watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Mưa Đá Giữa Đời - tác giả Ngọc An Ngọc An

Mưa Đá Giữa Đời

Tác giả: Ngọc An

Chiều xuống chậm, những hàng cây cao vút đứng im lìm trơ trọi hai bên lối đi, ánh nắng vàng vọt còn sót lại trên đồi cây, ngọn cỏ như reo vui theo từng nhịp bước chân nàng… Con đường về nhà vắng lặng, Trâm bước vội vàng như sợ màn đêm chụp phủ không gian, nàng sẽ vất vả biết chừng nào vì nàng biết đường về nhà còn xa, ít ra cũng phải đến gần cây số nữa ! Nàng lo cho các con bơ vơ ở nhà, những chuyến hàng trôi chảy, suông sẻ thì Trâm về nhà sớm để lo cho các con buổi cơm chiều, chuyến hàng này gặp rủi ro, bị thuế vụ tịch thu, tổng số tiền vốn của thuốc lá ngoại 555 và thuốc tây cũng không dưới 80 triệu ! Trâm thấy bước chân nặng nề đi không muốn nổi khi nghĩ tới số tiền bị mất kia, hoàn cảnh khó khăn nàng tạo được số vốn đi buôn hàng chuyến này cũng không phải dễ dàng, Trâm đã phải xin mẹ bán đi 10 lượng vàng và chiếc xe PC 50 của nàng.
Từ ngày tập tểnh đi buôn hàng chuyến, Trâm cùng Hoa, cô bạn thân thiết ở Phước Hải, là goá phụ có hai con, chồng sĩ quan tử trận chiến trường Bình Long, Hoa về sống với mẹ cha nơi vùng biển quê nhà, Hoa cũng như Trâm chưa hề biết bán buôn nhưng nhờ lanh lẹ tháo vát cả hai đi thử vài chuyến, thấy trót lọt có lời nên chuyến này dồn hết tiền vốn vào mua nhiều hàng, không ngờ tai họa ấp đến bất ngờ cho cả hai, mấy chuyến trước mình cho thằng lơ xe 20 ngàn, chuyến này lơ đãng quên cho tiền nó, có lẽ vì thế mà nó phản thùng mình ! Càng nghĩ càng tức cho mình không chu đáo để ra nông nỗi thế này, Hoa đã khóc thật nhiều chiều nay và mắng Trâm đủ lời cay đắng…
Về đến nhà Trâm thấy các con chưa ăn cơm tối, ngồi ngoài hiên nhà chờ mẹ, nàng xót xa trong lòng ! Mọi lần nàng về là quà bánh cho các con, hôm nay không quà, không còn đồng xu dính túi, Trâm như muốn chết cho xong, những ngày tới nàng phải làm sao đây ? Trâm không ăn cơm nổi nữa, nàng vào phòng nằm vật trên giường thở dài từng chập, từng chập…não nề !
Mẹ thấy nàng không đi buôn bán hai ngày liền, đoán gặp chuyện không may, mẹ gặng hỏi và khuyên Trâm đừng đi hàng chuyến nữa, Mẹ cho một số vốn buôn bán tại chỗ. Nhân dịp chợ nhà đang sửa sang, nàng đăng ký một sập bán vải đủ loại hàng nhập, hàng nội địa…Nhờ vào duyên buôn bán, Trâm mau chóng phát đạt, hàng ngày nàng bán đến 12 giờ trưa là đã thâu được mấy thùng hàng vải nhập từ Mỹ về hoặc vải của cửa hàng nhà nước xuất ra. Trâm mang về Chợ Lớn bỏ mối bán sĩ rồi tự chọn những mặt hàng nhập thật lạ về bán lẻ trên sập của nàng – Hàng vải mua vào thì Trâm không kén chọn, bất cứ màu sắc dị kỳ, rằn ri, lập thể, cứ các chị chợ trời đưa chủ hàng vào là Trâm đưa tiền cò ngay không cần coi hàng như thế nào, hàng càng lạ lùng nàng bán càng độc quyền và giá cao vì không ai có…bởi vậy nàng có hàng liên tục để mỗi ngày mỗi mang hàng lên Chợ Lớn bỏ sĩ và mua hàng mới về bán. Những bạn hàng xung quanh thấy Trâm luôn có hàng lạ và bán rất chạy, lời gấp đôi vì không ai có, họ nhắn các cô đi bỏ hàng mua cho họ, ba hôm sau mới có hàng bỏ cho họ thì Trâm đã đổi mặt hàng khác, còn họ thì cả chục sập giống hàng nhau bán chẳng được lời, đôi lúc ế hàng loạt…
