Chương 7
Tác giả: Mỹ Hạnh
Quách tiên sinh đến công ty vào chủ nhật bằng taxi, mặc âu phục, Dương cùng ông thong dong nhàn nhã đi quanh xưởng vẽ, xưởng điêu khắc của các nghệ nhân và xưởng thiết kế bằng mẫu vẽ trên vi tính, gật gù phán một câu :
- Không nhỏ để dễ làm điều muốn làm, không lớn để kẻ tiểu nhân đỡ dòm ngó, thế nhưng ...
Quách lão bỏ lửng không nói nữa, Dương cười ruồi làm ngơ. Họ tiếp tục dạo quanh phòng giám đốc, phó giám đốc, phòng kế toán và nhân sự. Quách lão phán :
- Có mùi phấn son sang trọng, là ai thế ?
- Luật sư công ty Hồ Vĩnh Hoa.
Họ về nhà anh, Quách lão bắt đầu bằng hai chữ thế nhưng bỏ dở ban nãy :
- Đối tác cạnh tranh đang tìm cách bứng Mỹ Nghệ Lê Gia, anh biết chứ ? Nên tốt hơn tôi bay về để Mel Duvall sang ngay.
Dương cười lạnh lẽo :
- Họ làm sao thấy ông khi tôi không cho thấy ?
- Anh nói thế chứng tỏ đã có biện pháp, tôi an tâm.
- Uy bảo tiên sinh sẽ thông tư điều gì đó ?
- Luật sư Nguyễn và bà Barry More vừa ký xong phần cuối hợp đồng 20. Phần bàn ghế trong nội thất gồm : Mây, lát, tre và lục bình với hợp đồng cung cấp vô thời hạn có bảo hành.
Luôn tự chủ, không bao giờ để lộ cảm giác qua nét mặt, nhưng rồi Dương đã reo lên, bùm liền chai champagne cho vọt trào tận nóc nhà, tưới uớt cả hai người. Và rồi để nguyên chai, anh ngửa cổ tợp khoan khoái rồi chìa cho Quách lão :
- Natalie đúng là báu vật vô giá, điều này phải cảm ơn tiên sinh. Coi như tôi nợ chị ấy công ty Nortenson.
Quách lão không lộ vẻ gì, ung dung rót rượu qua cốc thủy tinh, đưa lên ngắm nghía rồi nói :
- Champagne Nga tuyệt trần đời, dù ai ai cũng cho rằng Champagne ngon phải là của Pháp.
Ông nhàn nhả hớp từng ngụm, lơ đãng nói :
- Lạ thật, nơi đây có mùi da thịt trinh nguyên.
Mãi mãi với bất cứ ai, Quách lão là một bí mật siêu phàm trừ Dương. Anh biết ông là nhà bình luận, nghiên cứu bậc nhất Trung Hoa về mọi thể loại mỹ thuật, từ thi ca, hội họa đến điêu khắc. Anh cũng biết ông uyên bác, tinh thâm mọi nền văn học kim cổ, và điều bí mật nữa, ông là bậc thầy trong nghệ thuật yêu. Có lẽ đó là nguyên nhân chính để ông Trung Hoa tận xương tủy, lại rời Trung Hoa từ những năm 30.
Đến bây giờ, nhìn ông chẳng ai ngờ ông ở tuổi chín mươi. Ông đi khắp châu Âu lãng mạn thời ấy tôn vinh cái đẹp và tình yêu. Hai lần giảm đôi tuổi mình ở giấy tờ để phù hợp với sức trẻ bên ngoài. Với ông ngoài tiền bạc, danh vọng, con người chỉ hạnh phúc khi có được tình yêu.
Ông đến Mỹ giữa thập niên 70, gặp Dương, biết Dương từ khi mới 15 tuổi, chứng kiến toàn bộ cuộc đời Dương. Sau đó, chấp nhận làm sư phụ và cũng là tri kỷ của anh đến tận bây giờ.
- Thứ rượu ấy tên gì nhỉ ?
- Không có tên đâu. Tôi chế dành cho cái đầu luôn đa năng quá tải và con tim đã chết của anh.
