Chưong 5
Tác giả: Nguyên Nhung
Hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi lại khuyết, ban ngày là thế giới của loài người, ban đêm ở đây là thế giới của linh hồn, tùy theo ánh sáng và bóng tối. Cả hai có thể lẫn lộn vào nhau nhưng linh hồn khi bước qua cửa Tử, đã được một ân sủng đặc biệt hơn là họ có thể xuất hiện, đến hay đi bất cứ khi nào, bất cứ chỗ nào mà loài người chẳng nhìn thấy họ. Cứ xem đó là một đặc ân đầu tiên của loài người khi nằm xuống, nhưng chính những điều đó lại cũng là hình phạt tàn nhẫn nhất, như ông bạn tri kỷ trước kia đã nói cho nàng nghe, và khuyên nàng đừng nên trở về thế giới của loài người làm gì để chỉ buồn hơn thôi, khi hiểu được lòng người nghĩ gì về mình, bóc trần được lòng nhau ra e rằng con người sẽ không còn can đảm nhìn nhau nữa.
Đó là tình đời, còn ở thế giới vô hình này, linh hồn có thể biết được hết những gì của nhau, và chia xẻ với nhau những điều thành thật nhất vì không thể dấu diếm nhau được. Nguyên nhân này sẽ dẫn đến câu chuyện một người chết đi khi đang bám chặt lấy những danh vọng phù hoa cuộc đời, vì thế linh hồn của ông ta sẽ tiếp tục đắm chìm trong đau khổ, như con sâu nằm trong cái kén mà không làm sao gỡ ra được. . .
Mỗi ngày ở khu nghĩa trang vắng lặng này, mọi vật mọi loài vẫn sinh hoạt như một bức tranh sống động. Người cắt cỏ vẫn chăm chỉ làm công việc của ông ta, người trồng hoa vẫn tưới nước cho những luống hoa muôn màu được xinh tươi, khoe sắc màu lộng lẫy, người đổ rác vẫn đi nhặt những vòng hoa héo úa trên những nấm mộ mới, đem vứt vào thùng rác ở góc nghĩa trang. Ai vào việc đó, rồi hôm nào có người mới thì chiếc xe chở phu đào huyệt sửa soạn chạy tới, chiếc thuổng xúc đất bằng máy chạy ào ào như sấm nổ, và chỉ một chốc là đã thấy một cái hộp hình chữ nhật dưới lòng đất, đủ chỗ cho một cái quan tài hạ xuống rồi nằm đấy mãi mãi.
Đời là thế! Đã nhiều lần ngồi nhìn con người đi lại làm việc với nhau , trong cái nắng mùa hè hay cái giá rét của mùa Đông, ở thể linh hồn nàng đã thoát ra được nỗi khổ của thể vật lý, nhưng nhìn con người phải tranh đấu để sinh tồn, vật lộn với cơm ăn áo mặc nàng lại cảm thấy cuộc đời thật vô cùng mệt mỏi. Chưa kể còn có biết bao nhiêu người cứ chen lấn, kèn cựa, trèo lên đầu nhau, hại nhau bất kể những hành động vô nhân, vô đạo đức làm tổn hại cho linh hồn họ ở kiếp sau, mà chẳng hề băn khoăn về những việc mình làm, khiến nàng càng ngao ngán.
Trong số những linh hồn nàng gặp gỡ vừa qua, chỉ có mỗi linh hồn bé thơ lên 10 tuổi là hồn nhiên sung sướng hơn cả. Linh hồn bé giờ đây đã bay bổng về cõi nào rồi, nàng chưa hề thấy nên chưa dám diễn tả nơi chốn ấy, nhưng theo sự suy luận đơn giản của nàng thì phải chăng thiên đàng và địa ngục nằm chơi vơi trong trái tim và tâm hồn của mỗi người trước đã. Kể từ cái đêm trăng ấy đến nay, chẳng biết có bao nhiêu mùa trăng đến đi, nàng chợt nhớ đến mấy câu thơ mà bà bạn tri kỷ của mình đã ngâm nga:
- “Đời biết bao lần trăng đến đi, bạc tóc nhìn trăng vẫn thấy buồn”. . .