Thường thì Trâm sau khi lấy hàng xong, nàng đi xe Lam tại Chợ Lớn ra bến xe dù Hàng Xanh về nhà- Hôm đó Trâm ngồi ngoài cùng của chiếc xe Lam, hai giỏ vải lớn kẹp dưới chân, xe vừa lăn bánh, một tên gian dựt ngay sợi dây chuyền trên cổ Trâm, Trâm la lên nhưng ông tài xế cứ chạy thẳng không ngừng lại. Trâm đành mất sợi dây chuyền 5 chỉ mới mua hôm sinh nhật nàng ! Một lần Trâm lấy hàng xong, trời còn nắng nàng ghé mấy quán cóc bên lề đường Hàm Nghi ăn tô bún, nàng lật đật đứng dậy giữ chặt hai giỏ hàng dưới chân vì xung quanh Trâm có ba thằng lưu manh bám sát để chuẩn bị dựt đồ. Một thằng dựt chiếc nón kết trên đầu Trâm, một thằng xấn tới dựt phăng sợi dây chuyền rồi thảy chuyền qua thằng kia chạy mất…dây chuyền đứt rớt lại cái mặt trái tim cẩm thạch, thằng khác thò tay xuống nhặt. Trâm nhanh tay chụp lại mặt cẩm thạch, trống ngực đánh loạn xạ, tay chân thì run lập cập, miệng la lớn “ quân lưu manh, tụi bay không biết tao là ai hay sao hả ? công an đâu, bắt cũ côn đồ nó dám đụng tới bà, chúng nó muốn chết chắc” nàng nói bạo mồm để trấn an mình và để hù họa lũ côn đồ may ra chúng nó sợ, tưởng nàng là thân nhân của “cốm” mà bỏ đi, nàng gói vội mặt cẩm thạch vào miếng giấy, thằng còn lại bước tới “ chị để em gói hộ cho” Trâm nghiến răng “ đừng dỡ trò nữa con ạ, tao sẽ kêu công an bắt hết lũ bây ngay bây giờ” vừa nói nàng vừa nhanh chân kéo hai giỏ vải lên xích lô máy chạy thoát ra vùng hiểm địa, thế là Trâm lại mất thêm sợi dây chuyền thứ hai…
Hai tuần sau đó, trong lúc bán hàng tại sập, khách bu quanh, người thì bảo lấy loại này cho xem, người thì bảo lấy loại kia cho xem, bà kia thì đòi cho được khúc vải móc trên hàng dây trên cao, Trâm đứng lên lấy vải, tức thì tên đứng gần giỏ tiền sớt ngay cái bóp tiền dày cộm của Trâm định trưa đi lấy hàng, Trâm mất cả hồn viá không bán buôn gì được nữa và không còn tiền để đi lấy hàng Chợ Lớn như mọi lần…Không hiểu sao Trâm không bao giờ được bình yên, chỉ mấy ngày sau lại bị mất của nữa, có lẽ bọn gian để ý thấy nàng bán chỉ một mình không người phụ, hàng vải thì nhiều nên chúng lưu ý nàng. Buổi sáng mới dọn hàng xong, một đám người ghé sập đứng bu quanh, Trâm cảnh giác tối đa, bỗng thằng nhỏ chừng 10 tuổi bảo “cô làm rớt tiền kià” Trâm vội cúi xuống lượm tờ giấy 5000$ thì đám người đứng đàng trước mặt sập vải đã cưỡm đi của nàng gần 10 sấp vải nhập – Trâm tức tối khi rõ ra hành động thằng bé là chim mồi hy sinh 5000$ để đồng bọn vớt được mấy trăm ngàn chia nhau – tâm hồn Trâm rã rời, của cải mất như cơm bữa, buôn bán khôn ngoan lời nhiều nhưng mất mát thì vô số kể ! Có một lần gom tiền đi lấy hàng, lên đến Sài Gòn Trâm chuyển qua xe Lam vào Chợ Lớn. Ngồi trên xe có khoảng 6 người, ai cũng lom lom nhìn Trâm, nàng lo sợ vội lấy chiếc nón có vành lớn đang đội trên đầu xuống che miệng giỏ đựng tiền mua hàng, bà ngồi cạnh nàng tự nhiên hát nho nhỏ rồi đẩy dần chiếc nón lá của bà xê dịch che kín chiếc giỏ lớn đựng bóp tiền của Trâm, hai tay Trâm vẫn đè lên chiếc nón của mình và nón lá của bà đã ụp lên hai bàn tay Trâm – Bỗng Trâm thấy cái giỏ nhúc nhích, Trâm gạt phăng chiếc nón lá ra thì thấy tay bà rút vội từ trong giỏ Trâm ra, Trâm trừng mắt nhìn bà, bà tát cho Trâm một tát rồi chửi “ đồ ngu” xong bà nhảy xuống xe dông mất, lần đó Trâm chưa mất tiền nhưng cứ thắc mắc sao bà ta tát mình rồi chửi mình ngu, lẩn quẩn không tìm ra câu giải đáp, Trâm vội vã lấy hàng rồi ra xe về – vẫn phải đi xe Lam vì nàng mang hai giỏ hàng lớn, ngồi trên xe đã có sẵn 5 người đàn ông lẫn đàn bà, họ đẩy cho nàng ngồi gần người đàn ông ôm khư khư một mâm gì trước bụng, khi xe chuyển bánh được khoảng 5 phút, người đàn ông mở mâm ra rồi lắc bầu cua, tài sỉu gì đó Trâm không rành, mấy người trên xe Lam ai cũng bỏ tiền ra đánh, kẻ ăn người thua, họ cố tình gài bẫy Trâm, xúi Trâm bỏ tiền