watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Trại Hoa Vàng-Chương 17 - tác giả Nguyễn nhật Ánh Nguyễn nhật Ánh

Nguyễn nhật Ánh

Chương 17

Tác giả: Nguyễn nhật Ánh

T ôi đã không phụ lòng "trông cậy" âm thầm của ba Cẩm Phô. Thi học kỳ một năm đó, Cẩm Phô đạt loại giỏi, phá vỡ cái thông lệ cầm đèn đỏ xưa nay.
Đệ tử giỏi, sư phụ đương nhiên phải giỏi hơn. Lần đầu tiên tôi trở thành học sinh xuất sắc - xuất sắc thứ thiệt, có ghi học bạ đàng hoàng chứ không phải xuất sắc theo đoán mò của Liên móm. Lần đầu tiên tôi đứng ngang hàng với Phú ghẻ và xếp trên Minh sún hai bậc, điều mà bốn năm ở trường cấp hai Trần Quốc Toản tôi không bao giờ dám nghĩ tới.
Tụi bạn trong lớp không đứa nào ngạc nhiên về thành tích của tôi bởi vì điều này đã được báo hiệu bằng sự tiến bộ không ngừng của tôi trong mấy tháng gần đây.
Chỉ có mẹ tôi là cuống quýt. Bà tức tốc chạy xuống nhà nội tôi và đi thăm khắp các cô dì chú bác để khoe kết quả học tập của tôi khiến tôi mắc cỡ hết dám ló mặt đi đâu.
Ở một ngôi trường có truyền thống dạy giỏi như trường Trần Cao Vân, số học sinh đạt tiêu chuẩn xuất sắc chiếm hơn phân nửa trường, đông lúc nhúc như cá nuôi trong hồ, lấy rổ vớt cả ngày cũng không hết. Chuyện tôi đạt danh hiệu xuất sắc trong kỳ thi đối với hầu hết học sinh Trần Cao Vân chẳng là "cái đinh gỉ" gì nhưng mẹ tôi lại xem như là chuyện tày đình. Nếu nhà ngoại tôi ở gần, chắc mẹ tôi sẵn sàng qua dắt mấy con bò về mổ thịt khao cả thị trấn chứ chẳng chơi.
Ba tôi biểu lộ niềm vui theo cách khác. Ông điềm tĩnh hơn, theo phong cách "hắc ám" của ông trước nay. Đặt bàn tay to bè, cứng cáp lên vai tôi, ông trầm giọng:
- Nói mẹ mày đưa tiền may thêm hai cái quần mà mặc!
Lời phán của ba tôi khiến tôi mừng rơn. Nhỏ Châu nháy mắt với tôi:
- Sướng hén!
- Sướng gì mà sướng! - Tôi làm bộ vờ vịt.
- Được chia tay mà không sướng? - Giọng nhỏ Châu tinh quái.
Tôi ngạc nhiên:
- Chia tay cái gì?
- Thì chia tay với mấy cái... tam giác Béc-mu-đa của anh chứ chia tay cái gì!
- Tao cốc cho mày một cái bây giờ!
Vừa nói tôi vừa chồm người tới khiến nhỏ Châu ôm đầu lủi mất.
Nhưng mặc dù được ba tôi hứa hẹn cái khoản "quần mới" rất hấp dẫn kia, niềm vui của tôi vẫn không hoàn toàn trọn vẹn. Tôi biết gia đình tôi dạo này đang túng bẩn, việc chi tiêu hàng ngày rất dè sẻn. Xúc động trước kết quả học tập đột biến của tôi, ba tôi hào phóng hứa thưởng tôi hai cái quần mới, nhưng tôi biết để thực hiện lời hứa ngẫu hứng đó, ông buộc phải giảm những khoản mua sắm cần thiết khác trong nhà và rất có thể Tết này nhỏ Châu sẽ không có được bộ quần áo mới mà nó hằng mơ ước.
