Đất dịu dàng
Tác giả: nguyễn chu nhạc
Làng Giải Oan nằm uốn mình theo thế cong của một con sông nhỏ. Đã như thế từ nghìn đời nay. Chỉ có điều là số người cứ ngày một đông thêm dù trải qua bao biến cố của lịch sử. Giờ đây, chiều dài của làng dễ hơn hai cây số. Từ xa nhìn về làng thấy dáng của một con rắn khổng lồ. Chẳng hiểu thế đất có ảnh hưởng đến tính cách con người hay không, song từ xưa đến nay, dân quanh vùng đều đồn nhau rằng người làng Giải Oan khôn ngoan, tinh ranh, nanh nọc như loài rắn.
ở khoảng giữa làng, kề với bờ sông có một khoảng đất vuông vức rất đẹp. Trên mảnh đất ấy xưa chỉ có hai gia đình sinh sống, đó là nhà ông Đồ Sinh và ông Bát. Tuy xấp xỉ tuổi nhau nhưng xét về họ hàng xa thì ông Đồ Sinh là vai chú. Ông Đồ Sinh đã vài lần lều chõng đi thi nhưng không đỗ, buồn đời mở lớp dạy học và nuôi dạy hai con, một trai, một gái. Còn ông Bát nhà có vài ba sào ruộng, quanh năm cấy cày, lúc nhàn rỗi thì hai vợ chồng đi làm thuê cho nhà khác trong làng. Thường là bà Đồ mướn hai vợ chồng ông Bát làm ruộng cho nhà mình. Tuy quan hệ chủ tớ nhưng được cái ông Bát nhanh nhẹn, khéo mồm và ông bà Đồ Sinh cũng dễ dãi nên chuyện công xá xuê xoa.
Vợ chồng ông Bát có hai người con trai, người anh cả là Tông khá xảo quyệt, ngược lại cậu em tên Tường lại ù lỳ, cục mịch, thêm tật nói ngọng. Vì nhà có hai con trai nên ông Bát luôn để tâm đến việc mở rộng thổ cư để sau này xẻ đôi cơ ngơi cho mỗi con một nửa. Những mùa sông cạn nước, ba cha con ông Bát hì hục lấy đất ở lòng sông cạp bờ lấn ra sông, đến nỗi sau mấy năm liền như vậy khúc sông ấy hẹp lại thắt eo bụng rắn. Chưa hết, thấy ông bà Đồ Sinh dễ dãi, ông Bát còn thủ tâm lấn sang đất nhà ông bà Đồ. Một đêm mưa rét, ông Bát trở dậy, lay Tông và thì thầm điều gì đấy vào tai nó. Hai cha con mở cửa ra ngoài, mang theo chiếc thuổng đào đất. Khi cả hai đứng bên cạnh chiếc mốc đá đánh dấu ranh giới giữa hai nhà mới tần ngần không biết nên làm thế nào. Tông thì thào: "Đào phéng nó lên, quẳng xuống sông cho mất tích rồi sau lấn hàng rào dần". Còn ông Bát lại bảo: "Mày ngu thế. Mất mốc thì ông bà Đồ biết ngay. Tốt nhất là dịch chuyển mốc". Cứ thế, hai cha con dùng dằng mãi mỗi người một ý, không ai chịu ai. Thế rồi vẳng lại từ phía xa trên đường làng có tiếng chân người bước, hai cha con ông Bát vội bỏ về nhà, quên mang theo chiếc thuổng.
Mờ sáng hôm sau, ông Bát dậy rất sớm, mò ra chỗ hòn mốc. Lạ thay, hòn mốc đá đã biến mất, chiếc thuổng của nhà ông vẫn cắm phập ở đấy. Hòn mốc không còn mà chỗ đất chân mốc lại không có dấu vết gì của sự đào bới. Sờ tay xuống chỗ đất đó ông Bát cảm thấy bình thường cứ như là chưa bao giờ có hòn mốc ở đó. Trở vội vào nhà, ông Bát gọi Tông dậy, lôi ra chỗ mốc chỉ cho xem. Tông cũng ngạc nhiên không kém gì cha. Chợt Tông ú ớ kêu lên. Nhìn theo tay chỉ của con, ông Bát thấy rõ ràng là hàng rào ranh giới như có sự chuyển dịch tự nhiên về phần đất của nhà ông Đồ Sinh. Hai cha con bàng hoàng cứ ngỡ như nằm mơ. Nhưng không, cả hai đều tỉnh, và rõ ràng đất nhà mình rộng hẳn, còn đất nhà ông Đồ Sinh hẹp lại. Hai cha con nửa mừng nửa lo kéo nhau về.
Mãi mấy ngày sau, bà Đồ Sinh mới phát hiện ra hòn mốc bị mất nhân một lần dọn hàng rào. Ai động vào đây, nếu không phải cha con nhà lão Bát? Không phải một mà nhiều lần, bà Đồ Sinh bắt gặp lão Bát lén ngắm cơ ngơi, vườn tược nhà bà một cách thèm thuồng. Nhưng chẳng lẽ lại hỏi thẳng lão ta à. Nghĩ hồi lâu, bà Đồ Sinh bèn bước vào sân nhà lão Bát vui vẻ hỏi:
- Này ông Bát, ông hỏi xem có phải thằng cu con nhà ông nó chơi nghịch đào mất hòn đá mốc hàng rào không? Nếu cháu nó chót nghịch vứt đâu thì bảo mang về mà chôn lại, kẻo để lâu hàng xóm láng giềng mất lòng nhau.
- Không đâu cụ ạ. Thằng cu Tường nhà cháu ù lì, vừa điếc vừa ngọng biết gì đâu mà chơi đùa như thế - Ông Bát vội phân bua.
Thấy vậy Tông hùa theo cha:
- Thưa cụ là đúng đấy ạ. Em cháu nó biết gì. Chắc là đứa nào đấy thôi... Hay là hai cụ bên ấy lại nghi cho nhà cháu lấn đất? Nếu vậy thì nhà cháu xin thề...
- Thằng cháu nó nói vậy, nhà cháu sinh băn khoăn. Chẳng lẽ hai cụ lại nghĩ là...
- Thôi thôi - Bà Đồ Sinh ngăn lại - Tôi có nói gì đâu, nghi gì đâu. Không phải thề bồi gì cả.
Thì ra ông Đồ Sinh đã đứng ở bên kia hàng rào nghe hết chuyện và đến lúc ấy ông thủng thẳng vọng sang:
- Đừng thề gì. Trời đất linh thiêng lắm. Lòng dạ ai thế nào trời đất biết cả. Thôi chuyện xem như chẳng có gì... Mà bà ạ - ông Đồ Sinh nói với vợ - Cần gì mốc. Người xưa nay dạy là "đất có thổ công, sông có hà bá" mà...
- Thưa hai cụ là nhà cháu mà có lòng tham định lấn đất của bên ấy thì trời chu đất diệt - Tông thề thống thiết.
Còn ông Bát thì cứ loanh quanh, miệng mấp máy mà không thành lời.
