VIII. NAM BỘ
Tác giả: Nguyễn Khắc Viện
Chiếc máy bay hai tiếng đồng hồ trước còn ở Hà Nội, khách ra đi vào tháng giêng, tháng hai còn run rẩy trong áo len, áo bông, nay đã lượn vòng trên bầu trời Sài Gòn. Nắng chói trên những rặng dừa, lúa chín vàng; lần đầu tiên sau giải phóng tôi được vào Nam Bộ. Ngồi trên máy bay trầm ngâm ngắm cảnh, nhiều cảm nghĩ xôn xao trong lòng. Vọng nghe lời ca:
Ở tận sông Hồng em có biết
Quê hương anh cũng có dòng song
Anh mãi gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông…
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng, ngày nay với ôtô, xe lửa, tàu thủy, tàu bay, đâu còn khó khăn, nhưng quên sao được cảnh cha ông lặn lội sình lầy, len lỏi rừng sâu, săn đuổi hổ báo, cá sấu rắn độc, chịu đựng muỗi mòng mấy trăm năm rồi để tạo ra những thôn làng, thành phố ngày nay. Rồi giáp đến bờ sông Cửu Long, lúc chuyến phà đưa qua những sông Tiền, sông Hậu mênh mông bát ngát, sống lại cảm giác ngây ngất của tổ tiên đứng trước những dòng sông có bờ xa tít tắp, cuồn cuộn tải đi những khối nước khổng lồ (500km3 hằng năm), những dòng sông đã bồi đắp những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nhìn không còn thấy đâu là chân trời nữa. Lúc chiếc xuồng đưa qua những kênh rạch chi chít, tận mũi đất xa xôi nhất về phía nam để thấy tận mắt cuộc tranh chấp còn tiếp diễn hàng ngày giữa đất liền và biển cả. Lòng tràn ngập man mác tình đất nước cảm thấy như quyện chặt với những dòng sông, những cánh đồng lầy, những rừng rậm. Con người Việt Nam vào đây từ hơn ba trăm năm nay, cũng như mấy nghìn năm về trước giáp mặt với châu thổ sông Hồng, không khoanh tay chờ cho bùn đất cứ tự nó bồi lên, biển cả tự nó rút lùi đi, con người đã theo những dòng sông cùng chúng lấn ra biển, biến sình lầy thành ruộng lúa. Rồi cũng như ngoài Bắc, lại phải bảo vệ miếng đất mới tạo ra, đồng bào Nam Bộ, đi trước về sau, hơn một trăm năm liền, bao lần bao nơi đổ máu để tạo nên mùa xuân 1975. Nam và Bắc cùng thống nhất một lối sống, một phương thức cải tạo thiên nhiên, cải tạo đất và nước, xây thành một Tổ quốc, bất khả xâm phạm, thành một dải sơn hà đi từ Cà Mau nắng sớm đến trăng tà Nam Quan. Để nói lên tình đất nước ấy, để ôn lại quãng đường lịch sử của dân tộc, mở rộng bờ cõi đến tận mũi Cà Mau, xin ghi lại câu chuyện mà anh chị em khoa Văn, trường Đại học Cần Thơ đã kể tôi nghe.
Năm 1977 khi thầy trò khoa Văn rủ nhau về xã Thời Long (Hậu Giang) sự đón tiếp của bà con lúc đầu không có gì niềm nở lắm. Bà con đang phân vân về việc tập thể hóa nông nghiệp không biết đoàn cán bộ và sinh viên đông đảo này về xã để làm gì? Đo đạc ruộng đất trước lúc ép vào hợp tác xã? Tịch thu máy móc? Thăm dò dư luận? Có người chôn giấu luôn cả chiếc máy cày - Khó mà tin rằng cả đoàn về chỉ để nghe câu ca câu vè, nhà nước nào lại nuôi một số người đông như vậy để làm chuyện “vớ vẩn”.
Thầy trò không vội vàng lao vào việc sưu tầm, họ đã cùng với bà con cuốc đất, làm thủy lợi, quét nhà, tắm rửa cho trẻ em. Thái độ dè dặt của bà con tan dần, lần đầu tiên nhìn thấy cán bộ nhà nước ăn ở như vậy. Bản chất trung hậu của người nông dân lao động, tính hiếu khách hào phóng của người dân Nam Bộ trỗi lên, họ đối xử với giáo viên và sinh viên thân mật cởi mở.
Lúc gợi lên cho bà con nhớ lại câu ca, lời hò, bài vè để ghi chép lại, nhiều người vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Đã bao nhiêu năm rồi cuộc sống dồn dập, đánh Pháp, đánh Mỹ, còn ai đoái hoài đến những “chuyện xưa năm cũ” ấy nữa. Và họ nghĩ rằng cách mạng lại càng không muốn nhắc đến nhưng chuyện “lạc hậu” ấy. Không ngờ chính cách mạng lại cho thầy trò về khôi phục cái vốn cũ ấy, một kho tàng lâu nay họ giữ kín trong đáy lòng. Cùng thanh niên trong xã, sinh viên tổ chức những buổi văn nghệ, khuấy động không khí trầm lặng của thôn ấp. Những người lớn tuổi, bâng khuâng nhớ lại thời son trẻ, những đêm trăng mấy chiếc ghe xuồng tụ tập trên kênh rạch, đua nhau hò hát. Thầy trò gợi cho bà con tổ chức lại những buổi liên hoan như vậy. Đúng là khuấy lên một nguyện vọng mấy chục năm nay bị vùi sâu trong lòng dạ. Được lời như cởi tấm lòng, những ông già, bà già, những người trung niên, những cây đờn sinh ca hát khởi xướng, rồi mọi người đều hướng ứng. Trên kênh rạch vọng lên câu hò “Đến đây chẳng hát thì hò - chẳng phải con cò ngóng cổ mà nghe”.
Nhanh chóng, bà con nhớ lại hàng nghìn câu ca dao, bài vè, chuyện cổ, nhiều đoạn cải lương, thầy trò Khoa Văn được mùa, không kém anh em bên nông nghiệp. Qua những câu như “Chiều chiều én liệng lưng trời, rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây”. “Tới đây đất nước lạ lùng, chim kêu phải sợ, cả vùng phải kiêng”, hình dung được thời cách đây không xa, cha anh còn phải đương đầu với lau sậy, cá sấu, rắn độc, và cả cọp trên những mảnh đất còn hoang vu. Biết bao nhiêu câu, bài nói lên tình yêu chân thật đến cuồng nhiệt của người thanh niên nông dân:
“Anh thương em, thương quằn thương quại, thương dại thương dột, thương lột da ốc, thương trốc da dầu, thương bừng bừng lửa chảy thành than, vắng mặt em một bữa ruột gan rã rời”.
Rồi những câu, những bài về tình cảm vợ chồng: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, trách ông chồng tệ tệ chi lắm, gặp bóng trăng nên phụ bóng đèn ”; rồi những cảnh làm lụng quanh năm, mưa nắng dãi dầu, rồi những chuyện cổ, ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Quên sao được những năm kháng chiến “Gió đưa gió đẩy bông hường, thương nhà thương nước hai thương một lòng, anh đi gìn giữ non sông, tình xưa em đợi, lòng son em chờ”. Và cả tâm lý tiêu xài cũng phản ánh trong lời ca của một nàng con nhà khá giả đi chợ hẹn anh chàng sẽ dãi một bữa đủ “sâm banh cô nhát, rượu chát la de, cà phê bánh sữa”. Cả một bức tranh lịch sử xã hội hiện lên trước mắt thầy trò, ít tác phẩm văn học nào đầy đủ sinh động bằng. Thầy trò hiểu bà con nông dân sâu sắc thêm, gắn bó với bà con thêm, thì bà con cũng nặng tình nghĩa với thầy trò.