Từ ngày đó, tôi dành nhiều thì giờ hơn cho việc chăm sóc vườn hoa. Mới thi học kỳ xong, tâm trí còn thư thả, chỉ trừ những lúc phải ôm tập tới nhà chị Cẩm Phiêu, còn chiều nào tôi cũng ở lì ngoài vườn bón phân, tỉa lá, bắt sâu. Tết này tôi sẽ gửi hoa ra chợ bán. Tiền kiếm được tôi sẽ dẫn nhỏ Châu đi may đồ mới. Như năm ngoái tôi đã từng sắm cho nó bút thước, sách vở, cặp xách.
Tôi không nói điều đó cho nhỏ Châu biết. Tôi muốn đem lại cho nó một niềm vui bất ngờ. Hẳn lúc đó nó sẽ trố mắt ra vì ngạc nhiên và vì sung sướng. Hẳn tôi sẽ có dịp nhìn thấy nó rưng rưng nước mắt vì xúc động khi nhận ra tôi là một ông anh tốt bụng nhất trên đời, mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn "cốc" nó những cú muốn trọc đầu.
Tôi không chỉ may đồ cho nhỏ Châu. Tôi còn định may đồ cho cả nhỏ Thảo nữa. Nhà nhỏ Thảo còn nghèo hơn cả nhà tôi. Quanh năm suốt tháng nó chỉ mặc tới mặc lui hai bộ đồ đã cũ sờn. Ngay cả chiếc áo mặc đi học cũng không còn trắng nữa. Nó đã ngả màu cháo lòng từ lâu. Tội nó ghê!
Nghe tôi nói tôi sẽ may cho nó một bộ quần áo vào Tết này, nhỏ Thảo sáng mắt lên:
- Anh nói thật hén?
Tôi nheo mắt:
- Chứ hồi trước đến giờ anh có nói dóc với em lần nào đâu!
Nhỏ Thảo mừng lắm. Nó toét miệng ra cười. Nhưng rồi không hiểu nghĩ sao, nó bỗng cụp mắt xuống:
- Không được đâu anh Chuẩn ơi!
- Sao lại không được?
Nhỏ Thảo lúc lắc đầu:
- Kỳ lắm!
- Có gì đâu mà kỳ?
- Vậy mà không kỳ? Tự dưng anh lại may đồ cho em! - Khi nói câu này, nhỏ Thảo đột nhiên đỏ mặt và quay đầu ngó lơ chỗ khác.
Thái độ khác lạ của nó khiến tôi bất giác đâm ra bối rối. Trong một thoáng, tôi chợt nhận ra cô bé đang đứng trước mặt tôi hôm nay trông chẳng giống chút xíu gì với con bé con tôi từng biết trước đây. Không biết tự lúc nào, đôi má nó bỗng trở nên hồng hơn, cặp mắt long lanh hơn, còn mái tóc thì dài ra và đen mướt, trông nó giống hệt một thiếu nữ. Tết này nó mới mười lăm tuổi mà sao nó lớn phổng lên như thế không biết! Tôi nhủ bụng và tặc lưỡi trấn an nó:
- Sao lại tự dưng? Ngày nào em cũng qua đây phụ anh tưới cây, nhổ cỏ. Nhờ vậy mà vườn hoa mới tươi tốt. Bây giờ, anh kiếm được tiền nhờ bán hoa, anh phải... đền ơn cho em chứ!
Nghe vậy, mặt nhỏ Thảo tươi tươi lên được một chút. Nhưng rồi nó lại lắc đầu:
- Không được đâu! Mẹ em la chết!
Tôi cười:
- Em đừng lo! Để anh nhờ mẹ anh qua nói chuyện với mẹ em!
Nói xong, tôi bỗng nghe nóng ran cả mặt mày vì câu buột miệng của mình. Nghe cứ y như là chuyện hỏi vợ hỏi chồng! Nhưng nhỏ Thảo không để ý đến điều đó. Nó cầm tay tôi lắc lắc:
- Anh nói thật hén?
Cái con nhỏ này, nó cứ làm như tôi là chuyên gia nói dối không bằng! Tôi hừ giọng:
- Chứ chẳng lẽ anh gạt em?
Thấy tôi nổi quạu, nhỏ Thảo không dám hỏi tới hỏi lui nữa. Nó rụt cổ lại và lật đật xách thùng chạy đi múc nước.
