MỘT THOÁNG SÂN NHÀ
Tác giả: Nguyễn Kim
H ầu như ai cũng có một khoảng sân nhà để nhớ để thương, cho dù trong tâm tưởng hay thực tế, ký ức hay hiện tại. Đó có thể chỉ là một mảnh đất con con trồng vài cây cau, hàng dâm bụt hoặc rộng đủ đề tụ tập bên gốc mít, gốc ổi chơi ô ăn quan, chơi cò chập hoặc xới đất ven rào bỏ hột mồng tơi, hột sâm lá bò lan xanh mướt…Tôi quen một bác cả đời sống dưới ghe cùng vợ chồng người con trai, hai đứa cháu gởi nhà bà con đi học. Ghe bác chở thuê khoai củ, cá mắm…đủ thứ, lâu lâu cặp bến gần nhà tôi đôi ngày nên có dịp trò chuyện nhau.
Tuổi già hay ôn lại chuyện cũ và những ước mơ chưa và có lẽ không bao giờ thực hiện được. Bác thường nhắc những nơi mình đã đi qua, nơi mình ghé lại, lạ riết thành quen. Trong câu chuyện, quãng thời gian nhiều kỷ niệm với bác là lúc ghe đậu bến chợ Trường An thuộc địa phận Vĩnh Long cho cô con dâu sinh đứa cháu thứ hai. Một gia đình nhơn hậu cho bác ở nhờ cái chòi lá trước nhà suốt hơn hai tháng, đôi bàn chân trần bén hơi đất quyến luyến chẳng muốn rời. Sân nhà chằng chịt dây leo, cây dại, không người dọn dẹp. Bác tẩn mẩn dọn cỏ, xới đất trồng ớt, cà, đu đủ…lại thêm mấy cây cau tây, dưới gốc dậm bông mười giờ, bông soi nhái. Vậy mà bác vui không gì bằng, rãnh rỗi lại săm soi từng chiếc lá, tìm bắt từng con sâu. Sáng sớm bên ấm trà trước sân, bác cùng người chủ nhà đồng niên chuyện vãn thế thái nhân tình, mua bán làm ăn khá là hợp ý. Thời gian qua nhanh, chừng con dâu cứng cáp thì cả nhà bác từ giã xuống ghe. Bác kể với tôi rằng lúc đặt chân lên đòn dài bác đã ngập ngừng rướm lệ, trong nỗi buồn xa người cưu mang mình còn chút bùi ngùi cho khoảng sân nhà không mong gặp lại. Chỉ là mấy cái cây bám đất bám rễ mong manh thôi mà thương, mà bịn rịn bởi nó mang hơi hướm thân quen, tựa chiếc cầu nối tình cảm quê cha đất mẹ nay đã xa vời.
Tâm trạng thấp thoáng niềm ân hận, nhớ nhung như người…vô tâm phụ bạc, thật khó diễn tả cho đúng. Những người hời hợt cho là bác nặng lòng đa cảm, có đáng chi mà nhớ. Tôi thì nghe qua tâm sự của bác, đêm nằm bỗng dưng thao thức miên man rồi buồn một mình. Tết rồi, bác chở chuyến hoa kiểng bán tới mùng ba thi rời bến. Bác cho hay lần này về quê sống với đứa cháu ruột luôn vì sức khỏe đã kém nhiều, con trai con dâu thương cha không cho theo ghe cực nhọc. Đáng lẽ lui ghe chiều hăm chín, nhưng bác muốn nấn ná thêm vài hôm nữa, con phải chìu ý. Chẳng nói ra, nhưng tôi mừng cho bác từ nay tha hồ hít thở mùi mạ non, mùi lúa chín, mùi cỏ dập dưới đôi bàn chân không hay chạm đất. Rồi lại lo bác sẽ ưu tư, tình cảm ngược dòng về bạn thương hồ, sông nước lớn ròng, ngã năm ngã bảy!
Nhà bà ngoại tôi ở quê. Phía sau có mảnh vườn trồng mía, bắp, phía trước là khoảng sân đất nện phẳng. Đậy là nơi gắn bó tuổi thơ tôi với các bạn hàng xóm cùng lứa. Đây là nơi chúng tôi chơi bắn kè, thảy lổ đáo, có khi đốt lửa nướng cua đồng, nướng bắp…Bà ngoại dễ tính, thương trẻ con nên ít khi rầy la. Cạnh rào mọc lên hai cây mù u, lá xanh dày che mát hướng mặt trời lắn. Sau nhà có cái ao được cơi lớn, bắc ván làm cầu lấy nước sinh hoạt, cũng là nơi tôi tắm mỗi chiều. Hồi chiến tranh, ngoại nhất định không chịu tản cư, tối nằm ngủ dưới bàn thờ Phật. Khuya nọ, đạn pháo bắn nổ hai trái liền kề ở góc vườn thành hố, thành ao, ngoại để vậy không lấp. Đêm trăng, ngoại đào khoai môn nấu một nồi bưng ra sân, trải chiếu cho bọn trẻ chúng tôi ăn với đường tán. Vị bùi, ngọt của món quà quê cùng trăng thanh gió mát, cử chỉ, lời nói đầy ắp yêu thương của ngoại lắng đọng mãi trong lòng tôi. Mỗi lần nhớ lại khoảng sân nhà là tôi nhớ tất cả, con người cùng cảnh vật, từng chi tiết tưởng chừng rất vu vơ, bé nhỏ. Bà ngoại tôi mất, vài năm sau nhà đổi chủ. Người ta cất nhà lớn, thu hẹp khoảng sân, đốn bỏ hai cây mù u giờ chỉ còn trong ký ức, không phai. Có lúc buồn chán, thất vọng điều gì trong cuộc sống đầy những đố kỵ bon chen, tôi lại hồi tưởng tuổi thơ, những ngày quê ngoại cùng khoảng sân nhà bình dị, bao dung. Mấy cô bạn nhỏ ngày xưa tíu tít chia nhau trái me, trái khế, giờ theo chồng xa xứ hay đã tay bồng tay bế…cháu nội, cháu ngoại?.
Tóc xanh giờ thành tóc hoa râm là chuyện thường tình, sao tâm trí mình lại viễn vông, ray rức một thoáng sân nhà?...
NGUYỄN KIM