watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Lão Tử - Đạo Đức Kinh-Chương 1 (B) - tác giả Nguyễn Hiến Lê Nguyễn Hiến Lê

Nguyễn Hiến Lê

Chương 1 (B)

Tác giả: Nguyễn Hiến Lê

14



視之不見名曰夷 ; 聽之不聞名曰希 ; 搏之不得名曰微 . 此三者不可致詰 , 故混而爲一 .

其上不皦 , 其下不昧 , 繩繩不可名 , 復歸於無物 . 是謂無狀之狀 , 無物之象 , 是謂惚恍 . 迎之不見其首 , 隨之不見其 後 .

執古之道 , 以御今之有 ; 能知古始 , 是謂道紀 .



*



Thị chi bất kiến danh viết di; thính chi bất văn danh viết hi; bác chi bất đắc danh viết vi. Thử tam giả bất khả trí cật, cố hỗn nhi vi nhất.



Kì thượng bất kiểu, kì hạ bất muội, thằng thằng bất khả danh, phục qui ư vô vật. Thị vị vô trạng chi trạng, vô vật chi tượng, thị vị hốt hoảng. Nghinh chi bất kiến kì thủ, tuỳ chi bất kiến kì hậu.



Chấp cổ chi đạo, dĩ ngự kim chi hữu; năng tri cổ thuỷ, thị vị đạo kỉ.



*



Nhìn không thấy gọi là di, nghe không thấy gọi là hi, nắm không được gọi là vi. Ba cái đó (di, hi, vi, tức vô sắc, vô thanh, vô hình) truy cứu đến cùng cũng không biết gì được, chỉ thấy trộn lộn làm một thôi.



Ở trên không sáng, ở dưới không tối, thâm viễn bất tuyệt, không thể gọi tên, nó lại trở về cõi vô vật, cho nên bảo là cái trạng không có hình trạng, cái tượng không có vật thể. Nó thấp thoáng, mập mờ. Đón nó thì không thấy đầu, theo nó thì không thấy đuôi.



Ai giữ được cái đạo từ xưa vẫn có thì có thể khống chế được mọi sự vật ngày nay; biết được cái nguyên thủy tức là nắm được giềng mối của đạo.



*



Chương này nói về bản thể của đạo, vô sắc, vô thanh, vô hình, nên không thể giảng được, gọi tên được. Nhưng nó đầy khắp vũ trụ, là căn nguyên của vạn vật, hễ giữ được nó là nắm được chân lí mà xử lí được mọi sự vật.



15



古之善爲道者 , 微妙玄通 , 深不可識 . 夫唯不可識 , 故 强 爲之容 .

豫兮 , 若冬涉川 ; 猶兮 , 若畏四鄰 ; 儼兮 , 其若客 ; 渙兮 , 若冰之將釋 ; 敦兮 , 其若樸 ; 曠兮 , 其若谷 ; 混兮 ; 其若濁 .

孰能濁以靜之徐清 ? 孰能安以動之徐生 ? 保此道者 , 不欲盈 . 夫唯不盈 , 故能蔽而新成 .



*



Cổ chi thiện vi đạo [1] giả, vi diệu huyền thông, thâm bất khả thức. Phù duy bất khả thức, cố cưỡng vị chi dung.



Dự hề [2] , nhược đông thiệp xuyên; do hề, nhược úy tứ lân; nghiễm hề, kì nhược khách [3] ; hoán hề, nhược băng chi tương [4] thích; đôn hề, kì nhược phác; khoáng hề, kì nhược cốc; hỗn hề, kì nhược trọc.



Thục năng trọc dĩ [5] tĩnh chi từ thanh? Thục năng an dĩ động [6] chi từ sinh? Bảo thử đạo giả, bất dục doanh. Phù duy bất doanh, cố năng tế nhi [7] tân thành.



*



Người đắc đạo thời xưa tinh tế, mầu nhiệm, thông đạt, sâu xa không thể biết được. Vì không thể biết được, nên phải miễn cưỡng tả họ như sau:



Họ rụt rè như mùa đông lội qua sông, nghi ngại như sợ láng giềng bốn bên, nghiêm chỉnh như một người khách, chảy ra, lưu động như băng tan, dày dặn mộc mạc như gỗ chưa đẽo, không hư như cái hang, hỗn độn (lờ đờ) như nước đục.



Ai có thể đương đục mà lắng xuống để lần lần trong ra? Ai có thể đương hư tĩnh mà phát động để lần lần sinh động lên? Người nào giữ được đạo ấy thì không tự mãn. Vì không tự mãn nên mới bỏ cái cũ mà canh tân được.



*



Chương này bản của Vương Bật đã được nhiều người đời sau hiệu đính, do đó hiện nay có nhiều bản khác nhau, như chúng tôi đã ghi sơ ở cước chú. Đại khái, chữ tuy khác mà nghĩa như nhau, trừ câu cuối, để chữ bất , không đổi ra chữ nhi , thì nghĩa ngược hẳn: “Vì không đầy nên có thể che lấp, chẳng trở nên mới”; chúng tôi nghĩ chữ tế ở đây dùng như chữ tệ 敝 ở chương 22, và nghĩa tệ nhi tân thành ở đây cũng là nghĩa tệ tắc tân 敝則新 ở chương 22. Vì vậy chúng tôi cho đổi ra chữ nhi 而 là phải, và dịch là: “bỏ cái cũ mà canh tân”.



