watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Thầy trò - tác giả Nguyễn Ngọc Tuyết Nguyễn Ngọc Tuyết

Thầy trò

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tuyết

Buổi lễ mừng Ngày Nhà giáo 20-11 vừa bắt đầu chưa đầy nửa tiếng, học trò đã chộn rộn, ồn ào bên dưới. Thầy giáo điều khiển chương trình đã mấy lần nhắc nhở mà cũng như không. Bọn học trò đúng là càng ngày càng vô kỷ luật, càng thiếu ý thức tự giác. Cứ mỗi lần tổ chức lễ lạt ở sân cờ là phải la rầy chúng bở cả hơi tai. Chợt, trong đám thầy cô ngồi trên lễ đài có ai đó buột miệng:
- Thầy Nguyện đâu rồi? Nhờ thầy Nguyện dẹp yên bọn học trò đi! Thầy Nguyện đâu?
Lại có ai đó nói nhỏ:
- Suỵt! Đừng la lớn. Thầy Nguyện có còn dạy thể dục nữa đâu mà lo việc ổn định trật tự, nề nếp này.
Đúng rồi! Hình như mọi người đều quên hay có lẽ chưa quen với việc thay đổi công tác của ông thầy dạy thể dục. Mới năm trước thầy Nguyện đã lên thư viện làm phụ tá cho cô Lý, quản thủ thư viện rồi còn gì. Vậy mà, cứ mỗi lúc học trò “dậy giặc” lên như hôm nay, cái tên thầy Nguyện vẫn thường được nhắc tới. Cũng dễ hiểu thôi, thầy Nguyện vốn rất có uy với học trò, không chỉ trong môn thể dục thầy dạy suốt mấy mươi năm nay mà còn do cách thức giáo dục kỷ cương, nề nếp của thầy ở mọi lúc, mọi nơi. Bởi thế từ khi thầy lên thư viện, mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, mỗi kỳ lễ lớn, cả trường vẫn cảm thấy sự thiếu vắng con người “hét ra lửa” khiến bọn học trò phải răm rắp nghe theo ấy. Như buổi sinh hoạt sáng nay vậy, “giá như thầy Nguyện ra tập hợp học sinh rồi đi tới đi lui quanh sân trường nãy giờ thì đỡ biết mấy”, không ít bạn đồng nghiệp của thầy lúc này đang nghĩ thế!
Mà ông thầy dạy thể dục cũng có muốn lên thư viện làm bạn với sách vở đâu. Thầy đã từng than thở khi chuyển công tác:
- Thiệt tình, tôi mà lên thư viện thì sách nó không “quen” tôi mà tôi cũng không “nhìn” ra nó. Hồi nào giờ tôi có thích đọc sách đâu, chỉ toàn coi báo thể thao không thôi.
Giờ thì thầy Nguyện đang ngồi ở thư viện của trường. Thầy đang sắp xếp lại các loại sách tham khảo, sách giáo khoa theo phân loại của cô Lý. Lẽ ra thầy cũng xuống sân dự lễ, Ngày Nhà giáo mà, nhưng trong lòng thầy sao cứ man mác buồn. Mình có còn học trò nữa đâu mà ngồi trên lễ đài! Một lát nữa khi từng đám học sinh lên tặng hoa cho các thầy cô chắc gì mình không chạnh lòng. Thôi thì vào đây làm việc còn tốt hơn.
Có tiếng chân bước lẹp xẹp trên cầu thang. Ai mà lên đây giờ này vậy kìa. Quay lại, một cô học trò áo dài trắng đứng trước mặt.
- À, Nga đó hả con.
Cô nữ sinh nhỏ nhắn, rụt rè chìa ra một cành hoa hồng tươi:
- Con kính tặng thầy nhân Ngày Nhà giáo.
Trời, con bé mới chu đáo, mới dễ thương làm sao! Sao nó lại nghĩ đến việc mang hoa lên tận đây, mình có phải là thầy dạy nó đâu! Mà nó lại tật nguyền thế kia.
