Chương VIII
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
Một dãy giồng.
Một điền lớn. – Gò Đa.
Hồng Ngự và Tân Châu.
Trên sông Cửu Long – Cảnh lụt.
Doi lửa. – Chợ Mới – Bàm Nao.
Đốc Binh Vàng. – Chưởng binh Lễ.
Chợ Thủ. – Tản Đà và mắm Long Xuyên.
Thoại Ngọc Gầu. – Cù lao Giêng.
Tiếng nói sông Cửu Long
Cánh đồng đỏ rực. Không ai bảo ai, mới chui ở mùng, nóp ra, chúng tôi đều vươn vai, hít đầy phổi không khí của ba mai và ngắm mặt trời đương ló lên khỏi ngọn cỏ.
Thầy Quang hỏi tôi:
- Món rắn hổ có công hiệu không, ông? Tối ngủ ngon quá. Mát rượi trong mình, mặc dầu là uống nhiều như vậy.
Tôi mỉn cười:
- Thầy khéo tưởng tượng. Chẳng cần ăn thịt rắn hổ, chỉ ngọn gió này cũng đủ mát lạnh rồi.
- Tôi thấy địa lí miền này lạ lắm. Cù lao Tây và cù lao Giêng , cân đối với những cù lao ở phía Nam Cao Lãnh. Nhưng lạ nhất là dãy giồng từ Gãy lên tới Cái Cái thành như một bình phong cho miền Đốc Vàng , tức miền trông ra giữa hai cù lao Tây và Giêng.
- Hồi cánh đồng này còn là biển, chắc dãy giồng đó là những mõm đá. Thầy có thấy đá trên những giồng này không?
- Tôi chưa thấy. Nếu có chắc phải đào sâu mới gặp.
- Bây giờ mới sáu giờ. Chúng ta điểm tâm xong rồi đi coi mấy ngọn giồng ở chung quanh đây. Nội chiều nay tôi phải tới Hồng Ngự, tàu đợi tôi ở đó.
- Vậy ông không ăn cơm trưa với chúng tôi? Chúng tôi định hôm nay đãi ông thịt rùa và cá trui , uổng quá!
Anh Bình hỏi:
- Cá trui là cá gì?
- Trui là nướng sơ. Lấy que tre nhọn xuyên qua mình một con cá từ đầu xuống tới đuôi, trét bùn đầy mình con cá rồi cấm que tre xuống đất, lấy rơm hoặc cỏ khô đắp lên đốt, khi nào lớp bùn khô nứt ra, là cá chín. Bóc lớp da và vẩy bỏ đi rồi ăn ngay thịt cá khi còn nóng. Món ăn ấy cũng đáng gọi là một giai vị.
Làm công việc xong cho sở thì chín giờ. Hai anh em tôi và hai người phu vội vã tiến về phía Gò Đa . Đường dễ đi vì có chỗ đã thành ruộng. Chúng tôi thường phải lội qua những con kinh nhỏ cạn rộng một, hai thước của các chủ điền để “lòi” (1 ) lúa ra rạch.
Nhiều con kinh con kinh đó không phải đào. Trước khi nước rút gần cạn, người ta cho một đàn trâu lội đi trước, và đẩy vài chiếc tam bản theo sau; bùn còn ướt, vẹt ra hai bên, thành một lòng kinh nông. Liên tiếp vài mùa như vậy là thành kinh.
Khi gần tới Gò Đa, chúng tôi qua một trại rất lớn có máy cày. Chủ điền vui vẻ tiếp đãi, giữ chúng tôi lại ăn cơm. Chỉ trong một giờ là trên bàn đã có sáu bảy món ăn, rượu quí, trái cây và bánh ngọt rất nhiều. Dĩa chén toàn đồ Limoges ; li bằng pha lê.