Đoạn thứ nhì, có người giải thích chữ hoán là giải tán, chữ thích là tiêu vong; và “hoán hề nhược băng chi tương thích” là diệt tình dục, lòng thành ra hư không. Chữ hồn (hồn hề kỳ nhược trọc), có người giải thích là hồn nhiên, bề ngoài tựa như ngu muội.



Đoạn cuối: “đương đục mà lắng xuống để lần lần trong ra” là từ đời sống hỗn trọc ngày nay trở về đạo, “đương hư tĩnh mà phát động để lần lần sinh động lên”, là ngược lại, từ đạo trở xuống đời sống hiện tại.



Giọng văn ở chương này khác hẳn các chương trên, giống thể từ phú ở cuối đời Chiến Quốc, cho nên chúng tôi ngờ không phải là lời của Lão tử, cũng không phải viết sau khi Lão tử mới mất.



16



致虛極 , 守靜篤 , 萬物並作 , 吾以觀復 .

夫物芸芸 , 各復歸其根 . 歸根曰靜 , 是謂復命 . 復命曰常 . 知常曰明 , 不知常 , 妄作凶 .

知常容 , 容乃公 , 公乃全 , 全乃天 , 天乃道 , 道乃久 , 没 身不殆 .



*



Trí hư cực, thủ tĩnh đốc, vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục.



Phù vật vân vân, các phục qui kì căn. Qui căn viết tĩnh, thị vị phục mệnh. Phục mệnh viết thường. Tri thường viết minh, bất tri thường vọng tác hung.



Tri thường dung, dung nãi công, công nãi toàn, toàn nãi thiên, thiên nãi đạo, đạo nãi cửu, một thân bất đãi.



*



Hết sức giữ được cực hư, cực tĩnh xem vạn vật sinh trưởng ta thấy được qui luật phản phục [vạn vật từ vô mà sinh ra rồi trở về vô].



Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng [tức đạo]. Trở về căn nguyên thì tĩnh, [tĩnh là bản tính của mọi vật, cho nên] trở về căn nguyên gọi là “trở về mệnh”. Trở về mệnh là luật bất biến (thường) của vật. Biết luật bất biến thì sáng suốt, không biết luật bất biến thì vọng động mà gây hoạ.



Biết luật bất biến thì bao dung, bao dung thì công bình [vô tư], công bình thì bao khắp, bao khắp thì phù hợp với tự nhiên, phù hợp với tự nhiên thì phù hợp với đạo, hợp với đạo thì vĩnh cửu, suốt đời không nguy.



*



Trong đoạn cuối, “công nãi toàn”, có bản chép là “công nãi vương ” 王 , và có người dịch là “vua”; lại có người hiểu chữ toàn ở đó là hoàn toàn.



Ý nghĩa chương ngày rất rõ: chúng ta phải cực hư tĩnh, bỏ hết thành kiến, tư dục đi mà nhận xét vũ trụ, sẽ thấy luật “qui căn” của vạn vật: từ vô sinh hữu, rồi từ hữu trở về vô; hiểu luật thiên nhiên bất biến đó và hành động theo nó thì suốt đời không bị họa.



17



太上 , 不知有之 ; 其次 , 親而譽之 ; 其次 , 畏之 ; 其次 , 侮之 .

信不足焉 , 有不信焉 . 悠兮 , 其貴言 . 功成事遂 , 百姓皆謂 : 我自然 .



*



Thái thượng, bất tri hữu chi; kì thứ, thân nhi dự chi; kì thứ, uý chi; kì thứ, vũ chi.



Tín bất túc yên, hữu bất tín yên. Du hề, kì quí ngôn. Công thành sự toại, bách tính giai vị: ngã tự nhiên.



*



Bậc trị dân giỏi nhất thì dân không biết là có vua, thấp hơn một bực thì dân yêu quí và khen; thấp hơn nữa thì dân sợ; thấp nhất thì bị dân khinh lờn.



Vua không đủ thành tín thì dân không tin. Nhàn nhã, ung dung [vì vô vi] mà quí lời nói. Vua công thành, việc xong rồi mà trăm họ đều bảo: “Tự nhiên mình được vậy”.



*



Câu đầu, nhiều bản chép là: “Thái thượng, hạ tri hữu chi” nghĩa là “bậc trị dân giỏi nhất thì dân biết là có vua”, nghĩa đó không sâu sắc, không hợp với câu cuối: “bách tính giai vị: Ngã tự nhiên”. Ông vua giỏi thì cứ thuận theo tự nhiên, “cư vô vi nhi sự, hành bất ngôn chi giáo” (chương 2) để cho dân thuận tính mà phát triển, không can thiệp vào việc của dân, nên dân không thấy vua làm gì cả, cơ hồ không có vua.



Đoạn sau: “tín bất túc yên”, có người giảng là vua không đủ tin dân. “Du hề”, có người giảng là “lo nghĩ”, chúng tôi e không hợp với thuyết vô vi của Lão tử.



