watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Huế: Có Gì Để nhớ? Có gì để thương? - tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Trung Nguyễn Phúc Vĩnh Trung

Huế: Có Gì Để nhớ? Có gì để thương?

Tác giả: Nguyễn Phúc Vĩnh Trung

Nếu khách đến Huế vào một chiều cuối Thu, ghé thăm Đại Nội, đứng yên lặng trước sân điện Thái Hòa, nhìn ánh nắng hoàng hôn vàng úa phủ lên những cung miếu, đền đài, tự nhiên thấy mình nhỏ bé và tâm tư hoàn toàn tràn ngập niềm cảm xúc trước cảnh:

Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt âm âm

Nơi đó, gần 200 năm trước, chói lòa ánh vàng son của một triều đại, của một vì vua đã từng bôn tẩu, nằm gai, nếm mật suốt 20 năm ròng rã mới dựng nên cơ nghiệp này! Và khi đất nước đã quy về một mối, chọn Huế để đóng đô, vua Gia Long ắt phải có cái dụng tâm của ngài. Đó phải chăng vì Huế, một nơi đầy phong cảnh hữu tình, thật là lý tưởng cho một người đã nửa đời bôn ba mệt mỏi, dừng chân, gác kiếm? Hay là vị anh quân này đã sáng suốt, muốn sự phân bố quyền lực của mình đến hai miền Nam, Bắc được công bằng, hợp lý. Và nhất là miền Nam, trong suốt thời gian tranh bá đồ vương, vua Gia Long đã sống rất nhiều ở miền Nam, ngài đã nhìn thấy sự trù phú và tương lai kinh tế của miền đất mới này, nên ngài muốn cánh tay của mình phải vươn tới, để tiện việc xây dựng, phát triển và bình định... Hay phải chăng đóng đô ở Huế, ngài đã làm đúng theo lời chỉ điểm của tiền nhân:

Hoành sơn nhất đái
Vạn đại dung thân

Và Huế, không phải chỉ với sông Hương, núi Ngự, với cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp mà đủ gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người đến thế, mà chính Huế, dấu tích của lịch sử, với đền đài, cung miếu, lăng tẩm, cùng với cái cung cách vương giả của một triều đại, ít nhiều đã thấm nhuần trong nếp sống của người dân. Cho dù thuở vàng son đã phai mờ, nhưng vẫn còn nét kiêu sa, thật quyến rũ, thật say đắm lòng người. Cho dù hôm nay chỉ là một thành phố với cuộc sống hiền hòa, trầm lặng, với bóng dáng của một:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Thành cũ, lâu đài, bóng tịch dương...

Huế vẫn khiến cho người đến, người đi, người nhớ, người thương. Thương ai? Nhớ ai? Thương gì? Nhớ gì? Có người đi xa, khi tự hỏi, vẫn còn mơ hồ không trả lời cho chính mình được. Nhưng chỉ biết nếu một ngày có dịp trở lại, dù bằng đường bộ từ hướng Nam ra, vừa qua đèo Hải Vân, tuy còn cách cả trăm cây số, chợt thấy ấm cúng như đã ở trong vòng tay của Huế. Hoặc dù đến bằng máy bay, vừa đáp xuống phi trường Phú Bài, khách đã thấy như hơi thở của Huế mơn man trên mặt mình như một nụ hôn cho người tình cũ, cho đứa con lãng tử trở về mái nhà xưa...

Thôi, đừng lặng yên đứng ngẩn ngơ trước đền đài, cung miếu. Đừng vọng động, đưa bàn tay dù là nhẹ đẩy cánh cửa hoàng thành bụi phủ, rêu phong, cũng có thể làm vỡ đi những hình ảnh của xiêm áo lụa là, của trâm cài, lược dắt... Hãy trở gót bước qua cửa Ngọ Môn, đứng trên bến Vân Lâu lặng ngắm giòng sông Hương, con sông được mệnh danh là linh hồn của Huế. Con sông mang một cái tên rất thơ mộng: Hương Giang. Hương Giang biểu tượng cho người con gái đất Thần Kinh, dịu dàng, mơ mộng, và đa tình... Tất cả những nét độc đáo đó đã tạo cho sông và người một sức quyến rũ vô cùng, say lòng người lúc nào không biết, cầm chân khách lúc nào không hay... Nhân gian tương truyền, sông mang tên Hương Giang từ thuở triều Nguyễn còn hưng thịnh, đất nước còn thái bình, nhất là từ triều vua Tự Đức, văn chương thi phú được phát huy khích lệ trong cả nước. Riêng chốn Thần Kinh, cứ những đêm trăng sáng, Hương Giang là nơi quy tụ của các vương tôn, công tử, của các tao nhân mặc khách. Trên những chiếc thuyền trôi theo mặt nước lững lờ, khách và kỹ nữ ngồi cách nhau bởi một lư trầm nhỏ, uống ruợu, ngâm thơ, đánh đàn, ca hát... Mùi trầm hương bay tỏa cả một khúc sông, và phải chăng hai chữ Hương Giang có từ thuở đó?

Khách đến Huế mà chưa một lần hưởng cái thú này thì thật là đáng tiếc. Cái thú vui trên sông Hương đã thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh xã hội. Từ cái thuở khách chỉ là người đi tìm một hồng nhan tri kỷ trong những thú vui tao nhã, và kỹ nữ là những kẻ chỉ bán nghệ nuôi thân. Đêm đêm trên sông, mang tiếng đàn, câu ca mua vui cho người. Cuộc vui tàn, khách rũ áo ra đi. Nỗi cô đơn đó, tâm sự đó, mấy ai hiểu thấu?

Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa
Vội vàng chi trăng sáng quá khách ơi!

Nhưng người đến, người đi, sao giữ được chân người?

Xao xác canh gà, trăng ngà lạnh buốt
Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi
Du khách đi, du khách đã đi rồi!...

Cho đến một thời điểm gần nhất mà lịch sử đã xoay chuyển trên mảnh đất Thần Kinh này, như những năm đầu của thập niên 70, Huế chìm ngập trong lửa đạn, những thú vui trên sông Hương đã thay đổi, trần tục hơn, vội vàng hơn theo nhịp độ của chiến tranh. Người đến, đến từ cao nguyên đất đỏ, đến từ miền Nam ruộng đồng bát ngát, họ là những người trai chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh. Dừng chân ở Huế đêm nay, ngày mai, họ vượt sông Thạch Hãn, tăng cường ra Cam Lộ, Gio Linh, tiến quân lên Khe Sanh, Khe Gió... Có gì đâu mà tiếc? Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!

Khách đến thăm Huế, không phải chỉ bị hấp dẫn bởi những đền đài, cung miếu, lăng tẩm đầy sắc thái nghệ thuật và hàm chứa tâm ý của mỗi vì vua đã tạo dựng nên nơi yên nghĩ ngàn thu của mình. Cũng không phải chỉ với đàn Nam Giao, đồi Vọng Cảnh, chùa Thiên Mụ, bến Vân Lâu... mà chính là cái vẻ trầm buồn và bình dị trong cuộc sống hôm nay của Huế, tựa hồ đang cố tình che lấp những nét kiêu hãnh của đấng quân vương đã một thời vàng son, nay sa cơ thất thế...

Ai ghé thăm Huế cũng công nhận Huế thật tĩnh, thật buồn, thật thơ mộng, thật lãng mạn, thật quyến rũ. Nhưng Huế không phải lúc nào cũng là mặt nước hồ thu. Dưới cái nét u tình đó, là những luồng sóng ngầm. Bởi vậy, đừng nghĩ bức tường cổ kính rêu phong nào của Huế cũng vững chắc qua thời gian, thì sẽ không phải ngạc nhiên khi thấy một bàn tay nhỏ nhắn, tưởng chừng như chỉ biết kéo nghiêng vành nón bài thơ, mà đã dám xô ngã những gì là nề nếp, những gì là khuôn phép. Gái Huế bản tính dịu hiền, khó theo, khó chinh phục, nhưng khi đã yêu thì tình như thể keo sơn, chặt như lấy quai nón bài thơ cột lại. Khi đã yêu, thì dám yêu, dám hận. Và trai Huế rất đa tình, lãng mạn. Khi yêu, ngai vàng cũng bỏ:

Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi...

Những ngày trước khi binh lửa tràn qua, đưa thành phố hiền hòa này trở thành Vùng Hỏa Tuyến, những người đàn bà Huế với chiếc áo dài mỗi khi ra khỏi nhà, dù là một mệnh phụ hay một cô bán gánh hàng rong, dù là áo gấm hay áo vải đã vá nhiều mảnh, những hình ảnh đó, cung cách đó, đã một thời làm bối rối khách phương xa.

Ai đã từng ở Huế, dù chỉ là một thời gian ngắn ngủi, tại một vùng nào đó như Thành Nội, An Cựu, Bến Ngự, Kim Long hay Vĩ Dạ... Phải, Vĩ Dạ, sao không thử về thăm một lần như Hàn Mặc Tử đã mời:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên...

