watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Lều Chõng-Chương 6 - tác giả Ngô Tất Tố Ngô Tất Tố

Ngô Tất Tố

Chương 6

Tác giả: Ngô Tất Tố

Ở nhà ngoài, mấy bàn tài tổ tôm đã tan. Họ mạc tới tấp giục nhau ai vào việc nấy. Đàn ông bắt nốt con lợn làm thịt. Đàn bà đi thắng đường, vo gạo, sắp sửa nấu chè thổi xôi. Ông đồ bà đồ cũng đã trở dậy để sai bảo mấy cậu học trò đun nước quét nhà và nhờ mấy bà cụ già bổ cau têm trầu.
Cô Ngọc vẫn còn núp ở trong buồng chưa ra. Hôm nay cô chỉ phân vân hồi hộp, chứ không sốt ruột như những hôm trước. Trước kia, từ bữa ông đồ bà đồ chịu lời cụ bảng Tiên Kiều thuận gả cô cho Đào Vân Hạc, cô đã tự thấy nhân duyên của mình cũng không đến nỗi hẩm hiu. Tuy rằng trước mặt chị em chúng bạn, cô vẫn chê Vân Hạc là cốc láo, là kiết xác mồng tơi, và có khi cao hứng, cô còn thề rằng nhất. định đi tu chứ không lấy chàng, và cũng không lấy người nào, nhưng thực ra, với chàng, cô đã mãn nguyện vô cùng. Là vì trong con mắt cô, không có người nào hơn chàng, cả đến nghè Long cũng còn kém chàng rất xa. Chàng rất đứng đắn nhưng không lù đù. Chàng tát mình trai, nhưng không có tính bợm bãi. Những lúc cô ngồi bán hàng ở chợ Kim Bảng, thường có hàng lũ học trò đi qua, phần nhiều họ đều ăn nói chớt nhả, hoặc là con mắt nhìn ngược nhìn xuôi chập chối như quạ đậu chuồng lợn, riêng có Vân Hạc lúc nào cũng giữ vẻ tự nhiên dù miệng chàng vẫn tươi như hoa, tiếng nói của chàng vẫn có duyên và rất dễ nghe. Đáng để cho cô vừa lòng hơn nữa là cái tài hoa của chàng. Tuy rằng cô chưa khi nào hỏi ai, nhưng danh tiếng chàng đã khét cả tỉnh Hà Nội, nó vẫn luôn luôn bay đến tai cô một cách vô tình.
Cô biết văn chàng không ưu thì bình, không bao giờ phải xuống bình thú. Cô biết trong ba bốn trăm học trò cụ bảng Tiên Kiều, chàng là một người thứ nhất, không ai đè nổi. Cô biết các ông bạn của cụ bảng Tiên Kiều đều phục chàng có tài thám, bảng, sức học hơn hẳn nghè Long, tuy chàng đã ba khoa thi hương không đỗ. Tóm lại, người chàng, nết chàng, tài học của chàng, bấy nhiêu cái đã làm cho cô bồn chồn sung sướng mỗi khi nghĩ đến ngày mình làm vợ chàng. Cô tin đời cô sẽ có một lần cũng như cô Thúy, chẫm chệ ngồi trên chiếc võng mành mành cánh sáo, để hàng tổng hàng xã rước đi rước vê. Cô lại tiếc rằng ông thám, ông bảng vẫn chỉ là hàng tiến sĩ, dù chàng có đỗ thám hoa, bảng nhỡn, cô cũng không hơn cô Thúy bao nhiêu.
Nhưng cũng có lúc tự cô lại thấy chán nản buồn bã. Là vì cô nhớ năm trước eo người thầy bói đoán rằng số cô trắc trở về đường nhân duyên, quả nhiên sau đó đã xảy ra việc bên nhà nghè Long bỏ cô không cưới. Bây giờ cái việc cô với Vân Hạc mới là lời của cụ bảng nói với ông đồ bà đồ, chưa đâu vào đâu, chắc đâu sau này lại không có kẻ bàn ra nói vào. Xong cô cũng chưa đến nỗi thất vọng. Bởi vì cô chắc cụ bảng Tiên Kiều là bậc người lớn, cụ đã nói sao, phải đúng như vậy, không khi nào có chuyện trẻ con như vợ chồng ông đồ Văn Khoa.