Những ngày đầu thầy trò nấu lấy ăn với gạo mang theo, về sau bà con không cho nấu riêng nữa, buộc ăn chung với gia đình. Hết buổi liên hoan tiễn biệt, tay cầm tay lâu mới dứt ra, có những người không cầm được nước mắt. Sau đó thư từ đi lại, một vài anh chị em sinh viên nhớ cảnh nhớ người lặn lội đi gặp bà con, được tiếp như con cháu trong nhà. Nam Bộ là như vậy.
MIỀN ĐÔNG ĐẤT ĐỎ
Từ miền Trung đi vào, trước lúc đi đến đồng bằng sông Cửu Long, ta đi qua một vùng rộng lớn gồm những bề mặt cao nguyên thấp và những đồi lượn sóng, với những “miệt vườn” sum sê, những rừng cao su bát ngát, đứng trước những hàng cây thon thon, xoắn trên thân hình những vết cạo mủ. Quên sao được những năm khủng khiếp thời trước, mỗi đồn điền là một địa ngục, mỗi cây cao su bón một xác người cu li, và cũng không quên được, nơi đây từ vùng đất đỏ này đã nổi lên những cuộc đấu tranh gay gắt như của giai cấp công nhân Việt Nam.
Ta thường gọi đây là vùng đất đỏ. Thật ra có vùng đất đỏ và vùng đất xám. Từ Phước Tuy qua Xuân Lộc, Trảng Bom, Gia Kiệm, Túc Trung, Định Quán, An Lộc, Lộc Ninh lên đến biên giới Campuchia là một vùng cao nguyên phủ một lớp đất đỏ, do những núi lửa phân ra, núi lửa tắt từ lâu nhưng đỉnh núi nay còn nhô lên những cái nón (núi Gia Nam, Long Khánh), hoặc chơ vơ như những hòn đảo ở gần Định Quản. Chen vào là những khu vực bằng phẳng rộng rãi với làng mạc đông đúc.
Về phía Hố Nai, Long Bình, Thủ Đức cho đến giáp Thành phố Hồ Chí Minh hạ lưu sông Đồng Nai là những đồi thấp càng gần thành càng thấp và càng thoai thoải; đây là đất xám phù sa cổ mà các nhà địa chất cho rằng, xưa kia sông Cửu Long chảy qua đây để lại. Dòng sông cũ còn để lại những hồ dài ở Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Biên Hoà.
Tuy không cao lắm nhưng cảnh sông núi ở đây cũng khá đa dạng, có rải rác một số dải núi: Bà Đen ở Tây Ninh, đỉnh cao nhất ở Nam Bộ (986m), núi Bà Rá, núi Chứa Chan và vùng núi Bà Rịa với các dãy Thị Vải, Đá Dựng, Điện Bà, Hòn Chép Mao. Trên các dãy núi này nhiều khối đá nằm lổn nhổn, cây cỏ rất ít, quang cảnh khô khan trái ngược với những vùng thấp hơn.
Ta theo dòng các chi nhánh của sông Đồng Nai hợp thành một mạng lưới khá chằng chịt: sông La Ngà ở tả ngạn, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ ở hữu ngạn và dọc các con sông là những thung lũng mở rộng như Hoài Đức, Phước Long một phần đã được khai phá làm ruộng lúa.
Đất tốt, địa hình bằng phẳng, qua mùa khô vẫn có nước ngầm, bốn mùa ấm áp, cây cỏ, cây rừng cũng như cây trồng phát triển mạnh mẽ. Đây là đất của những “biển tre”, của những rừng cây họ dầu và nhiều gỗ quí. Cuối mùa khô, tháng hai, ba rừng trụi lá, cỏ tranh vàng úa, nhưng qua tháng tư với những trận mưa đầu tiên, lá xanh non nhú lên trong lúc các dòng suối bắt đầu róc rách. Rừng tự nhiên đã được thay thế bằng những rừng cao su, cà phê, và những cây ăn quả sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, xoài (ở Long Khánh, Phước Tuy, Bình Long), gỗ và củi miền Đông tuôn về Sài Gòn và vùng châu thổ.
Theo dòng sông Bé, đường 13 và 14 ta sẽ đi từ Thủ Dầu Một lên Bến Súc, Bến Cát, xa hơn nữa là Hớn Quảng, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bù Đốp, đến núi Bà Rá, qua những vùng cao su nổi tiếng đồng thời ôn lại những chiến dịch oanh liệt chống Pháp chống Mỹ. Qua phía tây, giáp biên giới Campuchia là tỉnh Tây Ninh với những địa danh quen thuộc: Gò Dầu Hạ, Dương Minh Châu, Trảng Bàng, sông Vàm Cỏ chảy suốt qua tỉnh và núi Bà Đen đứng sừng sững trước thị xã, sát thị xã là trung tâm của đạo Cao Đài. Từ 1862 khi Trương Quyền phối hợp hoạt động với nhà sư yêu nước Campuchia Pokambo đến trận Tua Hai (1960) rồi Junction City (1967), cho đến trận cuối cùng tháng 12 năm 78 đánh bại quân Pol Pot, Tây Ninh quả thật là một mảnh đất lịch sử. Ngày nay, hai tỉnh Sông Bé, Tây Ninh là vùng phát triển mạnh của những cây công nghiệp quý: điều, cao su, mía. Ta cũng không quên được Phước Long là tỉnh lỵ đầu tiên được giải phóng trong mùa tổng tiến công nổi dậy năm 1975.
ĐỒNG NAI - RỪNG SÁT - VŨNG TÀU
Phía đông ra tận biển là tỉnh Đồng Nai gồm Bà Rịa, Long Khánh và Biên Hòa. Sông La Ngà, sông Đồng Nai, con đường số một đi song song với đường xe lửa chạy qua Xuân Lộc (nơi xảy ra trận quyết liệt nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh); Trảng Bom, con đường 20 lên Định Quán; Bảo Lộc, con đường một qua Long Khánh, Bà Rịa đến Vũng Tàu là những mạch máu của tỉnh, nối liền những thành phố thị trấn sầm uất với những nông trường cao su, những rừng chuối, rừng cây ăn quả. Tôi không cần nói nhiều về Trị An đã được báo chí phim ảnh giới thiệu đầy đủ.
Phía nam đường 15 là nơi hai con sông Đồng Nai và Vàm Cỏ kết hợp với nhau đổ ra biển. Sông ở đây rất lớn, và các chi lưu đan thành một mạng lưới chằng chịt với nhiều tên khác nhau: sông Lòng Tàu, Sông Đồng Tranh, sông Thị Vải… lạch lớn, lạch nhỏ không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu. Nguồn nước trên các dòng sông này là từ biển, và mạng lưới chi chít này sinh ra hàng trăm hòn đảo, đi lại chỉ bằng thuyền; đất là đất phù sa mặn chỉ có rừng đước và sú vẹt, thường gọi là rừng “Sát”, Mỹ dùng chất độc hóa học đã phá trụi 80.000 héc ta rừng này. Thanh niên và bà con Thành phố Hồ Chí Minh đang biến miếng đất này thành một huyện duyên hải trù phú.