Chủ nhân có sáu trăm mẫu đất, phàn nàn đã lỡ mua non một vạn đồng bạc máy cày mà dùng được vài tháng thì phải bỏ vì không khí ẩm thấp, thợ chuyên môn không có, máy mau hư và mỗi lần hư phải gỡ từng bộ phận đem qua Châu Đốc, có khi xuống tận Cần Thơ để sửa; tốn công, tốn tiền lắm.
Ăn xong, chúng tôi phải từ biệt ngay chủ nhân để đi Gò Đa.
Khi ra khỏi trại, tôi bảo anh Bình:
- Chủ điền trong này là những ông vua nhỏ! Chánh tham biện vào nhà họ, thấy những thứ rượu của họ mà thèm. Họ mua từng thùng để đãi khách quí. Cha kiếm dễ thì con phải phá: trước hồi kinh tế khủng hoảng, các công tử Bạc Liêu (miền này hồi đó mới phát, lúa chất cao như núi, tiền nhiều như ốc), muốn khoe giàu với gái điếm, lấy giấy xăng (2 ) quấn thuốc hút chơi! Quả thật họ liệng tiền qua cửa sổ.
Tới Gò Đa, chúng tôi ngừng độ nửa giờ để coi một trụ đá và xem xét địa thế. Gò nầy có vài nóc nhà lá, chung quanh trồng bắp. Từ Gò Đa ra tới Hồng Ngự, đất đã thành ruộng, đường dễ đi.
Đền Hồng Ngự thì vừa sẩm tối. Nhìn thấy chiếc tàu của sở đậu ở trước quận, chúng tôi mừng lắm, đi vội tới. Tắm rửa xong, ăn qua loa rồi lăn ra ngủ. Tính ra trong hai ngày, chúng tôi đã lội trên bốn chục cây số trong Đồng Tháp.
*
* *
Sáng hôm sau, mặt trời đã lên cao, chúng tôi mới thức vậy, ra đứng ở mũi tàu nhìn ra chợ Hồng Ngự.
Anh Bình khen cảnh:
- Đẹp quá anh nhỉ.
Thực là một bức tranh linh động và đủ màu: khăn choàng vàng đỏ phất phơ trên đường; ghe sơn xanh hoặc lam rập rình dưới bến; dứa ngả mình soi gương trên làn nước trong veo, nước dưng lên vờn tàu lá mềm mại láng mướt. Những chiếc tam bản hai chèo nhẹ như chiếc lá, lướt trên mặt nước loang loáng ánh hồng, lượn một đường cong cong và từ từ ghé bến, êm như vuốt ve. Cử động của thiếu nữ chèo tam bản nhịp nhàng, uyển chuyển làm sao! Hai tay đưa ra trước, chân đá nhẹ ra sau, thân mình nghiêng nghiêng, áo quần phất phất. Tôi tiếc đã chụp hết hai cuốn phim trong đồng, rủ anh Bình lên chợ mua cuốn khác.
Anh ấy nói:
- Mua hai cuộn nữa đi. À, còn cái món nhật báo nữa. Bốn ngày nay thiếu nó, thấy nhớ nhớ. Thôi, vào điểm tâm rồi lên bờ.
Quận Hồng Ngự nhỏ, không có sở Bưu điện, nhà cửa phần nhiều là vách ván, nhưng ghe xuồng trên sông, rạch cũng khá đông vì đây là vàm hai ngọn rạch lớn: rạch Sở Thượng và rạch Sở Hạ . Hai rạch đó đem nước sông Cửu Long vào Đồng Tháp ngay từ đầu mùa nước lớn.
Tại Hồng Ngự mỗi ngày có hai chuyến ca nô đi Tân Châu. Quận Tân Châu buôn bán phồn thịnh. Thổ sản có nhãn, bắp và tơ để dệt thứ hàng gọi là hàng Tân Châu . Chỉ cách một con sông mà đất bên Tân Châu rất phì nhiêu còn bên Hồng Ngự thì trung bình. Từ Tân Châu, xe hơi, xe ngựa đi Châu Đốc suốt ngày.