*
* *
Thời gian trôi qua, ông bà Đồ Sinh khuất bóng. Người con trai duy nhất là Kinh ra thành phố làm công chức, thỉnh thoảng về quê thắp hương, còn người con gái lấy chồng nhà giàu làng bên tháng đôi lần đảo qua quét tước, thăm nom vườn tược. Ông Bát cũng qua đời sau khi cưới được vợ cho Tông. Đất nhà chia làm đôi, vợ chồng Tông ở phía trong, bà Bát và cu Tường ở nhà cũ.
Vợ Tông không kém gì chồng về khoản mồm mép. Mụ thành đanh đỏ mỏ. Đến miệng lưỡi liến láu như Tông còn nhiều khi phải chịu. Họ có ba con, một trai đầu lòng và hai gái. Cu Tường lớn lộc ngộc nhưng vì điếc, ngọng nên gái làng chê. Mãi đến gần thời cải cách ruộng đất, một bà ở làng hay đi chợ búa đây đó dẫn về một cô gái lạ lưu lạc, gán cho. Thế là Tường có vợ. Vợ Tường xinh ra trò, kiểu cách lại có vẻ hoa nguyệt. Tường mừng còn hơn bắt được của, và đi đâu cũng lắp bắp khoe mình có vợ đẹp. Nhưng rồi mãi mà vợ Tường chẳng chửa đẻ gì. Trong khi đó, mụ thành đanh đỏ mỏ nhà Tông đẻ sòn sòn, vì thế mụ bắt đầu chê bai vợ Tường không biết đẻ. Đi đến đâu mụ cũng rêu rao rằng: "Ngữ ấy đẻ gì. Rồi có mà tiệt giống. Sau này đến phải nhờ thằng cu nhà này cúng hộ thôi". Rồi mụ bầy tỏ sự thèm muốn chiếm nốt phần đất cha mẹ chồng dành cho Tường. Nhưng rồi mụ lại không sống được để thực hiện ý đồ. Trong một lần bắt cua mò ốc, gặp trời mưa, mụ chui vào chiếc quán giữa đồng cùng với mấy người khác để trú mưa. Sét đánh xuống cây gạo trước cửa quán. Mụ ngồi ngoài cùng nên toác đầu chết ngay lập tức. Những người khác ở phía trong nên chỉ chết ngất đi, rồi sau tỉnh lại. Tông góa bụa, sống cảnh gà trống nuôi con. Người làng đồn Tông có tướng sát vợ nên tránh xa y. Mấy lần Tông nhờ mẹ đi hỏi đám này đám khác quá lứa nhưng hết thảy đều chối từ.
Vợ Tông chết thì vợ Tường lấy làm sung sướng, bởi không còn lo lắng gì nữa. Vốn mềm mỏng, khéo léo, vợ Tường chăm chút cho ba đứa trẻ mồ côi lúc tắt lửa tối đèn. Nhưng rồi anh em Tông, Tường bắt đầu hục hoặc với nhau. Tường cục mịch hay ghen. Vợ lại mỏng mày hay hạt, tính tình xởi lởi. Vì thế, cứ mỗi bận vợ tắm táp hoặc cho quà mấy đứa con của Tông là Tường lại nổi máu lầm bầm chửi vợ. Và hễ vợ cãi lại là Tường thượng cẳng chân hạ cẳng tay làm vợ thâm tím mặt mày. Thực ra Tường không ghét bỏ gì đứa cháu mà chẳng qua Tường không tin Tông, Tường đã nhiều lần nói với mọi người rằng mặt Tông trông gian lắm. Có một lần đứa bé út nhà Tông bị ốm, Tông loanh quanh chẳng biết làm gì, vợ Tường thương cháu lấy cỏ nhọ nồi đánh gió cho cháu. Nó dịu sốt nhưng hễ vợ Tường đặt nó xuống giường để ra về thì nó lại khóc thét lên. Mãi đến khuya vợ Tường mới lừa được nó để về nhà mình. Tường nổi điên cho là vợ bị Tông dụ dỗ để tằng tịu. Tường đánh vợ thất điên bát đảo, rồi lấy dao chặt phăng ngón tay út của mình và thề độc rằng: "Lần sau mà như thế này nữa thì tao chém cả mày lẫn thằng Tông". Vợ Tường nhìn ngón tay út của chồng văng ra thì rú lên chui vào gầm giường để trốn. Bà mẹ cuống cuồng xé vạt váy của mình để băng tay cho Tường. Tông ở nhà mình nghe thấy hết và biết là Tường nghi ngờ và đánh oan vợ song hắn cũng sợ sự hung bạo điên cuồng của Tường mà chẳng dám sang can. Thực ra, Tông cũng thích vợ Tường thật. Hắn thích từ lúc vợ hắn còn sống kia, nhưng vì sợ con vợ thành đanh đỏ mỏ nên đành chịu. Từ khi vợ chết, lại thấy vợ Tường hay đi lại chăm sóc mấy đứa con hắn thì hắn nuôi chí chiếm đoạt vợ Tường. Hắn biết vợ Tường hay tắm vào ban đêm lúc hạ oi nồng. Bể nước mưa nhà Tường lại ở ngay kề hàng rào khúc gần giáp với nhà hắn. Và thế là cứ đêm về, hắn nằm ru mấy đứa con ngủ và đôi tai chuột của hắn cứ dỏng lên. Hễ nghe thấy tiếng nước róc rách là hắn vùng dậy, rón rén đến sát tường rào, vạch lá khúc tần nhìn sang. Đêm sáng trăng hắn nhìn thấy da thịt vợ Tường nõn nà, hai bầu vú thây lẩy thì hắn thèm lắm. Đã có lần hắn định vạch rào chui sang nhưng lại sợ vợ Tường kêu lên, đành nuốt nước miếng chịu thèm. Lúc trở về giường ngủ, nhìn vào đâu hắn cũng chỉ thấy bóng hình vợ Tường nõn nà, khêu gợi. Hắn lèm bèm chửi thề: "Mẹ cha thằng Tường. Người nó như cục cứt mà sao lại vớ được con vợ ngon lành đến thế!".
Thèm muốn là thế nhưng sau lần này thì hắn tởn. Hắn kinh sợ thằng em ngu đần, điên khùng của mình. Song thâm tâm, hắn vẫn thèm muốn và nuôi ý định chiếm đoạt em dâu.