18



大道廢 , 有仁義 ; 智慧出 , 有大僞 ; 六親不和 , 有孝慈 ; 國家昏亂 , 有忠臣 .



*



Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa; trí tuệ xuất, hữu đại ngụy; lục thân bất hoà, hữu hiếu từ; quốc gia hôn loạn, hữu trung thần.



*



Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa; trí xảo xuất hiện rồi mới có trá ngụy; gia đình (cha mẹ, anh em, vợ chồng) bất hòa rồi mới sinh ra hiếu, từ; nước nhà rối loạn mới có tôi trung.



*



Đạo lớn thì tự nhiên, vô tâm, coi vạn vật như nhau; nhân nghĩa thì hữu tâm yêu vạn vật mà có sự suy tính, phân biệt. Sáu chữ “đại đạo phế, hữu nhân nghĩa”, nghĩa cũng như câu đầu chương 38: “Thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi nhậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa”.





19



絕聖棄智 , 民利百倍 ; 絕仁棄義 , 民復孝慈 ; 絕巧棄利 , 盜賊無有 .

此三者以爲文不足 , 故令有所屬 : 見素抱樸 , 少思寡欲 .



*



Tuyệt thánh khí trí, dân lợi bách bội; tuyệt nhân khí nghĩa, dân phục hiếu từ; tuyệt xảo khí lợi, đạo tặc vô hữu.



Thử tam giả dĩ vi văn bất túc, cố linh hữu sở thuộc [8] : hiện tố bão phác, thiểu tư quả dục.



*



Dứt thánh (thánh hiểu theo quan niệm Khổng, Mặc) bỏ trí, dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt [trí] xảo bỏ lợi, không có trộm giặc.



Ba cái đó (thánh trí, nhân nghĩa, xảo lợi) vì là cái văn vẻ (trang sức bề ngoài) không đủ (để trị dân) cho nên (phải bỏ mà) khiến cho dân qui (hoặc chuyên chú) về điều này: ngoài thì biểu hiện sự mộc mạc, trong thì giữ sự chất phác, giảm tư tâm, bớt dục vọng.



*



Trong câu nhì, chữ văn trái với chữ phác . Bỏ ba cái “văn” đó mới chỉ là tiêu cực; phải mộc mạc, chất phác, giảm tư tâm, bớt dục mới là tích cực.





20



絕學無憂 . 唯之與阿 , 相去幾何 ? 善之與惡 , 相去若何 ? 人之所畏 , 不可不畏 . 荒兮其未央哉 !

眾人熙熙 , 如享太牢 , 如春登臺 ; 我獨泊兮其未兆 [9] , 如嬰兒之未孩 , 儽儽 兮若無所歸 . 眾人皆有餘 , 而我獨若遺 ; 我愚人之心也哉 , 沌沌兮 ! 俗人昭昭 , 我獨昏昏 ; 俗人察察 , 我獨悶悶 , 澹 兮其若海 , 飂兮若無止 . 眾人皆有以 , 而我獨頑且鄙 . 我獨異於人 , 而貴食母 .



*



Tuyệt học vô ưu. Duy chi dữ a, tương khứ kỉ hà? Thiện chi dữ ác, tương khứ nhược hà? Nhân chi sở úy, bất khả bất úy. Hoang hề kì vị ương tai!



Chúng nhân hi hi, như hưởng thái lao, như xuân đăng đài; ngã độc bạc hề kì vị triệu; như anh nhi chi vị hài; luy luy hề nhược vô sở qui. Chúng nhân giai hữu dư, nhi ngã độc nhược di; ngã ngu nhân chi tâm dã tai, độn độn hề! Tục nhân chiêu chiêu, ngã độc hôn hôn; tục nhân sát sát, ngã độc muộn muộn, đạm hề kì nhược hải, liêu hề nhược vô chỉ. Chúng nhân giai hữu dĩ, nhi ngã độc ngoan thả bỉ. Ngã độc dị ư nhân, nhi quí thực mẫu.



*



Dứt học thì không lo. Dạ (giọng kính trọng) với ơi (giọng coi thường) khác nhau bao nhiêu? Thiện với ác khác nhau thế nào? Cái người ta sợ, ta không thể không sợ. Rộng lớn thay, không sao hết được!



Mọi người hớn hở như hưởng bữa tiệc lớn, như mùa xuân lên đài; riêng ta điềm tĩnh, không lộ chút tình ý gì như đứa trẻ mới sinh, chưa biết cười; rũ rượi mà đi như không có nhà để về.



Mọi người đều có thừa, riêng ta như thiếu thốn; lòng ta ngu muội, đần độn thay!



Người đời sáng rõ, riêng ta tối tăm; người đời trong trẻo, riêng ta hỗn độn, như sóng biển nhấp nhô, như gió vèo vèo không ngừng.



Mọi người đều có chỗ dùng, riêng ta ngoan cố mà bỉ lậu. Riêng ta khác người, mà quí mẹ nuôi muôn loài (tức đạo).



*



Chương này có nhiều bản, nếu dẫn hết những chỗ khác nhau thì quá rườm.



Bốn chữ đầu “tuyệt học vô ưu”, Trần Trụ bảo nên để ở đầu chương trên, Hồ Thích bảo nên để ở cuối chương trên. Để ở đâu cũng khó ổn.



