Chương 8
Tác giả: Nguyễn nhật Ánh
Nhỏ Hạnh phải khó khăn lắm mới dỗ được giấc ngủ. Rất nhiều lần nó muốn gạt ra khỏi đầu óc những thắc mắc vẩn vơ để thanh thản chợp mắt nhưng ngay lập tức nó nhận ra càng muốn quên điều gì thì con người ta càng nghĩ mãi về điều đó.
Hồi chiều nghe Mười bảo lát tối nó sẽ đi gặp ba nó để xin tiền, nhỏ Hạnh đã định rủ Quý ròm tới nấp trước nhà Mười, chờ thằng này dắt xe ra hai đứa sẽ bí mật bám theo. Nhưng thấy thằng ròm chẳng hào hứng gì chuyện này, lại luôn miệng trêu mình, nhỏ Hạnh nín thinh luôn. Hơn nữa, chính nó cũng nghi ngờ những nghi ngờ của mình. Nó thấy mọi thứ sao mà mơ hồ quá. Có thể cuộc đời đơn giản hơn nó tưởng và câu chuyện trong thực tế không hề vô lý như nó tưởng.
Sáng hôm sau, nhỏ Hạnh đến trường sớm hơn thường lệ.
Nhỏ Hạnh nôn nóng muốn gặp Mười để hỏi xem ba nó có cho tiền nó không.
Thằng Mười chưa đến. Nhưng Quý ròm và Tiểu Long đã ngồi đợi sẵn trên băng ghế ở góc sân.
Nhỏ Hạnh tròn xoe mắt khi thấy tụi bạn. Tiểu Long và Quý ròm có mặt ở trường vào giờ này cũng kỳ lạ chẳng kém gì mặt trời mọc lúc nửa đêm.
- Quý và Long tính giở trò gì mà giờ này đã có mặt ở trường rồi? – Nhỏ Hạnh ôm cặp tiến lại, ngạc nhiên hỏi.
Quý ròm cười khì khì:
- Tụi này ngồi đợi Hạnh chứ giở trò gì!
- Ngồi đợi Hạnh? – Nhỏ Hạnh nheo mắt ngờ vực hỏi – Đợi chi vậy?
Quý ròm vuốt tóc:
- Kể Hạnh nghe chuyện này.
Nhỏ Hạnh ngồi xuống mép ghế, nôn nao:
- Chuyện gì bí ẩn quá vậy?
Quý ròm hắng giọng, chậm rãi:
- Chiều hôm qua, tôi đạp xe qua nhà Tiểu Long.
Nhỏ Hạnh trề môi:
- Kệ Quý!
Quý ròm vẫn tỉnh bơ, tiếp:
- Sau đó Tiểu Long chở tôi tới nhà thằng Mười.
- Long và Quý quay lại đó làm gì? – Nhỏ Hạnh ngơ ngác – Bộ chiều hôm qua mấy bạn bỏ quên thứ gì hả?
Tiểu Long nuốt nước bọt:
- Tụi này quay lại nhưng không vô nhà.
- Hạnh biết rồi. – Nhỏ Hạnh sáng sắt lên – Ra là vậy!
Tiểu Long cau mày:
- Hạnh biết gì?
Nhỏ Hạnh nhún vai:
- Long và Quý bám theo Mười tới nhà ba nó chứ gì?
Cả mắt lẫn miệng Tiểu Long lập tức vẽ thành hình chữ O:
- Sao Hạnh biết được?
- Thì chiều hôm qua Hạnh đã nghĩ đến chuyện đó rồi. – Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi, tủm tỉm – Nhưng thấy Long và Quý không tin Hạnh nên Hạnh làm thinh luôn.
Quý ròm xộc tay lên tóc:
- Nhưng khi về đến nhà thì tôi cảm thấy những thắc mắc của Hạnh không phải là không có lý. Thế là tôi chạy qua rủ thằng mập...
Nhỏ Hạnh nheo mắt:
- Sao Quý không rủ Hạnh?
Quý ròm cười:
- Hạnh là tiểu thư. Để cho Hạnh ngủ.
Quý ròm trả lời bông phèn. Nhưng nhỏ Hạnh không buồn hỏi nữa. Nó hiểu tâm trạng của bạn nó. Chiều hôm qua Quý ròm không những không tin các suy luận của nhỏ Hạnh, còn ngoác mồm chế giễu. Cho nên nó không muốn nhỏ Hạnh thấy nó xoay chuyển ý nghĩ nhanh như vậy.