Tuy rằng những khi đi chợ tình cờ giáp mặt Vân Hạc, cô thường giả vờ nhìn đi đằng khác, như không để ý đến chàng, nhưng mà trong lúc bước chân ra đi, cô lại mong được gặp chàng để thử ngắm lại dáng bộ chàng bây giờ ra sao. Tuy rằng nhưng lúc ngôi với chị em chúng bạn, bị họ đem Vân Hạc ra làm đầu đề chế cô, giễu cô, cô vẫn xấu hổ đỏ mặt, có lần đã phải phát cáu với họ nhưng mà chính cô lại muốn được họ chế mình, giễu mình như thế, và nếu không thế, thì câu chuyện của họ sẽ không được cô để vào lỗ tai. Cái phút hồi hộp thứ nhất của cô hồi ấy là bữa cô vừa ở chợ về, bà đồ bảo cho cô biết cụ bảng Tiên Kiều đã xin ấn định ngày đi trầu cau. Bấy giờ cô không có can đảm để hỏi "thầy mẹ đã nhận lời chưa", nhưng cô chỉ mong được nghe bà đồ nói rằng: "Ta đã nhận lời rồi đấy". Thế rồi tứ lúc ăn hỏi, xin cưới mà đi, sự bồn chồn ở trong bụng cô lại cứ mỗi ngày mỗi tiến. Với cô lúc ấy, một ngày tức là một năm. Cái thời gian từ cuối tháng sáu đến đầu tháng tám, chỉ có hơn ba chục ngày, nhưng với cô nó đã dài như ba chục năm. Hàng ngày óc cô luôn luôn phải làm tính trì, hết một ngày thì cô rút đi một ngày, hết hai ngày thì cô rút đi hai ngày, nhưng cái chuỗi ngày chưa tới vẫn như không ngắn chút nào. Những đêm mưa ngâu rả rích, giọt mưa lách tách rơi xuống đầu thềm, và những buổi chiều gió thu hiu hắt thổi quanh nhà, bóng tà man mác in trên lá cây đều là những cái thì khắc khó chịu cho cô hơn hết. Bây giờ những ngày sốt ruột ấy nó đã như nước chảy chậm, dần dần tiêu hết đi rồi. Cái giờ mà cô chờ đợi, đương sắp sửa tới. Chỉ một lúc nữa thì đến giờ ngọ, họ nhà trai sẽ sang đón dâu. Từ trưa hôm qua mà đi người cô lúc nào cũng thấy rạo rực, nhất là những lúc nghe tiếng bà con làm giúp, thi nhau gọi mình là cô dâu.