Chẳng phải đến khi bạc tóc nhìn trăng vẫn mới biết buồn, mà hình như ngay từ lúc bước vào đời và mới biết yêu, nhìn trăng đã biết buồn như thế!
Đêm nay là một đêm trăng non, nên ngàn sao vì thế trông như một cái áo nhung đen dát đầy những viên kim cương diễm lệ. Hai người bạn của nàng vẫn chưa tìm được đường đi của họ, nàng cũng thế, định mệnh và nghiệp quả như còn lôi kéo linh hồn họ luẩn quẩn trong cái nghĩa trang quạnh vắng này. Con đường trước mặt còn mù mờ vì thời gian lưu lại ở chốn này đang chuẩn bị cho họ đến một nơi khác, tốt đẹp hay buồn thảm, cũng chỉ là tấm gương phản chiếu lại cuộc đời họ đã sống qua. Chẳng biết ai sẽ đi trước ai, và có cùng một nơi để đến hay không, nhưng những giờ phút còn ở đây, họ cũng đã có dịp nghe, nhìn, học hỏi nhiều điều lý thú.
Đang ngồi miên man với những suy tưởng của riêng mình, người bạn của nàng đã tới. Bà ta chắc hồi còn sống cũng có tật ngồi lê ngồi la, nên vì thế chỉ đợi đêm xuống là đi lang thang tìm bạn để chuyện vãn. Tuy thế bà ta có cái dễ thương của một con người bình dị, sống chân thật và phát biểu theo lối “nghĩ sao nói vậy” rất tự nhiên, triết lý cuộc đời lại lắm khi phát xuất từ những ý tưởng của con tim rất người này, mà không sao chép, biên khảo, tìm tòi từ tư tưởng của các người khác. Trên đời có loại người hay ăn cắp tư tưởng của người khác, rồi đem về xào nấu lại làm của mình, rồi cứ tưởng mình là cha đẻ ra những triết lý ấy. Bà bạn của nàng chắc chắn không phải loại người đó, hình như vì sống nhiều, chung đụng với những lọc lừa đau khổ của kiếp nhân sinh, mà lắm khi nàng bật cười vì bà cứ nói tỉnh bơ mà trúng đáo để.
Nhưng đêm nay thì bà bạn có vẻ hớt hơ hớt hải khác những đêm trước, hình như có một biến động gì đã xảy ra trong khu nghĩa trang rộng lớn này, mà nàng mải trầm ngâm suy nghĩ nên không quan tâm đến những thay đổi xảy ra trong thế giới linh hồn. Nàng chưa kịp hỏi thăm về cô bạn nhỏ thì bà bạn đã ẫm ĩ lên như bản chất ồn ào của bà:
- “Này, khỉ gió ạ. Hôm nay tớ đi loanh quanh chơi về cửa Bắc, mới phát hiện ra một tên dở người. Chẳng biết hắn chết lâu chưa, hay là vừa mới chân ướt chân ráo tới đây, nhưng hắn làm tớ bực cả mình nên bay vội tới đây, lát nữa đợi con bé nó đến rồi chúng mình cùng đến đó mà xem. Giời ơi! Đã đến đây rồi thì ai chẳng như ai, có mỗi cái xác thối nằm dưới kia thì có cho tiền tớ cũng không dám ngửi, kể cả cái thây ma của tớ. Cuộc đời ở trên kia thì có khác gì mây bay gió thoảng, thế mà cái tên ấy, hắn cứ như thằng điên, cứ điên cuồng gào lên làm khuấy động cả một phía bên ấy, thấy ai bén mảng tới là hỏi “Có biết tôi là ai không hở?”. Tôi định bảo cho hắn biết là chỉ có hắn không biết hắn là ai thôi, chứ ở cõi này ai chẳng biết mà phải hỏi.”