*
* *
Tôi làm công việc ở rạch Sở Thượng tới quá trưa mới về. Anh Bình mua được một cuộn phim nhưng nghi là không dùng được vì cũ quá và hai số báo Tin Điển . Báo từ Sài Gòn tới đây mất hai ngày.
Chúng tôi nghỉ trưa trong khi tàu xuôi dòng Tiền Giang về phía Đốc Vàng.
Lúc tỉnh dậy, nhìn qua cửa sổ ra dòng nước mênh mông và làng mạc xa xa trong bờ, tôi ngâm mấy câu thơ của Huy Cận:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, chiều lên sầu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng?
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng [1 ]
Trôi trong rạch nhỏ, nhất là tại những miền vườn tược tươi tốt, ta được ngắm nhiều cảnh xinh đẹp và thay đổi, ta thấy lòng rào rạt yêu đời, muốn giúp đời cho đâu đâu cũng nghe văng vẳng tiếng ca, tiếng hò, tiếng dệt cửi, xay lúa, tiếng trẻ em đánh vần, tiếng thiếu phụ ru con.
Còn đi trên sông lớn như sông Cửu Long, lại có một thú riêng. Trời nước bao la, tâm hồn sảng khoái, ta cảm thấy sự bé nhỏ của thân mình, sự ngắn ngủi của kiếp người và ta dễ có những tư tưởng phóng dật, siêu thoát.
Anh Bình vỗ vai tôi, hỏi:
- Này anh, ở Hồng Ngự tôi để ý xét, thì sông này không có đê, anh.
- Đúng. Hồi chưa vô đây, tôi cũng tưởng nó có đê; mới biết môn địa lí mình học ở nhà trường thật vô dụng.
Tôi cứ tưởng tượng sông Cửu Long y như sông Nhị chảy qua làng tôi vậy: cũng những bãi cát vàng mênh mông trồng kê (3 ) hoặc ngô, rồi những con đê cao như bức thành vạn lí, trên đê lại có những cây gạo đỏ ối những bông và ríu rít tiếng chim nữa chứ! Tới đây mới rõ là mình tưởng tượng sai và chưa biết chút gì về sông Cửu Long cả, mặc dầu đã học cả mấy trang địa lí về nó.
- Sông không có đê nhưng ở Hồng Ngự tôi thấy đất ở gần bờ cao hơn trong đồng. Chắc tại người ta đắp.
- Cũng do phù sa bồi nữa. Nước lụt gặp nhà cửa vườn tược thì chảy chậm lại và phù sa lóng xuống.
- Sông chỗ này rộng tới ngàn thước nhỉ?
- Có chỗ rộng tới hai cây số như phía đưới Chợ Thủ mà chiều nay chúng ta sẽ tới. Chỗ ấy rộng hơn ngã ba Bạch Hạc ở Việt Trì và trong cơn dông, sóng lớn như ở biển, ghe lớn cũng không dám qua.
- Giữa mùa lụt, cả miền này thành biển?
- Phải, từ Mộc Hoá tới vịnh Xiêm La, từ phía trên Châu Đốc tới Cần Thơ ruộng nương đường xá chỗ nào cũng ngập. Năm 1937 nước lên rất cao, những châu thành Châu Đốc, Long Xuyên không khác chi thành Venise. Người ta bơi xuồng đi trên những đại lộ. Còn ở nhà quê thì nhiều nhà nước lên tới gần nóc.
Vì nước lên từ từ, ngày nào cũng nhiều nhất là 25-30 phân nên tuy lụt lâu (hàng tháng) mà tai nạn ít, đồ đạt hao không bao nhiêu, không như những trận lụt chớp nhoáng ở Trung Việt, nước lên trong một ngày hàng mấy thước, người chết, của trôi rồi chỉ trong một hai hôm lại rút hết. Tuy nhiên, lụt lớn mùa màng ở đây cũng hại đến 50 phần 100 và có lần bà Thuỷ đã bắt trọn một đám cưới. Từ Hồng Ngự họ đưa dâu về một làng ở phía dưới, trong Đồng Tháp. Muốn tránh những con rạch ngoằn ngoèo, người ta băng ra đồng, không ngờ gặp cơn dông, sóng đồng nổi lên cao ngất, dìm hết một đoàn ghe, không một người sống sót.
