watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Nắng trên sân trường - tác giả Nguyễn Ngọc Tuyết Nguyễn Ngọc Tuyết

Nắng trên sân trường

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tuyết

Phương về tới bến đò thì trời đã sụp tối. Mới hơn năm giờ nhưng ở quê trời tối rất nhanh. Bước lên bờ đã thấy mẹ ra đứng trước cửa ngóng xuống bến.
- Sao mẹ ra ngoài này? Buổi chiều gió lớn lắm!
Vẫn nụ cười thật hiền trên môi bà mẹ:
- Thấy trời tối mà sao con chưa về, không biết có việc gì...
- Con xuống trường họp mà. Mấy hôm nữa con đi thì sao?
- Ừ, con đi hẳn thì khác, ít ra mẹ biết con đang ở đâu.
Phương dìu mẹ vào nhà, lòng nao nao. Ừ, mình còn chưa quen chuyện xa nhà, huống hồ là mẹ... Nhưng rồi sẽ quen thôi mà!
Không muốn mà Phương vẫn nhớ những ngày đi học ở ngôi trường bên kia sông. Nhà chỉ cách trường một con sông, con đò chỉ quẫy vài mái chèo là tới nơi. Rồi đậu vào đại học, trường có xa hơn nhưng đạp xe hơn nửa giờ cũng tới. Mẹ con hủ hỉ có nhau trong gian nhà nhỏ, thật êm đềm, ấm cúng. Chị Hai lấy chồng xa, lâu lâu tạt về vẫn ganh tị:
- Út thiệt sướng! Tối ngày được ở với mẹ.
Vậy mà ra trường rồi út cưng lại phải xa mẹ. Dù mỗi tuần cố về nhà một lần với mẹ nhưng sao cho bằng mỗi trưa, mỗi tối được ngồi bên mâm cơm cùng mẹ, ăn những món mẹ nấu, húp một ngụm nước canh ngọt tận ruột gan bởi đó là canh rau của vườn nhà, là trái bầu trái mướp tươi xanh từ bàn tay chăm sóc chắt chiu của bà mẹ nghèo.
- Hay là con cứ ở lại công ty đó nghe mẹ?
- Không được đâu con, làm việc mà không gắn bó với nghề, không thật sự tôn trọng nó thì làm sao tiến được hả con ?
- Nhưng... trường xa quá! Mẹ lại một thân, một mình...
- Xa gần là do lòng mình con à. Bộ con tính đi luôn sao ? Mấy mươi cây số thôi mà!
Cuộc nói chuyện của hai mẹ con trước khi Phương dứt khoát đi vào ngả rẽ quan trọng của đời mình đã cách đây một năm mà dường như mới hôm qua đây thôi.
***
Ngày đó, Phương học rất giỏi ở trường trung học, bạn bè, thầy cô đều nghĩ con bé sẽ thi vào một ngành gì đó “sáng giá” ở đại học. Nhưng cuối cùng Phương đã chọn vào sư phạm, lại là sư phạm Văn, một nghề chẳng hứa hẹn gì ở tương lai theo quan niệm của đa số bạn bè và thầy cô. Nhưng, cô giáo chủ nhiệm suốt ba năm cấp ba, người Phương yêu kính nhất trong ngôi trường này có lần đã dạy:
- Quan trọng nhất là làm bất cứ việc gì cũng phải toàn tâm, toàn ý các em à. Phải nhớ trong cuộc đời, không có nghề nào bạc bẽo đâu, chỉ có người bạc hay không thôi!
Ngày Phương đậu vào đại học với số điểm rất cao, bạn bè vẫn xì xào:
- Con nhỏ thật dại! Học như nó thi gì mà không đậu.
Cũng chính cô giáo đã cười thật tươi khi nắm chặt tay Phương:
- Chúc mừng em, cuối cùng em đã dám chọn và dám đi trên con đường của chính mình. Những người như các em rồi sẽ tỏa nắng trên sân trường, sẽ thắp lên hy vọng cho các thầy cô đấy.