Nàng bật cười nghĩ ngợi, lạ thay cho linh hồn của ai đó mà nghe bà bạn kể nàng cũng thấy buồn cười, chẳng hay sau khi nhắm mắt lìa đời, còn tiếc nuối chi chút danh hão mà đi lang thang hỏi có ai biết mình. Suy nghĩ một lát nàng hỏi bạn:
- “Ơ hay! Ai bảo đằng ý bén mảng đến đó làm gì cho bực mình ra. Thế bà bạn dễ thương của tôi có biết mình là ai không nhỉ? À, hôm nay con bé đi đâu mà chưa thấy đến, chẳng hay có đi lang thang như bạn hiền của tôi không?”
Trời tối thẫm hơn mọi đêm, tiếng côn trùng kêu ri ri trong bụi cỏ, những bụi hoa thạch thảo như câm nín chen giữa những nấm mồ vì đêm nay trời ít gió, nên hoa cỏ ít lay động. Ban ngày nơi này tuyệt đẹp vì đang là mùa Xuân, một rừng hoa dại bạt ngàn đan nhau chi chít trên thảm cỏ như một tấm thảm màu vàng tuyệt đẹp, giờ này cũng chìm khuất vào bóng tối. Chừng một lát thì đã thấy hồn ma cô gái lướt đến, vẫn tiếng nói trong trẻo của tuổi thanh xuân nồng nàn tình yêu mà đã vội vã lìa đời. Tự nhiên nàng nghe trong lòng một nỗi trắc ẩn không đâu, rồi nghĩ đến linh hồn cô bé lên mười chưa sống được bao nhiêu đã lìa đời, cái đến cái đi của kiếp người không hề giống nhau, những nụ hoa chưa nở đã vội tàn, những chiếc lá còn xanh mà đã rụng. Người đàn bà hỏi ngay:
- “Đi liền bây giờ chứ?”
Cô bé thắc mắc:
- “Đi đâu hở cô? Hôm nay cháu thấy hình như cô có chuyện gì lạ đấy?”
Bà ta gật đầu lia lịa:
- “Có đấy, nhiều cái lạ lắm mà vì mình cứ loanh quanh ở đây nên không thấy, không biết. Đêm nay chúng mình đi lại đằng kia, xem cái chỗ ấy có gì mà lúc đi ngang thì nghe một hồn đàn ông cứ gào lên như điên khùng hỏi có ai biết hắn là ai không? Lạ lắm, cũng là mồ mả nhưng chỗ ấy nghe như có hằng ngàn âm thanh rên rỉ, gió và cây như cuộn vào nhau đến rởn cả gai ốc, mình là ma mà còn thấy ớn, huống gì người bên kia họ lạc vào đây giữa đêm hôm tăm tối. Tôi bay nhanh về đây để ba đứa cùng đi với nhau, xem ra có phải hắn là một loại ma khổ, sống thế nào thì chết như thế ấy mà....”
Hình như nói đến đây bà ta lại chạnh nhớ đến cái khủng hoảng của linh hồn mình khi vừa lìa khỏi cuộc đời, nhưng may mắn thay là gặp được bạn tốt nên chắc chắn là không đến nỗi bi quẫn như linh hồn người đàn ông ở Cửa Bắc. Ba cái hồn ma lướt đi trong bóng tối, vèo một cái đã tới nơi, ngay lúc ấy họ nghe lồng lộng trong vòm mả tối ở góc nghĩa trang, dù chẳng cần phải có con mắt thần thì họ cũng nhận ra tiếng gào thét như cuống họng bị xiết bởi sợi dây thừng, khi ằng ặc như con bò bị cắt tiết. Cả ba cùng đứng lại thật xa để quan sát, ở chỗ ấy có một ngôi mộ vươn cao hơn các nấm mộ xung quanh, chắc lâu ngày đã bị soi mòn bởi những cơn mưa nên chỉ sè sè trên mặt đất. Tiếng gào vẫn lồng lộng trong đêm tối:
- “Mấy người có biết ta là ai không hở? Có biết ta là ai không hở. . hở . . hở ?”
