watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Quả Đất - Quê Hương-Các vấn đề hiển nhiên thứ yếu - tác giả Nguyễn Hồi Thủ Nguyễn Hồi Thủ

Nguyễn Hồi Thủ

Các vấn đề hiển nhiên thứ yếu

Tác giả: Nguyễn Hồi Thủ

Tiến trình đôi: đối địch và liên kết,
Sự liên đới và Ban-căng hoá địa cầu

Hình thức Nhà nước - quốc gia đã rõ nét bắt đầu ở một số nước Âu châu từ thế kỷ XVII đến XVIII. Vào thế kỷ XIX, hình thức này đã lan ra trên lục địa Âu châu và Nam Mỹ. Thế kỷ XX đã phổ biến mô hình này lên khắp châu Âu (với sự sụp đổ của đế quốc Ôt-tô-man, đế quốc áo-Hung rồi Liên xô), và trên khắp thế giới (với sự tan rã của các đế quốc thực dân Anh, Pháp, Hà lan, Bồ Đào Nha). Toàn bộ thành viên Liên hiệp quốc hôm nay quy tụ khoảng gần 200 Nhà nước có chủ quyền.
Những Nhà nước - quốc gia đầu tiên (Pháp, Anh, Tây Ban Nha) bắt đầu bằng tập hợp và sáp nhập những chủng tộc khác nhau vào trong một không gian văn minh rộng lớn hơn, ở đó dần dần hình thành và phát triển một tính thống nhất dân tộc. Những quốc gia đa chủng tộc hình thành ở thế kỷ XX đã không có đủ thời gian lịch sử cần thiết để nhất thể hóa và sẽ tan rã khi mất đi sợi dây trói buộc dùng để duy trì sự thống nhất của chúng như trường hợp điển hình là Nam-tư. Nhiều Nhà nước - quốc gia đã được thành lập sau khi các sắc tộc giành được chủ quyền từ ách thống trị của một đế quốc, và trong số những sắc tộc từ bao đời đã đan, quyện vào nhau này, rất nhiều cộng đồng còn mang trong chúng những dân tộc thiểu số. Từ đó bắt nguồn không biết bao nhiêu xung đột và lòng cuồng nhiệt dân tộc chủ nghĩa đôi khi nổ bùng, đôi khi âm ỉ dưới sự đè nén của những cường quốc.
Trong thế kỷ XX, cái khát vọng thành lập một quốc gia với guồng máy Nhà nước ở nơi mà trước kia chỉ có một chủng tộc là một khát vọng ngày càng không cưỡng lại được. Nguyện vọng này thường đi ngược lại những thực tế hoặc những quyền lợi kinh tế, nó chứng tỏ đòi hỏi này còn có những nguyên do khác (nhu cầu tự chủ và tự khẳng định, nhu cầu tìm về nguồn gốc cộng đồng).
Một hiện tượng lạ lùng càng ngày càng phổ biến là sự bén rễ hoặc tái bén rễ về phương diện sắc tộc hay tôn giáo lại kết tinh trên hình thức Nhà nước - quốc gia. Để có thể hiểu được vấn đề này ta phải thấy rằng khái niệm Nhà nước - quốc gia có chất chứa một nội dung thần thoại / tình cảm cực kỳ nóng bỏng. Tổ quốc là một từ ngữ lưỡng tính gồm ở trong nó cả mẫu và phụ hệ. Cái kết hợp mẫu - ái quốc đem đến giá trị của người mẹ cho nước mẹ, đất mẹ và dĩ nhiên cả tình yêu đối với nó và cũng đem lại quyền lực của người cha cho Nhà nước mà đối với nó ta phải phục tùng vô điều kiện. Sự thuộc về cùng một tổ quốc thể hiện được cái hình thức cộng đồng anh em nơi những đứa con tổ quốc (1). Tình cảm anh em thần thoại này có thể tụ hợp lại dưới trướng nó hàng triệu người chẳng có liên hệ huyết thống gì với nhau. Và như thế là quốc gia đã phục hồi được trong kích thước hiện đại cái tình cảm ấm áp của quan hệ gia đình, họ tộc hay bộ lạc đã mất đi vì chính nền văn minh hiện đại vốn có khuynh hướng phân hoá con người thành những cá nhân riêng rẽ. Nó khôi phục lại nơi người lớn cái liên hệ của đứa trẻ giữa gia đình đầm ấm và che chở. Cùng một lúc, nhà nước đem lại bạo lực, vũ khí, uy quyền, tự vệ. Lúc đó, những cá nhân đang không biết mình ở đâu trước những nguy cơ hiện tại hoặc tương lai đã tìm thấy được ở Nhà nước - quốc gia sự an toàn và cái cộng đồng mà họ chờ đợi.
Thật là ngược đời khi chính bản thân kỷ nguyên toàn cầu lại cho phép và thúc đẩy sự manh mún hoá thế giới này thành những Nhà nước - quốc gia. Thật vậy, sự đòi hỏi thành lập quốc gia được thúc đẩy bởi một phong trào tìm về với nguồn gốc bản sắc tổ tiên, một trào lưu nhằm chống lại khuynh hướng đồng chất hoá của văn minh toàn cầu. Và sự khủng hoảng tương lai đang lan rộng lại càng đẩy mạnh đòi hỏi này. Cùng một lúc với phong trào tìm về với nguồn gốc gia đình / thần thoại trong quá khứ, Nhà nước - quốc gia còn cho phép tổ chức hiện tại và đương đầu với tương lai. Chính qua nó mà kỹ thuật, bộ máy hành chính, quân đội sẽ thực hiện được thế lực và quyền uy cho cộng đồng. Vì vậy, Nhà nước - quốc gia đáp ứng một đòi hỏi xa xưa mà thời hiện đại đã mang về, đồng thời đáp ứng một thôi thúc hiện đại đang muốn làm sống lại cái đòi hỏi cổ sơ.
Dĩ nhiên, qua sự đổ vỡ của các đế quốc, kể cả đế quốc Liên xô gần đây, sự tan rã thành nhiều quốc gia và ngay cả những quốc gia cực nhỏ đã có tính cách giải phóng và sự tìm về với nguồn gốc chủng tộc hay dân tộc cũng chứa đựng những tiềm năng đổi mới. Nhưng những Nhà nước - quốc gia nhiều sắc tộc, vừa thoát thai từ những đế quốc tan vỡ, lại chưa có đủ thời gian lịch sử để dung hợp các sắc tộc hoặc các dân tộc thiểu số của chúng, điều này cũng trở thành nguồn gốc của xung đột và chiến tranh. Cái mà các thành quốc hoặc các đế quốc có thể dung dưỡng thì bây giờ Nhà nước - quốc gia lại chà đạp, đánh đuổi hoặc tiêu diệt: đó là dân tộc thiểu số. Tính chất tuyệt đối về chủ quyền, sự chối từ tất cả các quyết định đến từ những cấp cao hơn chúng, tính cách mù quáng, xung đột và nhiều khi điên rồ của những quan hệ giữa các Nhà nước với nhau, cộng với sự yếu kém cơ bản của mầm mống một cơ cấu siêu quốc gia, vừa phiến diện vừa thiên vị là Liên hiệp quốc; tất cả những thứ này đã gây ra khắp nơi một sự Ban-căng hoá ngay vào lúc mà kỷ nguyên toàn cầu không những đòi hỏi một sự liên kết các Nhà nước - quốc gia lại mà đối với những vấn đề sinh tử liên quan đến nhân loại về mặt tổng thể còn cần vượt qua cả cái chủ quyền tuyệt đối của chúng nữa.
Trên thực tế, sự sinh sôi nẩy nở của Nhà nước - quốc gia mới này đã ngăn chặn sự thành lập những hình thức hợp bang hoặc liên bang lớn rất cần thiết cho các vấn đề hỗ tương liên đới càng ngày càng gia tăng. Vì vậy sau khi đã làm xong nhiệm vụ lịch sử phong phú là dựng lên những không gian văn minh lớn hơn các thành quốc và chặt chẽ hơn các đế quốc, Nhà nước - quốc gia với chủ quyền tuyệt đối là một sức mạnh cưỡng chế trên mọi mặt, lại bẻ gẫy gần như khắp nơi những khả năng kết hợp (3) và cản trở sự hình thành những cơ cấu hợp tác siêu quốc gia.
Dù sao đi nữa, các Nhà nước - quốc gia, ngay cả những Nhà nước - quốc gia lớn gồm nhiều chủng tộc từ đây đã trở thành quá bé nhỏ đối với những vấn đề bắt đầu trở thành liên và siêu quốc gia: vấn đề kinh tế, phát triển, văn minh kỹ thuật công nghiệp, vấn đề đồng chất hoá những lối và cách sống, vấn đề tan vỡ của một thế giới nông dân có lịch sử lâu đời, vấn đề sinh thái, ma tuý v.v.. là những vấn đề toàn cầu vượt khỏi tầm tay một dân tộc. Vì vậy sự bế quan toả cảng, sự Ban-căng hoá khắp nơi đã gây nên một vài trong những hiểm họa chính của cuối thiên niên kỷ này.
Qua những đối kháng giữa các quốc gia, những đối kháng tôn giáo lại tái sinh, nhất là trong những vùng vừa chồng chéo vừa đứt đoạn như ấn độ/Pa-kít-xtan và Trung đông. Đối kháng giữa hiện đại/truyền thống càng trở thành trầm trọng hơn và biến thành đối kháng giữa tính hiện đại/ nguyên giáo chủ nghĩa. Đối kháng chính trị dân chủ/ cực quyền cũng giảm thiểu để nhường chỗ cho một đối kháng ác liệt hơn: dân chủ/ độc tài. Đối kháng Tây phương/Đông phương vừa sống nhờ vào những đối kháng này lại vừa nuôi dưỡng nó, cũng như đối kháng Bắc/Nam mà trên đó còn chồng chéo thêm những xung đột kinh tế, quyền lợi chiến lược của những cường quốc. Tất cả những đối kháng này đã gặp nhau trong những vùng động đất lớn của quả đất (trong đó có vùng kéo từ Acménia/Azecbaizan đến Xu-đăng) và tập trung ở khắp nơi có những tôn giáo và chủng tộc xen kẽ, có biên giới giữa các nước bị chia cắt một cách tuỳ tiện, có tình thế đối địch cuồng nhiệt và bất chấp mọi trật tự như ở Trung đông.
Cuối cùng chúng ta cũng có thể nhắc đến ba cuộc khủng hoảng đã tạo ra một vùng áp thấp từ Gdansk (Gơ-đanxk) đến Vladivostok (Vla-đi-vô-xtốc):
- Khủng hoảng chính trị ở những nơi mà chế độ cực quyền sau khi tan rã chỉ đưa đến tình trạng tập quyền thống trị bất quá chỉ nhường chỗ cho vài mầm mống dân chủ rất mờ nhạt và bấp bênh.
- Khủng hoảng kinh tế làm người dân đột nhiên bị mất đi sự an toàn và đời sống tối thiểu mà thể chế cũ đã bảo đảm cho họ, trong khi họ vẫn chưa thấy được những lợi ích mơ ước từ lâu.