Rồi cả đoạn đầu, ý nghĩa cũng tối tăm, cơ hồ không liên lạc gì với đoạn dưới. “Cái người ta sợ” là cái gì? Và cái gì “rộng lớn thay”?



Mỗi nhà rán đưa ra một thuyết. Có người bảo là sợ cái học vì nó mênh mông, không sao hết được. Giảng như vậy thì bốn chữ “tuyệt học vô ưu” không chơi vơi nữa.



Nhưng có nhà lại bảo: sợ đây là sợ để lộ cái sáng suốt, tài năng của mình ra, mà sẽ bị người đời đố kị; còn rộng lớn là cái đạo rộng lớn, người đời không sao hiểu hết được.



Cả hai giả thuyết đó đều không dựa vào cái gì chắc chắn cả. Chúng tôi xin tồn nghi, chỉ dịch sát từng chữ, để độc giả muốn hiểu sao thì hiểu.



Đoạn dưới tả chân dung một người đắc đạo: cực sáng suốt thì như ngu độn.



Cũng như chương 15, chương này không chắc là lời của Lão tử .



21



孔德之容 , 惟道是從 .

道之爲物 , 惟恍惟惚 ; 惚兮恍兮 , 其中有象 ; 恍兮惚兮 , 其中有物 . 窈兮冥兮 , 其中有精 ; 其精甚眞 , 其中有信 .

自古及今 , 其名不去 , 以閱眾甫 . 吾何以知眾甫之狀哉 ? 以此 .



*



Khổng đức chi dung, duy đạo thị tòng.



Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt; hốt hề hoảng hề, kì trung hữu tượng; hoảng hề hốt hề, kì trung hữu vật. Yểu hề minh hề, kì trung hữu tinh; kì tinh thậm chân, kì trung hữu tín.



Tự cổ cập kim, kì danh bất khứ, dĩ duyệt chúng phủ. Ngô hà dĩ tri chúng phủ chi trạng tai. Dĩ thử.



*



Những biểu hiện của đức lớn đều tùy theo đạo (vì đạo là bản thể của đức, đức là tác dụng của đạo).



Đạo là cái gì chỉ mập mờ, thấp thoáng; thấp thoáng mập mờ mà bên trong có hình tượng; mập mờ, thấp thoáng mà bên trong có vật; nó thâm viễn, tối tăm mà bên trong có cái tinh túy; tinh túy đó rất xác thực, và rất đáng tin.



Từ xưa đến nay, đạo tồn tại hoài, nó sáng tạo vạn vật. Chúng ta do đâu mà biết được bản nguyên của vạn vật? Do cái đó (tức đạo).



*



Câu đầu, có người hiểu là: ngôn ngữ, cử động của người có đức lớn đều tùy theo đạo.



Chữ tinh (kì trung hữu tinh) trong đoạn thứ nhì có thể hiểu là nguyên lí và nguyên chất của mọi vật. Chữ tín ở sau [10] , có người dịch là hiệu năng, diệu dụng (efficience).



Đoạn cuối: chữ danh (tên) có người cho là trỏ bản thể của đạo.



Chương này cho ta biết thêm về đạo. Quan trọng nhất là những chữ “kì trung hữu tinh, kì tinh thậm chân, kì trung hữu tín”. Nhờ cái tinh đó mà đạo sinh ra vạn vật. Nhưng cái tinh đó hữu hình hay vô hình?



Không có gì cho chúng ta biết chắc được. Có lẽ nó vừa là nguyên lí, vừa là nguyên chất .



22



曲則全 , 枉則直 , 窪則盈 , 敝則新 , 少則得 , 多則惑 .

是以聖人抱一爲天下式 . 不自見故明不自是故彰 ; 不自伐 , 故有功 ; 不自矜故長 . 夫唯不爭故天下莫能與之爭 . 古之所謂曲則全者 , 豈虛言哉 ! 誠全而歸之 .



*



Khúc tắc toàn, uổng tắc trực, oa tắc doanh, tệ tắc tân, thiểu tắc đắc, đa tắc hoặc.



Thị dĩ thánh nhân bão nhất vi thiên hạ thức. Bất tự hiện cố minh bất tự thị cố chương; bất tự phạt, cố hữu công; bất tự căng cố trướng (hoặc trưởng). Phù duy bất tranh cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh. Cổ chi sở vị khúc tắc toàn giả, khởi hư ngôn tai! Thành toàn nhi qui chi.



*



Cong [chịu khuất] thì sẽ được bảo toàn, queo thì sẽ thẳng ra, trũng thì sẽ đầy, cũ nát thì sẽ mới, ít thì sẽ được thêm, nhiều thì sẽ hóa mê.



Vì vậy mà thánh nhân [thánh ở đây hiểu theo quan niệm của Lão] ôm giữ lấy đạo [nhất đây là đạo] làm phép tắc cho thiên hạ. Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải cho nên mới chói lọi, không tự kể công cho nên mới có công, không tự phụ cho nên mới trường cửu [hoặc hơn người]. Chỉ vì không tranh với ai cho nên không ai tranh giành với mình được.



Người xưa bảo: “Cong thì sẽ được bảo toàn”, đâu phải hư ngôn! Nên chân thành giữ vẹn cái đạo mà về với nó.