Không phải cô thẹn vê sự trêu cợt của họ. Hơn một tháng nay, người ta đùa cô, chế cô đã nhiều, cô đã quen rồi. Lúc này, trước sự ỡm ờ của mọi người, cô đã thừa đủ can đảm để mà đâm ỳ ra đó. Vậy mà không biết làm sao hai tiếng cô dâu lại có sức mạnh mầu nhiệm, mỗi khi lọt vào tai cô. (Bị kiểm duyệt bỏ hồi Pháp thuộc). Cả đêm hôm qua, cô chỉ ngủ đi nửa giờ. Nhiều lúc cô đã cố nằm nhắm mắt, nhưng không thế ngủ được. Những tiếng đi lại huỳnh huỵch và nhưng tiếng nói chuyện xôn xao của một đình đám linh đình bắt cô phải để tất cả tâm trí vào cảnh tượng đêm mai. Trong phút này, cái tiếng đêm mai đã phải đổi ra đêm nay, óc cô vẫn cứ bộn rộn vê cảnh tượng đó. "Đúng trưa mới bắt đầu ở đây ra đi, nhanh lắm cũng phải đến nhá nhem mới tới Đào Nguyên. Thế thì cuộc lễ tơ hồng sẽ vào ban tối". Cô tính như thế, và cô cho rằng như thế càng hay, vì lễ tơ hồng ban tối, sẽ khỏi trơ trẽn như các đám khác làm lễ ban ngày. Cô lại tiếc từ trước đến giờ mình không để ý đến các đám cưới của người trong họ. Không rõ trong lúc ngồi với chú rể mà ăn mâm cỗ cúng ông tơ hồng, cô dâu có phải uống rượu hay không? Nếu có thì uống mấy chén? Và cô cân nhắc đến tiếng xưng hô của mình phải dùng trong cái phút ấy không biết khi thoạt giáp mặt Vân Hạc, mình nên gọi « anh chàng ta » là gì, bằng mình hay bằng anh? Rồi cô nghĩ luôn đến những cử chỉ, lễ độ và những câu chuyện sẽ nói trong khi vợ chồng bắt đầu ngồi đối diện với nhau. Cô không hiểu rằng cái lúc hãy còn ăn uống, mình nên thay bộ áo ngoài, hay cứ mặc nguyên như trước. Thể rồi hai má thấy nóng hôi hổi. (Bị kiểm duyệt bỏ hồi Pháp thuộc). Tiếng kêu giật giọng của con lợn đương bị chọc tiết, chói lói thúc vào lỗ tai, làm cô phải dứt hẳn mạch tư tưởng. Một người chị họ đi qua cửa buồng, vừa cười vừa nói the thé:
- Gớm chửa! Cô dâu bây giờ vẫn chưa thèm dậy. Ngủ gì mà ngủ kỹ thế.
(Bị kiểm duyệt bỏ hồi Pháp thuộc) Cô chưa nói sao, người ấy mở mành nhòm vào buồng và giục:
- Thôi đi. Ngủ độ bấy nhiêu cũng đủ. Dậy đi thôi. Mặt trời đã xỏ vào mắt kia kìa. Dậy xem gạo để đâu đong cho chúng tôi nấu cơm.
Cô liền trả lời bằng giọng cố thây:
- Em còn định ngủ thẳng đến trưa, nhưng chị đã nói thì em xin thôi.
Rồi cô oằn oại ngồi dậy.
Trái với thưởng lệ mỗi ngày, hôm nay cô không chải đầu không soi gương, chỉ quấn lại qua loa cái vành khăn vấn, rồi cô bạo dạn mở cửa bước ra. Mấy người em họ đua nhau chế giễu:
- Thưa chị đã dậy ạ!
- Sao chị không cố ngủ thêm lúc nữa?
Cô mỉm cười và vẫn bây bả:
- Công việc đã có các dì làm hộ. Tôi cần phải ngủ để lấy lưng cho đêm nay chứ! Nhưng mà còn đời các dì nữa đấy. Chỉ sợ sau này các dì lại té bằng hai tôi thôi.
Đủng đỉnh ra bể, cô toan múc nước rửa mặt. Không biết bụng cô nghĩ ngợi ra sao, thau nước múc rồi lại bỏ không rửa. Lững. thững cô xuống nhà bếp và ngồi thụt vào đám mấy người con gái.
Nhà trên, nhà dưới, công việc dao thớt vẫn được tiến hành một cánh tấp nập.
Mặt trời lên khỏi ngọn cây, một loạt độ vài chục mâm vừa xong. Sau khi cái sỏ lợn đã đệ ra đình nộp cheo, và mấy mâm thịnh soạn đã bưng đi cúng nhà thờ, họ mạc rộn rã bảo nhau ăn uống, để một lát nữa còn phải làm cỗ thết họ nhà trai.