ra đánh , Trâm từ nào giờ không có máu cờ bạc nhưng không hiểu sao cũng móc tiền ra đánh, người thì cứ ngẩn ngẩn, ngơ ngơ không kềm chế được. Một lúc thì hết tiền, người đàn bà kế bên cũng hết tiền tháo đồng hồ ra đánh, bà ta cũng xúi Trâm tháo đồng hồ ra đánh, nhưng bỗng Trâm hoàn hồn tỉnh táo lại và kêu bác tài “ xuống, xuống, tôi xuống đây” rồi kéo vội hai giỏ hàng nhanh xuống, đứng chờ xe xích lô máy đến để đi tiếp vì thật ra chưa đến bến xe, Trâm sợ lũ quỷ ma này quá nên tìm cách xuống xe mà thôi ! Ai dè khi Trâm xuống là bọn mánh mung kia cũng xuống hết, đi tản mác hai bên lộ…thì ra một lũ lưu manh chuyên gạt người, Trâm vội vàng kêu ngay chiếc xe xích lô máy vừa trờ tới mà không cần hỏi giá cả, chỉ mong tránh thật mau lũ người ghê gớm này, may mắn nàng còn số tiền lẻ nhét trong túi quần Jean nên có tiền trả xe xích lô máy và tiền xe về nhà…
Một lần Trâm lấy hàng về, thường thường Trâm ăn mặc rất chải chuốt, nếu không thấy hai giỏ hàng vải ít ai biết nàng đi buôn, nàng mặc Jean, áo thun, đeo kiếng râm model – Khi chiếc xe đò nàng ngồi rời khỏi bến được 20 phút, khoảng chổ gần ra Thủ Đức, bỗng nhiên xe dừng cấp bách vì đàng trước hai tên lạ mang súng mặc quân phục rằn ri đứng chận xe lại. Mọi người trên xe đã biết việc sẽ xãy ra, vì thời gian đó khách đi xe bị cướp bóc rất nhiều, Trâm cũng biết lũ này sẽ lên xe cướp của, tiền hành khách , trên xe khoảng trên 50 hành khách ngồi im thin thít, mặc cho chúng đến từng người một bảo có bao nhiêu tiền đem ra ủng hộ thương binh, ai cũng riu ríu trút hết tiền trong túi hoặc trong bóp đưa cho họ. Trâm thì không, nàng rất ghét bọn cướp cạn này nên dửng dưng khi chúng đến trước mặt bảo “tiền đâu” Trâm trả lời “ không có tiền”, tên cao gầy đánh thẳng vào mắt Trâm văng bể cặp mắt kiếng râm vì chắc nó thấy Trâm xấc đeo kính trước mặt nó, chưa yên, nó nói lần nữa, Trâm vẫn trả lời “ không còn tiền” người hành khách ngồi bên run rẫy nhắc Trâm “ chị đưa tiền đi, không thì chết cả lũ đó”, Trâm trừng mắt nhìn tên cướp cạn, quyết không đưa tiền, không hiểu sao lúc đó nàng không sợ gì cả, chỉ có thù ghét chúng mà thôi…thằng cao gầy đưa mũi súng dí ngay vào trán Trâm định bóp cò, bác tài xế chạy lại năn nỉ van xin, nó chưa buông súng xuống thì thằng mập lùn kia đã móc trái lựu đạn ra toan ném vào Trâm…Tình thế quá găng Trâm đành phải móc chiếc bóp ra đưa hết tiền còn lại cho nó, hai thằng mới chịu xuống xe để cho xe chạy. Nghĩ lại mà ớn óc nổi da gà, suýt chút nữa đi chầu diêm dương mà chẳng rõ bao nhiêu người cùng đi vì súng bắn có thể chết lây nhưng lựu đạn là chắc chắn tiêu hao nhân mạng không ít. Về tới nhà Trâm mới biết mình còn sống, nàng có tính gan lì bướng bỉnh đâu sợ điều gì, ngay khi còn sống chung với ông xã, nàng đã từng mang súng loại thật nhỏ lận trong lưng lên phi cơ đi ra chỗ ông xã đóng quân – Không phải nàng mang súng theo để hăm dọa chồng mà nàng làm như thế là vì lệnh của ông chồng nhờ nàng mang đến cho chàng cây súng chiến lợi phẩm chàng đã thu được từ tay quân giặc – Lúc ấy chiến tranh lan tràn, đi phi cơ bị kiểm soát gắt gao, Trâm đã bị xét hai trạm phi cơ dừng, tưởng đã bị lộ… Bây giờ gặp việc tai ương này, Trâm nhớ lại chuyện xưa mà rùng mình, quân đội mà xét được súng trong người Trâm thì chắc chắn Trâm bị bắt và không chừng bị bắn nữa là khác, làm sao không bị tình nghi là nữ cán bộ Cộng Sản ! Nhớ lại mà toát mồ hôi lạnh, tại Trâm mang trong người dòng máu liều không biết của cha hay của mẹ, mà mấy phen tưởng tiêu tán đường rồi !
