Sợ Vợ Lợi Hay Hại ?
Tác giả: Nguyễn nhật Ánh
Phàm ở đời, không nhất thiết người chồng nào cũng sợ vợ . Nhưng thôi, chúng ta chẳng nhắc đến bọn người vô lương tâm, chỉ nhìn vợ bằng nửa con mắt đó làm gì. Ta chỉ nói đến chúng ta thôi, những người chồng luôn luôn nhìn đắm đuối vợ mình bằng hai con mắt đầy đủ. Và hai con mắt đó lúc nào cũng ánh lên vẻ tha thiết biết lỗi khi vợ cật vấn bằng một giọng nanh nọc: "Sao, đi đâu mà giờ này anh mới vác mặt về?". Tất nhiên là ta biết ta đi đâu . Những người chồng đứng đắn như chúng ta thì chẳng bao giờ về trễ vì một lý do bậy bạ . Rõ ràng là ta đi họp về muộn. Nhưng lẽ nào lại nói điều đó ra khi vợ mình đang giận. Nói ra, có nghĩa là ta thét vào mặt vợ: "Cô là kẻ chuyên nghi ngờ bậy bạ, không hề biết tí gì về công việc của tôi!". Ôi, lẽ nào ta lại nhẫn tâm đến như thế! Và nếu ta lỡ mồm nói ra, vợ ta cảm thấy bị mất mặt, nổi cơn lôi đình lên thì sao ? Tai họa ai chịu ? Thì còn ai nữa ngoài đôi tai sưng tấy lên vì bị véo của chúng ta, những người quen chịu trận. Vì vậy, lỡ rơi vào tình huống nan giải đó, tốt nhất là chúng ta im lặng ra vẻ biết lỗi . Chẳng có gì xấu hổ hết! Ông cha ta chẳng đã nói "Im lặng là vàng" sau bao năm quen nhẫn nại trước các bà, các mẹ của ta đó sao! Vâng, ta im lặng và âm thầm xuống bếp, lục cơm nguội ra ăn, bởi vì sẽ chẳng có cô vợ giàu nguyên tắc nào lại đợi cơm khi chồng về muộn. Vả lại, vợ ta đã đứng chờ ngồi đợi mỏi mòn con mắt vì ta rồi, lẽ nào ta còn hành hạ cô ta nữa . Những người chồng biết điều hãy cùng ta lặng lẽ xuống bếp xới cơm ăn một mình, vừa ăn vừa gặm nhấm khuyết điểm của mình. Ăn xong thì hãy lo mà rửa chén, không phải cái chén ta vừa ăn mà cả một đống chén ngỗn nghện từ sáng tới giờ. Gặp thằng chồng khốn nạn thì chắc chắn nó sẽ mặt nhăn mày nhó, nhưng ta thì không, thậm chí ta còn nở một nụ cười hạnh phúc. Bởi vì ta đã quen những thử thách này rồi . Từ hồi lấy nhau đến giờ, ngày nào cũng thế, vợ ta cứ sợ ta bớt yêu nàng nên luôn luôn tạo điều kiện cho ta chứng minh tình cảm trước sau như một của mình. Cái đống chén này là một ví dụ . Vợ ta cứ tưởng ta không biết nên thử thách ta hoài! Ta xắn gối ngồi xuống (bởi ta đã kịp thay đồ đâu!), tay cầm nùi giẻ lên mà trong lòng cứ tội nghiệp vợ: Ôi, nàng phải nhọc lòng thử thách ta biết bao, chứng tỏ nàng yêu ta lắm! Một người chồng mẫu mực phải biết cách rửa chén không gây tiếng động. Lúc này im lặng vẫn cứ còn là vàng! Bởi lúc ta ngồi rửa chén thì vợ ta đang ngủ. Nàng không đủ sắt đá để chứng kiến sự thử thách của mình và vì không nỡ nhìn chồng cặm cụi ngồi rửa một núi chén nên nàng đành phải đi ngủ. Và vì vợ ta đi ngủ, ta phải rửa chén bát êm thắm, lặng lẽ như một nghệ sĩ kịch câm chính cống. Dù sao thì trong chuyện này, tay nghề ta cũng cao lắm rồi . Bình tĩnh nhé, đừng sẩy tay! Ta dặn ta như thế, bởi vì một tiếng động vang lên vào lúc này có khác gì một quả bom nguyên tử nổ. Ai sẽ bảo vệ ta trước cơn thịnh nộ chính đáng của vợ? Không ai cả! Và cái tai tội nghiệp