Trên sông Nhà Bè, Soài Rạp tàu bè ngược xuôi cập bến Sài Gòn. Phải ra đến bờ biển trên các cồn cát rộng rãi ở cửa Cần Giờ, phía đông vịnh Gành Rái, trên bán đảo dài gần 10km do các núi Vũng Mau, Hoa Súp, Vũng Tàu tạo thành, ôm lấy vụng Bãi Dứa, mới có làng mạc của bà con đánh cá làm muối, Vũng Tàu đã thành một nơi nghỉ mát, và cảng phục vụ công nghiệp dầu khí. Phía bắc Bà Rịa, vùng kinh tế mới Đồng Hiệp - Xuyên Mộc đang dần dần trở thành một vùng đông đúc.
Thành phố Biên Hòa là một khu công nghiệp mới với những nhà máy khá hiện đại: cơ khí, cán thép, bột giấy, đường sữa, gỗ ép... thực ra khu công nghiệp Biên Hòa thuộc về Thành phố Hồ Chí Minh hơn là tỉnh Đồng Nai.
Với sự giúp đỡ tận tình của Liên Xô, liên doanh dầu khí Việt Xô đã ra đời năm 1981; năm 1984 phát hiện mỏ dầu ngoài biển, năm 1986 bắt đầu khai thác dầu thô, và hiện nay một mặt tiếp tục thăm dò và khai thác ngoài khơi, một mặt bắt đầu thiết kế và xây dựng nhà máy lọc dầu. ở Vũng Tàu đã xây dựng được một cảng và tất cả những cơ sở nhà cửa, đường sá phục vụ ngành dầu khí. Như vậy, nước ta bắt đầu có ngành dầu khí mà ai cũng biết là một ngành công nghiệp quan trọng vào bậc nhất. Cũng nên nhắc rằng, ở Thái Bình đồng bằng sông Hồng đã khai thác dầu khí (cũng với sự giúp đỡ của Liên Xô cũ). Xây dựng nhanh chóng ngành đầu khí đòi hỏi kỹ thuật rất cao, vốn rất lớn; ở đây cũng như ở thủy điện Hòa Bình chúng ta không thể nào quên những người bạn từ xa đã đến giúp đỡ cho ta vào những năm tháng khó khăn nhất.
Từ 1979, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo được thành lập, sáp nhập quần đảo Côn Sơn (tức Côn Lôn), cách Vũng Tàu 90 hải lý (hải lý hơn 1800m). Hai chữ Côn Đảo gợi cho mỗi chúng ta hơn một trăm năm đấu tranh kiên cường của nhiều thế hệ yêu nước, từ các nhà nho Văn Thân đến bao nhiêu đảng viên và những con người tiến bộ khác đã đứng lên giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Hai vạn con người bất khuất ấy đã nằm lại nơi đây, ghi mãi khí phách anh hùng của một dân tộc, và cũng nhắc lại tính độc ác, tàn nhẫn không thể nói hết của thực dân cũ và mới. Một chuyến hành hương về Côn Đảo nhất định để lại cho mỗi chúng ta những cảm xúc và ấn tượng sâu sắc. Với mười sáu hòn đảo, một bến cảng sâu và kín, một khu rừng đã được xếp thành khu rừng cấm quốc gia, với vị trí tiền tiêu đối với đất nước và vị tự nằm ngay trên con đường hàng hải từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, Côn Đảo trong tương lai sẽ thành một khu du lịch với phong cảnh tuyệt vời, với những di tích lịch sử đặc biệt, một vùng kinh tế khai thác hải sản quan trọng, một nơi giao dịch quốc tế vào hàng đầu của nước ta.
ĐỒNG THÁP MƯỜI
Trở lại sông Vàm Cỏ, từ hữu ngạn Vàm Cỏ Tây đến bờ sông Tiền, kéo dài từ biên giới Campuchia đến tận sát đường Sài Gòn - Tân An - Mỹ Tho là Đồng Tháp Mười, một vùng trũng mênh mông dài 130km, rộng 70km (800.000 héc ta), bằng một nửa đồng bằng Bắc Bộ. Đến đây vào mùa khô là mênh mông bát ngát những bãi cỏ năn, cỏ lác, nhưng quá tháng chín, nước sông Vàm Cỏ và sông Tiền tràn lên, lại là một hồ nước vô tận, nổi lên chơ vơ những gò cao, những bụi trùm thân trắng toát và những đọt cỏ ngoi lên mặt nước. Tại quận Mỹ An, nơi có ba con sông gặp nhau, trên một gò đất cao có một tháp cổ đã đổ nát (có lẽ là di tích Chăm), tháp mười tầng đã đặt tên cho cả vùng ấy.
Hai cuộc kháng chiến oanh liệt (kể từ cuộc chiến đấu đầu tiên của nghĩa quân Thiên Hộ Dương) đã biến Đồng Tháp Mười thành một nơi lịch sử làm cho mỗi người Việt Nam, dù chưa đi đến đây cũng mơ nghĩ đến:
Tháp Mười giờ bỗng lao xao
Ngàn hoa điên điển rì rào trong đêm
Hương ngàn cỏ lạ không tên
Dâng từ bưng súng đầm sen ngọt ngào
Và dù chưa thấy tận mắt chuyện mơ màng đến những cánh cò bay lả bay la, chiều chiều nhớ mẹ bay qua Tháp Mười, nhớ đến những con người không biết mệt mỏi, một sáng U Minh, một chiều Đồng Tháp dựng nên Thành Đồng Tổ Quốc.
Theo Vàm Cỏ Đông có thể đi từ Tân An đền Mộc Hóa xuyên tỉnh Long An, ra bờ sông Tiền là tỉnh Đồng Tháp. Tại Cao Lãnh có mộ cụ Nguyễn Sinh Huy (thân sinh Bác Hồ). Hơn nửa triệu héc ta đất phèn của Đồng Tháp Mười đang dần dần được cải tạo để mỗi ngày biến thành đồng ruộng xanh tươi. Một công trình vĩ đại của dân tộc ta đã khởi công - những con kênh, con đường rộng rãi đã đan thẳng vào trung tâm, nhiều làng ấp và thị trấn mới đã được dựng lên.
***
MIỀN TRUNG NAM BỘ
Con đường số một (trước kia là số bốn) từ Sài Gòn đi về miền Tây; qua Tân An là bước vào lưu vực sông Cửu Long, xe đến phà Mỹ Thuận, thật là nơi trưng bày tất cả những sản vật phong phú của các cù lao và đất bồi ven sông của hai dòng sông Tiền, sông Hậu. Sông nước mênh mông, nước lũ mùa mưa được dồn về biển hồ Campuchia, nên lụt không đe dọa, bờ sông không bị đê kìm kẹp, con sông lớn cứ hàng năm mang vào đồng ruộng phù sa và tôm cá; các cơn bão hung dữ từ biển Đông ít khi đụng đến mảnh đất này, khỉ hậu quanh năm ấm áp đúng là lý tưởng để trồng đủ các loại cây, lúa. rau, quả mùa nào cũng chịu được. Một châu thổ rộng gấp 2,5 lần đồng bằng Bắc Bộ (40.000 km2) đã được khai phá quá nửa, và một phần đang đợi sức người đến mở rộng thêm trồng trọt. 1,6 triệu héc ta còn là đất phèn chua, trong đó 0,6 triệu phèn chua nặng, 0,6 triệu còn là đất mặn.