Chỉ sau khi thám thính có kết quả, Quý ròm mới ngượng ngập thú nhận.
- Kết quả ra sao hở Quý? – Nhỏ Hạnh ý tứ hỏi, cố tình để Quý ròm khoe công trạng.
- Ối trời! – Như chỉ đợi có vậy, Quý ròm ngửa mặt lên trời – Gian khổ cực kỳ!
- Gì mà gian khổ?
- Nhà ba thằng Mười nuôi bốn, năm con chó béc giê. Con nào con nấy to như con voi. Tụi này mới lấp ló ngoài hàng rào, chúng đã xồ ra sủa váng cả óc!
Quý ròm vừa kể vừa đưa tay bịt tai để minh họa cho nhỏ bạn thấy tụi nó đã trải qua những giây phút căng thằng như thế nào. Nhưng thằng Tiểu Long thật thà bất ngờ làm Quý ròm cụt hứng:
- Bốn, năm con đâu mà bốn, năm con! Có hai con à!
- Ờ thì hai con! Nhưng hai con hay bốn, năm con cũng đâu có gì khác nhau! – Quý ròm nói bừa – Cũng là số nhiều thôi mà!
Tiểu Long lại nói:
- Nhưng hai con chó đó không phải là chó béc giê. Chỉ là hai con chó phốc nhỏ xíu à.
Lần này Quý ròm chưa kịp chống chế, nhỏ Hạnh đã vọt miệng nạt Tiểu Long:
- Sao Long lại nói vậy! Chó phốc nhỏ như con chuột hay chó béc giê to như con voi cũng đâu có gì khác nhau! Cũng là chó thôi mà!
Trong khi Tiểu Long cười hí hí thì Quý ròm trợn mắt nhìn nhỏ Hạnh:
- Hạnh có muốn nghe tiếp không vậy? Cứ kê tủ đứng vô miệng tôi hoài làm sao tôi kể!
- Ờ, Quý kể tiếp đi! – Nhỏ Hạnh cố nín cười – Nhưng đừng kể chuyện chó nữa.
Quý ròm chép miệng:
- Thực ra thì hai con chó đó có chạy ra, nhưng chạy ra để vẫy đuôi chứ không sủa. Tụi này đứng bên ngoài quan sát, chỉ nhìn thấy ba thằng Mười lúc ông đi ra mở cửa cho nó, còn sau đó hổng thấy gì rõ rệt hết vì thằng Mười và ba nó ngồi khuất sau bức vách. Nhưng tiếng ba nó than thở thì tụi này nghe rất rõ.
Nhỏ Hạnh nhíu mày:
- Ba nó than thở sao?
- Ba nó than ghê lắm! – Tiểu Long hăng hái đáp thay Quý ròm – Tôi nghe tiếng ba thằng Mười nói như rên rỉ “Ba dạo này làm gì có tiền mà con xin hoài vậy hả con?”
Lòng nhỏ Hạnh tự nhiên chùng xuống. Nó nhìn hai bạn, giọng buồn bã:
- Vậy là Mười thất bại rồi.
Nó ngoái đầu nhìn ra cổng trường, tặc lưỡi:
- Sao Mười nói với Hạnh là ba nó rất thương nó. Thương nó còn hơn mẹ nó nữa.
Tiểu Long gãi gáy:
- Hổng lẽ nó nói xạo?
Quý ròm bỗng xuỵt khẽ:
- Nó tới kìa!
Thằng Mười dắt xe qua cổng, đun đầu xe vô bãi gửi rồi lơn tơn ôm cặp đi ra, không biết tụi Quý ròm đang quan sát nó.
- Ê, ròm! – Tiểu Long khịt mũi – Tao thấy nó chẳng buồn chút nào hết. Lạ quá hén mày?
Nhỏ Hạnh cắn môi:
- Ờ, lạ thật đó, Quý! Trông bộ tịch tưởng như ba nó vừa cho nó cả đống vàng.
Quý ròm xoa tay:
- Để tôi kêu nó lại xem.
Nói xong, nó đứng bật lên khỏi chỗ, gân cổ hét tướng:
- Mười!
Mười quay mặt về phía tiếng kêu, toét miệng ra cười khi thấy tụi Quý ròm ngồi dồn cục trên băng ghế và đang thô lố mắt ra nhìn nó.
Đợi Mười lại gần, Quý ròm ngoẹo đầu hỏi:
- Tối hôm qua mày có đến nhà ba mày không vậy?
- Có.
- Có à. – Quý ròm nặn ra vẻ mặt tòm mò – Thế ba mày có nhà không?