- Khủng hoảng quốc gia nơi những sắc dân sau khi đã đòi được chủ quyền quốc gia lại quay ra chống đối và đàn áp những thiểu số ở trong nội bộ của chúng vì những thiểu số này cũng đòi hỏi những quyền tương tự. Điều này làm chủ nghĩa dân tộc bùng nổ đến cực độ. Ba cuộc khủng hoảng này nuôi dưỡng lẫn nhau: khủng hoảng kinh tế đẩy mạnh những cuồng loạn dân tộc chủ nghĩa và cả hai thứ đều tạo cơ hội cho những chính thể độc tài lên nắm quyền. Như triết gia người It-xra-en Leibovitz (Lây-bô-vít) đã nói: "Người ta dễ dàng từ chủ nghĩa nhân đạo ngả sang chủ nghĩa dân tộc, lại từ chủ nghĩa dân tộc sang chủ nghĩa thú vật"
Chúng ta mới chỉ ở vào lúc đầu của giai đoạn hình thành cơn bão lịch sử về khủng hoảng, thổi ở mức độ chưa ác liệt lắm, và người ta chưa biết cái gì cuối cùng sẽ xẩy ra ở Âu châu khi trào lưu kết hợp của Tây phương gặp làn sóng phân liệt từ Đông phương đến.
Cùng lúc đó, Phi châu đã khủng hoảng (4) càng thấy tình thế của mình trở nên tệ hại hơn vì sự sụp đổ của các chính thể độc tài kiểu xã hội chủ nghĩa, vì bất lực trong việc dân chủ hoá chúng, vì sự rút lui của vốn đầu tư Tây phương, vì sự yếu kém hay thối nát của bộ máy hành chính, và vì không khí chiến tranh không ngừng nghỉ giữa các bộ lạc hay tôn giáo, tất cả đưa đến một tình cảnh điêu tàn, đói khổ ngày càng trầm trọng ở Sô-ma-li, Ê-ti-ô-pi, Xu-đan, Mô-dăm-bíc.
Lục địa châu á cũng không thoát khỏi những bất ổn và biến động hoặc chiến tranh sắc tộc tại Trung quốc hay ấn-độ thường vẫn kéo theo những tai biến nhân loại lớn lao.
Như vậy thế kỷ XX đã cùng một lúc tạo nên và xé ra thành từng mảnh cái mạng lưới tổ chức duy nhất của quả đất, những mảng này tự cô lập, gây hấn, đánh lẫn nhau như thể chỉ muốn huỷ diệt cái hệ thống tổ chức mà nếu không có nó chúng sẽ không thể nào tồn tại và phát triển được.
Trên vũ đài thế giới, những quốc gia chiếm được vị thế chủ đạo không kể hùng mạnh hay yếu đuối đều đóng vai thô bạo và điên dại. Làm sao có thể vượt qua được cái thời đại dã man này?
Khủng hoảng về tương lai lan rộng
Châu Âu đã gieo rắc trên toàn thế giới niềm tin vào sự tiến bộ. Những xã hội bị tách rời khỏi truyền thống không còn nhìn tương lai với đôi mắt đã nhìn những bài học quá khứ nữa, chúng chỉ thấy trước mắt một tương lai huy hoàng và hứa hẹn. Thời gian là một chuyển động đi lên. Sự tiến bộ được đồng hoá với chính bước tiến của lịch sử nhân loại và nó được dương cao bằng sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, của lý tính. Sự mất mát những liên hệ với quá khứ được thay thế, bù lại bằng món lợi của việc thu ngắn được đoạn đường trước mặt. Lòng tin mới mẻ vào sự phát triển, tiến bộ, vào tương lai đã trùm lên khắp quả đất. Lòng tin này là nền móng chung cho hệ tư tưởng dân chủ-tư bản chủ nghĩa Tây phương, nơi sự tiến bộ mang lại cho con người của cải, sự sung túc ở trên đời và cũng là nền móng cho hệ tư tưởng cộng sản, một thứ tôn giáo cứu thế đến độ nó đã hứa hẹn một thiên đường xã hội chủ nghĩa.
Sự tiến bộ đã bị khủng hoảng đến hai lần trong tiền bán thế kỷ XX, qua hai trận thế chiến man rợ làm đụng độ và suy thoái những quốc gia tiên tiến nhất. Nhưng cái tôn giáo tin tưởng vào tiến bộ vẫn lại tìm thấy được phương thuốc giải độc để củng cố niềm tin của nó ở ngay chỗ mà đáng lẽ phải làm cho nó sụp đổ. Những ghê rợn của hai trận thế chiến chỉ được xem như phản ứng của hành vi man rợ kiểu cũ. Thậm chí như những báo hiệu ghê rợn của một tương lai chân hạnh phúc. Đối với những nhà cách mạng thì bao ghê rợn đó chỉ là hậu quả gây ra do những cơn vật vã của chủ nghĩa tư bản cùng chủ nghĩa đế quốc và điều này chẳng ảnh hưởng gì đến hứa hẹn của tiến bộ. Đối với những nhà theo thuyết tiến hoá, những cuộc chiến tranh này chỉ là những giai đoạn lệch hướng, chúng chỉ làm ngưng bước tiến lại một thời gian. Rồi khi chủ nghĩa quốc-xã và chủ nghĩa cộng sản kiểu Xta-lin nắm được quyền hành thì tính chất man rợ của nó lại được ngụy trang bởi những điều hứa hẹn kiểu xã hội chủ nghĩa của chúng về phồn vinh và hạnh phúc.
Sau chiến tranh 1945 lại bắt đầu tái hiện một cách mạnh mẽ những hy vọng về tiến hộ. Một tương lai tuyệt vời được phục hồi trong viễn tượng huy hoàng như chủ nghĩa cộng sản hứa hẹn, hoặc trong viễn tượng một tương lai yên bình và phồn vinh như viễn ảnh một xã hội công nghiệp hứa hẹn. Khắp nơi ở thế giới thứ ba, ý niệm phát triển đã cho con người cái cảm tưởng là nó sẽ tất yếu giúp họ trong tương lai phá bỏ hết tất cả những gông cùm đang đè nặng lên thân phận con người.
Nhưng tất cả đều bắt đầu lung lay từ năm 1970. Cái tương lai sán lạn bị đổ nhào : cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đã cho thấy bộ mặt dễ sợ của nó tại Liên xô, Việt nam, Căm-pu-chia và ngay cả ở Cu-ba, từ lâu vốn được xem là thiên đường của chủ nghĩa xã hội thu nhỏ. Rồi sau đó hệ thống cực quyền ở Liên-xô đã nổ bùng và khắp nơi lòng tin vào tương lai xã hội chủ nghĩa đều thối rữa. Về phía Tây phương, tiếp theo cuộc khủng hoảng văn hoá năm 1968, sự sa lầy kinh tế năm 1973 đã đưa đến một giai đoạn suy thoái lâu dài. Cuối cùng ở thế giới thứ ba, những thất bại trên đường phát triển đã đưa đến những thoái bộ, dẫm chân tại chỗ, chết đói, nội chiến, chiến tranh giữa các bộ lạc và giữa các tôn giáo. Những cột mốc nhắm về tương lai bỗng biến mất. Những nhà tương lai học không còn tiên đoán gì nữa và một vài người đã hạ biển (5). Con tầu trái đất bắt đầu đi trong đêm và sương mù.
Trong cùng thời gian đó, ngay cái cốt lõi của lòng tin vào sự tiến bộ khoa học/ kỹ thuật / công nghiệp càng ngày càng bị xói mòn một cách nặng nề. Khoa học cho thấy một tính mâu thuẫn hai mặt: sự chế ngự được năng lượng nguyên tử bằng vật lý học không chỉ có thể đưa con người đến tiến bộ mà cũng có thể đưa đến huỷ diệt. Sau hai quả bom Hi-rô-si-ma và Na-ga-da-ki, phong trào chạy đua vũ trang nguyên tử của những cường quốc lớn, rồi trung bình đã làm cho sự đe dọa đè nặng lên tương lai quả đất. Tính mâu thuẫn hai mặt này lại cũng đến với sinh vật học vào những năm 1980. Sự nhận dạng các gien và những tiến trình hình thành phân tử sinh vật đã đưa đến những thí nghiệm về thao tác di truyền đầu tiên và hứa hẹn các thao tác trên bộ não để kiểm soát và khống chế đầu óc con người.
Cũng trong thời gian trên, những phó sản trong các chất thải công nghiệp cùng những ứng dụng phương pháp công nghiệp vào canh nông, ngư nghiệp, chăn nuôi đã gây ra ô nhiễm cùng nguy hại càng ngày càng nghiêm trọng, lan rộng đến độ đe dọa sinh quyển quả đất và cả tâm quyển con người.
Chính vì thế, ở khắp nơi, sự phát triển của bộ ba khoa học/ kỹ thuật/ công nghiệp đã không còn cái tính trời cho nữa. Quan niệm về tính hiện đại vẫn ngự trị và đầy hứa hẹn khắp nơi khi con người còn mơ ước đến phúc lợi và những phương tiện kỹ thuật giải phóng con người. Nhưng quan niệm này đã bắt đầu bị nghi ngờ ở thế giới đã đạt được phúc lợi. Hiện đại tính đã và vẫn còn là một phức hệ văn minh (complexe civilisationnel) sống bằng một động lực lạc quan. Mà khi bộ ba (khoa học/ kỹ thuật/ công nghiệp) đang nuôi dưỡng cái động lực lạc quan này cũng đã có vấn đề thì bản thân tính hiện đại cũng trở thành vấn đề. Tính hiện đại mang trong nó sự giải phóng cá nhân, sự thế tục hoá toàn bộ những tiêu chuẩn giá trị, sự phân hoá của chân, thiện, mỹ. Nhưng từ nay chủ nghĩa cá nhân không chỉ có nghĩa là tự chủ và giải phóng mà còn có nghĩa là bị phân tử hoá (atomisation) và vô danh hoá (anonymisation). Thế tục hoá không chỉ có nghĩa là thoát khỏi những giáo điều tôn giáo, nhưng cũng có nghĩa là mất những nền tảng, là nỗi âu lo, nghi ngờ, nuối tiếc những niềm tin lớn. Sự phân hoá các giá trị không chỉ đưa đến sự tự chủ tinh thần, phấn chấn thẩm mỹ và tự do truy tìm chân lý, nhưng cũng có thể đưa đến sự bại hoại đạo đức, chủ nghĩa duy mỹ nông cạn và chủ nghĩa hư vô. Quan niệm chuộng cái mới vốn có hiệu năng đổi mới đã không còn hiệu lực (mới = tốt hơn = cần thiết= tiến bộ), nó chỉ còn dùng được cho bột giặt, cho màn hình vô tuyến và phương diện tính năng của ô-tô (xe hơi). Sẽ không còn có nào là tiểu thuyết mới, cách nấu nướng mới, triết học mới nữa.
Cho dù ở Tây phương người ta đã ý thức được tính mâu thuẫn hai mặt của tất cả những tiến trình đồng thời đưa đến tính hiện đại mà lại do tính hiện đại sinh ra. Nhưng sự phê phán tính hiện đại này không những khó có thể vượt được nó, mà lại còn sinh ra một chủ nghĩa hậu hiện đại thảm hại mà khả năng duy nhất là sự bất lực trong việc dự kiến một tương lai.
Từ đây khắp nơi đều có một cảm giác hoặc mơ hồ hoặc dữ dội về một sự đánh mất tương lai. Nơi nơi đều sinh ra một ý thức rằng con người chưa phải ở ngưỡng cửa giai đoạn lịch sử cuối cùng, nơi lịch sử sẽ kết thúc trong sự viên mãn to lớn. Khắp nơi mọi người tuy đều cảm thấy không phải mình đang đi về một tương lai sán lạn cũng không phải về một tương lai hạnh phúc, nhưng vẫn chưa ý thức rằng chúng ta đang ở vào thời kỳ đồ sắt toàn cầu, vào thời kỳ tiền sử của đầu óc nhân loại.
Cái bệnh tương lai còn thâm nhập cả vào trong hiện tại và gây ra một sự cùng quẫn tâm lý, nhất là khi cái vốn lòng tin của một nền văn minh đã được đem đầu tư cho tương lai.
