Đã từng có ngày vui
Tác giả: Nguyễn Khải
Tháng 4 năm 1945, gia đình tôi dọn nhà đến phố Đỗ Hữu Vị, một đường phố của giới viên chức Hà Nội, ở chung với bà chị ruột của mẹ tôi. Cả hai bên đều có lợi. Trả tiền nhà cho chị vừa ít hơn lại được nhờ cậy vào chị và các cháu trong cái thời buổi Nhật Tây hỗn loạn. Chị cho em thuê nhà vẫn cứ yên tâm hơn là cho người ngoài thuê, gặp năm khó khăn thêm đồng nào hay đồng ấy. Riêng tôi thì không lấy gì làm vui lắm vì phải sống trong một ngôi nhà toàn là đàn bà, vừa buồn vừa lạnh. Bà bác tôi vốn tính lạnh lùng, nghiêm khắc, hai người con gái cũng lạnh lùng giống mẹ, lại hay xét nét, riễu cợt. Họ vẫn gọi tôi là thằng ngố vì tôi nhút nhát lại hơi đần. Bác tôi có bốn người con : một trai đầu là bác sĩ đã có vợ con và ở riêng và ba cô con gái kế tiếp. Người con gái thứ hai chết năm hăm nhăm tuổi, chưa chồng, chưa có cả người yêu, hình như thế, cái chết cũng đột ngột. Một đám ma im lặng và trắng toát. Ngựa phủ vải trắng, xe tang sơn trắng, các ngù lông ở bốn góc xe cũng màu trắng và những người đi đưa đều mặc quần áo trắng. Duy có một người đàn ông đi cách xe tang chừng một quãng là mặc âu phục đen, hai tay ôm trước ngực một gói giấy báo. Lúc hạ huyệt người đó vẫn đứng ở xa, khi mọi người đã ra về người ấy mới bước lại trước mộ, mở gói giấy báo đặt lên mộ một bó hoa trắng rồi quì xuống.
Hai người em gái còn lại, một chị tên là Linh đã hăm nhăm tuổi và một chị tên là Nga, hăm hai tuổi. Các chị đều có bằng Cao đẳng tiểu học nhưng không ai chịu đi làm, cũng rất ít bạn bè, sống cô độc và lạnh lẽo. Đàn bà mà thông minh quá, biết rộng quá cũng khổ. Chẳng có người đàn ông nào trên đời khiến họ phải say mê. Bác tôi vẫn than thở với mẹ tôi : "Ai mà dám rước hai con quỉ cái ấy, rồi cũng đến làm bà cô thôi". Bà bác tôi một đời không hề mó tay vào công việc nội trợ, chỉ có đánh bạc và đi lễ. Một người đàn bà vô dụng là thế mà vẫn được chồng rất nể còn con cái thì sợ một phép. Bà đi vắng nhà như cái chợ, bà ở nhà mọi người đi lại như những cái bóng, muốn nói gì cũng chỉ dám thì thào. Mẹ tôi bảo : "Bà ấy sướng từ nhỏ tới già, con người ta đều có số cả."
2.
Đó là chuyện về trước. Từ ngày hai gia đình ở chung thì cách sinh hoạt của gia đình bác tôi đã khác xưa nhiều lắm. Tháng 6 năm 45 bác trai tôi mất. Ông là kỹ sư hóa học tốt nghiệp ở Pháp những năm đầu thế kỷ. Ông bị bệnh kiết l��ã mấy tháng, người cứ gầy rộc và rất hôi. Người con trai bác sĩ làm việc ở Hải Phòng một bữa về nhà lúc trời tối. Anh ta xách cặp thuốc lên thẳng trên gác ngồi nói chuyện với bố tới gần nửa đêm rồi lặng lẽ đi xuống bảo các em : "Để cậu nằm ngủ". Sáng sớm hôm sau anh ta nói với mẹ : "Cậu mất đêm qua rồi". Bác gái tôi ở nhà cả ngày, cả tuần vì cũng không còn tiền đánh bạc, chỉ tới bữa ăn mới xuống. Hai chị tôi cũng thay đổi cả tính nết lẫn cách sống, nói năng mềm mỏng, cư xử với xung quanh nhũn nhặn, dễ dãi. Và rất hay đi chơi, đi một buổi hoặc đi cả ngày. Mỗi lần ra phố hai bà phải mất cả giờ để chọn áo và trang điểm, rồi nhìn ngắm nhau để có dịp bình phẩm, chọc ghẹo nhau trong tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo. Mà bác tôi cũng không bảo sao, cũng có thấy sự khác thường nhưng bà xem như không biết.
