Gió hú
Tác giả: Nguyễn Mộng Giác
Vi đã lên tới chóp núi chỗ có cây thánh giá trước, hai tay giữ chặt lấy vạt áo nên phải để mặc cho gió thổi tung mái tóc mềm. Nàng mặc quần áo trắng, tóc thả dài trên chiếc vai tròn, da mặt hồng hào vì cố gắng leo dốc nhanh để lên trước Tuấn. Gió thổi từ cánh đồng xanh màu mạ non làm cho tóc che khuất một nửa khuôn mặt nàng, còn nửa bên kia bị một vài mảng tóc rối che mờ. Tuấn thầy nàng linh thiêng mờ ảo, bất giác dừng lại ngước nhìn. Chàng nói:
"Vi hãy đứng tựa vào cây thánh giá đi".
Nàng thả bớt một chéo áo dài để lấy tay phải gạt bớt mái tóc rối, cúi xuống hỏi:
"Để làm gì vậy?"
Tuấn tiếp tục leo lên sườn núi.
"Bí mật".
"Anh nói cái gì?"
"Chuyện quan trọng lắm. Để chờ Tuấn lên đó đã".
Trong lúc vừa leo dốc vừa chiêm ngưỡng Vi, Tuấn bước lên một vùng đất sỏi, suýt tí nữa trượt chân ngã xuống. Vi la thất thanh:
"Ơ kìa. Coi chừng".
Tuấn nhanh tay chụp được một nhánh chim chim, gượng đứng dậy chữa thẹn:
"Mải với cao thành ra té nặng".
Vi chưa hiểu, nhưng mơ hồ cảm thấy trong câu nói của Tuấn có điều gì liên quan đến mình. Một điều gì thật trang trọng cao ngất, như mây trên đỉnh núi. Nàng sung sướng đến nóng bừng cả mặt, nói xuống:
"Xạo".
Tuấn không trả lời gì được vì đang gặp phải một đoạn dốc đứng. Đá nhọn xếp thành hình răng cưa, cây cối lại thưa thớt nên nếu vô ý chàng dễ dàng bị lăn xuống chân núi. Leo được đến chỗ đất phẳng gần Vi, Tuấn thở phào, tiếp nối câu nói khi nãy:
"Không xạo chút nào. Ở dưới nhìn lên, thấy Vi mặc quần áo màu sương, in hình dưới chân thánh giá, trông chẳng khác nào Đức Mẹ Đồng Trinh Maria".
Vi giấu bối rối bằng cách làm ra vẻ bạo dạn, chỉ tay thẳng vào mặt Tuấn đe:
"À, chẳng những xạo mà còn phạm thánh nữa. Để em về mét với Ma-xơ..."
Nàng còn định nói nữa, nhưng chợt nhớ mình lỡ lời nên bụm miệng lại cười. Tuấn nói:
"Ai mà sợ. Anh đâu có ở nội trú. Chỉ có bọn con gái nhát gan mới sợ các Ma-xơ thôi. Ăn nhằm gì tới Tuấn đâu".
Vi cãi lại:
"Sao không. Em mét cái anh chàng thường ăn mặc chững chạc đến xin cho cô em họ ra khỏi nội trú thật ra chẳng có họ hàng gì với con Vi hết".
"Thách đó. Chỉ sợ từ đây có người ngồi buồn hiu trong cửa sắt, cả chiều thứ Bảy dài, cả ngày Chủ nhật buồn".
"Nếu vậy em sẽ nhờ Ma-xơ gọi điện thoại lên ty mét".
"Ơ hơ, mét cái gì?"
"Mét có người nói dối với ba, mượn chiếc Honda đi làm giấy tờ quân dịch nhưng lại..."
Tuấn cười xoà, đưa cú đấm lên dọa:
"Coi chừng đó nghe. Nếu anh không thực tình kể chuyện mượn xe, làm sao Vi biết được?"