Nhìn theo dáng đi xiêu vẹo của cô học trò, thầy Nguyện vẫn chưa hết xúc động. Thầy nghĩ đến cơ duyên thầy trò của thầy và cô gái nhỏ mới vào lớp 10 năm học này. Còn nhớ, thầy bị chuyển lên đây với lý do: “Trường đã là trường chuẩn quốc gia, mọi thứ đều phải chuẩn”. Mà ông thầy dạy thể dục tuy có nhiều kinh nghiệm, từng dẫn dắt học sinh đạt rất nhiều giải trong các cuộc thi “Hội khỏe Phù Đổng” cấp thành phố nhưng vẫn chưa đủ chuẩn để dạy cấp trung học phổ thông. Nếu muốn theo chuyên môn thầy phải xin xuống cấp trung học cơ sở. Mà như thầy hiệu trưởng góp ý thì... lớn tuổi như thầy Nguyện chắc khó có trường nào chịu nhận.
Vậy là với bao bỡ ngỡ, thầy Nguyện đành phải làm quen với cái thư viện đầy sách báo này. Công việc nhẹ nhàng, lại được một mình một cõi trong phòng đọc sách kế bên thư viện, ông thầy vốn quen với những động tác nhảy cao, nhảy dài, cử tạ... dần dần cũng nguôi ngoai nỗi buồn nhớ học trò và sự ngứa ngáy chân tay. Trong đám học trò hay lên thư viện, con bé Nga hồi nãy là đứa siêng nhất. Cứ sáng học ở lớp là chiều cô bé lên thư viện mượn báo, mượn sách đọc mê mải. Qui định trường chỉ cho cán bộ lớp, cán bộ Đoàn mượn sách về nhà, Nga phải đọc sách tại chỗ rồi gởi trả. Thấy cô học trò mê sách, chuyên cần, lại bị khuyết tật, đi lại khó khăn, thỉnh thoảng thầy Nguyện cũng phá lệ cho con bé mượn sách về nhà, cứ đúng hẹn là nó mang trả, chưa lần nào để thầy phải nhắc.
Chỉ vậy mà có cành hoa hồng này đây. Thầy Nguyện nhìn xuống cánh hoa trong tay mình, thấy vui trong lòng. Hình như đóa hồng hôm nay là bông hoa có ý nghĩa nhất trong cuộc đời đi dạy của thầy. Nhớ mấy năm trước, ngày 20-11 này, ông thầy dạy thể dục ngực gắn đầy hoa, các bạn đồng nghiệp đã vẫn thường đùa thầy Nguyện là “rừng hoa biết đi”. Các tiết thể dục đều ghép ít nhất hai lớp, mỗi thầy bình quân phải dạy trên mười lớp, bởi thế mà học trò gắn hoa đầy áo là chuyện bình thường trong ngày lễ này. Ấy vậy mà bao nhiêu bông hoa những năm trước không làm rưng rưng cảm động như đóa hồng tươi của cô học trò nhỏ sáng nay. Thầy Nguyện lắc đầu, tự khiển trách mình: “Tệ thật! Sao mình phải mặc cảm, sao mình lại trốn trong gian phòng này, mình có làm gì xấu hổ với nghề này đâu”. Lời tự trách lại đưa thầy về những năm tháng đã qua...
***
Trước năm 1975, thầy Nguyện chỉ là thầy giáo tiểu học ở một trường trong thành phố. Thầy phấn đấu học thêm lấy bằng cử nhân, được chuyển lên dạy môn toán cấp 2, tức trung học cơ sở bây giờ. Trời xui đất khiến thế nào thầy lại rất giỏi các môn thể thao như bóng chuyền, bóng bàn và các môn điền kinh khác do sở thích từ nhỏ. Các trường lúc đó thiếu vô cùng các thầy cô dạy bộ môn này nên thầy giáo trẻ Nguyện được cử đi học một khóa cấp tốc rồi trường cấp 3 này xin thầy về phụ trách môn thể dục cho đến giờ. Tuy chẳng có cấp bằng, chẳng có cầu chứng về chuyên môn nhưng toàn trường đều biết những tiết thể dục của thầy Nguyện là những tiết dạy tốt nhất, hiệu quả nhất của bộ môn này. Đám học trò lúc mới vào thấy mặt thầy là “ớn” lắm, chúng bảo nhau:
