Chương 2
Tác giả: Nguyễn nhật Ánh
Quý ròm vừa đi vừa huýt sáo miệng.
Sau khi chia tay với Tiểu Long ở ngã ba Cây Ðiệp, Quý ròm ra về với một tâm trạng thơ thới, hân hoan.
Như vậy là rốt cuộc Tiểu Long đã chịu tới học chung với nó. Ðã lâu, Quý ròm vẫn thường day dứt về tình hình học tập của bạn mình. Là một đứa trẻ vô tâm, những khi rảnh rỗi lại chúi mũi vào các thứ máy móc và các đống chai lọ lỉnh kỉnh với những trò "thí nghiệm khoa học" kéo dài bất tận, Quý ròm chẳng có đầu óc và thì giờ đâu để nghĩ nhiều đến người khác. Với Tiểu Long cũng vậy, chẳng phải lúc nào Quý ròm cũng nhớ tới nỗi khổ tâm của bạn mình. Nhưng những khi tới lớp, thấy Tiểu Long bị kêu lên bảng và đứng ngọ nguậy hàng buổi trước mặt thầy cô để cuối cùng ấp úng buông ra một câu trả lời hú họa và dĩ nhiên sai bét, Quý ròm lại cảm thấy vô cùng áy náy. Nhìn cái cảnh Tiểu Long lủi thủi ôm tập trở về trở ngồi sau khi xơi một con dê - rô to tướng, bất giác Quý ròm tưởng như mình có lỗi với bạn.
Những lúc đó Quý ròm không sao chịu đựng nổi ý nghĩ mình là một học sinh xuất sắc, được nhà trường cử đi dự hết cuộc thi này đến cuộc thi nọ trong khi thằng bạn thân nhất của mình cứ mãi lẹt đẹt sau lưng thiên hạ, mỗi lần bị thầy cô hỏi bài chỉ biết giở mỗi một chiêu "im lặng vàng" ra vẻ ta đây là võ sĩ gan lì, "hỏi" mấy cũng không "khai".
Nhưng khổ nỗi, Tiểu Long không phải là đứa ham học. Nó chỉ "hợp" mỗi môn thể dục của thầy Ðoàn, còn ngoài ra nó "chạy mặt" tất. Thỉnh thoảng có bài tập kiểm tra cho về nhà, sắp đến ngày nộp mà hý hoáy mãi không xong, nó mới dẫn xác đến nhà Quý ròm nhờ "cứu bồ", còn ngày thường đố mà kêu nó học được.
Chả rõ Tiểu Long nghe được ở đâu mà lý lẽ nó đưa ra để biện minh cho việc học kém rất ư là "triết học". Nó bảo Quý ròm "Ðầu óc tao đơn giản, không hợp với những môn học rắc rối, phức tạp, vì vậy có cố đến mấy cũng bằng thừa". "Triết lý" của Tiểu Long khiến Quý ròm tức anh ách :
- Nói như mày chẳng lẽ có những người mới sinh ra đã... ngu sẵn hay sao ?
Quý ròm định dùng đòn khích tướng để đánh vào lòng tự ái của Tiểu Long, nào ngờ thằng này tỉnh bơ :
- Thì vậy chứ sao !
Mặt Quý ròm méo xệch :
- Như vậy mày tự nhận mày là thằng ngu ?
Tiểu Long gãi tai :
- Tao chỉ dốt môn toán và môn lý hóa thôi ! Còn những môn khác như môn... võ thuật chẳng hạn, tao đâu có thua ai !
Khi nhắc đến hai chữ "võ thuật", mặt mày Tiểu Long rạng lên, rất đỗi tự hào. Còn Quý ròm lập tức im bặt. Nó buồn rầu nhìn xuống đôi cánh tay gầy khẳng gầy kheo của mình, biết rằng nếu tiếp tục đi sâu vào đề tài này, ắt hẳn nó sẽ nhanh chóng rơi vào thế hạ phong. Bà nó chả bảo "Cháu phải bắt chước thằng Tiểu Long tập thể dục cho khỏe khoắn" là gì !
Chính vì những ngoắc ngoéo bên trong đó mà chưa bao giờ Quý ròm thuyết phục được Tiểu Long ngồi vào bàn để nó "phụ đạo". Cứ mỗi lần nó mở miệng định rủ rê, Tiểu Long láu lỉnh lái câu chuyện sang đề tài võ thuật là nó xuôi xị. Sau những lần vận động bất thành như vậy, Quý ròm chẳng biết làm sao hơn là làu bàu tức tối "Mặc xác nó ! Nói chuyện với nó thà nói với cái đầu gối còn hơn !".