Cô cũng ghé vào với các chị em, ăn lếu ăn láo một vài lưng cơm. Rồi lại lẩn vào trong đám đàn bà con gái, ngồi dụi, ngồi dò lúc tựa vào lưng người này, lúc gục vào vai người kia, đê giấu cho kín cái vẻ khác thường trên mặt.
Gần trưa, một cậu học trò bé con lúc nãy bị cắt ra ngóng ở nẻo đầu làng,tất tả chạy về nói với ông đồ là họ nhà trai đã đến. Quang cảnh trong nhà mới càng túi bụi.
Người ta thúc mấy cậu này quạt nỏ hoả lò cho nước chóng sôi. Người ta sai mấy cậu kia lấy chiếc phất trần phẩy qua dãy chiếu cạp điều cho sạch cát bụi. Người ta bắt hai cô con gái bưng hai cơi trầu ra tận ngã ba đón họ nhà .trai.
Cô Ngọc vẫn cố ngồi lý dưới bếp để làm ra bộ bạo dạn. Một lát sau, ngoài cổng nghe có tiếng người ồn ào tiếp luôn đến tiếng trẻ con cười reo:
- Chú rể đã đến!
Mấy cô con gái lở tờ kéo ra nạp sau tường hoa cạnh cổng, đế chờ xem mặt chú rể.
Bấy giờ cô mới lật đật chạy vội lên buông. Lúc ấy mọi người đổ xô cả ra phía cổng, ở chỗ cửa buồng không có người nào, cô bèn khép cánh cửa lại rồi đứng sau cửa nhìn ra.
Đám con nít xúm xít ở phía sau cổng, tự nhiên giạt ra hai bên, rồi cùng chắp tay vái như bổ củi:
- Lạy cụ ạ!
- Lạy cụ ạ !
Với một bó hương nghi ngút cầm tay, cụ bảng Tiên Kiều xúng xính khoác áo thụng lam đi trước, rồi đến cụ cử Liên Trì. Rồi đến mấy ông cụ già. Rồi đến mấy bà cụ già. Rồi đến một toán con gái. Rồi đến một bọn con trai. Rồi đến một lũ bưng tráp xách điếu, với mấy người phu khiêng võng.
Cô Ngọc chăm chăm nhìn không chớp mắt, chủ ý chí định coi thử Vân Hạc ăn mặc có lịch sự không. Nhưng chàng đứng lấp vào đoàn nón dứa lố nhố, cô không thể trông được rõ.
Thình lình một tiếng pháo nổ. Cả bọn nhà trai ùn lại khu giữa sân. Rồi đó những tiếng đì đùng tiếp nhau đi một hồi dài. Xác pháo bắn ra tứ tung, khói bốc đen ngòm, mùi thuốc pháo đưa vào trong nhà khét lẹt. Khi ấy mặt cô càng nóng, bụng cô càng thấy nôn nao, cô phải lẻn vào trong giường, ngồi im.
Họ nhà trai lục tục tiến lên nhà trên. Cụ nghè Quỳnh Lâm, cụ cử Mai Đình và các ông bạn của ông đồ ở bên nhà học vừa sang. Các cụ vái nhau một lượt, rồi cụ cử Mai Đình nhìn vào cụ bảng Tiên Kiều, cụ cử Liên Trì mà nói:
- Té ra chúng ta hôm nay chia làm hai cánh. Các bác ăn về cánh nhà trai, chúng tôi thì ăn vê cánh nhà gái. Cụ cử Liên Trì mỉm cười:
- Phải. Tôi cũng biết các anh ăn về bên chắc.
Cụ cử Mai Đình cũng cười và tiếp:
- Chứ ai có dại mà đi ăn về bên lép như các ngài.
Cụ bảng Tiên Kiều nói chen:
- Tôi can các anh đừng bẻ tay bụt ngày rằm. Cỗ bàn có thiếu gì giò nem!...
Một trận cười rộ kết liễu cho cuộc bông đùa, quan viên hai họ chen nhau ngồi vào các ghế.
