Bài Tango Năm Nào
Tác giả: Nguyễn Phúc Vĩnh Trung
Nam nhi đa bạc hạnh
Hồng phấn tối si tình
Nguyên làm xong bài thí nghiệm cuối cùng, ghi lại tất cả kết quả vào tờ giấy, đề tên, lớp, và nạp lên bàn giáo sư. Ra khỏi căn phòng toàn là chai lọ, ống nghiệm và mùi hóa chất, không khí ngoài sân trường mát dịu làm cho Nguyên lấy lại được sự thoải mái sau hai giờ cặm cụi trong phòng thí nghiệm của phân khoa MPC. Mới 4 giờ chiều mà trường đã gần như hết lớp. Sân trường vắng vẻ, chỉ còn mấy hàng xe đạp của lớp Vật Lý ở cuối dãy lầu nhìn ra đường Lê Lợi. Hai cô ngồi trên băng đá đang chụm đầu đọc chung một cuốn sách gì đó, thỉnh thoảng ngước lên nhìn nhau cười thích thú. Nguyên phóng xe Lambretta ra cổng sau của Đại Học Khoa Học, ghé lại quán bánh mì, gần cư xá sinh viên Savier, ở trên đường Lê Thánh Tôn, mua một ổ bánh mì mới ra lò và ngồi trên yên xe vừa ăn vừa nhìn mấy cô sinh viên chơi tenis ở sân banh kế bên.
Nguyên chạy vòng qua đường Trưng Trắc về nhà. Con đường Trưng Trắc ngắn nhưng rất rộng, hai bên đường là hai hàng cây muối đã lâu năm, cứ mùa thu đến, lá cây muối trở vàng và rụng phủ một lớp trên mặt đường, khiến cho con đường có một nét rất là thu. Đầu đường Trưng Trắc có trường Nữ Hộ Sinh, và cuối đường Trưng Trắc là bờ sông An Cựu. Hồi đó cả miền Trung chỉ có một trường đào tạo nữ hộ sinh, nên trường có chỗ nội trú cho các người ở xa về học. Chiều chiều các cô với áo lạnh đủ màu, đi tản bộ dọc hai bên đường, hoặc đứng trên hành lang nhìn xuống, khiến cho con đường đã thơ mộng lại điểm thêm chút hữu tình. Bóng dáng những chàng trai lượn xe qua lại trên đường Trưng Trắc nhiều hơn ngày trước. Và mỗi lần xe lướt qua, thì lá vàng có dịp bay lên khỏi mặt đường, rồi cuốn theo chiều gió của bánh xe lãng tử...
Đến giữa đường Trưng Trắc, Nguyên thấy Quyên đi Velo đang ngược về hướng mình. Quyên mặt chiếc áo dài lụa màu vàng nhạt, một góc chéo áo gài vào sợi dây đang giữ chặt chồng sách vở ở yên sau, tà áo căng gió như một chiếc buồm nhỏ. Quyên dáng cao, thẳng và tròn lẳng nên mặc áo lụa rất hợp. Nguyên biết Quyên mới ghé nhà mình. Cô bé chiều nay lại trốn học rồi. Nguyên vòng xe lại, chạy chầm chậm bên Quyên:
- "Cúp cua" há?
Quyên không cười như mỗi lần Nguyên đùa:
- Giáo sư bệnh nên em được nghỉ hai giờ cuối.
Nguyên biết Quyên chưa muốn về nhà trong giờ này nên đề nghị:
- Vậy thì trở lại nhà anh chơi.
Quyên gật đầu, chiều nay cô nàng có vẻ ít nói, nét mặt đăm chiêu khác hẳn thường ngày. Nguyên bảo Quyên ngồi chơi ở phòng khách, rồi đi mở hết cửa sổ và vào phòng ngủ cuốn màn, xếp mền gối cho gọn gàng. Sống một mình trong căn nhà nên đâm ra làm biếng, có khi cả tuần chưa xếp mền gối một lần. Quyên đứng bên khung cửa sổ nhìn ra vườn, nét mặt tư lự. Thường ngày thấy Quyên là thấy nụ cười trên môi, ánh mắt trong sáng và giọng nói reo vui.
Nguyên quen với ba chị em Quyên đã lâu. Hương, chị Quyên, khoảng tuổi của Nguyên, đã đi làm. Quyên và em là Mai vẫn còn đi học. Nguyên đối với Hương như bạn, đối với Quyên và Mai như em gái. Hương có cái khôn ngoan, chững chạc của người đã ra đời. Quyên thùy mị, sống nhiều về nội tâm. Mai liếng thoắng, nghịch như con trai.
