7. RUDOLF DIESEL
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
Tôi nhớ năm sáu năm trước, những nhật báo ở đây đăng tin Bộ Công Chánh cần dùng năm nhà chuyên môn về động cơ Diesel, mà không tìm được người Việt, đành phải mướn người ngoại quốc; trong khi đó, các ông cử nhân luật xuất hiện mỗi năm mỗi đông, không biết làm gì, phải đi dạy tư để kiếm ăn. Không hiểu từ đó tới nay, chính phủ có khuyến khích sinh viên học ngành động cơ Diesel và nước nhà đã có được một kỹ sư nào về ngành đó chưa.
Tình trạng đó thực đáng buồn; nó chứng tỏ rằng nền kỹ nghệ của ta hoàn toàn là con số không. Chưa rõ những động cơ chạy bằng pin nguyên tử sau này sẽ có công dụng phi thường ra sao, chứ hiện nay thì động cơ Diesel vẫn giữ địa vị quan trọng nhất, hơn cả động cơ nổ, vì ít tốn nhiên liệu mà công suất lại rất mạnh: trên ba chục năm trước mà nhà máy điện Hambourg (Đức) đã dùng một máy Diesel 15.000 mã lực mạnh bằng sức cả vạn người.
Từ năm 1932, cũng ở Hambourg, một xí nghiệp bắt đầu dùng máy Diesel chạy điện để kéo xe trên đường rầy; và hiện nay ở Mỹ, các chuyến xe lửa lần lần có máy Diesel hết.
Có lẽ chẳng bao lâu nữa, xe hơi cũng chạy bằng máy Diesel nhỏ và những phí tổn chuyên chở sẽ giảm đi nhiều. Tóm lại, máy đó đã giúp cho kỹ nghệ phát triển mạnh, nó đương xâm chiếm thế giới. Có người còn bảo nó sẽ giải quyết được phần nào vấn đề xã hội mà người phát minh ra nó, ông Rudolf Diesel, hồi sinh tiền, đã nêu lên thành một lý tưởng để quyết tâm thực hiện.
*
* *
Đời ông thực long đong, cực khổ từ khi mới sanh cho đến lúc bất đắc kỳ tử.
Thân phụ ông là Théodore Diesel làm nghề may túi, cặp da… ở Augsbourg (Đức). Khi cách mạng 1848 phát sanh ở Pháp, tình cảnh thợ thuyền rất đáng thương: họ làm trong nhà máy mười bốn giờ một ngày mà không đủ ăn, sống lam lũ, bệnh tật; mỗi khi một cái máy mới xuất hiện là hàng ngàn người thất nghiệp, hàng trăm gia đình đói rét. Họ nổi loạn thì bị đàn áp tàn nhẫn như ở Lyon. Tại các châu thành lớn, đảng xã hội thành lập; đảng viên mỗi ngày mỗi đông, truyền bá những tư tưởng xã hội của Babeuf, Louis Blanc, trước ở Pháp, rồi sau qua các nước khác ở châu Âu. Théodore Diesel nhiệt liệt hưởng ứng phong trào, nuôi cái mộng làm cho giai cấp thợ thuyền thành giai cấp chủ nhân ông, và để thực hiện mộng đó, ông bỏ xứ sở, qua Ba lê sinh nhai.
Tại đó, ông mở một tiệm nhỏ, làm nghề cũ, rồi cưới một người Đức, cô Elise Strobel, trước làm thị nữ ở Luân Đôn. Họ sanh ba người con mà Rudolf Diesel (đẻ năm 1858) là út.
Tình cảnh gia đình mỗi ngày một quẫn bách, cho nên Rudolf Diesel phải sống lam lũ. Thân phụ ông bất tài, mà lại không chịu cần kiệm, chỉ mơ mộng hão huyền về những phát minh điên khùng và những chương trình cải tổ xã hội, có bao nhiêu tiền vung phí hết bấy nhiêu, để vợ con đói rét. Tính lại nóng, đánh con tàn nhẫn, mỗi khi có điều gì bất bình. Một lần Rudolf, vì một lỗi nhỏ, bị cha cột vào một cái ghế bành, bắt phải nhịn đói suốt ngày trong khi cả nhà về miền quê chơi. Cũng may là bà mẹ rất có đức, siêng năng, nhẫn nhục hàn gắn, lại đích thân dạy các con học tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức. Sau này, nhớ lại tuổi thơ, Rudolf thường sa lệ, tủi cho cảnh mình mà thương cho cảnh mẹ. Cảnh cơ hàn đó suốt đời ám ảnh Rudolf, tới chết mới thôi.