Rồi cả hai đều không hẹn mà cùng nhìn xuống con đường cái quan dưới chân núi. Chiếc Honda đỏ vẫn còn đó, gần cây cầu sắt bắc ngang qua đầm nước mặn. Tuấn đưa tay vào túi kiểm soát lại không biết là lần thứ mấy xem thử chìa khoá xe có còn đấy không, trong khi Vi lo lắng hỏi:
"Anh nhớ khoá kỹ chưa?"
"Rồi. Hai khoá xích ở hai bánh, một chìa khoá cổ, một chìa khoá máy. Ở gần cầu có trạm kiểm soát của cảnh sát, tụi ăn cắp tưởng xe lính không dám động đến đâu. Chuyện gì đây cũng nghĩ tới cả. Đấy Vi coi, có phải chiếc xe để ngay sau lưng trạm gác cầu không?"
Vi chăm chú nhìn theo hướng chỉ của Tuấn, gật gù không nói gì. Dưới kia nhà cửa san sát, mái ngói đỏ chen lẫn mái tôn bạc xếp hàng bám dọc theo hai bên quốc lộ. Con đường nhựa nhỏ uốn mình dịu dàng qua một vùng nhà cửa đông đúc, ngập ngừng đến trước một thánh đường, hùng dũng xẻ hông một đồi đất đỏ, rồi mạnh dạn vượt qua đầm nước xanh. Chiếc cầu sắt nhỏ nhắn như đồ chơi, và mỗi lần chiếc xe tí hon đi qua, cây cầu oằn mình chịu đựng, tiếng xương xóc loảng xoảng vang tận đến đỉnh núi nầy. Vi quên những ý tưởng tạp nhạp lúc nãy, bảo Tuấn:
"Trên cao nhìn xuống có khác. Thứ gì cũng giống như đồ chơi của trẻ con. Anh trông mấy chiếc xe chạy có vui không. Y như xe nhựa họ bán dưới chợ".
Tuấn cũng nói:
"Ừ còn mấy người nầy nữa. Như kiến bò. Con kiến bò chậm chạp chỗ trước nhà thờ nầy là người đi bộ. Hai con kiến bò nhanh hơn chút xíu nầy chắc là người đi xe đạp. Còn chỗ kia, đi xe gắn máy".
"Cái đầm nầy nữa, em tưởng rộng lắm, hoá ra chỉ là một vũng nước cạnh mà thôi".
Tuấn cúi xuống nhặt một hòn đá dưới chân, tìm thế đứng thuận tiện để ném mạnh xuống chân núi. Vi hỏi:
"Anh định làm cái gì vậy?"
"Thấy cái đầm gần quá. Chắc ném viên đá nầy thế nào cũng rơi tõm xuống nước".
Vi nửa tin nửa ngờ, tìm cách hạ bớt sự kiêu căng của Tuấn. Nàng bật cười khi nhìn viên sỏi trong tay Tuấn:
"Viên cuội tí teo nầy mà anh dám bảo là viên đá. Cuội khác đá khác. Đá là những phiến lớn, có thể dùng để xây tường. Còn cuội là những viên đá nhỏ dưới lòng suối, bị nước chảy mài nhẵn các góc cạnh. À mà này, sao trên đỉnh cao lại có cuội anh Tuấn hỉ?"
Tuấn hạ tay xuống, nhìn kỹ lại mới thấy Vi nhận xét đúng. Chàng đang cầm một hòn đá tròn láng đẹp, như những viên đá đủ hình dạng bà ngoại vẫn thường dùng để dằn các thạp dưa cải ở thôn quê thời nhỏ. Tuấn không biết giải thích thế nào, chỉ đáp bừa:
"Có thể nước mưa cũng làm cho đá mòn đi".