*
* *
Bao biến cố lịch sử dồn dập: hòa bình lập lại, giảm tô, cải cách, rồi lại chiến tranh... Những đứa con của Tông khôn lớn dần. Vợ chồng Tường vẫn chưa có con. Người làng đồn, lúc chưa lấy Tường, vợ Tường là gái hoa nguyệt nên mắc bệnh gì đó rồi mất khả năng sinh con. Ông Kinh, con trai cụ Đồ Sinh, đang làm công chức ở Hà Nội, bỗng nhiên mang vợ con về quê sinh sống. Ông Kinh nói rằng về quê lánh đạn bom, những người làng thóc mách lại nói rằng ngày trước ông Kinh dính gì đó với Tây nên bây giờ không được làm với nhà nước nữa. Bà con, họ hàng làng xóm người giúp cây tre, người giúp bó rạ, dựng căn nhà tường vách đất cho gia đình ông Kinh ở. Thật chẳng khác một vòng quay của sự chuyển dịch, ba gia đình lại sống bên nhau, nghèo khó, lầm lụi. Tuy vậy, ở với nhau một thời gian cũng sinh chuyện. Ông Kinh là người có học, nhường nhịn mọi người nên mọi chuyện cũng xuê xoa đi. Trong thâm tâm, ông Kinh ghét Tông bởi anh ta chỉ thơn thớt cái mồm nhưng tâm địa đen tối, ngược lại ông quý Tường vì anh ta cục mịch, chân chất và ngay thẳng. Nhưng không ngờ, từ sự quý mến đó lại vô tình dẫn đến cái chết thương tâm của Tường.
Chẳng là, gia đình ông Kinh nuôi một con chó cái đẻ giữa nhà. Con chó đẻ một bầy con. Tường sang chơi, thấy bầy chó con thì thích lắm. Tường thật thà bầy tỏ: "Con không có tiền, khi nào bầy chó ăn cơm no, ông có bán cho con xin con còi nhất đàn". Ông Kinh vui vẻ đồng ý. Vì là chó còi nên nuôi mãi không lớn. Tường mang đi bán và thêm tiền bán mấy cái giỏ để mua một con chó khác về nuôi. Không may, lúc tìm mua chó, Tường bị một con cắn vào tay. Tường cũng chẳng để ý gì. Mấy tháng sau, nhân đám ma một cụ già ở làng, Tường đi đưa đám trở về, chiều thấy người gây gây. Rồi Tường hung hãn dần lên, sợ nước, sợ gió, sợ lửa... Vợ Tường thấy thế sợ quá, tru tréo lên làm cả xóm đổ đến. Mọi người gặng mãi, Tường mới chịu nói là bị chó cắn hồi nào. Có người bảo lấy hạt đỗ xanh cho Tường ăn, nếu thấy ngon, thấy bùi thì đúng là điên. Tường dốc cả vốc đỗ xanh vào miệng nhai và nuốt ngon lành. Thôi thế là hết. Cả đêm ấy Tường lồng lộn. Cả làng không ai ngủ được. Sáng hôm sau, Tường mệt lử, ngồi rúm trong góc tối. Lại có người nói là lấy con dòi ở phân người sao vàng, sắc đặc cho uống may ra khỏi. Vợ Tường vì quá sợ nên ai bảo thế nào cũng nghe. Lúc đổ thuốc cho Tường, mọi người đều sợ Tường cắn. Nhưng rồi người ta cũng đè ngửa được Tường ra, cạng chiếc đũa cả ngang miệng để đổ thuốc. Tường cắn nát chiếc đũa, gẫy cả răng, máu me đầy mồm. Đến chiều thì Tường quá yếu, chỉ còn nằm thoi thóp, chốc chốc lại nấc người lên để thở như có ai chẹt cổ. Lúc gần chết, Tường tỉnh hẳn, gọi vợ lại gần. Vợ Tường thương chồng nhưng cũng sợ không dám vào gần. Tường quát: "Ông không cắn đâu mà sợ. Ông sắp chết đây!" Vợ Tường đến bên chồng. Tường nhìn vợ hồi lâu rồi mặt cau lại, nhăn nhúm: "Tao chết thì ở vậy mà giữ nhà, giữ đất. Mày mà lấy đứa nào thì tao về tao bóp cổ chết cả hai". Vợ Tường khóc: "Khốn nạn cái thân tôi, long đong cả đời mà chẳng ra người. Đến nước này thì tôi còn thiết gì mà lấy chồng nữa hả trời".
Anh yên tâm mà nhắm mắt. Cũng chẳng bao lâu nữa tôi theo xuống với anh, để anh tiếp tục đánh tôi như ở dương gian". Tường nhìn vợ hài lòng: "Tao sẽ không đánh nữa đâu".
Làng xóm vừa thương xót, vừa buồn cười cho cái tính ghen quá đáng nhưng đầy tình yêu thương của Tường với vợ. Tường chết, đám ma Tường rất đông. Thực ra, người ta cũng chẳng yêu quý gì Tường nhưng cái chết kinh thiên động địa của Tường đánh thức lòng nhân từ trong mỗi con người. Ông Kinh thì luôn cảm thấy mình có lỗi trong cái chết của Tường.
Vợ Tường từ bấy héo mòn và bệnh tật cô đơn. Chị ta mất sau chồng mấy năm, Tông lấy vợ cho thằng con trai đầu. Nhường cho vợ chồng nó ở nhà mình, hắn mang con ra ở nhà Tường, nói là nhang khói, giỗ tết cho vợ chồng Tường. Thằng Vẻn, con trai Tông có tính tắt mắt từ nhỏ, đến lúc nó lấy vợ thì cái tính ấy càng tăng lên và nó theo phường đạo chích. Xóm làng liên tục xảy ra các vụ trộm cắp và phần lớn nó là thủ phạm, hay nó dắt khách về trộm của người làng.
Bỗng một hôm Tông đi chợ phiên về dắt theo một người đàn bà ngoài ba mươi tuổi. Người này da dẻ hồng hào, mặt mũi khá đẹp, dáng người cao lớn, phốp pháp. Tông nói với làng xóm rằng người ấy là vợ mới của hắn. Nhưng chỉ mấy ngày sau khi người ta tấm tắc khen Tông lấy được vợ xinh đẹp thì người ta lại đồn ầm lên là cô vợ mới của hắn bị hủi. Để ý người ta thấy đầu các ngón chân của cô ta to tướng, sần sùi. Và thế là cô ta đi đến đâu, người làng cũng né tránh. Chẳng biết Tông có sợ bị lây hủi không nhưng hắn vẫn sống rất hòa thuận với vợ. Thằng Vẻn thì bô bô một cách công khai rằng cần phải đuổi cổ con hủi đi khỏi làng. Nó bị bố nó đe chém mới bớt mồm. Rồi cô vợ mới này to bụng. Người ta bảo: "Có đẻ ra thì cái giống ấy cũng hủi thôi". Nhưng bất chấp mọi lời nói xấu, thằng con trai do cô vợ mới của Tông sinh ra rất bụ bẫm, kháu khỉnh, Tông quý con lắm. Song một hôm Tông đi vắng về đến nhà thì cô vợ mới đã mang con đi đâu mất. Có người nói chắc là cô ta mang con tìm vào sống ở Trại hủi mãi tận miền Trung. Tông tức điên và lồng lộn như thú dữ đến hàng tuần, rồi hắn cũng dịu đi. Nhưng sau đó hắn không còn dẻo quẹo cái mồm nữa. Người làng kháo nhau rằng Tông quá đam mê cô vợ hủi khỏe mạnh nên bị ả ta bòn rút hết sinh lực, bởi hắn gầy rộc đến thành hom hem. Tông qua đời không kịp gả chồng cho hai con gái.