của ta một lần nữa lại chứng minh rằng "tai không chỉ dùng để nghe mà còn dùng để cho người khác trút sự phẫn nộ". Rửa chén bát, úp vào chạn xong, ta nhón gót đi lên nhà trên, nhón gót thay đồ, nhón gót đi ... vệ sinh và cuối cùng nhón gót mò vào giường. Ô kìa, vợ ta đâu rồi ? Cô ta không có trong giường! Sau một thoáng bất ngờ, ta giận tím cả mặt. Không phải giận vì đêm nay ta lại ngủ một mình mà giận vì ta biết cô ta ở đâu rồi! Cô ta chơi bài tứ sắc ở nhà bên cạnh, các ông bạn đứng đắn của ta ạ! Đêm nào cũng thế, cô ta lỉnh đi chơi bài suốt đêm, có khi một, hai giờ sáng mới về. Nhiều đồ đạc trong nhà đã bắt đầu biến mất một cách kỳ quặc mà ta chưa dám hỏi . Hừ, sớm muộn gì ta cũng hỏi thôi (tất nhiên là muộn)! Sức khỏe cô ta thì sa sút thấy rõ (tai ta độ rày ít đau hơn). Cái hại của cờ bạc rành rành như thế mà cứ đâm đầu vào . Ta là chồng, ta biết phải làm gì trong lúc này chứ! Thế là ta xăm xăm bước qua nhà hàng xóm quyết kêu vợ ta về, mắng nhiếc cho một trận nên thân! Cái gì chứ việc này thì rõ ràng ta đúng. Ta ló đầu vào tìm kiếm. Kia, vợ ta kia rồi, cô ta đang xòe bài . Ta cố trấn tĩnh hắng giọng:
- Em ơi ...
- Anh làm cái trò gì đó?
Vợ ta lạnh lùng hỏi, đầu không quay lại . Tim ta tự dưng chơi điệu đítxcô, mặc dù ta không thích nhạc trẻ. Đầu ta lỡ thò vào cửa, giờ không biết làm sao . Tự dưng rút ra mà không trả lời nghiêm chỉnh câu hỏi của vợ thì bất lịch sự quá. Mà để cái đầu trong nhà trong khi cái thân ngoài hiên thì coi không được. Tự nhiên, ta giận ta ghê, đâm đầu vô đây chi không biết! Vợ ta giải trí một chút mà ta cũng quấy rầy, thật là đồ vô lương tâm! Cuối cùng, ta cũng nghĩ ra được một câu đáng điểm mười:
- Anh tính qua hỏi em cần tiền không, anh đưa thêm!
Tất nhiên là vợ ta không từ chối, sợ ta buồn. Còn ta thì dùng mấy trăm bạc mà chuộc được tính mạng, kể cũng hên! Thế là vợ ta ngồi thức bên đó, ta nằm thức bên đây . Cách nhau một bước, xa nhau nghìn trùng. Chuyện đó, đến nay vẫn còn! Ta nhờ tài học vấn uyên bác nên sợ vợ cũng có dựa trên cơ sở lý luận, nay muốn tìm người trao đổi kinh nghiệm hầu nâng lên thành một học thuyết triết học.
Ta bắt chước Lỗ Tấn: "Liếc mắt coi khinh nghìn lực sĩ. Cúi đầu làm ngựa cho vợ ta". Lỗ Tấn nói là "trẻ con" nhưng không có "vợ ta" làm sao có "trẻ con"? Ta sợ vợ ta chứ có sợ vợ ai đâu mà xấu! Cũng từ Lỗ Tấn ta suy ra: "Vợ nhờ chồng sợ mà thành hùm" (từ câu "Rừng nhờ người đi mà thành đường"). Nghe chí lý thay! Ta vốn người hào kiệt, coi khinh nghìn lực sĩ, bình sinh chưa biết sợ ai, nhưng sở học lộn xộn nhớ lầm câu "nếu không có cái mình thích thì hãy thích cái mình có" thành câu "nếu không có cái mình sợ thì hãy sợ cái mình có". Gia tài ta chẳng có gì ngoài vợ nên từ đó đâm ra sợ vợ mà thành tật. Nay, tính can vợ bỏ bài bạc hoài mà không được, ta lại ngẫm ra "nếu cứ sợ cái không đáng sợ ắt sẽ hại cái không đáng hại". Ôi, phải chăng vì yêu vợ mà ta hại vợ? Hỡi các ông chồng đứng đắn giống như ta, hãy trả lời! Sợ vợ, lợi hay hại ?
