khác thay nhau ngồi xích đu, vui ra phết, đứa nào quậy thì cái xích đu tự đánh hơi mạnh lên, đứa nào sợ mà vẫn cố ngồi thì nó cứ đung đưa phe phẩy. Cả con chó cũng được ưu tiên ngồi chung với mỗi đứa, thành ra riêng nó là lời nhất, vòng nào cũng có mặt.
Chán xích đu rồi, ông Sáu bắt đầu chỉ cho tụi nhóc chơi trò khác. Ông bứt một lúc thật nhiều lá rồi đan lại thành một sợi dây rất dài, ông làm một lúc hai sợi giống y nhau rồi trải song song ra. Sau đó ông Sáu luồn hết chúng qua giữa hai cái cây, thổi phù một cái. Hai sợi dây oằn cong rồi cứng ngăn ngắt. Ông Sáu bảo từng đứa một ngồi lên trên hai sợi dây. Lạ lùng ghê, khoảng không giữa hai sợi dây tự dưng biến thành một cái nệm vô hình, vừa êm vừa nhún. Vừa ngồi lên, từng đứa một tuột mạnh ra phía trước, phóng lên veo véo, con chó con tuột cuối cùng, nó mất đà bắn lên trời kêu cái “véo”. Giọng sủa của nó lạc đi, nghe thành “gú gú gú”.
Nhưng mà cái cầu trượt này cực kỳ an toàn, hễ mấy đứa trượt tới đâu là nó tự động kéo dài ra, bay đến đỡ, lại còn tiếp tục tạo đà cho chúng tuột tiếp. Ngay khi con chó con văng lên trời, cái cầu trượt bằng dây cũng vươn lên, đẩy mấy đứa nhóc lên cao tít tắp. Chẳng mấy chốc chúng đã nhìn thấy đỉnh của mấy cái cây cao kều. Ông Sáu ở dưới thổi phù thêm một cái nữa, hai cái cây lùn bỗng chốc hóa thành khẳng khiu, phóng lên cao vút. Bọn nhóc vừa thấy cây lùn bay lên đã vội bám chặt lấy, ông Sáu cũng leo lên cùng bọn nó, hai cái cây cao bằng nhau rồi lại đan quấn lấy nhau, mọc dài ra liên tục. Ông Sáu bảo mấy đứa nắm tay nhau ngồi trên cái cành. Giờ thì hai cái cây lùn đan thành một, nó chở mấy ông cháu bay đi khắp nơi. Ông Sáu nói:
“Ông ra khỏi nhà để trồng hai cái cây này đấy các con ạ”
“Trồng có khó không ông?”
“Không khó, nhưng mà mất sức lắm, ở mỗi vùng sẽ có một người như ông, trồng cây cho con nít chơi. Nhưng mà con nít phải ra khỏi nhà thì mới chơi được, chứ ở ru rú trong nhà thì ông không có rủ đâu.”
“Vậy khi nào rảnh, mấy đứa tụi con ra đồi là ông lại bày trò chơi cho tụi con hen”
“Ừ, được rồi” Ông Sáu cười rồi vuốt đầu lũ nhóc.
Hóa ra ông Sáu cũng hiền ra phết, mà phát hiện lớn nhất của bọn con nít chính là hai cái cây của ông. Thì ra ông Sáu không phải phù thủy mà là một ông tiên. Giá mà lúc trước tụi nó phát hiện ra sớm một chút thì có phải hay không. Từ trước đến giờ tụi nó tưởng chỉ có chơi đồ chơi là vui, hóa ra chơi với cây với cối cũng vui không kém, vui nhất là từ tay tụi nó có thêm ông Sáu nữa làm bạn nè.
HẾT