Vợ thằng Vẻn đẻ con trai. Mụ chẳng biết làm gì. Suốt ngày bế con tha thẩn nơi chợ búa, lúc miếng bánh đúc chấm tương, lúc cái bỏng bộp. Vẻn vẫn hành nghề đạo chích. Một lần hắn cùng gã bạn lẻn vào một nhà người ở làng bên không may cả hai thằng đều bị con chó của chủ nhà đớp cho. Thằng bạn bị vào mặt, còn Vẻn bị vào tay. Trộm cắp bị chó cắn xem như chuyện thường, nên chúng chẳng thèm để ý. Nhưng chỉ nửa tháng sau, gã bạn lên cơn điên dại mà chết. Lúc ấy Vẻn mới thấy sợ. Hắn không dám đến đưa đám gã bạn. Ngồi ru rú ở nhà, Vẻn biết rằng cũng sắp đến lượt hắn. Đêm về, hắn đã cảm thấy khang khác trong người, nhưng máu đạo chích vẫn cuồn cuộn chảy trong huyết mạch hắn và quyết làm một mẻ thật to cho thỏa chí trước khi chết, cũng là tích góp thêm ít của để nuôi mụ vợ đoảng và thằng con thơ dại của hắn. Lúc hắn ôm bọc đồ trèo lên tường chuồn ra ngoài thì không hiểu vì sao hắn bị ngã xuống. Chủ nhà thấy động, hò nhau dậy bắt trộm. Khi đèn đuốc soi rõ vào mặt hắn thì người ta thấy mắt hắn trợn lên, mồm đầy dãi và hắn co rúm người lại, tru lên như chó bị đường cùng, răng nhe ra chực cắn. Người ta trói hắn mang nhốt vào kho của hợp tác xã để hôm sau nộp công an. Nhưng rồi thấy hắn lên cơn như người bị chó dại cắn, người ta sợ quá buộc chặt hắn lại đưa về nhà hắn. Thấy vậy, mụ vợ hắn tru tréo ầm ĩ vu là họ đánh chết chồng mụ. Hắn điềm nhiên bảo: "Không. Họ không đánh tao. Tao bị điên đấy. Chó dại cắn tao. Tao sắp chết. Tất cả chúng mày xéo ngay ra ngoài kẻo tao lên cơn cắn chết hết". Và sau đó, hắn chết thảm thương. Nhìn cảnh hắn chết, cả làng xóm, trước đây ghét hắn vì hắn trộm cắp chẳng từ ai, nay bỏ qua hết. Người ta tha thứ nhưng không biết khi hắn từ giã cõi đời có thanh thản hay không?
Chồng chết, mụ Vẻn không người chu cấp. Mụ chẳng biết làm gì. Mụ đói, con mụ đói và mụ bắt đầu trộm cắp. Hai đứa em gái Vẻn chẳng ma nào ngó ngàng tuy chúng không đến nỗi xấu xí, song quanh vùng biết cảnh nhà nên người ta tránh. Chúng bàn nhau bỏ nhà lên mạn ngược sinh sống và nghe đâu lấy được chồng, rồi lập nghiệp luôn ở đó. Mụ vợ Vẻn chẳng mấy quan tâm đến đứa con. Nhiều hôm sau đi đâu, nhốt và bỏ đói con ở nhà. Hàng xóm thương tình cho ăn. Ông Kinh thấy vậy thở than. "Thật chúng chẳng biết quý người. Trộm của, bỏ người". Đứa bé ốm đau không được chạy chữa gì. Nó chết, mẹ nó định bó chiếu. Hàng xóm thương tình góp gỗ mảnh đóng cho nó chiếc quan tài vỏ. Vợ Vẻn còn lại một mình. Mụ rao bán đất nhưng người làng bảo đất ấy dữ, hại chủ nên có rẻ cũng chẳng ai dám mua. Mụ bỏ nhà chẳng thèm khóa mà nhà mụ đâu có gì để phải giữ. Có khi mụ biệt đi đến vài tháng mới thấy lai vãng vễ. Rồi nghe đâu mụ đau ốm, bị đòn chợ chết dúi ở đâu chẳng ai hay.
Ông Kinh cũng qua đời. Tính ông vốn cả nghĩ, lại cộng thêm sự lao lực để nuôi mấy đứa con ăn học, nên chẳng thọ được đến cái tuổi "xưa nay hiếm". Mấy đứa con ông ăn học thành tài ra thành phố lập nghiệp cả. Bà Kinh cũng ra ở với con.
Thế là cả khoảng đất ven đường lại ven sông ấy bỏ không.
*
* *
Suốt một thời gian dài không có người ở chăm chút, ba căn nhà vách đất tre rạ ấy, mái trũng xuống, tường đất lở, sân gạch đầy rêu và lá mun. Hàng rào khúc tần bị tơ hồng quấn lụi đi. Cây cối trong vườn tới mùa chỉ thưa thớt quả. Chỉ cỏ dại là tốt bời bời.
Người làng, ai đi ngang qua cũng tiếc mảnh đất vuông vắn, tiện đường xá lại bị bỏ hoang. Thi thoảng, nhân chuyện gì đó, người ta cũng nhắc đến những con người đã từng sống trên các mảnh vườn ấy.
Một hôm, có một thằng bé chừng hơn chục tuổi, vận bộ quần áo tuy sờn cũ nhưng sạch sẽ, khoác chiếc tay nải. Nó hỏi thăm vào làng Giải Oan. Nhưng khi nó hỏi đến nhà ông Tông thì người ta ngạc nhiên song cũng chỉ đường cho nó. Thằng bé đi vào vườn của hai nhà Tông, Tường. Đứng ở sân, nó cất tiếng gọi nhưng không có ai trả lời. Nó cứ tần ngần mãi không biết nên đi hay ở. Lúc nó quay ra thì đã thấy phía ngoài đường làng bên hàng rào khúc tần lố nhố người đứng. Họ chỉ trỏ và nói gì đó với nhau. Nó định hỏi họ nhưng không biết sẽ phải hỏi như thế nào. Chợt nó nghe thấy một người nói:
"Đúng là con của lão Tông với mụ hủi ngày nào". Một người khác tiếp theo: "Hôm qua cậu con trai ông Kinh từ Hà Nội về nói là hiến mảnh đất để xây nhà thờ họ". Nó không hiểu hết những lời họ nói nhưng nó nhìn thì thấy nét mặt ai cũng có vẻ hiền lành mà họ có phần còn biểu lộ vẻ vui mừng nữa. Trước khi chết, mẹ nó có dặn nó đôi điều, nó vẫn nhớ hết, nhưng cả mẹ nó và nó cũng không thể ngờ tới cảnh này.
Chợt nó nhìn thấy ngay phía dưới chân nó đứng, một mầm táo dại nhú lên. Bỏ mặc những tiếng người cười nói thêm phần ồn ào ngoài hàng rào, nó cúi xuống, đưa bàn tay khẽ chạm vào mầm táo dại bụ bẫm...