Chiếc phà thong thả đưa qua sông, đủ thì giở cho ta ngắm cảnh, và thông cảm cho những ai đã sinh ra trên mảnh đất này:
Trắng xóa những chiều sóng vỗ
Tuổi thơ ngọt nước phù sa
Thương bọt trắng đi lang thang về biển
Thương lục bình trôi, hoa man mác tím
Thương áng mây bay ửng sắc trời hồng
Ửng cả cuộc đời, ửng cả dòng sông
Ngắm những rừng dừa phủ đôi bờ, những vườn hoa quả sum sê; cánh đồng rộng chen lẫn lúa đủ các thời khác nhau, dù có ngây ngất với thiên nhiên phong phú, ta cũng không quên được:
Quê hương này Đồ Chiểu đã ngâm thơ
Trương Định mài gươm và mẹ Thức may cờ
Bãi đước, rừng dứa cũng biết hy sinh
Tất cả cuộc sống ở đây đều bắt nguồn từ con sông Mẹ.
Hai dòng sông lớn vượt qua biên giới Campuchia, tiếp nhận những dòng sông nhánh Châu Đốc, Năng Gù, hai bờ sông Tiền và sông Hậu là những thị xã trù phú: Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh, Sa Đéc. Từ sông Hậu tỏa ra một hệ thống kênh rạch kéo đến tận vịnh Thái Lan, đặc biệt là kênh Vĩnh Tế nối liền Châu Đốc với Hà Tiên đào vào đầu thế kỷ XIX và con kênh Long Xuyên, Rạch Giá. Kênh Vĩnh Tế đã bao lần chứng kiến những cuộc giao tranh gay gắt, mãi cho đến khi bọn Pôl Pôt sụp đổ, dòng kênh mới trở lại thanh bình. Sát biên giới là dãy Bảy Núi, nơi tu hành và căn cứ của phong trào yêu nước.
Về tháng 8 - 9 cả một vùng rộng lớn từ Châu Đốc đến Long Xuyên bị ngập nước trắng xoá, nước do những con kênh chuyển về vịnh Thái Lan, nhưng dọc bờ sông lớn là những cánh đồng không bị ngập có thể trồng trọt quanh năm. Ở Tân Châu ta bắt gặp nghề tơ lụa, đến Phú Tân có thể thăm cơ sở của đạo Bửu Sơn kỳ hương ngày xưa và cơ sở của đạo Hòa Hảo, một vài đền thờ của đạo Hồi của đồng bào Chăm. Ở đây còn có nghề nuôi cả trong "bể". Bóng dáng cây thốt nốt nhắc nhở ta là đất Campuchia cũng không xa.
Làng xóm thị trấn trù phú tập trung trên những giồng đất cao hơn mặt nước một hai mét, ở đây vườn dày cây cối um tùm, hoa quả quanh năm. Giồng có sườn thoai thoải ra bưng thấp hơn, hay trũng nước. Xuôi dòng lúc sông Cửu Long bắt đầu chia nhánh, giữa lòng sông xuất hiện những cù lao, thường gọi là cồn, cù lao Dài, cù lao Năm Thôn... Các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc thực chất là những cù lao lớn nằm giữa sông Tiền Và sông Hậu. Bến Tre là do hai cù lao Bảo và Minh hợp lại, ở giữa sông Hàm Luông. Ven rìa các cồn ấy ta thấy phù sa bồi dần, cây cối mọc bên bờ như níu giữ phù sa lại thành những bãi sình lầy; con người khơi ra một vài đường mương lấy đất từ lòng mương đắp lên chút vườn cao hơn mặt nước chẳng bao nhiêu. Năm này qua năm khác phù sa bồi thêm, con người mở rộng kênh mương và vườn đắp cao lên, còn lại mở rộng ra. Dòng nước đã cùng cây cỏ và bàn tay con người tạo nên miếng đất.
Con sông hiền hòa không có những lũ lụt dữ đội như ở miền Bắc, nên con người không phải chống đỡ, con người ăn ở ngay cạnh bờ nước, trên nhà dưới thuyền, một chân trên đất liền, một chân trong nước. Con sông mang phù sa và cả cá tôm vào tận vườn, vào tận những "hầm" nuôi cá của các gia đình. Phù sa và cả cá tôm theo các kênh rạch tua tủa từ dòng sông Mẹ ra đồng ruộng, cuộc sống cũng theo dòng các kênh rạch ấy mả tỏa ra. Dọc kênh rạch làng xóm kéo dài, thuyền xuồng qua lại tấp nập, quang cảnh Nam Bộ khác hẳn những làng miền Bắc nấp sau bờ đê, tập trung trên những mô đất cao như những hòn đảo giữa các cánh đồng. Một bên là hàng dừa dọc sông rạch, một bên là lũy tre xanh rào quanh làng với những hàng phi lao bạch đàn chạy dọc ngang đồng ruộng.
Từ Mỹ Thuận con sông Tiền chia nhánh đổ ra biển qua sáu cửa: Tiểu, Đại, Bà Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hậu; sông Hậu qua ba cửa: Định An, Bát Xác, Tranh Đề. Hai bờ sông là những giồng đất tương đối cao, dừa mọc san sát. Bến Tre có rừng dừa lớn nhất nước ta, nhưng Mỹ đã khai quang, phá hoại một diện tích lớn, nên có nơi hiện nay mía đã thay dừa; nhưng dừa đang dần dần được khôi phục và Bến Tre không những trồng dừa, còn đang bắt đầu mở cả một công nghiệp chế biến dừa. Nếu giồng là đất của dừa, thì đồng ruộng vùng giữa hai con sông lớn này là đất của lúa, Sông ngòi cung cấp đủ nước ngọt để trồng trọt quanh năm, từ xưa lúa đã cấy hai mùa. Chài lưới, chăn nuôi (vịt) ở đây rất phát triển, vùng châu thổ này đúng là vùng trù phú nhất, đông đúc nhất của Nam Bộ (mật độ dân trên 350 người/km2). Đây là những tỉnh và thành phố cũ nhất của Nam Bộ: Sa Đéc, Vĩnh Long, Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, Trà Vinh; những thị trấn nổi tiếng: Ba Tri, Giồng Trộm, Mỏ Cày, Trà Cú...Đây là đất của Đồ Chiểu, đừng quên thăm mộ nhà thơ yêu nước ở Ba Tri, đất của Trương Định, của Đồng Khởi, của chị Út Tịch, của Lê Thị Hồng Gấm... Và cũng không quên phía Mỹ Tho là Rạch Gầm - Xoài Mút, nơi Nguyễn Huệ năm 1785 đánh bại quân Xiêm, và đã xa con sông lớn nhưng còn nằm trong lưu vực của nó là Cai Lậy, nơi xuất phát của khởi nghĩa Nam Kỳ, là Ấp Bắc, nơi đánh bại lần đầu tiên những chiến thuật trực thăng, xe lội nước hiện đại nhất của Mỹ tháng 1-1963. Giữa Mỹ Tho - Bến Tre có “kỳ quan” cơ sở đạo Dừa.
***
MIỀN TÂY NAM BỘ
Qua phà sông Hậu, bước vào Thành phố Cần Thơ, thấy ngay thị xã được mang tên Tây Đô cũng không quá đáng. Chợ phố tấp nập, khu công nghiệp mới, nhà máy điện Trà Nóc, sân bay, cảng sông mới xây dựng vài năm nay thuyền bè qua lại trên sông Hậu và sông Cần Thơ, những nhà máy xay phía Cái Răng tạo cho Cần Thơ một quang cảnh đô thị lớn. Ngoài thành phố có thể dạo qua những vườn cây ít nơi nào tốt bằng; rõ ràng đây còn thuộc vùng đất phì nhiêu dọc bờ sông lớn như các tỉnh tên. Trường Đại học Cần Thơ đang được xây dựng để trở thành nơi đào tạo cán bộ và nơi nghiên cứu khoa học cho chín tỉnh miền Tây.
