Chương 7
Tác giả: Nguyên Hùng
Sau cả tuần lễ tiệc gọi là vinh quy bái tổ, Cậu Ba bắt tay vào việc làm ăn. Cậu bàn với ông Hội đồng và cậu Hai:
- Kể từ hôm nay, con xin lãnh công việc ba và anh Hai giao. Con có nghe ba nói một lần rồi, nhưng nay con muốn nghe ba lặp lại lần nữa, trước mặt anh Hai đây, để... cho ba mặt một lời, sau này dễ làm việc.
Hai Đinh bật cười:
- Thằng này có vẻ rắc rối quá! Cha con, anh em trong nhà mà bày vẽ...
Ông Hội đồng gật gù:
- Không rắc rối, không bày vẽ đâu! Thằng Ba nói đúng. Người mình có câu "ăn cho, buôn so", nói theo người hay chữ là theo thuyết chánh danh. Hai đứa bây hãy nghe tao nói đây. Khi thằng Ba mầy đi Tây thì mọi việc tao giao cho anh Hai mầy lo liệu. Quan trọng nhất là việc tranh thương với Chệt chành, không cho chúng phái người vô điền của mình mua lúa nón, tức là cho vay để mua giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, v.v... Đến mùa lúa chín thì mua lúa rẻ chất đầy lẫn chờ được giá mới bán. Mấy việc đó anh Hai mầy làm được việc.
Cậu Hai nở một nụ cười thật tươi, công lao của cậu đã được cha đánh giá đúng. Ông Hội đồng nói tiếp:
- Nay thằng Ba mầy đi học về, phải chia bớt gánh nặng của anh. Mầy chữ nghĩa, tiếng Tây giỏi, giao thiệp rộng, ba giao cho con về mặt giao tiếp, giấy tờ với nhà nước và nhà báo...
Cậu Ba gật gù:
- Ba giao việc đó rất đúng khả năng của con. Giao tiếp nhà nước và nhà báo. Còn gì nữa không ba?
- Điền sản nhà mình lớn lắm, 145.000 héc-ta ruộng lúa với mười ngàn héc-ta ruộng muối. Đi thăm lúa ruộng thật là mệt. Con phải sắm máy bay đưa ba và anh hai đi giáp vòng.
Cậu Ba gật lia:
- Cái đó thì con đồng ý hai tay. Rồi, còn gì nữa không?
Ông Hội đồng quay sang cậu Hai:
- Để anh Hai mầy nói.
Cậy Hai chậm rãi:
- Đây mới là chuyện quan trọng. Chú Ba nó đọc báo chắc có biết sự cạnh tranh giữa mình với người Tàu thật là ác liệt.
Cậu Ba gật:
- Có nghe. Nhất là Bắc Kỳ, đồng bào ngoài đó tẩy chay hàng hóa do người Tàu bán.
Cậu Hai nói tiếp:
- Ngoài Bắc đồng lòng tẩy chay người Tàu nên người Tàu không thao túng thị trường như trong Nam mình. Anh muốn kêu gọi các nhà điền chủ và tư sản trong Nam lập hội để cùng nhau tranh thương với đám Chệt chành trong trận giặc lúa gạo.
Cậu Ba cười:
- Cái ý nghĩa của anh đó, bên Pháp đã có từ lâu rồi. Đọc báo thấy hàng tháng Chambre de Commerce họp để bàn thảo các vấn đề. Đó là Phòng Thương Mãi. Còn nhà nông mình thì nên lập Chambre des Agriculteurs (Phòng Nông gia).
Hai Đinh vui mừng:
- Hay! Chú Ba mầy thông minh lắm. Vừa nghe trình bày đã có sáng kiến ngay. Mình muốn lập một hiệp hội nông gia để bàn công việc nghề nghiệp mà quan trọng nhất là đương đầu với nạn người Tàu tung tiền vô các điền mua lúa non. Chú Ba nó, với cương vị một trí thức du học ở Pháp về, chắc là lời kêu gọi có trọng lượng hơn mình.
Cậu Ba cười:
- Đúng vậy! Cũng một việc đó mà người không tên tuổi nói không ai nghe. Còn dân có nhãn hiệu "re-tour de France" (đi Tây về) thì nói dù đúng dù sai, thiên hạ cũng nghe rần rần.
Ông Hội đồng cũng cười theo:
- Chuyện đời là vậy. Người mình có câu "Vai mang túi bạc kè kè, nói bậy nói bạ, người nghe rần rần". Ngày nay, ai đi Tây cũng được trọng vọmg như kẻ mang bạc kè kè.
Sau một tuần trà, Cậu Ba nói:
- Các công việc ba và anh Hai giao, con đều nhận hết. Nhưng trước khi bắt tay vào việc con muốn ba và anh Hai giúp con cụ thể hơn, nghĩa là cho con xem giấy tờ, bằng khoán để biết rõ gia sản, điền địa của nhà mình ở đâu và như thế nào. Chớ chỉ nghe con số một trăm bối mươi lăm ngàn héc-ta ruộng lúa và mười ngàn héc-ta ruộng muối thì kể như chưa nắm được gì!