Suốt buổi chiều hôm đó, tôi và nhỏ Thảo thay nhau tắm táp cho lũ hoa trong vườn. Gần đến Tết, gần đến mùa hoa xuân, sự chăm sóc ắt nhiên phải kỹ lưỡng hơn. Tưới nước xong, chúng tôi bò mọp người xới từng gốc cây và thi nhau săm soi tìm bọn sâu trong từng kẽ lá.
Chuyện nhỏ Thảo chiều chiều qua phụ tôi làm vườn là chuyện xưa như trái đất. Nhưng hôm nay có một điều khác xa với hàng trăm buổi chiều trước đó: suốt mấy tiếng đồng hồ bên nhau tôi không một lần chạm tay vào người nhỏ Thảo.
Chỉ mới hôm qua, tôi còn cốc đầu nó hoặc bẹo má nó thoải mái, vậy mà từ lúc phát hiện nhỏ Thảo không còn "nhỏ" nữa, tôi lại đâm ra mất hẳn tự nhiên.
Nhỏ Châu cũng bằng tuổi nhỏ Thảo, và bây giờ nhớ lại, tôi sực nhận ra nhỏ Châu cũng phổng phao lên tự bao giờ. Nhưng, dù vậy trong mắt tôi, nhỏ Châu luôn luôn là một đứa nhóc tì.
Nhỏ Thảo lại khác. Trước đây tôi vẫn coi nó như em gái tôi và không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày tôi xét lại điều đó. Nhưng hôm nay, thấy nó bỗng nhiên mắc cỡ, tôi liền... mắc cỡ theo. Từ lúc đó, mỗi khi nói chuyện, tôi không còn đủ bình thản nhìn lâu vào mắt nó như những ngày xa xưa, dẫu thật lòng tôi cũng chẳng rõ tại sao.
Nhỏ Thảo dĩ nhiên không hình dung được những rối rắm trong lòng tôi. Vì vậy lúc ra về, như thói quen, nó hỏi xin tôi một nhánh hồng.
Tôi phân vân một thoáng rồi lẳng lặng ngắt một bông cẩm chướng đưa cho nó.
- Em xin hoa hồng kia! - Nhỏ Thảo vùng vằng.
Tôi cười:
- Hoa này cũng màu hồng vậy!
- Nhưng em không thích hoa cẩm chướng!
Tôi lại ngắt một nhánh hoa đồng tiền chìa ra:
- Vậy thì bù cho em thêm một nhánh này!
Biết tôi từ chối và bàng hoàng về sự từ chối bất ngờ đó, nhỏ Thảo thoáng nhìn sững tôi rồi chớp chớp cặp mắt đã ngân ngấn nước, nó cầm hai nhánh hoa bất đắc dĩ kia lủi thủi ra về.
Nhưng nhỏ Thảo không đem hoa về nhà. Đi ngang qua cánh cổng rào, nó đứng lại và kiễng chân cắm hai nhánh cẩm chướng và đồng tiền lên sợi kẽm quấn ngang đầu trụ sắt rồi quay mình bỏ chạy.
Tôi chứng kiến từ đầu đến cuối hành động bướng bỉnh đột ngột của nhỏ Thảo. Nhưng tôi không giận nó. Tôi biết nó buồn lắm. Và tôi nữa, tôi cũng buồn.
Hồi tôi mới chơi hoa, nhỏ Thảo thường tò tò theo tôi hỏi xin hoa hồng đem về nhà cắm chơi. Trong vườn nhà tôi trồng đủ thứ hoa nhưng không hiểu sao nó chỉ thích mỗi hoa hồng. Nhưng lúc đó tôi nhất quyết không cho. Tôi chỉ hái cho nó các loại hoa khác. Bởi tôi nghĩ hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, ai lại đem tặng một đứa lóc chóc như nó. Nhưng nó cứ theo gạ gẫm mãi, rốt cuộc tôi đành xiêu lòng. Hơn nữa, những lúc hái hoa hồng tặng nó, thật lòng tôi chỉ coi nó như em nên chẳng thấy áy náy ngượng ngập gì.