Cách bảy tám năm về trước, Trâm không nhớ rõ lắm, chỉ biết là thời kỳ Cộng Hòa, đất nước chưa bị Cộng Sản chiếm, Trâm đi xe đò từ tỉnh Bình Tuy về…dọc đường gặp mấy anh Cộng Sản, thời đó Trâm chưa từng biết Việt Cộng ra sao, nàng run bắn cả người, trên xe hầu hết là đàn bà con nít, đàn ông chỉ vài người – Mấy ông VC đuổi mọi người xuống xe, leo lên xe xét đồ đạc và xét hành lý cá nhân của mỗi người, khi xét đến Trâm, họ có vẻ nghi ngờ nàng là thân nhân của Cộng Hòa, xốc tận đáy giỏ và họ đã nhìn thấy 2 bộ đồ trận của chồng nàng còn mang nguyên bảng tên thêu trên nắp túi, ông xã của Trâm có cái tên thật lạ lùng mà có lẽ không bao giờ có ai trùng tên được, bởi vậy nhiều người nghe tên cứ tưởng người ngoại quốc hay người Nùng, ít ai nghĩ là người Việt Nam…Họ lừ mắt nhìn Trâm và đã chắc chắn nàng là kẻ thù rồi, họ đọc tên trên túi áo thì đã biết ngay là tên ác ôn Mỹ ngụy mà chúng đã treo chiếc đầu 500.000$ nếu ai bắt sống được ! Trâm chết điếng khi bị phát giác 2 bộ đồ lính của chồng, nàng không còn biết phải làm sao thoát hiểm nguy, tên VC đưa súng dí vào mặt nàng nói “ chồng bà là nợ máu của nhân dân, bà phải gọi chồng bà về quy hồi với cách mạng, nếu không tôi bắn chết bà” rồi hắn cho xe chạy, giữ lại một mình Trâm ! Hắn nói tiếp “ chúng tôi phải kỷ luật bà, cho bà thấy cái sai trái phản động của chồng bà”…Ba tên VC đang loay quay người xách giỏ của Trâm, người thì quản thúc Trâm, người thì chĩa súng sau lưng Trâm, bỗng một chiếc xe GMC trờ tới, trên xe toàn là lính, chiếc xe từ từ chạy tới gần, khi đã nhận rõ là kẻ địch, ba tên VC bỏ chạy, đạn của quân đội bắn theo sau, Trâm một phen thoát chết vào tay VC – Nàng đứng tại chỗ không nhúc nhích vì nếu chạy biết đâu sẽ trúng đạn, nàng dơ hai tay lên trời kêu cứu và bước từng bước chậm đến gần chiếc xe GMC, họ đỡ nàng lên xe, thế là Trâm đã được cứu sống, trên đường xe chạy nàng cho các anh chiến sĩ biết nguyên nhân họ bắt nàng và kết luận “ người về từ cõi chết” !
Ngày qua ngày, cuộc sống của Trâm không may mắn như mọi người, có lẽ kiếp trước nàng gieo quá nhiều ác nghiệp nên kiếp này chẳng đặng bình an suông sẻ, về buôn bán thì Trâm rất giỏi, nhưng họa tai thì nàng lãnh quá nhiều, một lần nọ nàng đang ngồi bán trên sập vải, khách mua hàng là một người đàn bà trạc tuổi 50, bà mua liền 3 xấp vải nhập không cần trả giá, kiểu cách là dân sộp giàu có để làm quen nàng, hôm sau bà lại đến ngồi tại sập lân la chuyện trò, bàn việc mua bán vải lấy từ nhà kho xuất ra, lúc ấy vải của nhà nước xuất ra toàn là vải teteron trắng và màu, vải quần tây màu xanh dương, Trâm đã từng mua thường xuyên của cửa hàng đem về Chợ Lớn bỏ sĩ nhưng không được mua nhiều, nay bà này nói nghe hấp dẫn quá, y như bà là vợ cán bộ lớn không bằng…Trâm dọn hàng về sớm thu gom tất cả tiền mặt và bán thêm 3 cây vàng lá để đủ số yêu cầu bà ta đã nói mua hàng vải xuất khẩu. Trên đường đến cơ sở mua hàng, Trâm luôn luôn lo lắng không yên trong dạ, nhưng thôi một liều ba bảy cũng liều, bệnh liều đã ngự trị tim óc nàng từ tấm bé, đến cửa cơ sở bà ta bảo Trâm đưa tiền để bà vào làm thủ tục mua vì chỉ có bà mới được quyền mua và đường dây của bà nên Trâm vào sẽ mua không được, họ sợ bể không dám bán…Đành vậy, Trâm ở ngoài xe chờ. Độ một tiếng sau bà trở ra bảo là “ngày mai mới có hàng, chị em mình về chiều mai ra lấy hàng”. Chiều hôm sau bà đến sập vải gọi Trâm đi, lòng Trâm đang như lên cơn lửa bỏng, gặp bà Trâm mừng quá, vội giao hàng cho đứa cháu gái đi ngay với bà, bà không đưa nàng đến chỗ mua vải của cửa hàng mà lại đưa nàng đến một nơi khác bảo là nhà bà vợ Trung Tá Thủy Sản, Trâm ngạc nhiên thì bà đã nói :
- Số tiền mua vải chị đã bán sĩ liền, lời được hơn hai triệu, chị bỏ vào mua vi cá luôn rồi, đây là nhà bà Trung Tá Toàn bán vi cá cho mình đây.