-1982-
Nguyễn Nhật Ánh
Phàm ở đời, không nhất thiết người chồng nào cũng sợ vợ . Nhưng thôi, chúng ta chẳng nhắc đến bọn người vô lương tâm, chỉ nhìn vợ bằng nửa con mắt đó làm gì. Ta chỉ nói đến chúng ta thôi, những người chồng luôn luôn nhìn đắm đuối vợ mình bằng hai con mắt đầy đủ. Và hai con mắt đó lúc nào cũng ánh lên vẻ tha thiết biết lỗi khi vợ cật vấn bằng một giọng nanh nọc: "Sao, đi đâu mà giờ này anh mới vác mặt về?". Tất nhiên là ta biết ta đi đâu . Những người chồng đứng đắn như chúng ta thì chẳng bao giờ về trễ vì một lý do bậy bạ . Rõ ràng là ta đi họp về muộn. Nhưng lẽ nào lại nói điều đó ra khi vợ mình đang giận. Nói ra, có nghĩa là ta thét vào mặt vợ: "Cô là kẻ chuyên nghi ngờ bậy bạ, không hề biết tí gì về công việc của tôi!". Ôi, lẽ nào ta lại nhẫn tâm đến như thế! Và nếu ta lỡ mồm nói ra, vợ ta cảm thấy bị mất mặt, nổi cơn lôi đình lên thì sao ? Tai họa ai chịu ? Thì còn ai nữa ngoài đôi tai sưng tấy lên vì bị véo của chúng ta, những người quen chịu trận. Vì vậy, lỡ rơi vào tình huống nan giải đó, tốt nhất là chúng ta im lặng ra vẻ biết lỗi . Chẳng có gì xấu hổ hết! Ông cha ta chẳng đã nói "Im lặng là vàng" sau bao năm quen nhẫn nại trước các bà, các mẹ của ta đó sao! Vâng, ta im lặng và âm thầm xuống bếp, lục cơm nguội ra ăn, bởi vì sẽ chẳng có cô vợ giàu nguyên tắc nào lại đợi cơm khi chồng về muộn. Vả lại, vợ ta đã đứng chờ ngồi đợi mỏi mòn con mắt vì ta rồi, lẽ nào ta còn hành hạ cô ta nữa . Những người chồng biết điều hãy cùng ta lặng lẽ xuống bếp xới cơm ăn một mình, vừa ăn vừa gặm nhấm khuyết điểm của mình. Ăn xong thì hãy lo mà rửa chén, không phải cái chén ta vừa ăn mà cả một đống chén ngỗn nghện từ sáng tới giờ. Gặp thằng chồng khốn nạn thì chắc chắn nó sẽ mặt nhăn mày nhó, nhưng ta thì không, thậm chí ta còn nở một nụ cười hạnh phúc. Bởi vì ta đã quen những thử thách này rồi . Từ hồi lấy nhau đến giờ, ngày nào cũng thế, vợ ta cứ sợ ta bớt yêu nàng nên luôn luôn tạo điều kiện cho ta chứng minh tình cảm trước sau như một của mình. Cái đống chén này là một ví dụ . Vợ ta cứ tưởng ta không biết nên thử thách ta hoài! Ta xắn gối ngồi xuống (bởi ta đã kịp thay đồ đâu!), tay cầm nùi giẻ lên mà trong lòng cứ tội nghiệp vợ: Ôi, nàng phải nhọc lòng thử thách ta biết bao, chứng tỏ nàng yêu ta lắm! Một người chồng mẫu mực phải biết cách rửa chén không gây tiếng động. Lúc này im lặng vẫn cứ còn là vàng! Bởi lúc ta ngồi rửa chén thì vợ ta đang ngủ. Nàng không đủ sắt đá để chứng kiến sự thử thách của mình và vì không nỡ nhìn chồng cặm cụi ngồi rửa một núi chén nên nàng đành phải đi ngủ. Và vì vợ ta đi ngủ, ta phải rửa chén bát êm thắm, lặng lẽ như một nghệ sĩ kịch câm chính cống. Dù sao thì trong chuyện này, tay nghề ta cũng cao lắm rồi . Bình tĩnh nhé, đừng sẩy tay! Ta dặn ta như thế, bởi vì một tiếng động vang lên vào lúc này có khác gì một quả bom nguyên tử nổ. Ai sẽ bảo vệ ta trước cơn thịnh nộ chính đáng của vợ? Không ai cả! Và cái tai tội nghiệp của ta một lần nữa