Nhưng hôm nay tất cả đều đã thay đổi. Nhỏ Thảo không còn là con nhãi hỉ mũi chưa sạch như trước đây nữa. Và tôi, tôi cũng không còn là ông anh oai phong và hồn nhiên như dạo nào. Tôi đã cảm thấy lúng túng mỗi khi tay tôi tình cờ đụng vào tay nó và điều đó khiến tôi khổ sở vô cùng. Vì những lẽ đó mà tôi nhất định không chiều theo ý thích của nhỏ Thảo nữa. Hoa hồng của tôi, tôi chỉ dành tặng cho "chị hai nhỏ Châu", mặc dù cho đến nay tôi vẫn chưa hái cho Cẩm Phô một đóa hoa nào. Còn nhỏ Thảo, nó khóc thì tôi đành chịu, nó giận dỗi không thèm lấy hoa tôi tặng, tôi cũng chỉ ngồi bệt xuống đất thẫn thờ đưa mắt ngó theo chứ biết làm sao! Tại nó hết chứ bộ! Ai bảo nó mau lớn làm chi!
Tôi tưởng sau chuyện đó nhỏ Thảo sẽ giận tôi lâu lắm, có khi nó nghỉ chơi tôi ra nữa không chừng. Nhưng chiều hôm sau, tôi vừa xách thùng tưới ra vườn đã thấy nó tí tởn chạy qua, miệng liến thoắng:
- Để em đi múc nước giùm anh cho!
Sự xuất hiện của nhỏ Thảo khiến tôi mừng rơn. Tôi càng yên tâm hơn khi suốt ngày hôm đó và cả những ngày sau nữa, nó chẳng hề nhắc gì đến chuyện tôi không thèm tặng hoa hồng cho nó. Nó cứ thản nhiên tỉa lá, bắt sâu. Lúc ra về, nó cũng chẳng mở miệng xin hoa xin cỏ. Nó biết điều ghê!
Nhờ tôi và nhỏ Thảo tích cực trông nom, chăm bón, vườn hoa mỗi ngày một tốt tươi. Giáp Tết, hoa e ấp nở. Những cánh hoa he hé thẹn thùng như những cô dâu mới. Lay-ơn, thược dược, cẩm chướng, đồng tiền và các loại hoa hồng hoa cúc dù chưa bung hết cánh đã nhuộm vàng rực cả khu vườn và dẫn dụ lũ bướm tới lui nườm nượp.
Chiều hăm lăm Tết, tôi đang ngồi lui cui xới đất, bỗng nghe tiếng ai như tiếng Liên móm léo nhéo ngoài bờ rào:
- Ông Béc-mu-đa ới ời!
Mấy hôm nay tôi mặc quần mới, những chiếc "Bermuda" đã được mẹ tôi đem cất vào rương, nên tôi chẳng ngán ai chọc ghẹo nữa. Tôi chỉ ngạc nhiên không hiểu con nhỏ miệng móm kia mắc chứng gì mà lại đột ngột mò đến nhà tôi vào lúc này.
Tôi ngoảnh cổ nhìn ra và càng sửng sốt hơn nữa khi thấy không chỉ Liên móm mà còn có một lô một lốc những đứa khác đang đứng lố nhố trước cổng. Cường, Luyện, Phú ghẻ, Cẩm Phô, Thùy Dương, không thiếu một cái mặt mẹt nào.
Tôi vứt chiếc que trên cỏ, ba chân bốn cẳng chạy ùa ra, trong lòng vừa ngạc nhiên sung sướng vừa thấp thỏm lo âu.
Ba tôi trước nay chúa ghét tôi bạn bè đàn đúm. Ngoại trừ Phú ghẻ, bất cứ đứa bạn xấu số nào lỡ "lạc bước" đến nhà tôi đều từng được chứng kiến vẻ mặt quạu quọ và những tiếng gầm gừ cứ chốc chốc lại phát ra từ cổ họng của ông. Tính nết kỳ quặc của ba tôi Cường và Phú ghẻ đều biết, không phải tự nhiên mà tụi bạn hồi cấp hai của tôi đặt cho ông cái biệt danh không mấy mỹ miều là "ông già hắc ám". Vậy mà không hiểu sao bữa nay hai thằng quỷ sứ này lại nổi hứng kéo bè kéo lũ xộc đến nhà tôi, trong đó lại có đến những ba mống thuộc diện "cực kỳ độc hại" là Liên móm, Thùy Dương và Cẩm Phô nữa mới đáng hãi chứ! Cũng may là giờ này ba tôi đi vắng. Nếu ông ở nhà và tận mắt nhìn thấy cái cảnh bạn bè kéo tới hè nhau "làm hư" tôi, chẳng biết ông sẽ đối phó bằng những "chiêu thức" gì!