- Vi cá gì…Trâm tức mình gằn giọng – Sao chị không cho tôi biết gì cả, tôi chỉ cần mua vải vì đó là nghề của tôi, còn vi cá tôi không hề biết, lỡ đồ dỏm thì làm sao ?
-Không có đâu em, chỗ này quen lớn, không bán đồ dỏm cho mình đâu, em tin chị đi…Bà ta trả lời và vuốt vuốt vai Trâm cho nàng yên tâm.
Nói xong bà dẫn Trâm vào trong sân nhà bà Toàn, bà chỉ tay vào một đống bao bố chất đầy trên sân cũng khoảng mười mấy bao 50 kg – bà vào trong nói gì với chủ nhà và trở ra nói với Trâm :
- Hàng vi cá của mình đó, em kêu xe chở đi.
Trâm nghe mùi hôi nồng nặc xung quanh những cái bao tải, nàng đến gần vạch ra xem, thấy toàn là cá vửa, cá hư, hôi rình…Trâm hỏi bà mà muốn nghẹn :
-Vi cá gì mà chị nói vi cá, toàn là cá thúi, cá hư chị có thấy không ? thôi chị gạt tôi rồi ! Trâm nói mà nghẹn ngào muốn khóc !
-Không đâu em, vi cá mắc lắm, làm sao có nhiều, chị cho nhét bên trong làm nhưn, bên ngoài ngụy trang cá thúi mới qua mắt bọn thuế vụ công an được chứ, bà trả lời thật nhanh với nàng – em kêu xe chở gấp đi về Sài Gòn bán ngay bây giờ.
Trâm cứng họng, bán tín bán nghi nhưng cũng phải kêu xe chở vì vốn liếng nàng hiểu ra là toàn bộ của nàng, nàng lại phải trả tiền xe chở là 120.000 về Sài Gòn. Đi được khoảng hai cây số thì trời đã chạng vạng tối, bà lại bảo :
-Trời tối rồi không thể mang lên Sài Gòn ban đêm, không có bạn hàng mua đâu, em chở về nhà em đi, sáng mai mình chở về Sài Gòn mới bán được…
Trâm tức giận nhưng biết không làm gì được bà ta, đành cho hàng xuống nhà mình, chất chật cả khuôn sân, bà đi về Bến Súc ngủ và nói ngày mai sẽ tới sớm cùng đi…
Độ 10 giờ đêm Công An tuần tra đi ngang thấy các bao chất trong sân, gõ cửa hạch hỏi: Thứ gì trong đó? Trâm nhanh nhẩu “ cá khô thúi chứ thứ gì, bà chị ở Phước Hải mang gởi sáng chở đi bán cho heo ăn” Tên Công An nói “ không biết là cái gì, phải đóng thuế thôi chị ạ ! 50 ngàn và đây là biên bản đóng thuế của chị”, thế là Trâm lại mất thêm 50 ngàn cho thuế má, chao ơi là khổ !
Sáng ra nàng dậy thật sớm vì lo lắng suy nghĩ cả đêm thao thức không ngủ được, ra sân nhìn vào các bao tải, ôi thôi, dòi ở trong bao bò ra ngoài nhun nhúc thấy rợn người, Trâm đang quýnh quáng thì bà đến, Trâm túm cổ áo bà làm dữ :
-Bà gạt tôi, mau trả tiền lại cho tôi, cả thảy tôi đưa cho bà là 38 triệu, nếu bà không trả tôi kêu Công An bắt bà ngay lập tức.