Tuần trà đầu tiên đã đoạn. Cụ bảng nói với quan họ nhà gái cho người đưa rể đi lễ mấy nơi cần lễ. Một cậu phòng của nhà trai mở tráp lấy chiếc áo tấc trao cho Vân Hạc. Mấy chục cặp mắt trong đám đồng thời đổ xô vào chàng rể mới. Vân Hạc tuy đã trơ trẽn, nhưng cũng không khỏi xấu hổ khi phải khoác tấm áo lùng thùng vào mình để đi với bọn phù rể theo người nhà gái dẫn đường đến mấy nhà thờ.
Những cô con gái rõ mặt chú rể thi nhau bàn tán bình phẩm; kẻ chê chú rể xấc lấc, người khen chú rể giỏi trai.
Bà đồ tung tăng chạy lên chạy xuống, dóng dả chị em bè bạn cô Ngọc sắp sửa quần áo để đi đưa dâu. Một lát sau, chú rể lại về với bọn phù rể. Bà cống lễ phép đứng dậy nói với cụ bảng xin mời ông đồ bà đồ ngồi lên cho chú rể làm lễ. Cả hai ông bà nhất định không nhận. Bà cống nhất định chèo kéo. Một bên cố nài, một bên cố chối, câu chuyện giằng co một hồi. lâu. Kết cục cuộc ấp tốn phải nhường chỗ cho mấy mâm cỗ và mấy nai rượu.
Sau khi đã thay phiên nhau mời chào quan viên hai họ vào tiệc, ông đồ lánh sang nhà học, bà đồ cũng đi giục giã mấy người làm giúp bưng mâm để những ông, bà, cô, cậu phải đi đưa dâu uống rượu; rồi bà vào báo cô Ngọc cùng ngồi với các chị em ăn cơm luôn thể.
Bóng nắng chấm giọt, nhà trong nhà ngoài ăn uống đêu xong.
Cụ bảng sai người đi mời ông đồ bà đồ tới đó để xin đón dâu. Những người vào việc võng cáng điếu tráp tấp nập sắp sứa đồ đạc. Mấy bà cụ già trong họ cùng giục cô Ngọc đứng lên thay đổi quần áo.
Nhưng cô bây giờ tự nhiên lại thấy bẽn lẽn xấu hổ, nấn ná cô cứ ngồi ỳ với bọn chị em. Mấy bà cụ già nóng ruột, thúc giục đến bốn năm lần, bấy giờ cô mới liều tình đứng dậy ra sân. Sau khi đã múc chậu nước lau qua mặt mũi, cô vào trong buồng, mở rương lấy gói quần mới, áo mới, và chiếc quai thao mới, bỏ cả ra giường. Rồi cô lật chiếu đầu giường cầm lấy chiếc gương Tư mã, nhưng lại ra bộ ngượng ngùng nửa muốn soi, nửa không muốn soi.
Những người bạn gái xúm lại, kẻ xổ khăn, người chải đầu, người rẽ đường ngôi, rồi người lấy chiếc khăn nhiễu tam giang của cô mới mua; nắn nót vấn vào cho cô. Mặc họ vần mình như vần dưa, cô không nói năng gì cả.
Ngoài sân lạch tạch một tràng pháo nổ. Quan họ nhà trai đã tan một tuần trầu nước cuối cùng. Bà cống Đào Nguyên, cụ bảng Tiên Kiều có lời cáo từ.
Rồi thì mọi người rục rịch đứng dậy vái chào ông đồ bà đồ và bước xuống sân. Cụ nghè Quỷnh Lâm, cụ cử Mai Đình và mấy ông già bà già dự cuộc đưa dâu, cùng đi luôn với họ nhà trai ra cổng.