- Thầy Nguyện trừng mắt một cái là hồn vía học trò bay hết!
Có điều chỉ qua vài tuần học là thầy trò “bắt nhịp” được với nhau ngay. Hai lớp nhập lại có khi lên đến hàng trăm học trò mà đâu vào đó, răm rắp tập luyện, nhất là rất vui vẻ, sinh động. Phần lớn là bởi dẫu nghiêm khắc nhưng thầy Nguyện rất biết nói đùa. Một nam sinh tập luyện uể oải ư? Thầy hét:
- Trò kia, biểu diễn thời trang cho ai coi vậy?
Một nữ sinh chạy xong hai vòng sân, mệt thở hào hễn chỉ chực chờ đến mức là ngồi phệt xuống nghỉ, thầy hét:
- Em kia, không được ngừng, xỉu bây giờ! Chạy chậm chậm thêm một khúc nữa...
Thế đấy, hình ảnh ông thầy thể dục và “ngọn roi thân ái” trong tay đã trở nên quen thuộc với học sinh và các thầy cô giáo trong trường. Nói hơi quá một chút, thầy Nguyện như người giữ gìn nề nếp trong môi trường sư phạm này. Có điều những giờ khắc này, thầy vẫn không khỏi chạnh lòng dù vẫn tự nhủ “mình sắp về hưu rồi, một hai năm còn lại, có chút đóng góp vẫn còn hơn không”...
Ý nghĩ ấy giờ đây lại thấp thoáng trong đầu, thầy Nguyện bước xuống cầu thang nhưng không đi về hướng sân trường mà bước vào phòng truyền thống. Hôm nay, phòng này cũng được chuẩn bị chu đáo để quan khách tham quan. Thầy Nguyện đến cuối phòng, nhìn lên bàn thờ các thầy cô quá vãng. Sáng sớm nay, một lớp học trò đại diện cho toàn trường đã đến thắp hương trước khi tiến hành lễ. Ba chữ “Sư đạo tôn” được mạ vàng trong khung kính trên bàn thờ rõ vành vạnh. Dưới hàng chữ ấy là một tấm bảng lớn với những décal ghi tên từng thầy cô của trường đã về cõi vĩnh hằng. Bao nhiêu năm qua, thầy trò trường này vẫn tự hào về nghi thức “nhập môn” đầy ý nghĩa của học sinh mới mỗi ngày khai giảng. Các em sẽ được thầy cô chủ nhiệm dẫn lên đây bái tế các bậc tôn sư quá cố rồi mới về làm lễ khai trường. Hình ảnh hàng hàng lớp lớp học trò nối chân nhau vào phòng truyền thống bao giờ cũng gợi những cảm xúc đẹp trong lòng mọi người ngày đầu năm học. Có phải vì vậy mà thầy Nguyện không muốn rời xa trường dù phải chuyển sang công tác khác?
***
Mấy ngày nay không thấy bé Nga lên thư viện đọc sách, thầy Nguyện thắc mắc tìm xuống lớp, hóa ra cô bé bệnh, nghỉ học. Qua cô Liên, chủ nhiệm lớp, thầy Nguyện biết hoàn cảnh bé Nga rất bất hạnh. Cha làm công nhân xí nghiệp cơ khí, mới mất mấy năm trước vì bệnh phổi, mẹ một nách ba con buôn bán lây lất, lúc xôi, lúc chè, lúc tàu hủ... Chị gái Nga mới 18 tuổi phải đi phụ bán quán phở tiếp mẹ nuôi em, đứa em trai út mới học lớp ba. Lẽ ra Nga cũng phải nghỉ học nhưng vốn tật nguyền vì bị sốt tê liệt từ nhỏ, có ở nhà cũng chẳng được việc gì, nên mẹ nó gắng gượng cho con tiếp tục học, tới đâu hay tới đó. Được cái cô bé học rất chăm, ngoan và giỏi, thầy cô bạn bè ai cũng thương.
