P1 - Chương 4
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
1. Bệnh mất nghị lực
Có những người bị một chứng bệnh nào nặng quá mà không làm được những cử động họ muốn làm nữa. Chẳng hạn họ khát nước lắm, đòi uống nhưng ly đã kề môi mà họ uống không được; hoặc họ muốn ký tên mà cầm bút cả nửa giờ, mím môi, nghiến răng, cố đưa ngọn bút đến toát mồ hôi mà không sao đưa nổi.
Các nhà bác học xét kỹ trường hợp các bệnh nhân ấy, thấy bắp thịt họ bình thường, trí óc họ cũng sáng suốt, mà thực hành điều đã quyết định thì không được. Có lẽ do bộ thần kinh họ hư. Nhưng bảo họ là hoàn toàn mất nghị lực thì cũng chưa hẳn vì người ta đã thấy một ông già muốn đi chơi mà tới ngưỡng cửa thì đứng trân trân, không sao bước được nữa, sau phải có người cõng đặt vào xe hơi; xe chạy và tới khi cán một người đàn bà thì lạ thay! Chính ông già ấy mở ngay cửa xe, nhảy xuống trước hết để cứu nạn nhân.
Y học hiện nay chưa giảng được bệnh ấy. Bỏ trường hợp đặc biệt và rất hiếm đó đi, còn những bệnh khác về nghị lực đều là những bệnh thông thường mà tôi chia làm ba hạng tuỳ theo bệnh về sáng kiến, về quyết định hoặc hoạt động. Sự phân loại như vậy rất miễn cưỡng – vì quyết định cũng cần sáng kiến mà hoạt động với quyết định nhiều khi không thể tách rời nhau được – song cuốn này không phải là khảo cứu về y học hay tâm lý mà có tính cách rất thực tiễn là giúp độc giả rèn nghị lực, nên tôi giữ sự phân loại ấy cho dễ trình bày.
2. Bệnh về sáng kiến, suy xét. Người nhu thuận / Người bạo loạnBệnh về sáng kiến
Như tôi đã nói, phải có sáng kiến, tự vạch con đường đi thì mới gọi là có nghị lực. Người thiếu sáng kiến là người nhu thuận, trái với nhu thuận là bạo loạn.
- Ai cũng biết có những người đàn ông mà nhu mì như đàn bà. Hồi nhỏ sống với cha mẹ thì đúng như câu tục ngữ “cha mẹ đặt đâu ngồi đấy”. Cha mẹ muốn cái gì, họ ngoan ngoãn vâng lời, không hề suy nghĩ thắc mắc về vấn đề này, vấn đề nọ, hình như họ không có cả đến cá tính nữa. Lớn lên, khi thành gia , họ để mặc vợ lo toan mọi việc, từ việc ăn mặc đến việc xử thế, nhất thiết vợ chỉ cho cả; vợ bảo bận chiếc áo này thì họ bận, bảo đeo chiếc cà vạt kia thì họ đeo, đeo xong, giá vợ có bảo cởi ra thì họ cũng cởi, chẳng hề lấy làm lạ. Có lẽ họ là những người sướng nhất đời; nhưng họ có thấy rằng họ sướng không, điều ấy còn ngờ lắm.
Không nên lầm hạng người vì quý mến cha mẹ mà vâng lời hoặc vì tính tình hợp với vợ mà hành động như vợ. Những người này tính tình bình thường, còn hạng người nhu thuận là những kẻ có bệnh mà nguyên do bệnh đó là một vài hạch nào trong cơ thể không phát triển điều hoà, cần có y sĩ chuyên môn trị mới hết.
- Trái lại, có những người nhiều sáng kiến quá đến nỗi phản kháng ý kiến của bất kỳ ai; hồi nhỏ không chịu vâng lời cha mẹ, nhất định làm theo ý mình. Hạng người đó khó thành công vì không được ai giúp, chỉ trong những thời loạn may ra làm nên, song cũng không bền. Nguyên do cũng tại một hạch nào đó phát triển quá độ.
3. Bệnh về quyết định. Người phải bắt buộc mới chịu.
Bệnh về quyết định
- Chúng ta cứ tưởng làm người ai mà không muốn được tự do; nhưng không, có những người không thích tự do: họ muốn có một quyền lực nào ép buộc họ và nếu để họ tự do thì họ chẳng chịu làm gì cả. Họ không thiếu sáng kiến, nhưng không chịu quyết định, để người khác quyết định giùm họ rồi thúc đẩy họ, họ mới miễn cưỡng chịu tiến.