Chữ cuối cùng của câu hỏi kéo dài ra, tru như chó sói khiến càng làm cho đêm tối thêm rùng rợn và bi ai. Một lát lại thấy hắn gào lên:
- “Hãy trả lại cho ta. Mấy người có biết ta là ai không hở?”
Lần này thì hắn khóc nức nở, trong khi đó xung quanh ngôi mộ của hắn vang lên những tiếng rân ran như gió tru ma hú từ bốn phương vọng lại:
“Gieo chi hạt giống ưu phiền
Mọc lên cây khổ giữa miền đất khô
Giờ đây đã thác xuống mồ
Còn chăng chỉ nắm xương khô tội tình . . .”
Cả ba linh hồn kinh hãi đứng im, tiếng râm ran vẫn vọng đi vọng lại nửa như những lời than van, nửa như những lời cảnh tỉnh tấm linh hồn đau khổ kia chưa tìm ra nẻo sáng. Lẫn trong tiếng trầm trầm của bao âm thanh mơ hồ huyền bí, linh hồn đau khổ kia lại gào lên nức nở:
- “Im đi. Mấy người có biết ta là ai không hở? Mấy người có biết ta là ai không hở?”
Hắn càng nói thì những tiếng râm ran càng vọng tới dữ dội hơn, như là tiếng vọng của những oan hồn đã từng là nạn nhân của hắn, giờ đây trở lại trong thế giới vô hình để đòi hỏi công lý, khiến hắn không được một giây phút yên ổn. Trong ba người chỉ có người đàn bà có vẻ ngang tàng nhất, bà ta xấn vào gần hơn và cất tiếng hỏi:
- “Này bác kia, sao bác cứ hỏi đi hỏi lại người ta có biết bác là ai không hở? Vậy xin cho tôi hỏi, cái hồi còn sống bác làm đến “ông gỉ ông gì”, có “ăn trên ngồi trốc” thiên hạ, có làm “cây đinh” gì trong xã hội mà đòi mọi người phải biết?”
Nghe câu hỏi châm biếm xấc xược của người đàn bà, linh hồn kia đang gào lên bỗng nín bặt. Rồi chừng như quen thói hống hách từ thời còn tại thế, hắn hét lên:
- “Chúng mày cút hết đi, ông không hỏi chúng mày. Chúng mày có biết ta là ai không hở?”
Người đàn bà cười ré lên, bây giờ thì nàng và cô con gái cũng ngây người ra vì sợ, bởi vì người bạn của họ giờ đây hình như lại trở lại bản chất “ngang như cua” của bà, chắc hẳn họ sẽ được nghe những câu đối thoại nảy lửa, còn nàng thì nghĩ đến cái câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, ảnh hưởng của môi trường xung quanh dự phần trong cái tốt, xấu nơi con người thật rõ rệt. Chưa kịp nghĩ thêm thì đã nghe giọng lảnh lót the thé của người đàn bà, như mũi dao thọc vào họng linh hồn lão đàn ông đau khổ kia:
- “Này! Bà bảo cho mà biết, đã đến nơi này rồi thì ăn nói cho tử tế mới mong ra khỏi cái nấm mộ thối tha của nhà ngươi. Ái dà! Hay là anh bảo cái nấm mộ của anh nó nổi hơn người ta, cái chỗ đứng của anh nó cao hơn người khác nên ăn nói xấc xược, coi người như con tôm con tép thế hử? Ở đây ai còn lạ gì ai, mà cũng chẳng ai thèm biết đến cái tôi của nhà anh trên cõi trần đâu, vì nó chết rồi, chết ngay từ lúc còn anh còn thoi thóp thở chứ không phải qua tới đây mới chết đâu. Khổ thay là khẩu nghiệp, ác nghiệp nó mọc rễ ra nên hồn không dễ gì thoát ra mà đi được, “trồng dưa đắc dưa, trồng đậu đắc đậu, gieo gió thì gặp bão”, chân lý ấy không bao giờ thay đổi đâu con ạ.”
