THỜI ĐẠI TIÊN TẦN
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi
XÃ HỘI THỜI XUÂN THU, CHIẾN QUỐC
Đã phát qua những nét chính trong lịch sử và phân chia các thời đại rồi, bây giờ chúng ta xét lịch trình tiến triển của triết học Trung Quốc.
Chúng ta trở về thời Xuân Thu và Chiến Quốc.
Ai cũng nhận rằng triết học Trung Quốc sinh mạnh mẽ ở thời này vì tình trạng xã hội loạn lạc, triết gia nào có tâm huyết cũng tìm cách cứu vớt dân, nên đưa ra giải pháp này, giải pháp khác, lập thành một học thuyết để truyền bá trong dân chúng và mong các nhà cầm quyền đem ra áp dụng. Cảnh hỗn loạn, mất kỷ cương thời đó đã được chép trong sử. Người ta tính ra có tới 36 vụ giết vua, còn những vụ con giết cha, anh em, vợ chồng sát hại lẫn nhau không biết bao nhiêu mà kể.
Không có năm nào không có chiến tranh. Theo Xuân Thu (Lỗ sử) trong 242 năm có 483 lần hành quân. Kinh Thi còn ghi lại cho ta những lời thở than của dân chúng vì nạn chiến tranh bất tận đó. Mọi người điêu đứng, nhất là bọn chinh phu, thậm chí tới cây cũng phải khô xám vì bị tàn phá:
----- Hà thảo bất huyền? Hà nhân bất căng?
----- Ai ngã chinh phu, độc vi phỉ dân? [1]
----------------------------------- Thiên TIỂU NHÃ
Người ta ngao ngán, tiếc rằng đã lỡ sinh ra đời:
----- Thiều chi hoa, kỳ diệp thanh thanh,
----- Tri ngã như thử, bất như vô sinh. [2]
----------------------------------- Thiên VƯƠNG PHONG
Khổ vì chiến tranh, dân đen lại khổ vì đàn áp, bốc lột của bọn cầm quyền; bọn này dùng uy quyền chiếm đất và chiếm cả người nữa:
----- Nhân hữu thổ điền, nhữ phản hữu chi.
----- Nhân hữu nhân dân, nhữ phúc đoạt chi .[3]
----------------------------------- Thiên ĐẠI NHÃ
Bọn họ không cày không cấy mà vẫn có lúa đầy vựa, không săn bắn mà vẫn chồn treo đầy sân:
----- Bất giá bất sắc, hồ thủ tam bách triền [4] hề?
----- Bất thú bất liệp, hồ chiêm nhĩ đình hữu huyền hoàn hề .[5]
----------------------------------- Thiên QUỐC PHONG
Bọn ăn không (tố san) đó, dân chúng rất oán, nhưng không dám nói thẳng ra, mà ví với những con chuột lớn, gặm lúa của họ:
----- Thạc thử, thạc thử, vô thực ngã thử,
----- Tam tuế quán nhữ, mạc ngã khẳng cố .[6]
----------------------------------- Thiên QUỐC PHONG
Nhưng chẳng phải chỉ có lê dân mới khổ, bọn quí phái trong thời loạn có khi còn chịu nhiều nỗi cay đắng hơn nữa. Thiên Bội phong tả cảnh bọn chư hầu vong quốc:
----- Toả hề vĩ hề, lưu li chi tử. [7]
(Nhỏ mọn hèn mạt thay, cái thân của những kẻ trôi dạt xứ người).
----- Niệm ngã độc hề, ưu tâm ân ân .[8]
----------------------------------- Thiên TIỂU NGÃ
(Nghĩ cảnh cô đơn của ta, lo lắng ngùi ngùi).
Càng về cuối đời Chiến Quốc, tình cảnh càng bi đát: nước Vệ bắt lính tới 1 phần 5 dân số, nước Tấn bắt ông già 73 tuổi ra tòng quân, nước Tề thu thuế của dân tới 2 phần 3 hoa lợi, ruộng đất bỏ hoang, có kẻ đói quá, phải đổi con cho nhau mà ăn thịt (dịch tử nhi thực )!