Tôi vừa mở cổng, Cường đã hỏi ngay:
- Ba mày có nhà không?
Tôi không đáp, mà lườm nó:
- Sợ sao mày còn tới?
Cường gãi đầu:
- Nhưng tao lại sợ... Thùy Dương hơn! Ba cô nàng này cứ nằng nặc bắt tao và Phú ghẻ dẫn tới "tham quan" vườn hoa xuân của mày!
Liên móm đứng trước quay lại "hứ" một tiếng:
- Tụi này dư sức đi một mình chứ không thèm bắt buộc ai hết à nghen! Chỉ có ông cứ lẽo đẽo xin theo Thùy Dương thì có!
Phú ghẻ đẩy lưng Cường:
- Thôi, vào đi! Khi nãy mày nấp bên kia đường thấy ba thằng Cường chạy xe ra khỏi nhà rồi mà còn làm bộ hỏi!
Câu nói huỵch toẹt của Phú ghẻ khiến tôi sượng đỏ cả mặt. Tôi liếc Cẩm Phô, môi nở một nụ cười gượng gạo:
- Các bạn cứ vào chơi tự nhiên đi, đừng thèm nghe lời nói bậy của hai tên giặc đó! Thấy mấy bạn tới chơi, ba mẹ tôi... vui lắm!
Tôi nói vừa dứt câu, thằng Cường đột ngột ôm bụng và ngồi thụp xuống, làm như mặt đất dưới chân nó đang chấn động cỡ 7 độ rích-te vậy.
Phú ghẻ thì quay mặt đi chỗ khác giả vờ ho để cố nén một tràng cười sặc sụa.
Trong bọn chỉ có thằng Luyện đi lững thững phía sau là trông thấy hành vi kỳ quặc của hai thằng quỷ này nhưng nó không nói gì, chỉ tủm tỉm cười. Còn ba đứa con gái thì đang ríu rít chỉ trỏ về phía cuối vườn nơi những cánh hoa óng ả đang lung linh khoe sắc.
Thùy Dương xuýt xoa:
- Ôi, đẹp quá!
Thằng Cường ở đâu phía sau trờ tới:
- Bữa trước Thùy Dương bảo tôi xấu như ma lem sao bữa nay lại bỗng dưng khen đẹp?
- Xí! - Thùy Dương bĩu môi - Ai mà thèm khen Cường! Người ta khen vườn hoa chứ bộ!
Liên móm nhún vai, ca cẩm:
- Có cái trại hoa vàng xinh xắn như thế này mà chẳng bao giờ thấy ông Chuẩn rủ bọn mình tới chơi. Cũng chẳng thèm tặng cho bọn mình lấy một cành hoa làm thuốc. Tệ ơi là tệ!
Tôi cười cầu tài:
- Lát nữa các bạn về, tôi sẽ tặng cho mỗi người một cành.
Liên móm trừng mắt:
- Mỗi người chỉ có một cành thôi hả? Đúng là đồ keo kiệt! Mai mốt con Cẩm Phô về làm chủ ở đây tôi sẽ xúi nó...
Đang thao thao bất tuyệt, Liên móm bỗng kêu "oái" một tiếng và quay lại phía sau nạt Cẩm Phô:
- Làm gì mà mày ngắt đau thí mồ vậy! Bộ tao nói vậy không đúng với tâm sự của mày sao?