Vi cãi:
"Không thể được. Chỉ đá suối mới thế nầy. Chắc chỗ mình đứng đây ngày trước là lòng suối. Rồi qua bao nhiêu niên đại, trời đất rung chuyển, suối sâu nổi lên thành đỉnh núi cao. Thương hải biến vi tang điền mà. Anh thấy không". "Vi nói chữ nho không thua gì bà Đoàn Thị Điểm". "Em nói giỡn. Mới học lõm của thầy Việt văn hồi chiều hôm qua đấy".
Tuấn cảm thấy thích thú vì vẻ nhanh nhẩu, giọng nói tíu tít của Vi, giọng của Vi, Tuấn nghĩ, có cái gì vừa giống với tiếng chim bồ câu gù những buổi trưa vắng, vừa giống tiếng chim sẻ ríu rít ở cây vông đầu phố. Tuấn nói:
"Tưởng tượng mình đang đứng thế nầy, trời đất chợt ngả nghiêng, và chóp núi thành ra lòng sông sâu thì vui lắm hỉ?"
Vi lim dim cặp mắt tưởng tượng cảnh vũ trụ biến đổi ấy, tưởng tượng cơn đại hồng thủy của ngày tận thế. Nàng chậm rãi nói:
"Vui gì. Sóng chắc lớn lắm. Mình không bơi nổi đâu".
Tuấn bỏ Vi chạy lại ôm chân cây thánh giá bằng gỗ, quay về phía Vi nói:
"Thì ôm lấy cây thánh giá nầy cũng đủ sống. Gỗ nổi trên mặt nước. Lại thêm Đức Chúa Trời nhìn xuống..."
"Anh đừng làm thế. Vi không thích".
Nét mặt Vi khiến Tuấn e ngại, tự hiểu nên dừng lại. Đi quá một chút nữa là vỡ. Tuấn nhảy xuống chỗ đất bằng phẳng cạnh Vi, chuộc lỗi bằng cách trở lại ý tưởng khiến nàng thích thú ban đầu:
"Đố Vi biết Tuấn quăng viên cuội nầy tới đầm không?"
Vi làm hoà:
"Chưa chắc".
"Nói cho dứt khoát đi. Một là chắc hai là không. Coi kìa, cái đầm hẹp như một vũng nước tù. Con đường như sợi chỉ. Cây cầu òi ẹp. Chỉ cần vung tay mạnh một cái, viên cuội rơi tõm xuống đầm liền".
Giọng tự tin của Tuấn đưa đẩy Vi chọn lập trường đối nghịch. Vi bĩu môi thách thức:
"Không. Nhất định không. Sức anh bao nhiêu mà đòi ném được đến tận bờ đầm".
Tuấn không nói gì, dùng hết sức bình sinh quăng mạnh viên cuội về hướng đầm. Viên cuội rơi đâu đó, ở lưng chừng núi. Không tạo lấy một tiếng vọng nhỏ. Và còn xa, xa lắm mới tới được bờ nước xanh. Vi cười ròn rã để chế giễu Tuấn. Tuấn cúi xuống định lượm một viên cuội khác nhưng nghĩ dù cố gắng thế nào cũng vô ích nên lại thôi. Vi thôi cười, đưa ra nhận xét:
"Tại sao đá chạm vào vách đá mà không có tiếng vọng lại anh Tuấn hỉ?"
Tuấn trả lời ỡm ờ:
"Có lẽ nó rơi vào một bụi chim chim".
Vi chợt cười rộ, tinh nghịch:
"Hay anh ném mạnh tay quá, nó rơi tuột vào hư không rồi".
Tuấn không trả lời được, chỉ biết cười trừ. Mãi một lúc sau anh chàng mới nói:
"Có lẽ thế. Khi nào chỗ nầy thành suối, tiếng cuội mới dội đến tai Vi".
Vi bĩu môi:
"Lại xạo".