Thực ra Tiểu Long không phải là đứa biếng học như Quý ròm tưởng. Mặc dù không tin mình có thể học khá lên được và mỗi lần thấy những dãy số chằng chịt của môn toán là nó "hết muốn sống", trong thâm tâm Tiểu Long vẫn chẳng thích thú gì cái cảnh vào lớp thì ngọng nghịu đứng trơ thân cụ trên bảng, trước bao cặp mắt soi mói của lũ bạn, ra phố thì lúc nào cũng nơm nớp chờ lẩn mặt thầy cô, hệt như một tên tội phạm né công an.
Mồm luôn luôn biện hộ cho cái sự học bết bát của mình, nhưng cũng như mọi học sinh bình thường khác, Tiểu Long vẫn âm thầm ao ước được học giỏi nếu không ngang hàng Quý ròm và nhỏ Hạnh thì chí ít cũng bằng phân nửa trình độ của các bạn mình.
Tất nhiên Quý ròm và nhỏ Hạnh sẵn sàng giúp nó. Nhưng cho đến nay, Tiểu Long vẫn chưa chính thức "thụ giáo" một ai. Tất nhiên Tiểu Long không có ý định nhờ vả nhỏ Hạnh. Nhỏ Hạnh giỏi thì giỏi thật, thậm chí còn trên tài Quý ròm, ăn nói lại dịu dàng nhỏ nhẹ, nhưng dẫu sao nó cũng là một đứa con gái. Tôn một đứa con gái làm "sư phụ" quả là chẳng ra sao, nhất là đối với một đứa anh hùng mã thượng như Tiểu Long.
Như vậy chỉ còn Quý ròm là xứng mặt làm thầy. Nhưng "ông thầy" này thân hình thì còm nhom mà cái miệng lại rộng quá mang tai. Tiểu Long chưa theo học với Quý ròm ngày nào nhưng qua những lần nhờ Quý ròm giải giùm các bài tập thầy Hiếu cho về nhà, Tiểu Long chẳng lạ gì tính nết thằng ròm này. Quý ròm giảng bài chỉ một, mà quát tháo lại đến mười. Nó hỏi Tiểu Long một câu, Tiểu Long lóng ngóng chưa kịp đáp, nó đã hỏi sang câu thứ hai khiến Tiểu Long chỉ biết thộn mặt ra, dỏng tai nghe nó hò hét. Ngồi với Quý ròm cả buổi, đầu óc Tiểu Long chẳng những không sáng được tẹo nào mà tai lại ù đặc, mồ hôi trán vã ra như tắm, người cứ gây gây sốt như muốn đổ bệnh.
Quý ròm không bao giờ ngờ rằng đó mới là nguyên do thực sự khiến Tiểu Long tìm mọi cách thoái thác lời mời mọc học chung của Quý ròm từ trước đến nay.
Nếu không bị một vố đau điếng trong giờ vật lý sáng nay, hẳn Tiểu Long sẽ không dễ dàng chấp nhận lời đề nghị kèm cặp của Quý ròm. Hơn nữa, tràng cười diễu cợt của Quý ròm khi phát hiện lâu nay nó vẫn lẩn như chạch mỗi khi giáp mặt thầy cô khiến nó bùng lên quyết tâm phải phá vỡ cái thông lệ chẳng lấy gì làm đẹp đẽ đó. Nó nghĩ lần này nó sẽ cố học, bằng mọi cách nó phải cố, nhất là một khi Quý ròm đã hứa sẽ từ bỏ cái thói hò hét ỏm tỏi của mình.
Tất nhiên Quý ròm chẳng hay biết gì về bầu tâm sự ngổn ngang của bạn mình. Hễ Tiểu Long đồng ý học chung với nó là nó khoái rồi ! Có thế chứ ! Chẳng lẽ hai đứa bạn thân như ruột rà mà đứa tiến cứ tiến, đứa lùi cứ lùi, đường ai nấy đi, coi sao được !
Nỗi hân hoan của Quý ròm không qua mắt được nhỏ Diệp. Buổi trưa, ăn cơm xong lúc chui vào phòng ngủ, nhỏ Diệp nháy mắt với ông anh :
- Nè, anh nói thật đi ! Có chuyện gì mà hôm nay trông anh tươi tỉnh thế ?
Quý ròm làm bộ nghiêm trang :
- Chuyện người lớn mày hỏi làm chi !
- Xì ! Hơn người ta có mấy tuổi mà làm bộ ! - Nhỏ Diệp dẩu môi.
- Mấy tuổi cũng là người lớn vậy ! - Quý ròm nheo mắt - Tao với mày cách nhau cả một... thế hệ chứ đâu có ít !