Ông rất siêng học và thông minh, môn nào cũng giỏi, nhưng thích nhất máy móc. Để trốn cái không khí sầu thảm trong gia đình, ông thường vào bảo tàng viện Mỹ nghệ (tức Mỹ thuật và Nghệ Thuật) thơ thẩn trong các phòng tối tăm và vắng vẻ, ngắm nghía chiếc xe hơi đầu tiên của Cugnot chế tạo năm 1770, một chiếc xe ba bánh và chạy bằng hơi nước.
Thình lình chiến tranh nổ ra năm 1870, giữa Phổ và Pháp, gia đình ông lâm vào tình trạng bi thảm. Vì là dân Đức, gia đình Diesel thành ra kẻ thù của nước Pháp, phải dắt díu nhau lánh qua Luân Đôn, sống những ngày cực khổ vô cùng. Rudolf may mắn được một người bà con ở Augsbourd, làm giáo sư toán học nhận nuôi cho ăn học, và mới hai mười hai tuổi, cậu đã phải rời gia đình, qua Đức ăn nhờ ở đậu một người chưa hề biết mặt. Vì cậu chưa nói sõi tiếng Đức, nên song thân cậu sợ cậu lạc, phải đeo vào cổ cậu một tấm ghi tên họ và địa chỉ ở Augsbourg. Từ 1871 đến 1873, nhờ giáo sư Barnickel, cậu được học môn kỹ nghệ.
Mười lăm tuổi, cậu tốt nghiệp, muốn tiếp tục học ngành kỹ sư. Để lấy hồ sơ học bổng, cậu qua Ba lê xin những giấy cho phép và cam đoan của cha, vì lúc đó gia đình Diesel đã từ Luân Đôn trở về Pháp.
Đi xa thì nhớ nhà, mà về nhà thì lại chán ngán. Gia đình vẫn túng bấn như trước, một người chị mới mất, cha và mẹ ép cậu phải kiếm ăn ngay, cậu không chịu. Chán nhất là cha cậu không thiết làm ăn gì cả, chỉ suốt ngày cầu cơ, nói chuyện với những linh hồn ma quỷ. Cho nên khi được giấy phép của cha, cậu thấy được thoát khỏi một đời sống ti tiện, mà vui vẻ lên đường về Đức, vào học trường cao đẳng kỹ nghệ Augsbourg.
*
* *
Trong hai năm học, cậu để ý nhất đến một cái bật lửa nhỏ dùng sức ép của không khí để phát lửa. Dụng cụ đó giống một ống chích và bày trong phòng thí nghiệm. Cậu mân mê nó hoài và mơ mộng nghĩ tới một phát minh…
Mười bảy tuổi, cậu thi ra trường, đậu thủ khoa, mười ba môn thì mười hai môn nhất và một môn nhì.
Rồi cậu đi Munich vô học trường Bách Khoa, vừa học vừa dạy tiếng Pháp lấy tiền chi dụng.
Năm 1878, cậu hai mươi tuổi, sau khi nghe giáo sư Linde giảng về động cơ, chế máy chạy bằng hơi nước là chỉ biến được từ 6 đến 10 phần trăm sức nóng thành năng lực, cậu nảy ra ý chế tạo một động cơ mới, mà năng lực hơn cả những động cơ nổ. Và cậu bắt đầu nghiên cứu tất cả những ngành của nhiệt động học.
Nhờ tài năng và thông minh, Rudolf được giáo sư Linde rất quý mến. Ở trường Bách Khoa ra, do lời giới thiệu của giáo sư, chàng vô làm tại một hãng chế máy lạnh của Sulzer, rồi được phái qua Ba Lê làm giám đốc hãng Linde.