lại chứng minh rằng "tai không chỉ dùng để nghe mà còn dùng để cho người khác trút sự phẫn nộ". Rửa chén bát, úp vào chạn xong, ta nhón gót đi lên nhà trên, nhón gót thay đồ, nhón gót đi ... vệ sinh và cuối cùng nhón gót mò vào giường. Ô kìa, vợ ta đâu rồi ? Cô ta không có trong giường! Sau một thoáng bất ngờ, ta giận tím cả mặt. Không phải giận vì đêm nay ta lại ngủ một mình mà giận vì ta biết cô ta ở đâu rồi! Cô ta chơi bài tứ sắc ở nhà bên cạnh, các ông bạn đứng đắn của ta ạ! Đêm nào cũng thế, cô ta lỉnh đi chơi bài suốt đêm, có khi một, hai giờ sáng mới về. Nhiều đồ đạc trong nhà đã bắt đầu biến mất một cách kỳ quặc mà ta chưa dám hỏi . Hừ, sớm muộn gì ta cũng hỏi thôi (tất nhiên là muộn)! Sức khỏe cô ta thì sa sút thấy rõ (tai ta độ rày ít đau hơn). Cái hại của cờ bạc rành rành như thế mà cứ đâm đầu vào . Ta là chồng, ta biết phải làm gì trong lúc này chứ! Thế là ta xăm xăm bước qua nhà hàng xóm quyết kêu vợ ta về, mắng nhiếc cho một trận nên thân! Cái gì chứ việc này thì rõ ràng ta đúng. Ta ló đầu vào tìm kiếm. Kia, vợ ta kia rồi, cô ta đang xòe bài . Ta cố trấn tĩnh hắng giọng:
- Em ơi ...
- Anh làm cái trò gì đó?
Vợ ta lạnh lùng hỏi, đầu không quay lại . Tim ta tự dưng chơi điệu đítxcô, mặc dù ta không thích nhạc trẻ. Đầu ta lỡ thò vào cửa, giờ không biết làm sao . Tự dưng rút ra mà không trả lời nghiêm chỉnh câu hỏi của vợ thì bất lịch sự quá. Mà để cái đầu trong nhà trong khi cái thân ngoài hiên thì coi không được. Tự nhiên, ta giận ta ghê, đâm đầu vô đây chi không biết! Vợ ta giải trí một chút mà ta cũng quấy rầy, thật là đồ vô lương tâm! Cuối cùng, ta cũng nghĩ ra được một câu đáng điểm mười:
- Anh tính qua hỏi em cần tiền không, anh đưa thêm!
Tất nhiên là vợ ta không từ chối, sợ ta buồn. Còn ta thì dùng mấy trăm bạc mà chuộc được tính mạng, kể cũng hên! Thế là vợ ta ngồi thức bên đó, ta nằm thức bên đây . Cách nhau một bước, xa nhau nghìn trùng. Chuyện đó, đến nay vẫn còn! Ta nhờ tài học vấn uyên bác nên sợ vợ cũng có dựa trên cơ sở lý luận, nay muốn tìm người trao đổi kinh nghiệm hầu nâng lên thành một học thuyết triết học.
Ta bắt chước Lỗ Tấn: "Liếc mắt coi khinh nghìn lực sĩ. Cúi đầu làm ngựa cho vợ ta". Lỗ Tấn nói là "trẻ con" nhưng không có "vợ ta" làm sao có "trẻ con"? Ta sợ vợ ta chứ có sợ vợ ai đâu mà xấu! Cũng từ Lỗ Tấn ta suy ra: "Vợ nhờ chồng sợ mà thành hùm" (từ câu "Rừng nhờ người đi mà thành đường"). Nghe chí lý thay! Ta vốn người hào kiệt, coi khinh nghìn lực sĩ, bình sinh chưa biết sợ ai, nhưng sở học lộn xộn nhớ lầm câu "nếu không có cái mình thích thì hãy thích cái mình có" thành câu "nếu không có cái mình sợ thì hãy sợ cái mình có". Gia tài ta chẳng có gì ngoài vợ nên từ đó đâm ra sợ vợ mà thành tật. Nay, tính can vợ bỏ bài bạc hoài mà không được, ta lại ngẫm ra "nếu cứ sợ cái không đáng sợ ắt sẽ hại cái không đáng hại". Ôi, phải chăng vì yêu vợ mà ta hại vợ? Hỡi các ông chồng đứng đắn giống như ta, hãy trả lời! Sợ vợ, lợi hay hại ?
-1982-
Nguyễn Nhật Ánh