Đời sống ngày qua ngày cũng có thể làm vơi đi phần nào cái tâm tư khủng hoảng tương lai này, và làm cho con người mặc dù trước bao bấp bênh vẫn tiếp tục hy vọng riêng tư cho bản thân mình, tiếp tục sinh con đẻ cái và hoạch định cho chúng một con đường trước mặt.
Nhưng cùng lúc đó, sự khủng hoảng tương lai lại khơi dậy một trào lưu hoài cổ vĩ đại và chuyện này càng trở nên mạnh mẽ khi thực tế càng trở nên phũ phàng, đầy lo sợ và bất hạnh. Cái quá khứ đã bị tương lai làm khánh tận lại cháy lên từ những điêu tàn của tương lai. Từ đó xuất hiện một phong trào tìm về cội nguồn đa dạng, mạnh mẽ, quay lại với những nền tảng sắc tộc, dân tộc, tôn giáo đã mai một boặc bị lãng quên. Chính vì thế mới sinh ra nhiều thứ "nguyên giáo chủ nghĩa" (6).
Hậu quả của các đảo lộn ghê gớm từ sau ra trước, từ quá khứ lộn ra tương lai chưa có vẻ gì là chấm dứt và vẫn còn hứa hẹn đầy bất ngờ.
Dù sao đi nữa, sự tiến bộ không hề được bảo chứng một cách đương nhiên bởi bất cứ một quy luật lịch sử nào. Đổi thay chưa chắc gì sẽ mang lại phát triển. Tương lai từ giờ trở đi được gọi là mù mịt.
Bi kịch của "Phát triển"
Phát triển là một từ chủ đạo, đã trở thành ngôn ngữ của Liên hiệp quốc. ở hậu bán thế kỷ của chúng ta hầu như tất cả những kinh điển tư tưởng đều dính dáng đến nó. Cơ sở tư tưởng chủ đạo của phát triển hàm chứa một kiểu mẫu lớn của Tây phương về sự tiến bộ. Sự phát triển tất yếu phải đem lại tiến bộ, tiến bộ phải đảm bảo phát triển.
Phát triển mang hai sắc thái. Một mặt nó là một thứ thần thoại toàn diện, nghĩa là xã hội sau khi công nghiệp hoá có thể đem lại phúc lợi, làm giảm những bất công thái quá và phân phát cho mọi người tối đa hạnh phúc mà một xã hội có thể đem lại. Mặt khác đó là một quan niệm tối giản đơn, lấy tăng tưởng kinh tế làm động cơ cần và đủ cho tất cả phát triển xã hội, tâm lý, đạo đức. Cái khái niệm kỹ thuật-kinh tế này không biết đến những vấn đề thuộc bản sắc, cộng đồng, liên đới và văn hoá của con người. Vì thế khái niệm phát triển tự nó vẫn còn ở vào một giai đoạn rất kém phát triển. Và khái niệm kém phát triển này là một sản phẩm nghèo và trừu tượng của chính cái khái niệm phát triển cũng nghèo và trừu tượng kia.
Dính liền với niềm tin mù quáng rằng sự tiến bộ phải tất yếu đi về phía trước, cái niềm tin mù quáng vào phát triển đã cho phép, một mặt loại bỏ được những nghi ngờ, mặt khác che lấp những dã man đã được đem dùng để phát triển sự phát triển.
Cái thần thoại về sự phát triển đã khiến con người tin rằng họ phải hy sinh tất cả cho nó. Nó đã cho phép những chế độ độc tài tàn nhẫn, dù là kiểu "xã hội chủ nghĩa" (độc đảng) hay theo kiểu Tây phương (độc tài quân phiệt) viện dẫn để tự bào chữa. Những sự tàn bạo của các cuộc cách mạng phát triển đã làm trầm trọng thêm những bi kịch của sự kém mở mang.
Sau 30 năm dành cho phát triển, sự mất thăng bằng giữa Bắc/ Nam vẫn tiếp diễn và sự bất bình đẳng này ngày càng trở nên nghiêm trọng. 25% dân chúng của quả đất sống trong những nước giầu có, tiêu thụ 75% năng lượng. Những cường quốc lớn giữ độc quyền về khoa học công nghệ cao và chiếm giữ ngay cả quyền lực nhận thức và thao túng cái vốn di truyền của các loại sinh vật, kể cả của con người. Thế giới phát triển phá huỷ thặng dư nông nghiệp của mình, để đất hoang, trong khi nạn thiếu ăn, chết đói lan tràn trong thế giới người nghèo. Nơi này, hễ cứ có một cuộc nội chiến hay một thiên tai thì cái viện trợ nhân đạo nhất thời lại bị bọn ăn bám, quan liêu hay áp-phe nuốt mất. Thế giới thứ ba vẫn tiếp tục phải chịu đựng sự bóc lột kinh tế, nhưng nó còn phải chịu đựng thêm sự mù loà, tư duy què quặt, sự kém mở mang về tinh thần và trí thức của chính cái thế giới phát triển kia.
ở Phi châu, đất đai không còn mầu mỡ. Khí hậu suy thoái, dân số tăng, bệnh Sida tàn phá. Một chế độ độc canh tuỳ thuộc vào những may rủi của thị trường thế giới đã thay thế một chế độ đa canh có thể đáp ứng những nhu cầu gia đình và địa phương. Vì lệ thuộc vào may rủi, chế độ độc canh liên tiếp bị khủng hoảng, và vốn đầu tư vào những khu vực khủng hoảng đã bỏ đi nơi khác. Nông dân tràn vào các khu nhà ổ chuột của đám người thất nghiệp trong thành phố. Tiến trình tiền tệ hoá, thương phẩm hoá tất cả mọi thứ trên đời đã phá vỡ những tương trợ và hoà mục trong đời sống tập thể. Những nét ưu tú nhất của văn hoá địa phương lại bị đào thải để nhường chỗ cho cái hủ bại nhất của văn minh tây phương.
ý niệm phát triển chủ nghĩa đã và vẫn đang còn nhìn đời với con mắt kinh tế và số lượng, nên không thể nào thấy được của cải văn hoá của những xã hội cổ sơ hay truyền thống. Nó chỉ nhìn thấy ở những văn hoá đó những tư tưởng lệch lạc, ngu muội, dị đoan mà không thể nghĩ được rằng chúng có thể chứa đựng những trực giác sâu sắc, những hiểu biết tích tụ từ hàng nghìn năm, những khôn ngoan về cuộc sống và những giá trị đạo đức đã suy sụp nơi chúng ta (Tây phương-ND). Chủ nghĩa phát triển, kết quả của một sự hợp lý hoá lấy Tây phương làm trung tâm, không thể nào thấy được một sự thực là cái văn hoá nơi những xã hội phát triển của chúng ta, ngoài những chân lý và những đức tính sâu sắc (ví dụ cái lý tính tự phê phán giúp chúng ta nhìn thấy những khuyết điểm và yếu điểm của chính nền văn hoá chúng ta), nó còn chất chứa cũng như tất cả những văn hoá khác, nhưng theo một kiểu riêng, những ý tưởng chủ quan tuỳ tiện, những huyền thoại vô căn cứ (trong đó có thể kể các huyền thoại về sự tiến bộ có tính trời cho), nhiều ảo tưởng lớn (có thể kể cả cái ảo tưởng đang ở trên đỉnh cao của lý tính và cho mình là kẻ duy nhất nắm được nó), những sự mù quáng ghê gớm (có thể kể cả cái tư duy manh mún, khu biệt, giản đơn hoá và máy móc).
Ngay cả ở Âu châu, nơi khởi thuỷ của nó, sự phát triển tính hiện đại đô thị và công nghiệp đã kéo theo sự phá huỷ những văn hoá thôn làng từ hàng nghìn năm và nó bắt đầu tấn công đến lớp vỏ của nhiều văn hoá địa phương, mà sức đề kháng mỗi nơi một khác. Trong những văn hoá lịch sử lớn của châu á và của thế giới Hồi giáo, con người đã chống lại tiến trình Tây phương hoá bằng cách đôi khi phải cáng đáng một bản sắc song hành (Nhật bản, Ma-rốc), đôi khi bằng cách tái sinh nội dung tôn giáo và sắc tộc. Như chúng ta đã nói ở trên, việc chống lại tiến trình Tây phương hoá cũng được tiến hành bằng chính những vũ khí và công cụ mượn của Tây phương: hình thức Nhà nước - quốc gia, kỹ thuật công nghiệp, hành chính, quân sự, hệ tư tưởng khai phóng về quyền lợi các dân tộc. Từ đó, trong cùng một tiến trình sinh ra một chuyển động đôi, một mặt bám rễ vào quá khứ và một mặt vươn đến tương lai. Một tính năng động phức tạp, nơi các yếu tố như bản sắc tôn giáo, dân tộc, nhà nước, kỹ thuật tác động lẫn nhau, nơi mà chủ nghĩa tư bản, những hệ tư tưởng tây phương, hệ tư tưởng cách mạng, văn hoá đại chúng cũng khơi dậy những cuộc nổi loạn, hy vọng, rồi nhẫn nhục, tuyệt vọng, tái nổi loạn. Tất cả những thứ ấy không phải không đầy dẫy những đau thương, xung đột nội bộ, thoả hiệp khập khiễng; dù sao đi nữa, tiến trình Tây phương hoá một mặt thông qua kỹ thuật hoá, thương phẩm hoá, thương nghiệp hoá và hệ tư tưởng hoá, một mặt ngược lại, như chúng ta đã thấy ở trên, lại đi về sự Ban-căng hoá và quay về những bản sắc tôn giáo - chủng tộc.
ở phần còn lại của thế giới, sự phát triển có khuynh hướng đưa những văn hoá cổ đến chỗ tan rã hoàn toàn. Cái văn hoá cổ này đã từng bị phá huỷ từ thời có lịch sử và lại tiếp tục bị phá huỷ trên một quy mô lớn bởi chế độ thực dân. Thế giới của những văn hoá thổ dân ngày hôm nay đã bị thu hẹp lại, chỉ còn khoảng 300 triệu người, xem ra khó có thể thoát khỏi sự diệt vong.
Chúng ta đang chứng kiến màn cuối của sự triệt hạ các nền văn hoá săn bắt - hái lượm còn đang tồn tại trong những rừng nhiệt đới, những núi hoang, những khoảng rộng sa mạc. Tiến bộ của y học đã đem lại vệ sinh và trị bệnh nhưng đã làm mất những phương thuốc và cách chữa của các thầy lang, thầy phù thuỷ. Phong trào xoá nạn mù chữ đem đến văn hoá chữ viết, nhưng lại tiêu diệt những văn hoá truyền khẩu chứa đựng những tri thức và sự khôn ngoan từ nghìn đời. Các kết cấu những loại hình truyền thống của nhân cách đã bị phá vỡ một cách triệt để.
Kinh nghiệm gần đây ở vịnh James (Gêmx) đã là một hình ảnh thu gọn của tiến trình này. Theo lôgíc của phát triển, Cục thuỷ điện tỉnh Que-béc đã tiến hành xây dựng một đập thuỷ điện lớn nhằm cung cấp điện rẻ tiền và cũng nhằm lôi kéo các nhà máy nhôm đến tỉnh này. Một phần đất được mua lại từ đất của những người Anh-điêng (da đỏ) Kris, tiền bán đất này đã cho phép thổ dân có đủ phương tiện để định cư, tậu nhà, mua sắm máy gia dụng chạy điện, thích ứng theo mô hình công việc - năng lượng - tăng trưởng v.v.. Nhưng trong những vùng đất Điện cục Que-béc đã mua, các hồ nhân tạo đã cắt đứt đường di trú của loài tuần lộc (một loài nai ở Canađa-ND) và phốt-pho thải từ nước các hồ đã làm cho cá bị nhiễm độc không còn ăn được nữa. Thổ dân bắt buộc phải từ bỏ những hoạt động sinh nhai cũ của dân săn bắn, câu cá để đi làm việc xây đập, rồi sau đó trở thành những kẻ thất nghiệp. Những người già vô công rồi nghề chết dần mòn. Còn người trẻ tuổi thì đắm chìm trong men rượu và có cả những đứa trẻ 4 tuổi say sưa vì men bia. Phụ nữ vì bỏ cá một cách đột ngột để ăn những thức ăn bằng bột và đường đều trở thành phì nộn. Cộng đồng xã hội ngày trước hoàn toàn bị phá huỷ mà trên đó không có một cái gì mới được xây dựng. Lòng vị tha bị thay thế bởi tính ích kỷ. Một lối sống cũ, một thế giới sinh hoạt cũ đã bị mất. Những tiện nghi gia đình đã đến cùng một lúc với bệnh nghiện rượu, ma tuý và nỗi buồn phiền. Người Kris hôm nay thì rất giầu hàng hoá, nhưng linh hồn thì nghèo nàn, bất hạnh và đang trên đường bị tiêu diệt.