Cô Ngọc vẫn còn lúng túng trong buồng, chưa chịu thay đổi quần áo. Mấy bà nhiều tuổi trong họ phát cáu:
- Không phải là việc trẻ con mà cứ làm nũng! Thế nào gọi là ngày lành tháng tốt? Một năm mới được một ngày. Một ngày mới được một giờ. Liệu mà sắm sửa mau lên, sắp hết giờ ngọ rồi đấy. Nếu đi lúc nào cũng được thì ai còn xem giờ làm gì?
Cô Ngọc đỏ bừng hai má và trả lời bằng giọng buồn rầu:
- Các bà mắng cháu oan quá. Nào cháu có làm nũng đâu! Nhưng mà ... Cô không nói nữa và đứng phắt dậy, cởi hết cả lớp quần áo đương mặc, để thay một lượt áo mới váy mới. Rồi cô khẽ nâng chiếc gương Tư mã ngắm lại dung nhan của mình, cái tuổi xuân đương dậy thì, thêm có tơ lụa trang điểm, cố nhiên vẻ yêu kiều phải rực rỡ hơn ngày thường. Cô cố giữ nguyên sắc mặt cho khỏi tươi cười, đế giấu kín cái hớn hở của sự đắc ý.
Chị em thi nhau nói giễu: .
- Đẹp rồi! Đáng là cô thám, cô bảng lắm rồi. Thôi đi đi chứ. Đêm có khuya ngày có rạng!
Cô không trả lời. Ngó ra cửa buồng cô bảo Bích lấy chiếc chiếu trải ra giữa thềm. Rồi mời ông đồ bà đồ ngồi trên phản, cô rón rén bước vào trong chiếu sụp xuống lạy cha lạy mẹ mỗi người một lạy. Ông đồ vẫn thản nhiên như thưởng. Nhưng bà đồ coi bộ rất là cảm động, nước mắt dấp dính trong hai khóe mắt. Sẽ lau nước mắt, bà gượng làm bộ vui vẻ: - Thôi con đi đi? Kẻo nữa hai họ chờ đợi. Mẹ đã nói với cụ bảng, bà cống rồi đấy. Ngày mai cơm nước xong rồi, vợ chồng lại cùng về đây với thầy mẹ.
Cô Ngọc cũng rưng rưng hai hàng nước mắt. Uể oải xỏ chân vào đôi dép cong, rồi cô thơ thẩn đứng dậy, toan quay vào buồng. Mấy cô phù dâu đứng đợi đã lâu, có ý nóng ruột, họ liền lấy chiếc nón thúng quai thao trao tay cho cô và giục:
- Đi đi! Chùng chình mãi! Chị bắt anh ấy chờ đến bao giờ?
Điềm nhiên, cô đặt chiếc nón lên đầu và buồn bã bước chân xuống thềm, rồi đi lẫn vào giữa đám con gái đó. Cái nón chênh chếch chúc về phía trước, hết sức giấu kín đôi má hồng hồng của cô, cái má đang bị nóng hổi về sự rạo rực trong tim phổi.
Ngoài đường quan viên hai họ vẫn thúng thẳng vừa đi vừa đợi. Ra khỏi cổng làng, dâu rể và các ông già, bà già lần lượt lên võng. Những cô con gái và những cậu con trai răm rắp đi bộ theo sau.
Nắng tây gay gắt rọi xuống đồng lúa xanh non, như muốn thúc đám cưới đi cho rảo bước. Ngồi trên võng, nhìn lên những người đi trước, cô sực nhớ đến câu chuyện mà mình bói được độ nọ:
« Vội vàng sắm sửa lễ công.
Kiệu hoa đón gió, đuốc hồng ruổi sao.
Bài hàng cổ vũ xôn xao.
Song song đưa tới trướng đào sánh đôi. »
Cô mỉm cười và tự hỏi mình: có lẽ bốn câu ấy ứng vào cái việc hôm nay đây rồi. Rồi cô liền nghĩ tới bốn câu nữa mà cô cũng bói được trong hôm ấy và cô tự hỏi: không hiểu bốn câu này là ý làm sao?
Lều Chõng
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21