Tuy chức làm giám đốc mà sự thực Rudolf phải làm hết thảy mọi việc trong hãng, vừa là thợ máy, thợ vẽ, nhà cố vấn, nhà chế tạo, vừa lo việc kế toán, giấy tờ, quảng cáo, bán hàng. Suốt ngày không hở tay. Vậy mà chàng vẫn để tâm nghiên cứu hai vấn đề cốt yếu trong đời chàng: chế tạo một động cơ tốn ít nhiên liệu mà công suất mạnh, và cải thiện đời sống công nhân, nâng cao giai cấp thợ thuyền. Vì thiếu kinh nghiệm, non tâm lý, cho nên trong vấn đề thứ nhì, chàng đã hoàn toàn thất bại: mới đầu chàng đối đãi với thợ thuyền rất hòa nhã và khoan hồng, có thiện chí dắt dẫn, dạy bảo họ; họ tưởng chàng nhu nhược, làm việc còn bê trễ, cẩu thả hơn trước, chàng nổi quạu, cư xử với họ rất nghiêm khắc, bảo họ là hạng người không thể cải hóa được, nếu để thả lỏng thì không còn kỷ luật gì nữa. Từ đó, chàng thất vọng, chuyên tâm về việc phát minh động cơ.
*
* *
Năm 1863, Diesel cưới cô Martha Flasche, con một nhà doanh thương người Đức ngụ cư ở Ba Lê. Cô có nhan sắc, hiền hậu, nhưng quen sống đời trưởng giả, không biết gì về công việc của chồng. Khi hai bên mới quen nhau, có lần ông dắt cô lại thăm song thân ông.
Cụ Diesel muốn thuyết phục cô theo tín ngưỡng của mình, ông cương quyết ngăn cản liền, nói thẳng với cha: “Không cần phải cầu cơ, phải theo đạo Ki tô hay đạo Tin Lành, đạo Do Thái, cũng có thể thành thật yêu nhân loại và chứng tỏ lòng yêu đó bằng cách này hay cách khác… Chúng ta không nên tìm hạnh phúc hão huyền nào ở kiếp sau; mà phải giúp nhân loại tìm hạnh phúc ở kiếp này… Chúa Jésus không truyền bá đạo Tin Lành, cũng không truyền bá đạo Da tô, người chỉ truyền cái đạo yêu kẻ khác thôi.”
Cưới nhau ở Munich, rồi hai ông bà lại về Ba Lê làm ăn. Công việc bán máy lạnh không phát đạt. Năm ba mươi tuổi, ông chán nản chép trong nhật ký: “Tôi có cảm tưởng thành một ông già rồi; nghĩ rằng chưa làm được chút gì mà buồn quá!”
Sự thực trong mấy năm đó ông cũng đã chế tạo được một động cơ không chạy bằng hơi nước, mà bằng hơi am-mô-nhắc (amoniaque); nhưng sau nhiều lần thử, ông tự nhận rằng mình đã đi lầm đường, rồi quyết định bỏ hẳn máy đó mà nghiên cứu máy nổ. Ông tuyên bố với bạn bè: “Tôi không thất vọng… Động cơ đó không được như ý, tôi sẽ chế tạo cái khác. Tôi quyết thành công và tôi sẽ thành công!”
Nhờ đức cương quyết, kiên nhẫn đó, bốn năm sau, ông thành công thật. Năm 1892, sau khi về làm ăn ở Bá Linh được hai năm, ông chế tạo được một kiểu động cơ mới, và xin được bằng sáng chế số 67-207. Phải chiến đấu gay go mới được bằng đó, vì cơ quan phát bằng không chịu nhận kiểu đó là một phát minh của ông, và ông phải thuyết phục họ, chỉ cho họ thấy những điểm mới mẻ trong máy của mình.
*
* *
Nhờ đã sống về kinh doanh trong mười mấy năm, ông biết rõ thuật quảng cáo và áp dụng nó vào động cơ mới của ông. Sau khi được bằng sáng chế rồi, ông xuất bản một cuốn sách nhỏ, nhan đề là: Lý thuyết và cách chế tạo một nhiệt động cơ hợp lý , trong đó ông tả những tiện lợi của máy Diesel.
Tiện lợi thứ nhất là máy chạy bằng những dầu nặng, rẻ tiền. Các bộ phận của nó cũng tựa như bộ phận của động cơ nổ chạy bằng xăng, nhưng máy không cần biến đổi nhiên liệu thành khí rồi hòa hợp khí đó với không khí để thành một hỗn hợp nổ. Không khí ở ngoài hút vô trong máy, chịu một sức ép rất mạnh (tới 35 kí lô một phân vuông), do đó sức nóng của nó tăng lên tới 800 độ. Không khí đó làm cho những giọt dầu nặng bùng cháy lên, thành thử máy Diesel không cần ma-nhê-tô (máy điện từ), do đó phí tổn rút đi được một phần lớn. Lại thêm công suất của nó rất cao: 35 phần trăm sức nóng đổi thành động lực.