Trong bất cứ trường hợp nào, ngay cả ở châu Âu, nhưng ngoài châu Âu thì trầm trọng hơn, sự phát triển đã làm mất đi khá nhanh tình đoàn kết địa phương, những nét đặc thù thích hợp với những điều kiện sinh thái riêng của từng vùng.
Dĩ nhiên không nên quá lý tưởng hoá các văn hoá. Phải biết rằng tất cả tiến hoá đều chứa chấp sự đào thải, tất cả sáng tạo đều mang sự huỷ diệt và tất cả những lợi lộc lịch sử gặt hái được đều phải trả giá bằng những mất mát. Phải hiểu rằng rồi tất cả những gì sống đều phải chết, mỗi một văn hoá đều đáng sống và phải biết chết. Chúng ta cũng phải tin rằng xây dựng một văn hoá toàn cầu là một điều cần thiết. Thật ra tính đa dạng của các văn hoá, thích ứng tuyệt vời với các điều kiện và vấn đề địa phương, ngày hôm nay lại có thể ngăn cản mọi người vươn lên mức độ toàn cầu. Nhưng chúng ta không thể nào rút ra và phổ cập hoá từ mỗi nền văn hoá cái mà nó cống hiến phong phú nhất hay sao? Làm sao tổng hợp được những giá trị và kho tàng văn hoá của những nền văn hoá đang giải thể ? Có quá muộn hay không? Như thế là chúng ta phải đối đầu với hai đòi hỏi cấp bách mà mâu thuẫn: Cứu lấy tính cực kỳ đa dạng của văn hoá địa phương mà nhân loại đã làm nên, nhưng cùng một lúc vẫn nuôi dưỡng được cái văn hoá toàn cầu chung cho tất cả. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thấy rằng song song với tiến trình đồng chất hoá văn minh mà làn sóng kỹ thuật công nghiệp đang đẩy con người đến còn có một tiến trình gặp gỡ và hoà tan văn hoá: Không ngừng, tính đa dạng văn hoá lại tái sinh ở nước Mỹ, ở châu Mỹ la tinh và ở Phi châu. Nhưng chúng ta cũng không thể không nghĩ rằng sự phát triển kỹ thuật - công nghiệp là một mối đe doạ cho thế giới về mặt văn hoá.
Khắp nơi, kỹ thuật hoá lan tràn, công nghiệp hoá lan tràn, đô thị hoá lan tràn với những hậu quả hai mặt mà ta chưa biết mặt nào sẽ thắng. Tất cả những thứ đó sẽ đưa văn hoá nông nghiệp đến chỗ phá sản và thế giới nông dân đến ngày tàn với một vận tốc cực kỳ nhanh chóng. Vào năm 1800 mới chỉ có 3% dân chúng thế giới sống trong các thành phố, thế mà bây giờ 88% dân số Tây phương Âu châu đang là cư dân trong các đô thị. Các siêu đô thị như Mê-hi-cô, Thượng hải, Bom-bay, Gia-các-ta, Tôkyô, Ôsaka không ngừng tăng trưởng. Những con quái vật đô thị đó chịu (và bắt những cư dân của nó phải chịu) những nạn kẹt xe, tiếng ồn, thần kinh căng thẳng ô nhiễm đủ loại. Sự nghèo khó vật chất lan tràn trong các khu nhà ổ chuột, sự cùng quẫn tinh thần không phải chỉ tập trung trong những khu đầy ma tuý, tội phạm mà còn ngự trị trong những khu sang trọng được bảo vệ bởi những lính gác tư và vệ sĩ.
Chuyên gia nhân khẩu học của Liên hiệp quốc đã tiên đoán đến năm 2.000 hơn 50% dân số toàn cầu sẽ sống trong các thành phố, cư dân của 60 siêu đô thị sẽ vượt qua con số 650 triệu người, nghĩa là 8,3% dân số toàn cầu sẽ tập trung trên một khoảng không gian chiếm 1/2.000 tổng diện tích đất địa cầu. Trong số 21 siêu đô thị có hơn 10 triệu dân thì 17 cái sẽ nằm trong những nước nghèo.
Sự phát triển thế giới sẽ đi về đâu?
Một số người đang đi đến tai hoạ, một số khác thì đang vùng vẫy cố thoát ra khỏi tình trạng chậm tiến kinh tế, nhưng rồi cũng sẽ rơi vào những vấn đề về văn minh của thế giới phát triển. Trong nội bộ nhiều quốc gia phát triển, một sự chậm tiến kinh tế cũng lại đang phát triển: ở Mỹ 35 triệu người sống dưới mức nghèo khổ. Hình như chúng ta đang đi vào một thứ xã hội "đối ngẫu". Một thứ xã hội đang vứt bỏ những kẻ bị loại ra bên lề sự phát triển vào trong những ghét-tô (khu biệt cư), trong số đó có từ 10 - 20% là những người thất nghiệp.
Có phải chúng ta đang đi đến một cuộc khủng hoảng phát triển của thế giới?
Dù sao đi nữa, chúng ta cũng phải bác bỏ khái niệm kém phát triển của phát triển, khái niệm cho rằng sự tăng trưởng kỹ thuật - công nghiệp sẽ là phương thuốc bách bệnh cho mọi phát triển nhân loại, xã hội. Và chúng ta cũng phải từ bỏ ý niệm thần thoại về một sự tiến bộ cứ tăng mãi một cách vô cùng tận mà không thể nào cưỡng lại được.
Một sự khó ở hay căn bệnh của văn minh?

Nền văn minh của chúng ta, kiểu mẫu của phát triển, phải chăng chính nó cũng đang mắc phải căn bệnh phát triển?
Sự phát triển của văn minh chúng ta đã tạo nên những kỳ tích như: sử dụng được năng lượng vật lý, các máy móc công nghiệp càng ngày càng tự động hoá và tin học hoá, những máy gia dụng chạy điện đã giải phóng các gia đình khỏi những công việc cực nhọc, phúc lợi và tiện nghi, những sản phẩm tiêu thụ nhiều chủng loại, xe ô-tô (như tên nó ám chỉ, đã cho con người quyền tự chủ trong việc đi lại), máy bay đã giúp chúng ta nuốt được không gian, truyền hình như cái cửa sổ mở ra thế giới của thực tại và mộng tưởng.
Sự phát triển này đã cho phép cá nhân con người thăng hoa, tìm được sự thân mật trong tình yêu, tình bạn, sự giao lưu giữa cái ta với mình, sự thông tin từ xa giữa những con người với nhau. Nhưng chính sự phát triển này lại cũng manh mún hoá những cá nhân, làm họ bị mất đi những liên đới cũ mà không đem đến những liên đới mới nào khác ngoài những thứ liên hệ vô danh và hành chính.
Sự phát triển của khu vực kỹ thuật - quan liêu đã phổ biến loại công việc vụn vặt mất tính chủ động, trách nhiệm hoặc hứng thú. Thời gian bị đo lường, chắt bóp làm biến mất sự s1/2n sàng, nhịp sống an nhiên tự tại. Sự vội vã đuổi mất tính trầm tư mặc tưởng. Bộ máy vĩ đại quan liêu - kỹ thuật - công nghiệp bao trùm càng ngày càng nhiều hoạt động. Nó bắt các cá nhân phục tùng những quy định, mệnh lệnh, thể thức của nó. Người ta không còn biết phải đối thoại như thế nào với những thứ quyền lực vô danh này. Người ta không biết phải làm thế nào để sửa chữa những sai lầm, không biết phải đến công sở nào, bàn giấy nào. Cơ giới hoá đã khống chế cả cái không phải là cơ giới: sự phức tạp của con người. Cuộc sống trên thực tế bị nhục mạ. ách thống trị vô danh của tiền bạc đi kèm với với ách thống trị của chế độ quan liêu kỹ thuật vô danh. Những nhân tố kích thích đồng thời cũng lại là những nhân tố phân rã: Tinh thần cạnh tranh và ý chí thành công lại đẩy mạnh lòng ích kỷ và càng làm tiêu tan tình đoàn kết.
Kinh thành-ánh sáng đem đến tự do và lạc thú lại cũng là cái thành phố bạch tuộc mà những gò bó bắt đầu bằng cái vòng luẩn quẩn: chen xe - đi làm - đi ngủ (Métro, boulot, dodo), đè nát cả cuộc đời và nơi đó sự căng thẳng thần kinh dồn đập làm hao mòn cân não.
Đời sống dân chủ thoái bộ. Các vấn đề càng có chiều hướng kỹ thuật thì lại càng thoát khỏi tầm tay của những công dân để rơi vào thẩm quyền của những chuyên gia. Các vấn đề văn minh càng trở thành chính trị thì các nhà chính trị lại càng ít khả năng đưa chúng vào ngôn ngữ và chương trình hành động của họ.
Con người sản xuất phụ thuộc vào con người tiêu thụ. Kẻ tiêu thụ lại phụ thuộc vào sản phẩm bán trên thị trường và cái thị trường này lại tuỳ thuộc vào nhiều lực lượng phóng đãng, càng ngày càng khó kiềm chế trong một tiến trình quay vòng, nơi người ta tạo nên một kẻ tiêu thụ cho một sản phẩm chứ không còn chỉ tạo một sản phẩm cho kẻ tiêu thụ. Cá nhân con người một khi thoát khỏi sự khống chế nô dịch của công việc đều rơi vào một trạng thái náo động bề ngoài. Sự tiêu thụ bị rối loạn trở thành sự tiêu thụ quá mức và vô độ để rồi lại xen kẽ với những đợt nhịn ăn, nhịn tiêu. Nỗi ám ảnh về dinh dưỡng và hình dáng làm tăng niềm lo toan có tính luyến kỷ (tự yêu mình) và những đòi hỏi ngông cuồng về ăn uống. Nỗi ám ảnh này còn nuôi dưỡng cả tính ưa chuộng vitamin và các nguyên tố vi lượng khá tốn kém. Nơi lớp người giầu có, sự tiêu thụ trở thành như điên dại, gàn dở vì còn dính dáng đến những vấn đề địa vị xã hội, nhãn hiệu, mỹ quan, thuần khiết và sức khoẻ. Họ chạy đôn chạy đáo khắp các tủ kính, cửa hàng lớn, tiệm đồ cổ, chợ trời. Còn phải kể cả sự mê mẩn những đồ lỉnh kỉnh đi đôi với thói sính những vật vô giá trị.
