Chương bảy ( Chương kết)
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
Hai ngày sau về Sài Gòn, một người Pháp hỏi tôi:
- Tôi nghe nói muốn xét văn minh cổ của nước nào thì tìm những di tích về kiến trúc của nước đó. Một nước càng văn minh thì những công trình kiến trúc càng hùng diễm. Tôi đã đi từ Tây sang Đông, ở đâu lời ấy cũng đúng. Ở Âu có những phế tích của La mã, Athènes, Cận đông có phế tích của Ai Cập, Babylon, ở Viễn đông này có Đế Thiên Đế Thích, mà ở Trung Hoa và nước ông, tôi chưa thấy một phế tích nào khả quan cả. Vạn lý trường thành ư? Bảo đó là một công trình mỹ thuật thì cũng như khen chiến luỹ Maginot của chúng tôi là một kỳ quan vậy. Không! Đó là sự nghiệp của nhà binh, không phải là sự nghiệp của nghệ sĩ. Mà văn minh Trung Hoa rực rỡ có phần hơn văn minh cổ phương Tây chúng tôi nữa. Như vậy là nghĩa sao?
Tôi đáp:
- Ông nhận xét đúng. Nhưng nếu ông đọc sách của các hiền triết Trung Hoa, lại đọc qua sử của chúng tôi thì ông không còn ngạc nhiên nữa.
Triều đại nào chúng tôi cũng có ít nhiều công trình kiến trúc. Ông chưa được nghe đến tứ đại khí của Việt Nam, tức tháp Bảo Thiên cao hơn bốn mươi thước, phật Quỳnh Lâm lớn hơn tượng Trấn Vũ ở Hà Nội bây giờ, đỉnh Phổ Minh và chuông Quy Điền đều làm về thế kỷ thứ XI. Ấy là chưa kể những cung điện lăng tẩm của các triều Lý, Trần, Lê.
Còn nói gì đến Trung Quốc nữa. Trong bốn ngàn năm, biết bao triều đại, biết bao công trình kiến trúc. Tôi đơn cử ra đây cung A Phòng xây đời Tần để ông rõ. Rộng trên 300 dặm, hai con sông chảy qua, năm bước lại có một cái lầu, mười bước lại có một cái gác. Trong một ngày, trong một cung mà khí hậu không đều. Gương để cung tần trang điểm nhiều hơn sao; dầu sáp đổ đi chảy thành suối; ngựa xe chạy vang như sấm… Xây cung đó, nhà Tần đã đốn hết cây xứ Thục, một xứ xa xăm đầy rừng núi ở biên giới Trung Quốc. Đó là tài liệu chép trong bài A Phòng cung phú của Đỗ Mục, một văn sĩ đời Đường. Họ Đỗ tất nhiên có thêm thắt ít nhiều nhưng trên hai ngàn năm trước mà Trung Hoa đã có một công trình kiến trúc đại quy mô như vậy thì có kém gì Đế Thiên Đế Thích?
Vậy Trung Quốc và Việt Nam không phải là không có công trình kiến trúc, nhưng chúng tôi chịu ảnh hưởng của Nho giáo, không lấy sự nghiệp như vậy làm vinh hạnh.
Chu Bá Lương trong bài Trị gia cách ngôn có câu:
Chớ hao công cất những ngôi nhà lộng lẫy.
Mạnh Tử nói một ông vua mà xây chuồng ngựa đẹp, nuôi ngựa béo trong khi dân gian đói rét thì cũng tức như xua thú ăn thịt dân, ăn thịt con vậy.
Chỉ những hôn quân mới xây những cung điện tráng lệ để vui riêng một mình và những kẻ đó thịnh không lâu. Người đời sau thăm cảnh, không đứng về phương diện nghệ thuật mà khen công họ, chỉ xét về phương diện đạo đức mà luận tội họ. Người ta nguyền rủa kẻ xa xỉ, phẩn uất lên, đốt hết cả những công trình kiến trúc đó.
Hạng Võ đốt cung A Phòng mở đường cho biết bao sự tàn phá sau nầy. Vì vậy mà bâo giờ không có đốt phá và sự tiêu diệt của biết bao quốc gia!
Những người sinh sau không biết noi gương kẻ trước cũng bắt dân xây cất những lâu đài tráng lệ cho dân gian oán hờn đến nỗi sự nghiệp chốt lát mà tan tành, đã là ngu, mà kẻ đốt phá những lâu đài đó còn ngu hơn nữa.
Kẻ kia đã tốn bao nhiêu của để tô điểm cho cảnh đa văn của tạo hoá thì ta cứ bảo tồn đi, du ngoạn đi, đốt phá mà làm chi? Sống sau họ hàng trăm năm, hàng ngàn năm mà được ngắm những cảnh họ ngắm, đứng ở chổ họ đứng, nghe những tiếng họ nghe, đã không mất một chút công của mà còn có những cảm giác sảng khoái của họ, lại được cười cái ngu của họ, chẳng thú lắm ư?
Trung Quốc văn minh đã bốn ngàn năm mà bây giờ di tích của Nguyên, Minh không còn tí gì, đừng nói đến Hán, Đường nữa. Họ thực khờ. Nước tôi cũng nhắm mắt theo họ cho nên di tích Lý, Trần, Lê không tìm đâu ra cả. Thật đáng tiếc mà cũng đáng giận. Người phương Tây các ông biết bảo tồn Đế Thiên Đế Thích thực khôn hơn chúng tôi; và trong các công trình các ông lưu lại ở bán đảo này, có lẽ công trình của trường Viễn đông bác cổ là đáng kể hơn cả.
Tháng hai năm 1943