*



Câu cuối: “Thành toàn nhi qui chi” có người dịch là:



- Thực vẹn đủ nên theo về.



- Nếu thành thật hoàn toàn thì ai cũng về với mình.



- Do đó mà mình giữ được toàn vẹn.



- Thực giữ được vẹn cái đạo chuyên đạo cũng giữ được vẹn cho mình mà mình về với đạo.



Các nhà bình giải đều cho rằng bốn hoặc cả sáu châm ngôn trong câu đầu: khúc tắc toàn , uổng tắc trực , oa tắc doanh , tệ tắc tân , thiểu tắc đắc , đa tắc hoặc đều là thành ngữ trong dân gian đã có từ xưa. Họ bảo rằng: “Lão tử thích chủ trương thuyết tương đối, nên thường nói ngược với người đời, nhu tri kì hùng, thủ kì thư, tri kì bạch, thủ kì hắc, tri kì vinh, thủ kì nhục (chương 28). Ở đây cũng vậy. Người ta ai cũng muốn được toàn vẹn, thẳng, đầy, mới, có nhiều, riêng ông, cái gì người ta bỏ: cong, queo, trũng, cũ nhát, ít, thì ông lại coi trọng”.



Đạo vốn khiêm, nhu, người giữ đạo cũng phải khiêm nhu: cong, queo, tức là nhu, trũng, cũ, ít tức là khiêm. Khiêm nhu thắng được tự phụ cương cường. Đó là một lẽ. Còn lẽ nữa là trong vũ trụ không có cái gì bất di bất dịch, thịnh rồi suy, đầy rồi vơi, cho nên bây giờ ở vào trạng thái cong queo thì sau sẽ bảo toàn được sẽ thẳng ra; bây giờ ở vào trạng thái thấp trũng, cũ nát, ít thì sau sẽ được đầy, mới, nhiều.



Những kinh nghiệm đó thuộc vào cái túi khôn chung của nhân loại, chẳng riêng của Trung Hoa; Lão tử chỉ có công nhấn mạnh và coi trọng nó hơn những người khác và sắp đặt thành một hệ thống mà dùng đạo, tức luật thiên nhiên làm cơ sở.



23



希言自然 .

故飄風不終朝 , 驟雨不終日 . 孰爲此者 ? 天地 . 天地尚不能久 , 而況於人乎 ?

故從事於道者 , 同於道 ; 德者 , 同於德 ; 失者 , 同於失 . 同於道者 , 道亦樂得之 ; 同於德者 , 德亦樂得之 ; 同於失者 , 失亦樂得之 .

信不足焉 , 有不信焉 .



*



Hi ngôn tự nhiên.



Cố phiêu phong bất chung triêu, sậu vũ bất chung nhật. Thục vi thử giả? Thiên địa. Thiên địa thượng bất năng cửu, nhi huống ư nhân hồ?



Cố tòng sự ư đạo giả, đồng ư đạo; đức giả, đồng ư đức; thất giả, đồng ư thất. Đồng ư đạo giả, đạo diệc lạc đắc chi; đồng ư đức giả, đức diệc lạc đắc chi; đồng ư thất giả, thất diệc lạc đắc chi.



Tín bất túc yên, hữu bất tín yên.



*



Ít nói thì hợp với tự nhiên (với đạo).



Cho nên gió lốc không hết buổi sáng, mưa rào không suốt ngày. Ai làm nên những cái ấy? Trời đất. Trời đất còn không thể lâu được, huống hồ là người?



Cho nên theo đạo thì sẽ hòa đồng với đạo; theo đức thì sẽ hòa đồng với đức; theo sự mất đạo mất đức thì sẽ là một với “mất”. Hòa đồng với đạo thì sẽ vui được đạo; hòa đồng với đức thì sẽ vui được đức; là một với “mất” thì sẽ vui với “mất”.



Vua không đủ thành tín thì dân không tin.



*



Chữ thất (mất) trong đoạn nhì có lẽ là chữ thất trong chương 38: thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ; và có thể hiểu là sự mất đạo, mất đức. Theo sự mất đạo mất đức tức là theo nhân, nghĩa, lễ, theo cách trị dân của Khổng Giáo. Lão tử cho cách đó là thấp.



Câu “đồng ư đạo giả, đạo diệc lạc đắc chi”, có thể hiểu là hòa đồng với đạo thì đạo cũng vui được ta mà hòa đồng với ta. Như vậy là nhân cách hóa đạo. Hai câu sau cũng vậy. Hiểu theo cách này với hiểu như chúng tôi đã dịch, chung qui cũng không khác nhau.



Câu cuối đã có ở chương 17. Ở đây vì không chắc là nói về việc trị dân, cho nên có thể dịch là:



- Lòng tin ở đạo không đủ, cho nên có sự không tin,



- Hoặc mình không tin mình thì người không tin mình, dẫu có nói nhiều cũng vô ích; như vậy ứng với câu đầu: nên ít nói để hợp với đạo.



