MÓN NỢ CHUNG THÂN
Tác giả: Ngô Tất Tố
Thường thường ô tô chở khách chạy đường Hà Nội - Thái Nguyên, vẫn bị tài xế "om" ở C.Đ. để đón khách, hoặc ăn cơm. Có khi cao hứng, họ còn tán chuyện bù khú với bọn hàng quà, đến hai, ba giờ đồng hồ, hành khách giục giã mặc kệ. Hôm ấy, tôi và ông L. cũng bị họ giam lại đó. Bấy giờ đương giữa mùa hè, trời nắng như thiêu. Vì ở trên xe chật quá, chúng tôi cũng muốn thoát lá cái chỗ "người như nêm cối" để xuống hàng nước nghỉ mát, cho nên dù bị chờ đợi quá lâu, cũng không ai thấy sốt ruột. Thình lình một chiếc xe nhà ở nẻo xa xa lạch cạch kéo đến, cái xe hình như đóng đã lâu ngày, vải mui đã rách, gọng mui đã bựt, hai càng đã hết màu sơn, hai bánh lấm bê lấm bết, trên xe không có người ngồi. Uể oải qua cửa hàng nước, anh xe cúi chào ông L.
- Lạy cậu.
Rồi hắn đỗ xe bên đường, lau qua những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, và hắn vừa thở vừa bước vào hàng. Trông bộ dạng hắn, không hơn một người ăn mày. Quần đã xơ cả hai gấu, áo đã vá hàng chục mụn mà hãy còn hở một bên vai, cái nón trên đầu đã tả tơi như tàu lá chuối bị bão. Hạ nón úp xuống mặt chõng của nhà hàng, hắn ngửa chiếc bát lên chõng và giục nhà hàng múc nước. Ông L. nhìn tôi và nói:
- Thằng này là người làng tôi. Nó vẫn kéo xe cho ông T.T. Rồi ông lại nhìn người kia và nói:
- Mày đánh xe đi đâu?
Anh xe òng ọc uống hết bát nước, rồi đáp:
- Bẩm cậu, con ra Hà Nội để đón cụ con.
Ông L. ra bộ ngạc nhiên:
- Ở Hà Nội về làng ta, chỉ hết một hào ô tô. Thế mà cũng bắt xe nhà đi đón, sao mà cụ mày cẩn thận quá vậy!
Anh xe lắc đầu:
- Không phải cẩn thận. Chỉ vì độ này ở nhà không có việc gì, cụ con sợ con chơi không, nên mới bắt con đánh xe đi đón cho khỏi tốn một hào chỉ.
Rồi hắn nói tiếp:
- Trong mấy năm nay, cụ con đi đâu một bước cũng dùng xe nhà. Không chịu mất một đồng tiền xe, tiền tàu nào hết. Nhiều hôm con phải chết dở với cái xe ấy.
Như muốn mượn câu chuyện của hắn để tiêu thì giờ, ông L. lại gặng:
- Xe hỏng hay sao?
Anh xe cầm chiếc nón rách vừa quạt vừa nói: - Nào nó có hỏng đi cho, đã phúc nhà con! Rồi hắn ngửa mặt nhìn ông L.:
- Thưa cậu, từ làng ta đến làng V.Đ ước chừng bao nhiêu cây- lô-mếch?
Ông L. bấm đốt ngón tay và đáp:
- Tất cả đến sáu chục cây. Làng ta đến Hà Nội hơn mười cây, Hà Nội đến Hà Đông hơn mười cây, Hà Đông vào V.Đ hơn ba mươi cây.
Anh xe nhành mồm lè lưỡi:
- Trời ơi! Sáu chục cây số kia! Thế mà năm ngoái, khi sang V.Đ đưa ma, cụ con cũng bắt con kéo đi đấy. "Bữa ấy, cũng vào mùa hè; cụ con dậy từ gà gáy, sai người gọi con đưa xe ra cổng. Ngoài đường, trời tối như mực, con phải đi dò từng bước, kẻo sợ đâm xuống vệ đường. Lệ thường ở nhà cụ con, chắc cậu đã biết, hôm nào cũng đến chín giờ thì ăn cơm sáng. Hôm ấy, vì còn sớm quá, người nhà chưa nấu cơm, cụ con cũng đi lòng không, thì con còn được miếng gì vào miệng! Ra đến Hà Nội, con đã đói, nhưng phải cố gượng và tưởng thế nào vào đến Hà Đông, cụ con cũng cho ăn quà. Té ra không, khi qua Hà Đông cụ con chỉ cho vào hàng uống một bát nước, rồi lại bắt kéo đi liền. Trời nắng, bụng đói, con đã vàng cả hai mắt, uể oải lôi đôi càng xe, chẳng khác gì thằng ốm dở. Tới V.Đ. cụ con vào nhà đám, con phải nằm lử trong xe. Đến lúc người nhà gọi cho ăn cơm, thì con mệt quá, nhai không buồn nuốt.