Hà Nội, tháng 11 - 1993
N.C.N
Làng Giải Oan nằm uốn mình theo thế cong của một con sông nhỏ. Đã như thế từ nghìn đời nay. Chỉ có điều là số người cứ ngày một đông thêm dù trải qua bao biến cố của lịch sử. Giờ đây, chiều dài của làng dễ hơn hai cây số. Từ xa nhìn về làng thấy dáng của một con rắn khổng lồ. Chẳng hiểu thế đất có ảnh hưởng đến tính cách con người hay không, song từ xưa đến nay, dân quanh vùng đều đồn nhau rằng người làng Giải Oan khôn ngoan, tinh ranh, nanh nọc như loài rắn.
ở khoảng giữa làng, kề với bờ sông có một khoảng đất vuông vức rất đẹp. Trên mảnh đất ấy xưa chỉ có hai gia đình sinh sống, đó là nhà ông Đồ Sinh và ông Bát. Tuy xấp xỉ tuổi nhau nhưng xét về họ hàng xa thì ông Đồ Sinh là vai chú. Ông Đồ Sinh đã vài lần lều chõng đi thi nhưng không đỗ, buồn đời mở lớp dạy học và nuôi dạy hai con, một trai, một gái. Còn ông Bát nhà có vài ba sào ruộng, quanh năm cấy cày, lúc nhàn rỗi thì hai vợ chồng đi làm thuê cho nhà khác trong làng. Thường là bà Đồ mướn hai vợ chồng ông Bát làm ruộng cho nhà mình. Tuy quan hệ chủ tớ nhưng được cái ông Bát nhanh nhẹn, khéo mồm và ông bà Đồ Sinh cũng dễ dãi nên chuyện công xá xuê xoa.
Vợ chồng ông Bát có hai người con trai, người anh cả là Tông khá xảo quyệt, ngược lại cậu em tên Tường lại ù lỳ, cục mịch, thêm tật nói ngọng. Vì nhà có hai con trai nên ông Bát luôn để tâm đến việc mở rộng thổ cư để sau này xẻ đôi cơ ngơi cho mỗi con một nửa. Những mùa sông cạn nước, ba cha con ông Bát hì hục lấy đất ở lòng sông cạp bờ lấn ra sông, đến nỗi sau mấy năm liền như vậy khúc sông ấy hẹp lại thắt eo bụng rắn. Chưa hết, thấy ông bà Đồ Sinh dễ dãi, ông Bát còn thủ tâm lấn sang đất nhà ông bà Đồ. Một đêm mưa rét, ông Bát trở dậy, lay Tông và thì thầm điều gì đấy vào tai nó. Hai cha con mở cửa ra ngoài, mang theo chiếc thuổng đào đất. Khi cả hai đứng bên cạnh chiếc mốc đá đánh dấu ranh giới giữa hai nhà mới tần ngần không biết nên làm thế nào. Tông thì thào: "Đào phéng nó lên, quẳng xuống sông cho mất tích rồi sau lấn hàng rào dần". Còn ông Bát lại bảo: "Mày ngu thế. Mất mốc thì ông bà Đồ biết ngay. Tốt nhất là dịch chuyển mốc". Cứ thế, hai cha con dùng dằng mãi mỗi người một ý, không ai chịu ai. Thế rồi vẳng lại từ phía xa trên đường làng có tiếng chân người bước, hai cha con ông Bát vội bỏ về nhà, quên mang theo chiếc thuổng.
Mờ sáng hôm sau, ông Bát dậy rất sớm, mò ra chỗ hòn mốc. Lạ thay, hòn mốc đá đã biến mất, chiếc thuổng của nhà ông vẫn cắm phập ở đấy. Hòn mốc không còn mà chỗ đất chân mốc lại không có dấu vết gì của sự đào bới. Sờ tay xuống chỗ đất đó ông Bát cảm thấy bình thường cứ như là chưa bao giờ có hòn mốc ở đó. Trở vội vào nhà, ông Bát gọi Tông dậy, lôi ra chỗ mốc chỉ cho xem. Tông cũng ngạc nhiên không kém gì cha. Chợt Tông ú ớ kêu lên. Nhìn theo tay chỉ của con, ông Bát thấy rõ ràng là hàng rào ranh giới như có sự chuyển dịch tự nhiên về phần đất của nhà ông Đồ Sinh. Hai cha con bàng hoàng cứ ngỡ như nằm mơ. Nhưng không, cả hai đều tỉnh, và rõ ràng đất nhà mình rộng hẳn, còn đất nhà ông Đồ Sinh hẹp lại. Hai cha con nửa mừng nửa lo kéo nhau về.
Mãi mấy ngày sau, bà Đồ Sinh mới phát hiện ra hòn mốc bị mất nhân một lần dọn hàng rào. Ai động vào đây, nếu không phải cha con nhà lão Bát? Không phải một mà nhiều lần, bà Đồ Sinh bắt gặp lão Bát lén ngắm cơ ngơi, vườn tược nhà bà một cách thèm thuồng. Nhưng chẳng lẽ lại hỏi thẳng lão ta à. Nghĩ hồi lâu, bà Đồ Sinh bèn bước vào sân nhà lão Bát vui vẻ hỏi:
- Này ông Bát, ông hỏi xem có phải thằng cu con nhà ông nó chơi nghịch đào mất hòn đá mốc hàng rào không? Nếu cháu nó chót nghịch vứt đâu thì bảo mang về mà chôn lại, kẻo để lâu hàng xóm láng giềng mất lòng nhau.
- Không đâu cụ ạ. Thằng cu Tường nhà cháu ù lì, vừa điếc vừa ngọng biết gì đâu mà chơi đùa như thế - Ông Bát vội phân bua.
Thấy vậy Tông hùa theo cha:
- Thưa cụ là đúng đấy ạ. Em cháu nó biết gì. Chắc là đứa nào đấy thôi... Hay là hai cụ bên ấy lại nghi cho nhà cháu lấn đất? Nếu vậy thì nhà cháu xin thề...
- Thằng cháu nó nói vậy, nhà cháu sinh băn khoăn. Chẳng lẽ hai cụ lại nghĩ là...
- Thôi thôi - Bà Đồ Sinh ngăn lại - Tôi có nói gì đâu, nghi gì đâu. Không phải thề bồi gì cả.
Thì ra ông Đồ Sinh đã đứng ở bên kia hàng rào nghe hết chuyện và đến lúc ấy ông thủng thẳng vọng sang:
- Đừng thề gì. Trời đất linh thiêng lắm. Lòng dạ ai thế nào trời đất biết cả. Thôi chuyện xem như chẳng có gì... Mà bà ạ - ông Đồ Sinh nói với vợ - Cần gì mốc. Người xưa nay dạy là "đất có thổ công, sông có hà bá" mà...
- Thưa hai cụ là nhà cháu mà có lòng tham định lấn đất của bên ấy thì trời chu đất diệt - Tông thề thống thiết.
Còn ông Bát thì cứ loanh quanh, miệng mấp máy mà không thành lời.