Hai thi hào Baudelaire và Gérard de Nerval tiêu biểu cho hạng đó. Chỉ khi nào chủ nợ lại la ó, hoặc nhà xuất bản lại doạ nạt, hai nhà đó mới chịu viết. Họ phàn nàn rằng người ta thúc họ hoài, bắt họ viết vội viết vàng, nên văn thơ không được như ý, nhưng nếu không giục họ thì chắc chắn họ chẳng viết được gì cả mà có viết thì có lẽ cũng không hay.
Chẳng phải riêng nhiều nghệ sĩ có tâm trạng đó đâu, nhiều nhà doanh nghiệp cũng chỉ trổ tài được trong những lúc gấp rút. Hồi đi học cũng vậy, nhiều bạn trẻ đợi gần tới kỳ thi mới học; bảo họ dự bị sẵn sàng từ đầu năm đi, họ nhận là phải, song thú thực là học trước như vậy “không vô”, tinh thần không được kích thích mà thiếu minh mẫn. Những học sinh đó ra trường rồi, không còn gì bắt buộc học nữa, không phải thi cử nữa, tất liệng sách vở đi liền.
Thần kinh họ có suy nhược không? Ta không biết. Bạn ở trong trường hợp đó nên kiếm một người thân để thúc đẩy mình, và tự mình phải tập bó buộc mình (Coi chương cuối phần II).
- Lại có những người hay thay đổi quyết định quá, thành ra bất thường. Họ như con bướm, đậu bông này một chút rồi bay qua bông khác.
Nguyên nhân có thể là do họ quyết định vội vàng quá, không chịu cân nhắc kỹ, nên phải quyết định lại.
Nhưng thường khi là họ không đủ kiên nhẫn theo đến cùng. Trong trường hợp này, bệnh của họ thuộc về hoạt động hơn là về quyết định. Khi đau ốm, họ thử đủ thứ thuốc, nhưng thuốc nào họ cũng chỉ uống một hai thang, hoặc chích vài ba mũi rồi bỏ. Ra làm ăn, họ thử đủ các nghề, chưa biết kỹ nghề nào đã chán, lựa nghề khác. Người Pháp ví họ như những viên đá, lăn hoài, rêu bám vào không được.
Có khi họ không biết họ muốn gì, có lẽ vì họ không muốn gì hết, ngoài sự mới mẻ, sự thay đổi. Nếu vậy thì quả là chí họ chưa định và bệnh của họ có thể sắp vào loại “bệnh về sáng kiến”.
4. Bệnh về hoạt động - Người mê lý tưởng.
- Người không tưởng.
- Người lý sự.
- Người bi quan.
- Người ưa châm biếm.
- Người không thể chú ý được.
- Người quá hăng hái.
Bệnh về hoạt động
Trong xã hội nhan nhản những người có sáng kiến mà thực hành không được vì kém hoạt động.
- Có khi lý trí lấn áp tình cảm, ý tưởng lấn áp lòng muốn mà người ta thiếu hoạt động. Đó là trường hợp những người mê lý tưởng. Họ chẳng làm việc gì hết vì thấy chẳng có việc gì đáng làm; hoặc nếu có việc đáng làm thì họ đợi cho có đủ điều kiện này, điều kiện nọ để làm cho được hoàn toàn, rồi mới chịu làm.
Bạn rủ họ đi chơi Huế, họ đáp:
- Huế rất đẹp, có nhiều di tích, cảnh lại nên thơ, nên đi lắm; nhưng trước khi thăm Huế, phải coi hết những tích ở Bắc Việt đã, rồi lần theo bước đường Nam tiến của tổ tiên mà tới Huế. Lại phải thu thập đủ tài liệu về Huế đã chứ!
Bạn thấy họ hiểu biết nhiều về hội hoạ, hỏi họ sao không viết sách phổ thông môn đó, họ cười:
- Viết thì phải viết cho đàng hoàng, không có chỗ chê. Phải thu thập đủ các bức danh hoạ cổ kim, đông tây rồi in hình màu trên giấy láng để độc giả thưởng thức. Một cuốn như vậy bán mấy ngàn đồng, ai mua?
Họ luôn luôn có luận điệu đó, nên họ có thể rất thông minh mà hoàn toàn bất lực, vô ích cho xã hội.
- Khi lý tưởng của họ không có tính cách thực tế thì họ hoá ra không tưởng. Chẳng hạn họ nặn óc, lập những chương trình vĩ đại để diệt tận gốc chiến tranh trong hai mươi bốn giờ hoặc để diệt nạn mù chữ trên khắp thế giới trong nửa tháng. Họ mơ mộng viễn vông như vậy và gặp ai cũng đem ra bàn, bắt mọi người phải nghe và phải góp ý, nghĩa là phải khen vì họ không chịu ai chê họ hết.