Chỉ riêng ông bác sĩ, người con trưởng của gia đình, là vẫn giữ nguyên nếp sống cũ. Anh là người sang trong họ, là ông bác sĩ đã sang, lại là con rể một ông tổng đốc càng sang, vừa có danh vừa có tiền, dẫu thời thế có đổi thay cũng không thể xê dịch được cái địa vị đã có. Tôi chỉ không ưa anh gọi mẹ tôi là bà xưng tôi, như người dưng, còn mẹ tôi lại khúm núm gọi cháu là ông, cười nói nịnh nọt. Một lần anh lên Hà Nội rẽ qua về thăm nhà, bảo hai em gái : "Các cô cho tôi ăn cơm chiều nhá !" Lập tức chị Linh nói luôn : "Thôi, mời ông ra hiệu, ở nhà chả có gì" Anh cau mặt có vẻ không bằng lòng nhưng chị Linh vẫn thản nhiên trò chuyện với mẹ tôi. Một lần khác, anh nói gì đó với các em khi họ cùng ngồi ăn bánh ngọt và uống nước trà ở cái bàn nhỏ kê giữa sân. Hai người em gái cũng vừa cười vừa nói lại điều gì đó, rồi nghe anh nói to : "Đừng có nghe mấy thằng VẹM, Nhật nó chém đứt cổ !" Chị Linh cũng to tiếng: "Có là con vật mới chịu ngồi một chỗ đợi chúng nó đến cắt cổ !" Ông anh đứng vọt lên, mặt hằm hằm xách cặp đi thẳng. Chị Nga nhìn theo anh, nói với : "Đàn ông gì mà nhát thế!" Trong bữa cơm tối bác tôi bảo : "Anh chúng mày lại ra Phòng luôn à ?" Mẹ tôi nói : "Anh em to tiếng gì với nhau rồi ông ấy bỏ đi luôn". Bác tôi cau mặt : "Bố chết còn anh, anh không bảo được em thì hóa ra nhà vô phúc à ?" Chị Linh khẽ hích tay em gái, cười gượng gạo : "Ông ấy là trí thức mà không biết gìn giữ phẩm giá, chỉ lăm le muốn làm đầy tớ thôi, không là ông chủ Tây thì là ông chủ Nhật". Bác tôi dằn đũa xuống bàn, mặt đỏ tía : "Quân ngu ! Cả nhà này không ăn cơm của thằng Tây dễ thường húp nước gạo mà sống được đến hôm nay à ?"
3.
