Tội ác và trừng phạt
Tác giả: Nguyễn Huy Thiệp
Cái đẹp sẽ cứu thế giới
(F.M. Đostoievski)
1. Vào chuyện
Đã có nhiều bạn đọc đến với tôi, họ kể lể về cuộc đời, than phiền những điều bất hạnh trong số phận, mong muốn tôi viết một cái gì đấy về tội ác và trừng phạt. Mong muốn của họ chân thành và cảm động.
Trước mặt tôi là một cô gái 16 tuổi. Khuôn mặt cô đanh lại, khắc khổ: Mái tóc đỏ quạch, rối bời. Cô nói bằng một giọng trầm, khô đặc hệt như đàn ông. Cô phạm một tội rất nặng.
Cô gái này ở cùng bố, một bà mẹ mù và ba đứa em ở vùng cao huyện M. Tây Bắc... Hồi đi dạy học, tôi đã có lần dặt chân lên vùng cao này. Nơi đây hết sức hoang vu. Để bỏ cái thư, người ta phải đi chừng 15 cây số mới tới bưu điện. Thỉnh thoảng (tức là phải đi khoảng ba tiếng đồng hồ), mới thấy chơ vơ ở lưng chừng đồi mấy nóc nhà người Xá. Nhà người Xá làm hơi giống nhà người Thái đen, nhưng không có quản, không có khau cút, đơn sơ như chòi canh nương. Tôi đã từng ngồi trên cầu thang một nhà như thế ăn cháo ngô. Dưới chân cầu thang những con lợn bẩn thỉu rúc mõm vào đám phân trâu ẩm ướt.
Cô gái 16 tuổi ngồi trước mặt tôi phạm tội giết bố và ba đứa em. Cô ta giết bố bằng rìu, khi ông ngủ say. ông bố nằm ngửa, tay vắt lên trán. Cô gái đứng dạng hai chân, nâng rìu lên ngắm nghía, giống như ta lựa thế bổ củi:
- Ban đầu cháu định bổ vào mặt ông ta, nhưng cháu sợ lưỡi rìu trượt theo sống mũi, không chết được. ông ta rất khỏe, đã từng tay không mà bắt được một con trăn lớn...
Cô gái cúi xuống, một tay chống rìu, còn tay kia nhấc tay ông bố đặt sang bên cạnh. - Cháu nhằm vào giữa trán...cháu biết chỗ ấy có xương rất cứng, nên cháu lấy sức để bổ thật mạnh. óc bắn lên tung tóe như bã đậu...
Tôi đứng dậy đi ra ngoài trời. Tôi nhớ lại màn sương mù xám bạc vẫn thấy ở vùng cao, thứ màu xám bạc ủ dột, nó làm thần kinh bải hoải, vô vọng tột cùng.
Có lần, đấy là vào mùa hè năm 1978, tôi đi vào những rẻo đất hoang vu ở thượng nguồn sông Mã. ở đây tưởng như sự sống đã rời bỏ nó hoàn toàn, thế mà vẫn thấy một, hai ngôi nhà người dân đã từng ngụ cư ở đây đến hai, ba đời. Tôi nói chuyện với họ, ngạc nhiên thấy những kỷ niệm từ đầu thế kỷ này vẫn còn nguyên vẹn. Những thông tin xã hội trong vài ba chục năm nay không đến được đây. Sự tối tăm về tinh thần của họ khiến tôi kinh hoàng..
Những người hãy đi xa hơn nữa trước đây là một số tội đồ hoặc bị cảnh nghèo đói buộc phải tha hương. Lòng nghi ngờ con người ở họ thật đáng sợ. Giao tiếp với xã hội bên ngoài được thông qua một số người nào đấy đã được thời gian bảo hiểm sự an toàn. Thường đấy là một số tay buôn vặt, buôn những mặt hàng nhu yếu phẩm như dầu, muối, kim, chỉ..., những thầy mo.