Chương này, xét từng câu thì nghĩa dễ hiểu. Nhưng tìm liên lạc giữa các ý thì rất khó, mỗi người đưa ra một cách giảng; cách nào cũng không xuôi. Chẳng hạn có người giảng:



Người học đạo phải hòa đồng với đạo mà đạo tức thiên nhiên không nói (trời đất nói gì đâu mà mọi vật đều thành tựu), vậy ta cũng nên ít nói, đừng để “nổi” lên những cơn mưa bão trong lòng” (!). Hòa đồng với đạo thì sẽ vui được đạo; muốn vậy phải dốc lòng tin đạo.



24



企者不立 , 跨者不行 . 自見者不明 , 自是者不彰 , 自伐者不功 , 自誇者不長 . 其於道也曰 : 餘食贅行 , 物或惡之 , 故有道者不處 .





*



Xí giả bất lập, khoá giả bất hành. Tự hiện giả bất minh, tự thị giả bất chương, tự phạt giả bất công, tự khoa giả bất trường. Kì ư đạo dã viết: dư thực chuế hành, vật hoặc ố chi, cố hữu đạo giả bất xử.



*



Kẻ kiểng chân không đứng được (vững), kẻ xoạc cẳng không đi được (lâu), kẻ tự biểu hiện thì không sáng tỏ, kẻ tự cho là phải thì không chói lọi, kẻ tự kể công thì không có công, kẻ tự phụ thì không trường cửu. Đối với đạo thì những thái độ đó là “những đồ ăn thừa, những cục bướu, ai cũng ghét”. Cho nên kẻ theo đạo không làm như vậy.



*



Ý trong câu thứ nhì: “Tự hiện giả minh... tự khoa giả bất trường” đã được diễn trong chương 22.



Câu thứ ba, nhiều nhà cho chữ hành 行 với chữ hình 形 đọc giống nhau, dùng thay cho nhau được. Chúng tôi theo chủ trương đó. Có người dịch là việc làm, chuế hành là việc làm thừa, như kiểu vẽ rắn thêm chân.



25



有物混成 , 先天地生 . 寂兮 , 寥兮 , 獨立而不改 , 周行而不殆 , 可以爲天地母 . 吾不知其名 , 字之曰道 , 强 爲之名曰大 .

大曰逝 , 逝曰遠 , 遠曰反 . 故道大 , 天大 , 地大 , 人亦大 . 域中有四大 , 而人居 [11] 其一焉 . 人法地 , 地法天 , 天法道 , 道法自然 .



*



Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên địa mẫu. Ngô bất tri kì danh, tự chi viết đạo, cưỡng vị chi danh viết đại.



Đại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản. Cố đạo đại, thiên đại, địa đại, nhân diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi nhân cư kì nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên.



*



Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng (vô thanh) trống không (vô hình), đứng một mình mà không thay đổi (vĩnh viễn bất biến), vận hành khắp vũ trụ mà không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết nó là gì, tạm đặt tên nó là đạo, miễn cưỡng gọi nó là lớn (vô cùng).



Lớn (vô cùng) thì lưu hành (không ngừng), lưu hành (không ngừng) thì đi xa, đi xa thì trở về (qui căn). Cho nên đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn. Trong vũ trụ có bốn cái lớn mà người là một. Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên.



*



Cuối đoạn đầu, “tự chi viết đạo”, “danh chi viết đại” [12] , có người dịch “đặt tên tự là đạo”, “gọi tên là lớn”. Dư Bồi Lâm bảo chữ danh ở đây có nghĩa là “hình dung”, như chữ dung trong “cưỡng vị chi dung” ở chương 15; vậy nên dịch là “miễn cưỡng tả nó là lớn”.



Đoạn sau, ba chữ “nhân diệc đại”, bản cổ nhất chép là “vương (vua) diệc đại”, nhưng dù vương hay nhân , nghĩa cũng không khác: vua là chúa của loài người, đại biểu cho loài người, vậy vua lớn, tức là loài người lớn. Phó Dịch sửa lại nhân cho hợp với câu sau: “nhân pháp địa, địa pháp thiên...”.



Câu cuối “đạo pháp tự nhiên”, chúng tôi dịch sát là: đạo bắt chước tự nhiên, nhưng phải hiểu: đạo tức là tự nhiên, đạo với tự nhiên là một, vì ngoài đạo ra không có gì khác nữa.



Chương này diễn lại vài ý trong các chương 1, chương 14, chương 16 và thêm ý này: đạo là tự nhiên.



26



重爲輕根 , 靜爲躁君 . 是以聖人終日行不離輜重 . 雖有榮觀 , 燕處超然 .

奈何萬乘之主 , 而以身輕天下 ? 輕則失根 , 躁則失君 .



*



Trọng vi khinh căn, tĩnh vi táo quân. Thị dĩ thánh nhân chung nhật hành bất li tri [13] trọng. Tuy hữu vinh quan, yến xử siêu nhiên.



Nại hà vạn thặng chi chủ, nhi dĩ thân khinh thiên hạ? Khinh tắc thất căn, táo tắc thất quân.



*



Nặng là gốc rễ của nhẹ, tĩnh là chủ của náo động. Cho nên thánh nhân (tức vua) suốt ngày đi không lìa xe chở đồ dùng (nặng) tuy được sự sang đẹp mà lòng nhàn tĩnh vượt lên cả (coi thường ngoại vật).