Lúc đó, cô học trò cũng không hiểu hết lời cô giáo, không hiểu sao cô lại vui mừng đến thế. Cũng như nhiều lần đến nhà cô, Phương không hiểu sao trên bàn cô chỉ một bông hồng vàng cắm mãi trong chiếc bình nhỏ, không bao giờ là một loài hoa khác. Đám học trò thắc mắc, cô giáo chỉ cười, hóm hỉnh:
-Thì tại cô thích, có vậy thôi!
Nhưng ý nghĩa của “Nắng trên sân trường” thì Phương hiểu, các bạn trong lớp cũng hiểu. Bởi đó là tựa đề bài viết của cô mà! Cái bọn đứng thứ ba sau quỷ, ma này vẫn hay mè nheo với cô:
- Cô ơi, cho tụi em một chút “Nắng trên sân trường” đi!
Và, như một qui ước “Nắng trên sân trường” chính là tình cảm ấm áp, thương yêu giữa cô trò dưới mái trường thân thiết. Phải chăng vì chút nắng tươi đẹp ấy, vì ảnh hưởng của cô trong cả một thời thiếu nữ ấy mà Phương quyết đi đúng sở nguyện của mình: Cô giáo dạy văn!
Và, cũng như một qui ước, mỗi lần sinh nhật cô, đám học trò cưng vẫn mang đến tặng cô những bông hồng vàng để nhà cô ngày hôm ấy rực rỡ hoa vàng, bất chấp ý nghĩa của chúng. Cả bọn đều tâm niệm: “Tại cô thích mà!”. ..
Chính vì tâm niệm ấy, Phương đã gắng sức học thật đàng hoàng, thật tốt suốt ba năm đại học. Mình phải ra dạy lớp, phải đứng trên bục giảng, chịu trách nhiệm trước bao nhiêu học sinh. Lơ mơ là không được đâu! Ở đâu còn gian dối được, chứ nghề dạy học làm sao sai được, làm sao dốt được phải không?
Cứ thế, cô học trò nhà bên kia sông, mỗi ngày phải bước xuống phà đạp xe đến trường ấy năm nào cũng học giỏi, cũng được bạn bè trầm trồ khen ngợi. Ra trường với tấm bằng loại giỏi, cô tưởng con đường trước mặt mình sẽ thênh thang rộng mở, nào ngờ... Bây giờ nhớ lại Phương vẫn tự chế giễu mình ngây thơ, lẫn trong nụ cười vẫn còn chút man mác, bùi ngùi.
Tiếng là ngành sư phạm, có học bổng, có cam kết ra trường sẽ phục vụ ngành giáo dục ít nhất mười năm nhưng hầu hết các bạn cùng khóa đều xoay xở, chạy vạy vào những nơi không dính líu gì đến chuyện dạy học.
-Miễn sao có bằng đại học thôi, làm gì cho kha khá một chút chứ. Đi xin việc thì “nhất thân nhì thế” mà.
Đám bạn vẫn “lên lớp” cô bé nhà quê như vậy. Bù lại, những sinh viên muốn xin xuống trường dạy như Phương cũng đâu phải dễ. Nghe nói hồ sơ xin việc cũng chất chồng cao nghệu, nhiều đứa cứ đợi được phân công, đợi mãi đến thua buồn rồi cũng phải tự thân vận động để sống còn thôi. Có đứa cũng được gọi lên, đề nghị đi dạy ở một trường xa tít tắp, nghe nói tới đã giật mình, thấy quyết định không dám cầm. Thế là “Kháng lệnh điều động công tác”, mai mốt đừng hòng được phân công lại. Mà có chịu đi xa thì bao giờ mới được về gần trong tình hình khủng hoảng giáo viên vừa thừa vừa thiếu một cách kỳ cục này?