Những đứa trẻ, con của những tội đồ hoặc những người nghèo bị hắt hủi lớn lên trong mặc cảm về nhân cách, sống trong hoàn cảnh hết sức nhọc nhằn, bị bầu không khí ủ ê buồn bã của núi rừng làm mụ mị đi. Ta sẽ bất lực khi áp dụng những kinh nghiệm tâm lý của xã hội văn minh dối với họ. Họ không hiểu các quan điểm chính trị(!) của chúng ta, đã đành rồi. Họ cũng không biết cách chế biến món ăn sao cho ngon miệng.
Dẫn tôi đi vào các bản người Hmông, người Xá, người Sán Dìu hồi ấy là một thanh niên vốn quê gốc ở Hưng Yên tên là Quản văn Lanh. Tên này về sau bị chết khi bọn buôn thuốc phiện thanh toán lẫn nhau. Họ Quản ở Hưng Yên tập trung thành vùng Phố Hiến là một thương cảng nhất nhì ở ta hồi mấy thế kỷ trước. Phần lớn các gia đình họ Quản vùng này đều khá giả, không hiểu vì sao một gia đình họ Quản lại phiêu bạt lạc đến vùng đất khỉ ho cò gáy này.
Quản Văn Lanh có mẹ là người Xá. Hắn biết chừng ba chục từ tiếng Kinh và việc chuyện trò của chúng tôi quanh quẩn trong ba chục từ ấy. Lanh trán thấp, môi dày, quai hàm bạnh, hoàn toàn lầm lì. Tôi không hiểu dưới vầng trán ngắn ngủi và bạt về phía thóp kia, hắn nghĩ gì. Không bao giờ Lanh cười, hỏi gì thì lờ đi, gặng mãi mới bật ra một hai từ tối nghĩa. Hắn sống lủi thủi, chưa bao giờ đi xa khỏi nhà về phía xuôi, mà chỉ đi xa hơn nữa về phía Tây, tức là về phía biên giới Thượng Lào và những núi tuyết ở Vân Nam, ở đấy có nhiều đẳng sâm, ba kích, ấu tẩu, tam thất, thuốc phiện và tắc kè, toàn những vị thuốc quý hiếm.
Có lần, khi tôi ngủ thiếp ở giữa chời canh nương, một phần vì quá mệt mỏi do chuyến đi vất vả một phần nữa vì những mệt mỏi trong tâm hồn, khi choàng tỉnh dậy, tôi thấy Lanh ngồi xổm bên tôi chăm chú nghiền ngẫm ngắm nghía. Thấy tôi mở mắt, hắn đứng dậy bỏ phắt ra ngoài. Tôi hết sức kinh hoàng và tôi chợt nghĩ rằng người ta hoàn toàn có thể giết người chỉ vì do buồn chán, giết người để thỏa trí tò mò, để nghiên cứu. Ta đã thấy có em bé khi bị mẹ nhốt trong nhà đã tháo tung một cái ti vi mới nguyên chỉ để xem trong ấy có người hay không? Em bé không hề có động cơ phá hoại hoặc phản động.
Lần ấy, tôi đã kiên quyết bỏ dở chuyến đi phiêu lưu sang Thái Lan. Người dẫn đường lầm lì của tôi có thể thịt tôi như bỡn vì tôi nhận ra ở hắn khát vọng khốn nạn là muốn xem tâm hồn thằng chó này có gì. Nhân đây tôi cũng muốn nói rằng ở ngay Hà Nội, tôi cũng dã thấy những tên Quản văn Lanh như vậy, mặc com lê hẳn hoi chứ không đóng khố cởi truồng muốn thịt tôi để xem tâm hồn tôi có thật nhà văn hay không? Xtăngđan đã nói rất đúng rằng khi người ta không có gì để nhìn vào lòng mình thì họ sẽ nhòm vào tâm hồn người khác.
