Chương kết
Tác giả: Murakami Haruki
Ðêm ấy, tôi ngủ với em. Tôi không biết làm thế có nên hay không. Nhưng mà làm thế nào khác được?
Ðã lâu lắm rồi tôi không ngủ với người con gái nào. Với em, thì đấy là lần đầu. Tôi hỏi thử rằng sao em đã không ngủ với hắn. Hỏi xong mới sực nghĩ là không nên. Em không trả lời. Tay em rời thân thể tôi. Em quay lưng lại phía tôi, nhìn mưa rơi ngoài khung cửa sổ. Tôi vừa hút thuốc vừa nhìn lên trần nhà.
Tảng sáng, mưa ngưng. Em vẫn còn ngủ, quay lưng về phía tôi. Mà cũng có thể em đã thức suốt đêm qua. Ðối với tôi thì đằng nào cũng thế thôi. Trầm mặc lại chiếm trọn lấy em như dạo trước. Tôi nằm yên ngắm chiếc lưng em trắng muốt như thế một hồi lâu, rồi biết không thể làm gì hơn, tôi đứng lên rời khỏi giường. Dưới sàn vẫn còn vương vãi những bìa đĩa nhạc từ tối qua. Trên bàn ăn vẫn còn nửa cái bánh sinh nhật lở dở. Y như rằng thời gian đã ngưng đọng lại ở đấy. Trên bàn học có cuốn tự điển và bản chia động từ tiếng Pháp. Tường trước bàn học có treo cuốn lịch không có hình chụp hay hình vẽ gì, chỉ toàn số, trắng trinh, không có vết ghi nhớ, đánh dấu gì trên ấy cả.
Tôi nhặt quần áo đã cởi bỏ ở chân giường, mặc vào người. Chỗ ngực áo vẫn còn ẩm lạnh, áp gần mặt vẫn còn hương tóc em.
Tôi viết vào mảnh giấy ghi nhớ đặt trên bàn học: muốn em sớm điện thoại cho tôi, rồi rón rén bước ra và đóng cửa phòng lại.
Một tuần trôi qua không có điện thoại của em. Nhà em trọ không chịu chuyển điện thoại gọi đến cho các phòng, nên tôi viết cho em một lá thư dài. Xúc cảm của mình, tôi muốn giãi bày trên ấy càng trung thực càng tốt. Thật tình tôi không hiểu rõ rất nhiều điều, đã gắng tìm hiểu nhưng vẫn không đủ thời gian. Và thời gian đã trôi qua mà tôi vẫn không biết mình đang ở chốn nào. Nhưng tôi đã định nếu có thể thì không suy nghĩ quá sâu sắc về điều gì. Ðời sống quá mơ hồ để có thể suy xét sâu sắc; làm thế có thể lại đi đến chỗ bắt ép người chung quanh. Tôi thật chẳng muốn ép ai điều gì. Chỉ tha thiết muốn gặp em mà thôi. Có điều, tôi vẫn do dự như trước là gặp em như thế có nên không? Ðấy là tất cả những điều tôi đã viết trong thư.
Ðầu tháng Bảy, tôi nhận được thư em trả lời, rất ngắn:
“Em định tạm thời nghỉ học một năm. Nói là tạm thời, nhưng có lẽ sẽ không trở lại trường nữa. Xin nghỉ học tạm chỉ là trên thủ tục mà thôi. Phòng trọ sẽ trả lại vào ngày mai. Anh có thể cho là chuyện đột ngột nhưng thật ra chuyện nầy em đã suy nghĩ từ lâu lắm rồi. Lắm lần cũng định bàn với anh nhưng rồi cũng không làm được vì sợ chuyện phải nói ra lời.
Xin anh đừng lo bất cứ điều gì. Cho dù có chuyện gì đã xảy ra, hoặc chuyện gì đã không xảy ra, đi nữa, thì em nghĩ kết cuộc rồi cũng như thế nầy thôi. Mà nói như thế nầy có khi lại làm anh buồn. Nếu thế thật thì xin anh tha lỗi. Em chỉ muốn nói rằng: xin anh đừng vì em mà trách mình hay trách ai khác. Chuyện nầy quả thật em phải nhận trách nhiệm hoàn toàn. Một năm nay, em đã lần lữa kéo dài, làm khổ cả anh rất nhiều. Có lẽ đến đây là giới hạn rồi.
Trong vùng núi Kyoto có một chỗ tịnh dưỡng tốt, nên em định tạm thời vào ở đấy. Không phải bệnh viện đâu, chỗ nầy an dưỡng tự do hơn nhiều. Chi tiết thì xin để dịp khác sẽ viết. Ngay bây giờ em không biết phải viết như thế nào cho phải. Ngay cả thư nầy, em cũng đã viết đi viết lại 10 lần rồi đấy. Suốt một năm nay, anh đã vì em mà ở bên em, lòng em biết ơn anh không lời nào diễn tả nổi. Xin anh tin em, dù chỉ một điều đó. Những gì khác thì em không dám nói. Những đĩa nhạc anh cho, em sẽ thương quý mãi mãi.