Những cá nhân sống qua ngày, tiêu thụ hiện tại, tự để mình bị lôi cuốn bởi hàng ngàn thứ tầm phào, không ngừng tán gẫu mà chẳng bao giờ hiểu được nhau trong toà tháp ngà của những chuyện lặt vặt. Không thể nào ngồi yên một chỗ, họ loăng quăng khắp mọi nơi. Bản chất của du lịch rồi chẳng phải là đi khám phá kẻ khác, cũng chẳng phải là mối liên hệ vật chất đối với địa cầu mà là một đoạn đường mộng du được hướng dẫn trong một thế giới nửa thực nửa hư, trang hoàng bằng những phôn-klo và đền đài. Sự giải trí hiện đại trên thực tế lại làm tăng thêm nỗi trống rỗng mà nó muốn trốn tránh.
Chính vì thế mà tiến trình nâng cao mức sống lại có thể đi kèm với sự xuống dốc của chất lượng đời sống. Sự gia tăng các phương tiện truyền thông có thể đi cùng với sự nghèo nàn về truyền thông giữa các cá nhân. Một con người có thể cùng một lúc có cái tự chủ của mình nhưng lại trở thành một hạt cát rời, là hoàng đế mà lại là bầy tôi, là chúa tể các máy móc mà lại bị khống chế và nô dịch bởi chính cái mà mình chế ngự.
Cùng một lúc có một cái gì đó đe dọa nền văn minh chúng ta từ bên trong: Sự xuống cấp những liên hệ giữa con người với nhau, nỗi cô đơn, sự mất mát những niềm tin vững chắc đi kèm với nỗi bất lực trong việc đảm nhận những bấp bênh, tất cả những thứ ấy nuôi dưỡng một căn bệnh chủ quan ngày càng phổ biến. Vì căn bệnh tâm hồn này nằm trong đáy tâm linh, vì nó gắn liền về mặt tâm thần với những lúc mất ngủ, những lúc khó thở, với bệnh loét dạ dày, những khi khó ở, vì vậy người ta không hề nhận thấy được cái kích thước văn minh tập thể nơi nó nên chỉ biết đi cầu cứu bác sĩ, các nhà tâm lý trị liệu hoặc các ông đạo sư tôn giáo.
Khi các thanh thiếu niên nổi loạn phản đối xã hội, khi chúng trở thành "bơ vơ" và rơi vào cạm bẫy của ma tuý loại "cứng" mọi người cho rằng đấy chỉ là một thứ bệnh của tuổi trẻ, người ta không thấy được rằng thanh thiếu niên là mắt xích yếu nhất của văn minh, nó là chỗ tập trung của tất cả những vấn đề, những căn bệnh, những khát vọng mà ở nơi khác chỉ mơ hồ và phân tán. Truy tầm cùng một lúc sự tự chủ và tình cảm cộng đồng đòi hỏi một mối liên hệ chân chính với thiên nhiên để tìm lại bản thể của chính mình, chối từ cuộc đời hư nguỵ của người lớn, là những thứ nói lên một cách thấm thía hơn bao giờ hết những thiếu thốn mà chúng phải gánh chịu. Sâu xa hơn nữa, lời kêu gọi của thanh thiếu niên ở California (Caliphoocnia) trong những năm 1960: Phong trào Hoà bình và Tình yêu đã để lộ căn bệnh sâu thẳm của tâm hồn thiếu tình yêu và hoà bình.
Những biến động năm 1968 đã nói lên sự phản kháng của giới trẻ đối với ngay cả những nguyên tắc đời sống thế giới tây phương, khốn cùng về mặt tâm lý và tinh thần trong khi rất đầy đủ vật chất.
Những căn bệnh khách quan gây ra do những vấn đề nan giải hoặc loạn chức năng, do tính quan liêu nặng nề và cứng nhắc, do những suy thoái về sinh thái đã trở thành dễ nhận thấy và bắt đầu bị vạch trần, lên án. Nhưng những căn bệnh văn minh đang len lỏi vào tâm hồn và trở thành ý thức chủ quan không phải lúc nào cũng dễ nhận diện. Nói tóm lại, những căn bệnh khách quan và chủ quan đúc kết với nhau thành một thứ bệnh văn minh mới. Xuất hiện ở Tây phương trong và bởi sự phát triển kinh tế, nó tiếp tục tiến bước trong và bởi sự khủng hoảng kinh tế.
Từ năm 1968, cái hư cấu được chuyển tải bằng phương tiện truyền thông đã chấp nhận vấn đề này. Trước kia tất cả phim ảnh thương mại đều kết thúc bằng một kết cuộc có hậu, những nhân vật chính trong văn chương bình dân đều tìm được tình yêu và thành công ở cuối quyển tiểu thuyết. Báo chí phụ nữ phân phát những bí quyết để mưu cầu hạnh phúc. Sau 1968, mọi người đã từ cái thần thoại tuyệt vời của hạnh phúc chuyển sang sự nghi ngờ về hạnh phúc. Cái kết cục tất thắng của hạnh phúc không còn là tất yếu nữa. Các tạp chí phụ nữ bắt đầu khuyên độc giả của mình nên can đảm trù tính việc ly hôn, sống cô độc, bệnh tật, già yếu...
Cũng cần phải lưu ý rằng xã hội công dân (dân sự) đã phản ứng lại và tìm cách tự bảo vệ bằng những phương tiện riêng của nó.
Trong tinh thần đó, một cuộc phản công đối với những gò bó của cuộc sống đô thị bị quan liêu hoá đã thể hiện từ những năm 1960 qua phong trào của một cuộc sống xen kẽ công việc/ nhàn thú (7), thành phố/ thôn quê với cuối tuần và ngày nghỉ tăng lên. Dưới sự thôi thúc của một chủ nghĩa Tân phỏng cổ (bắt chước xưa) và Tân tự nhiên người ta đã đem chất đầy nhà những thức cây cỏ, vỏ sò ốc, đá khoáng, đồ hoá thạch; đem quần bò, quần nhung, trang phục quê mùa, trang sức cổ quái ra diện; tìm lại trong những thức ăn nướng, rau vườn, món ăn nông dân các giá trị đã bị quên lãng. Sau đó phong trào ý thức sinh thái còn đẩy mạnh sự tìm về thiên nhiên trong tất cả mọi lĩnh vực, bắt đầu bằng thức ăn.
Êrôs trong thần thoại Hy lạp có thể đồng thời hoặc luân phiên biểu hiện cho ái tình, sắc dục, tính dục, tình bạn đã trở thành một sự phản kháng căn bản đối với căn bệnh của văn minh, một sự phản kháng mà chính nền văn minh gây ra và truyền bá bằng những phương tiện truyền thông của nó. Để chống trả lại sự vô danh hoá và manh mún hoá nhất là trong giới trẻ, con người ngày càng phải tìm lấy những dấu hiệu tập hợp qua những phe phái, nhóm bè bạn, lễ lạc. Và ở mọi tuổi, tình yêu đã trở thành Đấng cứu rỗi. Đám cưới ngày xưa là một sự liên minh giữa các gia đình, bây giờ đã không thể nào còn có thể xẩy ra nếu không có tình yêu. Người ta đem những ngọn sóng tình để xoa dịu những cơn bệnh của tâm hồn. Tình yêu ra đời và tái sinh khắp nơi. Những cuộc gặp gỡ ái tình, sắc tình, xuyên qua tất cả các giai cấp xã hội, đột phá tất cả những cấm đoán, say sưa trong vụng trộm, lén lút và bấp bênh.
Nhưng những đam mê cháy bỏng thì thiêu huỷ cũng rất nhanh, tình yêu trong khi được nhân lên đã yếu đi và trở thành mong manh với thời gian. Những gặp gỡ làm nẩy sinh một tình yêu mới lại giết mất tình yêu cũ. Những cặp này rời nhau, những cặp kia kết lại, rồi cũng lại xa nhau. Căn bệnh bất ổn định, vội vàng, hời hợt đã đến với tình yêu và đem theo với nó cái căn bệnh văn minh mà tình yêu muốn xua đuổi.
Tình yêu và tình huynh đệ, lực lượng đề kháng tự phát đối với căn bệnh văn minh vẫn còn quá yếu để trở thành một phương thuốc. Chúng xua đuổi sự trống vắng bằng cái hăm hở đi đến trạng thái đầy, nhưng chính chúng cũng bị gậm nhấm và giải thể bởi sự trống rỗng, từ đó là một phức hợp rỗng - đầy rất khó nắm bắt.
Cuối cùng, còn có những hình thức và thế lực đề kháng khác đối với căn bệnh văn minh, chúng biểu lộ chủ yếu qua ý chí học hỏi các phương pháp và lời răn của các văn hoá đông phương được xem là có thể đem lại sự hài hoà giữa thể xác và tâm hồn, sự bình thản của tâm linh, sự siêu thoát của tinh thần. Chính theo nghĩa này mà những hình thức phổ biến thương mại hoá của Yôga, Thiền đã phản ánh cái mặt không hoàn mỹ của văn minh Tây phương và nhu cầu mà chúng có thể đáp ứng. Cùng một lúc, nhiều hình thức học thuyết tôn giáo hỗn hợp trong đó có thể kể cái triết học Tân thời đại (New Age), đang tìm tòi tính nhất thống của chân, thiện, mỹ, muốn khôi phục đoàn thể tôn giáo và thần linh. Trong tàn tích của những gì mà sự tiến bộ đã phá huỷ mà chính nó từ đây cũng trở thành hoang phế vẫn còn có một nhu cầu tìm về những chân lý đã mất.
Vì tính mâu thuẫn hai mặt và các phức tạp của nó, thực chất của căn bệnh văn minh rất khó nhận diện. Chúng ta phải nhìn đến cái tầng đất bị đặt mìn, những hang động, những vực thẳm trong lòng đất, cùng một lúc với cái dục vọng cầu sống và cuộc đấu tranh chống cái xấu một cách vô thức và thầm lặng. Phải nhìn thấy mối liên hệ phức tạp giữa sự phi nhân hoá và sự tái nhân đạo hoá. Phải nhìn thấy những thoả mãn, những niềm vui, những thú vị, những hạnh phúc, cũng như bất mãn, đau khổ, thất vọng, lo sợ, bất hạnh của thế giới phát triển, chúng tuy có hơi khác, nhưng không phải là không có tính thực tại như những thứ ở thế giới chậm tiến kia. Cái mà đang đấu tranh một mất một còn, chống lại những lực lượng chết chóc của nền văn minh này lại cũng thuộc về nền văn minh này. Những chứng loạn thần kinh chức năng mà nó gây ra không chỉ là hiệu ứng của căn bệnh văn minh, nó còn là một thoả hiệp ít nhiều đau đớn với căn bệnh để sống còn.
Những phản ứng đối với tật bệnh phải chăng vẫn còn chưa đủ? Căn bệnh sẽ nặng thêm? Nói tóm lại nền văn minh của chúng ta chưa thể nào có thể xem như đến một chỗ ổn định. Sau khi đã giải phóng được những sức mạnh sáng tạo ghê gớm và đã tung ra những sức mạnh tàn phá cũng ghê gớm, nó sẽ đi đến chỗ tự diệt vong hay đến chỗ thay da đổi thịt ?
Sự phát triển không kìm chế và mù quáng của khoa học- kỹ thuật
Chưa bao giờ tương lai chúng ta lại nằm dưới một tính năng động hai chiều của bước tiến khoa học và kỹ thuật như bây giờ. Tính năng động này tung lên quả Địa cầu sự phát triển công nghiệp và phát triển văn minh, để rồi những thứ này lại quay ngược kích thích cái sức năng động đã đẩy nó tức là khoa học, kỹ thuật, hai bộ môn vốn vẫn thường xuyên nuôi dưỡng lẫn nhau. Cứ như thế mà khoa-kỹ đã dẫn đường cho thế giới từ một thế kỷ qua. Chính những phát triển và bành trướng của chúng đã tạo nên phát triển và bành trướng của truyền thông, của những tương hỗ, liên đới, tái tổ chức, đồng chất hoá để đưa đến sự phát triển của kỷ nguyên toàn cầu. Nhưng cũng chính những phát triển và những bành trướng này lại gây ra, bởi tác dụng nghịch, những sự Ban-căng hoá, dị chất hoá, giải thể và khủng hoảng hôm nay.