- Có người lý luận chu đáo quá đến nỗi không muốn hoạt động nữa. Họ nghèo, vợ con nheo nhóc, bảo họ làm nghề này nghề nọ để kiếm tiền, thì họ trầm ngâm suy nghĩ, tính toán từng li từng tí, đoán trước mọi sự trở ngại, mọi sự khó khăn xa hay gần, có thực hay tưởng tượng.
Mở một quán tạp hoá ở đầu đường ư? Ừ, ý đó có vẻ được đấy; nhưng để tính xem nào, có thành công được không đã chứ. Khu này, dân cư nghèo mà đã có ba tiệm tạp hoá rồi, mình mở thêm nữa, e không có lợi.
Họ lý luận có vẻ xác đáng lắm, nhưng hình như chỉ ráng lý luận để chứng thực rằng chẳng nên làm gì cả. Tôi gọi họ là hạng lý sự.
Thường thường hạng này hay bi quan, chỉ tưởng tượng toàn những nỗi khó khăn, làm ruộng thì sợ trâu chết, sợ nước lụt, sợ chuột, sợ còng; buôn bán thì sợ dân nghèo không có tiền mua, sợ giá hàng sẽ lên, khó bán, sợ người ta ăn cắp ăn nảy…
Tệ hại nhất là khi họ đã chẳng làm gì mà còn châm biếm những người làm được việc. Họ đi đâu cũng kiếm cách giội những thùng nước lạnh vào lòng hăng hái của kẻ khác. Bạn giúp đỡ một gia đình nghèo ư? Họ bảo: còn những gia đình này nọ nghèo hơn, sao không giúp? Sao không giúp hết những kẻ khốn khó ở Bắc, ở Trung, ở châu Phi, châu Mỹ? Bạn hăng hái viết sách, họ hỏi: “Viết cho ai đọc đấy? Tính xem bán được năm trăm cuốn không? Kiếm được bao nhiêu tiền? Công phu sáu tháng có bằng một cú áp phe của người này người nọ không? Hay là tiên sinh muốn lưu danh thiên cổ đấy?…”
- Nhưng có một số người rất đáng thương. Họ không thể làm được việc gì vì không thể chú ý được lâu. Xưa nay, có lẽ chưa có người đa tài bằng Coleridge, sinh ở nước Anh cuối thế kỷ 18. Ông lý luận giỏi hơn các triết gia, tưởng tượng phong phú như một thi sĩ, và có nhiều sáng kiến kỳ dị. Vấn đề nào ông cũng hiểu rõ, làm cho hết thảy các người đương thời phải bái phục. Người ta bảo ông có hàng trăm dự định mà chẳng chịu thực hành một dự định nào cả. Một lần, ông xuất khẩu thành nhiều bài thơ rất hay, đọc cho một nhà xuất bản nghe. Người này chịu trả trước cho một số tiền, còn bao nhiêu hễ ông chép xong những bài thơ đó là trả nốt. Chỉ có việc chép lại mà ông làm cũng không được, cứ mỗi tuần lại quỵ luỵ, khúm núm năn nỉ nhà xuất bản thí cho một số tiền để tiêu. Thực nhục nhã. Có phải tại ông nghiện rượu và thuốc phiện từ hồi trẻ mà mắc chứng bệnh nghị lực đó không?
- Những hạng người kể trên, vì lẽ này hay lẽ khác mà thiếu hoạt động, còn hạng người dưới đây mắc tật ngược lại là hăng hái quá trong khi hoạt động.
Họ không hề biết do dự, luôn luôn quyết định rất mau, rồi thực hành liền, không bao giờ lùi bước. Người ta bảo họ lầm lẫn, họ không chịu, cứ tiến tới, gần như mù quáng, không thấy trở ngại rành rành trước mắt. Họ độc tài, không nghe ai và bắt mọi người theo mình. Đôi khi họ thành công rực rỡ song thường thì thất bại. Họ có nhiều nghị lực quá và đó cũng là một thứ bệnh. Họ làm nô lệ nghị lực của họ, nhắm mắt đưa đầu đi trước. Người biết kiên nhẫn, tuỳ cơ ứng biến mới là khôn, còn họ chỉ là hạng cuồng, xuẩn.
TÓM TẮT
Trừ trường hợp rất hiếm của những người vì mắc một bệnh nào nặng đến nỗi mất nghị lực trong một thời gian, còn thì ai cũng có nghị lực và những người tưởng rằng mình thiếu nghị lực, thực ra chỉ là có bệnh về nghị lực.
Những bệnh đó có nhiều loại, hoặc thuộc về óc sáng kiến, suy xét hoặc về sự quyết định, sự hoạt động. Ta nên xem bệnh nghị lực của ta thuộc về loại nào mà tìm cách trị bằng y học hay tâm lý.