Kết quả đúng như ý muốn của ông. Các nhà đại kỹ nghệ ở khắp nơi chú ý đặc biệt đến kiểu máy vừa giản tiện, vừa đỡ tốn nhất đó, tranh nhau xin hợp tác với ông để khai thác phát minh quan trọng đó. Danh ông nổi lên như cồn, và năm 1893 ông ký giao kèo với hai công ty lớn: công ty Krupp ở Essen và một hãng nữa ở Augsbourg. Nhờ vậy mới thực hiện được kiểu máy Diesel; nếu không quảng cáo, mà tìm những vốn nho nhỏ trong chỗ quen biết để chế tạo lấy thì chắc chắn kết quả không làm cho ai tin cậy và chú ý tới cả.
Năm tháng sau khi ký giao kèo, hãng ở Augsbourg đã chế tạo xong máy đầu tiên. Phút thí nghiệm thực hồi hộp. Hết thảy nhân viên trong hãng đứng bao vây cái máy. Diesel hạ một tay quay xuống: một tiếng nổ kinh khủng! Mọi người xám xanh mặt, cũng may không ai bị thương mà máy cũng không hề gì, bắt đầu chạy. Người ta vỗ vai nhau, bá cổ nhau, xiết tay nhau. Diesel mỉm cười, nhớ lại chiếc bật lửa nhỏ ở trường kỹ nghệ: đúng nguyên tắc đó, nhiên liệu đã cháy khi gặp không khí nóng đến cực độ. Nhưng chỉ một tháng sau, ông phải gỡ máy ra; nó đã làm xong nhiệm vụ của nó là chỉ cho ông thấy những khuyết điểm cần phải cải thiện.
*
* *
Ông lại cắm cổ làm việc như điên, như dại, nghĩ ra không biết bao nhiêu kiểu mới, mà kiểu nào cũng có tật. Có lần ông chán nản, nghi ngờ tài của mình và chỉ sợ hãng Krupp và hãng Augsbourg hết tin mình nữa mà đuổi mình đi. Những kẻ thù của ông trước kia đã giễu ông là mơ mộng hão huyền, bây giờ tha hồ lên mặt, mỉa mai ông, trêu tức ông. Ông đành bịt tai mà rán nuốt hận. Lại thêm những khổ tâm trong gia đình: thân phụ ông, quá mê tín cầu cơ, gây sự với mọi người, sinh tật, già rồi mà đòi ly dị bà vợ, rút cục hóa điên.
Chịu đủ nỗi chua cay như vậy trong hai năm, tới tháng sáu năm 1895, ông mới vui vẻ báo tin cho vợ: “Tương lai của chúng ta từ nay được bảo đảm. Kiểu máy cuối cùng có kết quả mỹ mãn, tốn nhiên liệu chỉ bằng nửa một động cơ nổ chạy bằng xăng”. Tức thì khắp thế giới hỏi mua máy Diesel. Ông đã nhường quyền sáng chế ở Đức, Áo- Hung, và Thụy Sĩ; nhưng vẫn giữ quyền ở các nước khác. Các nhà kỹ nghệ, kỹ thuật, các phóng viên báo chí, đại lý hãng buôn, ra vào xưởng của ông nườm nượp, và nhận thấy công dụng phi thường của máy Diesel mà ai cũng biết là sẽ thay thế các máy hơi nước và máy chạy bằng xăng trong mọi xưởng, mọi nhà phát điện, mọi tàu và xe. Mãi đến gần đây, ý gắn máy Diesel vào xe hơi, mà ông đã có từ hồi đó, mới thực hiện được; nhưng ngay từ đầu thế kỷ, những đường phố châu Âu và châu Mỹ đã đầy những xe cam nhông, và ô tô buýt chạy bằng máy Diesel.
Năm 1897, sau khi ký một giao kèo cho phép Huê Kỳ khai thác phát minh của mình, ông thành một tỉ phú. Nhưng số kiếp ông vất vả, không được hưởng chút hạnh phúc nào cả. Sự thành công đó đánh dấu bước đầu trên đường suy bại.