Quyên đứng im lặng ngước nhìn mấy trái vú sữa trên cành đang ngã qua màu tím. Nguyên muốn cho Quyên vui:
- Để anh hái vú sữa cho em.
Quyên lắc đầu:
- Không. Anh dạy cho em Tango.
Nguyên cảm thấy hôm nay Quyên có gì khác lạ. Nguyên dạy cho ba chị em Quyên nhảy đã khá, đã lên sàn nhảy được rồi. Quyên thích nhất Tango và Nguyên cũng đã truyền hết nghề cho Quyên vì Quyên nhảy Tango rất đẹp. Quyên bước đến mở máy, chọn bản Tango mà lần đầu tiên Nguyên dùng để dạy cho Quyên.
Buổi chiều mùa thu thật yên tĩnh. Quyên bước đi rất nhẹ, suốt bản nhạc không nói một lời nào. Bản nhạc dứt, Quyên để lại bản nhạc đó một lần nữa và im lặng thả hồn vào mỗi bước chân... Hình như càng nhảy, nét mặt Quyên càng hiện lên một nét buồn khó tả. Nguyên thật băn khoăn, nhưng vẫn không hỏi gì. Nguyên hiểu rằng đàn bà con gái, vui buồn cũng như chuyện trời nắng, trời mưa ở xứ Huế. Nắng nhạt buổi chiều chiếu nghiêng qua khung cửa làm cho Nguyên thấy hai má Quyên bỗng nhiên hồng, rồi bước chân Quyên nặng dần, người Quyên như nhủn ra, tựa hẳn lên cánh tay Nguyên... Và đây là lần đầu tiên Nguyên thấy Quyên đẹp, nét đẹp của người con gái đang độ xuân thì.
Bản nhạc dứt, Quyên dừng lại và như người vừa chợt tỉnh một giấc mơ. Quyên ngước mắt nhìn Nguyên rất nhanh, nhỏ nhẹ như mọi ngày:
- Em về.
Hai người đi bộ dọc theo bờ sông An Cựu một đoạn, Nguyên nổ máy Velo cho Quyên và nhìn theo dáng người con gái với tà áo lụa căng gió khi xe qua cầu Phú Cam. Trong ba chị em, Nguyên cảm thấy Quyên gần gủi với mình hơn. Quyên ít nói, tế nhị, và săn sóc cho Nguyên từng chuyện nho nhỏ như kết lại cho Nguyên hột nút áo, mua dùm cho Nguyên bàn chải đánh răng, khăn mặt... Mặc dù Nguyên xem Quyên như em gái, nhưng Quyên rất ý tứ, lúc nào đến nhà Nguyên hay đi chơi cũng có mặt ba chị em. Chỉ thỉnh thoảng một vài lần Quyên có việc nhờ Nguyên đưa đi dùm, những lần đó, Nguyên để ý thấy Quyên trang điểm và mặc những chiếc áo dài mà Nguyên đã khen hoặc là màu áo đẹp, hoặc là kiểu tóc đẹp. Nhưng chưa lần nào Quyên có vẻ khác lạ như chiều hôm nay...
Đảo Phú Quốc có bề dài khoảng bốn mươi tám cây số, nhưng bề ngang thì không đều, một đầu lớn, một đầu nhỏ, trông giống như trái bầu. Đầu lớn có bề ngang khoảng mười lăm cây số, là quận Dương Đông, một thị trấn có phố, có chợ, có phi trường cho máy bay nhỏ. Hầu hết người dân ở đây đều sinh sống bằng nghề đánh cá, và đặc sản của Dương Đông là nước mắm, một nhãn hiệu nổi tiếng khắp miền Nam, nước mắm Phú Quốc. Đầu bên kia đảo chỉ rộng khoảng ba cây số, là xã An Thới, dân cư chừng hai trăm gia đình hầu hết sống bằng nghề chài lưới. An Thới cũng có vài căn phố buôn bán và một khu chợ nhỏ, nhưng An Thới thuần túy là một khu quân sự, đặc khu An Thới, phụ trách vấn đề an ninh trên toàn đảo Phú Quốc.
Trước ngày trao trả tù binh, có mặt tại An Thới gồm Địa Phương Quân, Hải Quân và Không Quân, những lực lượng này yểm trợ cho năm Tiểu Đoàn Quân Cảnh đặc trách trại giam Phú Quốc, một trại giam rất lớn, giam giữ khoảng bốn mươi ngàn tù binh Cộng Sản.
Sinh hoạt trên đảo Phú Quốc chỉ quy tụ ở hai đầu đảo và mỗi bên có một sắc thái khác biệt, cho nên có người nói đùa, đến Dương Đông thì ngửi mùi nước mắm, mà qua An Thới thì ngửi mùi tù.