Tới tháng 7 bác tôi đã phải gọi người bán cái sập chân quì và tủ chè, cả một lô đôn thống bình lọ nghe nói rất quí, rồi đến áo gấm và áo măng tô lông. Cuối cùng cái xe kéo kiểu Ômic, phương tiện đi lại của cả nhà, cũng bán nốt. Nhưng bữa ăn thì vẫn như xưa, một bàn thức ăn, thịt quay, cá nấu ám, canh nấm, thịt băm nhồi ốc lót lá gừng, ăn như phá núi cũng phải lở. Mẹ con tôi nghĩ thế nhưng bác tôi lại không thể quen ngồi trước một bàn thức ăn chỉ có vài ba món. Bà không ăn nhưng mắc tật ghiền nhìn một bàn thức ăn thật đầy đặn, thật sang trọng. Sau một tuần ăn chung mẹ tôi xin được ăn riêng nhưng bác tôi trừng mắt, bảo : "Dì muốn ăn riêng thì không nên ở chung với tôi. Có hai chị em cũng bày ra hai bếp không sợ thiên hạ họ chửi cho à ?" Mẹ tôi sợ mà phải theo nhưng cả ba mẹ con tôi ăn uống mất cả tự nhiên. Nhưng tối đến thì vui lắm. Cả nhà (trừ bác tôi đã lên gác sau bữa ăn) ngồi súm lại dưới ánh đèn chụp mờ tối nghe chị Linh đọc thì thào báo của Tổng bộ Việt Minh, báo nhỏ bằng cuốn vở học trò, in rất xấu nhưng chỉ có tờ báo ấy mới dám viết : thực dân Pháp, phát xít Nhật, mới dám gọi nội các Trần Trọng Kim là nội các tay sai, bù nhìn. Và một ông vua bù nhìn. Năm ấy tôi nào đã biết gì nhưng rất hãnh diện được tham dự vào một âm mưu phản loạn của người lớn, được sống trong cái không khí bí mật của người lớn, chỉ thế thôi cũng đã hơn lứa bạn cùng tuổi nhiều lắm. Rồi các chị tiếp bạn trai ở nhà, cũng là một chuyện lạ. Thoạt tiên là một chàng trai trẻ, dáng dấp như sinh viên, lúc mặc quần soọc trắng, lúc mặc bộ đũi vàng, chắc hẳn gia đình cũng vào loại giàu của đất Hà thành. Anh thường đến chơi vào buổi chiều, cả ba người trò chuyện rì rầm cho đến lúc lên đèn. Người đàn ông nói nhiều hơn còn hai người đàn bà thì ngồi nghe rất thành kính, gương mặt rạng rỡ, thơ ngây, trở nên xinh đẹp lạ thường. Mẹ tôi bảo : "Cậu ấy là bạn của đứa nào ?" Chị Linh đỏ mặt không nói gì. Chị Nga nói nhỏ: "Anh ấy là cán bộ" Rồi lại thêm một người bạn mới nữa, chắc cũng là cán bộ, có khi còn là cấp trên của người đến đầu tiên. Anh này chừng lớn tuổi nhất bọn, để râu quai nón, lại đeo kính râm, rất ít nói và cũng rất ít cười, con người có vẻ bí hiểm như nhân vật Kỳ Phát trong tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng. Gần như mỗi ngày đều có người mới tới bàn công việc với các chị. Làm việc bí mật ở nhà này là bảo đảm. Nhà ở phố vắng, chỉ có một chủ, gia đình tôi tuy ở chung nhưng ra vào lặng lẽ không có ý tò mò việc riêng của người khác.
Đầu tháng 8 có nhiều người mua đồng nát, lông vịt, ve chai tấp nập tới gõ cửa, kỳ thực chả có mua bán gì, họ lấy từ dưới đáy thúng từng xấp vải gói kỹ trong các bọc giấy đưa cho hai chị. Vải đỏ và vàng may cờ. Nhà có hai cái máy may, các chị và tôi hì hục khiêng vào buồng trong giáp bếp và ngồi may từ sáng sớm đến nửa đêm. Rồi mẹ tôi cũng vào may giúp. Bác tôi hỏi : "Mấy cô may vá gì mà đạp máy suốt ngày thế ?" Mẹ tôi nói : "Có một hội từ thiện nhờ may quần áo vải xấu để phát chẩn" Bà lại hỏi : "Người ta có trả tiền công không ?" Chị Nga nói : "Chuyện phúc đức ai lại ngửa tay lấy tiền công". Bà cũng không hỏi gì thêm. Bà bếp phải tự đi chợ, tự nấu ăn. Bữa cơm nghèo nàn hẳn nhưng bác tôi trở nên rất dễ dãi, có gì ăn nấy, không mắng mỏ, phiền trách ai, chỉ có cái nhìn của bà cứ khinh khỉnh, thỉnh thoảng lại nhếch mép cười nhạt là làm người khác không yên tâm mà thôi.