*
* *
Thời gian trôi qua, ông bà Đồ Sinh khuất bóng. Người con trai duy nhất là Kinh ra thành phố làm công chức, thỉnh thoảng về quê thắp hương, còn người con gái lấy chồng nhà giàu làng bên tháng đôi lần đảo qua quét tước, thăm nom vườn tược. Ông Bát cũng qua đời sau khi cưới được vợ cho Tông. Đất nhà chia làm đôi, vợ chồng Tông ở phía trong, bà Bát và cu Tường ở nhà cũ.
Vợ Tông không kém gì chồng về khoản mồm mép. Mụ thành đanh đỏ mỏ. Đến miệng lưỡi liến láu như Tông còn nhiều khi phải chịu. Họ có ba con, một trai đầu lòng và hai gái. Cu Tường lớn lộc ngộc nhưng vì điếc, ngọng nên gái làng chê. Mãi đến gần thời cải cách ruộng đất, một bà ở làng hay đi chợ búa đây đó dẫn về một cô gái lạ lưu lạc, gán cho. Thế là Tường có vợ. Vợ Tường xinh ra trò, kiểu cách lại có vẻ hoa nguyệt. Tường mừng còn hơn bắt được của, và đi đâu cũng lắp bắp khoe mình có vợ đẹp. Nhưng rồi mãi mà vợ Tường chẳng chửa đẻ gì. Trong khi đó, mụ thành đanh đỏ mỏ nhà Tông đẻ sòn sòn, vì thế mụ bắt đầu chê bai vợ Tường không biết đẻ. Đi đến đâu mụ cũng rêu rao rằng: "Ngữ ấy đẻ gì. Rồi có mà tiệt giống. Sau này đến phải nhờ thằng cu nhà này cúng hộ thôi". Rồi mụ bầy tỏ sự thèm muốn chiếm nốt phần đất cha mẹ chồng dành cho Tường. Nhưng rồi mụ lại không sống được để thực hiện ý đồ. Trong một lần bắt cua mò ốc, gặp trời mưa, mụ chui vào chiếc quán giữa đồng cùng với mấy người khác để trú mưa. Sét đánh xuống cây gạo trước cửa quán. Mụ ngồi ngoài cùng nên toác đầu chết ngay lập tức. Những người khác ở phía trong nên chỉ chết ngất đi, rồi sau tỉnh lại. Tông góa bụa, sống cảnh gà trống nuôi con. Người làng đồn Tông có tướng sát vợ nên tránh xa y. Mấy lần Tông nhờ mẹ đi hỏi đám này đám khác quá lứa nhưng hết thảy đều chối từ.
Vợ Tông chết thì vợ Tường lấy làm sung sướng, bởi không còn lo lắng gì nữa. Vốn mềm mỏng, khéo léo, vợ Tường chăm chút cho ba đứa trẻ mồ côi lúc tắt lửa tối đèn. Nhưng rồi anh em Tông, Tường bắt đầu hục hoặc với nhau. Tường cục mịch hay ghen. Vợ lại mỏng mày hay hạt, tính tình xởi lởi. Vì thế, cứ mỗi bận vợ tắm táp hoặc cho quà mấy đứa con của Tông là Tường lại nổi máu lầm bầm chửi vợ. Và hễ vợ cãi lại là Tường thượng cẳng chân hạ cẳng tay làm vợ thâm tím mặt mày. Thực ra Tường không ghét bỏ gì đứa cháu mà chẳng qua Tường không tin Tông, Tường đã nhiều lần nói với mọi người rằng mặt Tông trông gian lắm. Có một lần đứa bé út nhà Tông bị ốm, Tông loanh quanh chẳng biết làm gì, vợ Tường thương cháu lấy cỏ nhọ nồi đánh gió cho cháu. Nó dịu sốt nhưng hễ vợ Tường đặt nó xuống giường để ra về thì nó lại khóc thét lên. Mãi đến khuya vợ Tường mới lừa được nó để về nhà mình. Tường nổi điên cho là vợ bị Tông dụ dỗ để tằng tịu. Tường đánh vợ thất điên bát đảo, rồi lấy dao chặt phăng ngón tay út của mình và thề độc rằng: "Lần sau mà như thế này nữa thì tao chém cả mày lẫn thằng Tông". Vợ Tường nhìn ngón tay út của chồng văng ra thì rú lên chui vào gầm giường để trốn. Bà mẹ cuống cuồng xé vạt váy của mình để băng tay cho Tường. Tông ở nhà mình nghe thấy hết và biết là Tường nghi ngờ và đánh oan vợ song hắn cũng sợ sự hung bạo điên cuồng của Tường mà chẳng dám sang can. Thực ra, Tông cũng thích vợ Tường thật. Hắn thích từ lúc vợ hắn còn sống kia, nhưng vì sợ con vợ thành đanh đỏ mỏ nên đành chịu. Từ khi vợ chết, lại thấy vợ Tường hay đi lại chăm sóc mấy đứa con hắn thì hắn nuôi chí chiếm đoạt vợ Tường. Hắn biết vợ Tường hay tắm vào ban đêm lúc hạ oi nồng. Bể nước mưa nhà Tường lại ở ngay kề hàng rào khúc gần giáp với nhà hắn. Và thế là cứ đêm về, hắn nằm ru mấy đứa con ngủ và đôi tai chuột của hắn cứ dỏng lên. Hễ nghe thấy tiếng nước róc rách là hắn vùng dậy, rón rén đến sát tường rào, vạch lá khúc tần nhìn sang. Đêm sáng trăng hắn nhìn thấy da thịt vợ Tường nõn nà, hai bầu vú thây lẩy thì hắn thèm lắm. Đã có lần hắn định vạch rào chui sang nhưng lại sợ vợ Tường kêu lên, đành nuốt nước miếng chịu thèm. Lúc trở về giường ngủ, nhìn vào đâu hắn cũng chỉ thấy bóng hình vợ Tường nõn nà, khêu gợi. Hắn lèm bèm chửi thề: "Mẹ cha thằng Tường. Người nó như cục cứt mà sao lại vớ được con vợ ngon lành đến thế!".
Thèm muốn là thế nhưng sau lần này thì hắn tởn. Hắn kinh sợ thằng em ngu đần, điên khùng của mình. Song thâm tâm, hắn vẫn thèm muốn và nuôi ý định chiếm đoạt em dâu.