Tới mùa lụt cảnh đẹp lắm. Nhà sàn sơn xanh đỏ chiếu xuống dòng nước lờ đờ, ghe xuồng đi lại tấp nập, cá lội ngay dưới cửa sổ nhiều vô cùng, không một thước vuông nào không có hàng chục con; đây một em nhỏ cầm cây đinh ba chăm chú nhìn dòng nước đợi cá qua là đâm; kia một ông lão thả câu trên chiếc cầu cong cong, dưới gốc dừa, cánh đồng lúa xanh mơn mởn điểm những bông súng trắng, hoặc phơn phớt tím, còn trước nhà, sau nhà điên điển (4 ) rủ những bức mành xanh điểm vàng, lơ thơ như liễu.
- Tôi nhớ sông Cửu Long dài trên 4000 cây số?
- Phải. Nó được sắp vào hàng những con sông lớn nhất thế giới. Mùa nắng, trong mỗi giây nó chảy 6000 thước khối nước; mùa mưa số đó tăng gắp đôi và trong mỗi thước khối có nửa kí lô phù sa. Vậy đã trong mấy ngàn thế kỉ rồi, mỗi giây nó chở từ cao nguyên Trung Hoa, Miến Điện và Lào xuống đây ít nhất 3 tạ đất phù sa, ngày đêm không nghỉ. Cả xứ Cao Miên là công phu của nó, cả xứ Nam Việt cũng là công phu của nó. Từng thước, từng thước một, nó lấp biển Nam để mở mang thêm bờ cõi chúng ta cho tới thời gian vô cùng.
Gần tới địa phận Nam Việt nó chia làm hai nhánh: Tiền Giang tức con sông này và Hậu Giang tức con sông chảy qua các châu thành Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ. Mặc dù có hai nhánh mà tới mùa mưa, nước lũ đổ xuống nhiều quá tới nỗi có khi nước ở Long Xuyên dưng lên một ngày hai, ba tấc. Nếu không có biển hồ ở Cao Miên và Đồng Tháp ở Nam Việt làm hai cái hồ chứa mênh mông thì lưu lượng (débit) của nó còn thất thường hơn nữa. Hai hồ chứa ấy có công dụng này: khi nước sông lên, nước tràn vào hồ, nên nước lên bớt mau, trái lại khi nước xuống, nước trong hồ chảy ra sông nên nước xuống cũng bớt gắp. Nhờ vậy mà Cao Miên và Nam Việt tuy năm nào cũng bị lụt mà không bị tai hại mấy, trừ những năm nước rất lớn như năm 1937.
Chú thích:
(1) Ruộng ở trong xa, lúa chở xuống tam bản hoặc xuồng rồi chống đi ra ngoài rạch lớn: như vậy là lòi lúa.
(2) Giấy bạc trăm đồng (Cent piaste).
(3) Một loại ngũ cốc, hột nhỏ, vàng, để làm bánh hoặc cho chim ăn.
(4) Loại cây nhỏ, làm củi, bông ăn được.
Chú thích của Goldfish:
[1] Mấy câu này trong bài Tràng Giang.
Nước xuôi gió thuận, tàu rẽ sóng, vùn vụt tiến ở giữa dòng nước bạc. Những khóm xanh tre làng An Phong từ từ trôi với những cánh cò trắng.
Gần chiều, tàu chạy ngang qua Doi Lửa , tức đầu cồn phía Nam của cù lao Tây. Tương truyền dưới triều Gia Long và Minh Mạng, tại đây có một đồn canh, mỗi khi giặc Miên hoặc Xiêm tới thì đốt lửa lên báo cho những đồn phía dưới.