Cô gái mà tôi nhắc đến ở đầu bài viết này không phải là người không có tâm hồn. Tôi còn nhớ ở miền núi, người ta đã giết chết những con gà rồi buộc cao lên sào chỉ vì con gà ấy phá hoại vườn rau.
ở Quỳnh Nhai, phía Tả Ngạn sông Đà, cũng chỉ vì một con gà bị giết như thế, một người tên là Phúc đã cầm dao nhọn đâm chết hai mẹ con người hàng xóm. Tôi đã nói chuyện với tên Phúc này. Trông hắn hiền lành, lừ đừ hệt như ông từ giữ đền. Hắn không biết chữ, suốt từ bé đến lớn chỉ làm mỗi một việc chặt nứa thuê cho bọn buôn bè. Khi hỏi vì sao hắn đã giết người, hắn nghĩ ngợi một chút rồi bảo: Dao vừa mới mài xong.
ở Thanh Hóa vài ba năm trước đây đã có một vụ gã con trai dùng cuốc bổ vào gáy bố đẻ ra hắn.. Hắn đã róc thịt ông cụ ra để nấu cám lợn, còn xương thì vứt xuống sông.
ở Hà Nội, cũng đã từng xảy ra một vụ ngươi chết bị chặt ra từng đoạn và thủ phạm quăng xác người chết ra nhiều nơi. Song, những bi kịch dẫn tới cái chết ở các vùng thành phố khác với những bi kịch ở vùng hoang dã. Khi xem các thống kê tội phạm, người ta dễ nhận thấy người có trình độ văn hóa thấp chiếm tỷ lệ cao. Đời sống tinh thần tăm tối cùng với hoàn cảnh quẫn bách vật chất tạo ra tội ác.
Có lẽ cũng cần kể đến tình trạng ngồi lê đôi mách ở các bà và một số các ông. Dây cũng là một thứ mông muội tinh thần, dẫu nó không dẫn đến tội ác, nhưng quả thật nó cũng bẩn thỉu. Chúng ta đang sống trong một đất nước mà bi kịch ở con người chủ yếu do khát vọng về miếng ăn và nhà ở gây ra. Đây là thứ bi kịch thảm hại nhất trong các bi kịch. Có người lưu ý tôi về bi kịch khát vọng dân chủ, bi kịch tôn giáo và nhiều thứ khác nhưng tôi thấy khả nghi. Tôi đã xem các thống kê về người tự tử, số người chết về miếng ăn và nhà ở chiếm tới 80%. Tôi chưa thấy có nhà chính trị hay nhà trí thức nào tự tử vì để bảo vệ lý tưởng cá nhân của mình.
Như vậy, sự mông muội tinh thần có cả ở những vùng đất xa xôi lẫn ở thành thị. Tội ác sẽ trở nên hết sức man rợ bởi sự mông muội tinh thần đó. Đã đành những tội ác nảy sinh từ sự mông muội tinh thần, nhưng chúng ta cũng có thể mô tả nó như kết quả của những thèm khát muốn thay đổi, muốn đổi mới hoàn cảnh sống theo xu hướn xấu di.
Những kẻ giết người thật thà nhất không bao giờ lý giải được vì sao chúng lại giết người. Tôi không hiểu...Tôi cũng không biết vì sao như thế... Có cái gì buộc tôi như thế...
Cô gái 16 tuổi phạm tội giết bố và ba đứa em ở đầu thiên truyện này cũng đã nói với tôi như vậy. Bọn giết người ở thành phố, ở những hoàn cảnh văn minh trả lời động cơ giết người rõ ràng hơn, cụ thể hơn nhưng chính vì thế lại vô lý hơn: Vì nó chửi tôi...Nó cướp miếng ăn của tôi...Nó đổ dầu định đốt nhà tôi... Những tên cao thủ hơn trong bọn giết người trả lời về động cơ giết người đơn giản và khá tàn nhẫn: Tôi cần tiền. Khi tôi phân tích cho chúng người ta hoàn toàn có thể kiếm được tiền triệu bằng các phương pháp diễn biến hòa bình, không chết người mà vẫn có văn hóa cao, chúng hiểu ra ngay rằng chúng ngu độn. Một tên xỏ lá nhất trong bọn nháy mắt hỏi tôi: Ông có thế không? Tôi giải thích cho hắn rằng tôi là nhà văn, rằng tôi không có khả năng và phương tiện hành động như thế, hơn nữa tôi không bao giờ làm thế. Hắn nhe răng cười, vỗ vai tôi theo kiểu các vị tướng vỗ vai anh binh nhất: Hiểu rồi! Sẽ khổ cả đời thôi, con ạ!