Chết thật! Nàng hoảng hốt ngăn người bạn của mình lại, giá biết thì đã chẳng dẫn nhau đi xem cho mang tội thêm, nhất là bản tính của bạn thì bao lâu nay dường như đã đằm thắm nhiều, nếu không khéo gần gũi kẻ xấu, lại trở nên “gần mực thì đen” biết bao giờ mới thay đổi được. Trong bóng đêm, vẫn lồng lộng tiếng oán than:
“Bao cơn sóng dữ chập chùng
Bến bờ vô vọng những vòng oan khiên.”
Ôi chao là thấm thía, khiến linh hồn đau khổ kia lại rú lên:
- “Im hết đi, chúng mày im hết đi, có biết ta là ai không hở?”
Linh hồn cô gái có vẻ ngơ ngác vì cảnh tượng kỳ bí này, cô níu lấy tay người đàn bà van xin:
- “Thôi cô ạ, chúng mình đi về đi, chắc đây là một hồn ma xấu, mà tại sao lại cứ hỏi người ta câu hỏi này cô nhỉ?”
Người đàn bà bĩu môi cười khinh bỉ, giải thích cho cô gái ngây thơ chưa hiểu đời bao nhiêu:
- “Tội nghiệp cháu tôi, hóa ra cháu còn ngây thơ nên không biết cuộc đời nó có đủ thứ hạng người, mà linh hồn này là tiêu biểu cho một loại người hám danh, nhiều thủ đoạn, thích hại người và muốn nâng mình lên mây xanh, thích ngồi ngất ngưởng trên cao để người ta suy tôn, ca tụng. Cuộc đời chỉ là ảo ảnh, có đó rồi mất đó, có ai ngủ mà nắm tay đến sáng bao giờ, sự chết thì đến như kẻ trộm, như cây cỏ, trời lấy đi sự sống dễ dàng như trẻ con ăn kẹo ấy mà. Ví như hắn là cái cây, tưởng rằng mọc rễ đời đời trên cái mảnh đất danh vọng phù phiếm của trần gian, bỗng chốc mà cây đổ thì tiếc là phải rồi.”
Cô gái vẫn chưa hiểu bao nhiêu về những chuyện vượt quá sự suy nghĩ của cô, lại hỏi:
- “Cháu cứ tưởng là khi hai tay buông xuôi, mọi người thân đưa ta vào đây thì đã phải hiểu ra mọi điều của sự sống và sự chết, sao ông ta có vẻ tiếc nuối điều gì ghê gớm lắm?”
Người đàn bà chép miệng:
- “Giá hắn hiểu đời chỉ là KHÔNG thì đâu đến nỗi vậy. Cái cây bị đốn ngã rồi, nhưng cái khổ hắn gieo rắc cho người khác thì như rễ cắm xuống đất, không dễ gì nhổ đi được. Chém chết thì hắn cũng đã từng lộn đi lộn lại về cái chỗ ngồi của hắn trước kia, rồi khi thấy cái ghế của mình đã có người ngồi, mà hắn không làm sao đẩy được người ta đi, cũng không còn ai nhớ đến hắn nữa, người đời giờ đây xem hắn như là hồn ma bóng quế, nên vì thế mà hắn vừa tức lại vừa tiếc, lại chẳng làm gì được ai, nên vì thế gặp ai cũng hỏi có biết mình là ai không đấy mà.”
Rồi chẳng hiểu bà này chộp được thơ thẩn ở đâu, cứ ngâm nga lên như khiêu khích linh hồn đau khổ kia:
“Tôi là ai
Trong cõi đời ảo mộng
Để hôm nào
Tàn rụi với hư không
Tôi là ai
Hạt bụi giữa mênh mông
Mà thân phận
Chìm sâu bờ cát vắng.”
Tức khắc, linh hồn người đàn ông đau khổ kia lại tru tréo lên chửi, tiếng chửi rủa thô bỉ của hắn lại bị lẫn trong những tiếng râm ran của bao nhiêu hồn ma bóng quế:
“Gieo chi hạt giống ưu phiền
Mọc lên cây khổ giữa miền đất khô
Giờ đây khi thác xuống mồ
Còn chăng một nắm xương khô tội tình.”