Đúng vào lúc cả tôi lẫn Cẩm Phô đang dở khóc dở cười trước sự trêu chọc độc địa của Liên móm thì "cứu tinh" bỗng kịp thời xuất hiện. Nhỏ Châu ở đâu trong nhà cắm cúi chạy ra, chợt thấy nguyên một đám lố nhố ngoài vườn, nó liền đứng sững lại, mặt mày ngơ ngác như từ trên cung trăng rớt xuống. Có lẽ kể từ khi cha sinh mẹ đẻ đến nay nó chưa từng trông thấy một hiện tượng lạ như vậy bao giờ. Bạn bè của tôi trước nay nó chỉ toàn nghe tôi kể. Thường xuyên lui tới chỉ có mỗi Phú ghẻ và Cường. Những đứa khác bạo lắm cũng chỉ dám đứng lấp ló ngoài bờ rào hú hú, huýt huýt. Bữa nay đùng mọt cái, cả một lô một lốc vừa nam vừa nữ hiên ngang ùa vào vườn hò hét ầm ĩ, chẳng coi "ông già hắc ám" ở cái nhà này ra kí-lô nào cả, bảo nó không há hốc mồm ra sao được!
Nhưng đang choáng váng trước miếng đòn ác hiểm của Liên móm, tôi chẳng còn lòng dạ nào để ý đến vẻ mặt ngỡ ngàng của nhỏ Châu. Thấy nó thình lình xuất hiện, tôi mừng rơn, vội ngoắc lia:
- Lại đây Châu! Lại đây anh giới thiệu bạn anh cho em nè!
Tự dưng thấy tôi đổi giọng từ "mày tao" sang "anh em" ngọt xớt, miệng mồm nhỏ Châu càng há hốc hơn nữa. Nhưng nó vẫn từ từ bước về phía tôi.
- Đây là anh Luyện, học chung lớp với anh Cường bên Huỳnh Thúc Kháng! - Tôi chỉ tay vào từng người một - Đây là chị Liên học chung trường với anh! Đây là chị Thùy Dương, cùng lớp với chị Liên! Còn đây là chị Cẩm Phô...
Tôi giới thiệu tới đâu, nhỏ Châu gật đầu chào tới đó. Dáng điệu ngoan ngoãn, lễ phép của nó khiến tôi khoái chí ngầm trong bụng. Mặt tôi nhơn nhơn, ra vẻ ta đây là một ông anh biết dạy em lắm lắm. Nhưng đến khi tôi thốt ra hai chữ "Cẩm Phô", nhỏ Châu bỗng trợn tròn mắt "á" lên một tiếng và không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào nó lại buột miệng hỏi một câu ngô nghê hết sức:
- Chị hai đây hả?
Thắc mắc không đúng lúc của nó làm tôi nóng ran cả mặt mày. Tôi tính quát lên "Chị hai cái đầu mày!" nhưng không sao mở miệng nổi. Những tiếng cười hí hí như chuột rúc vang lên chung quanh khiến tay chân tôi xụi lơ như chết rồi. Nhỏ Châu cũng kịp nhận ra sự hớ hênh của mình, vội đưa tay lên bụm miệng. Nhưng bây giờ có lấy cả tấn hắc-ín trám lấy cái mồm lanh chanh của nó cũng chẳng cứu vãn được gì.
Phú ghẻ đưa hai tay lên trời:
- Đúng là anh nào em nấy!
Cường bất lịch sự hơn. Nó cười hô hố:
- Ông anh "đầu độc" cô em
Tự nhiên vơ lấy người quen vào mình!
Câu vè ngẫu hứng của Cường khiến người tôi muốn đông lại thành đá.
Vẻ mặt khó coi của tôi không làm Liên móm động tâm. Nó quay sang Cẩm Phô nói oang oang:
- Thấy chưa! Tao đã nói trước sau gì mày cũng trở thành bà chủ ở đây mà mày không tin! Bây giờ em gái mày xác nhận rồi kia kìa!
Cẩm Phô vốn bạo dạn, lém lỉnh hơn tôi. Trước nay tha hồ cho Liên móm chọc ghẹo, nó cứ phớt tỉnh, thậm chí còn nhe răng cười... đồng tình. Vậy mà bữa nay mặt nó sượng trân. Có lẽ sự có mặt bất ngờ của nhỏ Châu làm nó luống cuống.