Trong một chuyến đi về nông thôn cách đây không lâu, tôi hết sức ngạc nhiên vì ở một huyện lỵ trung du hẻo lánh có khoảng ba chục ngôi nhà xây cất tạm bợ mà có tới gần chục điểm giải khát ăn uống, trong đó có ba điểm trá hình buôn bán gái mại dâm. Các cô gái điếm là dân nhà quê mà. khách làng chơi cũng là dân nhà quê nốt. Tôi đã thấy một tay chơi mặc quần ta (dân miền Nam gọi là quần bà ba), áo sơ mi trắng, hút thuốc lá cuộn, đi đứng như thằng sa đì, đi chơi gái với năm nghìn đồng trong túi.
Thời thơ ấu, tôi đã từng ở một huyện lỵ trung du và tôi đã từng thấm thía nỗi buồn trung du. Một sự kiện nhỏ xảy ra có thể khiến người ta bàn, tán hàng tháng trời. Người dân ở đây thuộc từng nốt ruồi trên mặt nhau. Một cô gái chửa hoang thời ấy có thể làm sôi sục cả một huyện lỵ. Một gánh xiếc rong đi qua sẽ làm bọn trẻ con ốm hàng năm ròng. Thế mà bây giờ dân ở phố huyện ấy không còn thứ cảm xúc kia nữa. Tội ác trắng trợn và tàn nhẫn được coi như chuyện bình thường. ở Hà Nội, tôi biết một cô gái tên là Q. Cha cô nhiều người biết tiếng, ông mất cách đây ít năm. Ông có óc thẩm mĩ, ưa hài hước và niềm say mê thiên nhiên của ông khá mãnh liệt. Tôi quý ông, chính vì thế nên mới dể ý theo dõi số phận cô ta. Q lớn lên, đi học, tốt nghiệp trường đại học danh tiếng, nói thạo tiếng Anh, tiếng Nga. Cô từng tham gia một ban kịch, từng đóng phim. Q. có những phẩm chất và nhiều điều kiện để trở thành một phụ nữ danh vọng, có tài sản cùng hạnh phúc.
Song, sự buông thả bản tính và sự lơi lỏng ý thức hướng thiện đã biến Q. thành một con điếm thượng lưu. Trong tâm hồn cô mất dần đi sự thông cảm với người bình dân, mất cả khả năng xét đoán nội tâm chính mình và người khác. Hành động của Q. không gây tội ác nhưng sẽ đẻ ra những đứa con hoang tinh thần. Tôi có thể kể ra những tội ác bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau nữa. Sự ghen tuông, tính đố kỵ, mê tín dị đoan v.v... Cải tạo đời sống mông muội về vật chất và tinh thần, luôn đề cao ý thức hướng thiện, đấy chính là con đường, là Đạo. Khi tôi hỏi cô gái 16 tuổi phạm tội giết người có biết về tình yêu hay không, cô ta nói là không biết.
Tội ác không bao giờ biết đến tình yêu.
Tội ác sinh ra tội ác. Ngay từ xưa người ta đã nói: ác giả ác báo, hại nhân, nhân hại. Tội ác cứ nhân thêm. Và đến lúc nào đấy, sẽ bốc lửa. Sự trừng phạt sẽ đến. Sẽ đến ngày phán xử cuối cùng.