Nàng thấy tội nghiệp linh hồn người đàn ông đau khổ kia, đã lìa đời mà vẫn chưa nhìn ra cuộc đời chỉ là ảo ảnh, phù du, nên trong lòng vẫn lẫn lộn nuối tiếc mà lại còn chất ngất thù hận. Vì thế, nàng dịu dàng nói với người bạn đáo để của mình:
- “Thôi, đừng trả lời trả vốn với ông ta nữa mà oan nghiệt chập chùng, càng đau khổ thì ông ta lại càng chửi bới hung hăng, cái khổ lại càng chất chồng lên, khẩu nghiệp càng nặng thì bao giờ linh hồn mới thoát ra được"
Bà bạn đồng hành khinh khỉnh cười:
- “Ái chà! Tôi cũng biết mình chưa dễ thoát được cái sân si dù đã bước qua kiếp này, nhưng khổ lắm, có những thứ người lại cho rằng thiên hạ không nói là vì người ta sợ mình, hay là thiên hạ ngu mà im lặng. Chẳng qua vì khùng điên mà không hiểu được luật đào thải của muôn loài muôn vật, cây cỗi thì phải chặt đi để cho cây non nó mọc, thuyền mục thì phải chìm, lá vàng thì phải rụng, chửa thấy có ông vua nào sống mãi dù danh vọng, uy quyền, tiền bạc chất cao như núi. Ối chà! Tôi mà là Trời thì cứ cho hắn ta sống mãi đến trăm tuổi bạc đầu râu ngồi đâu ruồi bu đến đó xem hắn có chịu được không nào.”
Nàng lại vội vàng giơ tay suỵt nhẹ để cắt đứt dòng tư tưởng khủng khiếp của bà bạn quý, vì thấy cô gái đứng đó đang lẩm nhẩm mấy câu “lời hay ý đẹp” kia vì nó rất mới mẻ đối với cô. Ôi chao! Nếu cứ đứng ở đây coi bộ tình hình càng thêm rối rắm, nàng nghĩ vậy, không hiểu sao hôm nay bà bạn tri kỷ của mình lại trở về bản chất cay đắng chua chát thế kia, đúng là “nghiệp chướng” còn nặng chưa dễ rũ ra được, dù rằng bản chất thiện trong linh hồn này rất tốt, nhưng vì tâm hồn đơn sơ quá mà dễ bị ảnh hưởng bởi cái xấu. Nàng vội lôi hai người bạn của mình đi, và giải thích cho hai người bạn hiểu thêm về linh hồn đau khổ tội nghiệp đó:
- “Thôi chúng mình đi, vì không thể nào lôi kéo được linh hồn kia khi ông ta còn bị bám quanh bởi những cái rễ đau khổ, cho dù có hết lời cầu nguyện thì cũng không phải cách để giũ đi được những “ác nghiệp” mà ông ta đã gây nên, nếu không thì nền công lý sẽ không tồn tại. Dù ở cõi bên kia hay cõi bên này, gieo thì phải gặt, cho đi thì nhận lại, nghĩ cho cùng thì chẳng Thần Thánh nào có thể đỡ được hay bớt đi cái nghiệp khổ của một linh hồn, nếu họ không thực tình sám hối ăn năn.”
Đêm càng khuya, những vì sao đêm nhấp nháy trên dải ngân hà trông thật đẹp, nếu không có linh hồn đau khổ kia chửi bới tục tằn, nếu không có những lời âm u lồng lộng trong đêm khuya thanh vắng, thế giới của linh hồn sẽ bình yên biết bao. Đêm đen giống hệt như cuộc đời, bị những con người xấu làm giảm đi bao nhiêu điều tốt đẹp của đời sống, vẫn luân chuyển từ nghìn xưa đến nghìn sau, mà chưa biết là linh hồn sẽ đi về đâu trong cõi mù sương.