Cậu Hai gật:
- Được! Tất cả hồ sơ giấy tờ, bằng khoán anh đang giữ trong tủ sắt. Để anh lấy cho chú xem.
Ba Huy nhìn bản đồ nói:
- Điền sản nhà minh chạy dài từ Bác Liêu xuống Cà Mau. Còn ruộng muối thì từ Bạc Liêu ăn thông qua Vĩnh Châu, Ngày mai, hai anh em mình phải đi một vòng đề - nói theo nhà nước là kinh lý "trăm nghe không bằng một thấy". Nếu ba không sợ mệt thì ba cùng đi với hai con.
Ông Hội đồng cười lớn:
- Tao là dân nhà nông, đi thăm ruộng là nghề, sao lại sợ mệt! Ý của thằng Ba mầy hay. Có thấy tận mắt mới hiểu rõ và từ đó nẩy ra sáng kiến.
Cậu Hai cũng phụ họa theo:
- Cái đó có trong văn chương, người ta nói là "tức cảnh sanh tình".
Sáng hôm sau, ba cha con đi thăm ruộng muối ở Vĩnh Châu. Khi xe qua cầu Quay, chạy ngang xóm nhà thờ, lòng Cậu ba bồi hồi xúc động. Ngày xưa, còn học tiểu học ở Bạc Liêu, cậu thấy nhá thờ tỉnh uy nghi to lớn, nay sao trở về thấy nó nhỏ lại hết sức khiêm tốn...
Cậu Hai nói:
- Tỉnh Bạc Liêu mình được thiên nhiên ưu đãi. Chú cứ nhìn các trụ bê tông bên đường thì biết mỗi năm biển cứ lùi xa vài trăm thước, nhờ đất phù sa con sông Hậu bồi đắp ngày đêm.
Cậu Ba nhận xét thêm:
- Quận Vĩnh Châu có ba sắc dân, người mình, người Tiều và người Miên. Trong ba nhóm dân cư nầy, người Tiều làm ăn giỏi hơn hết, Họ lập vườn nhãn, thu huê lợi lớn, cất nhà ngói, đóng giếng gạch để tưới nhãn vào mùa khô, sắm xe chở nhãn đi bán các chợ...
Cậu Hai gật:
- Mồ mả người Tiều cũng khác hẳn người mình. Họ rất trọng địa lý phong thủy, chọn đất xây mồ cũng quan trọng như đất cất nhà. Mộ người Tiều thường ở trên gò cao, chung quanh mộ đắp đất hình vòng vung, trồng cỏ xanh tươi thật mát mẻ.
Ông HỘi đồng ngồi ghế trước quay lại góp chuyện:
- Còn người Đàn thổ thì sống bẩn chật hơn. Nhà lá đơn sơ, nhưng lại quyên tiền xây chùa thật nguy nga tráng lệ. Vào chùa Miên, mình thấy sang cả như đền đài của vua chúa, nền cao, gạch bông láng trơn, tranh vẽ trên tường mày sắc rực rỡ.
Cậu Hai tiếp lời:
- Đó là sự tích Phật Thích Ca vốn là thái tử Si-đạt-ta thấu hiểu đời là bể khổ nên rời cung điện quyết chí đi tu. Trong chùa có pho tượng thái tử cỡi ngựa trắng đặt giữa sân.
Cậu Ba như thần nhủ: -Người Miên sống nhiều về tâm linh và có lẽ lúc vô chùa lạy Phật là lúc vui vẻ nhất trong đời họ.
Cũng trong chuyến đi thăm ruộng lúa ở Giá Rai, Cà Mau, Cậu Ba hỏi cha và anh về tình hình điền địa Nam Kỳ.
Ông Hội đồng nói:
- Hồi ba còn làm thư ký sở Địa chánh trông coi việc thu thuế ruộng, ba có đọc sách nên biết chút ít. Thằng Tây rất giỏi về ngành thống kê. Đất đai Nam Kỳ đều chia ra từng tỉnh. Mỗi tỉnh có bao nhiêu điền chủ cỡ lớn chúng đều nắm chắc. Trong hăm mốt tỉnh, chúng xếp hạng càc tỉnh giàu như sau. Theo chúng, tỉnh giàu có nghĩa là tỉnh có nhiều địa chủ lớn đóng thuế nhiều cho nhà nước: Đứng đầu là Rạch Giá với 55 điền chủ lớn. Hạng nhì là Cần Thơ với 53 điền chủ lớn. Thứ ba là Trà Vinh với 50. Vĩnh Long đứng hạng tư với 45. Bạc Liêu mình đứng thứ năm với 36 điền chủ lớn...