Nhưng ra khỏi Cần Thơ tốt nhất là dùng xuồng - thì quả là bước vào miền Tây Nam Bộ, một tên đất gợi lên không biết bao nhiêu cảm nghĩ, Đất mới theo đúng nghĩa địa lý của nó, một miếng đất đang thường xuyên được bồi đắp thêm, nơi còn hàng ngày diễn ra cuộc tranh chấp giữa sông và biển, giữa nước ngọt và nước mặn, giữa con người và thiên nhiên. Từ con sông lớn, đâm tua tủa ra những kênh lớn, kênh Phụng Hiệp, kênh Xà Nóc, và hàng nghìn kênh rạch nhỏ như những con đường tiến quân của dòng sông và con người lấn về phía nam, đẩy lùi biển cả. Cánh đồng chạy xa tít tắp chân trời, đường chân trời bao quanh thành một vòng tròn lý tưởng, xe chạy hàng giờ, xuồng đi hàng ngày vẫn không thấy quang cảnh thay đổi. Đập vào mắt là cảnh kênh rạch chi chít, đường bộ đơn độc chỉ còn con đường 1 nối liền Cần Thơ, Sóc Thăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Ngoài ra chỉ còn cách là đi bằng xuồng, mà hai bên bờ kênh rạch là những hàng dừa nước che kín. Sự có mặt của dừa nước cho ta biết nước biển đã lấn vào, hòa với nước sông, nước lợ thống trị một thời gian khá dài trong năm, gây khó khăn cho việc trồng lúa nhiều vụ. Qua Sóc Trăng nhớ thăm các chùa chiền và làng xóm của đồng bào Khơ Me sống tập trung ở vùng này.
Càng đi xa, từ Bạc Liêu trở xuống càng thấy đất nổi lên chưa chắc, còn lầy lội (cốt dưới một mét) đào sâu một chút là đầy xác sú vẹt. Đến mùa mưa thì cả ranh giới giữa đất liền và kênh rạch nhiều nơi cũng khó phân biệt. Cảnh đơn điệu đồng ruộng với sình lầy được những đám hoa súng tô điểm cho một vẻ đẹp đặc biệt. Đất, rạch mang những tên rất “mới”: Đầm Chim, Đầm Dơi, Rạch Vấp, Rạch Cây Bần, Gò Quạc...Cá tôm trong đầm, trong kênh rạch thì vô kể, lặn lội trong nước, chui rúc trong lớp bùn lỏng, cá lóc, cá trê, rô, sặc bồng, thòi lòi... Theo nhà văn Đoàn Giỏi ta đi về phía Cà Mau:
“Càng đổ gần hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi sông rạch càng bủa giăng chi chít như màng nhện, trên trời thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một màu xanh cây lá. Tiếng rì rào từ tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối - thứ âm thanh đơn điệu triền miên ấy ru ngủ thính giác càng làm mòn mỏi và đuối dần đi tác dụng phân biệt của thị giác con người, trước quang cảnh chỉ lặng lẽ một màu xanh đơn điệu.”
Đi đến mũi Cà Mau, nhất thiết phải đi xuồng, xuồng dẫn ta qua mạng lưới con sông Cái lớn, sông Bảy Háp, những kênh rạch những đòng sông khá lạ đời là có thể chảy hai chiều, khi tuôn về biển Đông, khi đổ ra vịnh Thái Lan phía tây. Hai bên bờ ta có thể ghé thăm nhà sàn đồng bào làm ngay bờ nước và ngắm những cái đáy chắn ngang sông để giăng lưới bắt tôm cá. Nước sông gần như mặn quanh năm, đất thì phần lớn còn ở dạng bùn sệt. Ta bước vào vương quốc của cây đước, rừng đước phủ hàng mấy chục ki lô mét liền. Từ xa ta đã nhận ra những chùm rễ hợp thành một cái mạng hình chóp nón, trên chóp nảy ra thân cây đước cao đến 15 - 20m. Nhìn kỹ sẽ thấy quả đước từ trên cành đã mọc mầm thành một cây nhỏ, thân và rễ khá dài - có khi đến gần một mét rơi xuống bùn là cắm mọc ngay. Trên đất bùn còn bị thủy triều và sóng biển làm xáo động, chỉ một cây nấm đen mới cắm rễ được, củng cố cho đước đến sau chiếm lĩnh trận địa. Nhờ đước, đất càng được củng cố, một loạt cây khác lại tiến theo - cốc, sú, vẹt, bần, rồi con người đến khai thác rừng đước. Đước dùng làm gỗ đóng đáy, làm nhà, làm thuyền, được đốt thành than chở về Sài Gòn và các thành phố khác. Thị trấn Năm Căn xuất hiện trên cơ sở khai thác rừng đước, và những xóm làng hai bên bờ sông, rồi dần dần ăn sâu vào phía trong cũng sống về tôm cá và cây đước.
Mỹ đã xây trên lầy lội Năm Căn một căn cứ lớn đầy đủ sân bay, pháo nặng, ra đa, đủ cho ba nghìn quân sĩ, nhưng chúng cũng không kiềm chế nổi các lực lượng yêu nước; đất Cà Mau từ đầu chí cuối vẫn là một chiến khu bất khả xâm phạm, và những trận Đầm Dơi, Cái Nước đã để lại cho Mỹ những ký ức đau đớn.
Từ Năm Căn dọc cửa sông Bảy Háp ta sẽ tiến ra Mũi qua những làng xóm cuối cùng của đất nước, xã Viên Ôn, xã Ông Trang, cho đến xóm Mũi, đến tận nơi giao lưu giữa hai luồng biển Đông và biển vịnh Thái Lan, nơi mà phù sa sông Cửu Long từ chín cửa được dồn về bồi thêm hàng năm gần 100m đất mới. Xa xa là bán đảo Hòn Khoai.
Đất càng ổn định rừng tràm đến thay thế rừng đước. Ở đây không khí phảng phất mùi thơm, và trên những đóa hoa tràm màu trắng, những đàn ong lượn qua lượn lại; đây cũng là nơi có những “sân chim”, dang sếu, chàng bè, lông Ô (còn gọi là già sói) tụ họp làm ổ sinh sôi nảy nở, trứng rải ra khắp mặt đất, ngày xưa có đến mấy chục vạn con, người ta giết hàng loạt chỉ nhổ lấy bộ lông, bỏ thịt đi, đem lông về bán làm quạt cho nhà giàu. Mật ong và sáp ong xưa kia cũng là một nguồn lợi lớn. Cá tôm đến mùa mưa lên rừng sanh đẻ, mùa khô lại rút về sông rạch. Bà con đào đìa cho cá tụ tập vào đấy. Những rừng tràm này cây cối rậm rạp đến mức vào trong đấy trời tối đen, nên người ta gọi là rừng U Minh, u u minh minh như địa ngục. Dưới đất là một lớp than bùn dày có nơi đến 5m.
Trong hai cuộc kháng chiến rừng U Minh là căn cứ của quân ta, địch không thể nào lọt vào được. Mỹ đã dùng chất hóa học làm trụi lá, rồi đổ napan đốt cháy gần hai vạn héc ta rừng, nay nhiều nơi chỉ còn là bãi lầy, hay đã biến thành ruộng, thành nông trường. Nhiều khu dân cư đã hiện lên theo các bờ kênh, các con sông.