Em nghĩ một ngày nào đó, ở một nơi nào đó trên thế giới bấp bênh nầy, nếu mà em lại gặp được anh thì lúc ấy, có lẽ em sẽ tỏ bày rõ ràng được với anh rất nhiều điều.
Tạm biệt anh.”
Tôi đã đọc đi đọc lại thư em vài trăm lần. Mỗi lần đọc là mỗi lần buồn bã không chịu nổi. Không khác gì nỗi buồn không có chỗ thoát mỗi lần em đăm đắm nhìn sâu vào mắt tôi, ngày trước. Tâm trạng ấy, tôi không ném vứt đi đâu được mà cũng không nhốt kín vào đâu được. Như gió, không có hình dung, không có trọng lượng. Bao nó ra ngoài thân mình cũng chẳng được. Phong cảnh ngoài đời qua đi chầm chậm trước mắt tôi. Tiếng người nói như không đến được tai tôi.
Vẫn như trước, cứ đến tối Thứ Bảy là tôi lại ngồi trên ghế ở hành lang hàng giờ. Không hy vọng gì có điện thoại của em, nhưng mà tôi không biết làm gì khác hơn. Tôi thường vặn máy truyền hình lên, giả vờ theo dõi chương trình truyền trực tiếp các trận bóng chày. Tôi ngồi đấy, nhìn đăm đăm vào khoảng không gian thăm thẳm giữa tôi và cái máy truyền hình. Mắt tôi chia khoảng không gian ấy ra làm hai, rồi lại chia làm hai, làm hai, làm hai... cho đến khi chỉ còn là không gian nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay tôi. Ðến 10 giờ đêm, tôi tắt máy truyền hình, về phòng, ngủ.
Cuối tháng ấy, bạn cùng phòng cho tôi con đom đóm trong một lọ đựng cà-phê. Trong lọ chỉ có con đom đóm với một ít lá cỏ và nước. Trên nắp lọ có đục sẵn vài lỗ nhỏ cho không khí vào. Chung quanh vẫn còn sáng nên chỉ thấy như là một con sâu màu đen bên bờ nước, nhìn kỹ mới nhận ra là một con đom đóm. Ðom đóm gắng sức bò lên thành thủy tinh trơn trợt, leo lên được một khúc lại trượt ngay xuống. Lâu lắm rồi tôi mới lại có dịp thấy côn trùng gần gũi như thế.
- “Bắt được nó ngoài vườn đấy. Khách sạn gần đây thả đom đóm ra để câu khách, cu cậu làm sao mà lại lạc sang đây đấy”. Thằng bạn nói, tay vừa nhét áo quần, sách vở vào trong chiếc túi hàng hải. Nghỉ hè đã mấy tuần rồi, cư xá có lẽ chỉ còn lại vài đứa tụi tôi. Tôi thì không muốn về quê, nó thì bận thực tập. Mà nay thực tập cũng vừa xong, nó đang thu xếp đồ đạc để về quê.
- “Làm quà cho bạn gái tốt lắm đấy nhé. Chắc chắn là các cô thích lắm”.
- “Cám ơn cậu”. Tôi nói.
Ðến tối thì cư xá im vắng hẳn. Quốc kỳ đã được kéo xuống cất đi. Cửa sổ phòng ăn thấp thoáng ánh đèn. Vì số sinh viên còn nán lại rất ít nên phòng ăn chỉ thắp sáng nửa số đèn thường ngày. Tắt dãy đèn bên phải, chỉ bật dãy đèn bên trái. Dù vậy, phòng ăn vẫn phảng phất mùi thức ăn tối, món hôm nay là thịt hầm rau và kem sữa.
Tôi mang lọ cà-phê đựng đom đóm lên sân thượng. Chẳng có bóng dáng người nào. Có ai bỏ quên chiếc áo sơ-mi trắng vắt trên dây phơi, trông như cái vỏ trắng phất phới trong gió đêm. Tôi leo chiếc thang sắt hoen rỉ ở góc sân thượng, lên trên nóc của tháp chứa nước. Tháp hình viên trụ, hấp thụ đầy ắp ánh nắng mặt trời từ sáng đến chiều tối nên vẫn còn ấm nóng. Ngồi xuống khoảng trống chật hẹp, tựa người vào tay nắm đầu thang sắt, tôi nhìn thấy nổi lên trước mặt, vầng trăng tròn trắng ngà chỉ hơi khuyết đi một tí. Thấy bên phải là vùng Shinjuku, bên trái là vùng Ikebukuro. Ðèn trước của xe hơi chiếu sáng thành những dòng sông ánh sáng rực rỡ, chảy từ con đường nầy sang con đường khác. Bao nhiêu tiếng động khác nhau trộn lẫn thành chuỗi vang động ì ầm êm nhẹ như tầng mây nổi bên trên đường phố.
