Chương 2
Tác giả: Murakami Haruki
Rồi họ chạm cốc.
“Và không có gì phủ bóng tối lên cuộc đời cô”.
Nàng yên lặng nhẩm lại lời chúc của ông ta dành cho nàng. Tại sao ông ta lại chọn cách nói lạ lùng như thế cho lời chúc mừng sinh nhật nàng?
“Ngày sinh nhật lần thứ hai mươi chỉ đến một lần trong đời thôi cô ạ. Đó là ngày không thể nào thay thế được”.
“Vâng thưa ông, tôi biết”,
nàng nói và cẩn thận chiêu một ngụm rượu.
“Và này, trong ngày đặc biệt của cô thế này mà lại phiền cô mang bữa tối cho tôi như một nàng tiên tốt bụng vậy”.
“Tôi chỉ làm công việc của mình thôi, thưa ông”.
“Nhưng mà”, ông già nói và lắc đầu nhanh vài cái,
“nhưng mà cô gái trẻ dễ thương”.
Ông già ngồi xuống chiếc ghế da cạnh bàn và ra hiệu cho nàng ngồi xuống chiếc trường kỷ. Nàng rón rén cúi người ngồi ở mép trường kỷ, cầm cốc rượu trên tay. Hai đầu gối xếp bên nhau, nàng sửa áo và lại hắng giọng. Nàng nhìn những giọt mưa chảy dọc theo nhau trên tấm kính cửa sổ. Căn phòng yên lặng lạ thường.
“Hôm nay là sinh nhật lần thứ hai mươi của cô. Và trên hết cô đã mang cho tôi một bữa ăn ấm nóng tuyệt vời”. Người đàn ông già nói, như thể tái xác nhận lại tình thế này. Rồi ông tháo kính để trên bàn, nghe một tiếng “cạch” nhỏ.
“Cô có nghĩ đây là một cuộc hội ngộ đặc biệt không?”
Nàng gật đầu nhưng không tin chắc lắm.
“Ấy là lý do tại sao tôi cảm thấy điều quan trọng là tôi phải tặng cô một món quà sinh nhật,”
ông ta vừa nói vừa đưa tay cầm cái nút thắt ca ra vát màu lá cây héo.
“Một ngày sinh nhật đặc biệt cần một món quà kỷ niệm đặc biệt”.
Cảm thấy bối rối, nàng lắc đầu và nói:
“Đừng, xin ông đừng nghĩ ngợi sâu xa gì. Tôi chỉ làm việc mà người ta yêu cầu thôi, đó là mang bữa tối đến cho ông”.
Người đàn ông già đưa hai tay hướng về phía nàng.
“Đừng cô, xin cô đừng nghĩ thế”. “Quà tặng” mà tôi dành cho cô không phải là một vật gì hữu hình có giá tiền đâu. Nói đơn giản”, ông ta đặt hai tay lên bàn rồi từ từ thở một hơi dài,
“điều mà tôi muốn làm cho một nàng tiên trẻ trung dễ thương như cô là ban cho cô một quyền năng, làm cho điều ước của cô thành sự thật. Bất cứ điều gì. Bất cứ điều gì cô mong ước - giả dụ là cô có một điều ước như thế”.
“Một điều ước ư?”, nàng hỏi, cổ họng khô khốc.
“Điều gì đó mà cô muốn thành hiện thực. Nếu cô có một điều ước - chỉ một điều thôi, tôi sẽ biến nó thành hiện thực. Đấy là món quà sinh nhật mà tôi có thể tặng cô. Nhưng cô nên suy nghĩ thật kỹ, bởi tôi chỉ tặng cho cô đúng một lần thôi”. Ông ta giơ một ngón tay lên trời. “Chỉ một điều duy nhất. Cô không được thay đổi và rút lại điều ước của mình đâu”.
Nàng lúng túng không biết phải nói sao. Một điều ước ư? Gió quất những giọt mưa thất thường rơi đập vào kính cửa sổ. Trong khi nàng yên lặng, ông già nhìn thẳng vào mắt nàng, không nói một lời. Thời gian loạn nhịp gõ bên tai nàng.
“Tôi phải ước điều gì ư? Và điều ước đó sẽ được ban cho tôi ư?”
Thay vì trả lời câu hỏi của nàng, ông già - hai tay vẫn đặt cạnh nhau trên bàn - chỉ mỉm cười. Nụ cười rất mực tự nhiên và thân ái.