Đứng trước căn nhà sâu hút trong hẻm phải hỏi thăm gần chục bận mới tìm ra, thầy Nguyện cũng không biết tại sao mình tìm đến tận đây. Cô bé có phải học trò thầy đâu! Hay hoàn cảnh em khiến mình chạnh lòng? Bây giờ thì quả là thầy thực sự chạnh lòng. Căn nhà, nếu có thể gọi là nhà, chắp vá bởi bao nhiêu thứ bà rằn, cây có, tôn có, tre lá có, cốt để che kín một khoảnh đất nhỏ cho mấy con người chui vào, chui ra. Có cánh cửa bằng nẹp tre bên ngoài là còn tương đối giống cửa. Nhưng thầy Nguyện không đi vào, không dám đi vào trong khi lòng tràn đầy thương xót cô học trò chăm học, mê sách. Giờ này chắc Nga có nhà. Vị thầy dạy thể dục từng “hét ra lửa” bỗng thấy lòng mềm nhũn, sợ sệt một điều gì không rõ. Thầy rón rén lùi lại, bước trở ra con đường lớn, chân nặng trĩu, người bần thần, cảm giác ớn lạnh như người bệnh mới hết. Vì cớ gì mà mình vào đây? Câu hỏi lại xuất hiện trong đầu. Vô duyên hơn nữa là vì sao đến nhà rồi mình lại không vào, thăm con bé một chút cũng là chuyện bình thường, phải không. Xưa nay ông thầy thể dục tính tình vốn bộc trực, dứt khoát lắm mà.
Ngồi nói chuyện với thầy Nguyện trong thư viện, cô Liên, chủ nhiệm lớp 10A2, thở ra:
- Em Nga có được trợ cấp của Hội Chữ thập đỏ do lớp đề nghị nhưng như “muối bỏ biển” ấy thôi. Tình cảnh em bấp bênh quá, ngày nào đến trường thì biết ngày nấy, còn tùy việc bán buôn của mẹ nó, chị nó nữa.
Thầy Nguyện trầm ngâm một hồi rồi nói với cô Liên, giọng thật trầm:
- Cô vui lòng giúp tôi việc này, được không cô?
Cô giáo chủ nhiệm chăm chú nghe, chẳng biết thầy Nguyện nói gì mà cô gật đầu lia lịa, miệng cười tủm tỉm:
- Được, được! Thầy cứ yên chí, vậy là tốt lắm rồi.
Nói xong cô đứng lên, nhìn thầy Nguyện đăm đăm như nhìn một người lạ mới gặp lần đầu. Nhưng chỉ một thoáng, cô trở lại vẻ thân mật như trước:
- Cứ thế nhé, cảm ơn thầy nhiều.
Mấy ngày sau, cô học trò lớp 10A2 được cô giáo chủ nhiệm gọi lại:
- Từ học kỳ này, mỗi lần sơ kết học kỳ, cô sẽ đưa cho em năm trăm ngàn đồng. Đó là tiền trợ cấp của chi hội phụ huynh lớp mình dành để giúp em, hy vọng em cố gắng học hành.
Nói vậy rồi cô Liên quay đi ngay, không kịp nhìn niềm vui rạng ngời trên mặt, trong mắt đứa học trò nghèo chăm học. Cô sợ mình sẽ không giữ vững được lòng trước cái nhìn trong sáng của con bé chăng?
***
Thầy Nguyện mất thật đột ngột khiến cả trường xôn xao. Trông thầy vẫn còn khỏe dù sắp bước vào tuổi sáu mươi. Nghe nói thầy bị đột quỵ. Ôi, người thầy thường khi rất chú ý đến sức khỏe, thể lực của học trò, của mình, sao lại bị thế kia.