Doi Lửa ở dưới Chợ Mới, một quận khá lớn có cơ sở nuôi tằm và trường dạy dệt, và có đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tức Chưởng binh Lễ, vị khai quốc công thần đời Nguyễn, có công rất lớn với miền Nam.
Tại Chợ Mới đi lên một chút là tới Vàm Nao . Nước chỗ này chảy rất mạnh (khoảng 7-8 cây số một giờ), xoáy cuộn làm lở bờ và lòng sông mỗi năm một rộng cho nên Nhất thống chí gọi là Hồi Oa [1 ] . Theo lời các cụ già thì hồi Thoại Ngọc Hầu đào kinh Vĩnh Tế và kinh Rạch Giá (đời Minh Mạng), Vàm Nao chỉ là một lạch nhỏ nối Tiền Giang với Hậu Giang, nhỏ tới nỗi phu những đào kinh trốn về nhà, tới Vàm, tìm không được ghe xuồng, bèn leo lên một ngọn cây tre ở bên này bờ rồi chuyền qua một ngọn tre ở bờ bên kia bờ mà thoát được. Họ không dám lội qua Vàm vì hồi đó có nhiều cá sấu lắm (1 ) .
Tàu chạy ngang Chợ Thủ , ép vào bờ phía Đốc Vàng. Nhìn sóng nhấp nhô trên sông, khói toả trong những chiếc ghe đậu gần bờ, tôi bất giác nhớ hai câu thơ của Thôi Hiệu:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu!
(Trời tối quê nhà đâu đó tá?
Khói tuôn sóng vỗ mối sầu gây!)
(Vô danh [2 ] dịch)
*
* *
Tôi cho tàu thả neo ở rạch Đốc Vàng thượng , rủ anh Bình lên thăm dinh Ông .
Dinh là một miếu cổ cất bằng gạch, ở đầu một cái doi, giữa một vườn sao và quay mặt ra sông.
Dinh thờ Đốc binh Vàng ở làng Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp
(Nguồn: Website Diễn đàn Sông Hương)
Dinh thờ Đốc binh Vàng . Ông là một vị anh hùng đã hi sinh cho Tổ quốc. Năm 1837 [3 ] ông có công đánh tan giặc Xiêm và Miên đóng hai bên bờ gần chỗ này, rồi tử trận. Triều đình nhớ công, phong làm phúc thần và dân làng cất dinh này để thờ Đốc binh Vàng. Nay người ta lại lấy tên ông và Chưởng binh Lễ đặt tên ba con rạch, tức rạch Đốc Vàng thượng, rạch Đốc Vàng hạ ở đây và rạch Ông Chưởng ở Chợ Mới.
*
* *
Chúng tôi vào thăm miếu rồi ra ngồi dưới một gốc sao, trên bờ đá, nhìn cảnh sông. Một đàn có trắng bay là là mặt nước, bên bụi điên điển. Vài chiếc lưới phất phơ theo gió. Một chiếc thuyền, buồm căng, đè sóng, ngược Châu Đốc. Xa xa, bên bờ Chợ Thủ làng mạc lờ mờ đen.
Tôi bảo anh Bình:
- Tôi tiếc không có thì giờ dắt anh đi thăm Chợ Thủ. Miền ấy đất giàu mà cảnh đẹp. Dưới sông nhà bè chen chúc nhau thành một làng nổi. Sát bờ nướ là những vườn dâu xanh ngắt, hoặc những vườn trái cây um tùm trồng dừa, xa bô ti, quít, chuối… Rồi tới một con đường trải đá, suốt ngày xe ngựa dập dìu. Hai bên đường nhà sàn san sát, nhìn vào thấy khung cửi những quan tơ (2 ) vàng nuỗn và những cô thợ dệt xinh xắn. Khắp làng giờ nào cũng nghe tiếng lách cách đưa thoi, đạp khung và tiếng nện hàng làm ta nhớ những câu thơ trong bài Thu hứng của Đổ Phủ:
Bạch đế thành cao cấp mộ châm.