“Cô có ước một điều gì đó hay không?”, ông ta hỏi nhẹ nhàng.
“Điều này đã thực sự xảy ra đấy”, nàng nói, nhìn thẳng vào tôi. “Em không bịa chuyện đâu”.
“Dĩ nhiên là không rồi”, tôi nói. Nàng đâu phải loại người có thể bịa ra những câu chuyện ngu ngốc từ không khí loãng. “Vậy… rồi em có ước điều gì không?”
Nàng tiếp tục nhìn tôi trong một thoáng rồi khẽ thở dài.
“Đừng làm khó em chứ”, nàng nói.
”Nghiêm túc thì em cũng không tin ông ta 100 phần trăm đâu. Ý em muốn nói là vào tuổi hai mươi, anh hoàn toàn không sống trong thế giới những câu chuyện thần tiên nữa. Nhưng dù cho đó là một chuyện đùa đi nữa, em cũng phải theo ông ta, không để ông ta lâm vào tình thế khó xử. Ông ta là một ông già bảnh bao sang trọng, ánh mắt tinh anh, vì thế em quyết định nhập cuộc chơi cùng với ông ta. Nói gì thì nói, đó là ngày sinh nhật lần thứ hai mươi của em, và em cũng muốn có một điều khác lạ xảy đến cho mình vào ngày đó. Đây không phải là chuyện tin hay không tin”.
Tôi gật đầu, không nói một lời.
“Em chắc là anh hiểu lúc đó em cảm thấy thế nào. Ngày sinh nhật lần thứ hai mươi của em gần qua đi mà chẳng có gì đặc biệt xảy ra, không ai chúc mừng sinh nhật em lấy một lời và tất cả những điều em làm là mang món Tortellini với nước xốt cá đến bàn của khách”.
Tôi lại gật đầu. “Đừng lo”, tôi nói. “Anh hiểu mà”.
“Vì thế mà em đã ước một điều”.
Ông già vẫn nhìn nàng chăm chú, không nói một lời, hai tay vẫn đặt trên bàn. Trên bàn có nhiều tấm bìa dày chắc để ghi chú sách, một hộp đựng viết, một quyển lịch, một cái đèn hắt bóng màu xanh. Giữa chúng là hai bàn tay nhỏ bé của ông già, trông như một bộ dụng cụ khác nữa ở trên bàn. Mưa tiếp tục đập vào kính cửa, ánh đèn tháp Tokyo thấm qua những hạt mưa vỡ nát.
Những nếp nhăn trên trán ông ta hơi chau lại.
“Đó là điều ước của cô ư?”
“Vâng”, nàng nói.
“Đó là điều ước của tôi”.
“Một điều ước hơi khác thường đối với một cô gái tuổi như cô”, ông ta nói.
“Tôi ngỡ là một điều gì khác cơ”.
“Nếu nó không tốt thì tôi sẽ ước một điều khác”,
nàng nói, hắng giọng. “Tôi không phiền gì đâu. Tôi sẽ ước một điều khác vậy”.
“Không, không”, ông già nói, giơ hai tay vẫy vẫy như lá cờ. “Chẳng có gì tệ đâu, hoàn toàn không có gì đâu. Tôi chỉ ngạc nhiên một tí thôi, thưa cô. Sao cô không ước điều khác? Chẳng hạn như muốn mình trở nên xinh đẹp hơn, hay tài trí hơn, hay giàu có? Sao cô không ước những thứ như vậy? Những thứ mà các cô gái bình thường mong muốn?”
Phải mất một lúc nàng mới tìm ra cách diễn đạt đúng ý mình. Ông già chỉ đợi, không nói một lời, hai tay vẫn để yên trên bàn.
“Dĩ nhiên là tôi muốn mình xinh đẹp hơn tài trí hơn, hay giàu có. Nhưng thật sự tôi không thể hình dung ra điều gì sẽ xảy đến cho tôi nếu một trong những điều đó thành hiện thực. Có lẽ tôi sẽ không kham nổi. Tôi vẫn chưa thật sự biết gì về cuộc đời. Tôi không biết cuộc đời tôi sẽ ra sao”.
“Tôi hiểu”, ông già vừa nói vừa đan những ngón tay vào nhau rồi lại buông ra. “Tôi hiểu”.