Đám tang thầy Nguyện diễn ra trang trọng, êm ả. Hầu như cả trường đủ mặt. Phải vậy thôi! Thầy đã hơn ba mươi năm gắn bó với trường, dạy bao lớp học trò, bao lần dẫn quân đi “đánh đấm” mang thành tích về cho trường. Rất nhiều học trò trong đám vận động viên thể dục của thầy cũng tìm về đưa tang, đứng chật cả hẻm. Điều làm một số thầy trò trường trung học phổ thông chuẩn quốc gia này ngạc nhiên là cô bé Nga, em học sinh khuyết tật đang học lớp 12 năm này cũng bịt khăn tang trắng như hai đứa con gái thầy Nguyện. Con bé gục bên quan tài thầy, khóc sưng cả mắt. Con nhỏ hay lên thư viện mượn sách về đọc, thầy trò tình cảm sâu nặng nên nó xin để tang ư? Mà không có lý, đến tiễn thầy, lo tiếp việc nhà là được rồi mà... đâu đến phải để tang như con ruột. Hình như mọi người đều nghĩ vậy.
Chỉ có cô giáo chủ nhiệm lớp 12A2, cô Liên, là hiểu rõ và cô cũng đang nước mắt giàn giụa. Câu chuyện trong thư viện hai năm trước cô vẫn còn nhớ như mới ngày hôm qua. Đã năm lần sơ kết học kỳ, năm lần món tiền nhỏ mang tấm lòng người thầy được trao tay cô học trò, thêm một chút tiền sách vở, một chút niềm tin yêu cho cô gái tật nguyền. Chỉ đến tối hôm qua, trước khi tẩm liệm thầy Nguyện, cô Liên mới gọi Nga đến, cho biết về người tặng cho cô bé món trợ cấp suốt ba năm nay. Và, chiếc khăn tang trắng trên đầu cô học trò chính là để trả nghĩa cho người thầy, người cha giờ Nga mới biết. Ngoài đương sự, cô giáo Liên đã không nói cùng ai việc này, năm xưa cô chẳng từng hứa với thầy Nguyện rồi đó sao. Nhưng nếu để con bé không biết lúc này thì thật cô không đang tâm! Chắc thầy Nguyện cũng không nỡ trách mình đâu. Mà nếu mọi người biết thì sao nhỉ? Ai cũng tưởng ông thầy dạy thể dục một thời “hét ra lửa” kia chắc là người cứng cỏi, sắt thép lắm, đâu ngờ bên trong con người ấy là con tim nhân hậu, chan chứa yêu thương. Cô học trò nhỏ rồi sẽ ra trường, khó khăn vẫn còn trùng trùng phía trước nhưng ít nhất con bé cũng biết đã từng có một người thầy dạy thể dục thật bình thường trong ngôi trường này đã xót xa vì cô và muốn nâng cánh ước mơ cho cô bằng cả tấm lòng. Mong sao điều đó sẽ giúp con bé Nga của mình cứng cáp hơn, cô giáo Liên nghĩ thế.
Cô giáo Liên thấm nước mắt, vuốt nhẹ vai cô học trò đang lúi húi đốt bó chân nhang trong cái thau nhỏ dưới đất rồi lại đầu quan tài, thắp thêm một cây nhang cho thầy Nguyện trước khi ra về, lầm thầm khấn vái:
- Xin thầy cứ yên nghỉ, học kỳ cuối cùng này em Nga vẫn sẽ nhận đủ món tiền trợ cấp như mọi khi. Đó sẽ là tấm lòng của thầy để lại, xin thầy yên tâm!
Ngước nhìn lên, trong khói nhang nghi ngút, thầy Nguyện đang cười thật tươi trong khuôn hình.

Các tác phẩm khác của Nguyễn Ngọc Tuyết

Trên bến sông

Nguyệt quế

Người xưa

Nghệ sĩ múa

Nắng trên sân trường

Lá trung quân

Bông hồng muộn