-Khoan đã em, chị nói là hàng vi cá thật mà, chở lên Sài Gòn em sẽ thấy, bị vì cá hư nên có dòi thôi, chị đâu có gạt em – bà khẩn khoản nói với vẻ mặt khổ sở…
-Lấy gì làm tin đây – Trâm nói nhanh – Căn cước của bà đâu, đưa đây làm tin, mau lên ! Bà chần chờ chưa chịu đưa căn cước, Trâm buộc bà phải ghi vào tờ giấy nợ số tiền 38 triệu bà nợ Trâm và giữ căn cước của bà.
Lại kêu xe chở về Sài Gòn và lại là Trâm trả tiền vì lúc nào bà cũng nói không còn tiền vì đã bỏ ra mua hàng chung với Trâm, thế là Trâm lại móc túi ra trả tiền 3 chiếc ba bánh chở ra lộ cái là 45 ngàn, bà nói hàng lậu không thể chở ra bến xe…Trâm hoàn toàn bị động mọi sự việc, nàng tức giận mình ngu muội nghe lời con mẹ trời đánh này, phóng lao phải theo lao, nàng phải bỏ buổi chợ bán vải để đi bán cá thúi với hy vọng vi cá nằm ẩn bên trong làm nhưn ! Trâm ăn mặc sang trọng vậy mà phải phụ bà và mấy thằng lơ khiêng các bao tải đưa lên mui xe cấp bách vì sợ thuế vụ công an đến. Những giọt nước hôi rình, thúi quắc rớt xuống mặt Trâm, tóc Trâm và quần áo của Trâm…nàng nghe như mình mẩy thúi oang một mùi muốn ói, không dám ngồi lên ghế sợ người kế bên chửi đành đứng tuốt đàng sau đít xe mà nghe người như nhảy tưng tưng từng khúc đường ổ gà lồi lõm !
Lại thêm 120 ngàn tiền hai người và 13 bao cá, cũng là Trâm thôi, ngao ngán nàng thở dài chán nản – Đến Hàng Xanh lại một phen thuê 3 xe xích lô máy chở vào Chợ Lớn “ chúng tôi tính rẻ là 60 ngàn” lại 60 ngàn, Trâm lẩm bẩm móc tiền đưa mà nghe trong bụng cồn cào vừa ngẩn ngơ vừa đói bụng, đêm qua nàng tức con mẹ phù thủy này thành ra no cành hông không ăn cơm tối, cái mặt con mẹ giống phù thủy thật, lại thêm cái cổ nổi cục bứu to tướng ở giữa cổ, chắc là hậu quả của cuộc sống lừa đảo gạt người đây ? Trâm nghĩ vậy nhưng lại an ủi mình, hãy rán chờ đợi kết quả, chỉ hai mươi phút nữa thôi sẽ rõ bộ mặt thật của bà ta ?
Vào đến Chợ Lớn bà te te đi nói chuyện nhỏ to với mấy mụ bán cá, bỏ mặc Trâm giữ hàng, khi họ đổ cá ra thì chẳng thấy một con vi cá nào cả, Trâm chết điếng, biết làm sao đây ? chạy vội lại nắm áo bà ta, Trâm la lớn” bớ công an, bắt con mẹ cướp của lừa đảo, bớ công an” bà nhanh nhẩu tháo sợi dây chuyền thật to khoảng 10 lượng mà Trâm vẫn thấy bà đeo trên cổ từ khi quen biết bà, bà gói vội vào mảnh giấy đã có sẵn đưa cho Trâm và nói “ đừng kêu công an em, chị đưa tạm cho em sợi dây chuyền 10 lượng này em giữ làm tin, về nhà chị mang tiền qua trả lại cho em”, bà đưa vội vào tay Trâm rồi chạy biến vào chỗ đông người mất dạng. Trâm hoảng hốt khi trên tay sợi dây chuyền nhẹ tưng như cầm cục kẹo thật nhỏ, “trời ơi…đại gian ác, đưa đồ giả, trời ơi…đại gian ác” nàng tung mình chạy theo nhưng bà ta đã biến mất, không còn cách nào khác nàng ra chỗ mấy mụ mua cá lấy lại chút tiền còm cá thúi thì mấy mụ trả lời “ bà Huệ lấy tiền xong rồi” ôi trời ơi, bà ta lấy trước tiền cá thúi, mưu mô chưa từng thấy trong xã hội loài người, Trâm nặng nề bước đi ra khỏi khu chợ hôi thúi, lặng lẽ buồn cho số phận không may, miệng lầm bầm “ đại nạn, đại nạn”.