Cậu Ba:
- Mình chỉ muốn biết trong tỉnh Bạc Liêu của mình thôi, Trong sốp 36 điền chủ lớn, ngôi thứ ra sao?
Cậu Hai nói:
- Mình đứng đầu với 145 ngàn héc-ta. Hạng nhì là Vưu Tung với 75.000 héc-ta. Thứ ba là Châu Oai với 40.000 héc-ta.
Cậu Ba:
- Nghe nói có điền chủ Tây nữa...
Cậu Hai gật:
- Nhiều. Như đám Arborati chiếm nhiều nhất ở Giá Rai. Thằng Batisti có điền ở Cà Mau. Thằng Quillemet ở Khánh Bình. Đám này cho con học ở Chasseloup trên Sài Gòn.
Ông HỘi đồng ngẫm nghĩ:
- Nghe nói hai anh em thằng Malein ở Cờ Đỏ, quận Ô-môn - Cần Thơ làm ruộng có bài bản lắm. Có kỹ sư canh nông về làm cố vấn cho nó. Thằng Ba mầy nên tới đó ngó qua cho biết nó hơn mình ở chỗ nào.
Cậu Ba giở sổ tay ra ghi:
- Con sẽ lần lượt tới các điền Tây đề làm quen, học hỏi, đồng thời vận động thành lập Hội nông gia như ý anh Hai nói khi nãy. Nhưng trước nhất là phải tìm một nơi làm sân bay ở Cà Mau.
Nghe nói máy bay, ông Hội đồng thìch thú:
- Làm sân bay tốn nhiều đất không?
- Không nhiều đâu, chỉ bằng cái sân đá banh. hai bên chiều dài mình cắm cọc sơn trắng đỏ làm dấu để phi công biết mà hạ cành.
- Vậy thì chẳng tốn kém gì. À, mà nghe nói có tàu bay nữa. Mình nên mua thứ nào?
Cậu Hai đang lim dim vụt mở mắt ra:
- Câu hỏi hay đó. Nên chọn mua thứ nào?
Cậu Ba cười:
- Mình đã suy tính rồi, Ban đầu thấy mua thủy phi thuyền Catalina là tiện vì xứ mình sông rạch xỏ rế như bàn cờ. Nhưng nghĩ kỹ thì lại thấy bất tiện. Vì loại này không thể đáp xuống sông rạch nhỏ, cây cối um tùm. Nó chỉ đáp nơi sông cái. Như anh có thể thấy các soái hạm thường dùng Catalina vì nó đáp xuống biển hay sông cái tiện hơn.
Cả ông Hội đồng và cậu Hai gật đầu. Họ thầm khen thằng Ba bây giờ chín chắn hơn trước nhiều.
Sau khi chọn xong địa điểm để làm sân bay, Cậu Ba lại nói tiếp ý định của mình:
- Có một chuyện nầy, với con thì rất bình thường nhưng với ba và anh Hai thì nó mới lạ và tốn kém.
Nghe nói tốn kém, ông Hội đồng chụp hỏi:
- Gì mà tốn kém?
Cậu Ba trình bày:
- Công việc ba và anh Hai giao cho con bắt buộc con cùng một lýc phải ở hai nơi. Một là con phải ờ Nhà Lớn để khi cần đi đâu thì con là "sốp-phơ máy bay" cho ba. Ngoài ra khi cần giao du vơi nhà nước và nhà báo thì con phải sống ở Sài Gòn. Vì Sài Gòn là đầu não của bộ máy cai trị Nam Kỳ. Ở đó báo chí bên Tây qua cũng sớm. Báo trong nước vừa in là mình có mà đọc. Phải mất một ngày báo Sài Gòn mới xuống tới Bạc Liêu theo xe thơ. Trong thương trường, giá cả lên xuống, trồi sụp nhanh như chớp. Nếu không nắm được giá lúa gạo ở bên Xiêm, bên Mã Lai thì ta bán hố, thua lỗ bạc trăm bạc ngàn. Bởi vậy phải có một local (phòng trực) ở Sài Gòn. Tuy tốn kém mà lợi gấp mười, gấp trăm lần.
Cậu Hai gật lia:
- Đúng là mầy giỏi hơn tao nhiều. Tao chỉ là thằng lái vườn, còn mầy là thằng lái quốc tế.
Ông Hội đồng sáng rỡ lên:
- Ý hay! Tao đồng ý cho mầy mướn phố trên Sài Gòn để thăm dò giá cả thị trường, Lớn thuyền thì lớn sông chớ! Má mầy nhà quê "một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ", chớ tao thì biết tính toán hơn. Chuyện làm ăn theo kiểu tân thời, hai anh em bây bàn tính với nhau. Hễ thấy có lợi là tao ủng hộ ngay.
Vậy là hôm sau, cậu Ba cùng tài xế lấy chiếc Chevrolet mới mua đi Sài Gòn dọ giá mua máy bay và mướn phố làm văn phòng thường trực mà Cậu Ba là trưởng phòng.