Tuấn nhìn môi dưới của Vi vều ra, đôi mắt đen sáng, da mặt hồng, mái tóc rối dán mỏng lên khuôn mặt rịn ướt mồ hôi, ngây ngất đứng nhìn quên cả phép lịch sự, Vi nói lảng:
"Chỗ nầy bắt đầu bị nắng rồi. Nóng dễ sợ. Qua bên kia chắc có bóng mát". Rồi không chờ Tuấn trả lời, Vi vịn bờ đá chuyền qua bên kia đỉnh núi. Bóng mát phủ lên trên một vùng đất phẳng khác hẹp hơn giữa hai vách đá dựng. Bên kia cách không bao xa bao nhiêu là một đỉnh núi khác, vì vậy gió đồng nội bị dồn vào khe đá này kêu vù vù. Tuấn theo kịp Vi nhảy vào chỗ bóng mát, nói:
"Đây là đỉnh gió hú, Vi thấy đúng không?"
Vi không trả lời vì đang bối rối giữ chặt lấy vạt áo dài. Gió thổi mạnh, dán chặt vải quần mỏng lên người Vi. Thấy Tuấn vẫn đăm đăm nhìn mình, Vi chỉ vào vách đá nói:
"Người ta mang cả sơn lên đây đề chữ lưu niệm nữa, thấy không".
Tuấn nhìn theo hướng Vi chỉ. Trên vách đá, chữ nghĩa đủ cỡ đủ kiểu kẽ ngang kẽ dọc chằng chịt, chữ nọ quấn quít lấy chữ kia. Gần chỗ Tuấn đứng nhất, có ba chữ sơn đỏ đề: HOÀ KHÁNH PHI. Tuấn nói:
"Đây chắc là tên ba cậu con trai lên đây tìm cảm giác mạnh. Lên đây làm người hùng. Làm nhà chinh phục".
Vi ngồi xuống cho gió khỏi thổi mạnh vào áo quần, trả lời:
"Sao anh biết con trai? Chỉ có con trai leo núi được thôi sao? Hoà, Khánh, Phi có thể là tên con gái".
"Hoà với Khánh có thể là con gái được đi. Nhưng Phi? Con gái mà thích bay à?"
"Vậy thì một chàng trai và hai cô gái".
"Thằng con trai nào ngu thế?"
"Vậy sao mới khôn?"
Tuấn nhìn Vi định nói, nhưng không dám. Chàng chuyển sang chuyện khác:
"Thôi. Còn chữ nầy nữa: ÂN ĐỀN OÁN TRẢ. Bên dưới lại có một mũi tên xuyên ngang qua trái tim. Máu nhỏ giọt. Chắc chắn của một thằng thất tình, bị đá đau đâm ra cay cú hận đời".
Vi cười:
"Đâm trúng tim thì chết ngoẻo rồi còn đâu nữa mà oán hận".
"Còn một lô các chữ viết tắt quấn quít lấy nhau thì dễ đoán quá rồi. NTN là Nga, là Nhung, là Nguyện, là Nguyệt. T là Tiêu, là Tân, là Tài, là Tiến, là... là..."
Tuấn tìm không ra tên một người con trai vần T. nào khác, cố kéo dài thì giờ để hoãn binh. Vi buột miệng nói:
"Là Tuấn nữa. Nga Tuấn, Nguyện Tuấn, Nhung Tuấn, Nguyệt Tuấn".
Vi vừa nói vừa cười tinh nghịch. Nụ cười đó khiến Tuấn bạo dạn hơn, Tuấn nói:
"Mình quên không đem sơn theo viết lưu niệm chơi".
Vi mím môi, ngập ngừng một lúc, cuối cùng đánh bạo hỏi:
"Viết thứ gì?"
"Thứ gì không được. Mình ghi ngày hôm nay 29 tháng 5. Mình ghi địa điểm, Đỉnh gió hú".
Vi trề môi chê:
"Không có nghĩa gì cả".
"Không cần ai hiểu. Chỉ cần hai người nhớ tới một ngày, một đỉnh cao là đủ".