Năm đó thân mẫu ông mất. Thân phụ ông sống thêm bốn năm nữa, hoàn toàn loạn óc và gây cho ông không biết bao khổ não.
Tai hại nhất cho ông, là ông quá tự tin, không lượng sức mình, nghe lời Emmanuel Nobel, cháu nhà phát minh ra thuốc nổ, hùn vốn để khai thác kỹ nghệ dầu lửa. Ông tự nhủ: “Ừ, mình đã chế tạo được máy thì sao không sản xuất luôn dầu cho khách hàng của mình? Các chính phủ đều chịu bó tay, không lật nổi Rockefeller, thì mình lại càng nên ra tay truất cái ngôi Vua dầu lửa của hắn xem sao?”
Và ông mua ngay những mỏ dầu lửa mênh mông ở Calicie. Chính lúc đó, những khó khăn dồn dập tới.
Kiểu máy của ông vẫn chưa được hoàn thiện, có chỗ trục trặc cần phải sửa đổi, nhưng ông mắc lo về dầu lửa, thì giờ đâu mà nghĩ tới nó nữa. Lại thêm, một người Pháp cạnh tranh với ông, kiện ông về bằng sáng chế, cho nó là vô giá trị. Điều mà không ai có thể ngờ được là ông thua kiện. Ông phải bỏ dở công việc xây cất một biệt thự lộng lẫy ở Munich, chạy như thằng điên suốt ngày từ phòng quản lý đến xưởng, đến phòng luật sư. Kết quả là năm 1898, ông phải vào nhà thương điên tĩnh dưỡng trong sáu tháng. Trong sáu tháng đó, vì thiếu người thay ông để điều khiển, giải quyết những việc gấp - độc giả chắc còn nhớ rằng bà Diesel không biết chút gì về công việc của chồng - thành thử sự kinh doanh gặp toàn những thất bại. Ở xưởng, thợ làm ẩu; khách hàng kêu nài hết chuyện này tới chuyện khác. Những kẻ thù của ông thừa dịp đó bồi cho ông nhiều nhát nữa. Ở Huê Kỳ, vắng ông, máy chế tạo cũng hư hỏng. Biệt thự cất tốn kém quá; mỏ dầu thì không sinh lợi vì đào không thấy dầu; đất cát ông mua ở Munich lại hớ. Đó, khi ở nhà thương điên ra, tình trạng như vậy. Chỉ vì ông tham quá, nên mới gặp cảnh nguy đó, mà sở dĩ ông tham một phần lớn cũng do cảm tưởng đau đớn hồi nhỏ, khi phải sống cực nhục với cha mẹ ở Ba Lê và Luân Đôn. Mỗi lần nhớ lại, ông ghê tởm quãng đời ấy mà nhất định làm giàu, làm giàu thật nhiều và thật mau cho con cháu ông không bao giờ phải nếm những nỗi đắng cay mà ông đã chịu suốt thời thơ ấu.
Gia sản đã rung rinh, lại thêm nhiều nỗi khổ tâm khác. Chịu ảnh hưởng của cha, ông muốn dựng một lý thuyết xã hội, mà ông gọi là thuyết “đoàn kết” để giải quyết những mâu thuẫn giữa hai giai cấp lao công và tư bản. Thiện chí của ông đáng khen thật, nhưng thuyết đó chỉ là không tưởng, thiếu cơ sở, vì ông có biết gì về lịch sử và kinh tế đâu. Người ta đã không thèm nghe ông, lại chế giễu ông. Ông hóa chua chát. Thì cũng tại ông quá tham vọng nữa.
Rồi ông lại tham lam, phủ nhận thiên tư của con, bắt cậu Eugen phải theo con đường của ông, cũng học về máy móc, cũng chế tạo động cơ như ông, mặc dầu cậu chỉ có khiếu về văn thơ. Chính cậu sau này đã viết một tiểu sử rất hay cho cha.
Công việc làm ăn thất bại hoài. Ông muốn bán nhà, bà không thuận. Cứ lầm lì, không chịu hỏi ý kiến ai, mà óc mỗi ngày mỗi quẫn, ông chán nản vô cùng, tưởng mình như con mồi mà vòng lưới thu lại mỗi ngày một hẹp.
*
* *
Mùa thu năm 1913 tới, ảm đạm. Diesel ngỏ ý muốn lại Gand để thăm một người bạn và coi cuộc triển lãm quốc tế, rồi sang Luân Đôn để thăm hãng Diesel lập ở bên đó.