Tuy nhiên, nếu chỉ xét cảnh loạn lạc thời đó thì chưa đủ giải thích được sự bột phá của triết học Trung Hoa được; đời sau cũng có những thời loạn kéo dài hằng trăm năm, chẳng hạn thời Tam quốc, thời Lục triều, cuối đời Tống… mà không lưu lại được một cuộc cách mạng nào lớn lao trong triết học. Nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là sự biến chuyển trong tương quan xã hội với những biến chuyển về các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa…
Cái thế ở đầu đời Chu (trong nước có cả ngàn chư hầu) chỉ vững được khi nhà Chu còn mạnh. Lúc nhà Chu đã yếu [9] , sợ các rợ ở phương Tây mà dời đô qua phương Đông thì các chư hầu không kính nể thiên tử nữa, tất tranh giành nhau mà gây loạn, có nước mạnh lên, có nước suy đi. Thế là có một bọn quý tộc mất địa vị. Muốn phục hồi địa vị, họ phải dùng những người tài giỏi về chính trị hoặc quân sự, kinh tế, trong mọi giai cấp, nghĩa là trong gia cấp bình dân. Nhờ vậy mà bọn này thoát ly được địa vị nô lệ và lên địa vị sĩ phu. Đời Xuân Thu, ta thấy có Ninh Thích chăn trâu mà làm quan, Bách Lý Hề vốn là nô lệ mà được cử làm quan nước Tấn; còn hạng quý tộc như họ Nguyên, Hồ, Khánh, Bá… bị giáng làm nô lệ (Tả truyện ); Khổng Tử vốn là dòng dõi quý tộc ở Tống mà nghèo, phải làm một chức lại coi kho lúa.
Lại thêm kinh tế mở mang cũng là một nguyên nhân thúc đẩy sự biến chuyển về chính trị nữa.
Dân số tăng lên (tổng số nhân khẩu thất quốc đời Đông Chu đã tới khoảng 20 triệu), chế độ điền địa hồi trước không còn hợp thời, nông dân cực khổ quá, ta thán, oán trách bọn chủ nhân (bất giá bất sắc, hồ thủ tam bách triền hề ), thầm mong bãi bỏ chế độ “thực ấp”; và Thương Ưởng hiểu rõ xu thế tự nhiên của thời đại, cho dân chúng tự do khai khẩn. Phương pháp canh tác lại tiến bộ: người ta đã biết dùng bò kéo cày mà cày được sâu hơn, biết bón phân, làm hai mùa, đào kinh dẫn nước và tháo nước. Sự khẩn hoang do đó phát triển mạnh và hàng vạn người thành phú nông. Bọn này muốn khuếch trương công việc thuỷ lợi, như vậy cần thống nhất đất đai, nhất là thống nhất các nước nhỏ cùng trên một dòng sông.
Về phương diện thương mại cũng có những hiện tượng mới: những nơi như Hàm Dương ở Tần, Lâm Tri ở Tề, Hàm Đan ở Triệu, Đại Lương ở Nguỵ đều là những thành phố phát đạt về thương mại, dân chúng các nơi di cư lại, thành một hạng thị dân. Bọn phú thương rất có thế lực, mua quan bán tước được và bắt đầu tham gia chính trị, muốn phá bỏ những biên giới giữa các nước chư hầu, để cho sự giao thông và thương mại khỏi bị trở ngại.
Sử còn chép những thương gia danh tiếng như Phạm Lãi, Đoan Mộc Tứ (Tử Cống), Lã Bất Vi. Cuối thời Chiến Quốc đã có tiền vàng tiền bạc, dân chúng đã ham buôn bán nên có câu: “Tòng bần cầu phú, nông bất như công, công bất như thương ”, đa số Pháp gia theo trào lưu, không ức thương như Nho gia nữa. Trung Quốc lúc đó đã chuyển từ văn minh phù sa qua văn minh thương mại.