Thấy Quý ròm giở giọng "chơi trội", nhỏ Diệp liền quay lưng về phía ông anh, giọng giận dỗi :
- Ðã vậy thì "thế hệ" này chả thèm nói chuyện với "thế hệ" kia nữa !
Quý ròm không nói gì. Nó chỉ mỉm cười và lặng lẽ ngả đầu lên gối.
Nhưng nhỏ Diệp không làm thinh được lâu. Sự tò mò khiến nó quên béng cả giận dỗi.
- Này anh ! - Một lát, nó quay lại thì thầm hỏi - Chuyện người lớn là chuyện gì vậy ?
Không nỡ hành hạ cô em, lần này Quý ròm không giấu giếm nữa, nhưng giọng nó đầy vẻ quan trọng :
- Tao sắp làm thầy.
Miệng nhỏ Diệp há hốc :
- Làm thầy ?
- Ừ.
- Anh đi dạy học hả ?
- Ừ.
Nhỏ Diệp chớp mắt :
- Dạy ở trường nào vậy ?
Quý ròm gãi mũi :
- Chả ở trường nào cả ! Tao dạy ở... ngay nhà mình !
Câu trả lời của ông anh khiến cô em cụt hứng. Nhưng nhỏ Diệp vẫn cố vớt vát :
- Anh dạy mấy chục người vậy ?
- Ðâu mà mấy chục người ! - Lần này Quý ròm gãi tai - Tao chỉ dạy có... một người thôi !
Tới đây thì nhỏ Diệp hoàn toàn thất vọng. Nó xuôi xị :
- Vậy mà em tưởng anh đi làm thầy thật chứ !
Vẻ mặt coi thường của nhỏ em làm Quý ròm nổi đóa. Nó quắc mắt :
- Ai bảo mày dạy một người không phải là thầy ?
- Thì là thầy ! - Thấy ông anh đỏ mặt tía tai, nhỏ Diệp hạ giọng - Nhưng dạy mỗi một học trò thì chẳng oai tí nào !
- Tao cần cóc gì oai ! - Quý ròm hừ mũi - Chẳng oai thì cũng là thầy !
Sợ ông anh phát khùng cốc mình u đầu, nhỏ Diệp khéo léo chuyển đề tài :
- Học trò của anh là ai vậy ?
Quý ròm hất mặt :
- Là Tiểu Long !
Nhỏ Diệp reo lên :
- Tưởng ai, hóa ra là anh Tiểu Long! - Rồi nó khẽ liếc Quý ròm, giọng ngập ngừng - Nhưng như vậy thì anh đâu phải là thầy ! Anh chỉ kèm cho bạn mình học thôi !
- Cái con ngốc này ! - Quý ròm vung tay lên - Bộ mày chưa bao giờ nghe mấy tiếng "thầy dạy kèm" hả ?
Nhỏ Diệp hốt hoảng ôm đầu :
- Nghe ! Nghe !
Ðược trớn, Quý ròm lấn tới :
- Vậy tao có phải là thầy không ?
Nhỏ Diệp gật đầu lia lịa :
- Là thầy ! Ðúng là thầy !
Ðang liến thoắng, nhỏ Diệp chợt nhớ ra một điều liền khựng lại, "à" lên một tiếng và nhìn lom lom vào mặt Quý ròm :
- Anh tự nhận anh là thầy phải không ?
Quý ròm ưỡn ngực :
- Chứ còn gì nữa !
Chỉ đợi có vậy, nhỏ Diệp cười toe :
- Vậy chiều nay anh giảng toán giùm em đi ! Có một bài khó lắm !
Biết bị sập bẫy, Quý ròm sầm mặt :
- Mày đừng có thừa nước đục thả câu ! Toán lớp năm mà khó gì !
Nhỏ Diệp "hứ" một tiếng :
- Khó chứ sao không ! Tại anh học lớp tám nên anh thấy dễ thôi !
Rồi không để Quý ròm kịp nghĩ ra kế từ chối, nhỏ Diệp chồm người qua lay vai anh :
- Sao, anh sẽ giảng bài cho em chứ ?
Quý ròm ậm ừ :
- Ðể tao coi lại đã !
- Còn coi lại coi đi gì nữa - Nhỏ Diệp phụng phịu - Anh là thầy mà lại !
Ðòn của nhỏ Diệp điểm trúng ngay yếu huyệt của ông anh, Quý ròm hết đường chống đỡ, đành úp gối lên mặt, làu bàu :
- Nhưng dù sao mày cũng phải để cho tao ngủ một giấc đã chứ !