*
* *
Bao biến cố lịch sử dồn dập: hòa bình lập lại, giảm tô, cải cách, rồi lại chiến tranh... Những đứa con của Tông khôn lớn dần. Vợ chồng Tường vẫn chưa có con. Người làng đồn, lúc chưa lấy Tường, vợ Tường là gái hoa nguyệt nên mắc bệnh gì đó rồi mất khả năng sinh con. Ông Kinh, con trai cụ Đồ Sinh, đang làm công chức ở Hà Nội, bỗng nhiên mang vợ con về quê sinh sống. Ông Kinh nói rằng về quê lánh đạn bom, những người làng thóc mách lại nói rằng ngày trước ông Kinh dính gì đó với Tây nên bây giờ không được làm với nhà nước nữa. Bà con, họ hàng làng xóm người giúp cây tre, người giúp bó rạ, dựng căn nhà tường vách đất cho gia đình ông Kinh ở. Thật chẳng khác một vòng quay của sự chuyển dịch, ba gia đình lại sống bên nhau, nghèo khó, lầm lụi. Tuy vậy, ở với nhau một thời gian cũng sinh chuyện. Ông Kinh là người có học, nhường nhịn mọi người nên mọi chuyện cũng xuê xoa đi. Trong thâm tâm, ông Kinh ghét Tông bởi anh ta chỉ thơn thớt cái mồm nhưng tâm địa đen tối, ngược lại ông quý Tường vì anh ta cục mịch, chân chất và ngay thẳng. Nhưng không ngờ, từ sự quý mến đó lại vô tình dẫn đến cái chết thương tâm của Tường.
Chẳng là, gia đình ông Kinh nuôi một con chó cái đẻ giữa nhà. Con chó đẻ một bầy con. Tường sang chơi, thấy bầy chó con thì thích lắm. Tường thật thà bầy tỏ: "Con không có tiền, khi nào bầy chó ăn cơm no, ông có bán cho con xin con còi nhất đàn". Ông Kinh vui vẻ đồng ý. Vì là chó còi nên nuôi mãi không lớn. Tường mang đi bán và thêm tiền bán mấy cái giỏ để mua một con chó khác về nuôi. Không may, lúc tìm mua chó, Tường bị một con cắn vào tay. Tường cũng chẳng để ý gì. Mấy tháng sau, nhân đám ma một cụ già ở làng, Tường đi đưa đám trở về, chiều thấy người gây gây. Rồi Tường hung hãn dần lên, sợ nước, sợ gió, sợ lửa... Vợ Tường thấy thế sợ quá, tru tréo lên làm cả xóm đổ đến. Mọi người gặng mãi, Tường mới chịu nói là bị chó cắn hồi nào. Có người bảo lấy hạt đỗ xanh cho Tường ăn, nếu thấy ngon, thấy bùi thì đúng là điên. Tường dốc cả vốc đỗ xanh vào miệng nhai và nuốt ngon lành. Thôi thế là hết. Cả đêm ấy Tường lồng lộn. Cả làng không ai ngủ được. Sáng hôm sau, Tường mệt lử, ngồi rúm trong góc tối. Lại có người nói là lấy con dòi ở phân người sao vàng, sắc đặc cho uống may ra khỏi. Vợ Tường vì quá sợ nên ai bảo thế nào cũng nghe. Lúc đổ thuốc cho Tường, mọi người đều sợ Tường cắn. Nhưng rồi người ta cũng đè ngửa được Tường ra, cạng chiếc đũa cả ngang miệng để đổ thuốc. Tường cắn nát chiếc đũa, gẫy cả răng, máu me đầy mồm. Đến chiều thì Tường quá yếu, chỉ còn nằm thoi thóp, chốc chốc lại nấc người lên để thở như có ai chẹt cổ. Lúc gần chết, Tường tỉnh hẳn, gọi vợ lại gần. Vợ Tường thương chồng nhưng cũng sợ không dám vào gần. Tường quát: "Ông không cắn đâu mà sợ. Ông sắp chết đây!" Vợ Tường đến bên chồng. Tường nhìn vợ hồi lâu rồi mặt cau lại, nhăn nhúm: "Tao chết thì ở vậy mà giữ nhà, giữ đất. Mày mà lấy đứa nào thì tao về tao bóp cổ chết cả hai". Vợ Tường khóc: "Khốn nạn cái thân tôi, long đong cả đời mà chẳng ra người. Đến nước này thì tôi còn thiết gì mà lấy chồng nữa hả trời".
Anh yên tâm mà nhắm mắt. Cũng chẳng bao lâu nữa tôi theo xuống với anh, để anh tiếp tục đánh tôi như ở dương gian". Tường nhìn vợ hài lòng: "Tao sẽ không đánh nữa đâu".
Làng xóm vừa thương xót, vừa buồn cười cho cái tính ghen quá đáng nhưng đầy tình yêu thương của Tường với vợ. Tường chết, đám ma Tường rất đông. Thực ra, người ta cũng chẳng yêu quý gì Tường nhưng cái chết kinh thiên động địa của Tường đánh thức lòng nhân từ trong mỗi con người. Ông Kinh thì luôn cảm thấy mình có lỗi trong cái chết của Tường.
Vợ Tường từ bấy héo mòn và bệnh tật cô đơn. Chị ta mất sau chồng mấy năm, Tông lấy vợ cho thằng con trai đầu. Nhường cho vợ chồng nó ở nhà mình, hắn mang con ra ở nhà Tường, nói là nhang khói, giỗ tết cho vợ chồng Tường. Thằng Vẻn, con trai Tông có tính tắt mắt từ nhỏ, đến lúc nó lấy vợ thì cái tính ấy càng tăng lên và nó theo phường đạo chích. Xóm làng liên tục xảy ra các vụ trộm cắp và phần lớn nó là thủ phạm, hay nó dắt khách về trộm của người làng.
Bỗng một hôm Tông đi chợ phiên về dắt theo một người đàn bà ngoài ba mươi tuổi. Người này da dẻ hồng hào, mặt mũi khá đẹp, dáng người cao lớn, phốp pháp. Tông nói với làng xóm rằng người ấy là vợ mới của hắn. Nhưng chỉ mấy ngày sau khi người ta tấm tắc khen Tông lấy được vợ xinh đẹp thì người ta lại đồn ầm lên là cô vợ mới của hắn bị hủi. Để ý người ta thấy đầu các ngón chân của cô ta to tướng, sần sùi. Và thế là cô ta đi đến đâu, người làng cũng né tránh. Chẳng biết Tông có sợ bị lây hủi không nhưng hắn vẫn sống rất hòa thuận với vợ. Thằng Vẻn thì bô bô một cách công khai rằng cần phải đuổi cổ con hủi đi khỏi làng. Nó bị bố nó đe chém mới bớt mồm. Rồi cô vợ mới này to bụng. Người ta bảo: "Có đẻ ra thì cái giống ấy cũng hủi thôi". Nhưng bất chấp mọi lời nói xấu, thằng con trai do cô vợ mới của Tông sinh ra rất bụ bẫm, kháu khỉnh, Tông quý con lắm. Song một hôm Tông đi vắng về đến nhà thì cô vợ mới đã mang con đi đâu mất. Có người nói chắc là cô ta mang con tìm vào sống ở Trại hủi mãi tận miền Trung. Tông tức điên và lồng lộn như thú dữ đến hàng tuần, rồi hắn cũng dịu đi. Nhưng sau đó hắn không còn dẻo quẹo cái mồm nữa. Người làng kháo nhau rằng Tông quá đam mê cô vợ hủi khỏe mạnh nên bị ả ta bòn rút hết sinh lực, bởi hắn gầy rộc đến thành hom hem. Tông qua đời không kịp gả chồng cho hai con gái.