Một tuần sau rồi một tháng sau cũng chẳng thấy bà ta trở lại sập vải của nàng, Trâm tức lồng lộn lên chỉ muốn tìm cho ra bà mà xẻ thành trăm mảnh mới hả cơn hận thù chất chứa trong lòng nàng, nàng đi báo với Công An Huyện và trình cho họ tờ giấy nợ cùng căn cước của bà ta mà nàng đang giữ. Ngay trưa hôm sau Công An hình sự theo Trâm đến Bến Súc, nơi bà ta hay đi qua lại – Công An và Trâm đã phát hiện ra bà và bắt đem về trại giam, khi bắt bà họ xét trong giỏ xách thấy một tấm hình của Trâm lúc bà rủ sang nhà bà chơi rồi bà chụp lén tại vườn cây trái sau hè nhà, một chai gì nhỏ có nước màu vàng ở bên trong giống như chai dầu thơm, một chùm chỉ đủ màu sắc…Trâm thầm nghĩ, có lẽ đây là bùa ngãi gì mà bà ta đã ân sũng dành cho nàng vì có tấm hình mặt mũi của nàng, tha hồ mà lung lạc nàng…
Bà bị giam được hơn tuần lễ thì Trâm có giấy mời lên đồn Công An hình sự chỗ giam bà để giải quyết, người trưởng Công An mời Trâm ngồi rồi nói rằng “ Tôi nghĩ đây là chuyện cá nhân với nhau, nếu chị không muốn dàn xếp ổn thỏa với nhau mà cần nhờ đến pháp luật thì yêu cầu chị đưa giấy chứng minh của bà Huệ để chúng tôi làm việc” Trâm không cần suy nghĩ đưa ngay tấm căn cước của mụ ta cho ông công an, ông ta cầm xong hẹn Trâm thứ hai tuần sau trở lại gặp ông ta – Trâm được biết người trưởng Công An hình sự này tên là Đức.
Thứ hai tuần sau Trâm đến gặp Đức, ngồi đợi mãi cũng không thấy bà Huệ xuất hiện để làm việc với công an – Trâm đòi phải cho gặp mặt bà ta, ông Đức trả lời :
-Bà ấy xin tôi về thăm nhà, ba hôm trở lại, có lẽ ngày mai bà ấy mới có mặt, vì đi mới hai hôm.
-Thưa ông, nếu vậy ngày mai tôi đến, mong ông xử lý đúng với luật pháp và lương tâm , xin ông trả lại tôi giấy chứng minh của bà Huệ và tờ giấy nợ, mai tôi sẽ cầm lên làm việc…Trâm nói với Đức, trưởng Công An hình sự của Huyện.
-Bà ấy mượn tôi giấy chứng minh để đi đường, nên tôi đã cho bà ấy mượn, chị thông cảm vậy, ngày mai chị lấy cũng được, Đức trả lời Trâm như thế !
-Trời ơi, ở tù cha sao vậy ông, ở tù mà còn đi phép, còn được lấy lại giấy tờ tùy thân ! tôi nói cho ông biết, nếu vụ này không xử lý nghiêm minh, bao che tội phạm, tôi sẽ thưa luôn cả ông đó…Trâm nói với sắc mặt giận dữ, đùng đùng bước ra khỏi đồn hình sự mà nghe trong lòng bất mãn tên Đức đến cùng độ…
Ngày mai Trâm đến, tên Đức tránh mặt không tiếp nàng, cho người phụ tá tiếp và bảo là ông Đức bị bệnh – Trâm thừa hiểu những gì bí ẩn bên trong, nàng bỏ về và đưa đơn thưa nội vụ lên Tòa Án tỉnh.
Mãi gần một năm sau nội vụ mới được xét xử – Khi ra đối chất trước Tòa Án Tỉnh nàng mới biết không phải một mình Trâm là nguyên đơn mà còn hai người nữa, đó là bà Trung Tá Toàn và bà mẹ của cô Oanh, người ở chung trại giam với bà Huệ về tội vượt biên bị bắt – Trâm vẫn là người đứng đầu nguyên đơn vì nàng bị mất số tiền lớn hơn những người kia – Trong lúc chờ giờ xử lý Trâm hỏi thăm hai người đàn bà kia mới hay tự sự đáng sợ của bà Huệ – Bà ta gạt luôn tiền cá khô của bà Toàn nhiều chuyến lên đến 15 triệu, tệ hại hơn là khi bà ta ở trong tù, ông Đức cho đi phép đã hối lộ của bà ta 3 chỉ vàng, bà ta hẹn đi phép về sẽ giao cho ông Đức, bởi thế ông sẵn sàng giúp cho bà cả chứng minh đi cho dễ dàng thuận lợi – Trước khi đi phép bà dụ dỗ cô Oanh cùng chung phòng giam rằng “ ngày mai chị được về phép một tuần thăm nhà, chị sẽ mua quà vào cho em…mà này chị thấy em có chiếc áo thêu con rồng đẹp quá, em cho chị mượn mặc ít hôm xí xọn đi Sài Gòn thăm bà con được không ? còn nhà em ở đường nào, cho chị địa chỉ chị ghé thăm biết tin tức gia đình em luôn thể”