Rồi cách mạng tới. Một Hà Nội và một Tháng Tám đỏ rực, trẻ trung và cởi mở. Không có tiếng súng nổ, không có một ai chết nên càng vui. Người bị thua thiệt nhất là nhà vua cũng còn cảm thấy vui, thấy tự hào vì được làm công dân một nước Việt Nam đã độc lập. Cách mạng thành công được vài ngày thì hai bà chị tôi được gọi đi làm. Tưởng làm gì hóa ra làm cấp dưỡng cho một cơ quan an ninh của cách mạng đóng ngay tại Sở Liêm phóng cũ. Hai người cùng gầy nhỏ, cùng yếu ớt, từ nhỏ tới lớn chưa từng làm việc nặng, chưa phải hầu hạ ai, bây giờ phải dậy từ mờ sớm để đi chợ, phải nấu cơm ngày hai bữa cho mấy chục người ăn mà vẫn khỏe khoắn, vẫn tươi cười, còn như trẻ ra, đẹp ra. Mới hay cái phép thiêng của một niềm tin, của một tình yêu có thể cải tử hồi sinh là chuyện có thật.
Nhân nói chuyện vui trong một bữa cơm có đông đủ cả nhà, mẹ tôi hỏi bác tôi :
- Bác có biết chúng nó theo Việt Minh từ ngày còn bí mật không ?
Bác tôi cười khẩy :
- Không biết mà tôi chịu để chúng nó chạy rông ngoài đường cả ngày.
Cả mọi người đều không hiểu. Bác tôi lại nói :
- Cái thằng trắng trẻo hay cười tao thấy được. Còn cái thằng để râu mang kính nếu chậm vài tháng không khéo thì bị bắt. Trông như thằng mật thám ai thấy mà chả ngờ.
Ở trên gác có cửa sổ nhìn xuống sân trong, cửa có treo rèm nên không thể biết người đứng sau rèm nhìn xuống.
4.
Cuối năm 1946 gia đình tôi rời Hà Nội về thị xã Hưng Yên là quê ngoại. Rồi kháng chiến toàn quốc. Suốt tám năm đánh Pháp tôi không được biết tin tức gì về gia đình bác tôi. Năm 55 tôi trở về Hà Nội mới tới thăm bác. Bác đã ngoài bảy mươi, sống với con dâu và các cháu. Người con trai cả là bác sĩ trong quân đội Pháp bị mìn chết trên đường 5 vào đầu năm 53. Người chết, của đi theo người, lại đông con, cả mấy mẹ con đều sống cơ cực, ăn cũng không được no, bác tôi cũng phải chịu khổ theo đến tiền mua trầu vỏ cũng không có. Tôi biếu bác ít tiền nhân lấy được tiền nhuận bút sách, bác cầm tiền bằng cả hai tay, nói nịnh nọt : "Tôi cám ơn cậu, thỉnh thoảng cậu lại thăm tôi nhá". Hai chị tôi đều đi theo kháng chiến và đã lấy chồng, đã có con, nghe nói thế, chứ chưa có chị nào đem chồng con về thăm mẹ cả. Năm sau bác tôi mất nhưng tôi đang đi công tác nên cũng không được gặp các chị. Năm 70, tôi có việc phải về huyện Yên Mỹ thuộc tỉnh Hưng Yên. Phố huyện trở lại đông vui vì Mỹ đã ngưng ném bom miền Bắc từ cuối năm 68. Tôi đang đi phất phơ nhòm ngó mấy gian hàng lụp xụp bán dép gọt bằng lốp xe thì có người gọi tên. Tôi quay phắt lại, một bà to mập, mắt má sụng sịu, bèo nhèo, tóc cắt ngắn đã bạc quá nửa đứng ở cửa hiệu chụp ảnh đang nhìn tôi chằm chằm. Một người lạ hoàn toàn nhưng tôi vẫn trả lời : "Vâng, tôi là K. đây". Bà ta bước vội lại cầm lấy tay tôi kéo luôn vào trong nhà : "Vào đây, vào đây, mày là đáng ăn đòn !" Tôi mặc quân phục, đeo quân hàm thiếu tá, cao lớn, oai vệ mà bà ta dám mày tao chắc