Nguyên đứng cả buổi sáng ngoài bến tàu của căn cứ Hải Quân An Thới để nhìn những chiếc ca nô nhỏ của Hải Quân đưa dần người vào bờ. Những người chạy loạn từ trên mấy chiếc thương thuyền lớn đang buông neo ngoài khơi gần một tuần nay vì không được phép đổ người vào đất liền. Họ là thường dân, quân nhân, chạy từ các tỉnh miền Trung vào khi Huế, rồi Đà Nẵng bỏ ngỏ. Cái cảnh những đoàn người bồng bế nhau, mặt mày đầy nét đau khổ, sợ hãi chạy tránh bom đạn và Cộng Sản đối với Nguyên đã quá quen thuộc. Những lần như Quảng Trị thất thủ và những ngày trên Đại Lộ Kinh Hoàng của một Mùa Hè Đỏ Lửa, Nguyên đã sống, đã là người trong cuộc, đã nhìn, đã nghe, đã chia xẻ. Nguyên không nghĩ gia đình mình có mặt trong đám những người này, vì tuần trước, Nguyên gặp người quen ở Sài Gòn đưa thư nhà, và nhắn là ở lại Huế chứ không đi.
Trước mặt ồn ào với những tiếng than khóc, kêu réo tìm nhau của những người chạy loạn, sau lưng thì đinh tai nhức óc bởi những tiếng động cơ máy bay đáp xuống tới tấp trên phi trường quân sự An Thới nhỏ bằng bàn tay và có lẽ là phi trường có một vị trí khó đáp nhất. Những chiếc vận tải cơ màu trắng sơn cờ Pháp, cờ Canada, cờ Úc... đổ xuống những thùng mì gói, sửa, thuốc men... cho mấy chục ngàn người chạy loạn trên đảo.
Trại giam tù binh Cộng Sản Phú Quốc đã đóng cửa sau ngày trao trả tù binh, nay mở cửa một vài khu cho người tị nạn tạm trú. Những dãy nhà tranh, nhà tôn xiêu vẹo, hoang tàn làm tăng thêm nét đau thương, khốn khổ cho những người trong hoàn cảnh hiện tại. Nguyên đứng im lặng nhìn Đại Tá Thành, Đặc Khu Trưởng Đặc Khu An Thới, ra lịnh xử bắn ngay tại bãi biển mười mấy người đã cướp bóc, hãm hiếp đồng bào trên tàu... và bị nạn nhân chỉ mặt tố cáo ngay khi mới lên bờ.
Hai tai lùng bùng bởi tiếng súng, tiếng rú của máy bay, Nguyên cảm thấy chán nản, lên xe jeep trở về đơn vị của mình. Người Hạ Sĩ Quan Điều Hành đứng đón Nguyên trước cửa văn phòng:
- Chỉ Huy Trưởng vừa gọi xuống, ông muốn gặp Trung Úy.
Nguyên chào và bắt tay vị Chỉ Huy Trưởng. Ông ta cười cười chỉ về phía căn nhà ngang cạnh Bộ Chỉ Huy nơi dùng làm tư thất của ông:
- Có người quen muốn gặp cậu.
Nguyên bở ngỡ bước qua khung cửa. Trên chiếc ghế bố nhà binh, Quyên trong bộ áo ngủ bằng lụa màu vàng nhạt, đang dỗ cho đứa bé ăn hết bát mì gói. Trong lúc Nguyên không dấu được sự ngạc nhiên thì Quyên bình thản, ngước mắt lên nhìn và mĩm cười:
- Anh Nguyên.
Người đàn ông đang ngồi đọc báo trên chiếc ghế bố kế bên đứng lên bắt tay Nguyên rất thân mật:
- Tôi là Trân. Hôm nay mới được gặp anh, nhà tôi nhắc đến anh hoài.
Trân có cái vẻ lanh lợi của người chuyên làm áp phe và lớn hơn Quyên chừng mười tuổi. Quyên vừa dỗ cho con ăn, vừa yên lặng theo dõi câu chuyện giữa hai người đàn ông.
Đã gần tám năm, từ buổi chiều hôm đó, trước ngày rời Huế chừng một tháng, Nguyên gặp Mai, hỏi thăm Quyên, cô bé cười cười:
- Chị Quyên vào Nha Trang lấy chồng rồi.
Nguyên cứ nghĩ là Mai nói đùa, vì quê ngoại ở Nha Trang, mấy chị em vẫn thường vào đó chơi.
