ÔNG HẬU
Tác giả: Nguyễn Anh Đào
Năm mười bảy tuổi ông đã có vợ, là cô gái làng bên xinh xắn, đảm đang. Nhưng cô đã bỏ ông ra đi khi sống với chồng chừng một năm. Hôm ấy, ông biết, vì nửa đêm tỉnh giấc ông nghe tiếng khóc, nhưng ông vờ không nghe. Rồi cô lén mở cửa sau đi giữa khuya. Ông xuống nhà gọi thằng Lùn dậy, bảo nó "Mày chạy theo đưa cái này cho cô". Dù thằng nhỏ ngơ ngác không hiểu nhưng cũng làm theo. Đó là tất cả số tiền ông dành dụm. Thằng Lùn về kể lại, cô thấy nó liền bỏ chạy, nó chạy theo muốn bở hơi tai mới bắt kịp. Đến khi biết không phải ông sai người đến bắt về thì cô sụp xuống khóc, quay đầu về lạy xin ông tha thứ. Thằng nhỏ kể mà sụt sịt khóc. Ông đốt thuốc hết điếu này đến điếu khác, đến sáng hôm sau, đến khi thằng nhỏ gọi ông dậy đi làm thì ông vẫn còn ngồi im như bức tượng. Đôi mắt vô hồn nhìn ra bên ngoài cửa sổ, nắng đã đỏ dần lên từ chân núi.
Ông biểu thằng Lùn qua nhà chị ông ở, có gì làm nấy, hoặc muốn ở lại nhà ông thì tùy. Nhưng ông sẽ đi, ông bỏ vào thành phố sống cùng chiếc xe đạp cọc cạch của mình. Ở tuổi hai mươi, ông có quyền lập lại gia đình, nhưng ông đã không làm thế. Ông quyết không bao giờ làm điều đó, vì ông rất yêu và cũng rất hối hận khi lấy và làm khổ vợ ông.
Khoảng 6 năm ở đây thì ông tìm được Ngân.
Ngân là đứa con gái nuôi mà ông đã nhặt về từ một đống rác. Lúc ông ngà say, loạng choạng về tới đầu đường, thì ông linh cảm có người đang dõi theo ông, ông khệnh khạng quay ngược lại, ông thấy một đứa bé được quấn trong chiêc áo rách, nằm kề bên đống rác, kiến bò khắp người, cổ họng không còn hơi để khóc. Ông bế lên ôm nó về nhà, nhờ chị gái mình chăm sóc giúp. Một thời gian sau, Ngân lớn và lanh lợi như những đứa trẻ bình thường khác, không bệnh tật cũng không có biểu hiện gì bất thường. Ông thương Ngân như con đẻ!
Ngân thức khuya để đan cho ông chiếc áo ấm. Thương ông thức khuya dậy sớm chạy xe mà không có chiếc áo dài tay đễ giữ ấm như người ta. Ông mắng "lo mà ngủ để lấy sức thi cử", nó lại nũng nịu cười "ba giống ông già tám mươi quá". Ông giật mình nhớ lại tuổi mình, nhìn lại con, thời gian trôi nhanh đến không ngờ.
Mười lăm năm qua, sáng ông đưa con đến trường, chiều đưa về, chiếc xích lô là cuộc sống của ông và con. Bé Ngân thương cha, líu lo hạnh phúc như chim gần mẹ.
Bé Ngân lên lớp mười, ông mua cho con chiếc xe đạp để tự đến trường, phần ông, ông cũng mua được xe máy để chạy xe ôm chứ không đạp xích lô nữa.
Ở tuổi bốn mươi, ông khỏe khoắn lại hiền lành, nên có rất nhiều "mối ruột" hàng ngày. Chở hàng cho bà Tư từ chợ Cầu Muối về Thị Nghè vào sáng sớm, chở con trai bác Hải đến trường, buổi trưa đón những đứa trẻ trong xóm về nhà vì cha mẹ chúng bận đi làm. Buổi tối lại chở khách vãng lai, những người hối hả đi đâu đó nhưng bị hư xe và cả những cô gái đế những chỗ hẹn với khách.
Mười mấy năm làm nghề, chỉ thay đổi phương tiện, không con hẻm nào ở thành phố này mà ông chưa qua, chưa ghé lại. Lại có người nữa thương ông, cô Bảy bán ra ở chợ Bà Chiểu. Sáng sớm khi chở xong hàng cho bà Tư thì ông lại chở cho cô Bảy. Hàng cô Bảy đã mua sẳn để thành đống, ông chỉ việc chất lên xe mà chở về. Lâu dần ông kiêm làm người đi lấy hàng, cô bảy thỉnh thoảng với đi gặp chủ hàng, còn lại giao toàn bộ cho ông. Mỗi tháng cô Bảy mới trả tiền cho ông một lần, bỏ vào phong bì hẳn hoi "coi như tui dành dụm dùm anh". Ông thấy sáng kiến này cũng hay, vì nếu để ông tự dành dụm, chắc gì hàng tháng ông có số tiền đó cho ông và Ngân.
Thỉnh thoảng cô Bảy ghé nhà, mua cho Ngân ký trái cây hay mớ cá, Ngân hiểu đó là tình cảm của cô Bảy dành cho ba.