Dương mơ màng :
- Nó khiến người ta vừa tỉnh lại vừa mê. Tiên sinh từng biết đến chưa một ... đàn bà trinh trắng ?
- Nếu có người đàn bà như thế cho riêng mình, anh là thằng đàn ông may mắn nhất. Nghĩ xem, trong gợi tình là e ấp, vừa sành sỏi lại vừa thơ ngây.
Ông lại nhàn nhã, thanh tao nâng cốc rượu hớp từng ngụm :
- Tôi đã nói, anh sẽ có được mà.
- Tôi muốn người đàn bà của tôi phải ...
- Thấy chưa ! Suốt hai mươi năm anh luôn nói : "Tôi căm thù đàn bà, đồ giống cái không bao giờ có tim óc". Còn bây giờ, anh đã nghĩ đến, anh đã tin cuộc đời này có cái gọi là "kiên trinh, chung thủy".
Dương trầm ngâm uống rượu. Tất cả phụ thuộc vào thời gian.
-oOo-
Sáng hôm sau, Dương báo Vĩnh Hoa mọi việc cần cứ trao đổi với Kiên, anh vắng mặt ở công ty một tuần. Cô ngạc nhiên :
- Anh đi đâu ?
- Đi mua hàng. Chúng ta thu mua là chính yếu, cô biết mà. Dĩ nhiên rồi, cái bảng trương chình ình, công ty T.N.H.H. kinh doanh và dịch vụ Mỹ Nghệ Lê Gia kia mà. Sau đó chấm mẫu hàng đối tác chào, ra kích cỡ để họ làm.
- Lần này mình xuất qua đâu ? Tôi thấy toàn mẫu gốc cây ?
- Một Quách tiên sinh ở Mỹ, cô lo gì chứ, phải đến tháng mười mới xuất lô hàng lớn ấy ...
Dương đi rồi, Vĩnh Hoa xem tiếp đống giấy tờ rồi đi đến đoàn luật sư thành phố ...
-oOo-
Cùng thời gian ấy, trong căn phòng sang trọng được trang trí bằng mỹ nghệ giả cổ, người đàn ông đường bệ ngồi ở chiếc sofa gỗ cầu kỳ, nói với ba người kia :
- Ta có ba cách để hạ gục Mỹ Nghệ Lê Gia.
- Anh cứ dạy bảo.
- Thứ nhất, sát nhập bốn công ty thành một, để đủ khả năng tài chính bóp chết thằng kia. Số cổ phần hóa tính theo giá trị tài sản.
- Thứ hai là tìm đối tác của Mỹ Nghệ Lê Gia, bằng mọi giá giật các hợp đồng - Người gầy nhất nói không hở môi.
- Lỗ ban đầu là không tránh khỏi. Điều tôi nghĩ đến là phải lỗ trong bao lâu ? Còn điều thứ ba ?
- Làm nó thân bại danh liệt.
- Nó chẳng phải tay mơ đâu.
- Điều này cứ giao cho tôi ...
- Giờ ta bàn chuyện sát nhập đã. Các luật sư đã đến chưa ?
oOo
Cả tuần mẹ con Sao Mai đều buồn. Thảo Nguyên quậy mẹ quá xá vì bác thơm không đến chơi với nó. Còn mẹ nó lại cấm tiệt đến chỗ bác thơm.
Sao Mai thở dài, dọn cơm ra bàn, uể oải gọi con :
- Ăn cơm Thảo Nguyên.
Con bé đang ngồi giữa nhà, quanh nó là hộp lắp ghép mà Dương cho. Nó đã "xây" xong nhà, có hàng rào, có vườn cây, cả gà chó ... Bên trong nhà nó đặt bàn ghế với ba người ngồi.
Nghe mẹ gọi, con bé vẫn giả lơ, ngắm nghía tác phẩm của mình, đợi bị gọi lần nữa mới phụng phịu nói :
- Con hổng ăn. Ai biểu bác thơm gạt con.