Vi im lặng không nói gì. Một lúc, nàng chỉ xuống bãi tha ma bên dưới núi:
"Ở đây có một nghĩa địa mà lâu nay Vi không biết. Chết chôn ở đây sướng hơn ngoài nghĩa địa Phật giáo. Gần đỉnh núi cao, mình thấy phiêu diêu".
Nói xong, Vi mới hiểu mình đang nói gì, rồi cái nhìn của Vi xác định dần. Vi chú ý nhìn. Đằng dưới xa kia, bên cạnh nghĩa địa, một người đàn bà và một đứa con nít đang lượm những viên đá rải rác trong thung lũng dồn lại thành đống để bán cho các nhà thầu xây cất. Hai mẹ con (Vi đoán vậy) đứng xa quăng từng viên đá lại đống đá đã cao. Tiếng đá chạm vào nhau nghe nhỏ mà thanh, nhưng tiếng động đi chậm nên họ thu tay về Vi mới nghe âm vọng lên đỉnh núi. Vi thích thú nhớ lại lời ba hoa của Tuấn khi nãy, cười bảo chàng:
"Anh thấy không, tiếng đá chạm vào nhau vẫn dội lên tới đây, tuy có hơi chậm một chút. Chỉ có viên cuội nhỏ của anh là bặt tăm. Chắc chắn nó vào hư vô rồi".
Tuấn cười giả lả:
"Thôi đừng nói mỉa nhau nữa. Đá chạm vào đá, tất nhiên phải kêu lớn. Vi coi đây này".
Tuấn nhặt một cục đá nhọn lên, đập mạnh vào vách đá dựng. Tiếng chạm khô, chói, sắc sảo y như tiếng vọng từ khu nghĩa địa. Nhưng Tuấn hơi lấy làm lạ. Vách đá thật cứng. Cả viên đá nhọn cũng vậy. Tuy Tuấn cố ý đập mạnh để giải toả sự bực bội vẫn không có chút bụi đá nào toả ra. Tuấn nói:
"Chà. Không biết loại đá gì mà cứng dữ. À, phải rồi. Vi này".
"Cái gì, anh?"
"Mình không đem theo sơn, thì lấy đá nhọn khắc chữ lên chỗ gió hú nầy để lưu niệm".
Vi ngần ngừ sợ Tuấn giăng một cái bẫy nguy hiểm khác. Tuy vậy Vi vẫn hỏi nhỏ:
"Anh khắc chữ gì?"
"Đá cứng quá. Mình khắc cái gì đơn giản. Hai chữ V.T. chẳng hạn".
Vi cố ý xuyên tạc để che giấu e thẹn:
"Vũ Tuấn. Còn thiếu chữ Đức nữa. Vũ Đức Tuấn. Anh phải khắc đủ ba chữ Vũ Đức Tuấn".
Tuấn cười nhẹ, nhìn Vi đang đứng dựa vào bờ đá:
"Hay khắc chữ T.V. vậy".
"Ai mượn anh khắc tên trường của Vi làm gì. Em học Trinh Vương, ai không biết".
Tuấn hơi bực bội, giọng nói chen chút ít phẫn nộ:
"Ai muốn hiểu sao thì hiểu. Ai muốn giả bộ mù thì cho mù luôn. Đây cứ khắc".
Tuấn dùng cả sức mạnh hai cánh tay để ấn cạnh viên đá nhọn vào vách núi. Vi đứng nhìn Tuấn, cười khiêu khích. Tuấn liếc nhìn Vi, thấy gió hất cả mái tóc Vi ra phía sau lưng, phơi trọn khuôn mặt trái soan ửng hồng. Tuấn hăm hở vạch lại nét ngang của chữ T, nhưng viên đá chợt lên vách núi khiến chàng ngã quỵ sang bên phải.
Vi cười, giọng thách thức:
"Sức mấy".