Thỉnh thoảng Nguyên quay sang hỏi thăm Quyên một vài câu. Nàng gầy hơn trước, nét mặt mệt mỏi vì những ngày chạy loạn. Bây giờ đã là người vợ, người mẹ, một người đàn bà chững chạc. Quyên không có vẻ ngạc nhiên khi nghe Nguyên kể lại một vài thay đổi trong đời mình, hình như nàng đã biết, đã theo dõi mỗi bước chân của Nguyên, và quả thật, có phải là sự tình cờ hay không, mà vừa lên đảo, Quyên biết ngay Nguyên đang công tác ở đây. Nguyên hiểu rõ tính Quyên rất giữ gìn ý tứ, khi nhắn gặp Nguyên là thật sự Quyên cần sự giúp đỡ của Nguyên trong hoàn cảnh khó khăn này...
Sáng hôm sau, Nguyên dàn xếp với người bạn đang làm Trưởng Trạm Hàng Không Quân Sự Phú Quốc để nhường chỗ máy bay của Nguyên cho Quyên đưa con về Sài Gòn trước. Buổi chiều Nguyên đưa Trân xuống tàu đánh cá, qua Rạch Giá rồi đón xe đò về Sài Gòn. Quyên có đưa cho Nguyên địa chỉ nơi Quyên sẽ tạm trú. Nguyên nhớ mang mán là Phú Nhuận, nhưng không hiểu lúc đó Nguyên nghĩ sao, mà ngày cùng đơn vị về Sài Gòn, lại không đến thăm Quyên, Hoàng Thị Tố Quyên...
Nguyên ra dấu cho nhà hàng tính tiền. Cô chiêu đãi viên mang đến cái khay nhỏ, một tấm business card nằm gọn trong khay. Nguyên ngạc nhiên, cô gái cười cười:
- Cô ngồi bàn bên kia đã trả cho ông rồi. Cô nói có hẹn phải đi ngay, nên gởi ông tấm danh thiếp này.
Nguyên cám ơn, bỏ tiền “típ” vào khay, cầm business card lên nhìn:
Lisa Lan Trần
Fashion Designer.
Tên của công ty thật xa lạ, và địa chỉ ở trên Hollywood. Nguyên lục trong trí nhớ xem có quen ai là Lisa không, nhưng trí nhớ của chàng lúc này hình như ngày càng kém đi. Hồi nảy, khi vừa ngồi xuống bàn, nhìn chung quanh, thấy bàn cách bàn mình một dãy, có cô Việt Nam ngồi chung với mấy cô Mỹ, ai cũng ăn mặc rất thời trang. Cô gái Việt Nam nhìn về hướng Nguyên mấy lần, có ý chào, nhưng Nguyên không nghĩ là chào mình nên không để ý đến. Họ có vẻ vội vàng, ăn xong là đi ngay.
Buổi sáng Nguyên có hẹn phải đi lên Los Angeles, khi xong việc thấy còn sớm, Nguyên quyết định đến gặp cho biết Lisa là ai. Mấy hôm trước có gọi điện thoại một lần, nhưng Lisa không có ở văn phòng, Nguyên không để lại lời nhắn.
Nguyên bước vào, chào cô thư ký và chìa tấm business card của mình:
- Tôi không có hẹn. Nhưng nếu cô nói tên tôi thì chắc Lisa sẽ tiếp.
Cô Mỹ tóc vàng, mắt xanh biếc, cười rất lịch sự mời Nguyên ngồi và cầm business card của Nguyên đi vào trong.
Nguyên ngồi đối diện với Lisa cách một chiếc bàn, chiếc bàn làm việc hình như quá lớn so với tầm vóc Á Đông của nàng. Lisa không đẹp sắc sảo, nhưng có nét, có duyên và có một lối nói chuyện thân mật, cởi mở, khiến cho người nào gặp nàng cũng thấy thích được kề cận.
- Anh không biết Lisa, nhưng Lisa biết anh. Lisa là nghĩa muội của chị Quyên.
Lisa dừng lại một lát, mắt quan sát xem nét mặt Nguyên biểu lộ như thế nào khi nàng nhắc đến Quyên, rồi Lisa nói tiếp:
- Anh Trân, chồng chị Quyên đã mất cách đây mười năm trong một tai nạn xe hơi. Chị Quyên để sinh sống đã tình cờ vào nghề này. Chị và em học cùng một lớp, nhưng khi ra làm thì chính chị nâng đỡ, cân nhắc em. Chị rất có năng khiếu và thành công ngoài dự tưởng của chính chị.