- Có.
Trong khi Quý ròm gạn hỏi, Tiểu Long và nhỏ Hạnh dán mắt vào mặt thằng Mười dò xét, ngạc nhiên thấy thằng này chẳng lộ vẻ gì rầu rĩ. Mọi bộ phận trên cơ thể nó, từ mắt, miệng, đôi môi, mái tóc đến bàn tay, cánh tay đều tương tắn, chẳng có vẻ gì của một đứa bị ba từ chối cho tiền cả.
Quý ròm chắc cũng đang nhận thấy thế nên nó bắt đầu thận trọng hơn trong lúc đặt câu hỏi:
- Ừm... ừm... thế mày có hỏi xin tiền ba mày chứ?
- Dĩ nhiên rồi. – Mười liếm môi – Tụi mày cũng biết tao ghé ba tao là để xin tiền gắn internet mà.
Quý ròm chậm rãi xoáy mắt quanh gương mặt thằng Mười, như muốn dùng tia nhìn để quét sạch khả năng nói dối của thằng này trước khi hỏi câu quyết định:
- Thế ba mày có cho tiền mày không?
Cả Tiểu Long và nhỏ Hạnh cũng đột ngột bất động trên băng ghế, nín thở rình nghe câu trả lời của Mười.
Và cả ba đứa đều không kềm được sửng sốt khi nghe thằng Mười hí hửng đáp:
- Có chứ.
Nó còn vui vẻ khoe:
- Lần nào tao xin tiền ba tao xũng cho tao hết á.
Trong một lúc, Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh đưa mắt nhìn nhau và đứa này đều đọc thấy trong mắt đứa kia câu hỏi giống hệt mình: “Tại sao thằng Mười nói dối tụi mình?”
Thằng Mười không những nói dối, mà còn nói dối siêu đẳng. Quý ròm là bậc thầy nói dối, nhưng mỗi khi phịa chuyện con nhà Quý ròm đều ngước mặt lên trời. Còn thằng Mười nói dối mà không thèm ngó đi đâu, tia nhìn vẫn tỉnh queo rọi thẳng vào mặt người đối diện thì nó đúng là sư phụ của Quý ròm. “Thằng này mà viết sách dạy nói dối chắc bán chạy như tôm tươi!”, Quý ròm nhủ bụng, óc xoay tít để nghĩ cách “lật tẩy” Mười. Nó gục gặc đầu, thận trọng giăng bẫy:
- Thế lúc mày tới dì mày có nhà không?
Mười vẫn bình thản:
- Có.
Chỉ đợi có vậy, Quý ròm hớn hở thắt nút thòng lọng:
- Có dì mày ở đó mà ba mày vẫn móc tiền ra cho mày à? Xì, tao cóc tin!
Mười đá vào chân Quý ròm, cười hì hì:
- Mày không biết rồi! Ba tao đâu có đưa tiền cho tao ngay lúc đó!
Nó hấp háy mắt:
- Ba tao có mẹo của ba tao. Không bao giờ tao xin tiền mà ba tao đưa ngay. Ba tao lúc nào cũng than nghèo hết á.
- Ờ. – Nhỏ Hạnh ra vẻ hiểu biết – Ba Mười không muốn làm dì Mười buồn.
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi:
- Thế ba mày đưa tiền cho mày vào lúc nào?
- Xưa nay hễ tao viết thư xin ba tao vào hôm trước là thế nào sáng hôm sau tao cũng nhận được tiền. – Mười khịt mũi nói thêm. – Nói chung là mẹ tao không muốn tao đến gặp ba tao. Cần tiền thì tao viết thư, rồi mẹ tao đem ra bưu điện gửi. Chỉ hôm nào nôn nóng quá, tao mới đạp xe qua nhà ba tao.
Tiểu Long nghếch mắt:
- Thế vụ tiền bạc thì sao?
- Sao là sao?
Tiểu Long chép miệng:
- Ba mày tới trường đưa tiền cho mày à?
Câu hỏi của Tiểu Long khiến Mười lúng túng. May cho nó, trong khi có đang lưỡng lự không biết có nên trả lời thắc mắc của thằng mập hay không thì tiếng chuông inh ỏi vang lên.
Lần thức hai, tiếng chuông vào học đã giải thoát Mười khỏi tình huống khó xử.
- Tao xếp hàng vô lớp đây!
Như lần trò chuyện với Quý ròm trước đây, Mười buông gọn một câu rồi hối hả phi thẳng, không để đứa nào kịp níu kéo.