Về văn hóa thì từ trước, hạng quý tộc vừa trị dân, vừa dạy dân (quân sư bất phân, chính giáo hợp nhất ), vì chỉ có họ mới được học; nhưng khi họ sa sút mà thành bình dân thì trong giới bình dân bắt đầu có người học rộng. Khổng Tử là hạng người đó; ông mở rộng phong trào tư nhân dạy học, bất kỳ giới nào xin vào học, ông cũng nhận, và ông có công lớn trong sự khai hoá quần chúng. Đời sau, Mặc Tử, một triết gia trong giai cấp bình dân, tiếp tục công việc đó mà sự giảng học phát triển rất mạnh. Sách vở không còn là những bảo vật chỉ riêng bọn quí tộc mới có. Thiên Quí nghĩa trong Mặc Tử chép rằng: “Mặc Tử đi về phương Nam , chở theo rất nhiều sách” (Mặc Tử nam du, tái thư thậm đa ).
Sau cùng, tâm lý chung của con người, khi dân nước nhỏ mà chịu nhiều gánh nặng thì chỉ mong làm dân một nước thống nhất hoặc một nước lớn.
Tóm lại về phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thời Xuân Thu, Chiến Quốc là thời biến chuyển lớn, thế tất phải đi tới sự thống nhất, nên phong trào lập thuyết để cứu thế mới phát triển bồng bột như dưới đây ta sẽ thấy .
Chú thích:
[1] 何草不玄? 何人不矜? 哀我征夫,獨爲匪民.
[Vvn dịch nghĩa:
“Cây cỏ nào mà không sạm đen đỏ?
Người nào chẳng không (góa) vợ?
Thương thay cho phận (chúng) ta làm kẻ chinh phu!
Riêng mình chẳng là người sao?”
Theo bác Vvn thì: “Chữ 矜 : Thiều Chửu phiên âm căng , Khang-y phiên thiết cận , Chu Hy phiên âm quan giải thích là người không có vợ . Tuy nhiên chữ 鰥 quan này mới là người không có vợ”. (Goldfish)].
[2] 苕之華, 其葉青青, 知我如此, 不如無生.
[Có người dịch là: “Cây thiều lá trổ xanh xanh, Biết thân ta thế đừng sanh ra đời”. http://www.vietnamsingle.com . (Goldfish)]
[3] 人有土田, 女反有之, 人有民人, 女覆奪之.
[Vvn dịch nghĩa:
“Người ta có ruộng đất,
Thì vua trái lại giành lấy.
Người ta có nhân dân,
Thì vua trái lại giựt lấy”. (Goldfish).
[4] Trong sách in là chiền (ĐCVHSTQ cũng in là chiền ). Tôi tạm sửa lại là triền theo phiên âm chữ 廛 của Thiều Chửu. (Goldfish).
[5] 不稼不穡,胡取三百廛兮? 不狩不猎,胡瞻爾庭有懸貆兮?
[Nguyễn Hiến Lê dịch:
“Kẻ kia chẳng cấy chẳng cày,
Lúa đâu chứa vựa được đầy ba trăm?
Kẻ kia chẳng bắn chẳng săn,
Sao treo lủng lẳng trong sân muôn chồn?”.
Theo ĐCVHSTQ, tr.76-77. (Goldfish)]
[6] 碩鼠, 碩鼠, 無食我黍, 三歲貫女, 莫我肯顧.
[Vvn dịch nghĩa:
“Con chuột to! Con chuột to!
Chớ ăn lúa của ta.
Ba năm ta đã biết cái thói của mày.
(Mày) chẳng biết đoái nghĩ ta có bằng lòng không”. (Goldfish)]
[7] 瑣兮尾兮,流離之子
[8] 念我獨兮, 憂心殷殷
[9] Chu nghèo lần vì phong đất cho các vương hầu, công khanh… còn lại rất ít đất nên chỉ trông vào sự cống hiến của các chư hầu, mà chư hầu thì như nước Lỗ, trong 242 chỉ triều cống có ba lần. Một phần vì thấy vậy mà Tần sau này bỏ chế độ phong kiến.