"Hôm sau, đưa đám xong rồi, cụ con lại bắt kéo về. Tuy rằng sáng nay có được ăn uống no nê, nhưng vì hôm trước phải chạy kiền kiệt cả ngày, cho nên con thấy mỏi mệt hết sức. Tới Hà Đông, con đi thủng thẳng bước một, giống như người đi xe giờ. Cụ con bảo con cố kéo về đến Hà Nội sẽ nghỉ. Nhưng đến Thái Hà chân con như bị rời ra, không thể nào mà bước đi được. Cùng quá, cụ con bảo con kéo vào nhà một ông bạn trong ấp, để cho con ngủ một đêm. Nói đến đấy, anh xe đứng dậy, đến chỗ chúng tôi xin mồi thuốc lào:
- Ấy, con đi làm như thế, mà một đồng xu mua thuốc không có, quanh năm cứ phải ăn xin. Nhiều khi con đã cố từ, nhưng nghiện nặng quá, không sao từ được!
Ông L. véo thuốc cho hắn:
- Thế, tiền công của mày để đâu?
Hắn đón mồi thuốc bằng một dáng buồn rầu:
- Bẩm cậu, nhà con nó quến đi mất. Ông L. tỏ vẻ ái ngại:
- Vợ mày đi mất rồi à?
- Bẩm không! Nhà con nó mới chết ạ!
Vừa nói, hắn vừa trở lại chỗ ngồi của hắn bằng một bộ điệu chán nản.
Ông L. lại hỏi:
- Thế sao nó lại quến được tiền công của mày?
- Thưa cậu, cho con hút xong điếu thuốc, sẽ xin kể để cậu nghe.
Rồi hắn vội vàng đặt thuốc vào điếu, lấy đóm châm lửa. Và bằng thái độ của kẻ nghiện nặng nhưng nhịn đã lâu, hắn hóp hai má hút một hơi dài. Như muốn để cho hơi thuốc ngấm vào xương cốt, hắn cố ngậm khói trong miệng hồi lâu, rồi mới há miệng cho nó từ từ đùn ra. Hai mắt lờ đờ nhìn sang ông L. hắn tiếp:
- Cảnh con bây giờ khổ quá, cậu ạ! Từ giữa năm ngoái, nhà con bị bệnh hậu sản, nhưng nó vẫn gượng đi làm. Đến đầu tháng mười thì nó ốm nặng, suốt ngày suốt đêm chỉ nằm trên giường và ho khù khụ. Bấy giờ con vào làm cho cụ con mới được một tháng, tiền công lĩnh rồi, lại phải vay thêm năm đồng nữa, lấy tiền thuốc men cho nó. "Giả sử trời để nó sống, thì số tiền ấy, chúng con trả trong vài tháng cũng hết. Chẳng ngờ thuốc uống không chuyển, bệnh nó chẳng những không bớt, lại cứ mỗi ngày một tăng, rồi cuối tháng một, nó chết."
Nói đến đấy, hắn bỗng ngừng lại. Một giọt nước mắt từ trong khóe mắt rơi xuống mặt đất. Im lặng chừng độ nửa phút, hắn lại rẽ ràng nói thêm:
- Lệ của làng ta, chắc cậu đã rõ. Một người nằm xuống, dù giàu dù nghèo, nhà chủ cũng phải giết một con lợn đãi "phe" một bữa dấm ghém, phe mới khiêng cho. Không được thế, thì phải nhờ cậy họ mạc khiêng giúp. Nhà con tuy còn ít tuổi, nhưng nó là người thiên hạ và cũng hẳn hoi với con, nếu để họ khiêng, thì sợ tủi vong hồn nó, và rồi con cũng không mặt mũi nào trông thấy anh em nhà vợ nữa. Vì thế, con phải cố lo bữa rượu để mời hàng giáp. "Một con lợn, mươi nồi gạo, vài chục chai rượu, tất cả cũng hơn ba chục đồng, chưa kể quan ván của nó. "Trong nhà không có đồng nào, một chốc phải tiêu đến bấy nhiêu tiền, cậu bảo lấy ở đâu ra? "Nếu nhà vợ con mà được giàu có, thì con cũng không khổ lắm. Nhưng mà bên ấy cũng không có gì, bà nhà con và các cậu nó chỉ giúp cho được hơn mười đồng.
Còn thiếu, con lại phải kêu cụ T. "Cụ con bằng lòng cho con vay thêm hai nhăm đồng nữa, với năm đồng trước thành ba chục đồng. Cho người khác vay, cụ T. vẫn đều tính lãi mỗi đồng một tháng sáu xu, vì con là kẻ tôi tớ cụ con cũng thương, nên mỗi đồng một tháng chỉ lấy năm xu, nhưng tháng nào phải trả lãi ngay tháng ấy, còn gốc chịu đến bao giờ cũng được. "Tiền công của con ở đấy, mỗi tháng được một đồng rưỡi; trừ vào tiền lãi là vừa. Từ cuối năm ngoái đến giờ, quần áo rách như bươm bướm, con cũng không có đồng nào mà may.
Rồi với hai hàng nước mắt giàn giụa, hắn kết luận:
- Đời con không còn lúc nào trả xong được món nợ ấy. Bây giờ đã vậy, không biết rồi khi về già, không kéo nổi cái xe kia nữa, thì làm thế nào?
Ông L. cười và bảo tôi:
- Một bữa "lệ làng" có thể gây cho người ta món nợ lãi chung thân không trả hết.