Cả một năm trời, Phương không hề nghe một chút tăm hơi nào về đơn xin dạy học của mình. Chỉ những câu trả lời chung chung “chưa có nhu cầu, cứ chờ đã”, còn chờ tới bao giờ thì không ai trả lời. Đến nỗi Phương đã xin thử việc ở một công ty trách nhiệm hữu hạn, chỉ mong được gần nhà. Nhớ lại, cô gái vẫn còn phập phồng, hoang mang...
Vị trưởng phòng nhân sự hỏi cộc lốc:
- Biết vi tính không?
- Dạ biết.
- Trình độ ngoại ngữ?
- Em có bằng B Anh văn.
Lúc này, ông ta mới ngước lên nhìn, cái nhìn như xuyên qua người Phương, rồi ngừng lại hồi lâu trên gương mặt.
- Được. Ngó bộ cũng xinh đấy, cứ thử việc ba tháng đã.
Thế là sắm sửa lệ bộ hăm hở đi làm. Còn nhớ mẹ Phương sáng sáng vui vẻ chuẩn bị quà sáng, ủi sẵn quần áo, chăm chút cho cô út cưng chu đáo thế nào mới biết mẹ mừng lắm vì con gái làm việc gần nhà. Phương cũng vậy. Nỗi buồn không được đi đúng nghề dường như có nguôi ngoai trước niềm vui của mẹ. Nhưng bước “vào đời” sao mà trắc trở!
Công ty Phương xin vào là một công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh vật liệu xây dựng, công việc buôn bán khá phát đạt, văn phòng có mấy nhân viên toàn là nữ, lại rất xinh đẹp, đúng “mốt”. Công việc thì nhẹ nhàng, chỉ trực điện thoại và nói chuyện với khách trước khi dẫn vào phòng trong. Mấy chị cũng “cưng” cô em nhỏ nhít lắm, nhưng vì con bé chỉ ở vòng ngoài nên lúc thì:
- Phương ơi, pha giùm chị tách cà phê sữa đi. Cà phê và bình thủy nước sôi trên bàn nước đó!
Lúc thì:
- Phương ơi, qua bên đường kêu cho chị tô bún riêu đi, sáng chị đi vội quá, chưa ăn gì. Em có ăn gọi luôn đi nhé, chị bao!
Và đương nhiên, khi có khách đến làm việc cùng ông chủ thì bưng bê trà nước là việc của con bé mới vào làm rồi! Vậy mà, qua phỏng vấn, Phương cứ lo là mình không đủ sức để làm tốt công việc!
Cuối cùng, sau ba tháng thử việc, không cần đợi ý kiến của phòng nhân sự, Phương đã xin rút lui. Đến giờ cô cũng không biết nếu tiếp tục ở lại mình sẽ thế nào. Mấy chị văn phòng thì ra vẻ quyến luyến cô bé dễ sai, dễ mến:
- Khờ quá, sao em lại thôi ? Trước sau gì em cũng được vào chính thức mà. Thời buổi này việc làm có phải dễ tìm đâu!
***
Ngôi trường cách thành phố hơn bốn mươi cây số, phải đi qua hai chặng xe buýt và rẽ vào một con đường trải đá dăm, đi bộ một khoảng mới tới, được cái chung quanh rất yên tĩnh. Thầy hiệu trưởng tuổi trung niên đưa cô giáo mới vào mấy căn phòng trong khu tập thể giáo viên và giới thiệu:
- Trường mới mở hai năm nay thôi. Trước chỉ có trường cấp 2. Thầy cô đa số cũng từ thành phố xuống cả nên phải ở lại tại trường. Cô giáo đừng lo không có bạn...
Phương ngắm nghía ngôi trường, nơi đầu tiên mình sẽ bước lên bục giảng,
