Khúc tình xanh
Tác giả: Nguyên Hương
Bốn, năm tên con trai đứng giữa cửa cùng quay lại nhìn tôi chằm chằm. Lúng túng một chút, tôi tiếp tục xách vali bước tới. Người ta nói với ba má tôi đây là một nhà trọ rất khá, tại sao có những tên bất lịch sự đến thế kia? Người ta nói con trai thành phố lịch sự lắm, sao chẳng có tên nào tỏ vẻ muốn xách dùm tôi cái vali nặng trĩu?
Như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi, một tên chìa tay ra. Tôi rụt tay lại. Biết ai là ai mà đưa đồ của mình cho họ!
Những tên còn lại cười hích hích, hình như cười tên vừa bị từ chối chứ không phải cười tôi. Tôi làm mặt nghiêm trang:
- Xin lỗi, cho hỏi đây có phải...
- Dạ, chính nó, thưa cô - Bàn tay vừa chìa ra ngay lập tức khoanh thành một kiểu chào rất cung kính - Đây là nhà trọ Hoa Sen tốt nhất giữa thành phố chật chội này. Và đúng như tên gọi, ai được là khách trọ nơi đâynghĩa là đã được chứng nhận loại khá trở lên về mặt đạo đức...
Những tràng cười tắc lại trong cổ. Tôi chẳng còn cách nào khác là đứng lại nghe vì cửa ra vào bị chắn ngang.
- Thưa cô, bà chủ có việc bận nên lệnh cho chúng tôi đón cô và hướng dẫn mọi điều cần thiết. Trước hết xin tự giới thiệu, Tôi là Danh, kia là X, Y, Z, H. Chúng tôi là sinh viên trọ tại đây. Do tính tình thật thà dễ thương nên được bà chủ yêu quí như người nhà. Mở ngoặc đơn, tiền trọ không vì vậy mà miễn giảm, đóng ngoặc đơn.
Tiếng cười bật ra khanh khách hỉ hả. Tôi cũng cười.
- Thưa cô, what’s your name? And where are you from?
Xì! Tưởng gì. Tôi nheo mắt nhìn Danh. Ta đây lấy bằng C tiếng Anh từ giữa năm học 12. Và vì quyết tâm lên thành phố học nên ta cũng đã qua vi tính. Tóm lại là ta vũ trang khá đầy đủ trước khi đến đây. Chưa kể những tép tỏi má nhát đầy túi và vali đề phòng bùa ngải!
Tôi nhẩm một câu tiếng Anh khá dài và lắt léo định dọa lại thì bà chủ xuất hiện. X, Y, Z, H lẫn Danh chạy biến.
Bữa cơm tối tôi không gặp lại Danh và hôm sau, hôm sau nữa cũng vậy. Sau này tôi mới biết ngày tôi đến cũng là ngày Danh bán bộ quần áo tươm tất nhất để trả tiền trọ và đi ở bụi.
Thỉnh thoảng, đụng đầu Danh ở cổng trường, tôi hỏi:
- Dạo này ở đâu?
Khi thì Danh trả lời “Ở nhờ thằng bạn”, có khi câu trả lời tưng tửng “Chưa biết, có lẽ tối nay phải ngủ vỉa hè quá”. Cứ thêm mỗi lần gặp, tôi thấy Danh đen hơn, gầy hơn. Nhưng vẻ lém lỉnh thì không thay đổi.
- Sao chẳng bao giờ thấy Danh đội mũ?
- Một bậc cao đạo nào đã nói tóc ướt nhanh khô hơn mũ - Danh trả lời với một vẻ phớt lờ rồi bật cười khẽ nói thật nhanh - Tiền mua mũ đủ sống được vài ngày lây lất, tiểu thư ạ!
Có trời mới biết được Danh lúc nào thật, lúc nào đùa. Nhưng tôi cảm thấy vui khi gặp và nghe Danh trò chuyện. Dẫu quần áo Danh thường nhàu nhò, và đôi khi Danh bật ngáp không kịp che miệng, nhưng vẻ tự tin thẳng thắn đượm khôi hài của Danh khiến tôi có cảm giác cuộc sống dù khó khăn đến mấy người ta vẫn có cách chịu được.