Tuấn chống tay đứng dậy, ngước lên nhìn Vi. Bấy giờ gió thổi mạnh hơn, thổi bay hai vạt áo trắng của Vi lên trời, phất phới như hai chiếc cánh thiên thần, trong khi vải quần mỏng mịn dán chặt lên mông, lên đùi nàng. Tuấn cảm thấy choáng váng, tim đập mạnh, máu nóng bừng bừng. Chàng muốn quì lạy trước mặt Vi nhưng đồng thời cũng muốn sống trọn cái mãnh liệt của gió hú. Vi thấy đôi mắt Tuấn nhìn mình khác thường, sợ hãi kéo vạt áo lại giữ chặt không cho gió cợt. Tuấn ấp úng một lúc, rồi nói trong mê cuồng:
"Không khắc được lên đá, thì khắc lên da thịt của Tuấn vậy. Tuấn viết tên trường TV lên cánh tay nầy, được không?"
Vi chưa kịp hiểu, thì Tuấn đã dùng đá nhọn vạch lên cánh tay trái. Nét ngang chữ T làm Tuấn đau nhói. Nét dọc chữ T làm Tuấn xót xa. Nhưng đau đớn dần quen, chàng vạch chữ V lên da thịt với tất cả ngây ngất. Tuấn đưa cánh tay có hai chữ TV rướm máu đỏ về phía Vi. Vi sợ đến nổi gai ốc, nhìn xuống chân núi muốn trốn nhưng hai bàn chân cứ dính chặt lên mặt đất, chết đứng trong đê mê. Nàng khuỵu xuống lúc nào không hay, trước mắt trời đất đảo điên. Tuấn vội vã ném đá đến ôm lấy Vi. Chàng cảm thấy Vi mềm nhũn trong tay mình, đầu ngã ra phía sau để tóc bay quấn quanh cổ, mắt đờ đẫn. Tuấn không ngần ngại nữa, dúi mặt vào cổ vào tóc Vi, nếm vị mặn của mồ hôi và nước mắt trên chiếc cằm mềm của Vi, tham lam chiếm lấy đôi môi hờ của Vi. Vi khóc lặng lẽ, và cả Tuấn cũng khóc tự lúc nào không hay. Chàng giữ Vi như vậy khá lâu, thật lâu, chìm đắm trong tiếng gió hú và trong đám mây cuồn cuộn của hoang mang. Nếu mặt trời không lên quá đỉnh núi và chiếu thẳng vào hai người, chắc Tuấn và Vi cứ ngồi hoài như hai pho tượng bần thần. Vi ý thức được thực tại trước, e dè gỡ vòng tay Tuần rồi đứng dậy. Tuấn vẫn ngồi trên mặt đất như cũ, đôi tay mở rộng ôm lấy khoảng không, ngước nhìn Vi trước mặt, Tuấn thì thào:
"Em nói phải lắm. Trinh Vương. Chính em là Trinh Vương. Hai chữ nầy ghi đậm trong da thịt Tuấn hình ảnh Trinh Vương, một thủa..."
Vi sợ hãi quay mặt đi không dám nhìn cánh tay và gương mặt Tuấn. Chờ một lúc lâu không thấy Tuấn nói tiếp điều gì, Vi không quay lại, nói với Tuấn:
"Thôi mình về trưa rồi. Chắc ba anh đợi xe".
Từ đó hai người thất thểu bước xuống dốc núi, tâm hồn cùng rã rời ê chề. Cả Vi lẫn Tuấn đều không hiểu rõ kinh nghiệm xa lạ mình vừa trải qua, không thể biết đó là niềm hoan lạc giả tạo hay là nỗi khổ đau thật sự. Cả hai đều hoang mang, tiếc nuối đến xót xa, sợ hãi một thứ mây lạc trên nền trời thơ ấu quen thuộc. Đi ngang qua cây thập tự, Vi không dám ngước nhìn, chỉ chú ý bước chân mình. Còn Tuấn thì muốn thoát khỏi trạng thái mập mờ, muốn dứt khoát xa đỉnh gió hú để trở lại lũng thấp ồn ào. Chàng nói bâng quơ:
"Chiếc Honda còn kia".