Lòng tin vào sứ mệnh thiêng liêng của khoa-kỹ đã nuôi dưỡng một sự đinh ninh vào tiến bộ và những kỳ vọng to lớn vào sự phát triển tương lai.
Khoa-kỹ không chỉ là đầu máy của thời đại toàn cầu, chúng đã xâm nhập tất cả các cơ chế của xã hội phát triển, gieo rắc, bằng phương thức tổ chức, cái lôgíc máy nhân tạo lên trên đời sống thường ngày, chà đạp quyền dân chủ các công dân để phụng sự quyền lợi giới chuyên gia. Chúng đã tiến hành những crăc-kinh (gạn lọc, chiết xuất) (8) của chúng trên tư duy bằng cách áp đặt những cắt xén và thu gọn.
Như thế chính khoa học là cốt lõi và động cơ của sự hấp hối toàn cầu.
Sự lan tràn của lôgíc máy nhân tạo.
Một cỗ máy nhân tạo và một cỗ máy sống khác nhau ở chỗ nào? Cái máy nhân tạo gồm những bộ phận có độ tin cậy vô cùng lớn. Tuy nhiên, trên phương diện tổng thể nó lại thiếu độ tin cậy hơn nhiều so với mỗi bộ phận tách rời. Chỉ cần một sự thay đổi cục bộ là tất cả bị hóc, hỏng và nó chỉ có thể được sửa chữa bằng sự can thiệp từ bên ngoài. Cái máy nhân tạo không thể chịu đựng, cũng không thể tiếp nhận những hỗn loạn. Cỗ máy nhân tạo vâng lệnh một cách triệt để chương trình của nó. Nó được làm bằng những bộ phận cực kỳ chuyên môn và dùng cho những nhiệm vụ rất chuyên môn. Chỉ có gần đây thôi các máy tính điện tử mới được trang bị một trí thông minh thông thường, có thể áp đụng cho khá nhiều vấn đề.
Bộ máy sống gồm những bộ phận mà độ tin cậy rất nhỏ, suy thoái rất nhanh (các prôtêin), nhưng toàn bộ lại có độ tin cậy cao so với các bộ phận của nó. Nó có khả năng tạo ra những thành phần mới để thay thế những cái đã bị suy yếu (phân tử) hoặc chết (tế bào) và có thể tự tái sinh, nó có thể tự sửa chữa khi cục bộ bị tổn thương. Nếu cái chết là kẻ thù của một tổ chức sống thì sức phá hoại của nó lại được dùng cho sự tái sinh. Trong khi bộ máy nhân tạo chỉ có khả năng làm việc theo chương trình, bộ máy sống lại có năng lực thiết kế sách lược nghĩa là trong những hoàn cảnh không rõ ràng và nhiều bất trắc, nó có thể tự sáng tạo được đối sách của mình. Nghĩa là thì trong bộ máy sống có một liên hệ phức tạp không thể tách rời và giữa sự giải thể và tái tổ chức, giữa hỗn loạn và sáng tạo.
Ngoài ra, cỗ máy sống không chỉ gồm những bộ phận chuyên môn, mà còn gồm những bộ phận đa chức năng. Hệ thống sinh thực (di truyền) không những gồm gien chuyên ngành mà còn có gien đa tính năng giữa một tổ hợp của những gien cũng đa tính năng. Cỗ máy nhân tạo chỉ đơn thuần là một cái máy. Bộ máy sống còn là một chủ thể tự tổ chức sinh thái. Chủ thể này là một cá nhân độc lập.
Tất cả những đặc tính của cái " chủ thể - máy sống " này đã được đưa lên tới mức độ cao nhất nơi con người, ở đó tư cách chủ thể và khả năng lựa chọn (tự do) của chủ thể đều được phát huy cao độ.
Lôgíc của loại máy nhân tạo một khi được đem dùng cho con người, nó sẽ triển khai chương trình thay vì sách lược phát triển, sự chuyên môn hoá siêu cấp thay vì khả năng tổng quát, tính cơ giới của nó sẽ áp chế tính phức tạp của tổ chức. Tính chức năng chính xác, sự hợp lý hoá và kế thời hoá của nó sẽ buộc con người tuân thủ tổ chức cơ giới của máy. Mà cái loại tổ chức này lại không hề biết đến con người, một bộ máy sống và có tư cách chủ thể, tức là những thực tế chủ quan của nhân loại.
Lôgíc máy nhân tạo được áp đặt đầu tiên trong công nghiệp bằng cách giải phóng các bắp thịt con người khỏi những việc nặng nhọc, nhưng nó đã đồng thời đặt người thợ dưới chế độ nô dịch của tiêu chuẩn cơ khí, chuyên môn và của cả cái thời gian được đo đạc của nó. Máy phục tùng nhu cầu con người đồng thời lại bắt con người phục tùng những nhu cầu cơ giới của nó. Máy móc, khi thành một bộ phận phụ thuộc vào hoạt động của nhân loại đã đồng thời biến người lao động thành một bộ phận phụ thuộc của nó.
Lôgíc máy nhân tạo đã lan rộng ra ngoài lãnh vực công nghiệp, đặc biệt thâm nhập vào thế giới hành chính. ở đó trên thực tế cái hình thái tổ chức của nó như đã được hoạch định trước trong tổ chức quan liêu. Nó đã chiếm được nhiều lãnh vực của hoạt động xã hội, đúng như Giedeon (Giê-đê-ông) đã nói, cơ giới hoá đã ở vào địa vị chỉ huy(9). Đầu tiên nó trở thành chủ nhân ông trong thế giới đô thị, rồi sau đó là thôn quê nơi nó đã biến nông dân thành thợ nông nghiệp và biến những thôn, xóm thành ngoại ô các đô thị.
Lôgíc máy nhân tạo - hiệu quả, khả năng dự đoán, khả năng tính toán, chuyên môn hoá cứng nhắc, nhanh chóng, đúng giờ - đã xâm nhập cuộc sống hàng ngày: nó quy định sự đi lại, tiêu dùng, nhàn thú, giáo dục, dịch vụ, ăn uống và gây ra cái mà George Ritzer (Gioócgiơ Rítdơ) đã gọi là tiến trình "Mắc Đônan hoá xã hội"(10).
Đô thị hoá, phân tử hoá, vô danh hoá đã đi song song với sự áp dụng phổ cập của lô-gíc máy nhân tạo trên con người và trên những liên hệ của con người. Khái niệm phát triển, hiện đang ngự trị, cũng tuân theo cái lôgíc của máy nhân tạo và đang gieo rắc lôgíc này trên toàn cầu.
Như thế, sự nắm bắt kỹ thuật cùng một lúc lại trở thành bị kỹ thuật nắm bắt. Người ta tưởng mình hợp lý hoá xã hội cho con người, nhưng vô tình lại hợp lý hoá con người để nó thích ứng vào sự hợp lý hoá của xã hội.
Vương quốc của tư duy máy móc và manh mún
Sự bành trướng của lôgíc máy nhân tạo trong mọi lãnh vực cuộc sống con người đã sinh ra cái tư duy máy móc manh mún biểu hiện dưới hình thức kỹ trị và kinh (tế) trị. Một tư duy như vậy chỉ nhìn thấy quan hệ nhân quả máy móc trong khi thật ra tất cả đều tuân theo một quan hệ nhân quả phức tạp. Nó giản đơn hoá hiện thực thành tất cả những thứ có thể đo lường được. Chuyên môn hoá đến độ cực đoan và giản đơn hoá tất cả thành những thứ đo đếm được đưa đến sự mù quáng không những trong cuộc sống, trong cụ thể, trong cá biệt mà lại còn cả trong bối cảnh, tổng thể và cơ bản. Chúng kéo theo trong tất cả hệ thống kỹ-quan (kỹ thuật - quan liêu) sự phân hoá, pha loãng và cuối cùng là sự tiêu tan của trách nhiệm. Chúng tạo điều kiện phát triển cho cùng một lúc những cung cách rập khuôn trong hành động và thờ ơ khi buông thả. Chúng là đầu mối chính của sự thoái bộ dân chủ trong các nước tây phương, nơi tất cả các vấn đề đều trở thành kỹ thuật và thoát khỏi sự kiểm soát của công dân để rơi vào tay các chuyên gia, nơi mà sự đánh mất cái nhãn quan về tổng thể và bản chất đã để mặc tình phát triển không chỉ những quan niệm manh mún hẹp hòi nhất mà còn cả những quan niệm toàn thể trống rỗng nhất, ngay cả những quan niệm cơ bản võ đoán nhất, đặc biệt trong đó phải kể cả quan niệm của chính những nhà khoa-kỹ.
Những tác hại của tính hợp lý vụn vặt, hẹp hòi được biểu hiện qua sự hình thành những thiết kế kỹ-quan vĩ đại mà chúng luôn luôn quên một hay nhiều chiều hướng của những vấn đề cần giải quyết (ví dụ như đập thủy điện Assouan, công trình Fos-sur-mer (Fôx suếc me), việc thành lập Trung tâm tiếp máu toàn quốc với vụ máu bị nhiễm vi-rút, kế hoạch đổi hướng của các sông ở miền Xibia...) Thực ra, tính hợp lý hẹp hòi là nguồn gốc của tính bất hợp lý và rõ ràng là nó không có khả năng đối phó với thách thức của những vấn đề toàn cầu.
Hình thái dã man mới
Có những đau khổ của con người do những thiên tai, hạn hán, lụt lội, đói kém gây nên. Có đau khổ đến từ những hình thức dã man cũ mà đến ngày nay vẫn chưa hề mất tính ác liệt. Nhưng còn những cái khác đến từ một nền dã man mới, dã man khoa-kỹ-quan (liêu), vốn không thể tách rời khỏi sự chi phối của lôgíc máy nhân tạo trên con người.
Khoa học không phải chỉ soi sáng, nó còn mù mờ ngay cả về tương lai của chính mình. Nó chứa đựng trong thành quả của nó cùng một lúc cả tốt lẫn xấu như cái cây của sự nhận thức mà kinh thánh nói. Kỹ thuật đem lại cùng một lúc cả văn minh cùng một sự man rợ mới, vô danh và thao túng con người. Cái chữ lý tính không chỉ có nghĩa là cái tính hợp lý có tinh thần phê phán mà còn là một sự mê sảng lôgíc về tính hợp lý, mù quáng đối với những chủ thể cụ thể cũng như đối với tính phức tạp của thực tế. Cái mà chúng ta xem là mũi nhọn của văn minh cũng cùng một lúc là mũi nhọn của man rợ.
Walter Benjamin (Oan-tơ Ben-gia-min) đã thấy rõ là có dã man ở từ thượng nguồn của những văn minh lớn. Freud (Phroi-đơ) cũng thấy rõ là văn minh, không những không tiêu diệt được man rợ, không đẩy được nó lùi vào chỗ tối tăm mà còn sửa soạn cho nó những cơ hội bùng nổ mới. Ngày hôm nay chúng ta phải nhìn thấy rằng cái văn minh khoa-kỹ tuy vẫn là văn minh, nhưng lại sinh ra một thứ man rợ riêng của nó.
Sự bất lực trong việc chuyển biến kỹ thuật siêu việt
Ngày nay, cái thần thoại về sự tiến bộ đã sụp đổ. Sự phát triển đang bị bệnh, tất cả những đe doạ đối với toàn thể loài người đều có ít nhất một trong những nguyên cớ của nó đến từ sự phát triển khoa học và kỹ thuật (uy hiếp của những vũ khí có tính huỷ diệt, nguy cơ sinh thái ở tầng sinh quyển, đe doạ nổ bùng dân số).