Ông vua một nước có vạn cỗ xe (một nước lớn) sao lại có thể lấy thân coi nhẹ thiên hạ? Nhẹ thì mất gốc rễ, náo động thì mất chủ.



*



Chữ quan trong câu nhì có thể đọc là quán ; vinh quán là chỗ ở sang trọng.



Cái gì nặng thì chế ngự được cái nhẹ; cái gì tĩnh thì chế ngự được cái náo động. Nặng, tĩnh là “thường” (trái với biến); nhẹ, náo động là biến. Người theo đạo giữ “thường” mà bỏ biến.



Lão tử khuyên các nhà cầm quyền phải dè dặt, thận trọng, và đừng để cho ngoại vật, vinh hoa phú quí làm động lòng.



27



善行無轍跡 , 善言無瑕謫 , 善數不用籌策 , 善閉無關楗而不可開 , 善結無繩約而不可解 .

是以聖人常善救人 , 故無棄人 ; 常善救物 , 故無棄物 . 是謂襲明 .

故善人者 , 不善人之師 ; 不善人者 , 善人之資 . 不貴其師 , 不愛其資 , 雖智大迷 . 是謂要妙 .



*



Thiện hành vô triệt tích, thiện ngôn vô hà trích, thiện số bất dụng trù sách, thiện bế vô quan kiện nhi bất khả khai, thiện kết vô thằng ước nhi bất khả giải.



Thị dĩ thánh nhân thường thiện cứu nhân, cố vô khí nhân; thường thiện cứu vật, cố vô khí vật, thị vị tập minh.



Cố thiện nhân giả, bất thiện nhân chi sư; bất thiện nhân giả, thiện nhân chi tư. Bất quí kì sư, bất ái kì tư, tuy trí đại mê. Thị vị yếu diệu.



*



Khéo đi thì không để lại dấu xe, vết chân; khéo nói thì không có lỗi lầm; khéo tính thì không dùng thẻ; khéo đóng thì không dùng then, róng mà mở không được; khéo buộc thì không dùng dây mà cởi không được.



Cho nên thánh nhân giỏi cứu người mà không ai bị bỏ; giỏi cứu vật mà không vật nào bị bỏ. Như vậy là sáng lòng [đức của mình và của người và vật cùng nhau sáng tỏ].



Cho nên người thiện [người đắc đạo] là thầy của người không thiện [người không đắc đạo, người thường]; người không thiện là của dùng để người thiện mượn. Không trọng thầy, không yêu của dùng thì dù cho khôn cũng là lầm lẫn lớn. Thế gọi là cốt yếu, nhiệm màu.



*



Đoạn đầu có thể hiểu là: khéo xử sự thì [thuận tự nhiên nên] không lưu lại dấu vết; khéo nói thì [trầm mặc, ít nói, nên] không lỗi lầm, khéo tính toán thì [vô tâm, vô trí nên] không dùng mưu lược; khéo lung lạc người khác thì [thành thực với người nên] không cần giam hãm người, người cũng không bỏ mình mà đi; khéo kết nạp nhân tâm thì không cần trói buộc người, người cũng không bỏ mình mà đi.



Đại ý của chương là: cứ thuận tự nhiên, đừng có tư ý, mưu mô thì dùng được mọi người, không phải bỏ ai, mình dạy cho người, người giúp đỡ lại mình mà đức mình càng thêm tỏ.



28



知其雄 , 守其雌 , 爲天下谿 ; 爲天下谿 , 常德不離 , 復歸於嬰兒 .

知其白 , 守其黑 , 爲天下式 ; 爲天下式 , 常德不忒 , 復歸於無極 .

知其榮 , 守其辱 , 爲天下谷 ; 爲天下谷 , 常德乃足 , 復歸於樸 . 樸散則爲器 , 聖人用之 , 則爲官長 , 故大制十不割 .



*



Tri kì hùng, thủ kì thư, vi thiên hạ khê; vi thiên hạ khê, thường đức bất li, phục qui ư anh nhi.



Tri kì bạch, thủ kì hắc, vi thiên hạ thức; vi thiên hạ thức, thường đức bất thắc, phục qui ư vô cực.



Tri kì vinh, thủ kì nhục, vi thiên hạ cốc; vi thiên hạ cốc, thường đức nãi túc, phục qui ư phác. Phác tán tắc vi khí, thánh nhân dụng chi, tắc vi quan trưởng, cố đại chế thập bất cát.



*



Biết trống (nam tính), giữ mái (nữ tính), làm khe nước cho thiên hạ, làm khe nước cho thiên hạ, thì cái đức vĩnh cửu bất biến sẽ không mất mà trở về trẻ thơ (hồn nhiên).



Biết trắng, giữ đen, làm phép tắc cho thiên hạ; làm phép tắc cho thiên hạ thì cái đức vĩnh cửu bất biến sẽ không sai lạc, mà trở về với vô cực (bản thể của đạo).



Biết vinh, giữ nhục, làm cái hay cho thiên hạ; làm cái hay cho thiên hạ thì cái đức vĩnh cửu bất biến sẽ đầy đủ, mà trở về mộc mạc như gỗ chưa đẽo. Gỗ chưa đẽo, xẻ ra thành đồ dùng; thánh nhân giữ thuần phác mà điều khiển trăm quan, cho nên người giỏi trị nước không chia cắt chi li.



