THẦY LANG THỎ ĐỰC
Tác giả: Ngô Tất Tố
Phải, người ấy gọi là "Thỏ Đực" thì đúng. Trông cái hình dáng, có thể bảo hắn là một anh kép già ở xóm cô đầu, nếu hắn không đi giày ban. Nhưng ngắm đến bộ miệng thì lại có thể tưởng hắn là một con thỏ, vì cái miệng ấy nó chum chúm như mõm con thỏ, mà tự môi trên đến môi dưới, rồi thì ngoài mép quanh cằm, đâu cũng nhẵn thín, không bén một sợi râu nào. Trước đây, khoảng ba chục năm, hắn chỉ là một chàng học trò dở ở vùng xuôi, chữ Hán cũng biết ít nhiều, chữ Pháp không thuộc một tiếng. Làng nhà hắn cũng như làng Xạ La ở Hà Đông, vô luận người nào, biết chữ hay không biết chữ, đều thuộc võ vẽ một ít bài thuốc, nhớ lõm bõm vài câu sách thuốc. Xách dao cầu đi phương khác, họ đều có thể bịp người mà kiếm ăn. Nhờ về phong thổ đó, hắn đủ tư cách như mọi trai làng, nhân khi túng đường sinh nhai mới sắm dao cầu tủ thuốc, kéo lên ngã tư nọ ở ngoài Hà thành, mở cửa hàng thuốc, vì không thể gọi là cửa hàng gì. Kỳ thực, trong hàng của hắn chỉ có mấy thứ thuốc bột chữa sâu răng, thuốc cao chữa mụn nhọt và vài chục vị vừa thuốc Bắc vừa thuốc Nam, đựng trong một cái tủ mốc. Gọi là hàng thuốc, cũng xấu hổ cho hai tiếng ấy. Lúc ấy, vùng đó, răng đã ít người đau, nhọt lại ít kẻ bị, thuốc ế, mạng nhện bắt đầu quấn vào dao cầu, những người gần quanh thấy cái cảnh đói khát của hắn, đã phải động lòng thương hại. Tình cờ gần đó có vị đại thần lên cái hậu bối, dùng đã nhiều thứ thuốc lắm mà vẫn không khỏi. Một hôm, người nhà bàn nhau:
- Hay thử gọi lang "Thỏ Đực" vào đây xem hắn có chữa được không? Nghe nói nhà hắn có bán thuốc cao, hoặc giả nó là môn thuốc gia truyền thì chắc có hiệu.
Bàn vậy mà thôi, thực ra người ta cũng không thèm gọi. Bởi vì đối với nhà vị đại thần đó, anh lang "Thỏ Đực" chỉ là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre chứ có giá gì. Chẳng ngờ lời bàn ấy bị một viên tri huyện là cháu vị đại thần kia nghe tiếng và tin là thực. Rồi từ ngày mai trở đi, gặp ai hỏi thăm bệnh tình của viên đại thần, viên tri huyện đều nói rằng ngài dùng thuốc của thầy lang "Thỏ Đực". Danh giá của con "Thỏ Đực" đã tăng lên nhiều. May sao cách vài chục ngày, vị đại thần ấy khỏi bệnh. Khỏi là nhờ thuốc của người khác, chứ người ta không dính tý thuốc nào của "Thỏ Đực lương y". Thế nhưng "Thỏ Đực" là kẻ gian ngoan, đi đâu cũng phô rằng mình đã chữa được vị đại thần ấy. Cũng vì có mấy câu nói của viên tri huyện, thành ra trong đám phủ huyện, nhiều người tin rằng vị đại thần kia quả có dùng thuốc của thầy lang này.