Thái độ của Cẩm Phô càng khiến tôi lo ngay ngáy. Nhỡ thẹn quá hóa giận, mai mốt nó không thèm nhìn mặt tôi nữa thì khốn. Càng nghĩ tôi càng rủa thầm nhỏ Châu không tiếc lời. Lúc nãy thấy nó ló mặt ra, tôi mừng như bắt được vàng. Tôi cứ đinh ninh sự xuất hiện của nó sẽ "giải vây" cho tôi, nào ngờ nó lại làm cho mọi chuyện rối beng thêm.
Nhưng cũng may nhỏ Châu không phải là thân nhân duy nhất của tôi. Ngoài nhỏ Châu, tôi còn có mẹ.
Mẹ tôi chắc đang bán nước giải khát cho khách, kêu khản giọng không thấy nhỏ Châu đập đá, liền chạy ra vườn tìm.
Bất thình lình đụng đầu nguyên một đám lủ khủ đang túm tụm sau nhà, thoạt đầu mẹ tôi hơi ngạc nhiên, nhưng rồi mẹ nhanh chóng lấy lại vẻ tươi cười thường ngày và bước lại niềm nở:
- Các cháu đến chơi hả?
Cả sáu cái miệng cùng "dạ" một lúc, nghe muốn điếc con ráy.
Trong sáu đứa, mẹ tôi chỉ biết có Cường và Phú ghẻ. Tôi một lần nữa lại phải ngoác mồm ra giới thiệu bốn đứa kia.
Khi nghe đến tên Cẩm Phô, mẹ tôi không giật bắn người lên như nhỏ Châu, cũng không hỏi "chị hai nhỏ Châu đó hả?". Nhưng ánh mắt mẹ dừng lại trên gương mặt Cẩm Phô hơi lâu và đôi môi mẹ dường như thoáng điểm một nụ cười... bí ẩn.
Nhìn nét mặt của mẹ, tôi không khỏi chột dạ. Chắc chắn con quỷ Châu đã thóc mách gì với mẹ nên mẹ mới có những biểu hiện lạ lùng như thế. Cẩm Phô hình như cũng có những cảm giác giống như tôi nên tôi thấy nó e lệ cúi gầm mặt xuống.
Nhưng mẹ tôi không muốn làm cho tôi bối rối lâu hơn. Sau khi xuất hiện "giải vây" cho tôi xong, mẹ vui vẻ nói:
- Thôi, các cháu cứ ở chơi tự nhiên nghen! Bác phải vào bán hàng!
Sáu cái miệng lại đồng loạt "dạ" rân.
Nhỏ Châu theo mẹ tôi vô nhà một hồi, lại thấy nó đi ra. Lần này trên tay nó là một cái khay bày bảy ly nước ngọt. Không để ai kịp hỏi, nó cười hì hì:
- Mẹ bảo đem ra cho các anh chị uống!
Liên móm nháy mắt với tôi:
- Mẹ ông Chuẩn dễ thương ghê hén! - Rồi nó tặc lưỡi "đế" thêm - Con Cẩm Phô thật tốt phước!
Cẩm Phô thò tay ra chưa kịp ngắt thì Liên móm đã nhảy ra xa, trợn mắt:
- Cái con này! Bộ mày tưởng móng tay mày không có độc hả?
Trong khi đó, Cường quay sang Thùy Dương, cười nhăn nhở:
- Mẹ tôi dễ thương không thua gì mẹ tên Chuẩn này đâu nghen!
Thùy Dương nguýt Cường một cái dài:
- Mẹ Cường dễ thương mà sao sinh ra một ông con dễ ghét dữ vậy?
Cú phản kích của Thùy Dương làm Cường nhảy dựng. Nó la rầm:
- Trời ơi, Thùy Dương có nói lộn không đó! Hôm trước Thùy Dương nói khác, sao hôm nay lại...
Cường chưa nói dứt câu đã đột ngột nín bặt khiến tụi tôi ngoảnh lại dòm nó và theo ánh mắt của nó, cả bọn nhất loạt quay mặt nhìn vào trong nhà. Trong một thoáng, tim tôi như bị ai bóp nghẹt. Không biết tự bao giờ, ba tôi đang đứng lù lù tại hiên sau, câm nín trông ra.
Trại Hoa Vàng
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18