***
Tiến về Vịnh Thái Lan là vùng Rạch Giá - Hà Tiên, với một dải bờ biển đẹp, nổi lên những núi đá vôi, đá phiến, xen những bãi cát trắng trên bờ một vịnh biển nông. Hà Tiên có những núi đá vôi độc nhất của Nam Bộ và cả miền Trung từ Quảng Ngãi vào, cảnh thiên nhiên giống như ở Hạ Long, đây là nguồn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy xi măng Hà Tiên, Thủ Đức.
Biển ngoài khơi Rạch Giá - Hà Tiên là ngư trường lớn nhất của nước ta. Mùa gió nồm cá từ biển Đông kéo qua vịnh Thái Lan. Mùa gió chướng lại đi ngược, cho nên quanh năm có những đàn cá lớn. Đến Rạch Giá thấy rõ là nơi đánh bắt cá vào bậc nhất, tàu đánh cá đủ các cỡ hàng mấy nghìn chiếc, ngày đêm ra vào. Dân chài từ Phú Khánh, từ các tỉnh đồng bằng tập trung về đây.
Ngoài biển, cách Hà Tiên khoảng 40km là đảo Phú Quốc, một trong những đảo lớn nhất của nước ta, dài 50km, rộng 15 - 30km, có những đỉnh núi khá cao như Đá Bạc - 945m, núi khắp nơi đâm ra biển tạo thành nhiều mũi mang những tên ta thường gặp: mũi Đinh, mũi Cồn Cỏ, mũi Chùa, mũi Trâu Nằm. Rừng có nhiều gỗ quí và khoảng hai vạn héc ta có thể dùng trồng lúa và hồ tiêu. Quanh đảo là một vùng biển đầy tôm, cá, hải sâm, đồi mồi, khai thác hải sản là hoạt động chủ yếu và cả nước đều biết tiếng nước mắm Phú Quốc.
Cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Trung Trực về đây lập căn cứ đánh Pháp, thời chống Mỹ, địch biến đảo thành một nhà tù lớn nhưng các chiến sĩ và nhân dân đã làm chủ phần lớn đất đai và vùng lên giải phóng cùng một lúc với đất liền năm 1975.
Lúa gạo
Không thể rời đất Nam Bộ thà không nghĩ đến lúa gạo. Như lời Nguyễn Trường Tộ đây quả là “phúc địa”, vào thế kỷ XVIII nhà bác học Lê Quy Đôn đã từng ca ngợi:
”Từ cửa biển đến đầu nguồn đi mất sáu bảy ngày, hết thảy là đồng ruộng, nhìn bát ngát, ruộng phẳng rất hợp với trồng lúa, lúa nếp, tẻ, gạo đều trắng dẻo".
Lê Quý Đôn còn cho biết nơi đây một hộc thóc gieo xuống được ba trăm hộc và đất này đã sớm bán gạo đi xa đổi lấy hàng hóa khác. Cho đến Pháp thuộc, việc khẩn hoang được thực hiện do những lưu dân từ miền Trung vào, một mặt do những dân nghèo bỏ quê đi làm ăn tha phương, một mặt do nhà nước phong kiến tổ chức. Nhà nước tổ chức đào những con kênh lớn nhỏ, lúc đầu nối liền lưu vực sông Đồng Nai - Vàm Cỏ với sông Tiền, sau giữa sông Tiền và sông Hậu, và từ đầu thế kỷ XIX, những con kênh lớn nhất xuất phát từ sông Hậu tiến về miền Tây. Năm 1817 triều Nguyễn cho Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu) đốc xuất đào kênh Thoại Hà nối sông Hậu với Rạch Giá; trong năm năm(1819 - 1824) đào kênh Vĩnh Tế (tên vợ Nguyễn Văn Thoại) vừa là kênh thoát nước từ sông Hậu đến vịnh Thái Lan, vừa là ranh giới chiến lược giữa Việt Nam và Campuchia. Đào kênh Vĩnh Tế phải huy động đến năm - bảy vạn người, số người chết vì bệnh, vì rắn, vì sấu rất nhiều. nhà vua phải đem chôn tập trung lập đàn cúng tế giải oan bên sườn núi Sâm. Trong bài văn tế những người chết oan có câu:
Than ôi ai cũng người ta
Mà sao người lại thân ra thế này
Năm 1895, viên đô đốc Pháp Rigault de Genouilly đánh vào Gia Định, báo cáo về Paris: “Đất ở đây màu mỡ, thừa gạo để bán đi, sông rạch chằng chịt và sự lưu thông thương mại dễ dàng”. Vừa đánh nhau Pháp vừa tổ chức xuất khẩu gạo, và sau 1867, khi thôn tính hết Nam Bộ, bắt đầu một chương trình khai thác quy mô lớn đồng bằng sông Cửu Long. Bắt đầu làm xâu, kết hợp với một ít máy móc, Pháp cho đào một loạt kênh, hoặc nạo vét kênh rạch tự nhiên, những con kênh cũ. Một mạng lưới kênh rạch chằng chịt giúp cho diện tích canh tác mở rộng nhanh chóng và xuất khẩu gạo cũng tăng nhanh.
>
Nắng ấm quanh năm, không có lụt bão, sông Cửu Long dồn phù sa và tôm cá về, Nam Bộ trở nên đất “làm chơi ăn thật”. Thực ra phải đặt câu hỏi: ai làm chơi ăn thật? Ai làm thật mà chẳng đủ ăn? Thống kê thời Pháp thuộc cho biết tỷ lệ chiếm ruộng đất như sau:
>
Những điền chủ lớn là những người đã “có công” giúp thực dân trong cuộc xâm lược và bình định; một số người Pháp cũng trở thành điền chủ lớn. Năng suất bình quân là 1,4 tấn ha: điều này nói rõ kỹ thuật canh tác cũng như cũ, điền chủ Pháp và Việt, mặc dù có những cơ ngơi rất lớn nhưng vẫn không áp dụng kỹ thuật tiên tiến.
Thu tô, thu lãi là nguồn thu nhập chủ yếu; những người tá điền với hai bàn tay trắng phải mướn đất, vay một ít giạ lúa, ít tiền, vay một giạ đến mùa trả hai, không trả nổi năm này qua năm khác, lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất, người tá điền phải ở đợ, hoặc trốn qua vùng khác, lang thang đó đây khai phá một mảnh đất hoang hay tìm một điền chủ khác. Trên sáu ngàn điền chủ lớn làm giàu với sức lao động của mấy triệu tá điền, nông thôn Nam Bộ phân hóa giai cấp rõ rệt. Nhà Văn Sơn Nam viết:
“Một khi vì quả nợ nần mà bỏ xứ trốn đi, người tá điền làm ruộng dạo, với chiếc xuồng nát, che tạm cầu chui, gặp điền chủ nào dễ dãi, cho vay ít vốn làm ruộng thì tới ở tới mùa. Nếu trúng, năm sau tiếp tục, bằng không lại xuống xuồng qua vùng khác. Nhiều khi thử chiếm một mảnh đất hoang vu chưa ai tranh chấp, sống một cõi ở Đồng Tháp Mười, ở rừng U Minh. Bắt cá làm mắm cho gia đình thì dễ, nhưng làm với quy mô lớn để bán thì khó vì không có vốn sắm dụng cụ, thuê nhân công. Câu “trời sanh voi, trời sanh cỏ” chẳng qua chỉ để tự an ủi. Rốt cuộc người làm ăn một mình một cõi như vậy cũng đành phải quay về với xã hội cũ. Cũng có người phiêu lưu hơn, chọn hải đảo hoang vắng ở vịnh Xiêm La, sống nhờ đám rẫy khoai, bí, chuối bên sườn núi đá, nghêu ngao với con chó, cây đờn kìm, chờ ghe đánh cá qua lại đất liền để đổi chác, mua gạo. Không tu cũng như tu, nhớ nhà nhớ quê. Ta dễ hiểu tại sao bản vọng cổ được ưa thích…
Nhà của họ thường là nho nhỏ xiêu vẹo, tạm bợ, chung quanh không có cây trái gì. Cái nhà như vậy khi cần bỏ trốn không có gì luyến tiếc. Con em họ ăn ở thiếu vệ sinh tối thiểu, nói chi đến học hành... Trong cảnh bế tắc ấy nhiều người tìm dịp may trong cờ bạc, tìm lãng quên trong rượu chè, tìm sự giải thoát tinh thần trong đạo giáo, tu hành chờ hội Long Hoa, chờ cơn đổi đời”.