Vợ thằng Vẻn đẻ con trai. Mụ chẳng biết làm gì. Suốt ngày bế con tha thẩn nơi chợ búa, lúc miếng bánh đúc chấm tương, lúc cái bỏng bộp. Vẻn vẫn hành nghề đạo chích. Một lần hắn cùng gã bạn lẻn vào một nhà người ở làng bên không may cả hai thằng đều bị con chó của chủ nhà đớp cho. Thằng bạn bị vào mặt, còn Vẻn bị vào tay. Trộm cắp bị chó cắn xem như chuyện thường, nên chúng chẳng thèm để ý. Nhưng chỉ nửa tháng sau, gã bạn lên cơn điên dại mà chết. Lúc ấy Vẻn mới thấy sợ. Hắn không dám đến đưa đám gã bạn. Ngồi ru rú ở nhà, Vẻn biết rằng cũng sắp đến lượt hắn. Đêm về, hắn đã cảm thấy khang khác trong người, nhưng máu đạo chích vẫn cuồn cuộn chảy trong huyết mạch hắn và quyết làm một mẻ thật to cho thỏa chí trước khi chết, cũng là tích góp thêm ít của để nuôi mụ vợ đoảng và thằng con thơ dại của hắn. Lúc hắn ôm bọc đồ trèo lên tường chuồn ra ngoài thì không hiểu vì sao hắn bị ngã xuống. Chủ nhà thấy động, hò nhau dậy bắt trộm. Khi đèn đuốc soi rõ vào mặt hắn thì người ta thấy mắt hắn trợn lên, mồm đầy dãi và hắn co rúm người lại, tru lên như chó bị đường cùng, răng nhe ra chực cắn. Người ta trói hắn mang nhốt vào kho của hợp tác xã để hôm sau nộp công an. Nhưng rồi thấy hắn lên cơn như người bị chó dại cắn, người ta sợ quá buộc chặt hắn lại đưa về nhà hắn. Thấy vậy, mụ vợ hắn tru tréo ầm ĩ vu là họ đánh chết chồng mụ. Hắn điềm nhiên bảo: "Không. Họ không đánh tao. Tao bị điên đấy. Chó dại cắn tao. Tao sắp chết. Tất cả chúng mày xéo ngay ra ngoài kẻo tao lên cơn cắn chết hết". Và sau đó, hắn chết thảm thương. Nhìn cảnh hắn chết, cả làng xóm, trước đây ghét hắn vì hắn trộm cắp chẳng từ ai, nay bỏ qua hết. Người ta tha thứ nhưng không biết khi hắn từ giã cõi đời có thanh thản hay không?
Chồng chết, mụ Vẻn không người chu cấp. Mụ chẳng biết làm gì. Mụ đói, con mụ đói và mụ bắt đầu trộm cắp. Hai đứa em gái Vẻn chẳng ma nào ngó ngàng tuy chúng không đến nỗi xấu xí, song quanh vùng biết cảnh nhà nên người ta tránh. Chúng bàn nhau bỏ nhà lên mạn ngược sinh sống và nghe đâu lấy được chồng, rồi lập nghiệp luôn ở đó. Mụ vợ Vẻn chẳng mấy quan tâm đến đứa con. Nhiều hôm sau đi đâu, nhốt và bỏ đói con ở nhà. Hàng xóm thương tình cho ăn. Ông Kinh thấy vậy thở than. "Thật chúng chẳng biết quý người. Trộm của, bỏ người". Đứa bé ốm đau không được chạy chữa gì. Nó chết, mẹ nó định bó chiếu. Hàng xóm thương tình góp gỗ mảnh đóng cho nó chiếc quan tài vỏ. Vợ Vẻn còn lại một mình. Mụ rao bán đất nhưng người làng bảo đất ấy dữ, hại chủ nên có rẻ cũng chẳng ai dám mua. Mụ bỏ nhà chẳng thèm khóa mà nhà mụ đâu có gì để phải giữ. Có khi mụ biệt đi đến vài tháng mới thấy lai vãng vễ. Rồi nghe đâu mụ đau ốm, bị đòn chợ chết dúi ở đâu chẳng ai hay.
Ông Kinh cũng qua đời. Tính ông vốn cả nghĩ, lại cộng thêm sự lao lực để nuôi mấy đứa con ăn học, nên chẳng thọ được đến cái tuổi "xưa nay hiếm". Mấy đứa con ông ăn học thành tài ra thành phố lập nghiệp cả. Bà Kinh cũng ra ở với con.
Thế là cả khoảng đất ven đường lại ven sông ấy bỏ không.
*
* *
Suốt một thời gian dài không có người ở chăm chút, ba căn nhà vách đất tre rạ ấy, mái trũng xuống, tường đất lở, sân gạch đầy rêu và lá mun. Hàng rào khúc tần bị tơ hồng quấn lụi đi. Cây cối trong vườn tới mùa chỉ thưa thớt quả. Chỉ cỏ dại là tốt bời bời.
Người làng, ai đi ngang qua cũng tiếc mảnh đất vuông vắn, tiện đường xá lại bị bỏ hoang. Thi thoảng, nhân chuyện gì đó, người ta cũng nhắc đến những con người đã từng sống trên các mảnh vườn ấy.
Một hôm, có một thằng bé chừng hơn chục tuổi, vận bộ quần áo tuy sờn cũ nhưng sạch sẽ, khoác chiếc tay nải. Nó hỏi thăm vào làng Giải Oan. Nhưng khi nó hỏi đến nhà ông Tông thì người ta ngạc nhiên song cũng chỉ đường cho nó. Thằng bé đi vào vườn của hai nhà Tông, Tường. Đứng ở sân, nó cất tiếng gọi nhưng không có ai trả lời. Nó cứ tần ngần mãi không biết nên đi hay ở. Lúc nó quay ra thì đã thấy phía ngoài đường làng bên hàng rào khúc tần lố nhố người đứng. Họ chỉ trỏ và nói gì đó với nhau. Nó định hỏi họ nhưng không biết sẽ phải hỏi như thế nào. Chợt nó nghe thấy một người nói:
"Đúng là con của lão Tông với mụ hủi ngày nào". Một người khác tiếp theo: "Hôm qua cậu con trai ông Kinh từ Hà Nội về nói là hiến mảnh đất để xây nhà thờ họ". Nó không hiểu hết những lời họ nói nhưng nó nhìn thì thấy nét mặt ai cũng có vẻ hiền lành mà họ có phần còn biểu lộ vẻ vui mừng nữa. Trước khi chết, mẹ nó có dặn nó đôi điều, nó vẫn nhớ hết, nhưng cả mẹ nó và nó cũng không thể ngờ tới cảnh này.
Chợt nó nhìn thấy ngay phía dưới chân nó đứng, một mầm táo dại nhú lên. Bỏ mặc những tiếng người cười nói thêm phần ồn ào ngoài hàng rào, nó cúi xuống, đưa bàn tay khẽ chạm vào mầm táo dại bụ bẫm...
Hà Nội, tháng 11 - 1993
N.C.N