Thế là mọi người đua theo, trong nhà động có người nào mọc mụn, phải gai, họ liền cho lấy thuốc của hắn. Phúc làm sao, hắn chữa luôn được vài bệnh, tiếng tăm đồn đi, khách lấy thuốc càng ngày càng đông, do đó đã có dấn vốn kha khá. Bấy giờ hắn mới sắm sửa đồ đạc, dọn luôn lên đất Hà thành. Từ đó, hắn mới giở ngón bịp ra. Khác với các chủ dược phòng, y quán, hắn chỉ quảng cáo bằng miệng, không hề quảng cáo bằng giấy hay báo. Ngồi với một người hơi biết chữ Hán, thì hắn giở luôn thi phú câu đối ra đọc, toàn là thơ cũ, phú cũ, câu đối cũ của các đại gia mà hắn đã học thuộc lòng, nhưng hắn vẫn nói là của mình làm ra. Ngồi với một người có bệnh hoặc nhà có người bị bệnh thì hắn đọc luôn sách thuốc hàng tràng. Cũng là những đoạn hắn học thuộc lòng, nó không dính dáng gì đến cái bệnh mà hắn sắp chữa hay đương chữa. Thơ phú cho đến sách thuốc của hắn nhớ được, quanh quẩn độ hơn 10 bài chứ không nhiều gì, nếu ai chú ý mà nghe, sẽ thấy lần nào hắn cũng chỉ đọc có mấy bài ấy. Thế nhưng, những người không biết thì ai cũng tưởng là hắn thông lắm. Đến việc chữa bệnh, hắn lòe thiên hạ lại càng bợm hơn. "Hôm qua tôi đi thăm bệnh cho quan Thượng tỉnh nọ, hôm kia đi kê đơn cho quan Tuần kia, ngày nay có bà án hay bà Phủ nọ đón đến thăm mạch mà chưa đi được". Mở đầu câu chuyện nói với con bệnh đại để hắn vẫn dùng cái sáo ấy. Có khi hắn còn can đảm mà nói tràn rằng:
"Chính vua nước Lào có bệnh, đốc tờ nói chữa không khỏi, cũng phải vời mình sang chữa". Rồi thì người Tây, người Tàu, người ấn Độ, các thứ người ở Đông Dương đều bị hắn vơ làm người đã uống thuốc của hắn, người nào bệnh cũng nặng và cũng khỏi cả. Kỳ thực Tây, Tàu, ấn Độ, có ai dùng thuốc của hắn bao giờ. Đáng tức cười nữa, là mỗi khi cất miệng tiếp khách, ấy là hắn công kích thuốc Tây. Hắn khoe những bệnh đốc tờ bỏ, không chữa được, hắn chữa chỉ hai thang thuốc là khỏi, hắn nói chánh phủ đã biết cái tài làm thuốc của hắn, đã cấp cho hắn cái bằng đốc tờ về nghề thuốc Tàu. Bởi thế, hắn mới muốn được người ta gọi quan Đốc, ai không gọi thế thì hắn thịu cái mặt ra. Với những ngón bịp như vậy, kẻ nông nổi ai mà không mắc? Huống chi cái lối làm thuốc của hắn lại cũng là một lối bịp.
Nói cho phải, hắn cũng có đọc vài đoạn sách thuốc, chứ không đến nỗi dốt đặc. Nhưng hắn đọc để thuộc lòng, đọc để lấy khách, không phải đọc để mà hiểu. Những vị thuốc mà hắn hay dùng ấy là sâm, hoài, linh, biển và bài lục vị. Trong tập đơn thuốc của hắn đã kê, không thấy cái nào không có bốn vị thuốc đó, hoặc dùng xen với bài lục vị hoặc dùng lẫn với các vị khác. Sâm, hoài, linh, biển hay thuốc lục vị, hắn tưởng cũng như cơm tẻ, uống vào trúng bệnh thì khỏi, không trúng cũng không đến nỗi chết ai, vì vậy bệnh gì hắn cũng dùng đến. Quả có thế thực, những vị thuốc ấy, dù là trái bệnh, cũng không phát lên kịch liệt. Bởi vậy người ta mới phục hắn làm thuốc theo lối vương đạo. Họ không hiểu rằng: đã gọi là thuốc, có thể khỏi bệnh thì có thể giết người. Chỉ vì sâm, hoài, linh, biển, nó giết người ta một cách từ từ, cho nên người ta không biết. Bao nhiêu người theo hắn hàng trăm thang thuốc, chết vẫn hoàn chết, cái họa "sâm, hoài, linh, biển" là vậy. Chết cũng mặc, khoét được tiền, hắn cứ việc khoét. Đúng như lời bà phán Phước đã nói, ai đã uống thuốc, hắn cũng phán cho mua những vị trọng, và bắt phải mua của mình. Thậm chí hắn còn mua sâm giả của bọn Cao Lá bán rao, rồi đưa cho vợ bán lại cho những người quen thuộc chồng, cái đó mới tinh quái chứ!
Tóm lại, ngón bịp của thầy lang "Thỏ Đực" còn giỏi hơn ngón bịp của thầy lang khác nhiều lắm. Bịp bằng hoành phi câu đối chói lọi trong nhà, bịp bằng lời nói mềm mỏng ngọt ngào như mẹ dầu dỗ khách, bịp bằng cách khoe quan nọ quan kia uống thuốc của mình, bịp bằng lối dùng thuốc không thưởng, không phạt, bịp bằng phép bán những vị trọng cho con bệnh hoặc bắt con bệnh uống những tễ thuốc ba bốn chục đồng. Trong đất văn vật nghìn năm biết bao kẻ bị hắn bịp cho đến chết mà vẫn không tỉnh ngộ.