Lisa dặn cô thư ký là Lisa không tiếp khách, không trả lời điện thoại trong vòng một giờ. Nàng kéo tay Nguyên qua phòng hội, tự tay làm một tách cà phê mời Nguyên và chiếu cho Nguyên xem vài băng video thâu lại những sinh hoạt của Quyên với công ty trong thời gian qua.
Hai người ngồi yên lặng trong hai chiếc ghế da êm ái. Trên màn ảnh TV lớn, Quyên xuất hiện trước mắt Nguyên như một người xa lạ. Nàng ăn mặc sang trọng. Nàng thuyết trình lưu loát trước cả trăm người nghe. Sáng họp ở Paris với những nhà sản xuất, chiều hướng dẫn nhân viên trình diễn ở Luân Đôn...
Vừa thay một cuộn băng khác, Lisa vừa nói:
- Công ty của em mở chi nhánh ở Hollywood. Em về trước để tạo dựng cơ sở, và cái ghế của em đang ngồi đây là của chị Quyên đó. Chừng tháng sau chị sẽ về.
Nguyên hỏi câu đầu tiên:
- New York là đất dụng võ, sao Quyên lại về Cali?
Lisa trả lời tỉnh:
- Vì Cali có anh.
Nguyên im lặng. Lisa có vẻ bất bình:
- Thật sự là thời gian qua anh không biết tí gì về cuộc sống của chị Quyên sao? Unfair! Unfair! Unfair! Trong lúc nhất cử nhất động gì của anh, chị Quyên đều biết. Thậm chí anh thích màu gì, là chị Quyên cũng thích màu đó. Anh có biết chị đi xe gì không nè? Chị đi Jaguar đó.
Nguyên nhún vai:
- Tôi đâu có đi Jaguar?
Lisa hứ một tiếng, rồi ghé mặt sát mặt Nguyên, ngón tay trỏ dí dí vào trán chàng:
- Không phải anh đã phán là Jaguar thích hợp cho đàn bà Á Đông sao?
Nguyên chợt nhớ có lần ngồi luận về xe hơi với bạn bè, chàng cho rằng xe Jaguar hình dáng thanh nhã, cấu tạo bởi những đường cong dịu dàng, tựa như người đàn bà Việt Nam mặc chiếc áo dài, nên rất thích hợp với người đàn bà Á Đông, không ngờ câu nói này đến tai Quyên. Giọng Lisa vẫn còn vẻ hằn học:
- Công ty không muốn chị Quyên về Cali. Chỗ này không xứng với khả năng của chị. Chị phải năn nỉ mãi mới được đó. Chị chờ cơ hội này đã lâu rồi. Chị nói ngày xưa anh chê chị ngu ngơ, khờ khạo. Ngày nay chắc không đến nổi bị anh chê nữa đâu...
Lisa nói. Nói dùm cho người không có mặt, một cách nhiệt tình như chính chuyện của mình.
Nguyên không nói gì, chỉ ngồi xem những sinh hoạt của Quyên trên màn ảnh. Em đã lầm rồi Quyên. Những gì anh mong đợi nơi em, không phải là một người đàn bà sáng ở Paris, chiều ở Luân Đôn... Những người đàn bà như thế, anh đã gặp nhiều, trong tình cảm cũng như trên công việc. Anh thán phục họ về khả năng, về công danh, về tiền bạc từ hai bàn tay nhỏ bé của họ tạo dựng nên. Nhưng anh không mong đợi một người đàn bà như thế trong cuộc đời của anh. Anh chỉ mong đợi một người đàn bà thật là đàn bà mà thôi. Đơn giản như vậy, bảo thủ như vậy đó!
Lisa nói rất nhiều về Quyên và dặn dò Nguyên nhiều điều, tựa hồ như Nguyên và Quyên là hai vợ chồng xa cách nhau đã lâu, nay Lisa dàn xếp cho hai người chung sống lại với nhau.
Dúi vào tay Nguyên tấm business card của Quyên lúc đưa chàng ra cửa, Lisa còn ân cần dặn lần nữa:
- Nhớ gọi ngay cho chị Quyên nghe anh. Ngày nào chị về, anh và em đi đón chị.
Trong đầu Nguyên đầy ắp những hình ảnh xinh đẹp và sinh động của một người đàn bà đảm đang, tháo vác trong cuộc sống hôm nay, chứ không còn chút gì hình ảnh của Quyên, Hoàng Thị Tố Quyên, người con gái ngày xưa mà Nguyên đã dìu từng bước Tango vụng về trên sàn nhảy. Nguyên cảm thấy như vừa đánh mất một vật gì thân yêu mà mình đã cất giữ bao nhiêu năm rồi.
Quyên ơi, thật ra bây giờ em mới đúng là ngu ngơ, khờ khạo đó!