Nhưng tại sao gọi tôi là tiểu thư chứ? Vì tôi được gia đình chu cấp đầy đủ? Hay vì bà chủ trọ canh gác tôi nghiêm ngặt đúng theo thư của ba má tôi gửi gắm hàng tháng. Lần nào Danh ghé, bà chủ cũng chỉ có một câu để trả lời: “Thảo nó bận học”. Rồi sau khi Danh về, bà đập cửa phòng tôi: “Càng ngày bác càng thấy nó sao giống đồ lừa đảo quá”. Ban đầu tôi ghét bà kinh khủng, nhưng sau tôi biết tất cả những tên con trai đến tìm con gái đang trọ ở nhà bà đều là đồ lừa đảo! Có lẽ vì vậy mà các bậc cha mẹ đều muốn gửi con gái cho bà.
Một ngày gần mùa thi, đang đi dọc hành lang, tôi đụng đầu Danh đang ngược lại. Ô, hôm nay Danh lạ hẳn. Quần áo ủi ly phẳng cứng, áo trắng tinh và một cái cà vạt xanh đậm. Thật đàng hoàng nghiêm chỉnh. Tôi lục soát thật nhanh bộ nhớ trong đầu. Không nghe bất cứ thông tin nào hôm nay là trường tổ chức lễ lạc gì cả. Danh đi đâu mà quá chừng lịch sự thế kia?
- Đi học! - Danh cười.
- ...
- Chứ Thảo nghĩ Danh đi đâu?
- ...
- Danh xin được việc làm ở một nhà hàng ngoại quốc. Đây là đồng phục của nhà hàng. Vừa xong ca, sợ trễ học quá nên không kịp thay quần áo, cứ vậy chạy luôn đến đây. Mà... Thảo thấy Danh đẹp trai không?
Câu cuối cùng Danh nói thật nhanh, vừa nói vừa nháy mắt. Tôi phì cười :
- Đẹp! Danh làm gì ở đó?
- Bồi bàn - Danh tỉnh bơ khoe một tràng - Khi nào Danh sẽ biểu diễn cách pha cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ mời Thảo uống hoặc kiểu Santana, kiểu Braxin. Kính thưa quí khách - Danh đặt tay lên ngực, cúi đầu cung kính - Nhà hàng chúng tôi rất hân hạnh đón tiếp. Nếu ngài là người Ấn Độ, chúng tôi sẵn thau nước thơm để ngài rửa tay sau khi ăn bốc. Mở ngoặc đơn, nếu ngài có nhu cầu cắt móng tay trước khi ăn, nhà hàng chúng tô sẵn sàng phục vụ muễn phí, đóng ngoặc đơn.
Không thể nín cười được, tôi che miệng lại. Khi tôi bỏ tay ra, Danh đã biến sau cửa lớp, để lại những vệt giày trên hành lang.
Có lẽ công việc ở nhà hàng cũng ổn định nên những lần gặp nhau Danh không có vẻ quá vội vàng nữa tuy gầy rộc và lộ vẻ mất ngủ, nhà hàng thường khách khứa đến gần sáng.
Nói dối là đi thăm thầy giáo bị đau phải nằm cấp cứu (lý do này Danh bày tôi, ý là nếu không đi thăm ngay sợ không còn dịp), chúng tôi đi uống nước chanh ở một quán ven đường. Danh kể tôi nghe đủ chuyện trên trời dưới đất, đến lúc ly chỉ còn lại cái xác chanh và vài cục đá vụn, Danh nói nhỏ vào tai tôi :
- Đừng có giành trả tiền nghe. Hôm nay Danh giàu lắm.
- Lương ở đó cao lắm hả?
- Cũng dễ thở. Chỉ cần công việc ở đó kéo dài đến ngày ra trường là Danh sống khỏe.
Tôi không tin Danh sống khỏe, và hơn nữa, nếu thời gian bươn chải kiếm sống được dành cho việc học thì chắc hay hơn nhiều. Tôi nói nhỏ :
- Hay là Thảo bớt tiêu xài... Danh...
- Không! - Danh xua tay dứt khoát - Đừng bắt Danh nhận tiền của Thảo. Danh là con trai mà.