Tới Francfort ông giao cho bà một cái rương nhỏ và trước khi từ biệt, ông căn dặn bà giữ kỹ cái rương đó.
Sáng ngày 30 tháng 9, chiếc tàu Dresden, chở ông qua Anh, từ từ tiến vô hải cảng Harwich. Hành khách đã ăn điểm tâm xong và sửa soạn hành lý lên bờ. Bỗng hai người ở một bàn nọ, nhìn thấy một phần ăn còn nguyên hỏi nhau:
- Ủa, ông Diesel ở đâu nhỉ? Ông đã dặn người bồi đánh thức hồi 6 giờ 15 mà. Hay là ông ta lại ngủ lại?
Người ta vô phòng ông kiếm. Giường còn y nguyên, một chiếc sơ mi xếp cẩn thận, đặt ở chân giường, một chiếc đồng hồ quả quít treo ở một cây đinh; túi hành lý đặt trên một chiếc ghế. Hỏi người bồi phòng, người này đáp:
- Từ tối hôm qua,tôi không thấy ông Diesel đâu cả. Người ta lục khắp trong tàu, tìm được ở trên boong chiếc nón và chiếc áo khoác ngoài của ông.
Khắp thế giới, báo chí đăng tin kỳ dị: Ông Diesel nhà phát minh danh tiếng và nhà kỹ nghệ lớn của Đức, người đã sáng chế ra một động cơ chạy bằng dầu nặng được cả hoàn cầu dùng, người được một bằng sáng chế quý nhất cổ kim, khi không biến đâu mất.
Người ta bàn tán xôn xao, đưa hết giả thuyết này tới giả thuyết khác. Không có lý gì một người danh vọng lớn như vậy, giàu có như vậy, gia đình hòa thuận như vậy, nhất là tính tình vui vẻ như vậy mà lại tự tử. Hay là ông ta bị ám sát? Nhưng khi ông mất tích, có mang theo nhiều tiền đâu. Hay là bị tai nạn? Trong một chiếc tàu lớn như vậy thì tai nạn dễ gì xảy ra được? Vả lại, trời đẹp, biển lặng kia mà.
Khi tàu mới nhổ neo, chính ông viết cho bà mấy hàng này: “Trời đẹp vô cùng. Không có một ngọn gió. Vượt biển lần này chắc bình an lắm”
Mà hai người bạn đồng hành của ông, một kỹ nghệ gia Bỉ và viên chánh kỹ sư của hãng, đều tuyên bố rằng ông khỏe mạnh và yêu đời, mới đêm trước còn hăng hái bàn về tương lai máy Diesel, đi bách bộ trên boong tàu một lúc sau bữa cơm, rồi mới về phòng riêng.
Người ta còn phao những tin lạ lùng như: ông đã bị bọn gián điệp Anh thủ tiêu, hoặc bị các công ty dầu lửa bắt cóc, thậm chí đến bị chính phủ Đức ám sát để ông khỏi tiết lậu những bí mật về tiềm thủy đinh.
Sau cùng người ta để ý tới một dấu chữ thập nhỏ ghi bằng viết chì trong cuốn lịch tay của ông, và nhớ ra chi tiết rất quan trọng này: cái rương nhỏ ông giao cho bà trước khi đi chứa toàn giấy bạc. Nghĩa là mọi việc ông đã tính toán trước, ông đã định tự tử. Lúc đó tình cảnh ông đã khả quan hơn nhiều: ông đã thắng mọi vụ kiện, các xưởng của ông chế tạo đều đều, nhưng sau bao nhiêu năm chiến đấu, ông kiệt lực không muốn sống thêm nữa và đã đâm đầu xuống biển. Ít bữa sau, một chiếc tàu Hà Lan vớt được một cái xác, và các con ông nhận được ông liền do những vật tìm thấy trong túi.
Tội nghiệp, nhà tỉ phú đó không một lúc nào khỏi lo lắng; cho tới khi sắp chết, vẫn bị cảnh cơ cực hồi nhỏ ám ảnh, chỉ sợ con cái mình đói rét, trụy lạc, nên đã thu hồi hết cả của cải gởi trong cái ngân hàng mà giao cho vợ, để các chủ nợ không thể tịch biên hết được, như họ đã tịch biên gia sản của thân phụ ông.