Có lần Ngân hỏi:
- Khi nào con có ...mẹ, ba?
Ông lúng túng rồi búng mũi con, mắng yêu:
- Ba già rồi, ai ưng?
- Ba già thì có bà già ưng.
Rồi nó cười, nhí nhảnh hát:
" Bà già đã tám mươi tư
Ngồi bên cửa sổ viết thư kén chồng
Bà già đi chợ cầu Đông
Hỏi xem thầy bói lấy chồng lợi chăng
Thầy bói xem quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn"
Ông mắng
- Cái con nhỏ này! lém lỉnh vừa thôi.
- Già thì không có tình yêu hả ba? con làm mai cho ba nghen!
- Bộ con có người nào lý tưởng lắm sao?
Rồi con nhỏ nhí nhảnh chu môi "sao lại không?".
Cô Bảy cũng ngang ngang tuổi ông, cô còn đẹp lắm, chưa có chồng, vì nhà nghèo, lo làm ăn nuôi hết mấy đứa em mà cô quá tuổi xuân xanh. Quá lứa lỡ thì lại không nhiều tiền và nhiều thời gian như người ta nên cô vẫn phòng không nhà trống từ đó đến giờ.
Ông cũng có để ý đến cô Bảy, cũng như hơn hai mươi năm qua ông có để ý đến một số người phụ nữ khác, nhưng hình ảnh vợ ông ôm đồ trốn đi giữa đêm của mấy chục năm trước lại hiện về, ông không còn đủ can đảm để lấy ai nữa. Rồi nghĩ, chắc mai mốt già đi, già chống gậy đã, rồi ưng ai đo về bầu bạn cũng được, chứ cái chuyện chăn gối kia ông thất bại từ hai mươi tuổi rồi, không lẽ khai ra bây giờ, mai mốt già chẳng còn ai nhớ đến chuyện ấy nữa, hồi ấy thì muộn không?
Làm sao ông biết có muộn không? Khi hàng ngày cô Bảy vẫn dành cho ông những ánh mắt rất tình, hàng ngày bé Ngân cũng líu lo ba ơi ba à, lấy vợ đi ba.
Có lần ông hỏi cô Bảy nghĩ gì nếu một ông già bảy mươi tuổi tuyên bố có vợ. Cô Bảy cười, chẳng có gì cả, mỗi người có một cuộc sống, có ai sống dùm cuộc đời của mình đâu. Ông gật gật, ừ, có ai sống dùm mình đâu, rồi tủm tỉm cười, nghĩ tới cái ngày ông bảy mươi tuổi, cô Bảy cũng sem sem, cô Bảy mặc cái áo cô dâu màu trắng, đuôi dài bốn thước có mấy đứa nhỏ theo kéo phía sau, tưởng tượng một hồi ông cười phá lên, làm cô Bảy chưng hửng, tưởng ông mới bị té giếng. Ông đỏ mặt nhìn sang cô Bảy rồi riu ríu cầm cái mũ đi ra.
Bé Ngân thuyết phục cha có vợ mãi không được, nó quay sang cô Bảy, biểu cô Bảy "tấn công" ba con đi, cô Bảy xỉ vô trán nó "con nhỏ này, vừa thôi nha!". Nói vậy nhưng hình như cô Bảy cũng mắc cỡ, bé Ngân biết hết, thỉnh thoảng nó đi học về, mua cho cha nó ký cam hay trái dưa hấu, ông hỏi ở đâu, nó nói của cô Bảy cho. Để đáp lại, ông cũng mua gì đó rồi biểu bé Ngân đem sang. Một thời gian, nó thành người đưa thư, đưa thức ăn đi qua đi lại, rồi đàng nào thì cũng vao bụng nó hết, nhưng nó nhìn hai người lớn vui lắm, họ cứ tủm tỉm cười hoài.
***
Ly cà phê đã cạn tới giọt cuối cùng, ông vẫn chưa thể rời khỏi chiếc ghế. Hôm qua, cô Bảy sang nhà ông, cùng bé Ngân nấu toàn những thứ ông thích. Đến khi ông về nhà thì nhà như có tiệc, bé Ngân biểu ông vô tắm rồi thay quần áo. Xong nó đứng trịnh trọng:
"Con, sẽ là người làm chứng cho ba và cô Bảy chính thức trở thành...", ông há hốc mồm, vội la bé Ngân là làm cái trò gì vớ vẩn! Nó tức chui vô buồng ngồi khóc. Cô Bảy đứng như chết trân trước ông, một hồi, cô mạnh dạn lại nắm bàn tay ông "tui không chờ tới năm anh bảy mươi tuổi được, bây giờ hay khi đó có khác gì nhau, việc gì phải cứ nén lòng đến mấy mươi năm nữa!". Ông bóp bàn tay cô Bảy thật chặt, nhưng môi bật ra một câu chẳng ăn nhập gì hết "vô kêu con Ngân ra ăn đi, làm cả bàn kia không ai ăn sao?"
Quán cà phê sắp đóng cửa rồi, mà ông vẫn chưa tìm ra câu nào để nói với bé Ngân. Cũng chưa tìm ra dịp gì để mời cô Bảy về nhà lần nữa, để ông làm nốt những thứ đáng lý ông phải làm tối hôm qua.
TPHCM, tháng 5/2008
Nguyễn Anh Đào