Ta cần nói thêm, trong hoàn cảnh đó, Đảng Cộng sản đã đến với họ (xem Sơn Nam - Đất Gia Định xưa, và Đoàn Giỏi - Đất rừng phương Nam). Lúa tá điền làm ra, chủ ruộng bán lại cho nhà buôn Hoa Kiều đưa về các thành phố xay xát, bán lại cho các công ty Pháp để xuất khẩu. Rồi từ thành phố, Hoa thương lại đem về nông thôn những vải vóc, dầu, len, kim, chỉ, thuốc men, những hãng công nghiệp mua của những công ty tư bản Pháp chở đến tận thôn ấp bàn lẻ cho mọi người. Như vậy Pháp đặt lên đất Nam Bộ một bộ máy bóc lột kinh tế khá tinh vi gồm mấy khâu: Chóp bu là những công ty tư bản Pháp, trung gian là Hoa thương, cơ sở là cặp điền chủ - tá điền Việt Nam. Dĩ nhiên những người trung nông cũng nằm trong hệ thống kinh tế ấy.
***
Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), những điền chủ lớn bỏ về Sài Gòn, ruộng đất được chia cho nông dân nghèo, điền chủ nhỏ, và trung nông, đặc biệt là con cái họ đều tham gia kháng chiến, chế độ Diệm cướp lại ruộng đất đã được phân chia trong kháng chiến nhưng rồi chiến tranh và chính sách khủng bố lan rộng, nhiều vùng bị tàn phá nặng nề, Nam Bộ phải nhập gạo (1965 nhập 129.000 tấn, 1970 - 650.000 tấn).
Về sau, Mỹ xóa bỏ chính sách thiển cận của Diệm, không như Pháp dựa vào điền chủ lớn, mà cố gắng tạo ra một số lớn phú nông sản xuất theo phương thức tư bản áp dụng kỹ thuật mới nằm trong hệ thống nông nghiệp qui mô toàn cầu của đế quốc: Phú nông các nước thế giới thứ ba mua máy móc phân bón, thuốc trừ sâu của những hãng Mỹ, sản xuất ra nông phẩm có chất lượng để các công ty tư bản lớn xuất khẩu ra thị trường thế giới (agro - business). Trong những vùng Mỹ kiểm soát, nông dân bắt đầu sử dụng máy móc và những giống lúa mới, các loại phân thuốc hóa học. và theo đó, ngày nhập càng nhiều không những phương tiện sản xuất nông nghiệp, mà còn nhiều hàng hóa tiêu dùng và xa xỉ khác. Vai trò của Hoa thương làm trung gian vẫn mang tính quyết định. Khi nói nông thôn Nam Bộ đã từ lâu làm ra nông phẩm hàng hóa, và gắn chặt với thị trường tư bản thế giới, tức là thời Pháp nằm trong hệ thống thực dân cũ, thời Mỹ trong hệ thống thực dân mới.
Năm 1975 có thể vẽ ra bức tranh như sau:
- Có nhiều vùng ở xa bị bom đạn, chất độc hóa học tàn phá nặng nề, kênh rạch trong 30 năm không được nạo vét, giao thông đi lại rất khó khăn, mùa khô thiếu nước, mùa lũ bị ngập.
- Có một số vùng gần các thành phố, hai bên các trục giao thông lớn bắt đầu kinh doanh nông nghiệp theo lối tư bản, có máy móc, hóa chất, giống mới.
- Tuy vậy đại bộ phận nông thôn vẫn làm ăn theo lối quảng canh, chỉ số quay vòng hàng năm mới 1,1 (ở những vùng đông dân điều kiện thuận lợi cũng mới 1,6); người nông dân trung bình lao động mỗi năm mới 100 ngày: giống lúa mới chưa được phổ biến rộng, hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh và không được quản lý tốt. Những chương trình phát triển của Mỹ cũng còn nằm trên giấy, nông nghiệp Nam Bộ đại bộ phận vẫn còn ở tình trạng thô sơ, trong lúc dân số so với trước 1939 đã gấp ba, và thành phố Sài Gòn từ nửa triệu đã lên đến 4 triệu dân đòi hỏi cung cấp một khối lượng gạo, thịt cá.
***
Sau giải phóng đồng bằng Cửu Long còn phải cung cấp gạo cho nhiều nơi ở miền Trung và miền Bắc, phải có gạo, tôm cá, hoa quả và các nông phẩm khác xuất khẩu, một kế hoạch phát triển qui mô lớn, gồm hai mặt được triển khai:
- Cải tạo quan hệ sản xuất.
- Áp dụng những kỹ thuật mới.
Trong những năm đầu những sai lầm nghiêm trọng cả về hai mặt đã làm cho kế hoạch phát triển thất bại: Vội vàng tập thể hóa, làm thủy lợi, mở nông trường, gieo lúa trên những vùng không thể trồng lúa, thu mua với giá cả bất hợp lý (mua như cướp, bán như cho) làm cho sản xuất đình trệ và nhất là quan hệ giữa nông dân và Nhà nước căng thắng.
Kinh nghiệm thất bại và nhiều công trình điều tra về tự nhiên cũng như về xã hội đã giúp cho thấy rõ vấn đề hơn. Đưa cả một vùng nông thôn rộng lớn từ tình trạng lạc hậu mấy thế kỷ phong kiến và thực dân để lại không phải đơn giản, và cũng không thể làm ngay trong ngày một ngày hai. Không ở đâu có chuyện “làm chơi ăn thật cả”.
Trong hơn 4 triệu hec-ta đất tự nhiên, hiện có:
- Đất nông nghiệp đang sử dụng 2,5 triệu hec-ta.
- Đất chưa khai thác có khả năng làm nông nghiệp 0,6 triệu hec-ta.
Về chất lượng thì có:
- Đất phù sa ngọt nằm ven và giữa hai con sông Tiền và Hậu, phì nhiêu, đủ nước ngọt có thể làm hai vụ gần 1 triệu hec-ta.
- Đất phèn: 1,9 triệu.
- Đất mặn ven biển: 0,7 triệu.
Còn lại là đất cất, đất lầy, than bùn, đất xám bạc màu.