Ở đáy lọ, đom đóm tỏa ra chút ánh sáng mảnh mai, thứ ánh sáng quá yếu ớt, quá nhạt, không chút gì giống với thứ ánh đèn đom đóm trong trí nhớ của tôi, rỡ ràng, sắc sảo trong những đêm hè đen thẫm. Như thế mới đúng là ánh sáng đom đóm chứ. Có khi chú đom đóm nầy yếu quá, sắp chết đến nơi rồi. Tôi nắm miệng lọ lắc thử vài cái. Thân đom đóm đập vào thành lọ, bay lên được một tị, nhưng ánh sáng phát ra cũng chỉ yếu ớt mờ ảo như cũ. Có lẽ ký ức của tôi sai rồi. Có lẽ ánh sáng thực tế không rực rỡ như tôi nghĩ. Có lẽ chỉ là tôi tưởng lầm, thế thôi. Hoặc là lúc ấy, bóng đêm bao quanh tôi đã quá sâu thẳm chăng? Tôi thật không sao nhớ rõ được. Ngay cả chuyện lần cuối tôi nhìn thấy đom đóm là lúc nào, tôi cũng không nhớ ra được. Tôi chỉ nhớ tiếng nước âm thầm trong đêm tối ấy. Có cái cổng ngăn nước của cái đập xưa cũ bằng gạch, loại đập nước có tay quay xoay vòng để kéo cửa ngăn nước lên xuống. Dòng nước nhỏ như bị phủ kín trên mặt bởi đám cỏ nước, loại thường mọc ven bờ biển. Lúc ấy, chung quanh tôi tối đen. Phía trên vũng nước đọng ở cổng ngăn nước, bay lượn vài trăm con đom đóm, toát ra một khối ánh sáng vàng tươi, chiếu lên mặt nước những hạt lửa cháy đỏ.
Lúc nào thế nhỉ? Và ở đâu thế nhỉ? Chịu, không sao nhớ nổi. Bây giờ đây, bao nhiêu chuyện đã trộn lẫn vào nhau mất rồi, chẳng còn biết đầu đuôi gì nữa.
Tôi nhắm mắt lại, thở thật sâu vài lần để chỉnh đốn lại tâm tư của mình. Nhắm mắt lại thì có cảm giác như thân thể mình sắp bị cuốn hút vào trong đêm sâu thẳm mùa hạ ấy. Nghĩ lại thì đây là lần đầu tiên tôi leo lên tháp chứa nước nầy vào ban đêm. Nghe tiếng gió rõ ràng hơn ngày thường. Gió hẳn không mạnh bao nhiêu, vậy mà đã thổi qua nách áo tôi lưu lại một quỹ tích sắc nét lạ thường. Ðêm chầm chậm bao phủ mặt đất. Cho dù ánh sáng đô thị cố gắng chứng tỏ hiện hữu đến đâu đi nữa, cuối cùng rồi cũng không tránh khỏi bị bóng tối cuốn hút mất tiêu.
Tôi mở nắp lọ, vớt chú đom đóm ra, đặt lên viền 3 phân của tháp chứa nước. Chú đom đóm có vẻ phân vân chưa nắm được tình hình. Lúc thì lắc lư bò quanh cái đinh ốc một vòng, lúc thì gác chân lên mảng sơn lở như tróc da trên mặt tháp. Bò đi phía bên phải, kiểm thấy cùng đường rồi, lại bò qua phía bên trái. Rồi từ từ uốn éo bò lên đỉnh cái đinh ốc, cuộn người nằm ở đấy. Có vẻ chú kiệt sức rồi, nằm yên không cựa quậy gì. Tôi vẫn tựa vào tay nắm thang sắt, ngắm hình dáng đom đóm. Một lúc rõ lâu, cả hai đều không động đậy chút nào. Chỉ có gió thổi, như dòng sông chảy qua giữa hai chúng tôi. Vô số lá cây cử cọ xát vào nhau. Tôi vẫn còn ngồi mãi như thế, chờ đợi. Rất lâu về sau, đom đóm nhỏm bật dậy. Như sực nhớ tới điều gì, đom đóm thình lình giương rộng đôi cánh, thoáng chốc bay bổng lên khoảng không mờ tối. Như để kéo lại thời gian đã mất, đom đóm nhanh nhẹn lượn một vòng cung bên cạnh tháp chứa nước. Rồi ngừng lại như để chờ cho lằn sáng đom đóm in đậm vào trong gió, xong nhắm hướng đông bay mất. Ðom đóm đã bay mất rồi, nhưng quỹ tích ánh sáng của đom đóm vẫn còn lưu lại trong tôi rất lâu. Trong bóng tối dày đặc của mắt tôi đang nhắm lại, đốm sáng nhỏ nhoi ấy lạc lõng hoài hoài như một mảnh linh hồn lạc mất lối về. Tôi vài lần thử rón rén vươn tay vào khoảng tối thẳm ấy nhưng ngón tay tôi không chạm được gì. Ðốm sáng nhỏ nhoi ấy lúc nào cũng cách một khoảng vô cùng ngắn trước đầu ngón tay tôi.
Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 01-2004