phải là người thân thiết lắm, nhưng là ai nhỉ ? Bà ấn tôi ngồi xuống ghế, khuỳnh tay đứng trước mặt, cười cười : "Thằng ngố, không nhận ra chị, hả ?" Trời ơi, chị Linh ! Chị Linh ơi, sao chị già nhanh thế, xấu nhanh thế ! Nhưng tôi chỉ kêu trời ơi rồi nước mắt trào ra chứ không dám nói thêm. Một người đàn ông tóc húi ngắn, bạc trắng, cởi trần, mặc quần cộc lừ lừ từ gian trong bước ra. Chị nói : "Anh đấy !" Tôi đứng lên chào, ông ta khẽ gật đầu nhìn vào quân hàm tôi mang trên cổ áo, nói cộc lốc: "Thiếu tá mà trẻ quá nhỉ ?" Chị Linh nói : "Cậu này là em tôi, con bà dì ruột". Ông ngồi ngay trước mặt kéo cái bát điếu nhơ nhớp những bã thuốc, tàn đóm, nói khàn khàn : "Bây giờ chị em mới gặp nhau à ?" Hiệu ảnh gì mà chật quá, bẩn quá, ông ấy làm nghề chụp ảnh sao ? Chị nói, nghề làm ảnh là nghề kiếm cơm của chị, còn anh là y sỹ của bệnh viện huyện đã nghỉ hưu. Tôi hỏi :
- Còn anh gì...
Anh gì tôi cũng không được biết tên, cũng chưa lần nào tôi hỏi tên, biết anh lúc đang còn là bí mật, cách mạng thành công rồi anh không hay đến nhà vì họ đã gặp nhau hàng ngày ở cơ quan nên càng không muốn hỏi. Anh gì nhỉ ? Chị cười rất buồn :
- Cậu muốn hỏi anh Hạnh phải không ? Anh ấy là người chồng trước của chị. Anh chị đã có với nhau được một đứa con gái thì anh mất vì bệnh sốt rét ác tính ở Việt Bắc. Năm 51 chị mới làm bạn với anh Tùng đây, lại có thêm hai cháu nữa. Chả bao giờ chị quên được những ngày ở phố Đỗ Hữu Vị, đẹp quá, vui quá, K. nhỉ ?
Tôi chả nói được gì cứ ngồi ngẩn ra mà nhìn bà chị vừa tìm lại được, lòng dạ nôn nao vì những đổi thay. Chị nói không được tự nhiên lắm :
- Cũng trưa rồi, cậu ở đây ăn cơm với anh chị nhé !
Tôi chưa kịp từ chối thì ông chồng đã nói luôn :
- Cậu cứ ăn ở trong ủy ban huyện rồi ra đây chơi với anh chị. Nhà có hai vợ chồng ăn uống qua quít cho nó xong bữa, mời khách thế nào được.
Trưa ngày hôm sau tôi ra chào anh chị về Hà Nội. Chị Linh dặn, có dịp lên Tuyên Quang thì rẽ vào thăm vợ chồng chị Nga. Ông chồng cũng là người tôi có biết, là cái anh chàng mang kính để râu, bí hiểm như một nhân vật trong tiểu thuyết trinh thám ấy. Anh ta là liên lạc viên của nhóm, là dân mới nên thích khoe cái bộ dạng "hoạt động bí mật" của mình. May mà cách mạng thành công sớm ! Tôi hỏi địa chỉ chị Nga thì bà vợ quay lại hỏi ông chồng, ông chồng chạy đi lục tìm một lúc rồi quay ra gắt vợ, đã lâu không ai gửi thư cho ai nên cũng quên mất cả địa chỉ.
Tôi buồn bã xách cặp ra bến xe Yên Mỹ không dám ngoái đầu nhìn lại một lần nào. ờ, mà cũng chẳng nên buồn bực làm gì về sự tầm thường của một đời người, nó vẫn là thế, mãi mãi là thế. Có điều, ai ai cũng có những năm tháng đã sống cho một niềm tin, cho một tình yêu, cho những mộng tưởng có nhiều phần hư ảo. Những giấc mộng đẹp, những cách sống đẹp, những mặt người tuyệt đẹp thời nào cũng có xuất hiện nối tiếp nhau cho tới vĩnh viễn.
Tháng 8 năm 1992