Nhưng phải tính với lượng mưa theo mùa, trong mùa khô đất phèn và mặn tăng lên nhiều, sang mùa mưa diện tích đất ít phèn mặn là tăng lên. Và mùa khô lưu lượng sông Cửu Long chỉ còn l.800m2/giây, không phái cứ đào kênh là đủ nước ngọt cho khắp nơi, không khéo thủy lợi thành "thủy hại". Đồng bằng này không có lụt lên cao hàng mười mét như ở miền Bắc, nhưng đến mùa lũ, ở Long Xuyên, Đồng Tháp Mười có thể bị ngập ba bốn tháng, năm 1978 diện tích bị ngập lên đến 1,3 triệu hec-ta. Làm sao cho đủ nước ngọt cho ruộng và cho cả người và gia súc, làm sao khử mặn, rửa phèn, làm sao ngăn ngừa lũ lụt, làm sao tìm ra những giống lúa năng suất cao, ngắn ngày chịu phèn, chịu mặn, làm sao phát triển những cây khác ngoài lúa, đậu tương, đay (bố), khóm (dứa), dừa, đào lộn hột, tràm, đước, làm sao nuôi tôm cá ở nước ngọt nước lợ, nước mặn, chứ không thể bắt mãi vô tội vạ như những năm trước, làm cho số lượng tôm cá giảm sút đến mức báo động. Tóm lại đây là một chương trình khoa học kỹ thuật lớn lao, huy động hàng vạn cán bộ điều tra nghiên cứu kỹ, rồi lại phải đưa ra áp dụng trong mấy triệu nông dân.
Bức tranh xã hội nông thôn Nam Bộ sau giải phóng không như trước. Hai nhân vật chủ yếu thời trước, điền chủ lớn và tá điền không còn nữa. Qua cách mạng, qua thời Mỹ chiếm 70% đã trở thành trung nông, trên 20% là nông dân nghèo còn thiếu ruộng để đủ ăn, còn lại là một số phú nông vừa làm ruộng với những phương tiện và kỹ thuật khá tiên tiến, thường kết hợp với việc buôn bán ở các chợ hay thị trấn, hoặc cho thuê máy. Cần nói rõ đa số cán bộ cũng xuất thân từ thành phần trung và phú nông.
Về chính trị xã hội, Nam Bộ mới giải phóng là một bức thảm nhiều mảng chắp vá lại, nơi thì căn cứ lâu năm của cách mạng, nơi thì Mỹ, Pháp chiếm nhiều năm, nơi thì Hòa Hảo hay Cao Đài, hay Ki-tô giáo ngự trị, nơi thì đồng bào Khơ-me hay Chăm tập trung đông đảo, tôn sùng Phật giáo hay Hồi giáo. Và khắp nơi là mạng lưới buôn bán của người Hoa. Trong mỗi gia đình, mỗi đơn vị, mỗi địa phương, người thì từ kháng chiến trở về, kẻ đã ít hay nhiều dính líu với chế độ cũ, người thì tập kết từ miền Bắc về lại quê hương sau 20 năm xa cách, người thì theo bộ đội hay cơ quan từ miền Bắc vào công tác. Mỗi người một cách suy nghĩ, một lối sống, một tâm tư và những quyền lợi khác nhau.
Chống Pháp chống Mỹ, giành lại độc lập tự do đại đa số đều đồng tình, nhưng giờ đây, làm ăn thế nào, sống thế nào. Chủ nghĩa xã hội nghe ra cũng dễ chấp nhận nhưng cụ thể là thế nào?
Chung sức đào con kênh, đắp bờ để ngăn lũ ngăn mặn, chung vốn mua máy móc xăng dầu, phân hóa học, giống mới, câu chuyện đối với những con người nông dân quen lao động vất vả không phải là khó hiểu, nhưng rồi phân công như thế nào, mua bán với giá cả nào, Đảng làm gì, chính quyền làm gì, ban quản trị tập đoàn, hợp tác xã làm gì? Lúa gạo, lợn vịt, rau quả, tôm cá bán cho Nhà nước hay tư thương? Vào tập đoàn còn được đi nhà thờ, được cầu Phật, cúng Đức Thầy nữa không?
Bảo rằng nông thôn Nam Bộ đã tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc, êm ả là câu chuyện hoang đường, như trên đã nói, nhiều sai lầm đã làm con đường đâm ra gay go, gây ra những khó khăn kể ra có thể tránh được.
Nam Bộ ngày nay không còn là nơi đất rộng người thưa nữa, dân số đã lên trên 16 triệu, mật độ trên 300 người km2 mỗi năm còn tăng 2,5%, phong trào kế hoạch hóa gia đình chưa được phổ biến rộng đến từng người. Mê tín, rượu chè còn là những tệ nạn thường gặp, điều kiện vệ sính còn thấp kém. Mạng lưới thuỷ lợi, đường sá, trường học, bệnh viện, trạm xá chưa được như nông thôn Bắc Bộ. Nhà nước chưa cung cấp đủ phân bón, máy móc hàng hóa cho bà con nông dân, nhiều chính sách còn bất hợp lý, đội ngũ cán bộ còn yếu về kỹ thuật, về trình độ quản lý, một số đã biến thành những cường hào mới.
Nhưng bảo rằng nông thôn Nam Bộ chưa có gì thay đổi, chưa tiến được tí nào cũng chưa đúng sự thực. Từ 1976 đến 1985, sản lượng lúa gạo và năng suất đã tăng rõ rệt, diện tích thủy lợi hóa đã lan rộng, ngoài vụ lúa mùa, nay hai vụ đông xuân và hè thu đã trở thành hai vụ sản lượng cộng lại ngang với vụ mùa. Nhiều giống lúa mới được đưa vào khắp nơi, nhiều cây trồng khác lúa được phát triển. Từ 1991 đã xuất khẩu gạo. Dần dần các ngành nghề thủ công cũng như ở ngoài Bắc được đưa vào nông thôn. Các trường đại học, các viện nghiên cứu ở Cần Thơ, ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở ngoài Bắc tham gia ngày càng sâu vào công việc điều tra nghiên cứu về các mặt tự nhiên cũng như xã hội, giúp cho lãnh đạo và cán bộ quản lý cải tiến cách làm ăn, lề lối làm việc và suy nghĩ.
Và từ trong nhân dân, trong thanh niên, trong cán bộ, kể cả các cụ đã về nghỉ hưu đã bắt đầu nổi lên một phong trào suy nghĩ, đấu tranh chống lại mọi hiện tượng tiêu cực, đề xuất những thay đổi cần thiết, để đưa cho được khoa học và dân chủ vào vùng đất đầy hứa hẹn này (Xem Cù Lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn).
Nếu thì giờ ít chỉ có thể đi thăm một nơi, xin khuyên bạn về An Giang thăm huyện Phú Tân, tức là đất Hòa Hảo. Đến đây có thể ôn lại một lịch sử khá dài, bắt đầu với sự khẩn hoang một vùng thường bị ngập, rồi xuất hiện phái Phật giáo Bửu Sơn kỳ hương, rồi Huỳnh Phú Sổ ra đời, sáng lập đạo Hòa Hảo, rồi những năm tôn giáo bị kẻ địch lợi dụng, dẫn đến cảnh huynh đệ tương tàn, rồi giải phóng, rồi làm thủy lợi, xây dựng tập đoàn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho đồng bào Hòa Hảo, việc trừng trị bọn lợi dụng tôn giáo để phá hoại, đưa cải lương chiếu bóng vào một vùng trước kia các môn này bị giáo hội cấm, xây dựng bệnh viện với sự giúp đỡ của bà con và một số người chức trách trong đạo. Những chuyển biến nhiều mặt của Phú Tân và của cả tỉnh An Giang làm cho lịch sử ở đây đã tiến lên rõ rệt.
Đồng bằng sông Cửu Long là vậy đang mở cho những ai năng nổ, có tinh thần đấu tranh một phạm vi hoạt động, một miếng đất dụng võ lý thú.