Sao Mai nghiêm mặt :
- Bác thơm liên quan gì tới cơm ? Ăn mau cho má đi làm.
- Bác nói mỗi tuần đến đưa con đi chơi.
- Hiện nay bác rất bận, bác đang ở xa, hơn nữa bác đã nhờ má nói với con rồi.
- Con hổng chịu - Thảo Nguyên làm mình làm mẩy, nằm xoài ra ... nhắm tịt mắt.
Sao Mai lộn cả ruột, giận con, lại giận cả Dương. Cô tới xốc con ngồi vào bàn, nghiêm mặt nói :
- Con không ăn má đánh cho coi. Sao càng ngày càng hư quá vậy hả ?
Thảo Nguyên vẫn bướng bỉnh nằng nặc :
- Má cho con đi làm con mới ăn.
Sao Mai tức quá, chưa bao giờ con nhỏ lì tới vậy, cô phát mạnh vào mông nó một cái, quát :
- Không đi đâu hết, bưng cơm ăn ngay.
Thảo Nguyên khóc òa, gào tướng :
- Má đánh con, con méc bác thơm.
Sao Mai càng giận, phát liền mấy cái, Thảo Nguyên xưa nay dù rất ngoan, được mẹ dạy dỗ nghiêm khắc, nhưng vẫn là trẻ thơ thích được nuông chìu. Nó bị đánh đau, nổi làm nư gào to, rồi môi miệng hốt nhiên tím ngắt, tiếng khóc tắc tịt, gần như lăn ra nền nhà ngất đi.
Sao Mai hốt hoảng xốc con lên, la lớn khiến bà Bảy và hàng xóm chạy qua nháo nhác. Kinh nghiệm đầy mình, bà Bảy quát :
- Để con nhỏ xuống, dang ra coi.
Bà xoa bóp chân tay, đầu cổ con nhỏ vài cái, nó thở hắt, ọe khóc, môi miếng hồng hào trở lại.
Hàng xóm la trời, con nhỏ nư lớn quá mà, khóc đến xỉu nghẹt thở luôn.
Sao Mai khóc ròng và chính nước mắt cô làm Thảo Nguyên sợ khiếp. Nó chưa khi nào thấy mẹ khóc, nên cứ co rúm trong lòng bà Bảy, mếu máo :
- Con hổng dám hư nữa, má đừng khóc.
Bà Bảy lắc đầu ngó hai mẹ con, đủng đỉnh hỏi :
- Mẹ con bây rộn quá, đâu kể nghe chuyện gì.
Sao Mai khóc cay đắng chẳng biết nói sao. Tất cả đều mơ hồ chẳng ra gì. Chỉ là cảm nghĩ ở cô. Cô sợ mất Thảo Nguyên, sợ nó gắn bó với người ta đến một lúc nào đó, sẽ đánh mất niềm tin vào cuộc đời ngay thời thơ dại.
"Người ta" giàu sang, danh giá vậy, sao có thể ... và bản thân cô, chẳng bao giờ nghĩ tới điều điên rồ ấy.
- Không có gì bà Bảy, Thảo Nguyên cứ đòi lên chỗ làm con chơi, mà anh Kiên tối nay đi Bình Dương.
- Con lên chơi ... với bác thơm.
Sao Mai chua xót nhìn bà Bảy :
- Người ta là giám đốc, sao làm phiền hoài được. Con nói hoài nó không nghe.
- Phải ông hôm rồi không ?
- Dạ phải, ổng hiện bận lắm, cứ đi suốt.
Cô ngượng nghịu nhìn xuống, bà Bảy gật đầu nói :
- Thôi, để con nhỏ cho bà, bây đi làm đi.
- Dạ.
Cô tất tả chạy xe tới công ty, mở cửa xưởng, sắp mẫu tượng ra từng góc, chọn phối cảnh, chọn nền rồi chụp. Thế nhưng đưa máy lên, dưới ánh đèn sáng tựa ban ngày, cô vẫn thấy tối đen, tuyệt vọng biết đêm nay mình chẳng làm được gì, nếu gắng chỉ tổ tốn tiền phim ảnh.