“Vậy thì điều ước của tôi được chứ?”
“Dĩ nhiên”, ông ta nói. “Dĩ nhiên, chuyện đó chẳng khó gì đối với tôi”.
Ông già đột nhiên nhìn chăm chú vào một điểm trong không trung. Những nếp nhăn trên trán hằn sâu; có thể đó là chính những nếp nhăn ở vỏ não khi ông tập trung suy nghĩ. Ông dường như đang chăm chú nhìn cái gì đó, có lẽ là một khối vô hình lơ lửng trong không trung. Ông giang rộng hai cánh tay, hơi nhấc mình lên khỏi ghế, rồi đập hai tay vào nhau vang một tiếng “chát” khô khốc. Ngồi lại xuống ghế, ông ta chậm chạp đưa tay xoa những nếp nhăn trên trán như xoa dịu chúng, rồi ông quay về phía nàng, cười nhẹ nhàng.
“Xong rồi”, ông ta nói. “Điều ước của cô đã được thực hiện”.
“Xong rồi ư?”
“Vâng, chẳng có vấn đề gì đâu. Điều ước của cô đã thành hiện thực rồi, thưa cô gái dễ thương. Chúc mừng sinh nhật cô. Cô có thể trở lại làm việc được rồi. Đừng lo. Tôi sẽ đẩy xe ra hành lang”.
Nàng vào tháng máy trở xuống nhà hàng. Hai tay trống rỗng, nàng cảm thấy một chút bối rối nhẹ nhàng. Như thể nàng mới bước vào một vở kịch bí ẩn nào đó.
“Em không sao chứ? Em có vẻ khác thường đấy”,
người phục vụ trẻ nói với nàng.
Nàng cười với anh ta một nụ cười khó hiểu và lắc đầu. “Ồ, thật vậy à? Em có sao đâu”.
“Nói cho anh biết về ông chủ đi. Ông ta trông thế nào?”
“Em không biết. Em có nhìn kỹ ông ta đâu”, nàng nói để cắt ngang câu chuyện.
Một tiếng sau, nàng lên mang cái xe đẩy xuống. Chiếc xe nằm ngoài hành lang, bát đĩa đặt trong đó. Nàng mở nắp ra và nhận thấy món gà và rau đã biến mất, chai rượu và bình cà phê đã rỗng, cửa phòng 604 đã đóng lại, vô cảm. Nàng nhìn chăm chú cánh cửa một lúc lâu, cảm thấy như thể nó sẽ mở ra bất cứ lúc nào, nhưng cánh cửa vẫn đóng im ỉm. Nàng đẩy chiếc xe xuống thang máy đến chỗ người rửa bát. Người đầu bếp nhìn vào cái đĩa trống không như thường lệ và gật đầu bâng quơ.
“Em chẳng bao giờ gặp ông chủ thêm lần nào nữa”, nàng nói. “Không một lần nào nữa. Người quản lý hóa ra chỉ bị đau bụng thường thôi, ngày hôm sau ông ta đã trở lại công việc mang cơm cho ông chủ. Sau Tết em nghỉ việc và không trở lại đó lần nào nữa. Em không biết tại sao, em chỉ cảm thấy tốt hơn là không nên lảng vảng gần nơi đó, kiểu như một dạng linh cảm vậy”.
Nàng nghịch miếng giấy lót cốc, miên man với những suy nghĩ của mình. “Đôi khi em có cảm giác rằng mọi thứ đã xảy ra vào ngày sinh nhật lần thứ hai mươi chỉ một loại ảo tưởng nào đấy. Có điều gì đó đã xảy ra khiến em nghĩ rằng những gì xảy ra không thật là đã xảy ra. Nhưng em biết chắc rằng điều đó đã xảy ra. Đến bây giờ em vẫn có thể hồi tưởng lại rõ ràng từng vật dụng, từng món đồ trang trí trong căn phòng 604. Và mọi chuyện xảy đến cho em ở đó đã thực sự xảy ra, và điều đó cũng có một ý nghĩa quan trọng đối với em”.
Hai chúng tôi yên lặng một lúc lâu, uống rượu và để mặc cho những suy nghĩ của mình lan man.
“Em có phiền nếu anh hỏi em một điều không?”, tôi hỏi. “Chính xác là hai điều đấy”.
“Anh cứ hỏi đi”. Nàng nói.