Có một người bạn trai đầy dũng khí như vậy thì cũng đáng tự hào. Cả khoa ai cũng mến Danh. Bọn con gái thường liếc tôi từ sau lưng, ngay cả Dung hoa khôi cũng vậy.
Bà chủ nhà cũng lườm liếc nhưng với ý nghĩa khác. Một hôm bà nói, có ý bâng quơ :
- Cô thầy dạy ở trường Thảo dạo này đau ốm hơi nhiều.
Tôi đỏ mặt ú ớ. Bà đưa cho tôi hai lá thư má gửi” “Nghe nói con làm bạn với một cậu con trai đáng ngờ. Má lo lắm...”
Má lo lắm. Nhưng tôi hiểu, nếu mà có dịp gặp Danh, má sẽ yên tâm hơn. Bỗng nhiên... nhân lá thư này, tôi muốn làm eo với Danh một chút. Người yêu phải khổ sở vì mình mới vui!
Tôi nói với Danh “má cấm”. Và tôi phịa thêm: “Má đã chọn một đám rất thân ở nhà”. Danh buồn đến thẫn thờ.
Người thẫn thờ tiếp theo là tôi.
Danh tránh mặt, hoặc chỉ là nụ cười thoảng qua nếu không kịp ngoắc người trước cổng trường.
Bạn bè kể vì bất đồng với ý kiến với quản lý nhà hàng nên Danh nghỉ ở đó. Bây giờ Danh tiếp tục bụi, nghĩa là gặp việc gì làm việc đó. Rồi lại nghe nói Danh đang đạp xích lô vòng quanh phố phường và thật tuyệt nếu có vị khách du lịch nào yêu cầu bác tài kiêm nhiệm luôn chức hướng dẫn viên.
Một ngày cuối năm, tôi co ro trong lớp áo len dày, tôi cắm cúi đi nhanh về nhà trọ để tránh những cơn gió lạnh lẽo.
- Mời lên xe! - Chiếc xích lô dừng lại, Danh trong cái áo sơ mi cũ nhìn tôi dưới mớ tóc bù xù trước gió - Xin tiểu thư yên tâm, dịch vụ du lịch của chúng tôi sẽ đưa tiểu thư về đến nhà bình an. Tiểu thư hãy nói với mẫu hậu rằng chỉ là đi xích lô mà thôi. Mở ngoặc đơn, miễn phí, đóng ngoặc đơn.
Vẫn là kiểu nói chuyện quen thuộc nhưng khuôn mặt Danh buồn quá đỗi. Thằng con trai bất chấp mọi khó khăn để đến được giảng đường lúc này sao quá cô đơn, vẻ tổn thương nhòa ánh mắt.
Trò đùa của tôi đã đi quá xa. Tôi òa khóc :
- Sao Thảo khóc?
Chiếc xích lô lọang chọang trên phố. Thân hình tôi lắc lư nhấp nhỏm theo từng cú dằn xóc. Dân chuyên đưa rước khách du lịch cớ sao cứ cho xe rơi xuống ổ gà?
Vẫn là những cơn gió cuối năm nhưng không còn quá lạnh nữa. Từng vòng quay chầm chậm, giọng Danh át tiếng gió:
- Đợi nghe Thảo. Hai năm nữa Danh ra trường... Chắc lúc đó má Thảo không quá lo sợ tiểu thư khổ. Mở ngoặc đơn, má vô cùng ân hận vì hồi đó đã cấm cản tình duyên hai đứa, đóng ngoặc đơn.
Đang khóc tôi cũng phải phì cười.
- Hôm nay trời đẹp quá. - Danh ngâm nga.
- Mình mua cái gì kỷ niệm ngày hôm nay đi Danh. - Tôi buộc miệng và chợt nhớ ra, tôi vội nói thêm - Thảo mới nhận tiền nhà gởi.
Danh lắc đầu. Biết ngay là từ chối mà. Danh ngừng xe nhảy xuống lục túi áo túi quần. Tất cả các túi chỉ có vỏn vẹn hai ngàn đồng.
Tôi ân hận ngồi im không nói gì. Danh ngần ngừ một chút rồi mỉm cười :
- Đủ mua một tờ vé số đó Thảo. Để Danh ép nhựa rồi làm một cái khung treo lên tường. Sẽ là bức tranh đẹp nhất.