Cô thẫn thờ ngồi thu lu một góc, tắt hết đèn chụp chỉ để mấy ngon néon vừa đủ sáng. Cô ngồi mãi, quên cả thời gian cho tới khi nghe tiếng bước chân, sực tỉnh ngẩng đầu lên và hết hồn.
- Sao Mai ! - Dương nhăn mặt - Cô làm gì ở đây giờ này ?
Cô ngơ ngẩn đáp như máy :
- Dạ, ... tôi chụp hình.
Mất cả phút Dương nhìn cô rồi hỏi lại :
- Chụp hình ? Lúc nửa đêm thế này à ? Cô gặp chuyện gì đúng không ?
Nửa đêm ? Cô hốt hoảng nhìn đồng hồ, chụp vội túi xách dợm đi ngay. Dương gắt :
- Cô làm ơn đi.
Anh nện giày mạnh trên nền, kéo tuột tay cô đi ra chỗ xe anh, cương quyết ấn cô vào, đóng sập cửa rồi nói với người bảo vệ :
- Cất xe dùm cho cô ta.
Lái xe ra khỏi cổng, anh mỏi mệt hỏi :
- Nói tôi nghe, chuyện gì vậy ?
Cô biết nói sao ? Chẳng lẽ nói "Con tôi đòi tôi ... mua ông về làm ba nó ?". Cô cười chua chát, nhớ tới chuyện bà hàng xóm quá quắt, bày bé Thảo Nguyên về xin tiền mua ... ông ba.
- Này ! Cô có biết tôi rất mệt không ? Đừng bắt tôi phải suy nghĩ nữa.
Cô ngỡ ngàng nhìn anh. Tại sao người như anh lại vì cô suy nghĩ ?
Anh dừng xe đột ngột, chồm qua cô gắt :
- Ai làm phiền cô ?
- Không ! - Cô thảng thốt cùng lúc mùi nước hoa thoảng nhẹ từ anh phả vào mũi cô. Cô chợt mơ hồ thấy quen thuộc, gợi nhớ điều gì đó như mơ ...
- Không ! - Cô lặp lại khổ sở.
Mặt Dương sa sầm trông dễ sợ. Cả tuần nay, anh cùng Mel Duvall đi hết Bình Dương, Sông Bé đến Đồng Nai, ba chi nhánh có kho hàng lớn, duyệt các mẫu điêu khắc, chọn vào hợp đồng số 20 ở Washington. Cả hai làm việc căng thẳng, bất kể ngày đêm để các nghệ nhân ra hàng cho kịp từ các tỉnh. Và bây giờ anh đang mệt đuối, lại phải lo cho cô.
- Thôi được, mặc xác cô.
Anh lạnh lùng gài số, nhấn ga. Chiếc xe lao đi với tốc độ kinh hồn. Sao Mai hoảng quá, buột miệng :
- Ông ... đừng làm Thảo Nguyên quyến luyến nữa.
Ra thế, Dương nhả số, giảm ga, lạnh lùng hỏi :
- Ý cô muốn nói, tôi tuyệt đừng gặp con bé chứ gì ?
- Phải - Cô lấy hết can đảm nhìn thẳng anh nói liền một hơi - Với ông đó chỉ là niềm vui khi rảnh rỗi, còn Thảo Nguyên, nó ... nó cứ nghĩ ông mãi ở bên nó, mãi yêu thương nó ... nó ... hôm nay đòi đi gặp ông, trần sở với tôi đủ điều, còn tôi lại không thể nói rằng ông ở một thế giới khác, không bao giờ thuộc về nó được.
Dương nhìn trừng cô, chợt cười nhạt :
- Hay thật, cô nghĩ về tôi ... tệ đến thế ? Nhưng ai cho cô quyền quyết định tự do người khác vậy ? Nếu như con cô thích tôi, tôi thương nó, phải xin phép cô sao ?
- Nhưng ...