Vi nhìn xuống phía chiếc cầu sắt, công nhận lời Tuấn nói đúng. Cái xe gắn máy Nhật màu đỏ vẫn còn dựng gần bên trạm canh. Nhưng ở trước trạm, xe cộ nối đuôi nhau chờ. Càng xuống thấp, Vi càng phân biệt rõ thêm hình dáng những người lính quân cảnh đang đi qua đi lại bên này cầu.
Vi thắc mắc hỏi:
"Sao lính họ tụ tập đông quá vậy anh? Toàn là quân cảnh".
Tuấn giật mình, nhìn chăm chú về phía chiếc xe. Chàng hiểu rõ tại sao quân cảnh canh gác nghiêm ngặt con đường độc đạo ra khỏi thành phố. Hôm qua là ngày chót tất cả thanh niên lứa tuổi Tuấn phải trình diện ở trại nhập ngũ. Tuấn đã sống qua một đêm bất hợp pháp, và dối cha để sống thêm một buổi sáng bên lề pháp luật, bên trên nhân gian. Bây giờ Tuấn mới biết mình đã dại dột khi khoá xe gởi ngay sau trạm canh cầu. Làm thế nào bây giờ?
Chàng muốn lẩn lút đi vào lối cấm để tìm lại lần nữa cảm giác xa lạ trên đỉnh gió hú, cái cảm giác làm Tuấn vừa run rẩy sợ hãi vừa ngây ngất đam mê.
Tuấn nhìn Vi đang lặng lẽ bước trên con đường quanh co giữa những bụi chim chim xơ xác. Tuấn gọi:
"Vi nầy?"
"Cái gì anh?"
"Có giận Tuấn không?"
Vi ngập ngừng:
"Em không biết. Anh hung dữ quá làm Vi sợ. Cánh tay có đau lắm không?"
"Thấm gì. Tại anh bực bội. Bực bội mình chớ không phải tại Vi đâu. nhưng thôi. Bây giờ cho Tuấn nhờ một chút được không?"
Vi dừng lại, giọng nói quả quyết vì không sợ bất cứ bẫy ngầm nào của Tuấn nữa:
"Được chứ. Anh nhờ Vi chuyện gì?"
"Tuấn trình diện trễ. Bây giờ ra lấy xe, bị quân cảnh tóm là cái chắc. Tuấn đi dọc mé núi, lặn theo ngả nầy. Vi ra đem giùm cái Honda về trường đợi Tuấn, được không?"
Vi đáp liều:
"Được mà. Đưa chìa khoá cho Vi".
Nàng quên hỏi rõ chìa khoá nào mở dây xích trước, chìa nào mở dây xích sau. Vi cũng chưa phân biệt được chìa khóc máy và chìa khoá cổ. Vì vậy lúc đến trạm canh Vi hì hục mãi vẫn chưa mở hết được các ổ khoá. Mấy người lính quân cảnh tinh nghịch bu quanh Vi, chẳng những không giúp đỡ mà còn chống nạnh đứng cười. Vi bối rối thêm. Nàng thở phào nhẹ nhõm lúc mở hết được các ổ khoá. Vi vội vã dắt xe tránh khỏi đồn canh. Đến phía bên kia đường, Vi lên yên đạp mạnh cần đề nhiều lần, nhưng vì không quen tay ga, xe không nổ. Trong khi đó, mặt trời lên cao, ánh nắng càng gay gắt. Mồ hôi ướt cả lưng áo dài của Vi.
Nàng dắt chiếc xe của ba Tuấn đi dọc theo quốc lộ, lòng chùng lại. Mồ hôi nhỏ từng giọt trên má. Khi một dòng nước ấm chảy xuống môi, và Vi nếm thấy vị mặn, nàng mới biết mình đã khóc. Nhưng Vi chưa rõ vì sao, nên lòng cứ bập bềnh hoang mang, mãi mãi, hoài hoài.