(Đập vải trời hôm rộn tiếng chày)
Ngô Tất Tố dịch)
Làng đó cũng như làng La ở Hà Đông, làng Vân Xa ở Sơn Tây, làng Bưởi ở gần Hà Nội. Thứ hàng Chợ Thủ cũng đẹp như lãnh Bưởi.
Cảnh:
Sáng trăng trải chiếu hai hàng,
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.
là cảnh thường thấy ở miền này. Chẳng những chàng mà nàng cũng biết ngâm thơ vì con gái ở đây thường có học. Tôi được biết một cô thợ dệt mà thuộc gần trọn cuốn Kiều.
Mỗi buổi sáng, ngoài đường tấp nập kẻ mua người bán. Thiếu nữ nào cũng đeo đồ tế nhuyễn bằng vàng và mặc quần áo bằng lụa. Các cô tha thướt dưới bóng dừa xanh, tay cầm những cây hàng óng ánh, miệng cười chào khách. Tôi không hiểu tại sao Tản Đà không vịnh các cô em Chợ Thủ mà chỉ ca tụng mắm Long Xuyên.
- Tản Đà đã có ở miền này ư?
- Phải. Ở làng Kiến An, gần Chợ Thủ, tại nhà ông cai tổng nọ. Ông này là một người phong nhã, biết trọng văn thơ, nên tiếp đãi thi nhân rất hậu. Tản Đà được ăn món mắn ruột, tấm tắc khen ngon; sau làm hai câu thơ ca tụng những món ngon đặt biệt Việt Nam , có cà Nghệ An và mắm Long Xuyên [4 ] .
Anh có muốn dùng thử thứ mắm đó không?
- Có chứ! Tản Đà đã khen ngon, chắc không ai chê được nữa.
*
* *
- Lúc nảy, anh nói về Thoại Ngọc Hầu. Danh nhân nào vậy mà tôi chưa được biết.
- Đời ông không liên lạc gì trực tiếp đến Đồng Tháp, nhưng ta cũng nên biết qua. Ông vừa là một quân nhân vừa là một chính trị gia, có công với miền Hậu Giang lắm.
Ông gốc Quảng Nam, theo vua Gia Long từ hồi nhỏ, dẹp giặc Miên, được phong tước hầu, trấn thủ hai tỉnh Vĩnh Long và Định Tường, sau được làm khâm sai đại thần ở Cao Miên. Ông bình định và khai phá bốn tỉnh Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên (hồi đó gọi là Đông Xuyên) và Rạch Giá; điều khiển công việc đào kinh Vĩnh Tế để nối Hà Tiên với Châu Đốc rồi xây đồn luỹ trên bờ kinh đề phòng giặc Miên. Ông lại đào kinh Long Xuyên đi Rạch Giá, chạy ngang qua Núi Sập. Kinh dài non 40 cây số mà chỉ một tháng đã xong.
Hiện nay ở núi Sam (Châu Đốc) có đền thờ và mộ của ông; tại núi Sập cũng có miếu và bia do ông viết để ghi công việc đào kinh.
- Cù lao Tây có Doi Lửa, còn cù lao Giêng có di tích gì không?
- Không. Tôi chỉ biết cù lao đó là một trong những nơi mà đạo Da Tô lập cơ sở đầu tiên ở xứ này cũng như Kẻ Sặt hoặc Phát Diệm ở Bắc Việt. Hiện nay có một nhà thờ lớn và một nhà nuôi trẻ mồ côi.
*
* *
Trăng tròn vành vạnh nhô lên khỏi ngọn sao. Gió xào xạc trong khóm trúc. Chúng tôi yên lặng ngắm cảnh, không muốn nghĩ ngợi gì cả, để tâm hồn chơi vơi trên dòng nước. Dóng nhịp nhàng vỗ vào bờ. Văng vẳng bên tai tôi như có tiếng hỏi:
- Có anh có nhận được tôi không? Tôi là sông Cửu Long đây mà. Tôi với tổ tiên các anh vốn có duyên tiền kiếp, cùng ở phương Bắc, kẻ Tây, người Đông.