Danh là vậy, luôn tìm ra cách giải quyết trong mọi trường hợp. Cách giải quyết ngày hôm nay mới dễ thương làm sao.
* * * * *
Cậu bé bán vé số ngờ ngợ nhìn Danh “Tuần trước chú mua vé số của cháu nè. Trúng mà sao không thưởng gì hết?”. Nhìn khuôn mặt ngạc nhiên của Danh, nó đưa ngón tay trỏ lên trời: “Một triệu đồng, giải ba”.
Danh nhìn tôi. Chúng tôi nhìn nhau. Rồi Danh thầm thì: “Đó không phải là vé số. Đó là bức tranh kỷ niệm”.
Bạn bè bàn tán ồn ào chia làm hai phe. Phe này cho rằng bao lâu nay không trúng số Danh vẫn sống. Vậy thì hãy giữ tờ vé số đã ép nhựa như một kỷ niệm lãng mạn đẹp đẽ. Vả lại một triệu đồng không phải là món tiền quá lớn cho nuối tiếc.
Phe còn lại la lên: “Đồ điên. Hơ nóng cho nhựa bong ra mà đi lãnh tiền về xài. Một triệu đồng với Danh là vài bộ quần áo tươm tất, là vài chục ngày ăn uống đủ dinh dưỡng, là những cuốn sách nghiên cứu quí giá mà sinh viên ít dám mơ vì con số in ở cuối bìa sau, là nghỉ ngơi sau vài ngày trên đường bươn chải kiếm sống, là một chuyến về quê thăm nhà vào dịp Tết này, là...”
Hai phe cãi nhau chí chóe. Thời hạn giá trị của tấm vé số ngắn dần. Bọn con trai chận tôi lại :
- Gật đầu chịu lãnh tiền đi Thảo. Danh nó đợi ý Thảo mà.
Tôi biết. Thật thú vị khi mình có quyền với ai đó. Tôi không lắc đầu cũng chẳng gật đầu, im lặng tận hưởng sự do dự trong Danh và nỗi tức giận ghen tị của bọn con gái.
Dung hoa khôi băng ngang mặt tôi. Trời mùa đông lạnh ngắt, mặt Dung bừng đỏ :
- Thảo thật độc ác!
Tôi không trả lời Dung. Rồi tất cả sẽ hiểu. Đây chỉ là đùa vui thôi mà. Đến ngày cuối, tôi sẽ gật đầu. Món quà đầu tiên mua từ món tiền đó sẽ là một cái mũ thật đẹp cho Danh, và sau đó là một cái áo len thay cho cái áo đang có đã quá sờn. Công ty Xổ số hẳn là ngạc nhiên trước tấm vé số được ép nhựa đóng khung cẩn thận đến vậy. Tôi cười vui một mình.
Nhưng trước khi tôi gật đầu, Danh đã đến với tấm vé số bị cắt làm bốn mảnh:
- Ban đầu Danh nghĩ chắc mình không thèm lãnh tiền nhưng càng về sau... Danh sợ... Cho nên... Thôi, cắt nó ra... có muốn lãnh cũng không được nữa. Vậy cho yên - Danh mỉm cười yếu ớt - Mở ngoặc đơn, giờ đây chúng ta có bốn bức tranh thay vì một, đóng ngoặc đơn.
* * * * *
Bất chấp ánh mắt soi mói nhăn nhó của bà chủ nhà, tôi mặc hai cái áo len rồi đi ra phố. Hàng cột điện như hai hàng lính, ánh đèn tỏa xuống phố xôn xao bóng người đến cuối năm.
Chiếc xích lô vắng khách tựa vào cột điện không xa lắm. Danh đó, quyển sách đang mở rộng trên gối chân, bàn tay gầy đặt ngang trang giấy trắng. Tôi bước đến gần. Không có vẻ gì là vui khi thấy tôi cả. Danh giận tôi sao? Tôi đến gần hơn nữa. Danh đang ngủ. Chẳng biết vì bụi hay ánh đèn vàng mà tóc Danh ngả màu hoe hoe.