Oanh tưởng bà ta có lòng tốt, biên địa chỉ số nhà và tên cha mẹ, cho bà mượn luôn chiếc áo màu tím thêu con rồng vàng trước ngực, nào ngờ đâu bà lợi dụng chiếc áo và địa chỉ do Oanh biên, bà đã đến gia đình làm tiền cha mẹ Oanh. Bà nói bà là vợ của ông Thiếu úy Đức trưởng ban hình sự huyện, đến để lo cho cô Oanh về theo ý của chồng và ý cô Oanh, bà đòi nhận trước 5 chỉ vàng, số còn lại sẽ đến lấy sau khi cô Oanh đã được về…và đây là chiếc áo của cô Oanh, mang về làm tín hiệu cho hai bác, đây là chữ cô Oanh viết để hai bác làm tin - Ông bà cả tin vì thấy có lý nên mất trắng 5 chỉ vàng – Trâm nghe hai người đàn bà kể mà rụng rời cả tay chân, đúng là “ lường gạt có bằng cấp”. Đúng lúc ấy lệnh Toà Án bắt đầu xử lý, bà Huệ đã ra đứng trước vành móng ngựa, Toà tuyên án Hình Sự, lừa đảo phải giải quyết thỏa đáng…Đến giờ nghỉ án 10 phút, ba người nguyên đơn tỉnh bơ ngồi im với hy vọng tràn trề, bà Huệ rút vào trong chạy chọt thế nào mà sau khi trở lại việc xử lý đã đảo ngược, Tòa tuyên bố “ đây là việc buôn bán làm ăn cá nhân bị thua lỗ, không thuộc diện hình sự…nếu ai muốn bãi nại thì thôi, còn ai muốn tiếp tục thì đóng lệ phí cho Tòa Án 200 ngàn và gởi đơn qua hồ sơ dân sự”. Nghe tuyên bố quá bất ngờ, Trâm tái mặt chửi thầm “ cả một lũ ăn hối lộ, thật không ngờ” rồi không cần biết sự việc tiếp tục ra sao, nàng đứng dậy lớn tiếng trước mặt quan toà “ Công lý pháp luật của các ông như vậy đó hả ! Toàn bọn tham nhũng ăn hối lộ thối tha, tôi chẳng còn gì để tin vào công lý và pháp luật của các ông nữa” nói xong Trâm dừng lại xem phản ứng lũ quan toà, họ im lặng và dường như xấu hổ, Trâm không sợ vì nàng không có tội gì, ai dám làm gì nàng, nàng sẽ đưa nội vụ lên trung ương, không lẽ cả một chế độ không còn lấy một người đại diện công lý nghiêm minh, sáng suốt…
Trời cuối thu xứ người sao u ám lạ thường, ngồi viết lại những trận mưa đá trong đời mình, Trâm nghe lòng như dâng lên nỗi nghẹn ngào ! Quê hương ta, nơi cho ta cuộc sống, nơi cho ta tình người mà cũng cho ta bao kỷ niệm thương đau, một đời ta dù lưu lạc mấy phương trời, chắc chắn ta cũng không bao giờ quên được những chứng tích đau thương đã xãy ra cho chính mình, Trâm viết ra sự thật mà chính nàng là nạn nhân, bởi vì như lão si thĩ Hà Thượng Nhân đã nói “ Viết văn, làm thơ trước hết là phải có tài…đành thế, nhưng có điều khó khăn hơn tài năng…là đừng bao giờ dễ dãi với chính mình nghĩa là chỉ viết những gì mà nếu không viết ra thì mình không yên ổn được, tức là phải có những tâm sự, những cảnh ngộ thật cần phải nói ra, cần phải viết lại…Sự thành công chỉ đến với một tấm lòng chân thật và một sự say mê không giả tạo…” Những lời quý hóa kia đã khiến tâm hồn Trâm thấy được niềm an ủi vô biên và Trâm như cảm nhận được sự chia xẻ từ những tâm hồn yêu văn chương, yêu nguồn cội quê hương, tự nhiên nàng thấy nhẹ nhàng như vừa ký gởi được một tâm sự nặng nề bấy lâu chất chứa…những hình ảnh quê mẹ thân yêu cứ như đang ẩn hiện trước mắt nàng, những khóm trúc, cây dừa, dòng sông quê hương, căn nhà ấm cúng thuở nao với làn khói chiều êm ả, những cánh đồng bao la lúa chín vàng sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí…nhưng còn…khối tình bao la sông núi Việt, Trâm biết làm gì đây…để trả ơn cha mẹ, núi sông, mộng ước lớn với vòng tay nhỏ bé, Trâm thở dài buồn bã…người ta thường bảo “ Đi Mỹ là đến thiên đường” ôi, nghe hai chữ thiên đường mà bùi ngùi thương cho mình, thương cho bạn ....

Các tác phẩm khác của Ngọc An

Đôi Bờ Xót Xa

Yêu Hoa - Yêu Gió - Yêu Trăng

Nơi Nào Là Chốn Bình Yên

Mùa Xuân đã mất

Mây hồng phận bạc

Khúc cây biết khóc