Nhỏ Hạnh đâu có cần níu kéo. Nó chỉ thò tay kéo Tiểu Long và Quý ròm khi hai đứa này dợm bước:
- Gợm đã! Sáng nay ba Mười sẽ đến gặp bác bảo vệ trường để đưa tiền nhờ chuyển cho Mười.
Quý róm gật đầu:
- Tôi biết rồi.
Nhỏ Hạnh nói nhanh:
- Tụi mình cần theo dõi.
- Theo dõi làm gì? – Tiểu Long nhăn nhó – Ba nó sợ dì nó nên chạy tới trường đưa tiền cho nó. Không cần theo dõi mình cũng biết rồi kia mà.
- Long không thấy lạ à? Nếu là ba nó sao ông không trực tiếp đưa tiền cho nó mà phải nhờ bác bảo vệ?
- Nó ngồi trong lớp, làm sao nhận tiền?
- Nếu ba nó muốn đưa tiền tận tay nó thì thiếu gì cách. Ba nó có thể đến trường vào đầu giờ hoặc cuối giờ.
- Ba nó không làm vậy có lẽ vì sợ dì nó bắt gặp – Quý ròm sờ cằm – Sau những lần thằng Mười viết thư hoặc đến nhà xin tiền, biết đâu dì nó không âm thầm theo dõi ba nó. Nhở bác bảo vệ làm trung gian là hay nhất.
Nhỏ Hạnh khăng khăng:
- Vẫn có điều gì đó hơi khác thường trong chuyện này.
- Thế Hạnh muốn là gì? - Quý ròm hừ giọng – Hạnh nên nhớ tôi chỉ xác nhận bảo vệ trường Thống Nhất từng chuyển tiền cho thằng Mười. Còn bảo vệ trường Đức Trì thì tôi không biết à.
- Cũng thế thôi. – Nhỏ Hạnh quả quyết, cái cách nó lắc mái tóc trông còn quả quyết hơn . – Bác bảo vệ trường mình chắc chắn cũng được nhờ làm chuyện đó.
Quý ròm mặt mũi méo xẹo:
- Còn Hạnh thì nhờ mình... nghỉ học sáng nay để theo dõi vụ chuyền tiền?
- Nghỉ học thì không tốt rồi. Nhưng tụi mình không còn cách nào khác.
Nhỏ Hạnh liếc về phía cửa lớp 10A9, sốt ruột:
- Quyết định lẹ lên Quý. Tụi bạn vô lớp hết rồi.
- Được thôi! – Quý ròm thở hắt ra – Tôi và Tiểu Long sẽ chiều theo ý Hạnh.
Nhỏ Hạnh đứng lên:
- Mình sẽ chép bài giùm Quý và Long.
Tiểu Long gãi cổ:
- Cả tôi cũng đi theo thằng ròm hả?
- Thật tôi chưa thấy lớp phó học tập nào lại xúi bạn bè nghỉ học như Hạnh. Chắc vụ này phải dưa vô sách kỷ lục Guiness quá!
Nhìn Quý ròm vừa than vừa dang hai tay, nhỏ Hạnh cười khổ:
- Chuyện bắt đắt dĩ mà. Đâu phải khi nào tụi mình cũng biết được chính xác ngày ba Mười tới trường. Đây là cơ hội tốt nhất để tụi mình tìm hiểu chuyện này.
Tiểu Long ngần ngừ:
- Nhỡ ba nó tới gặp bác bảo vệ vào buổi chiều thì sao? Chắc gì sáng nay bác ấy đã đến trường?
- Tiểu Long! – Quý ròm tằng hắng – Theo như ý Hạnh thì ba thằng Mười không muốn giáp mặt nó. Do đó ông sẽ đến vào buổi sáng, lúc thằng Mười còn kẹt trong lớp học.
Nó kéo tay Tiểu Long, nhưng mắt lại nguýt nhỏ Hạnh:
- Đi thôi! Lớp phó học tập nhớ nghĩ ra lý do vắng mặt cho hai học sinh siêng học này nhé.
- Long và Quý yên tâm đi! Hạnh sẽ nói hai bạn tối hôm qua rủ nhau đi ăn thứ bậy bạ gì đó, sáng nay vừa đến trường đã đau bụng đến ngất xỉu nên đi khám bác sĩ rồi.
Nhỏ Hạnh vừa nói vừa cười. Nhưng Quý ròm không cười, thậm chí mặt nó như bị ai kéo lệch đi:
- Quý nhờ Hạnh nghĩ ra lý do chứ đâu phải nhờ Hạnh trù ẻo tụi này!