- Dẹp cô đi ! Hãy nhớ một điều, đừng bao giờ áp đặt trẻ thơ, nhất là điều yêu ghét trong con tim nhỏ xíu của nó, trong trí óc non nớt thơ ngây. Tôi chẳng từng nói với cô sao ? Tôi không cướp gì của cô cả. Bé Thảo Nguyên mãi là con cô, rõ chưa ?
Mình không bao giờ nói được điều muốn nói với ông ta, Sao Mai buồn rầu nghĩ.
Vẫn lái xe chầm chậm, Dương hỏi tiếp :
- Nhưng đơn giản vậy, cô chẳng mất hồn cả đêm. Nói thật đi, Thảo Nguyên làm sao ?
Cô không thể nói dối, ấp úng :
- Nó làm nư ... không chịu ăn cơm, đòi đến xưởng. Nó chưa bao giờ hư vậy. Tôi giận quá phát vào mông nó ...
- Trời ơi ! Cô điên à ? Đi đánh con ?
- Ai ngờ ... nó khóc đến ... nghẹn thở, mặt tím ngắt, làm tôi hết hồn. May có bà Bảy ...
Dương quát :
- Chết tiệt cô đi !
Xe dừng đầu hẻm, Dương đi nhanh vào, Sao Mai tất tả đuổi theo, tới nơi thấy bà Bảy thong dong ngồi nhai trầu còn Thảo Nguyên đang ... bò lê giữa đám đồ chơi của nó.
- Thảo Nguyên ! - Dương rón rén thả giày bước vào gọi nhỏ, trìu mến, đầu hơi cúi, vẻ chào bà Bảy.
Con bé nghệch mặt, dỏng tai rồi lồm cồm bò dậy, dáo dác nhìn quanh. Thấy Dương, nó nhào tới reo to :
- Bác thơm.
Nó xà vào lòng anh quýnh quíu. Bà Bảy lắc đầu nói với Sao Mai :
- Bây đi tới giờ, bà dỗ mấy cũng không chịu ngủ.
- Con xin lỗi bà Bảy vì về trễ.
- Bà già rồi, ngủ bao lăm - Bà Bảy thong thả phủi quần đứng lên, nhổ bã trầu vào ống, nhìn Dương ôm gọn Thảo Nguyên đu đưa nhè nhẹ, thì thầm vào tai nó điều gì đó, bất giác lắc đầu nói :
- Là nghiệp hay duyên tùy theo phước số của bây.
Sao Mai đưa bà qua ngõ, bà nhìn cô thở dài :
- Người ta vừa giàu sang, vừa có lòng, chỉ e ...
Bà bỏ lửng, khuất vào trong. Sao Mai quay về thấy Dương ru Thảo Nguyên trong lòng anh, nó riu ríu mắt, đôi tay bé thơ nhỏ xíu ôm chặt anh. Cô thở hắt, nhẹ chân đến ngồi ở góc, gục mặt vào gối cho tới khi nghe tiếng Dương gọi khẽ :
- Nó ngủ say rồi.
- Để tôi đưa nó vào giường.
Nhưng Dương bồng Thảo Nguyên không buông, đích thân đặt nó xuống gối, kéo chăn mỏng đắp ngang ngực, đợi Sao Mai thả mùng mới rời đi.
Có vẻ anh rất mệt, cứ đưa tay xoa trán và hai hốc mắt, loạng choạng xỏ giày rồi nói với cô :
- Tôi đưa nó đi xem rối nước vào chiều mai.
- Mai mới thứ bảy.
- Tôi hứa với nó rồi, phải về sớm thôi. Cô chuẩn bị đi cùng.
Chẳng buồn đợi cô đáp, anh ra cửa. Sực nhớ ngoảnh lại nói :
- Con nó méc với tôi, cô khóc. Nó rất sợ cô khóc, nên bảo tôi dắt cô đi xem rối nước để xin lỗi đấy.
Đêm ấy Sao Mai thức trắng, nỗi buồn lo ngập lòng, và điều kỳ lạ nữa, mùi nước hoa rất nhẹ từ anh cứ ở hoài khứu giác cô. Cô có cảm giác đã biết anh từ đâu đó qua điều gì rất ngọt ngào, sâu thẳm....