Tuy nhiên, ở cuối thiên niên kỷ này, chính những phát triển khoa-kỹ có lẽ sẽ cho phép khôi phục lại năng lực toàn diện của con người, thay thế những công việc cực kỳ chuyên môn hoá bằng người máy, máy móc và sự kiểm soát bằng máy tính, tổ chức một nền kinh tế cấp phát. Nền kinh tế này sẽ xoá bỏ sự thiếu ăn và đói kém của thế giới thứ ba, sẽ hội nhập được những kẻ bị đẩy ra bên lề, thay thế những hệ thống giáo dục cứng nhắc bằng một chế độ giáo dục có tính phức tạp.
Nếu chúng ta có thể sử dụng và tóm thâu được kỹ thuật, khống chế được lôgíc thật sự của máy nhân tạo bởi tiêu chuẩn con người, dần dần đưa một lôgíc phức tạp - điều này chỉ mới bắt đầu - vào máy tính, nghĩa là vào thế giới của máy nhân tạo, thì một nền văn minh kỹ thuật siêu việt có thể tưởng tượng được.
Sự bất lực của chúng ta trong việc tiến hành cuộc chuyển biến lớn lao về kỹ thuật / kinh tế / xã hội không chỉ đến từ sự thiếu hụt kiến thức kỹ thuật và kinh tế mà còn do sự yếu kém của ngay cả cái tư duy chủ đạo kỹ thuật / kinh tế / quan liêu. Nó cũng đến từ tình trạng đần độn của tư duy chính trị, vì sau khi chủ nghĩa Mác sụp đổ, nó đã không có khả năng áp dụng một tư duy phức tạp và phác hoạ một mục tiêu cao xa. Chúng ta vẫn chưa có khả năng thoát khỏi cuộc khủng hoảng tiến bộ bằng một sự tiến bộ khác, thoát khỏi một cuộc khủng hoảng của tính hiện đại bằng một cái gì khác hơn một chủ nghĩa hậu hiện đại buồn thảm.
Cuộc bịt mặt chạy đua
Cuộc chạy đua của bộ ba: khoa học - kỹ thuật - công nghiệp chịu trách nhiệm vận mệnh nhân loại đã thành một con ngựa bất kham. Sự tăng trưởng cũng vậy, bước tiến của nó dẫn đến bờ vực thẳm.
Sau cách nhìn hồ hởi của Bacon, Descartes, Mác cho rằng con người làm chủ được kỹ thuật đã trở thành chủ nhân của thiên nhiên, là cách nhìn của Heisenberg (Hây-den-béc) và Gehlen (Ghê-len)(11)theo đó nhân loại trở thành một công cụ của sự phát triển siêu-sinh vật dẫn đạo bởi kỹ thuật.
Chúng ta cần phải từ bỏ hai huyền thoại lớn của Tây phương hiện đại: Điều thứ nhất là sự chinh phục cái thiên nhiên - đối tượng bởi con người - chủ thể của vũ trụ, điều thứ hai là sự tăng trưởng công nghiệp, phát triển và tiến bộ có thể cứ tiến mãi về một nơi vô tận. Chúng ta cũng phải từ bỏ tính hợp lý phiến diện, hẹp hòi, tính hợp lý trừu tượng và cuồng vọng vẫn xem những phê bình hợp lý đều trở thành phi lý khi nhắm vào chúng. Chúng ta phải thoát khỏi cái khuôn mẫu hợp lý ngụy tạo của con người tinh khôn kỹ nghệ (Homo sapiens faber) theo đó khoa - kỹ sẽ lo liệu và hoàn tất sự phát triển của nhân loại.
Cái bi kịch của phát triển và chậm tiến, cuộc chạy đua cuồng loạn của khoa-kỹ, sự mù quáng mà tư duy manh mún, giản đơn đã tạo ra, tất cả những thứ đó đã đẩy chúng ta vào một cuộc mạo hiểm không tự chủ được.
Tình trạng hấp hối
Khủng hoảng thế nào?
Chúng ta có thể xem tình trạng hỗn loạn và xung đột của thời đại toàn cầu là trạng thái "bình thường", những sự vô trật tự ở thời đại này là những thành tố tất yếu đên từ tính phức tạp của nó và tránh dùng cái từ ngữ ngày hôm nay đã trở thành nhàm tai và chung chung là "khủng hoảng".
Vậy thì chúng ta phải nhắc lại cái mà chúng ta hiểu là "khủng hoảng"(12)... Khủng hoảng bắt đầu thể hiện bằng sự gia tăng, thậm chí một sự lan tràn của những điều không chắc chắn, bởi sự gián đoạn của những điều tiết hay phản hồi âm (feedback négatif) (những phản hồi này triệt tiêu những lệch hướng) bằng cách phát triển những phản hồi dương (feedback positif) (tăng trưởng không chế ngự được), bằng cách tăng những hiểm nguy và những cơ may (hiểm nguy vì thoái bộ hoặc chết, cơ may vì tìm được giải đáp và cứu rỗi).
Khi nhìn vào tình trạng của địa cầu, chúng ta thấy rằng:
- Những bấp bênh gia tăng trong mọi lãnh vực, không có một khả năng tiên đoán nào chắc chắn cả, rất nhiều kịch bản về tương lai có thể xẩy ra.
- Những điều tiết bị gián đoạn (kể cả sự gián đoạn gần đây của cái "thế quân bình khủng bố hạt nhân"), sự phát triển của những tăng trưởng thành những phản hồi dương, như tăng trưởng dân số, những phát triển không kìm chế của tăng trưởng công nghiệp và khoa-kỹ.
- Những hiểm nguy có thể đưa đến cái chết cho toàn bộ loài người (vũ khí nguyên tử, đe doạ trên sinh quyển) và cùng một lúc những cơ may để cứu nhân loại khỏi hiểm hoạ lại đến từ chính cái ý thức về hiểm hoạ.
Khủng hoảng nhiều loại
Có lẽ chúng ta nên tìm cách sắp xếp lại thứ bậc của những vấn đề khủng hoảng để có thể tập trung chú ý xem vấn đề nào là ưu tiên hoặc quan trọng nhất.
Theo cách suy nghĩ nào đó thì mất kìm chế trên khoa-kỹ là một vấn đề lớn nhất. Vì nó chỉ đạo vấn đề phát triển và vấn đề văn minh, nó là đầu mối của sự gia tăng ồ ạt nhân khẩu và của mối nguy cơ sinh thái. Nhưng hiện nay kìm chế bước tiến của khoa - kỹ không có nghĩa là tự khắc sẽ giải quyết được bị kịch phát triển hoặc các vấn đề đặt ra cho văn minh chúng ta. Điều này cũng không thể giải trừ được sự mù quáng do cái tư duy manh mún và giản đơn hoá gây ra, mà cũng không loại trừ được vấn đề dân số và nguy cơ sinh thái. Ngoài ra vấn đề khoa - kỹ hôm nay đã cùng với toàn bộ văn minh tạo thành một quan hệ hỗ tương qua lại. Cho nên không thể nào xử lý nó một cách đơn độc mà phải căn cứ vào tình trạng đặc thù của từng khu vực địa cầu để giải quyết bằng những phương thức thích hợp.
Thực ra, giữa các vấn đề, các khủng hoảng và các đe doạ khác nhau vẫn tồn tại những tác dụng phản hồi lẫn nhau nào đó. Đối với những vấn đề sức khỏe, dân số, môi trường, lối sống, văn minh, phát triển cũng đều như thế cả. Cuộc khủng hoảng tương lai cũng thế, nó thường đánh thức chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa này đưa kinh tế đến hỗn loạn, hỗn loạn kinh tế lại kéo theo sự Ban-căng hoá khắp nơi và tất cả những thứ ấy đều có một tác dụng phản hồi lẫn nhau. Trên một mức độ lớn hơn nữa, khủng hoảng của nhân quyển (anthroposphère) và khủng hoảng của sinh quyển đều liên quan mật thiết với nhau chẳng khác nào những tương quan vẫn phát sinh giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Rất nhiều cuộc khủng hoảng có thể được xem là một tổng thể khủng hoảng đa diện ở đó đan chồng chéo với nhau nào là khủng hoảng phát triển, khủng hoảng tính hiện đại, khủng hoảng của tất cả các loại xã hội, cái thì bị kéo ra khỏi giấc ngủ mê man, khỏi sự tự cung tự cấp, khỏi tình trạng trì trệ, cái thì tăng tốc các chuyển động đến chóng mặt, bị cuốn hút vào một tương lai mù quáng, bị thúc đẩy bởi một biện chứng phát triển của khoa-kỹ và của những hoang tưởng được thả lỏng của con người.
Vì thế chúng ta khó có thể tách ra được một vấn đề gọi là vấn đề số một mà cho là nó bao trùm tất cả những cái khác. Không chỉ có một vấn đề sinh tử nhưng có nhiều vấn đề sinh tử và chính cái liên hệ hỗ tương phức tạp của những vấn đề, những đối kháng, khủng hoảng, tiến trình mất kiểm soát, khủng hoảng toàn bộ của địa cầu tạo thành cái vấn đề sinh tử số một.
Sự tăng tốc
Độ nghiêm trọng hay chiều sâu của cuộc khủng hoảng có thể được đo bằng tầm quan trọng của những phản hồi dương và của những nguy cơ có tính sinh tử.
Dĩ nhiên, tất cả diễn biến kỹ thuật - kinh tế của Tây phương từ cuối thế kỷ XVIII có thể được xem là một phản hồi dương vĩ đại, nghĩa là như một tiến trình không kìm chế, nó tự nuôi sống, tự lớn lên và tự tăng tốc, làm vỡ cấu trúc các xã hội cổ truyền, lối sống và văn hoá của chúng. Cái tiến trình phá huỷ này đã đồng thời là một tiến trình sáng tạo (một văn minh, nhiều hình thức văn hoá mới, những tác phẩm văn chương trác tuyệt, thi ca, âm nhạc...)
Câu hỏi ngày hôm nay là tìm hiểu xem những sức mạnh thoái hoá và phá hoại có thắng được những sức mạnh của tiến bộ và sáng tạo không và tìm hiểu xem chúng ta đã vượt quá mức độ giới hạn trong tiến trình tăng tốc-khuyếch đại mà tất yếu rồi đây sẽ đưa chúng ta đến chỗ tự huỷ diệt (run away) chăng?
Sự tăng tốc đã thâm nhập vào tất cả địa hạt của cuộc sống. Các loại vận tốc thì càng ngày càng nhanh, với sự gia tốc kỹ thuật bằng Fax, TGV (tầu cao tốc), Chronopost (Bưu điện phát chuyển gấp) tốc độ và siêu âm, nên chính chúng ta cũng bị tăng tốc. Đó là một cuộc chạy đua của cả nền văn minh đang lồng lên như con ngựa bất kham.
Chúng ta phải ý thức được rằng cuộc chạy đua điên cuồng này sẽ đưa chúng ta đến một nơi mà tương lai chúng ta sẽ càng ngày càng xa rời sự tiến bộ hoặc chỉ là một bộ mặt thứ hai của tiến bộ mà thôi. Walter Benjamin (Oan-te Ben-gia-min) khi nói về Thiên thần bị một cơn bão cuốn vào tương lai thì chính "cơn bão này là cái mà ta gọi là tiến bộ" vậy.
Chúng ta đang đi về chỗ tự huỷ diệt ? Hay về một sự chuyển hoá?
Những phản hồi dương đưa chúng ta đến chỗ tự huỷ diệt cũng có khả năng rồi lại sinh ra một cuộc chuyển biến. Nhưng với điều kiên là những lực lượng kiểm soát và điều chỉnh phải thắng được nó.