*



Theo Cao Hanh thì 23 chữ từ “thủ kì hắc” tới “tri kì vinh” là do người sau thêm vào; ông đưa ra sáu chứng cứ: chẳng hạn chương 41 có 4 chữ: “Đại bạch nhược nhục” (rất trong trắng thì như ô nhục, không tự biểu hiện mình ra), như vậy là Lão tử đem bạch đối với nhục , chứ không đem bạch đối với hắc ; vả lại khê với cốc , nghĩa cũng như nhau, như vậy là thừa...



Nhưng đa số các bản đều giữ như cũ.



“Trống” tượng trưng tính cương, động; “mái” tượng trưng tính nhu, tĩnh. “Trắng” tượng trưng sự quang minh, “đen” tượng trưng sự hôn ám: người giữ đạo thì không tranh sự quang minh với ai mà thích ở trong bóng tối.



Câu cuối khuyên người trị dân phải hồn nhiên, chất phác, cứ tự nhiên để cho mọi vật phát triển theo tính của chúng, không đa sự, phân tích chi li.



29



將欲取天下而爲之 , 吾見其不得已 . 天下神器 , 不可爲也 , 不可執也 . 爲者敗之 , 執者 失之 .

故物或行或隨 , 或 歔 或吹 , 或强或羸 , 或挫或隳 . 是以聖人去甚 , 去奢 , 去泰 .

*



Tương dục thủ thiên hạ nhi vi chi, ngô kiến kì bất đắc dĩ. Thiên hạ thần khí, bất khả vi dã, bất khả chấp dã. Vi giả bại chi, chấp giả thất chi.



Cố vật hoặc hành hoặc tuỳ, hoặc hư hoặc xuy, hoặc cường hoặc luy, hoặc toả [14] hoặc huy. Thị dĩ thánh nhân khứ thậm, khứ xa, khứ thái.





*



Muốn trị thiên hạ mà hữu vi thì ta biết là không thể được rồi. Thiên hạ là một đồ vật thần diệu, không thể hữu vi, không thể cố chấp được. Hữu vi thì làm cho thiên hạ hỏng, cố chấp thì mất thiên hạ.



Sinh vật (người) hoặc đi trước (tích cực) hoặc đi theo (tiêu cực), hoặc hà hơi (cho ấm) hoặc thở (cho nguội), hoặc mạnh hoặc yếu, hoặc an hoặc nguy. Cho nên thánh nhân bỏ những cái gì thái quá.





*



Câu đầu, chữ thủ 取 có nghĩa là trị, như trong câu: “Thủ thiên hạ thường dĩ vô sự (trị thiên hạ nên dùng chính sách vô vi) ở chương 48. Chữ vi cũng trong câu đó, nhiều người dịch là làm theo ý mình, không thuận theo tự nhiên. Chúng tôi dịch là hữu vi cho rõ nghĩa hơn.



Câu nhì, bản của Vương Bật là tỏa 挫 (bẻ gãy), bản của Hà Thượng Công là tải 載 ; chữ huy 隳 dùng như chữ trụy 墜 . Tải là ngồi xe (được xe chở đi), trụy là té; nghĩa bóng là an và nguy.



Đại ý của chương này cũng là trị dân nên vô vi, tránh cực đoan mà cứ thuận theo tự nhiên, vì người và việc đời đổi thay vô định, không thể làm theo ý riêng của ta được.





Chú thích:

[1] Các bản khác: sĩ 士

[2] Các bản khác: yên 焉

[3] Các bản khác: dung 容

[4] Các bản khác: không có chữ tương này.

[5] Các bản khác: thêm chữ chỉ 止

[6] Các bản khác: thêm chữ cửu 乆

[7] Các bản khác: bất 不

[8] Có thể đọc là dục.

[9] Sách in “ 其未諑兆 ”(kì vị trác triệu), chắc sách in thừa chữ 諑 (trác có nghĩa là lời gièm pha) này nên tôi lược bỏ vì t rong phần phiên âm không có chữ trác , và t ôi cũng không tìm thấy chữ 諑 trong câu tương ứng trên các bản chữ Hán đang lưu hành trên mạng. Về sau tôi cũng bỏ những chữ in thừa mà không chú thích. (Goldfish).

[10] Có lẽ là: “Chữ tinh ở sau”, tức chữ tinh trong “kì tinh thậm chân”. (Goldfish).

[11] Sách in thiếu chữ 居 (cư) này. (Goldfish).

[12] Chắc sách in sai vì nguyên văn chép là: 强 爲之名曰大 , và phiên âm là: cưỡng vị chi danh viết đại. (Goldfish).

[13] Sách in là “tri”, còn Thiều Chửu phiên âm chữ 輜 là “truy”. (Goldfish)

[14] Sách in là tải , tôi sửa lại thành toả cho phù hợp với nguyên văn. (Goldfish).
Lão Tử - Đạo Đức Kinh
MỤC LỤC
PHẦN I- Chương 1
Chương 2
PHẦN II - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
PHẦN III - Chương 1
Chương 1 (B)
Chương 1 (C)
Chương 1 (D)
Chương 1 (E)