“Em hình dung anh sẽ hỏi em đã ước gì lúc đó. Đó là điều đầu tiên anh muốn biết đúng không?”
“Nhưng có vẻ như em không muốn nói thì phải”.
“Vậy sao?”
Tôi gật đầu.
Nàng đặt miếng giấy lót cốc xuống và nheo mắt lại như thể đang nhìn cái gì đó ở khoảng cách xa. “Anh biết đấy, ngay cả anh cũng chẳng nói cho ai biết điều ước của mình đúng không?”
“Anh có bắt em phải nói đâu”, tôi nói. “Anh chỉ muốn biết điều ước đó có thành hiện thực hay không mà thôi. Và dù điều ước đó là gì đi nữa nhưng khi nó đã thành hiện thực thì về sau em có bao giờ hối tiếc đã chọn nó không. Đã bao giờ em cảm thấy tiếc vì không chọn điều ước khác chưa?”
“Lời đáp cho câu hỏi đầu tiên là vừa có vừa không. Có lẽ em còn phải sống nhiều. Em vẫn chưa được thấy mọi chuyện sẽ kết thúc ra sao”.
“Vậy điều ước đó phải mất nhiều thời gian mới trở thành hiện thực à?”
“Anh có thể nói như thế. Thời gian đóng vai trò rất quan trọng đấy”.
“Giống như khi nấu một số món ăn nào đó ư?”
Nàng gật đầu.
Tôi nghĩ một lát, nhưng điều duy nhất tôi có thể hình dung ra là một cái bánh khổng lồ đang được hấp từ từ trong lò ở nhiệt độ thấp.
“Vậy còn lời đáp cho câu hỏi thứ hai?”
“Anh nói lại đi”.
“Có bao giờ em hối tiếc vì mình đã chọn điều ước đó không?”
Một thoáng im lặng tiếp theo sau. Đôi mắt nàng nhìn tôi dường như đã mất chiều sâu. Cái bóng khô khan của nụ cười thoáng qua khóe miệng nàng cho tôi cảm giác im lặng của một sự nhẫn nhục.
“Giờ em đã lập gia đình”, nàng nói. “Với một nhân viên kế toán hơn em ba tuổi. Em đã có hai con, một trai, một gái. Nhà em có nuôi một con chó lông xù Aùi Nhĩ Lan. Em lái một chiếc Audi và một tuần hai lần đi đánh tenis với bạn. Đấy là cuộc đời em đang sống”.
“Nghe khá là tuyệt đấy”, tôi nói.
“Ngay cả khi cái thanh chắn của chiếc Audi có hai vết va chạm ư?”
“Này, cái thanh chắn được làm ra để chịu va đập mà”.
“Đó có thể là một mác quảng cáo hay cho thanh chắn,” nàng nói. “Thanh chắn được làm ra để chịu va đập”.
Tôi nhìn vào miệng nàng khi nàng nói chuyện.
“Điều mà em đang cố nói với anh là thế này”, nàng nói dịu dàng hơn, gãi gãi đôi tai. Tai nàng có hình dáng tuyệt đẹp. “Bất luận người ta ước muốn điều gì, bất luận họ đi xa đến đâu, người ta cuối cùng cũng trở thành chính mình chứ không phải ai khác. Có vậy thôi”.
“Lại một cái mác quảng cáo hay khác cho thanh chắn đây”, tôi nói. “Dù đi xa đến đâu, con người cuối cùng cũng trở thành chính mình chứ không phải ai khác”.
Nàng cười lớn với vẻ hài lòng thực sự và cái bóng mờ biến mất.
Nàng tựa khuỷu tay lên bàn nhìn tôi. “Nói cho em nghe”, nàng nói. “Anh sẽ ước điều gì nếu anh rơi vào tình huống như em?”
“Ý em nói là vào đêm sinh nhật lần thứ hai mươi?”
“À, ừ”.
Tôi nghĩ một lúc lâu nhưng không tìm ra điều ước nào.
“Anh chẳng nghĩ được gì cả”, tôi thú nhận. “Anh đã quá xa cái tuổi hai mươi đó rồi”.
“Anh thực sự không thể nghĩ ra được điều gì à?”
Tôi gật đầu.
“Ngay cả một điều cũng không?”
“Không một điều gì”.
Nàng nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Đó là bởi anh đã thực hiện điều ước của mình rồi”.