Cần phải tìm cách kìm hãm được sự thao túng của kỹ thuật lên văn hoá, văn minh, thiên nhiên vì nó đang cùng một lúc đe dọa cả ba thứ này. Phải tìm cách làm cho nó chậm lại để tránh hoặc một sự nổ tung hoặc một sự nổ ngầm. Cần phải giảm tốc độ để có thể chấn chỉnh, kiểm tra và sửa soạn bước chuyển biến. Sự sinh tồn còn đòi hỏi phải cách mạng tương lai. Chúng ta phải đi đến một tương lai khác, đó phải là cái ý thức có tính quyết định của thiên niên kỷ này.
Giai đoạn ngàn cân treo sợi tóc (uy hiếp của lưỡi kiếm Đa-mô-cléx)
Cuộc khủng hoảng toàn cầu đã nằm ở tâm điểm của những tiến trình không khống chế được và những tiến trình này cũng nằm ở tâm điểm của khủng hoảng toàn cầu. Một trong những đặc điểm của khủng hoảng toàn cầu là sự gia tăng những đe dọa tổng thể chết người.
Quả bom nổ ở Hi-rô-si-ma năm 1945 đã mở ra một giai đoạn mới trong đó vũ khí nguyên tử lúc nào cũng treo trên đầu nhân loại. Mối đe doạ này đã ngự trị với những kho vũ khí khổng lồ có thể huỷ diệt được mấy lần nhân loại. Những tên lửa mang các đầu đạn siêu tử vong nằm trong hàng nghìn hố trên mặt đất, di chuyển trong những tầu ngầm nguyên tử, bay không ngừng trong những máy bay bỏ bom ở trên không. Vũ khí này không ngừng lan rộng, được thu nhỏ rồi chẳng mấy chốc sẽ lọt vào tay của những kẻ thống trị điên cuồng hoặc bọn khủng bố rồ dại.
Cùng một lúc, mối đe doạ chết người cũng đã đến với bầu sinh quyển, ở đó những chất thải và bốc hơi từ sự phát triển kỹ thuật/ đô thị của chúng ta có nguy cơ đầu độc môi trường sống và biến nó thành một môi trường chết chóc đối với nhân loại.
Cùng một lúc, cái chết thuở nào đã được thuốc thang và vệ sinh ngăn chặn nay đang quay lại tấn công đôi khi với sự ác liệt chưa từng có, quan hệ tình dục là cái người ta cho rằng đã được khử trùng giờ đang đe dọa tiêu diệt con người trong từng cử chỉ ái ân.
Cuối cùng, cùng với lo lắng, tuyệt vọng và bạo lực, sự chết chóc dần dần đang lan rộng trong cõi sâu thẳm của tâm linh chúng ta. Những sức mạnh huỷ diệt và tự huỷ diệt tiềm ẩn trong mỗi cá nhân và trong mỗi xã hội lại tái hiện trong những môi trường đô thị vô danh của chúng ta, nhân và tăng lên những cô độc, âu lo riêng lẻ, thả lỏng một bạo lực đã trở thành một biểu hiện bình thường của phản đối, chối từ, nổi loạn. Sức quyến rũ chết người của những ma tuý cứng, nhất là hêrôin : làm tê dại, đê mê, hứng khởi, nhưng sự cứu rỗi của nó chỉ đưa đến chỗ chết đã lan rộng một cách không thể nào ngăn chặn được.
Từ ngày con người tinh khôn xuất hiện, ý thức về cái chết của bản thân và của đồng loại đều tồn tại trong đầu óc mỗi con người. Sau khi đế quốc La mã tàn lụi, cái ý thức rằng tất cả các văn minh đều có thể chết cũng đã xuất hiện. Trong thế kỷ này, với sự đóng góp ngày càng nhiều thành quả của khoa vũ trụ học hiện đại, người ta đã biết quả đất và mặt trời cũng sẽ chết, kéo theo sự sống cùng với chúng vào cõi đắm chìm. Nhưng thêm vào với những sự chết đã được biết đó, còn có thêm những cái chết mới thân mật hơn, những cái chết mới toàn diện, kề cận, độc hại, lơ lửng trên đầu, bao phủ chung quanh và tất cả đều ở mức độ toàn cầu.
Liên minh của những man rợ
Chính vào giai đoạn ngàn cân treo sợi tóc này của chúng ta mà một sự dã man ghê gớm đã xuất hiện. Nó là con đẻ của hình thái man dã cũ vẫn còn mạnh mẽ (chưa bao giờ các tôn giáo, chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc, ý thức hệ lại nuôi dưỡng cuồng tín, tàn bạo, khinh thị, cừu hận đến độ cao như bây giờ) cộng với những hình thái dã man mới, vô danh, vô tình, quan liêu, khoa-kỹ mới chỉ vừa sinh ra và lớn lên trong thế kỷ này. Sự liên minh dưới nhiều hình thái giữa hai loại dã man trên, gắn liền với những Kolyma (Nga), Auschwitz (Ôx-vuit - Đức), và Hi-rô-si-ma (Nhật) từ giờ trở đi đã trở nên phổ biến và chính nó sẽ đe dọa sự sống còn và tương lai của nhân loại.
Sự hấp hối của nhân loại?
Nếu chúng ta chú ý một cách toàn diện vào hai cơn bão khủng hoảng và cảnh tỉnh là hai trận thế chiến của thế kỷ XX và vào cơn bão mới lạ đang thành hình, nếu chúng ta chú tâm vào cái hiểm hoạ chết người đang đe doạ nhân loại đến từ chính nhân loại và cuối cùng nếu chúng ta đặc biệt chú tâm vào vị trí hiện tại của cuộc khủng hoảng đa diện chồng chéo không thể tách rời khỏi nhau, thì cuộc khủng hoảng toàn cầu của một nhân loại mà chưa có thể tự hoàn thiện như nhân loại, có thể được gọi là sự hấp hối, nghĩa là một tình trạng bi thảm và bất trắc, ở đó những triệu chứng của sự chết và sự sống đang đấu tranh và đan vào nhau. Một quá khứ sắp chết nhưng vẫn chưa chết hẳn, một tương lai đang ra đời nhưng vẫn chưa tồn tại.
Trên thế giới đang lan tràn những sức mạnh đui mù, những phản hồi dương, những điên cuồng, tự sát, nhưng đồng thời các đòi hỏi hoà bình, dân chủ, tự do, khoan dung...cũng đang được thế giới hoá.
Cuộc chiến đấu giữa những lực lượng hội nhập và những lực lượng phân hoá không chỉ biểu hiện trong quan hệ giữa các xã hội, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo mà còn biểu hiện trong từng nội bộ xã hội, ở mỗi cá nhân con người. Đó không chỉ là một cuộc đấu tranh giữa những thế lực văn minh và những thế lực dã man, mà còn là một cuộc đấu tranh giữa hy vọng sống còn tập thể và nguy cơ chết tập thể. Đó chính là cuộc đấu tranh của thế kỷ đang chấm dứt này, mà không nhất thiết sẽ là cuộc chiến cuối cùng để đưa chúng ta thoát khỏi thời kỳ đồ sắt toàn cầu.
Tất cả những miễn dịch cũ đã che chở các văn hoá trước kia, bây giờ đang đồng thời làm việc cho và chống lại nhân loại. Cho nhân loại đó là sự gìn giữ tính đa dạng. Chống nhân loại đó là ngăn cản tính thống nhất. Những miễn dịch quốc gia giờ mang tính huỷ diệt nhiều hơn là che chở. Như một thực thể toàn cầu, nhân loại vẫn chưa tìm được sự che chở nào có thể chống lại được những căn bệnh bên trong đang tàn phá nó.
Sự hấp hối toàn cầu không đơn thuần là bài toán cộng tất cả những đối kháng truyền thống, với những khủng hoảng nhiều loại khác nhau, với sự xuất hiện những vấn đề mới chưa có giải đáp, mà là một hiện tượng tổng thể sống bằng các chất liệu đầy xung đột, khủng hoảng và vấn đề như đã nói trên, nhưng đồng thời nó cũng lại bao hàm, vượt qua và quay lại nuôi dưỡng chúng.
Cuối cùng cả tổng thể này lại tập trung trong nó cái vấn đề của những vấn đề: sự bất lực của thế giới để trở thành một thế giới đích thực, nhân loại không đủ khả năng trở thành nhân loại theo đúng nghĩa của nó.
Có phải chúng ta đang trên đường đi đến một tai hoạ toàn diện vô phương cứu chữa ? (1) Chúng ta có thể mong chờ một lối thoát từ nơi nào ? Hay là chúng ta vẫn phải tiếp tục thất thểu đi về một thứ thời trung cổ toàn cầu với những xung đột địa phương, những khủng hoảng liên tục, những hỗn loạn, thoái bộ mà có lẽ chỉ trừ một vài hòn đảo nhỏ trên thế giới là trở thành ngoại lệ...
Hấp hối giữa tử và sinh là con đường tuy đầy dẫy những nguy cơ nhưng cũng có thể dẫn đến một sự hoá thân toàn diện... với điều kiện là chúng ta ý thức rõ được sự hấp hối đó.
Chú thích:

(1). Nhật báo les Echos, 5/1992.
(2). Dây chuyền công nghiệp xe ô-tô đã cho phép tạo nên công ăn việc làm cho những người làm nghề sửa xe, bán xe v.v.. nhưng với công nghiệp tin học thì không phải như thế.
(3). Ví dụ ngược lại duy nhất chưa trở thành điển hình là những cộng đồng sinh ở phía Tây của cái tiểu Âu châu.
(4). Trong khi đó năm 1960 nó đã chiếm đến 9% tổng số trao đổi quốc tế và đã tự lực được về lương thực.
(5). Như trung tâm nghiên cứu về tương lai của trường đại học Nam California. Vẫn còn những viện chuyên lo về các chương trình công nghệ học ngắn ngày, như trung tâm nghiên cứu về tương lai Palo Alto.
(6). Những năm 1977 - 1980 là khúc quanh quan trọng: Năm 1977, chủ nghĩa Xion thế tục đã nhường chỗ cho chủ nghĩa Ixrael kinh thánh với sự cầm quyền của Begin, năm 1978 ông Jean Paul II được bầu làm Giáo hoàng và đã bắt đầu tái truyền bá phúc âm của thế giới; năm 1979 nước Irăn đã được ít nhiều thế tục hoá bỗng rơi vào tay Ayatôla Khomeiny.
(7). Nhàn thú (loisirs) : thời giờ không phải làm việc, có thể dùng nghỉ ngơi, du lịch, giải trí...
(8). Cracking: (Tiếng Anh) Một phương thức trong kỹ thuật lọc dầu, (ND).
(9). S. Giedon, "Cơ giới hoá nắm quyền chỉ huy" (Mechanization takes command), Oxford University Press, 1948.
(10). "Tiến trình Mắcđônan hoá xã hội", (The Macdonaldisation of society), Sage Press, 1992.
(11). Xem E. Morin, "Dẫn nhập vào một chính trị nhân loại" (Introduction à une politique de l'homme), Paris, Ed. du Seuil, "Points politique" 1969.
(12). Xem E. Morin "Xã hội học" (Sociologie), Paris, Fayard, 1984 (Cho một lý thuyết về khủng hoảng (Pour une theorie de la crise), tr. 139 - 151).
Quả Đất - Quê Hương
Lịch sử của lịch sử
Tấm Thẻ căn Cước Địa Cầu
Sự Hấp Hối Toàn Cầu
Các vấn đề hiển nhiên thứ yếu
Mục Tiêu Của Người Trái Đất Chúng Ta
Cái Chủ Nghĩa Hiện Thực Không Thể Có
Chính Trị Nhân Loại
Cải Tạo Tư Duy
Phúc Âm Của Sự Trầm Luân
QUẢ ĐẤT - QUÊ HƯƠNG