2. CâU CHUYệN
Cô gái tên là X., 16 tuổi, ở với bố, một bà mẹ mù và ba đứa em. Ngôi nhà của họ biệt lập trên một quả đồi vùng cao huyện M. Tây Bắc. Một lần đi đường, ông bố không kìm được thú tính đã hiếp X. Cô gái phẫn uất, dùng rìu giết chết ông bố, sau đó quay yề khóa cửa lại đốt nhà. Ba đứa em cô bị thiêu sống..Bà mẹ mù đi hái lá thuốc thoát chết. Cô gái ra đầu thú, ít lâu sau treo cổ tự tử trong nhà giam.
3. ĐOạN KếT
Cô gái phạm tội giết người trước hôm chết ít hôm có nói với tôi: Chú ơi, cháu có chết cũng chẳng ai thương. Cháu xin chú hai việc, chú mua cho cháu một vòng hoa, chú đọc cho cháu một bài kinh sám hối. Cháu muốn được chết như mọi người. Xuống âm phủ, cháu chẳng quên ơn, cháu sẽ phù hộ cho chú suốt đời. Tôi đã nhận lời. Tôi đã đọc bài kinh ấy bên mộ cô gái. Tôi cũng đã dọc bài tụng vô tướng của Lục tổ Huệ Năng cho chính bản thân mình nữa, cũng để là cho bạn đọc đã bớt chút thời giờ đọc thiên truyện buồn tẻ này của tôi.
Bài tụng như sau:
Thuyết thông với tâm thông
Mặt trời chốn hư không
Diệu pháp giúp thấy tính
Ra đời dẹp tà tông
Pháp vốn không lâu chóng
Mê tỉnh có chậm nhanh
Nhứng pháp môn kiến tính
Phàm phu chẳng hiểu rành
Thuyết pháp dẫu muôn cách
Quy một lại, chẳng ngoài
Nhà âm u phiền não
Vầng tuệ nhật sáng soi
Nghĩ tà, phiền não đến
Nghĩ chính, phiền não trừ
Chính tà đều chẳng thiết
Thanh tịnh đến vô cùng
Bồ đề chân giác ngộ
Tham cầu là hư vọng
Tịnh ngay trong vọng tâm
Chính niệm hết ba chướng
Người đời tu đạo Phật
Pháp môn chẳng ngại đường
Thường tự mình xét lỗi
Tức cũng Phật một đường
Sắc thân tuy khác loại
Tự tu chẳng trái nhau
Lìa đạo mà cầu đạo
Suốt đời chẳng thấy đâu
Gió bụi bôn ba mãi
Chỉ chuốc toàn buồn não
Muốn thấy đạo chân thực
Ngay chính: ấy đạo màu
Không có lòng cầư đạo
Mò mẫm chẳng tới nơi
Người tư đạo chân chính
Chẳng trách lỗi người đời
Thấy người khác có lỗi
Tự trách đường lối mình
Người sai ta chẳng chê
Ta sai tự trách mình
Phải bỏ ý chê bai
Phiền não trừ hết thảy
Yêu ghét chẳng để tâm
Khểnh chân nằm thoải mái
Muốn giáo hóa người đời
Phải tự có phương tiện
Chớ để họ sinh ngờ
Tự tính liền ờiêủ hiện
Phép Phật ở thế gian
Vì thế gian giác ngộ
Lìa thế gian cầu đạo
Tìm sừng thỏ khác nào
Chính kiến là xuất thế
Tà kiến ấy thế gian
Chính tà đều quét sạch
Tính Bồ đề huy hoàng
Tụng này phép Đốn giáo
Gọi tên Đại Pháp thuyền
Mê thì chìm kiếp kiếp
Tỉnh chỉ một chớp sao!
ý nghĩa của bài tụng cầu cho người viết sách (nhà văn) và người đọc sách. Giác ngộ đến mức nào là ngoài sự kiểm soát của tôi.