lòng bồi hồi. Hình như cô đã trải qua một quãng đường xa, bụi bặm, gió cát để đến được nơi này. So với ngôi trường Phương từng học tập thì ngôi trường hiện ra trước mắt thật nhỏ nhoi, khiêm tốn làm sao. Một dãy phòng lớp lợp mái tôn, những chiếc bàn chiếc ghế đóng bằng cây tạp. Mấy tấm bảng có vẻ còn tạm bợ chưa đúng qui cách. Bên kia là văn phòng nối liền một phòng rộng dùng làm phòng giáo viên và thư viện. Bốn năm máy vi tính nằm trong một phòng bộ môn chật hẹp... May mà đã từng đi làm và từng thất vọng nên Phương không thấy hụt hẫng.
- Trường mới nên cần giáo viên. Em muốn đi dạy thì phải chịu đi xa thôi. Mới ra trường ai cũng vậy mà...
Dĩ nhiên Phương biết không phải “mới ra trường ai cũng vậy” đâu! Một vài bạn cùng khóa vẫn được ở thành phố đó thôi. Nhưng đã quyết đến với trường lớp rồi thì có hay không những lời vỗ về ấy cũng chẳng nghĩa lý gì!
Và, sau một năm đi dạy, Phương biết rằng mình đúng. Nói như lời cô giáo cũ thì chính những đứa học trò dễ thương đã “tỏa nắng” trong lòng cô giáo trẻ. Lần đầu tiên bước vào lớp, khi bốn chục đứa đứng lên chào rền vang: “Chúng em kính chào cô”, Phương nghe như có tiếng reo vui trong lòng. Rồi nhìn xuống, thương quá những khuôn mặt ngây thơ, những bộ quần áo đủ màu, đủ loại. “Học sinh là con em lao động nghèo cả, trường không bắt mặc đồng phục được”, thầy hiệu trưởng đã báo trước vậy mà sao Phương vẫn thấy rưng rưng. Và ngay từ đó, một sợi dây êm ái đã cột chặt cô trò rồi...
***
Hết kỳ nghỉ hè cô giáo Phương lại từ biệt mái nhà yêu dấu bên bờ sông, bước xuống đò sang thành phố trở lại trường. Hình ảnh người mẹ đứng trên bến một mình ngó theo vẫn khiến Phương chạnh lòng, nao nao. Sao mẹ không vào nhà đi mẹ, mai mốt con về mà. Nhưng Phương biết, mẹ đang mừng cho con gái đã dám thực hiện mơ ước của mình. Mấy đứa bạn cũ gặp lại vẫn cười nhạo:
- Mày gan thật! Thời buổi này mà đâm đầu vào nghề giáo!
Chắc bọn chúng muốn “dọa” Phương về sự xuống dốc của giáo dục, về những tiêu cực đăng trên các báo đài, về sự tha hóa của ai đó trong những người đứng lớp... Phương biết, bục giảng đang ngửa nghiêng, uy tín của người thầy đang bị sa sút từng ngày, từng ngày. Nhưng chẳng phải hôm rồi về thăm, cô giáo mình đã nói:
- Vàng thật thì không sợ lửa em à. Cứ làm hết lòng mình, hết sức mình đi đã. Cuộc hành trình đi vào cuộc sống là vô cùng vô tận mà...
Chiếc xe buýt chạy băng băng đưa cô giáo trẻ trở lại ngôi trường vùng huyện xa, trở lại với những khuôn mặt học trò thân yêu để kịp lễ khai giảng niên học mới ngày mai. Ngồi trên xe, đột nhiên Phương nhớ đến lời phát biểu chắc nịch của cô nàng Scarlett O’ Hara - nhân vật yêu thích của mình trong “Cuốn theo chiều gió”: “Ngày mai sẽ là một ngày mới”!
Cô giáo trẻ trên đường trở về bục giảng hôm nay rất muốn tin như thế!

Các tác phẩm khác của Nguyễn Ngọc Tuyết

Trên bến sông

Thầy trò

Nguyệt quế

Người xưa

Nghệ sĩ múa

Lá trung quân

Bông hồng muộn