Từ một miền kì bí, trên cái nóc địa cầu, nơi có tuyết phủ, có Phật sống, tôi băng băng chảy qua những rặng núi trùng điệp ở Trung Hoa, những khu rừng âm u ở Miến Điện, tôi uốn khúc ôm những chùa Tháp ở Luang-prabang, hoà tiếng róc rách của tôi với tiếng khèn, hoặc ầm ầm từ trên cao mấy chục thước đổ xuống tại thác Khône, vờn những mỏm đá ở Krau-chmar, phản chiếu cung điện của Miên hoàng rồi lặng lờ tới đây, len lỏi trong những vườn xoài, vườn mận.
Không phải tôi mới tới đây đâu. Tôi đã tới từ mấy vạn năm trước, hồi mà miền này còn là biển khơi, có cá kình, cá ngạc. Tôi tới và chờ đợi tổ tiên các anh, vì biết trước tôi với dân tộc Việt tất có ngày hội ngộ trên đất này. Trong khi chờ đợi, ngày đêm không nghỉ, tôi xoi mòn đất đá của năm xứ, từ Tây Tạng tới Cao Miên, cho hoá ra phù sa bồi lấp Nam Hải thành cánh đồng phì nhiêu này để tặng dân tộc các anh đây.
Công việc bồi đắp gần hoàn thành và hai trăm năm trước, tổ tiên các anh đã tới. Cái ngày gặp nhau đó vui làm sao! Trăng cũng vằng vặc như đêm nay. Tôi dưng lên vỗ vào chân họ, róc rách để ru họ. Họ cúi xuống múc tôi, vừa uống vừa rửa mặt. Có những ông già tóc bạc phơ ngâm thơ chào tôi; có những chàng thanh niên múa gươm hứa với tôi sẽ đổ máu để giữ gìn công phu của tôi là cánh đồng này. Những trang anh hùng ấy đã giữ lời hứa.
Song của càng quí thì càng có nhiều kẻ tranh. Tổ tiên các anh đã phải hy sinh nhiều, các anh còn phải hi sinh nhiều nữa mới khỏi phụ công phu trong mấy trăm ngàn năm của tôi. Khéo mà giữ lấy nhé! Rán mà giữ lấy nhé! Hoàn cảnh có khó khăn bực nào, hễ biết đoàn kết là sống. Đừng bao giờ để người ta chia rẽ. Đừng bao giờ quên rằng tuy ở miền Nam này mà gốc là vẫn ở miền Bắc.
Chú thích:
(1) Theo ông Nguyễn Văn Hầu trong “Bài tế Nghĩa trủng văn”, Tập san Sử Địa số 17-18 năm 1970, thì là cá mập và các người trốn xâu đó ôm thân chuối mà lội qua từng đoàn một.
(2) Một quan tơ nặng một ký lô rưỡi, đủ dệt hai cây hàng.
Chú thích của Goldfish:
[1] Theo Sơn Nam Vàm Nao còn có tên là Vàm Thuận, trên bờ có đặt đồn lũy tên Thuận Tấn (Tấn, khi đó là từ để chỉ đồn ven sông. Lịch sử An Giang, NXB An Giang, 1988, tr.16). Vàm ngoài nghĩa là cửa sông, cửa biển còn để chỉ nơi sông nhỏ, rạch nhỏ giao nhau với sông lớn hoặc biển. (Nguồn: Wikipedia)
[2] Tức cụ Phương Sơn.
[3] Niên đại này không đúng lắm. (Theo Ai mới thật là ông Đốc Vàng ở Đồng Tháp? của Bùi Thị Đào Nguyên đăng trên Diễn đàn Sông Hương).
[4] Hà tươi cửa biển Tu Ran,
Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà.