watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Mùa Xa Nhà-chương Kết - tác giả Nguyễn Thành Nhân Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

chương Kết

Tác giả: Nguyễn Thành Nhân

Ðầu mùa mưa năm ấy, Tiểu đoàn được lệnh chuyển cứ. Tiểu đoàn trưởng Bảo ra chỉ thị nghiêm cấm không được tháo dỡ bất cứ thứ gì, toàn bộ nhà trại đều phải giữ nguyên vẹn để bàn giao lại cho một tiểu đoàn của E 14. Thế nhưng nơi chuyển đến lại là một cánh rừng thưa, ở xa dân, phum gần nhất cũng cách đó bảy tám cây số. Những người lính một lần nữa làm lại từ đầu, nào xây dựng căn cứ nhà trại, nào đi đốn cây rừng về làm cột kèo, đào đắp giao thông hào, công sự chiến đấu... Ai cũng buồn. Không phải vì họ sợ vất vả khổ cực. Họ buồn vì đã quá thân quen gắn bó với địa hình cũ, với dân. Những lối mòn giữa các tiểu đội và từ trung đội này sang trung đội kia quen thuộc đến nỗi họ có thể nhắm mắt đi lại vẫn chẳng lạc đường. Hoa mười giờ, hoa sam Thái trồng từ năm ngoái dọc theo các lối đi, trong những bồn đất trước hiên nhà đang ở thời điểm xum xuê nhất, lá mướt xanh và hoa nở rộ khắp nơi trong những ngày nắng ấm. Nhà cửa vừa được sửa sang. Cả những con chim sẻ và sáo rừng cũng trở nên quen người dạn dĩ, chúng đáp xuống hàng bầy trước hiên nhà mỗi giờ cơm để chờ những người lính ném cho vài nắm cơm thừa. Ai cũng có những gia đình thân thiết ngoài phum, có những mẹ cha, anh em kết nghĩa. Tất cả những thứ ấy, lớn hoặc nhỏ, quan trọng hay không, đều đã góp phần vun đắp nên Tình cảm - Sự thân thương, đã an ủi, giúp họ vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Nhưng biết làm sao, đời lính là một chuỗi những chuyến đi, một chuỗi những gặp gỡ, chia ly tiếp nối. Có tiếc nuối, vấn vương gì cũng chỉ thêm nặng lòng thôi.
Các trung đội khẩn trương đi đốn tre, cắt lá, đưng, đánh tranh, để tới địa bàn mới là có thể bắt tay dựng nhà ngay.
Sau hai tuần chuẩn bị, họ lên đường vào một ngày đẹp trời tháng Tư. Mỗi trung đội đã cố xoay xở mượn được đôi ba chiếc xe bò để chở tranh lá, đồ đạc. Hôm Huy ra phum mượn xe, gặp me của Soun, anh dừng lại hỏi thăm bà, và báo cho bà biết đơn vị sắp dời đi nơi khác.
- Ði đâu nữa? - Bà thảng thốt kêu lên.
- Tới đóng trại ở gần phum hoang phía Bắc cách đây chừng ba chục cây số me ạ. Còn ở đây sẽ có một đơn vị khác về ở.
- Vậy sao không để họ tới đó, còn các con vẫn ở đây?
- Không được me ạ. Ðó là nhiệm vụ, là kế hoạch của cấp trên. Bọn con phải chấp hành thôi.
Me lắc đầu buồn bã. Huy chào bà, gửi lời thăm Soun rồi vội vã đi tới các nhà có xe bò để hỏi mượn. Anh tự động viên mình, đừng buồn làm chi vô ích, rồi thỉnh thoảng khi có điều kiện nhất định anh sẽ về đây chơi thăm mọi người, thăm Soun.
Vậy nhưng khi đoàn xe bò vừa ra khỏi Cứ, Huy đã nhìn thấy Soun đứng ngong ngóng giữa hàng chục đàn bà trẻ nhỏ. Họ đứng đó chờ chào từ giã những người lính. Soun chưa nhìn thấy Huy ngay vì anh lẫn vào giữa đám lính tráng, giữa những xe cộ chất cao đồ đạc, cô đưa mắt kiếm tìm, vẻ nôn nao, bối rối và buồn bã.
Huy vẫy tay hét lớn:
- Soun ơi!
- Boòng Huy! – Soun kêu to mừng rỡ, rồi im bặt. Cô chợt nghẹn ngào muốn khóc, và không biết nói gì.
Huy nhìn đôi mắt đỏ hoe của cô, xúc động. Cả anh bây giờ cũng không biết phải nói gì. Biết bao nhiêu chuyện dồn dập đến: C13 xoá sổ, Quân chết, me Sa Rinh chết, Sa Piên bỏ nhà đi, cả con Chíp mà Ụ Mối để lại cho Huy cũng bị cúm và lăn ra chết từ lâu....Tất cả đã làm Huy như chìm đắm trong nỗi buồn đau. Anh ít ra phum, ít gặp Soun, và tệ nhất đã quên khuấy đi cả lời hứa sẽ làm một chiếc đèn dầu tặng cô. " Sao lúc này mình mới chợt nhớ ra!" - Huy thầm kêu lên, thấy giận mình ghê gớm. Ðôi chân Huy vẫn vô thức bước theo đoàn xe, trong lúc anh ngoái đầu lại, nhìn Soun không chớp mắt. Khi đi được một quảng, Huy mới kịp la lên:
- Soun ơi, đừng buồn. Anh sẽ về thăm Soun... Anh sẽ làm cho Soun một cây đèn dầu, đẹp hơn cây đèn kia nữa!
Huy không thể rời mắt khỏi dáng vóc nhỏ nhắn thân thương của Soun cho đến khi lớp bụi mù cuộn lên, và những rặng dâu xanh ngắt đã che khuất mất cô. Ðôi mắt buồn rầu hoe đỏ của Soun vẫn còn ám ảnh Huy mãi cho tới khi anh tới điểm dựng cứ mới.
Khối trực thuộc Tiểu đoàn đến vị trí vào giữa trưa. Mọi người ngao ngán nhìn những bụi rậm đầy gai góc, và những dây mắt mèo lũng lẵng trái đầy lông. Chúng đu đưa theo gió, như thể đang ngấm ngầm đe dọa: "Hãy tránh xa bọn tớ ra, nếu không các cậu sẽ nếm mùi đau khổ!".
Họ nhanh chóng tháo dỡ đồ đạc, tranh lá khỏi xe, cám ơn và tiển mấy người dân đánh xe về, rồi ngay lập tức bắt tay vào việc.
Họ làm quần quật đến sẫm tối, trừ lúc nghỉ ăn cơm vào lúc xế trưa. Ai nấy đều đói như cào, mệt bã người. Gai cào xước những đường dài trên mặt họ. Dù không dám ở trần để tránh bị lông mắt mèo, nhưng cả người họ vẫn ngứa ran lên. Lúc đang làm cơn ngứa dịu đi, nhưng giờ đây, chúng tha hồ làm tình làm tội mấy người lính. Thứ lông mắt mèo không gãi thì còn đỡ, càng gãi, cơn ngứa càng tăng, gãi đến trầy da tóe máu cũng chả ăn thua. Họ đốt lửa lên hơ cho đỡ ngứa một lúc rồi ra suối, cách đó chừng hai trăm thước tắm táp, chuẩn bị cho bữa cơm tối.
Ngày hôm sau, lúc đang phát quang, Thuận phát hiện ra một tổ ong mật rất to. Anh vơ mấy nhúm cỏ và nhánh cây khô đốt lên để xông tổ ong. Lũ ong bị quấy rối bay tán loạn, đuổi theo tấn công họ. Mọi người bỏ chạy ra phía suối, nhảy ùm xuống lặn tránh hồi lâu mới thoát khỏi chúng. Cuối cùng Thuận cũng lấy được gần hai bình toong mật ong vàng sánh. Lúc Thuận đưa cho Huy bình toong mật, kêu anh nếm thử thì Tiểu đoàn trưởng Bảo tới.
Dạo về sau này Bảo có phần nào thay đổi. Anh dịu đi, bớt cáu gắt với anh em, không còn đánh đập hay chửi lính. Anh cũng bớt uống rượu đi. Thậm chí lúc này trông Bảo còn có vẻ cởi mở, vui vẻ. Anh mỉm cười khi bước tới gần, bảo Huy:
- Chà, 12 ly may nhỉ, được bọn ong cho mật và đuổi đốt một trận tưng bừng!
- Kinh quá anh Bảo! Không có con suối chắc đứa nào cũng mập mình với lũ ong rồi.
Huy chìa cái bình toong cho Bảo:
- Anh Bảo nếm thử xem sao.
Bảo cầm lấy, nốc một ngụm nhỏ, rồi khen:
- Khá lắm - Anh nhìn quanh - Thôi anh em tiếp tục làm đi. Cố cho xong để còn đào giao thông hào và công sự. Tớ đi sang bên ÐK đây.
Bảo đi. Huy chuyền chiếc bình toong cho anh em mỗi người nhấp một ngụm. Sau đó, họ tiếp tục.
Ðêm hôm đó, khoảng giữa khuya, trời đổ mưa như trút. Mọi người chỉ mắc võng dưới những táng cây chứ không có thì giờ làm lều. Lúc đầu họ còn ngáy ngủ và quá mệt mỏi nên vội bung tấm lylon ra trùm lên võng rồi ngủ tiếp. Nhưng mưa to quá, mỗi lúc một nặng hạt hơn. Một lúc sau, nước mưa len lỏi theo dây võng chảy xuống, làm lưng quần áo của ai cũng ướt sũng, lạnh tê. Không sao ngủ tiếp, họ đành ngồi dậy cởi quần áo ra, choàng tấm nylon lên người, rồi xúm lại bên nhau tán dóc chờ trời sáng.
Mưa luồn qua những tầng lá rơi xuống, chạm vào lớp nylon trên đầu những người lính tạo thành một chuỗi lốp bốp đều đều. Mưa ngấm vào lớp lá mục dưới đất, gặp hơi đất ấm nồng, tỏa lên thành sương nghi ngút. Cả trung đội ngồi ghé vai nhau vừa nhìn hơi sương tỏa quanh mù mịt, vừa chuyện trò khe khẽ, lâu lâu một ai đó chợt bật cười khúc khích hoặc húng hắng ho. Câu chuyện của họ lan man trên trời dưới đất, nối dài không dứt như mưa. Ðêm tưởng chừng như dài vô tận cuối cùng cũng qua đi, nhưng mưa vẫn còn dai dẳng.
Mưa rơi tiếp suốt cả ngày hôm sau, lúc to lúc nhỏ. Mọi người vẫn làm dưới cơn mưa, nhưng tốc độ giảm đi. May là những ngày sau đó, trời nắng ráo và ấm áp. Nhưng vì sợ trời lại mưa gây trở ngại, mọi người ráo riết làm quên cả nghỉ ngơi. Huy xoay như chong chóng, hết đẽo cột quay sang đào công sự, rồi lợp tranh... không còn biết mệt. Cà người anh giờ hệt như một khối thép dẻo, muốn uốn lượn, muốn đập dẹp vỗ tròn gì thì chất thép bên trong vẫn không suy suyển. Không chỉ là thép, mà còn có lửa! Lửa hồng trong anh đang cháy, bừng bừng, mỗi lúc một nóng đỏ hơn lên. Thỉnh thoảng, trong những lúc dừng tay vấn một điếu thuốc rê, Huy lại thấy lòng nhói lên nỗi nhớ Quân. Quân chiếm một chỗ quá lớn trong lòng anh. Anh không nhận ra điều này lúc Quân còn sống, nhưng giờ đây anh đã biết. Mỗi khi nghĩ đến Quân, Huy buồn không chịu nỗi. Một cảm giác mất mát, xót xa gần như là đau đớn về thể chất làm Huy muốn quỵ ngã xuống, làm Huy muốn gào khóc lên nức nở, gào khóc như điên như dại, cho cả đất trời, cả nỗi đau của anh cũng tan thành nước mắt trôi đi. Nhưng cả việc gào khóc đó cũng chỉ diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ trong tim. Nước mắt không chảy ra ngoài, trên khóe mắt. Chúng biến thành máu đen và mật đắng, chảy ngược về tim.
Cuối cùng thì đâu cũng vào đấy. Nhà cửa, đường đi lối lại, hầm hào công sự đều khang trang tươm tất. Ðơn vị được nghỉ ngơi an dưỡng ít lâu. Những ngày rảnh rỗi, Huy cùng mấy anh em khác ra suối câu cá, mò chem chép. Lúc đầu họ còn thong dong ngồi buông câu như Khương Thượng Tử Nha thả nhợ chờ minh chúa, ít lâu sau đó họ lấy mùng ra làm lưới kéo, nhưng đi lên đi xuống, quậy đục ngầu cả một quảng suối dài, cũng chỉ được vài con cá tép nhãi nhép chả bỏ dính răng. Chẳng mấy chốc, cá cua tôm tép hết sạch sành sanh vì hàng trăm con người ngày nào cũng câu, cũng bắt. Phải trồng trọt chăn nuôi để cải thiện bữa ăn, không thể lạm dụng thiên nhiên một cách quá đáng như vậy nữa - Huy thầm nghĩ - nhưng từ giờ đến khi ung dung hưởng thụ thì... muối ớt, mắm kem cái đã!
Mấy hôm sau, cả trung đội tập trung dẫy cỏ, cuốc đất lên luống trồng rau, dựng giàn bầu bí. Hạt giống rau muống vẫn còn khá nhiều, đủ để gieo năm luống lớn, lại có một ít hạt đậu ván của me Sa Rinh cho dạo trước chưa gieo hết. Khoảng nửa tháng sau, họ bắt đầu có rau xanh thêm vào những bữa cơm.
Dần dần, trung đội cũng thấy thích thích cái chỗ ở mới này. Mấy căn nhà dựng dọc ven bờ suối. Phía ngoài là những cụm cây rậm rạp buông những chùm rễ xòa ra mặt nước. Không khí lúc nào cũng man mác một làn hơi nước ẩm ướt. Sáng sáng, không gian tràn ngập tiếng chim kêu hót véo von. Thỉnh thoảng, có một con họa mi đến đậu ngay trước đầu hồi, cất giọng hót suốt đêm. Tiếng hót ngọt ngào làm những người lính ngồi gác quên đi buồn nhớ, tiếng hót như những khúc ca êm êm dìu dịu len lén rót vào tai những người đang thiếp ngủ, mang về những giấc mơ đẹp, an bình. Bỗng dưng những người lính cảm thấy mình giống như những nhà ẩn sĩ, mặc khách tao nhân, lánh chốn phồn hoa tìm đến đây hưởng cảnh an nhàn.
Một buổi trưa ra suối tắm, Huy gặp Thái, B phó trinh sát. Hai người trò chuyện vu vơ một hồi, Thái bảo:
- Tối nay tụi tui đi bám ở mạn đông phum Chan Ðai....
Ðang lơ đễnh, Huy chợt giật mình khi nghe hai tiếng Chan Ðai. Bỗng dưng một nỗi nhớ cồn cào dâng ngập hồn anh. Nhớ me Sa Rinh. Nhớ Buk Hô. Nhớ Sa Piên. Nhớ hai anh em thằng Kan. Nhớ hai chị em Cà Mum, Khla. Nhớ mẹ của Soun... Nhưng nhớ nhất, nhớ hơn tất cả... là Soun! Huy bỗng nhận ra điều đó. Anh nảy ra một ý, cắt ngang lời Thái.
- Nè, ông cho tui đi với. Khi về mình cắt qua đầu phum, mấy ông chờ tui ở ngoài, tui vào thăm người quen một tí.
Thái nhe răng cười:
- Phải con nhỏ Soun "mắt huyền" không? Cả tiểu đoàn ai cũng biết rồi đó nghe Huy! Ðược rồi, chiều sang tui ăn cơm uống trà rồi cùng đi.
Suốt buổi chiều ấy Huy nôn nao mãi. Từ lúc đến đây, ít khi anh nghĩ tới Soun. Nhưng hình ảnh cô đã gần gũi, thân thương lắm, đã chiếm một góc, nhỏ nhoi khiêm tốn thôi, mà vô cùng quan trọng trong trái tim, tâm hồn của anh. Mỗi lần nhớ Soun, lòng Huy lại rộn lên một cảm giác vừa ấm áp, trìu mến, vừa nôn nao xao động lạ lùng. Lần đầu tiên, Huy nhận ra mình không bao giờ có thể quên được người con gái ấy. Lần đầu tiên anh ngượng ngùng tự thú với mình: " Vậy là mình thương Soun thật rồi! Soun ơi, anh thương Soun thật rồi đó, biết không!". Cả buổi trưa anh không ngủ. Anh lục lọi trong ba lô, lôi ra mấy cái lọ thủy tinh đựng thuốc, chọn tới chọn lui, rồi ngồi hý hoáy làm một chiếc đèn dầu để tặng Soun như đã hưá. Ðây là chiếc đèn đẹp nhất Huy đã làm từ trước đến nay. Trước kia, đơn giản anh chỉ làm một chiếc đèn để thắp sáng trong đêm. Còn hôm nay, anh làm nó với yêu thương và một niềm vui rộn rã.
Toán trinh sát và Huy đi suốt đêm hôm ấy, cắt một đường zích zắc hướng về điểm tọa độ ở cánh rừng mạn đông. Khoảng ba giờ sáng họ đến điểm, nghỉ ngơi một lúc, giở cơm vắt ra ăn, rồi tiếp tục nằm phục cho đến hết ngày hôm sau. Họ không phát hiện được gì lạ. Một ngày dài dằng dặc trôi qua. Ráng chiều chuyển từ đỏ rực sang vàng rồi tím mờ dần sau dãy núi. Khi đêm buông xuống được một lúc, họ bắt đầu cắt xéo về hướng đầu phum. Ðến cây gạo cổ thụ nằm ngoài bìa phum, ba người lính trinh sát dừng lại. Họ tản ra thành ba đỉnh của một hình tam giác, ngồi núp sau những bụi cây, Huy men theo những gốc cây, bụi rậm tiến vào phum.
Vừa chập tối không lâu, nhưng không khí trong phum khá tịch mịch im lìm. Anh em E 14 vừa mới tới đây, lạ nước lạ cái, chắc hẳn đêm không ra phum chơi như bọn anh ngày trước. Vài ba nhà mới có một nhà thắp đèn, cả phum tối om, buồn thiu cả ruột. Huy vừa thận trọng luồn lách qua những lớp rào gỗ thưa vừa lắng nghe động tĩnh. Thận trọng như thế không phải là vô ích. Ở những phum vùng hẻo lánh như thế này, hầu như nhà nào cũng có con cháu đi theo địch. Tuy họ vẫn có cảm tình với bộ đội Việt Nam, nhưng con cháu họ, những tay chạy theo Polpot ấy, tất nhiên là không thể giở chuyện tình cảm ra để nói nếu như bất ngờ hai bên chạm trán nhau. Huy nhớ có một lần, anh và Già Hương ra chơi nhà tà Nuốc, nhập nhoạng tối, ông già bảo:
- Hai con đi về nhà đi, hôm khác ra chơi, bây giờ không tiện đâu.
Huy hơi thắc mắc khi thấy thái độ khác lạ của ông, ngày thường, ông rất vui khi có anh em đến chơi, trò chuyện. Khi cả hai đi khỏi nhà ông cụ một đoạn, Già Hương giải thích:
- Ổng muốn tránh đụng độ giữa tụi mình và thằng cháu ổng. Cháu ổng theo địch mấy năm nay. Lâu lâu nó ghé về xin gạo xin tiền ông già.
- Vậy ổng không sợ mình ra phục bắt cháu ổng sao Già Hương?
- Ổng biết anh em mình đâu có chơi hèn như vậy. Ðụng nhau ngoài chiến trường thì khác, nhưng những lúc này, nó về không phải là để gây hấn với mình, mình có biết cũng làm lơ đi là tốt nhất.
Lúc này, Huy mới hiểu trọn vẹn ý nghĩa câu nói của Già Hương khi anh ở vào một hoàn cảnh tương tự. Anh lẻn vào phum chỉ để thăm Soun, anh thật sự không muốn chạm trán, nổ súng hay thậm chí một sự um xùm không cần thiết. Nhưng anh vẫn phải nổ súng nếu như tình thế bắt buộc. Ðể khỏi phải rơi vào một tình thế bắt buộc như vậy, thận trọng một chút chẳng có gì là quá đáng.
Ðã tới chân cầu thang của nhà Soun. Huy đứng im một lúc, ngẩng đầu nhìn lên trên nhà. Trong nhà đã tắt đèn. Không biết hai mẹ con Soun còn thức hay đã ngủ. Huy đưa tay vỗ vào túi quần, chiếc đèn dầu vẫn ngoan ngoãn nằm yên ở đó. Anh nhẹ nhàng bò lên những bậc thang. Tới bậc cuối, anh dừng lại, ép người vào thanh gỗ, ngồi im như bức tượng một lúc lâu. Thời gian lắng đọng, ngừng trôi. Là mấy phút, mấy giờ, hay đã mấy thế kỷ trôi qua? Tri giác của Huy đối với thời gian ngưng hoạt động. Trong đầu anh lúc này chỉ còn những hình ảnh của Soun. Soun, áo trắng đơn sơ, mắt to ngơ ngác như một thiên thần, len lén nhìn anh lần đầu ở tiệc cưới. Soun thẹn thùng e ấp khi anh mời ra nhảy. Soun đỏ mặt khi nghe con Chíp léo nhéo mấy câu anh dạy để chọc cô. Soun cúi mặt mơ màng, mái tóc dài rối xỏa, hàng mi cong chơm chớp hôm vào Cứ với Sa Piên. Soun, đôi mắt đỏ hoe buồn bã nhìn theo lúc anh dời Cứ... Huy chợt giật mình tỉnh mộng, bên trong có tiếng trở mình trên lớp ván, rồi giọng Soun, nhỏ nhẹ, trong vắt, dịu hiền, vang lên giữa màn đêm tĩnh lặng:
- Me ơi, me đã ngủ chưa?
- Me còn thức.
- Ngày mai con ra chợ huyện với boòng My Un, con mua cho me chiếc khăn croma mới. Khăn me đã rách cả rồi.
- Thôi đừng con. Con thích gì cứ mua mà dùng, me chẳng cần đâu. Khăn me vẫn còn dùng được lâu.
- Con không thích gì cả, con chỉ thích me vui. Me ừ đi me ạ.
- Ừ, thì con muốn sao cũng được. Thôi, ngủ đi con.
Lại tiếng trở mình, lần này của cả hai mẹ con. Rồi im lặng. Huy ngồi thêm một lúc thật lâu nhưng không nghe thấy gì nữa ngoài những tiếng thở nhẹ đều đều. Soun và me đã ngủ say. Anh nhè nhẹ rút chiếc đèn trong túi ra, đặt bên cạnh cửa. Sáng ra, Soun sẽ trông thấy nó khi mở cửa. Cô sẽ biết là ai đã mang nó tới để đó trong đêm. Và chắc là cô vui lắm.
Huy nhủ thầm: " Tạm biệt Soun!". Anh nhanh chóng, nhưng vẫn rất thận trọng quay ra bìa phum, chỗ cây gạo già. Chắc là toán trinh sát đã nóng ruột lắm rồi, có khi còn đang rủa thầm anh ngoài ấy!
*****
Cũng trong năm ấy, tiểu đoàn trải qua một mùa khô gian khó. Trời hạn lớn. Cây cỏ xơ xác héo vàng vì thiếu nước. Những giàn bầu giàn mướp, những luống rau đậu họ trồng khô chết cả. Không khí hanh hao nóng bức làm thân thể họ lúc nào cũng nhơm nhớp mồ hôi. Những con suối gần khu vực đóng quân đều khô cạn. Họ phải đi sang phum lân cận cách đó bảy cây số tải về từng can nước. Chiếc hồ sen cạnh chùa chẳng mấy chốc cũng chỉ còn một lớp nước cạn sệt bên trên lớp bùn dưới đáy. Dân phum và những người lính phải lần lượt xếp hàng chờ đợi đến lượt từng người để chắt từng ca nước trong mấy cái hố nhỏ đào sâu xuống đáy hồ. Liên tục gần hai tháng trời, những người lính cách ba bốn ngày mới tẩm ướt chiếc khăn để lau sơ một lượt qua thân thể.
Khoảng giữa tháng Bảy, tiểu đoàn được lệnh hành quân lên cao điểm 182. Theo quân báo trung đoàn, một lực lượng khoảng hai trăm lính Pol Pot đã tập trung về đó chừng nửa tháng, đóng quân quanh một hồ lớn giữa rừng. Và cao điểm cũng là nơi duy nhất trong vòng bán kính hơn năm mươi cây số có nguồn nước. Trên bản đồ, ký hiệu xanh lơ của chiếc hồ nổi lên thành một vệt dài. Mọi người chuẩn bị cho đợt hành quân mà lòng ngao ngán. Suốt một thời gian dài khô hạn, thần kinh ai nấy cũng căng thẳng và bực bội, và thân xác họ rã rời bãi hoãi, chỉ cầu mong mưa xuống. Ði đánh nhau trong tình trạng như thế, không mong gì một kết quả khả quan, nhưng quân lệnh như sơn, là lính dù muốn dù không họ cũng phải chấp hành. Họ cố tìm đủ nước để mang theo, nhưng nhiều lắm mỗi người cũng chỉ kiếm được nửa can vàng. Họ chỉ còn hy vọng lên tới cao điểm sẽ nhanh chóng đuổi được địch, chiếm lấy hồ nước để tha hồ uống cho thỏa thích.
Cao điểm cách Cứ chừng sáu mươi cây số. Tiểu đoàn cố vượt qua khoảng cách đó trong đêm để tránh cái nắng ban ngày, nhưng trời oi bức mà họ lại không dám dùng đủ nước, nên tốc độ càng lúc càng giảm. Ðến sáng, họ còn cách vị trí đến hơn mười cây số. Tiểu đoàn trưởng Bảo cho đơn vị dừng lại giải lao. Những người lính móc mấy bao gạo sấy ra đổ nước vào rồi nhá nhá cho đỡ đói. Không ai dám đụng đến lương khô. Thứ đó chỉ để dành cho những buổi tối ngồi nhấm nháp uống trà nói chuyện ở Cứ, đi tác chiến mà ăn lương khô chỉ tổ uống nước nhiều nặng bụng đi không nổi. Sau đó một giờ, họ lên tới hồ. Ðội hình chiến đấu được triển khai và áp sát dần vào, nhưng cuối cùng họ phát hiện địch đã rời cao điểm mấy ngày trước đó. Rải rác chỉ còn dấu những bếp đào quanh bờ hồ. Chiếc hồ chỉ còn là một trũng đất rộng, khô như bầu trời và mặt đất. Nó chỉ còn là một xác chết của chiếc hồ có ký hiệu xanh lơ vẫn nằm tươi rói trên mặt bản đồ.
Tiểu đoàn trưởng Bảo cáu tiết chữi thề ỏm tỏi, nhưng cơn giận của anh nhanh chóng xìu xuống, anh bắt đầu cảm thấy lo âu khi nghĩ tới chặng quay về. Nếu quay trở lại theo đường cũ, họ phải băng một con trảng dài gần năm mươi cây số dưới ánh nắng chói chang. Ðó là con đường ngắn nhất. Còn đi vòng xuống hướng tây một chút, khoảng ba mươi cây sau, họ sẽ gặp phum đầu tiên, và có thể tìm được ít nước. Nhưng đường xa gấp rưỡi, và có nhiều khả năng đụng địch, mà lúc này mọi người đều mệt mỏi và đuối sức, không đụng địch cũng đã muốn nhấc chân không lên rồi, còn đánh đấm gì được nữa.
Cuối cùng, Bảo quyết định chọn đường vòng. Tiểu đoàn quay về như một đoàn quân thất trận, tệ hơn cả thất trận. Từng nhóm lính rải rác lê chân trên cánh trảng, không hàng lối trật tự gì. Nhiều người ngất xỉu nằm lăn ra trên đất, nhất là các trung đội hoả lực. Kiên và Vũ, hai lính mới của trung đội không chịu nổi cũng ngã qụy khi còn cách phum chừng năm cây số. Huy rút trong túi cóc ra chiếc bình toong. Sau lần ở biên giới trở về, không bao giờ Huy quên giữ một bình toong nước mỗi lần đi tác chiến. Nhiều khi anh mang theo và lại mang về, không đụng đến suốt một đợt truy quét. Nhưng thói quen ấy bây giờ rõ ràng là có ích. Huy rót ra nắp bi đông, cho Kiên và Vũ nhấp từng ngụm thật nhỏ, và cũng không cho hai đưá uống nhiều, chỉ độ ba nắp bi đông. Sau đó, Kiên, Vũ khá hơn, và họ lại tiếp tục lên đường. Lần lượt, những nhóm lính cũng vào được tới phum. May là họ không gặp địch ở đó.
Ðó là một phum lạ, Tiểu đoàn chưa từng ghé qua lần nào. Dọc theo con đường chính giữa phum là hai hàng dừa cao nhiều trái. Những người lính năm lăn ra dưới gốc dừa, thèm thuồng nhìn những trái dừa to xanh ngắt trên đầu. Sau một lúc nghỉ ngơi lại sức, mọi người tản vào nhà dân hỏi xin dừa. Những người dân có vẻ không sẵn lòng vui vẽ. Họ lắc đầu ngoay ngoảy, và đổ là không biết dừa của ai, dù cây dừa mọc ngay trước cửa nhà. Nhà này bảo: " Không biết đâu, chắc đó là dừa của nhà ở hướng bắc". Sang nhà hướng bắc, lại nghe bảo: "Chắc là của nhà hướng tây!" Những người lính nổi cáu, họ giơ AK lên bắn lên đọt dừa, làm dừa non dừa già rớt lộp độp. Khi đó, mấy bà cụ già mới chạy ra mếu máo: " Mấy con ơi, đừng bắn chết cây mất, thôi leo lên hái đi. Ðừng bắn nữa!"
Huy theo dõi cảnh tượng đó, vừa cảm thấy tức cười, vừa xót xa cho thân phận những người lính xa nhà. Bọn Huy dù sao cũng chỉ là những chàng trai trẻ, chịu đựng quá nhiều cực khổ, mà những người dân này lại đối xử với bọn anh một cách vô tình. Hay là họ cũng có những khổ tâm riêng? Những trái dừa kia là nguồn sống của họ chăng? Có phải thóc gạo của họ, vịt gà, heo chó của họ, cây trái của họ đã nhiều lần bị những đoàn lính tráng, bên này hay bên kia, cướp phá? Ðến độ với họ chỉ còn nỗi khiếp sợ và căm ghét? Vậy ai là người có lỗi, và ai là kẻ đáng thương hơn? Những người lính ngang ngược bắn phá này, hay những người dân sống trong thời loạn ly khói lửa kia?
********
Cơn hạn kéo dài đến cuối tháng Bảy, chừng như đã hả hê với những hoành hành tội tình đã trút xuống đầu dân chúng, nên đột ngột biến đi. Một buổi chiều gió bỗng nổi lên, quất mạnh vào những lũy tre bao bọc quanh các phum, bẻ gãy những cành khô mục to kềnh trên những thân cổ thụ, rồi mây đen nghìn nghịt kéo đến đầy trời. Mưa giông như trút, trong khoảnh khắc đã đổ đầy các con suối, rãnh nước và cả một vùng trảng thấp. Mưa sầm sập suốt đêm. Ngày kế tiếp nắng ráo. Rồi sau đó đều đều cách quãng hai ba ngày lại có một ngày mưa gió.
Sau những cơn mưa đầu mùa, cây cối trong phum, trong đồng cỏ, cánh rừng bắt đầu xum xuê xanh tốt lại. Măng le, măng tre gai nhú lên tua tủa như những chiếc chông bụ bẫm bên gốc những cụm tre già. Nấm mối, nấm hương đua nhau mọc đầy trong các khe suối, trên những thân gỗ mục. Tuy vậy, dân ở phum Chan Ðay không rũ nhau lũ lượt vào rừng tỉa măng, hái nấm như mọi năm. Năm đó, các lực lượng địch vừa mới huấn luyện từ biên giới đổ về rất nhiều. Các đơn vị quân Việt Nam lần lượt bị bao vây, đánh úp, có đại đội đã phải bỏ Cứ mở đường máu thoát khỏi vòng vây. Các trận đánh xảy ra như cơm bữa giữa quân Việt nam và quân Khmer đỏ, cả những đường mòn lối nhỏ trong rừng cũng chăng đầy mìn các loại. Ðã có vài ba người ở phum bên vào rừng vướng phải mìn của địch gài dọc theo những lối mòn, bờ suối.
Một buổi sáng nắng đẹp, Soun một mình đi vào rừng hái nấm. Rừng cây thân thuộc không ngăn cô lại, không kêu lên những lời cảnh báo. Soun đi vào rừng một mình. Và không bao giờ quay về nữa.
Thật ra Soun biết những hiểm nguy đang rình rập trong rừng. Nhưng nghĩ tới những chiếc nấm non tròn xoe mập mạp, cô thấy tiếc quá. Phần nữa, cô rất thích vừa tha thẩn hái nấm, vừa thầm thì nói chuyện với lũ bướm rừng, hay trêu chọc bọn sóc con hay giương mắt ngơ ngác nhìn người lạ rồi kêu ré lên và bỏ chạy, và vừa nghĩ tới Huy nữa. Hôm Huy lẻn về phum đặt cái đèn trước cửa, sáng ra Soun là người đầu tiên trông thấy nó. Thoạt tiên cô giật mình kinh ngạc, rồi cô hiểu ra ngay mọi chuyện. Soun ôm chiếc đèn vào lòng. Miệng cô tự nhiên bật thốt những câu dân ca tình tứ véo von. Soun vui mừng, sung sướng ngất ngây. Một niềm vui, xúc động lạ lùng và cả nỗi nhớ Huy chợt ùa vào hồn, làm cô như ngạt thở. Soun tíu tít khoe ngay với me, rồi cô rót dầu từ chiếc đèn cũ ở nhà sang chiếc đèn mới, đốt lửa lên, ngồi nhìn ánh lửa và hân hoan trò chuyện với nó, như thể nó biết nghe và biết trả lời, như thể nó chính là Huy vậy. Soun có một thiên tư và sự hồn nhiên của đa số những cô gái sống ở gần thiên nhiên, rừng núi, đó là xem mọi vật như con người, và rất thích chuyện trò trong tưởng tượng với chúng, dù thật ra cũng chỉ tự mình nói, rồi tự mình nghe.
- Ðèn nằm đây suốt đêm buồn lắm, lạnh lắm phải không... Boòng Soun tệ thật, boòng Soun không biết gì hết, thôi đèn đừng giận nhé! Rồi chị sẽ thương em, lau em và lúc nào cũng rót dầu thật đầy cho em nhé, chịu không?
- Tội cho boòng Huy ghê, đèn nhỉ! Boòng Huy đi tới nhà chị đêm qua chắc là vất vả lắm. Thế mà chị chả biết, chả nói chuyện với anh. Chị cứ ngủ khì ra. Boòng Soun của em tệ ghê, tệ ơi là tệ!
Soun cứ tíu tít nói những câu không đầu không đũa như vậy trước nụ cười và đôi mắt nhìn âu yếm của me. Bà cũng vui không kém.
Phải, Soun muốn đi vào rừng để hái nấm, về phơi khô dành gửi cho boòng Huy. Cô năn nỉ xin me cho đi. Me không đồng ý, bà cũng muốn có cái gì đó gửi cho Huy, nhưng đi vào rừng thì tuyệt đối là không. Soun nài mãi me cũng nhất định lắc đầu. Nhưng sáng hôm đó, me đi sang nhà tà Nuốc giúp làm đám giỗ. Soun ở nhà làm hết mấy chuyện vặt, cô lại lôi chiếc đèn ra trò chuyện với nó một lúc. Rồi một ý muốn mạnh mẽ chợt xâm chiếm lấy Soun, cô không còn cưỡng lại nó được. Soun cầm lấy chiếc giỏ mây rời khỏi nhà.
Rừng như đang mỉm nụ cười hớn hở và cất tiếng hát ca chào đón bước chân Soun. Những bụi cỏ thấp còn đẫm sương và mưa đêm long lanh, xào xạc kêu lên khi chạm nhẹ vào chiếc xà rông của Soun. Chúng như muốn nũng nịu: " Boòng Soun cúi xuống với bọn em tí nào, cười với bọn em một cái!" Và Soun cúi xuống, mỉm cưới với chúng, thật dịu dàng. Hoa linh lan nhỏ xiú và trắng muốt cố tỏa hương ngào ngạt hơn khi Soun bước chân qua chúng. Những chiếc lá dài mỏng mảnh ve vẩy, và những nụ hoa run khẽ chào cô. Mấy cây dầu già khom lưng xuống nhìn cô, rồi vừa rùng mình buông mấy chiếc lá đỏ hoe cho rơi lên vai lên tóc cô như ve vuốt, vừa lao xao bàn tán với nhau: " Chà! Con bé càng lớn càng kháu khỉnh quá đi thôi!"
Soun tung tăng len lỏi qua những thân cây già cỗi, những bụi rậm xanh rì, nhận những lời chúc tụng, chào hỏi của chúng và thân thiện vui vẻ đáp chào với chúng. Khi những tia nắng xuyên qua táng lá xanh như ngọc hong khô những giọt sương sớm trên cây lá, chiếc giỏ mây đã được lưng lưng những nụ nấm ngọt ngào. Soun bắt đầu lo âu khi sực nhớ ra mình đã cãi lời mẹ vào rừng. Cô nghĩ thầm: " Thôi không hái nữa, phải về ngay kẻo mẹ lo cho mình lắm."
Soun quay về, men theo bờ một con suối nhỏ. Khi bước qua một khoảng đất lầy, cô trượt chân xuýt ngã, nhưng rồi lấy lại thăng bằng được. Vừa mới lấy lại bình tỉnh sau cú trượt, cô đã bật cười một tràng ròn rã để tự chế giễu mình. Tiếng cười vui của Soun còn chưa tắt hẳn, thì cô chợt nghe một tiếng lách tách rất khẽ ngay dưới chân, rồi một vật gì đó bật tung lên trước bụng cô. Một tiếng nổ xé tai vật Soun ngã lăn ra. Soun nằm trên đất, bé nhỏ, lẻ loi, chiếc áo trắng rách bươm, nhuộm máu. Cái giỏ mây lăn ra cách Soun mấy mét, những nụ nấm nhỏ văng tung toé, có nhiều nụ vương đỏ máu Soun.
Cây lá trên đầu, xung quanh Soun vẫn rì rào lao xao trong gió. Nhưng giờ đây chúng trở thành những vật vô tri vô giác, thản nhiên không biết một cô gái nhỏ đã chết gục dưới chân mình.
Hôm nay là ngày mấy tháng mấy năm nào vũ trụ có còn không bầu trời này mặt đất này có còn không hay đã vỡ tung ra hồn tôi có còn không hay đã vụn nát thành trăm ngàn mảnh thủy tinh sắc nhọn đang cào cấu tim tôi ngoài kia đêm mịt mùng đen tối ngoài kia gió rít gió gào gió khóc hờn gì sao cứ gào rú mãi bên tai đêm đã giấu em tôi nơi nào gió đã chở em tôi đi đâu xin làm ơn trả lại cho tôi xin hãy làm ơn trả Soun lại cho tôi tôi còn tỉnh đây hay đã mất trí rồi mà bỗng nghe trăm tiếng thét gào rên xiết điên dại rú trong đầu Soun ơi em đi đâu mà me ngồi đây khóc ngất nhớ em mà tôi ngồi đây như đá lặng câm nhớ em. có ai ngoài đêm tối kia xin trả lời tôi em đã đi đâu xin đừng nói với tôi cái từ chết xấu xa khủng khiếp chết là gì tôi không muốn biết tôi chỉ muốn có lại Soun tôi chỉ muốn nhìn thấy lại Soun tôi không muốn tin gì nữa hết tôi không muốn nghe gì nữa hết đừng nói với tôi chết chết chết ôi vật gì đang đâm xé tim tôi...
Không. Soun không chết. Một thiên thần bé nhỏ như em không thể chết đâu. Tôi không bao giờ muốn tin là mình đã mất em.. Tôi tin là em đã bay đi. Em đã bay đi, với đôi cánh nhẹ nhàng trong suốt, với trái tim yêu thương và đầy lòng nhân ái. Em đã bay đi. Ðến một nơi không còn thù hận, không có phân chia. Không có súng đạn, chiến tranh. Và từ nơi cao xa yên bình vĩnh viễn đó, em vẫn mỉm cười nhìn theo tôi thật dịu dàng. Chiếc áo của em không còn hoen đỏ máu tươi. Áo em trắng tinh khôi như mây như nắng, như hồn em trong trắng ngây thơ. (trích nhật ký của Huy)
*****
Lại một năm mới đến, năm thứ ba trong cuộc đời quân ngũ của Huy. Thêm một việc đau lòng đã xảy ra vào một ngày tháng Năm năm ấy, ngay trước lúc Huy quay trở lại quê nhà. Nó làm cho tất cả những người lính tình nguyện đau đớn xót xa, làm cho dân chúng quanh vùng phẫn nộ, sợ hãi và căm oán, làm cho cả những lượn khói nhạt chiều hôm và ráng trời đỏ rực sau núi S'vai chiều chiều giờ đây cũng nhuốm màu tang tóc. Mọi chuyện bắt nguồn từ một thời điểm xa hơn, như sau này một số đồng đội cùng đơn vị của kẻ thủ ác và người thân của các nạn nhân thuật lại.
Mùa xuân năm trước, tiểu đoàn X dời cứ từ một xã phía nam về trú đóng tại phum Cần Ðan, một phum lớn ở hướng Ðông Bắc núi S'vai, cách phum Chan Ðai hơn hai mươi cây số đường chim bay. Ðây là một tiểu đoàn dân vận, nhiệm vụ chủ yếu của nó không phải là chiến đấu cơ động, mà như tên gọi, là làm công tác dân vận, nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết và sự thông cảm hiểu biết giữa quân dân. Ðơn vị gồm những người lính nói rất sỏi tiếng Khmer, một số cán bộ thậm chí còn biết viết chữ Khmer đẹp và đúng hơn cả nhiều người dân nữa. Họ chia ra mỗi tổ ba bốn người, vào cùng ở, cùng ăn, cùng làm với dân, và nhanh chóng chiếm được cảm tình, lòng tin cậy. Trong tiểu đoàn có Z, một hạ sĩ quan tính khí hơi kỳ lạ. Gã hiếm khi cười nói vui vẻ với bất kỳ ai, có tật nghiện rượu, hay lẻn đi uống rượu một mình.
Z rất thích May, một cô gái trẻ trong phum. Gã thường tìm cách lân la tán tỉnh May, nhưng nàng không ưa gã, luôn tìm cách lẫn tránh. Thật sự, cứ trông thấy gã lúc nào cũng ngật ngưỡng say, mặt mày đỏ ké, đôi mắt ngầu đục lờ đờ, nét mặt lầm lì bí hiễm, chẳng cô gái nào lại không e sợ. Gã tấn công, và May lẫn tránh, cứ thế ngày tháng trôi qua. Có lẽ lúc đầu thái độ của cô gái càng kích thích máu chinh phục của Y, làm cho gã thêm quyết tâm. Nhưng rồi thấy bao nhiêu thời giờ, công sức bỏ ra vẫn không giúp gã tiến thêm một bước, gã trở nên thất vọng, chán chường. Trong lòng gã, một cảm giác hận thù, ganh ghét đã nẩy mầm. Gã cay đắng vô cùng, uất nghẹn trào lên cổ khi nhìn thấy May cười nói vui vẻ với các đồng đội của mình. Nhiều lúc gã muốn gào lên câu hỏi: " Tại sao tôi tốt với cô, mến yêu cô, mà cô đối xử với tôi tệ bạc như vậy? Tôi phải làm gì cho vừa lòng mát dạ cô? " Càng thất tình tuyệt vọng, gã càng rượu chè be bét, bất chấp mọi lời khuyên can răn đe của đồng đội, cấp trên. Và không biết từ lúc nào, lòng gã đã manh nha một ý tưởng trả thù đê hèn, man rợ.
Buổi sáng định mệnh ấy đến. Ðó là một ngày trời đẹp, nắng chói chang rực rỡ. Hôm trước, dân làng đã hẹn nhau cùng ra cánh trảng bìa rừng để cắt tranh. Họ khởi hành từ tờ mờ sáng, gồm cả các ông già, bà lão, trẻ con, đàn bà con gái, tất cả chừng mười bốn mười lăm người, tay liềm tay hái vừa đi vừa nói cười ríu rít. Một đôi mắt đỏ ngầu hấp háy bắt gặp đám dân làng khi họ vừa đi ra khỏi bìa phum, Z cười gằn nhìn theo cho đến khi người cuối cùng đã khuất sau rặng cây cao. Gã quay vào phum, tìm rượu uống.
Gần hai tiếng sau, Z chuệnh chọang về chỗ ở. Gã vớ khẩu AK, choàng thêm một bao se ba băng đạn, rồi len lén tìm đường cắt vào rừng, đi vòng ra phía sau nơi những người dân đang cắt tranh. Lúc gã rời nhà, mấy người lính ở chung với gã trông thấy, nhưng họ không chú ý, tưởng gã đi công chuyện hay bắn chim đâu đó.
Vào thời gian ấy, rừng đang lúc xanh tươi rực rỡ, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc sau những trận mưa rào. Lá non xanh ngắt rung rinh trong gió. Hoa nở khắp nơi, trên những đỉnh cây, trong những bụi lùm thấp nhỏ. Lan thủy tiên trắng tinh khôi, lan ngọc điểm tím ngát, hoàng lan vàng rực rỡ. Cả những khóm địa lan thấp bé mọc dưới những tàng cây rậm, nép bên những chùm rễ cong xù xì và phủ đầy rêu xám cũng trổ nhánh khoe những nụ hoa nho nhỏ màu tím nhạt. Tiếng chim cu, chim cà cưỡng, sáo sậu, sáo đá, sơn ca véo von hót gọi bạn tình, tiếng lá rơi xao xác, tiếng chảy rì rào của những con suối nhỏ, tất cả dệt thành một chuỗi nhạc rừng liên miên vô tận. Rừng thật đẹp, như một thiếu nữ xuân thì. Nhưng Z như một người vừa mù vừa điếc, gã không nghe, không thấy gì khác ngoài những ý nghĩ đen tối trong đầu.
Z xuất hiện trước mắt đám dân đột ngột, nòng súng đen ngòm chỉa thẳng về phía họ. Mọi người giật mình khi nhận ra nét mặt gã thật kỳ lạ khác thường. Họ ngưng làm việc, đứng lặng nhìn gã, lo lắng và sợ sệt.
- Người già, con nít ngồi xuống đó, không được nhúc nhích cho đến khi nào tao cho phép. Mấy đứa con gái theo tao đi vào rừng - Z nói, gằn giọng từng từ một.
Những người dân nhìn nhau kinh ngạc. Rồi một cụ già, Son Kê, lấy hết can đảm hỏi gã:
- Mày định làm gì vậy, coong tóp Z?
- Câm miệng lại - Z giận dữ quát - Không hỏi han gì cả. Ðứa nào nhúc nhích hay mở miệng tao bắn chết ngay! Ngồi xuống!
Già Son Kê nhìn mọi người, ra hiệu cứ nghe theo lời gã. Trông gã lúc này thật khủng khiếp, như thể đang bị quỷ ám, không ai dám chắc gã chỉ hù dọa hay sẽ bắn thật sự. Họ miễn cưỡng ngồi xuống.
Z có vẻ hài lòng khi thấy mọi người tuân phục, gã quay sang mấy cô gái, tay chỉ vào rừng:
- Ði!
Trong đám dân có ba cô gái, May, Sori và Chun. Ba người lưỡng lự bước, Z đi sau họ, khẩu súng vẫn lăm lăm chỉa thẳng.
Vào sâu chừng chục thước, Z quay lại nhìn ra. Ðám người ngoài kia vẫn ngồi im. Gã ra lệnh:
- Con Sori lấy khăn croma trói tay hai đứa kia cho tao.
Sori sợ hãi nhìn gã, lắc đầu. Gã trừng mắt. Cô đành nghe theo gã, run run tháo chiếc khăn choàng trên đầu May và Chun cột tay họ lại. Z bước tới, thô bạo xô hai cô té ngữa trên mặt đất, rồi hắn đeo súng vào người, giật chiếc khăn của Sori, lôi cô tới một gốc dầu nhỏ, ở một chỗ vừa quan sát được đám dân ngồi ngoài bìa rừng, vừa nhìn thấy May và Chun, cột chéo hai tay cô ra sau thân cây. Sori bật khóc, cô van xin hắn:
- Boòng ơi, đừng làm vậy. Ðừng boòng ơi, tội cho Sori lắm!
Z nhếch mép cười gằn. Hắn xé toạt chiếc áo, rồi chiếc xà-rông của Sori, bắt đầu cưỡng hiếp cô ngay trước mắt hai người còn lại. May và Chun co rúm người lại, cúi gằm mặt xuống, run bần bật vì mắc cỡ và sợ hãi, rồi họ khóc nấc lên khi nghe thấy tiếng Sori kêu gào rên xiết nghẹn ngào. Chừng hai phút sau, May quyết định bỏ chạy, cô đá nhẹ chân Chun ra hiệu. Cả hai thình lình đứng dậy, loạng choạng chạy ra phía bìa rừng.
Z gầm lên cuồng nộ. Gã vội vàng đuổi theo. Ðám dân phía ngoài cũng bắt đầu bỏ chạy tán loạn khi trông thấy May và Chun vùng chạy. Z mở khóa an toàn, xã súng vào hai cô gái và những ông già bà lão chậm chạp chạy phía sau. Rồi hắn đuổi theo, tiếp tục hạ sát những người còn lại.
Hôm ấy, có tất cả năm người bị Z giết chết, trong đó có May và Chun, và năm sáu người nữa bị thương, Sori may mắn sống sót vì Z mải đuổi bắn những người kia đã bỏ quên cô. Khi bộ đội tiểu đoàn X nghe thấy tiếng súng, chạy ra đến hiện trường, họ sửng sốt bàng hoàng khi thấy xác những ông bà già, con nít đẫm máu nằm rải rác trên cánh trảng. Z đang điên cuồng đuổi bắn một thằng bé. Họ nhanh chóng bao vây, kêu gọi gã bỏ súng đầu hàng. Z giờ đây đã say máu và liều mạng, gã bắn trả lại đồng đội và tìm cách bỏ chạy. Cuối cùng, một phát đạn bắn gảy xương đùi Z mới buộc gã thôi hung hăng chống cự. Sau đó, họ chuyển Z lên quân trạm Ðoàn, tạm giam gã để chữa thương và chờ ngày xét xử.
Mọi việc xảy ra bất ngờ và khủng khiếp, ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai. Thế nhưng nó đã xảy ra rồi. Toàn Tiểu đoàn X đều đau lòng và ân hận, họ không biết phải giải thích sao với những người dân về tội lỗi của một đồng đội. Dân làng vô cùng căm phẫn và đau xót, họ nguyền rũa bộ đội Việt Nam, đòi được tự tay xử tội Z, trả thù cho người thân của họ. Không khí trong phum thật nặng nề, u ám. Bao nhiêu công lao, bao nhiêu mồ hôi và máu của những đơn vị quân tình nguyện đổ ra, trong thoáng chốc trở nên vô nghĩa chỉ vì một cá nhân. Tình cảm gắn bó giờ đây bỗng có một khoảng cánh ngăn chia không dễ gì hàn gắn lại.
Sự vụ được báo cáo khẩn trương lên cấp trên, lên tới chỉ huy cao nhất của Mặt trận. Bản báo cáo nêu rõ những đòi hỏi của dân chúng, và kiến nghị tổ chức Tòa án quân sự đặc biệt xét xử và thi hành án tại chỗ và ngay lập tức để xoa dịu lòng dân. Hội đồng quân pháp Mặt trận ngay sau đó đã ra quyết định xét xử Z ngay tại phum Cần Ðan. Phiên tòa công khai được thông báo đến những đơn vị đóng quân trên các địa bàn lân cận. Mỗi đơn vị được yêu cầu cử đại diện tới dự khán phiên tòa.
Vụ xét xử tiến hành tại quảng đất trống trước sân chùa. Ngay từ mờ sáng, đã có đến hàng trăm dân quanh vùng tụ họp về, xôn xao bàn tán chuyện trò. Quân nhân các đơn vị lần lượt tới không lâu sau đó.
Vì là đơn vị gần bên, các cán bộ chiến sĩ thuộc tiểu đoàn của Huy đến xem xét xử khá đông. Huy dẫn theo Thuận, Kiên cùng đi. Anh lặng im quan sát. Tuy có rất đông người, nhưng không khí khá im lìm lặng lẽ. Mọi người chỉ khẽ khàng trao đổi với nhau. Họ thì thào nguyền rủa Z, tỏ lòng thương tiếc những nạn nhân, và đều dự đoán, như một lẽ tất nhiên, Z phải bị xử tử hình.
Khoảng tám giờ sáng, hai chiếc Zin chở các cán bộ Hội đồng quân pháp Mặt trận, phạm nhân và vài chục tay súng đến nơi. Z được đưa ra khỏi xe với đôi tay bị còng, chân trái gã vẫn còn lớp bột băng. Trông gã ngơ ngác như một kẻ mất hồn, vẻ lầm lì hung hãn thường ngày biến mất. Giờ đây gã như một đứa bé ngỗ nghịch vừa bị xáng một cú bạt tai như trời giáng, không còn biết gì ngoài cơn sợ hãi điếng hồn.
Ðám đông đang lặng lẽ, bỗng nhốn nháo lên khi đoàn xe tới. Ở một góc chợt có tiếng kêu gào khóc lóc nổi lên. Một vài phụ nữ cố giãy giụa, vùng vẫy khỏi những bàn tay níu kéo để lao tới cào xé Z. Ðó là vợ con hoặc chị em của các nạn nhân. Một cán bộ quân pháp lớn tuổi, mái tóc lốm đốm bạc giơ chiếc loa cầm tay lên miệng, nói to bằng tiếng Khmer:
- Bà con hãy bình tỉnh, yên lặng. Tên Z có tội với bà con, quân pháp sẽ xử hắn một cách nghiêm minh. Bây giờ mọi người hãy tìm chỗ ngồi xuống, giữ trật tự để xem tòa xét xử.
Nói xong, ông cùng năm viên sĩ quan quân pháp khác bước tới ngồi vào chỗ hai chiếc bàn đã được trưởng phum kê sẵn. Z được hai người lính xốc nách tới ngồi vào một chiếc ghế đặt phía trước, ở giữa vòng người. Một viên sĩ quan đứng tuổi đứng lên, đọc bản cáo trạng. Anh ta đọc từng câu một, ngưng lại, chờ người thông ngôn, một cán bộ của tiểu đoàn X, dịch sang tiếng Khmer cho dân chúng nghe.
Bản cáo trạng thuật lại diễn biến của hành vi phạm tội, kết thúc bằng đề nghị xử bắn Z, bản án thi hành ngay tại chỗ. Kế đó, vị thẩm phán chủ trì cuộc xét xử, chính là viên sĩ quan già đầu bạc, bắt đầu việc xét hỏi.
- Bị cáo Z, bản cáo trạng có nêu đúng những hành vi của anh không?
Z thều thào đáp, gã vẫn cúi gầm mặt xuống đất từ đầu, nét mặt gã nhợt nhạt không còn chút máu.
- Thưa tòa đúng.
- Anh giết những người dân vô tội vì nguyên nhân, động cơ gì?
- Thưa tòa tôi không biết.
Vị thẩm phán cau mày:
- Anh bắn giết cả chục người mà không biết tại sao mình làm vậy thật ư !
- Tôi không định giết họ.... Tôi... tôi chỉ định hãm hiếp mấy đứa con gái cho bỏ ghét....Tại họ bỏ chạy nên tôi mới bắn họ.
- Tại sao anh chống cự lại khi các đồng đội ra ngăn cản?
- Dạ... tôi sợ.. lúc đó... tôi không còn biết gì... tôi như một thằng điên....
- Anh có ăn năn hối lỗi không?
Z im lặng. Rồi gã bật khóc, lẩm bẩm rên rĩ những tiếng gì đó nghe không rõ.
- Tòa hỏi lại, anh có ăn năn hối lỗi không?
- Tôi... hối hận lắm... hối hận lắm...
- Anh có muốn nói gì với cha mẹ vợ con các nạn nhân không?
Z lắc đầu, vẻ tuyệt vọng.
Vị thẩm phán chờ đợi một lúc, rồi nhắc lại câu hỏi. Z ngần ngừ rồi run run nói:
- Tôi có tội. Tôi xin chịu chết để đền tội.
Vị thẩm phán gật đầu, quay sang khoác tay ra hiệu cho viên thư ký. Anh ta mời mọi người đứng lên nghe ông tuyên án:
"... Tòa án quân sự Mặt trận tuyên án xử tử tên Lê Văn Z, sinh năm..., nhập ngũ ngày... tháng... năm...., cấp bậc hạ sĩ, chức vụ tiểu đội phó thuộc Tiểu đoàn X, Ðoàn Y vì tội cưỡng hiếp phụ nữ, giết nhiều người dân Khmer vô tội một cách dã man, gây chia rẽ, phá hoại mối đoàn kết quân dân hai nước, làm mất danh dự và uy tín của quân tình nguyện Việt Nam. Án được thi hành ngay tại phum Cần Ðan, huyện S'vai Chek, tỉnh Batdomboong, và ngay ngày hôm nay, ngày... tháng...năm... Tòa xin thay mặt Quân đội nhân dân Việt Nam nhận lỗi không quản lý giáo dục nghiêm chiến sĩ, để xảy ra việc đau lòng đáng tiếc vừa qua, cầu mong bà con cô bác tha thứ tội. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, Z là người xấu, y sẽ phải đền tội. Nhưng quân tình nguyện Việt Nam vẫn còn có nhiều người tốt. Mong bà con cô bác vẫn thương yêu đùm bọc họ. Mất mát của bà con cô bác không có gì bù đắp được, nhưng để an ủi, và giúp đỡ các gia đình nạn nhân trang trải tang ma, chữa trị thương tật, Tòa xin thay mặt Mặt trận gửi cho mỗi gia đình hai tạ gạo và hai ngàn ria. Sau khi thi hành án, mời các bà con ở lại nhận cho."
Ông ngưng một chút, rồi gằn giọng:
- Ðội chấp pháp chuẩn bị thi hành án ngay lập tức!
Trong thời gian xét xử, có mấy người lính đã ra phía đồng trống hướng bắc phum chuẩn bị nơi hành hình. Họ chôn một thân cây cao khỏi đầu người. Z được dìu ra, một người lính cột một băng vải đen che mắt gã lại rồi trói vào thân cây. Mọi người đứng quanh im lặng, hồi hộp chờ đợi. Ba người lính chấp pháp xếp thành hàng ngang, ôm súng đứng nghiêm chờ lệnh của viên đội trưởng.
Thân hình Z run bần bật. Gã khóc mếu máo. Không biết sau lớp vải đen, đôi mắt gã vẫn mở to hay nhắm nghiền lại vào giây phút đó.
- Bắn! - Viên đội trưởng quát lớn.
Người Z nẩy lên, giật giật vài cái rồi mềm rũ xuống sau loạt đạn. Viên đội trưởng bước tới gần, kiểm tra xem gã chết hẳn chưa, rồi gật đầu ra hiệu các thuộc cấp thu dọn xác. Cảnh xử tội dường như kết thúc quá nhanh. Mọi người đứng ngẩn ra một lúc. Mặt trời lúc ấy đã lên gần giữa đỉnh đầu. Nắng đỏ như lửa hắt xuống cánh đồng. Bãi xử bắn trong một thoáng lặng im phăng phắc, tiếng những cơn gió rì rào lướt trên ngọn cỏ bỗng nổi lên mồn một âm vang.
Mọi người lần lượt bỏ về. Huy đứng lặng lẽ. Lòng anh không buồn không vui, nhưng nặng trĩu vì một điều mơ hồ không rõ. Ánh mặt trời chói chang rọi xuống làm đôi mắt anh nhức nhối. Bỗng nhiên anh cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Bỗng nhiên anh ước ao được nằm lăn ra mặt đất ngủ vùi một giấc, đầu gối lên trên lớp cỏ mùa xuân thơm và mềm mại. Và khi giật mình thức giấc, anh sẽ vui mừng nhận ra tất cả mọi chuyện trong suốt những tháng năm qua chỉ là một cơn mê sảng, một ác mộng phù du. Nhưng chính ước ao đó giờ đây cũng chỉ là ảo vọng. Những suy nghĩ trong đầu óc Huy như thể không còn chút liên hệ gì với ý chí của anh. Tâm hồn anh dường như bị cắt lìa khỏi xác thân mệt nhoài đòi ngơi nghỉ, nó vẫn đều đặn chuyển động theo một vòng xoay lạ lùng nào đó. Một chuỗi hình ảnh, kỷ niệm xa xôi bỗng lan man quay về trong ký ức - những trò vui đùa hồi nhỏ, những con người gần như đã biến mất từ lâu khỏi cuộc đời anh. Huy nhớ một cách dửng dưng, như thể chúng chẳng liên quan gì với anh, một người lính giờ đây đang ở một nơi xa lạ. Khi Huy giật mình thoát khỏi những hồi nhớ vẩn vơ đó, nhìn lại xung quanh, tất cả mọi người đã rời bãi hành hình tự lúc nào, cả những người lính trong đội thi hành án cũng đã mang xác của Z đi rồi. Chỉ còn Thuận và Kiên đang ngồi dưới bóng một cây lòng mức chờ anh. Trời đang chuyển mưa, tối sầm, xám ngắt, và gió bắt đầu rít mạnh, tạo thành xoáy lốc, cuốn những cọng rơm cỏ, lá khô bay tơi tả giữa cánh đồng.
**********

Trong một trận đánh vào cuối tháng Năm, một quả B nổ tung bên hông công sự của Huy. Huy không trúng mảnh, nhưng sức ép và chấn động quá lớn làm anh ngất xỉu. Khi tỉnh lại, anh thấy mình đã nằm ở quân y viện Sư đoàn. Huy nằm ở đó điều trị gần một tháng. Sau đó, anh được đơn vị giải quyết ra quân. Trước khi về nước, Huy quay lại thăm Chan Ðay lần cuối, để từ giã, có thể là vĩnh biệt nơi này mãi mãi.
Những người quen anh gặp lại đều mừng cho anh được trở về, nhưng rất buồn khi phải xa anh. Me của Soun ôm lấy Huy khóc ngất. Anh gục vào vai me, nước mắt tưởng chừng đã khô cạn từ lâu bỗng tràn trề như nước lũ. Vai áo me đẫm ướt nước mắt Huy. Và ngực anh đầm đìa nước mắt của bà. Anh cũng ghé vào thăm buk Hô, ngồi uống với ông một vài ly rượu. Rượu giờ đây có vị đắng vô cùng.
Khi nắng chiều sắp tắt, Huy một mình ra thăm nhà mồ của me Sa Rinh, và của Soun. Những người thân yêu nhất trong một mùa giông bão - mùa xa nhà của anh - đã lần lượt bỏ anh đi mãi. Và giờ đây đến lượt anh cũng rời bỏ những người thân yêu còn lại ở đây, để quay về nơi thân yêu cũ, nơi gắn bó ruột rà máu thịt. Nhưng bạn bè đồng đội của anh vẫn còn ở lại nơi đây, với biết bao khó khăn, gian lao chồng chất. Mồ hôi, và máu của những người lính sẽ còn đổ xuống, thấm vào mỗi lá rừng, mỗi hạt cát ở nơi đây. Lòng Huy chợt gợn lên câu hỏi: "Ở đâu là quê hương?" Quê hương anh là miền Nam nước Việt, ở đó anh đã sinh ra, lớn lên với biết bao kỷ niệm êm đềm, ở đó anh có những người thân, bè bạn. Quê hương anh bây giờ có thêm một mảnh đất vùng tây bắc Campuchia, nơi anh đã sống, chiến đấu, và đã yêu, nơi anh đã học những bài học về yêu thương và về cuộc sống. "Rồi mai này xa cách," Huy nhủ thầm trong lòng, khi nhìn những lượn khói hương đang bay lửng lơ trong nắng chiều vàng vọt, "Rồi mai này xa cách. Nhưng quê hương ơi, tôi sẽ giữ hoài trong lòng nỗi nhớ mênh mang".
Còn nỗi buồn của riêng anh? Chỉ là những tiếng thở dài cuốn vào không gian vô tận.

Viết xong đêm giao thừa Xuân Kỷ Mão 1999



Ðầu mùa mưa năm ấy, Tiểu đoàn được lệnh chuyển cứ. Tiểu đoàn trưởng Bảo ra chỉ thị nghiêm cấm không được tháo dỡ bất cứ thứ gì, toàn bộ nhà trại đều phải giữ nguyên vẹn để bàn giao lại cho một tiểu đoàn của E 14. Thế nhưng nơi chuyển đến lại là một cánh rừng thưa, ở xa dân, phum gần nhất cũng cách đó bảy tám cây số. Những người lính một lần nữa làm lại từ đầu, nào xây dựng căn cứ nhà trại, nào đi đốn cây rừng về làm cột kèo, đào đắp giao thông hào, công sự chiến đấu... Ai cũng buồn. Không phải vì họ sợ vất vả khổ cực. Họ buồn vì đã quá thân quen gắn bó với địa hình cũ, với dân. Những lối mòn giữa các tiểu đội và từ trung đội này sang trung đội kia quen thuộc đến nỗi họ có thể nhắm mắt đi lại vẫn chẳng lạc đường. Hoa mười giờ, hoa sam Thái trồng từ năm ngoái dọc theo các lối đi, trong những bồn đất trước hiên nhà đang ở thời điểm xum xuê nhất, lá mướt xanh và hoa nở rộ khắp nơi trong những ngày nắng ấm. Nhà cửa vừa được sửa sang. Cả những con chim sẻ và sáo rừng cũng trở nên quen người dạn dĩ, chúng đáp xuống hàng bầy trước hiên nhà mỗi giờ cơm để chờ những người lính ném cho vài nắm cơm thừa. Ai cũng có những gia đình thân thiết ngoài phum, có những mẹ cha, anh em kết nghĩa. Tất cả những thứ ấy, lớn hoặc nhỏ, quan trọng hay không, đều đã góp phần vun đắp nên Tình cảm - Sự thân thương, đã an ủi, giúp họ vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Nhưng biết làm sao, đời lính là một chuỗi những chuyến đi, một chuỗi những gặp gỡ, chia ly tiếp nối. Có tiếc nuối, vấn vương gì cũng chỉ thêm nặng lòng thôi.

Các trung đội khẩn trương đi đốn tre, cắt lá, đưng, đánh tranh, để tới địa bàn mới là có thể bắt tay dựng nhà ngay.

Sau hai tuần chuẩn bị, họ lên đường vào một ngày đẹp trời tháng Tư. Mỗi trung đội đã cố xoay xở mượn được đôi ba chiếc xe bò để chở tranh lá, đồ đạc. Hôm Huy ra phum mượn xe, gặp me của Soun, anh dừng lại hỏi thăm bà, và báo cho bà biết đơn vị sắp dời đi nơi khác.

- Ði đâu nữa? - Bà thảng thốt kêu lên.

- Tới đóng trại ở gần phum hoang phía Bắc cách đây chừng ba chục cây số me ạ. Còn ở đây sẽ có một đơn vị khác về ở.

- Vậy sao không để họ tới đó, còn các con vẫn ở đây?

- Không được me ạ. Ðó là nhiệm vụ, là kế hoạch của cấp trên. Bọn con phải chấp hành thôi.

Me lắc đầu buồn bã. Huy chào bà, gửi lời thăm Soun rồi vội vã đi tới các nhà có xe bò để hỏi mượn. Anh tự động viên mình, đừng buồn làm chi vô ích, rồi thỉnh thoảng khi có điều kiện nhất định anh sẽ về đây chơi thăm mọi người, thăm Soun.

Vậy nhưng khi đoàn xe bò vừa ra khỏi Cứ, Huy đã nhìn thấy Soun đứng ngong ngóng giữa hàng chục đàn bà trẻ nhỏ. Họ đứng đó chờ chào từ giã những người lính. Soun chưa nhìn thấy Huy ngay vì anh lẫn vào giữa đám lính tráng, giữa những xe cộ chất cao đồ đạc, cô đưa mắt kiếm tìm, vẻ nôn nao, bối rối và buồn bã.

Huy vẫy tay hét lớn:

- Soun ơi!

- Boòng Huy! – Soun kêu to mừng rỡ, rồi im bặt. Cô chợt nghẹn ngào muốn khóc, và không biết nói gì.

Huy nhìn đôi mắt đỏ hoe của cô, xúc động. Cả anh bây giờ cũng không biết phải nói gì. Biết bao nhiêu chuyện dồn dập đến: C13 xoá sổ, Quân chết, me Sa Rinh chết, Sa Piên bỏ nhà đi, cả con Chíp mà Ụ Mối để lại cho Huy cũng bị cúm và lăn ra chết từ lâu....Tất cả đã làm Huy như chìm đắm trong nỗi buồn đau. Anh ít ra phum, ít gặp Soun, và tệ nhất đã quên khuấy đi cả lời hứa sẽ làm một chiếc đèn dầu tặng cô. " Sao lúc này mình mới chợt nhớ ra!" - Huy thầm kêu lên, thấy giận mình ghê gớm. Ðôi chân Huy vẫn vô thức bước theo đoàn xe, trong lúc anh ngoái đầu lại, nhìn Soun không chớp mắt. Khi đi được một quảng, Huy mới kịp la lên:

- Soun ơi, đừng buồn. Anh sẽ về thăm Soun... Anh sẽ làm cho Soun một cây đèn dầu, đẹp hơn cây đèn kia nữa!

Huy không thể rời mắt khỏi dáng vóc nhỏ nhắn thân thương của Soun cho đến khi lớp bụi mù cuộn lên, và những rặng dâu xanh ngắt đã che khuất mất cô. Ðôi mắt buồn rầu hoe đỏ của Soun vẫn còn ám ảnh Huy mãi cho tới khi anh tới điểm dựng cứ mới.

Khối trực thuộc Tiểu đoàn đến vị trí vào giữa trưa. Mọi người ngao ngán nhìn những bụi rậm đầy gai góc, và những dây mắt mèo lũng lẵng trái đầy lông. Chúng đu đưa theo gió, như thể đang ngấm ngầm đe dọa: "Hãy tránh xa bọn tớ ra, nếu không các cậu sẽ nếm mùi đau khổ!".

Họ nhanh chóng tháo dỡ đồ đạc, tranh lá khỏi xe, cám ơn và tiển mấy người dân đánh xe về, rồi ngay lập tức bắt tay vào việc.

Họ làm quần quật đến sẫm tối, trừ lúc nghỉ ăn cơm vào lúc xế trưa. Ai nấy đều đói như cào, mệt bã người. Gai cào xước những đường dài trên mặt họ. Dù không dám ở trần để tránh bị lông mắt mèo, nhưng cả người họ vẫn ngứa ran lên. Lúc đang làm cơn ngứa dịu đi, nhưng giờ đây, chúng tha hồ làm tình làm tội mấy người lính. Thứ lông mắt mèo không gãi thì còn đỡ, càng gãi, cơn ngứa càng tăng, gãi đến trầy da tóe máu cũng chả ăn thua. Họ đốt lửa lên hơ cho đỡ ngứa một lúc rồi ra suối, cách đó chừng hai trăm thước tắm táp, chuẩn bị cho bữa cơm tối.

Ngày hôm sau, lúc đang phát quang, Thuận phát hiện ra một tổ ong mật rất to. Anh vơ mấy nhúm cỏ và nhánh cây khô đốt lên để xông tổ ong. Lũ ong bị quấy rối bay tán loạn, đuổi theo tấn công họ. Mọi người bỏ chạy ra phía suối, nhảy ùm xuống lặn tránh hồi lâu mới thoát khỏi chúng. Cuối cùng Thuận cũng lấy được gần hai bình toong mật ong vàng sánh. Lúc Thuận đưa cho Huy bình toong mật, kêu anh nếm thử thì Tiểu đoàn trưởng Bảo tới.

Dạo về sau này Bảo có phần nào thay đổi. Anh dịu đi, bớt cáu gắt với anh em, không còn đánh đập hay chửi lính. Anh cũng bớt uống rượu đi. Thậm chí lúc này trông Bảo còn có vẻ cởi mở, vui vẻ. Anh mỉm cười khi bước tới gần, bảo Huy:

- Chà, 12 ly may nhỉ, được bọn ong cho mật và đuổi đốt một trận tưng bừng!

- Kinh quá anh Bảo! Không có con suối chắc đứa nào cũng mập mình với lũ ong rồi.

Huy chìa cái bình toong cho Bảo:

- Anh Bảo nếm thử xem sao.

Bảo cầm lấy, nốc một ngụm nhỏ, rồi khen:

- Khá lắm - Anh nhìn quanh - Thôi anh em tiếp tục làm đi. Cố cho xong để còn đào giao thông hào và công sự. Tớ đi sang bên ÐK đây.

Bảo đi. Huy chuyền chiếc bình toong cho anh em mỗi người nhấp một ngụm. Sau đó, họ tiếp tục.

Ðêm hôm đó, khoảng giữa khuya, trời đổ mưa như trút. Mọi người chỉ mắc võng dưới những táng cây chứ không có thì giờ làm lều. Lúc đầu họ còn ngáy ngủ và quá mệt mỏi nên vội bung tấm lylon ra trùm lên võng rồi ngủ tiếp. Nhưng mưa to quá, mỗi lúc một nặng hạt hơn. Một lúc sau, nước mưa len lỏi theo dây võng chảy xuống, làm lưng quần áo của ai cũng ướt sũng, lạnh tê. Không sao ngủ tiếp, họ đành ngồi dậy cởi quần áo ra, choàng tấm nylon lên người, rồi xúm lại bên nhau tán dóc chờ trời sáng.

Mưa luồn qua những tầng lá rơi xuống, chạm vào lớp nylon trên đầu những người lính tạo thành một chuỗi lốp bốp đều đều. Mưa ngấm vào lớp lá mục dưới đất, gặp hơi đất ấm nồng, tỏa lên thành sương nghi ngút. Cả trung đội ngồi ghé vai nhau vừa nhìn hơi sương tỏa quanh mù mịt, vừa chuyện trò khe khẽ, lâu lâu một ai đó chợt bật cười khúc khích hoặc húng hắng ho. Câu chuyện của họ lan man trên trời dưới đất, nối dài không dứt như mưa. Ðêm tưởng chừng như dài vô tận cuối cùng cũng qua đi, nhưng mưa vẫn còn dai dẳng.

Mưa rơi tiếp suốt cả ngày hôm sau, lúc to lúc nhỏ. Mọi người vẫn làm dưới cơn mưa, nhưng tốc độ giảm đi. May là những ngày sau đó, trời nắng ráo và ấm áp. Nhưng vì sợ trời lại mưa gây trở ngại, mọi người ráo riết làm quên cả nghỉ ngơi. Huy xoay như chong chóng, hết đẽo cột quay sang đào công sự, rồi lợp tranh... không còn biết mệt. Cà người anh giờ hệt như một khối thép dẻo, muốn uốn lượn, muốn đập dẹp vỗ tròn gì thì chất thép bên trong vẫn không suy suyển. Không chỉ là thép, mà còn có lửa! Lửa hồng trong anh đang cháy, bừng bừng, mỗi lúc một nóng đỏ hơn lên. Thỉnh thoảng, trong những lúc dừng tay vấn một điếu thuốc rê, Huy lại thấy lòng nhói lên nỗi nhớ Quân. Quân chiếm một chỗ quá lớn trong lòng anh. Anh không nhận ra điều này lúc Quân còn sống, nhưng giờ đây anh đã biết. Mỗi khi nghĩ đến Quân, Huy buồn không chịu nỗi. Một cảm giác mất mát, xót xa gần như là đau đớn về thể chất làm Huy muốn quỵ ngã xuống, làm Huy muốn gào khóc lên nức nở, gào khóc như điên như dại, cho cả đất trời, cả nỗi đau của anh cũng tan thành nước mắt trôi đi. Nhưng cả việc gào khóc đó cũng chỉ diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ trong tim. Nước mắt không chảy ra ngoài, trên khóe mắt. Chúng biến thành máu đen và mật đắng, chảy ngược về tim.

Cuối cùng thì đâu cũng vào đấy. Nhà cửa, đường đi lối lại, hầm hào công sự đều khang trang tươm tất. Ðơn vị được nghỉ ngơi an dưỡng ít lâu. Những ngày rảnh rỗi, Huy cùng mấy anh em khác ra suối câu cá, mò chem chép. Lúc đầu họ còn thong dong ngồi buông câu như Khương Thượng Tử Nha thả nhợ chờ minh chúa, ít lâu sau đó họ lấy mùng ra làm lưới kéo, nhưng đi lên đi xuống, quậy đục ngầu cả một quảng suối dài, cũng chỉ được vài con cá tép nhãi nhép chả bỏ dính răng. Chẳng mấy chốc, cá cua tôm tép hết sạch sành sanh vì hàng trăm con người ngày nào cũng câu, cũng bắt. Phải trồng trọt chăn nuôi để cải thiện bữa ăn, không thể lạm dụng thiên nhiên một cách quá đáng như vậy nữa - Huy thầm nghĩ - nhưng từ giờ đến khi ung dung hưởng thụ thì... muối ớt, mắm kem cái đã!

Mấy hôm sau, cả trung đội tập trung dẫy cỏ, cuốc đất lên luống trồng rau, dựng giàn bầu bí. Hạt giống rau muống vẫn còn khá nhiều, đủ để gieo năm luống lớn, lại có một ít hạt đậu ván của me Sa Rinh cho dạo trước chưa gieo hết. Khoảng nửa tháng sau, họ bắt đầu có rau xanh thêm vào những bữa cơm.

Dần dần, trung đội cũng thấy thích thích cái chỗ ở mới này. Mấy căn nhà dựng dọc ven bờ suối. Phía ngoài là những cụm cây rậm rạp buông những chùm rễ xòa ra mặt nước. Không khí lúc nào cũng man mác một làn hơi nước ẩm ướt. Sáng sáng, không gian tràn ngập tiếng chim kêu hót véo von. Thỉnh thoảng, có một con họa mi đến đậu ngay trước đầu hồi, cất giọng hót suốt đêm. Tiếng hót ngọt ngào làm những người lính ngồi gác quên đi buồn nhớ, tiếng hót như những khúc ca êm êm dìu dịu len lén rót vào tai những người đang thiếp ngủ, mang về những giấc mơ đẹp, an bình. Bỗng dưng những người lính cảm thấy mình giống như những nhà ẩn sĩ, mặc khách tao nhân, lánh chốn phồn hoa tìm đến đây hưởng cảnh an nhàn.

Một buổi trưa ra suối tắm, Huy gặp Thái, B phó trinh sát. Hai người trò chuyện vu vơ một hồi, Thái bảo:

- Tối nay tụi tui đi bám ở mạn đông phum Chan Ðai....

Ðang lơ đễnh, Huy chợt giật mình khi nghe hai tiếng Chan Ðai. Bỗng dưng một nỗi nhớ cồn cào dâng ngập hồn anh. Nhớ me Sa Rinh. Nhớ Buk Hô. Nhớ Sa Piên. Nhớ hai anh em thằng Kan. Nhớ hai chị em Cà Mum, Khla. Nhớ mẹ của Soun... Nhưng nhớ nhất, nhớ hơn tất cả... là Soun! Huy bỗng nhận ra điều đó. Anh nảy ra một ý, cắt ngang lời Thái.

- Nè, ông cho tui đi với. Khi về mình cắt qua đầu phum, mấy ông chờ tui ở ngoài, tui vào thăm người quen một tí.

Thái nhe răng cười:

- Phải con nhỏ Soun "mắt huyền" không? Cả tiểu đoàn ai cũng biết rồi đó nghe Huy! Ðược rồi, chiều sang tui ăn cơm uống trà rồi cùng đi.

Suốt buổi chiều ấy Huy nôn nao mãi. Từ lúc đến đây, ít khi anh nghĩ tới Soun. Nhưng hình ảnh cô đã gần gũi, thân thương lắm, đã chiếm một góc, nhỏ nhoi khiêm tốn thôi, mà vô cùng quan trọng trong trái tim, tâm hồn của anh. Mỗi lần nhớ Soun, lòng Huy lại rộn lên một cảm giác vừa ấm áp, trìu mến, vừa nôn nao xao động lạ lùng. Lần đầu tiên, Huy nhận ra mình không bao giờ có thể quên được người con gái ấy. Lần đầu tiên anh ngượng ngùng tự thú với mình: " Vậy là mình thương Soun thật rồi! Soun ơi, anh thương Soun thật rồi đó, biết không!". Cả buổi trưa anh không ngủ. Anh lục lọi trong ba lô, lôi ra mấy cái lọ thủy tinh đựng thuốc, chọn tới chọn lui, rồi ngồi hý hoáy làm một chiếc đèn dầu để tặng Soun như đã hưá. Ðây là chiếc đèn đẹp nhất Huy đã làm từ trước đến nay. Trước kia, đơn giản anh chỉ làm một chiếc đèn để thắp sáng trong đêm. Còn hôm nay, anh làm nó với yêu thương và một niềm vui rộn rã.

Toán trinh sát và Huy đi suốt đêm hôm ấy, cắt một đường zích zắc hướng về điểm tọa độ ở cánh rừng mạn đông. Khoảng ba giờ sáng họ đến điểm, nghỉ ngơi một lúc, giở cơm vắt ra ăn, rồi tiếp tục nằm phục cho đến hết ngày hôm sau. Họ không phát hiện được gì lạ. Một ngày dài dằng dặc trôi qua. Ráng chiều chuyển từ đỏ rực sang vàng rồi tím mờ dần sau dãy núi. Khi đêm buông xuống được một lúc, họ bắt đầu cắt xéo về hướng đầu phum. Ðến cây gạo cổ thụ nằm ngoài bìa phum, ba người lính trinh sát dừng lại. Họ tản ra thành ba đỉnh của một hình tam giác, ngồi núp sau những bụi cây, Huy men theo những gốc cây, bụi rậm tiến vào phum.

Vừa chập tối không lâu, nhưng không khí trong phum khá tịch mịch im lìm. Anh em E 14 vừa mới tới đây, lạ nước lạ cái, chắc hẳn đêm không ra phum chơi như bọn anh ngày trước. Vài ba nhà mới có một nhà thắp đèn, cả phum tối om, buồn thiu cả ruột. Huy vừa thận trọng luồn lách qua những lớp rào gỗ thưa vừa lắng nghe động tĩnh. Thận trọng như thế không phải là vô ích. Ở những phum vùng hẻo lánh như thế này, hầu như nhà nào cũng có con cháu đi theo địch. Tuy họ vẫn có cảm tình với bộ đội Việt Nam, nhưng con cháu họ, những tay chạy theo Polpot ấy, tất nhiên là không thể giở chuyện tình cảm ra để nói nếu như bất ngờ hai bên chạm trán nhau. Huy nhớ có một lần, anh và Già Hương ra chơi nhà tà Nuốc, nhập nhoạng tối, ông già bảo:

- Hai con đi về nhà đi, hôm khác ra chơi, bây giờ không tiện đâu.

Huy hơi thắc mắc khi thấy thái độ khác lạ của ông, ngày thường, ông rất vui khi có anh em đến chơi, trò chuyện. Khi cả hai đi khỏi nhà ông cụ một đoạn, Già Hương giải thích:

- Ổng muốn tránh đụng độ giữa tụi mình và thằng cháu ổng. Cháu ổng theo địch mấy năm nay. Lâu lâu nó ghé về xin gạo xin tiền ông già.

- Vậy ổng không sợ mình ra phục bắt cháu ổng sao Già Hương?

- Ổng biết anh em mình đâu có chơi hèn như vậy. Ðụng nhau ngoài chiến trường thì khác, nhưng những lúc này, nó về không phải là để gây hấn với mình, mình có biết cũng làm lơ đi là tốt nhất.

Lúc này, Huy mới hiểu trọn vẹn ý nghĩa câu nói của Già Hương khi anh ở vào một hoàn cảnh tương tự. Anh lẻn vào phum chỉ để thăm Soun, anh thật sự không muốn chạm trán, nổ súng hay thậm chí một sự um xùm không cần thiết. Nhưng anh vẫn phải nổ súng nếu như tình thế bắt buộc. Ðể khỏi phải rơi vào một tình thế bắt buộc như vậy, thận trọng một chút chẳng có gì là quá đáng.

Ðã tới chân cầu thang của nhà Soun. Huy đứng im một lúc, ngẩng đầu nhìn lên trên nhà. Trong nhà đã tắt đèn. Không biết hai mẹ con Soun còn thức hay đã ngủ. Huy đưa tay vỗ vào túi quần, chiếc đèn dầu vẫn ngoan ngoãn nằm yên ở đó. Anh nhẹ nhàng bò lên những bậc thang. Tới bậc cuối, anh dừng lại, ép người vào thanh gỗ, ngồi im như bức tượng một lúc lâu. Thời gian lắng đọng, ngừng trôi. Là mấy phút, mấy giờ, hay đã mấy thế kỷ trôi qua? Tri giác của Huy đối với thời gian ngưng hoạt động. Trong đầu anh lúc này chỉ còn những hình ảnh của Soun. Soun, áo trắng đơn sơ, mắt to ngơ ngác như một thiên thần, len lén nhìn anh lần đầu ở tiệc cưới. Soun thẹn thùng e ấp khi anh mời ra nhảy. Soun đỏ mặt khi nghe con Chíp léo nhéo mấy câu anh dạy để chọc cô. Soun cúi mặt mơ màng, mái tóc dài rối xỏa, hàng mi cong chơm chớp hôm vào Cứ với Sa Piên. Soun, đôi mắt đỏ hoe buồn bã nhìn theo lúc anh dời Cứ... Huy chợt giật mình tỉnh mộng, bên trong có tiếng trở mình trên lớp ván, rồi giọng Soun, nhỏ nhẹ, trong vắt, dịu hiền, vang lên giữa màn đêm tĩnh lặng:

- Me ơi, me đã ngủ chưa?

- Me còn thức.

- Ngày mai con ra chợ huyện với boòng My Un, con mua cho me chiếc khăn croma mới. Khăn me đã rách cả rồi.

- Thôi đừng con. Con thích gì cứ mua mà dùng, me chẳng cần đâu. Khăn me vẫn còn dùng được lâu.

- Con không thích gì cả, con chỉ thích me vui. Me ừ đi me ạ.

- Ừ, thì con muốn sao cũng được. Thôi, ngủ đi con.

Lại tiếng trở mình, lần này của cả hai mẹ con. Rồi im lặng. Huy ngồi thêm một lúc thật lâu nhưng không nghe thấy gì nữa ngoài những tiếng thở nhẹ đều đều. Soun và me đã ngủ say. Anh nhè nhẹ rút chiếc đèn trong túi ra, đặt bên cạnh cửa. Sáng ra, Soun sẽ trông thấy nó khi mở cửa. Cô sẽ biết là ai đã mang nó tới để đó trong đêm. Và chắc là cô vui lắm.

Huy nhủ thầm: " Tạm biệt Soun!". Anh nhanh chóng, nhưng vẫn rất thận trọng quay ra bìa phum, chỗ cây gạo già. Chắc là toán trinh sát đã nóng ruột lắm rồi, có khi còn đang rủa thầm anh ngoài ấy!

*****

Cũng trong năm ấy, tiểu đoàn trải qua một mùa khô gian khó. Trời hạn lớn. Cây cỏ xơ xác héo vàng vì thiếu nước. Những giàn bầu giàn mướp, những luống rau đậu họ trồng khô chết cả. Không khí hanh hao nóng bức làm thân thể họ lúc nào cũng nhơm nhớp mồ hôi. Những con suối gần khu vực đóng quân đều khô cạn. Họ phải đi sang phum lân cận cách đó bảy cây số tải về từng can nước. Chiếc hồ sen cạnh chùa chẳng mấy chốc cũng chỉ còn một lớp nước cạn sệt bên trên lớp bùn dưới đáy. Dân phum và những người lính phải lần lượt xếp hàng chờ đợi đến lượt từng người để chắt từng ca nước trong mấy cái hố nhỏ đào sâu xuống đáy hồ. Liên tục gần hai tháng trời, những người lính cách ba bốn ngày mới tẩm ướt chiếc khăn để lau sơ một lượt qua thân thể.

Khoảng giữa tháng Bảy, tiểu đoàn được lệnh hành quân lên cao điểm 182. Theo quân báo trung đoàn, một lực lượng khoảng hai trăm lính Pol Pot đã tập trung về đó chừng nửa tháng, đóng quân quanh một hồ lớn giữa rừng. Và cao điểm cũng là nơi duy nhất trong vòng bán kính hơn năm mươi cây số có nguồn nước. Trên bản đồ, ký hiệu xanh lơ của chiếc hồ nổi lên thành một vệt dài. Mọi người chuẩn bị cho đợt hành quân mà lòng ngao ngán. Suốt một thời gian dài khô hạn, thần kinh ai nấy cũng căng thẳng và bực bội, và thân xác họ rã rời bãi hoãi, chỉ cầu mong mưa xuống. Ði đánh nhau trong tình trạng như thế, không mong gì một kết quả khả quan, nhưng quân lệnh như sơn, là lính dù muốn dù không họ cũng phải chấp hành. Họ cố tìm đủ nước để mang theo, nhưng nhiều lắm mỗi người cũng chỉ kiếm được nửa can vàng. Họ chỉ còn hy vọng lên tới cao điểm sẽ nhanh chóng đuổi được địch, chiếm lấy hồ nước để tha hồ uống cho thỏa thích.

Cao điểm cách Cứ chừng sáu mươi cây số. Tiểu đoàn cố vượt qua khoảng cách đó trong đêm để tránh cái nắng ban ngày, nhưng trời oi bức mà họ lại không dám dùng đủ nước, nên tốc độ càng lúc càng giảm. Ðến sáng, họ còn cách vị trí đến hơn mười cây số. Tiểu đoàn trưởng Bảo cho đơn vị dừng lại giải lao. Những người lính móc mấy bao gạo sấy ra đổ nước vào rồi nhá nhá cho đỡ đói. Không ai dám đụng đến lương khô. Thứ đó chỉ để dành cho những buổi tối ngồi nhấm nháp uống trà nói chuyện ở Cứ, đi tác chiến mà ăn lương khô chỉ tổ uống nước nhiều nặng bụng đi không nổi. Sau đó một giờ, họ lên tới hồ. Ðội hình chiến đấu được triển khai và áp sát dần vào, nhưng cuối cùng họ phát hiện địch đã rời cao điểm mấy ngày trước đó. Rải rác chỉ còn dấu những bếp đào quanh bờ hồ. Chiếc hồ chỉ còn là một trũng đất rộng, khô như bầu trời và mặt đất. Nó chỉ còn là một xác chết của chiếc hồ có ký hiệu xanh lơ vẫn nằm tươi rói trên mặt bản đồ.

Tiểu đoàn trưởng Bảo cáu tiết chữi thề ỏm tỏi, nhưng cơn giận của anh nhanh chóng xìu xuống, anh bắt đầu cảm thấy lo âu khi nghĩ tới chặng quay về. Nếu quay trở lại theo đường cũ, họ phải băng một con trảng dài gần năm mươi cây số dưới ánh nắng chói chang. Ðó là con đường ngắn nhất. Còn đi vòng xuống hướng tây một chút, khoảng ba mươi cây sau, họ sẽ gặp phum đầu tiên, và có thể tìm được ít nước. Nhưng đường xa gấp rưỡi, và có nhiều khả năng đụng địch, mà lúc này mọi người đều mệt mỏi và đuối sức, không đụng địch cũng đã muốn nhấc chân không lên rồi, còn đánh đấm gì được nữa.

Cuối cùng, Bảo quyết định chọn đường vòng. Tiểu đoàn quay về như một đoàn quân thất trận, tệ hơn cả thất trận. Từng nhóm lính rải rác lê chân trên cánh trảng, không hàng lối trật tự gì. Nhiều người ngất xỉu nằm lăn ra trên đất, nhất là các trung đội hoả lực. Kiên và Vũ, hai lính mới của trung đội không chịu nổi cũng ngã qụy khi còn cách phum chừng năm cây số. Huy rút trong túi cóc ra chiếc bình toong. Sau lần ở biên giới trở về, không bao giờ Huy quên giữ một bình toong nước mỗi lần đi tác chiến. Nhiều khi anh mang theo và lại mang về, không đụng đến suốt một đợt truy quét. Nhưng thói quen ấy bây giờ rõ ràng là có ích. Huy rót ra nắp bi đông, cho Kiên và Vũ nhấp từng ngụm thật nhỏ, và cũng không cho hai đưá uống nhiều, chỉ độ ba nắp bi đông. Sau đó, Kiên, Vũ khá hơn, và họ lại tiếp tục lên đường. Lần lượt, những nhóm lính cũng vào được tới phum. May là họ không gặp địch ở đó.

Ðó là một phum lạ, Tiểu đoàn chưa từng ghé qua lần nào. Dọc theo con đường chính giữa phum là hai hàng dừa cao nhiều trái. Những người lính năm lăn ra dưới gốc dừa, thèm thuồng nhìn những trái dừa to xanh ngắt trên đầu. Sau một lúc nghỉ ngơi lại sức, mọi người tản vào nhà dân hỏi xin dừa. Những người dân có vẻ không sẵn lòng vui vẽ. Họ lắc đầu ngoay ngoảy, và đổ là không biết dừa của ai, dù cây dừa mọc ngay trước cửa nhà. Nhà này bảo: " Không biết đâu, chắc đó là dừa của nhà ở hướng bắc". Sang nhà hướng bắc, lại nghe bảo: "Chắc là của nhà hướng tây!" Những người lính nổi cáu, họ giơ AK lên bắn lên đọt dừa, làm dừa non dừa già rớt lộp độp. Khi đó, mấy bà cụ già mới chạy ra mếu máo: " Mấy con ơi, đừng bắn chết cây mất, thôi leo lên hái đi. Ðừng bắn nữa!"

Huy theo dõi cảnh tượng đó, vừa cảm thấy tức cười, vừa xót xa cho thân phận những người lính xa nhà. Bọn Huy dù sao cũng chỉ là những chàng trai trẻ, chịu đựng quá nhiều cực khổ, mà những người dân này lại đối xử với bọn anh một cách vô tình. Hay là họ cũng có những khổ tâm riêng? Những trái dừa kia là nguồn sống của họ chăng? Có phải thóc gạo của họ, vịt gà, heo chó của họ, cây trái của họ đã nhiều lần bị những đoàn lính tráng, bên này hay bên kia, cướp phá? Ðến độ với họ chỉ còn nỗi khiếp sợ và căm ghét? Vậy ai là người có lỗi, và ai là kẻ đáng thương hơn? Những người lính ngang ngược bắn phá này, hay những người dân sống trong thời loạn ly khói lửa kia?

********

Cơn hạn kéo dài đến cuối tháng Bảy, chừng như đã hả hê với những hoành hành tội tình đã trút xuống đầu dân chúng, nên đột ngột biến đi. Một buổi chiều gió bỗng nổi lên, quất mạnh vào những lũy tre bao bọc quanh các phum, bẻ gãy những cành khô mục to kềnh trên những thân cổ thụ, rồi mây đen nghìn nghịt kéo đến đầy trời. Mưa giông như trút, trong khoảnh khắc đã đổ đầy các con suối, rãnh nước và cả một vùng trảng thấp. Mưa sầm sập suốt đêm. Ngày kế tiếp nắng ráo. Rồi sau đó đều đều cách quãng hai ba ngày lại có một ngày mưa gió.

Sau những cơn mưa đầu mùa, cây cối trong phum, trong đồng cỏ, cánh rừng bắt đầu xum xuê xanh tốt lại. Măng le, măng tre gai nhú lên tua tủa như những chiếc chông bụ bẫm bên gốc những cụm tre già. Nấm mối, nấm hương đua nhau mọc đầy trong các khe suối, trên những thân gỗ mục. Tuy vậy, dân ở phum Chan Ðay không rũ nhau lũ lượt vào rừng tỉa măng, hái nấm như mọi năm. Năm đó, các lực lượng địch vừa mới huấn luyện từ biên giới đổ về rất nhiều. Các đơn vị quân Việt Nam lần lượt bị bao vây, đánh úp, có đại đội đã phải bỏ Cứ mở đường máu thoát khỏi vòng vây. Các trận đánh xảy ra như cơm bữa giữa quân Việt nam và quân Khmer đỏ, cả những đường mòn lối nhỏ trong rừng cũng chăng đầy mìn các loại. Ðã có vài ba người ở phum bên vào rừng vướng phải mìn của địch gài dọc theo những lối mòn, bờ suối.

Một buổi sáng nắng đẹp, Soun một mình đi vào rừng hái nấm. Rừng cây thân thuộc không ngăn cô lại, không kêu lên những lời cảnh báo. Soun đi vào rừng một mình. Và không bao giờ quay về nữa.

Thật ra Soun biết những hiểm nguy đang rình rập trong rừng. Nhưng nghĩ tới những chiếc nấm non tròn xoe mập mạp, cô thấy tiếc quá. Phần nữa, cô rất thích vừa tha thẩn hái nấm, vừa thầm thì nói chuyện với lũ bướm rừng, hay trêu chọc bọn sóc con hay giương mắt ngơ ngác nhìn người lạ rồi kêu ré lên và bỏ chạy, và vừa nghĩ tới Huy nữa. Hôm Huy lẻn về phum đặt cái đèn trước cửa, sáng ra Soun là người đầu tiên trông thấy nó. Thoạt tiên cô giật mình kinh ngạc, rồi cô hiểu ra ngay mọi chuyện. Soun ôm chiếc đèn vào lòng. Miệng cô tự nhiên bật thốt những câu dân ca tình tứ véo von. Soun vui mừng, sung sướng ngất ngây. Một niềm vui, xúc động lạ lùng và cả nỗi nhớ Huy chợt ùa vào hồn, làm cô như ngạt thở. Soun tíu tít khoe ngay với me, rồi cô rót dầu từ chiếc đèn cũ ở nhà sang chiếc đèn mới, đốt lửa lên, ngồi nhìn ánh lửa và hân hoan trò chuyện với nó, như thể nó biết nghe và biết trả lời, như thể nó chính là Huy vậy. Soun có một thiên tư và sự hồn nhiên của đa số những cô gái sống ở gần thiên nhiên, rừng núi, đó là xem mọi vật như con người, và rất thích chuyện trò trong tưởng tượng với chúng, dù thật ra cũng chỉ tự mình nói, rồi tự mình nghe.

- Ðèn nằm đây suốt đêm buồn lắm, lạnh lắm phải không... Boòng Soun tệ thật, boòng Soun không biết gì hết, thôi đèn đừng giận nhé! Rồi chị sẽ thương em, lau em và lúc nào cũng rót dầu thật đầy cho em nhé, chịu không?

- Tội cho boòng Huy ghê, đèn nhỉ! Boòng Huy đi tới nhà chị đêm qua chắc là vất vả lắm. Thế mà chị chả biết, chả nói chuyện với anh. Chị cứ ngủ khì ra. Boòng Soun của em tệ ghê, tệ ơi là tệ!

Soun cứ tíu tít nói những câu không đầu không đũa như vậy trước nụ cười và đôi mắt nhìn âu yếm của me. Bà cũng vui không kém.

Phải, Soun muốn đi vào rừng để hái nấm, về phơi khô dành gửi cho boòng Huy. Cô năn nỉ xin me cho đi. Me không đồng ý, bà cũng muốn có cái gì đó gửi cho Huy, nhưng đi vào rừng thì tuyệt đối là không. Soun nài mãi me cũng nhất định lắc đầu. Nhưng sáng hôm đó, me đi sang nhà tà Nuốc giúp làm đám giỗ. Soun ở nhà làm hết mấy chuyện vặt, cô lại lôi chiếc đèn ra trò chuyện với nó một lúc. Rồi một ý muốn mạnh mẽ chợt xâm chiếm lấy Soun, cô không còn cưỡng lại nó được. Soun cầm lấy chiếc giỏ mây rời khỏi nhà.

Rừng như đang mỉm nụ cười hớn hở và cất tiếng hát ca chào đón bước chân Soun. Những bụi cỏ thấp còn đẫm sương và mưa đêm long lanh, xào xạc kêu lên khi chạm nhẹ vào chiếc xà rông của Soun. Chúng như muốn nũng nịu: " Boòng Soun cúi xuống với bọn em tí nào, cười với bọn em một cái!" Và Soun cúi xuống, mỉm cưới với chúng, thật dịu dàng. Hoa linh lan nhỏ xiú và trắng muốt cố tỏa hương ngào ngạt hơn khi Soun bước chân qua chúng. Những chiếc lá dài mỏng mảnh ve vẩy, và những nụ hoa run khẽ chào cô. Mấy cây dầu già khom lưng xuống nhìn cô, rồi vừa rùng mình buông mấy chiếc lá đỏ hoe cho rơi lên vai lên tóc cô như ve vuốt, vừa lao xao bàn tán với nhau: " Chà! Con bé càng lớn càng kháu khỉnh quá đi thôi!"

Soun tung tăng len lỏi qua những thân cây già cỗi, những bụi rậm xanh rì, nhận những lời chúc tụng, chào hỏi của chúng và thân thiện vui vẻ đáp chào với chúng. Khi những tia nắng xuyên qua táng lá xanh như ngọc hong khô những giọt sương sớm trên cây lá, chiếc giỏ mây đã được lưng lưng những nụ nấm ngọt ngào. Soun bắt đầu lo âu khi sực nhớ ra mình đã cãi lời mẹ vào rừng. Cô nghĩ thầm: " Thôi không hái nữa, phải về ngay kẻo mẹ lo cho mình lắm."

Soun quay về, men theo bờ một con suối nhỏ. Khi bước qua một khoảng đất lầy, cô trượt chân xuýt ngã, nhưng rồi lấy lại thăng bằng được. Vừa mới lấy lại bình tỉnh sau cú trượt, cô đã bật cười một tràng ròn rã để tự chế giễu mình. Tiếng cười vui của Soun còn chưa tắt hẳn, thì cô chợt nghe một tiếng lách tách rất khẽ ngay dưới chân, rồi một vật gì đó bật tung lên trước bụng cô. Một tiếng nổ xé tai vật Soun ngã lăn ra. Soun nằm trên đất, bé nhỏ, lẻ loi, chiếc áo trắng rách bươm, nhuộm máu. Cái giỏ mây lăn ra cách Soun mấy mét, những nụ nấm nhỏ văng tung toé, có nhiều nụ vương đỏ máu Soun.

Cây lá trên đầu, xung quanh Soun vẫn rì rào lao xao trong gió. Nhưng giờ đây chúng trở thành những vật vô tri vô giác, thản nhiên không biết một cô gái nhỏ đã chết gục dưới chân mình.

Hôm nay là ngày mấy tháng mấy năm nào vũ trụ có còn không bầu trời này mặt đất này có còn không hay đã vỡ tung ra hồn tôi có còn không hay đã vụn nát thành trăm ngàn mảnh thủy tinh sắc nhọn đang cào cấu tim tôi ngoài kia đêm mịt mùng đen tối ngoài kia gió rít gió gào gió khóc hờn gì sao cứ gào rú mãi bên tai đêm đã giấu em tôi nơi nào gió đã chở em tôi đi đâu xin làm ơn trả lại cho tôi xin hãy làm ơn trả Soun lại cho tôi tôi còn tỉnh đây hay đã mất trí rồi mà bỗng nghe trăm tiếng thét gào rên xiết điên dại rú trong đầu Soun ơi em đi đâu mà me ngồi đây khóc ngất nhớ em mà tôi ngồi đây như đá lặng câm nhớ em. có ai ngoài đêm tối kia xin trả lời tôi em đã đi đâu xin đừng nói với tôi cái từ chết xấu xa khủng khiếp chết là gì tôi không muốn biết tôi chỉ muốn có lại Soun tôi chỉ muốn nhìn thấy lại Soun tôi không muốn tin gì nữa hết tôi không muốn nghe gì nữa hết đừng nói với tôi chết chết chết ôi vật gì đang đâm xé tim tôi...

Không. Soun không chết. Một thiên thần bé nhỏ như em không thể chết đâu. Tôi không bao giờ muốn tin là mình đã mất em.. Tôi tin là em đã bay đi. Em đã bay đi, với đôi cánh nhẹ nhàng trong suốt, với trái tim yêu thương và đầy lòng nhân ái. Em đã bay đi. Ðến một nơi không còn thù hận, không có phân chia. Không có súng đạn, chiến tranh. Và từ nơi cao xa yên bình vĩnh viễn đó, em vẫn mỉm cười nhìn theo tôi thật dịu dàng. Chiếc áo của em không còn hoen đỏ máu tươi. Áo em trắng tinh khôi như mây như nắng, như hồn em trong trắng ngây thơ. (trích nhật ký của Huy)

*****

Lại một năm mới đến, năm thứ ba trong cuộc đời quân ngũ của Huy. Thêm một việc đau lòng đã xảy ra vào một ngày tháng Năm năm ấy, ngay trước lúc Huy quay trở lại quê nhà. Nó làm cho tất cả những người lính tình nguyện đau đớn xót xa, làm cho dân chúng quanh vùng phẫn nộ, sợ hãi và căm oán, làm cho cả những lượn khói nhạt chiều hôm và ráng trời đỏ rực sau núi S'vai chiều chiều giờ đây cũng nhuốm màu tang tóc. Mọi chuyện bắt nguồn từ một thời điểm xa hơn, như sau này một số đồng đội cùng đơn vị của kẻ thủ ác và người thân của các nạn nhân thuật lại.

Mùa xuân năm trước, tiểu đoàn X dời cứ từ một xã phía nam về trú đóng tại phum Cần Ðan, một phum lớn ở hướng Ðông Bắc núi S'vai, cách phum Chan Ðai hơn hai mươi cây số đường chim bay. Ðây là một tiểu đoàn dân vận, nhiệm vụ chủ yếu của nó không phải là chiến đấu cơ động, mà như tên gọi, là làm công tác dân vận, nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết và sự thông cảm hiểu biết giữa quân dân. Ðơn vị gồm những người lính nói rất sỏi tiếng Khmer, một số cán bộ thậm chí còn biết viết chữ Khmer đẹp và đúng hơn cả nhiều người dân nữa. Họ chia ra mỗi tổ ba bốn người, vào cùng ở, cùng ăn, cùng làm với dân, và nhanh chóng chiếm được cảm tình, lòng tin cậy. Trong tiểu đoàn có Z, một hạ sĩ quan tính khí hơi kỳ lạ. Gã hiếm khi cười nói vui vẻ với bất kỳ ai, có tật nghiện rượu, hay lẻn đi uống rượu một mình.

Z rất thích May, một cô gái trẻ trong phum. Gã thường tìm cách lân la tán tỉnh May, nhưng nàng không ưa gã, luôn tìm cách lẫn tránh. Thật sự, cứ trông thấy gã lúc nào cũng ngật ngưỡng say, mặt mày đỏ ké, đôi mắt ngầu đục lờ đờ, nét mặt lầm lì bí hiễm, chẳng cô gái nào lại không e sợ. Gã tấn công, và May lẫn tránh, cứ thế ngày tháng trôi qua. Có lẽ lúc đầu thái độ của cô gái càng kích thích máu chinh phục của Y, làm cho gã thêm quyết tâm. Nhưng rồi thấy bao nhiêu thời giờ, công sức bỏ ra vẫn không giúp gã tiến thêm một bước, gã trở nên thất vọng, chán chường. Trong lòng gã, một cảm giác hận thù, ganh ghét đã nẩy mầm. Gã cay đắng vô cùng, uất nghẹn trào lên cổ khi nhìn thấy May cười nói vui vẻ với các đồng đội của mình. Nhiều lúc gã muốn gào lên câu hỏi: " Tại sao tôi tốt với cô, mến yêu cô, mà cô đối xử với tôi tệ bạc như vậy? Tôi phải làm gì cho vừa lòng mát dạ cô? " Càng thất tình tuyệt vọng, gã càng rượu chè be bét, bất chấp mọi lời khuyên can răn đe của đồng đội, cấp trên. Và không biết từ lúc nào, lòng gã đã manh nha một ý tưởng trả thù đê hèn, man rợ.

Buổi sáng định mệnh ấy đến. Ðó là một ngày trời đẹp, nắng chói chang rực rỡ. Hôm trước, dân làng đã hẹn nhau cùng ra cánh trảng bìa rừng để cắt tranh. Họ khởi hành từ tờ mờ sáng, gồm cả các ông già, bà lão, trẻ con, đàn bà con gái, tất cả chừng mười bốn mười lăm người, tay liềm tay hái vừa đi vừa nói cười ríu rít. Một đôi mắt đỏ ngầu hấp háy bắt gặp đám dân làng khi họ vừa đi ra khỏi bìa phum, Z cười gằn nhìn theo cho đến khi người cuối cùng đã khuất sau rặng cây cao. Gã quay vào phum, tìm rượu uống.

Gần hai tiếng sau, Z chuệnh chọang về chỗ ở. Gã vớ khẩu AK, choàng thêm một bao se ba băng đạn, rồi len lén tìm đường cắt vào rừng, đi vòng ra phía sau nơi những người dân đang cắt tranh. Lúc gã rời nhà, mấy người lính ở chung với gã trông thấy, nhưng họ không chú ý, tưởng gã đi công chuyện hay bắn chim đâu đó.

Vào thời gian ấy, rừng đang lúc xanh tươi rực rỡ, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc sau những trận mưa rào. Lá non xanh ngắt rung rinh trong gió. Hoa nở khắp nơi, trên những đỉnh cây, trong những bụi lùm thấp nhỏ. Lan thủy tiên trắng tinh khôi, lan ngọc điểm tím ngát, hoàng lan vàng rực rỡ. Cả những khóm địa lan thấp bé mọc dưới những tàng cây rậm, nép bên những chùm rễ cong xù xì và phủ đầy rêu xám cũng trổ nhánh khoe những nụ hoa nho nhỏ màu tím nhạt. Tiếng chim cu, chim cà cưỡng, sáo sậu, sáo đá, sơn ca véo von hót gọi bạn tình, tiếng lá rơi xao xác, tiếng chảy rì rào của những con suối nhỏ, tất cả dệt thành một chuỗi nhạc rừng liên miên vô tận. Rừng thật đẹp, như một thiếu nữ xuân thì. Nhưng Z như một người vừa mù vừa điếc, gã không nghe, không thấy gì khác ngoài những ý nghĩ đen tối trong đầu.

Z xuất hiện trước mắt đám dân đột ngột, nòng súng đen ngòm chỉa thẳng về phía họ. Mọi người giật mình khi nhận ra nét mặt gã thật kỳ lạ khác thường. Họ ngưng làm việc, đứng lặng nhìn gã, lo lắng và sợ sệt.

- Người già, con nít ngồi xuống đó, không được nhúc nhích cho đến khi nào tao cho phép. Mấy đứa con gái theo tao đi vào rừng - Z nói, gằn giọng từng từ một.

Những người dân nhìn nhau kinh ngạc. Rồi một cụ già, Son Kê, lấy hết can đảm hỏi gã:

- Mày định làm gì vậy, coong tóp Z?

- Câm miệng lại - Z giận dữ quát - Không hỏi han gì cả. Ðứa nào nhúc nhích hay mở miệng tao bắn chết ngay! Ngồi xuống!

Già Son Kê nhìn mọi người, ra hiệu cứ nghe theo lời gã. Trông gã lúc này thật khủng khiếp, như thể đang bị quỷ ám, không ai dám chắc gã chỉ hù dọa hay sẽ bắn thật sự. Họ miễn cưỡng ngồi xuống.

Z có vẻ hài lòng khi thấy mọi người tuân phục, gã quay sang mấy cô gái, tay chỉ vào rừng:

- Ði!

Trong đám dân có ba cô gái, May, Sori và Chun. Ba người lưỡng lự bước, Z đi sau họ, khẩu súng vẫn lăm lăm chỉa thẳng.

Vào sâu chừng chục thước, Z quay lại nhìn ra. Ðám người ngoài kia vẫn ngồi im. Gã ra lệnh:

- Con Sori lấy khăn croma trói tay hai đứa kia cho tao.

Sori sợ hãi nhìn gã, lắc đầu. Gã trừng mắt. Cô đành nghe theo gã, run run tháo chiếc khăn choàng trên đầu May và Chun cột tay họ lại. Z bước tới, thô bạo xô hai cô té ngữa trên mặt đất, rồi hắn đeo súng vào người, giật chiếc khăn của Sori, lôi cô tới một gốc dầu nhỏ, ở một chỗ vừa quan sát được đám dân ngồi ngoài bìa rừng, vừa nhìn thấy May và Chun, cột chéo hai tay cô ra sau thân cây. Sori bật khóc, cô van xin hắn:

- Boòng ơi, đừng làm vậy. Ðừng boòng ơi, tội cho Sori lắm!

Z nhếch mép cười gằn. Hắn xé toạt chiếc áo, rồi chiếc xà-rông của Sori, bắt đầu cưỡng hiếp cô ngay trước mắt hai người còn lại. May và Chun co rúm người lại, cúi gằm mặt xuống, run bần bật vì mắc cỡ và sợ hãi, rồi họ khóc nấc lên khi nghe thấy tiếng Sori kêu gào rên xiết nghẹn ngào. Chừng hai phút sau, May quyết định bỏ chạy, cô đá nhẹ chân Chun ra hiệu. Cả hai thình lình đứng dậy, loạng choạng chạy ra phía bìa rừng.

Z gầm lên cuồng nộ. Gã vội vàng đuổi theo. Ðám dân phía ngoài cũng bắt đầu bỏ chạy tán loạn khi trông thấy May và Chun vùng chạy. Z mở khóa an toàn, xã súng vào hai cô gái và những ông già bà lão chậm chạp chạy phía sau. Rồi hắn đuổi theo, tiếp tục hạ sát những người còn lại.

Hôm ấy, có tất cả năm người bị Z giết chết, trong đó có May và Chun, và năm sáu người nữa bị thương, Sori may mắn sống sót vì Z mải đuổi bắn những người kia đã bỏ quên cô. Khi bộ đội tiểu đoàn X nghe thấy tiếng súng, chạy ra đến hiện trường, họ sửng sốt bàng hoàng khi thấy xác những ông bà già, con nít đẫm máu nằm rải rác trên cánh trảng. Z đang điên cuồng đuổi bắn một thằng bé. Họ nhanh chóng bao vây, kêu gọi gã bỏ súng đầu hàng. Z giờ đây đã say máu và liều mạng, gã bắn trả lại đồng đội và tìm cách bỏ chạy. Cuối cùng, một phát đạn bắn gảy xương đùi Z mới buộc gã thôi hung hăng chống cự. Sau đó, họ chuyển Z lên quân trạm Ðoàn, tạm giam gã để chữa thương và chờ ngày xét xử.

Mọi việc xảy ra bất ngờ và khủng khiếp, ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai. Thế nhưng nó đã xảy ra rồi. Toàn Tiểu đoàn X đều đau lòng và ân hận, họ không biết phải giải thích sao với những người dân về tội lỗi của một đồng đội. Dân làng vô cùng căm phẫn và đau xót, họ nguyền rũa bộ đội Việt Nam, đòi được tự tay xử tội Z, trả thù cho người thân của họ. Không khí trong phum thật nặng nề, u ám. Bao nhiêu công lao, bao nhiêu mồ hôi và máu của những đơn vị quân tình nguyện đổ ra, trong thoáng chốc trở nên vô nghĩa chỉ vì một cá nhân. Tình cảm gắn bó giờ đây bỗng có một khoảng cánh ngăn chia không dễ gì hàn gắn lại.

Sự vụ được báo cáo khẩn trương lên cấp trên, lên tới chỉ huy cao nhất của Mặt trận. Bản báo cáo nêu rõ những đòi hỏi của dân chúng, và kiến nghị tổ chức Tòa án quân sự đặc biệt xét xử và thi hành án tại chỗ và ngay lập tức để xoa dịu lòng dân. Hội đồng quân pháp Mặt trận ngay sau đó đã ra quyết định xét xử Z ngay tại phum Cần Ðan. Phiên tòa công khai được thông báo đến những đơn vị đóng quân trên các địa bàn lân cận. Mỗi đơn vị được yêu cầu cử đại diện tới dự khán phiên tòa.

Vụ xét xử tiến hành tại quảng đất trống trước sân chùa. Ngay từ mờ sáng, đã có đến hàng trăm dân quanh vùng tụ họp về, xôn xao bàn tán chuyện trò. Quân nhân các đơn vị lần lượt tới không lâu sau đó.

Vì là đơn vị gần bên, các cán bộ chiến sĩ thuộc tiểu đoàn của Huy đến xem xét xử khá đông. Huy dẫn theo Thuận, Kiên cùng đi. Anh lặng im quan sát. Tuy có rất đông người, nhưng không khí khá im lìm lặng lẽ. Mọi người chỉ khẽ khàng trao đổi với nhau. Họ thì thào nguyền rủa Z, tỏ lòng thương tiếc những nạn nhân, và đều dự đoán, như một lẽ tất nhiên, Z phải bị xử tử hình.

Khoảng tám giờ sáng, hai chiếc Zin chở các cán bộ Hội đồng quân pháp Mặt trận, phạm nhân và vài chục tay súng đến nơi. Z được đưa ra khỏi xe với đôi tay bị còng, chân trái gã vẫn còn lớp bột băng. Trông gã ngơ ngác như một kẻ mất hồn, vẻ lầm lì hung hãn thường ngày biến mất. Giờ đây gã như một đứa bé ngỗ nghịch vừa bị xáng một cú bạt tai như trời giáng, không còn biết gì ngoài cơn sợ hãi điếng hồn.

Ðám đông đang lặng lẽ, bỗng nhốn nháo lên khi đoàn xe tới. Ở một góc chợt có tiếng kêu gào khóc lóc nổi lên. Một vài phụ nữ cố giãy giụa, vùng vẫy khỏi những bàn tay níu kéo để lao tới cào xé Z. Ðó là vợ con hoặc chị em của các nạn nhân. Một cán bộ quân pháp lớn tuổi, mái tóc lốm đốm bạc giơ chiếc loa cầm tay lên miệng, nói to bằng tiếng Khmer:

- Bà con hãy bình tỉnh, yên lặng. Tên Z có tội với bà con, quân pháp sẽ xử hắn một cách nghiêm minh. Bây giờ mọi người hãy tìm chỗ ngồi xuống, giữ trật tự để xem tòa xét xử.

Nói xong, ông cùng năm viên sĩ quan quân pháp khác bước tới ngồi vào chỗ hai chiếc bàn đã được trưởng phum kê sẵn. Z được hai người lính xốc nách tới ngồi vào một chiếc ghế đặt phía trước, ở giữa vòng người. Một viên sĩ quan đứng tuổi đứng lên, đọc bản cáo trạng. Anh ta đọc từng câu một, ngưng lại, chờ người thông ngôn, một cán bộ của tiểu đoàn X, dịch sang tiếng Khmer cho dân chúng nghe.

Bản cáo trạng thuật lại diễn biến của hành vi phạm tội, kết thúc bằng đề nghị xử bắn Z, bản án thi hành ngay tại chỗ. Kế đó, vị thẩm phán chủ trì cuộc xét xử, chính là viên sĩ quan già đầu bạc, bắt đầu việc xét hỏi.

- Bị cáo Z, bản cáo trạng có nêu đúng những hành vi của anh không?

Z thều thào đáp, gã vẫn cúi gầm mặt xuống đất từ đầu, nét mặt gã nhợt nhạt không còn chút máu.

- Thưa tòa đúng.

- Anh giết những người dân vô tội vì nguyên nhân, động cơ gì?

- Thưa tòa tôi không biết.

Vị thẩm phán cau mày:

- Anh bắn giết cả chục người mà không biết tại sao mình làm vậy thật ư !

- Tôi không định giết họ.... Tôi... tôi chỉ định hãm hiếp mấy đứa con gái cho bỏ ghét....Tại họ bỏ chạy nên tôi mới bắn họ.

- Tại sao anh chống cự lại khi các đồng đội ra ngăn cản?

- Dạ... tôi sợ.. lúc đó... tôi không còn biết gì... tôi như một thằng điên....

- Anh có ăn năn hối lỗi không?

Z im lặng. Rồi gã bật khóc, lẩm bẩm rên rĩ những tiếng gì đó nghe không rõ.

- Tòa hỏi lại, anh có ăn năn hối lỗi không?

- Tôi... hối hận lắm... hối hận lắm...

- Anh có muốn nói gì với cha mẹ vợ con các nạn nhân không?

Z lắc đầu, vẻ tuyệt vọng.

Vị thẩm phán chờ đợi một lúc, rồi nhắc lại câu hỏi. Z ngần ngừ rồi run run nói:

- Tôi có tội. Tôi xin chịu chết để đền tội.

Vị thẩm phán gật đầu, quay sang khoác tay ra hiệu cho viên thư ký. Anh ta mời mọi người đứng lên nghe ông tuyên án:

"... Tòa án quân sự Mặt trận tuyên án xử tử tên Lê Văn Z, sinh năm..., nhập ngũ ngày... tháng... năm...., cấp bậc hạ sĩ, chức vụ tiểu đội phó thuộc Tiểu đoàn X, Ðoàn Y vì tội cưỡng hiếp phụ nữ, giết nhiều người dân Khmer vô tội một cách dã man, gây chia rẽ, phá hoại mối đoàn kết quân dân hai nước, làm mất danh dự và uy tín của quân tình nguyện Việt Nam. Án được thi hành ngay tại phum Cần Ðan, huyện S'vai Chek, tỉnh Batdomboong, và ngay ngày hôm nay, ngày... tháng...năm... Tòa xin thay mặt Quân đội nhân dân Việt Nam nhận lỗi không quản lý giáo dục nghiêm chiến sĩ, để xảy ra việc đau lòng đáng tiếc vừa qua, cầu mong bà con cô bác tha thứ tội. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, Z là người xấu, y sẽ phải đền tội. Nhưng quân tình nguyện Việt Nam vẫn còn có nhiều người tốt. Mong bà con cô bác vẫn thương yêu đùm bọc họ. Mất mát của bà con cô bác không có gì bù đắp được, nhưng để an ủi, và giúp đỡ các gia đình nạn nhân trang trải tang ma, chữa trị thương tật, Tòa xin thay mặt Mặt trận gửi cho mỗi gia đình hai tạ gạo và hai ngàn ria. Sau khi thi hành án, mời các bà con ở lại nhận cho."

Ông ngưng một chút, rồi gằn giọng:

- Ðội chấp pháp chuẩn bị thi hành án ngay lập tức!

Trong thời gian xét xử, có mấy người lính đã ra phía đồng trống hướng bắc phum chuẩn bị nơi hành hình. Họ chôn một thân cây cao khỏi đầu người. Z được dìu ra, một người lính cột một băng vải đen che mắt gã lại rồi trói vào thân cây. Mọi người đứng quanh im lặng, hồi hộp chờ đợi. Ba người lính chấp pháp xếp thành hàng ngang, ôm súng đứng nghiêm chờ lệnh của viên đội trưởng.

Thân hình Z run bần bật. Gã khóc mếu máo. Không biết sau lớp vải đen, đôi mắt gã vẫn mở to hay nhắm nghiền lại vào giây phút đó.

- Bắn! - Viên đội trưởng quát lớn.

Người Z nẩy lên, giật giật vài cái rồi mềm rũ xuống sau loạt đạn. Viên đội trưởng bước tới gần, kiểm tra xem gã chết hẳn chưa, rồi gật đầu ra hiệu các thuộc cấp thu dọn xác. Cảnh xử tội dường như kết thúc quá nhanh. Mọi người đứng ngẩn ra một lúc. Mặt trời lúc ấy đã lên gần giữa đỉnh đầu. Nắng đỏ như lửa hắt xuống cánh đồng. Bãi xử bắn trong một thoáng lặng im phăng phắc, tiếng những cơn gió rì rào lướt trên ngọn cỏ bỗng nổi lên mồn một âm vang.

Mọi người lần lượt bỏ về. Huy đứng lặng lẽ. Lòng anh không buồn không vui, nhưng nặng trĩu vì một điều mơ hồ không rõ. Ánh mặt trời chói chang rọi xuống làm đôi mắt anh nhức nhối. Bỗng nhiên anh cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Bỗng nhiên anh ước ao được nằm lăn ra mặt đất ngủ vùi một giấc, đầu gối lên trên lớp cỏ mùa xuân thơm và mềm mại. Và khi giật mình thức giấc, anh sẽ vui mừng nhận ra tất cả mọi chuyện trong suốt những tháng năm qua chỉ là một cơn mê sảng, một ác mộng phù du. Nhưng chính ước ao đó giờ đây cũng chỉ là ảo vọng. Những suy nghĩ trong đầu óc Huy như thể không còn chút liên hệ gì với ý chí của anh. Tâm hồn anh dường như bị cắt lìa khỏi xác thân mệt nhoài đòi ngơi nghỉ, nó vẫn đều đặn chuyển động theo một vòng xoay lạ lùng nào đó. Một chuỗi hình ảnh, kỷ niệm xa xôi bỗng lan man quay về trong ký ức - những trò vui đùa hồi nhỏ, những con người gần như đã biến mất từ lâu khỏi cuộc đời anh. Huy nhớ một cách dửng dưng, như thể chúng chẳng liên quan gì với anh, một người lính giờ đây đang ở một nơi xa lạ. Khi Huy giật mình thoát khỏi những hồi nhớ vẩn vơ đó, nhìn lại xung quanh, tất cả mọi người đã rời bãi hành hình tự lúc nào, cả những người lính trong đội thi hành án cũng đã mang xác của Z đi rồi. Chỉ còn Thuận và Kiên đang ngồi dưới bóng một cây lòng mức chờ anh. Trời đang chuyển mưa, tối sầm, xám ngắt, và gió bắt đầu rít mạnh, tạo thành xoáy lốc, cuốn những cọng rơm cỏ, lá khô bay tơi tả giữa cánh đồng.

**********



Trong một trận đánh vào cuối tháng Năm, một quả B nổ tung bên hông công sự của Huy. Huy không trúng mảnh, nhưng sức ép và chấn động quá lớn làm anh ngất xỉu. Khi tỉnh lại, anh thấy mình đã nằm ở quân y viện Sư đoàn. Huy nằm ở đó điều trị gần một tháng. Sau đó, anh được đơn vị giải quyết ra quân. Trước khi về nước, Huy quay lại thăm Chan Ðay lần cuối, để từ giã, có thể là vĩnh biệt nơi này mãi mãi.

Những người quen anh gặp lại đều mừng cho anh được trở về, nhưng rất buồn khi phải xa anh. Me của Soun ôm lấy Huy khóc ngất. Anh gục vào vai me, nước mắt tưởng chừng đã khô cạn từ lâu bỗng tràn trề như nước lũ. Vai áo me đẫm ướt nước mắt Huy. Và ngực anh đầm đìa nước mắt của bà. Anh cũng ghé vào thăm buk Hô, ngồi uống với ông một vài ly rượu. Rượu giờ đây có vị đắng vô cùng.

Khi nắng chiều sắp tắt, Huy một mình ra thăm nhà mồ của me Sa Rinh, và của Soun. Những người thân yêu nhất trong một mùa giông bão - mùa xa nhà của anh - đã lần lượt bỏ anh đi mãi. Và giờ đây đến lượt anh cũng rời bỏ những người thân yêu còn lại ở đây, để quay về nơi thân yêu cũ, nơi gắn bó ruột rà máu thịt. Nhưng bạn bè đồng đội của anh vẫn còn ở lại nơi đây, với biết bao khó khăn, gian lao chồng chất. Mồ hôi, và máu của những người lính sẽ còn đổ xuống, thấm vào mỗi lá rừng, mỗi hạt cát ở nơi đây. Lòng Huy chợt gợn lên câu hỏi: "Ở đâu là quê hương?" Quê hương anh là miền Nam nước Việt, ở đó anh đã sinh ra, lớn lên với biết bao kỷ niệm êm đềm, ở đó anh có những người thân, bè bạn. Quê hương anh bây giờ có thêm một mảnh đất vùng tây bắc Campuchia, nơi anh đã sống, chiến đấu, và đã yêu, nơi anh đã học những bài học về yêu thương và về cuộc sống. "Rồi mai này xa cách," Huy nhủ thầm trong lòng, khi nhìn những lượn khói hương đang bay lửng lơ trong nắng chiều vàng vọt, "Rồi mai này xa cách. Nhưng quê hương ơi, tôi sẽ giữ hoài trong lòng nỗi nhớ mênh mang".

Còn nỗi buồn của riêng anh? Chỉ là những tiếng thở dài cuốn vào không gian vô tận.


Viết xong đêm giao thừa Xuân Kỷ Mão 1999
Mùa Xa Nhà
Mở Đầu
chương 1
chương 2
chương 3
chương 4
chương 5
chương 6
chương 7
chương 8
chương Kết