Khách khó lòng tìm thấy ở đâu, những căn nhà xưa cổ đã truyền lại cả hai, ba đời, với những mái nhà ngói phủ kín rêu phong, với những cột nhà bằng gỗ bóng loáng, vẫn còn rắn chắc không mối mọt, với dãy hành lang dài cùng với hàng cây sứ ngoài sân, tựa như một tấm bình phong kết lại bởi những bông hoa trắng nõn, nhả hương thơm ra tận cổng. Và thật lý tưởng cho những buổi trưa hè, treo một chiếc võng nơi đây để tìm giấc ngủ, một giấc ngủ miên man giữa tiếng ve kêu vang trong khu vườn xanh mướt. Hầu như nhà nào ở Huế cũng có một khu vườn rộng, với những cây cau trồng ngay hàng thẳng lối. Dưới gốc cau, thường đặt một cái lu để hứng nước mưa. Nước mưa từ thân cau chảy vào lu qua một cái bẹ cau được bó sát vào gốc cau. Nước mưa dùng để pha trà và chưng lên bàn thờ cho tinh khiết. Những cây bưởi trái ngọt như đường. Những cây nhãn trái nhỏ, hột nhỏ nhưng cơm dày, ngọt và thơm, loại nhãn dùng để tiến cung. Vườn này cách vườn kia bằng những hàng chè tàu, được tỉa xén thẳng tắp, hoặc bằng những hàng hoa Lài, hoa Tường Vi...
Lưu lại đây vào mùa hè, khách có thể buổi sáng thức giấc đã được thưởng thức mùi hoa Lài, hoa Tường Vi nở trong nắng sớm. Khi nắng đã lên cao, ngọn gió hè đong đưa những buồng cau mới trổ bông, khiến mùi bông cau thoang thoảng khắp vườn. Cho đến nửa đêm, mùi hoa bưởi ngạt ngào theo gió đưa đi, thơm ngát cả một vùng và réo rắt đâu đây, tiếng đàn tranh của ai đang tấu bản Đêm Tàn Bến Ngự...
Thơ thẩn dạo quanh vườn, khách có thể bất chợt nhìn qua vườn bên, một mái tóc thề ngồi tựa gốc bưởi đang đọc sách hay học bài, cái hình ảnh mà một lần Hàn Mặc Tử đã bắt gặp:

Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền...

Và có thể khu vườn nhỏ bé ở Kim Long hay Vĩ Dạ đó bỗng chốc đã trở thành mê hồn trận, rồi cả kinh thành Huế cũng không lớn hơn khu vườn của nhà nàng. Và ngõ nào xuống Phú Bài, lối nào vào Đà Nẵng, liệu khách còn nhớ đường về hay chăng?

Thương Huế, thương cảnh, thương người. Nhớ Huế, nhớ cả những ngày đông rét mướt, mưa tưởng chừng không bao giờ dứt, cái kiểu mưa mà người dân Huế gọi là mưa thúi đất. Nhớ những ly cà phê Lạc Sơn, những gánh bún bò An Cựu, những cái bánh khoái nóng hổi trước cửa Thượng Tứ. Nhớ những ngày hè nóng nẻ đầu, gió hạ Lào thổi về ửng hồng đôi má của người gái Huế. Mùa hè với những ly chè Cồn, chè bắp đầu mùa thơm và ngọt lịm, những dĩa bánh bèo Thiên Mụ, ăn rồi nắm tay nhau vào chùa nguyện cầu Bồ Tát phù hộ cho mộng ước thành. Nhớ những hàng phượng trước cổng trường Quốc Học, Đồng Khánh, hoa nở rực như một tấm thảm đỏ trải dài, bắt đầu những bước hoa mộng của một thời thanh xuân, của những mối tình diễm tuyệt...

Thương Huế, thương những ngày Huế quằn quại dưới lằn tên, mũi đạn của một Tết Mậu Thân, của một Mùa Hè Đỏ Lửa, của những lần di tản, của một Đại Lộ Kinh Hoàng, rồi của những ngày nhẫn nhục nuốt lệ đổi đời...

Và cứ mỗi lần như vậy, Huế lại điêu tàn hơn, người bỏ Huế mà đi nhiều hơn. Đi nhưng vẫn mang linh hồn của Huế theo trong tâm khảm và trân trọng để lại một phần dĩ vãng của đời mình cho Huế cất giữ. Đi như loài chim thiên di, đợi một ngày khi mùa xuân trở lại, sẽ quay về tổ ấm...

Các tác phẩm khác của Nguyễn Phúc Vĩnh Trung

Bài Tango Năm Nào