watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Mặt trận phía sau-Chương Hai - tác giả Nguyễn Thế Duyên Nguyễn Thế Duyên

Nguyễn Thế Duyên

Chương Hai

Tác giả: Nguyễn Thế Duyên

Cuộc họp kiểm điểm tử vong kéo dài đến gần một giờ sáng. Trưởng ban Tháp đang nói. Tháp nói không to, chỉ vừa đủ nghe. Nói rất thong thả, bình tĩnh.. Mỗi lời nói của Tháp như những mũi kim trích vào tim Thành
-….Chúng ta đã nói nhiều. Nhưng chúng ta đã rút ra được điều gì qua lần tử vong này? Đấy là gì? Đấy là sự coi thường tính mạng thương binh.-Tháp dằn giọng nhấn mạnh năm từ này- Đấy là sự táo bạo thiếu tính toán của người phẫu thuật. Là sự coi thường ý kiến của mọi người. Tất cả những cái đó đã dẫn tới trường hợp tử vong lần này…..
Sơn lo ngại liếc nhìn sang Thành. Thành ngồi im, đầu hơi cúi xuống. Mặt Thành lúc đỏ bừng, lúc tím đi , sắt lại nhưng anh vẫn đủ bình tĩnh để nghe Tháp nói về mình
-….Đây không phải là nơi dành cho cho các dự định thí nghiệm táo bạo. Táo bạo không có nghĩa là liều lĩnh, thiếu tính toán. Những cái đó chúng ta phải nói ra ở đây không phải là để kết tội cho đồng chí Thành, để kỉ luật đồng chí ấy mà để chúng ta cùng nhau rút ra được những bài học bổ ích cho những ca mổ sau. Để chúng ta hiểu nhau hơn ,cùng giúp nhau tiến bộ trong chuyên môn của mình…..


Sơn chăm chú nghe Tháp nói. Đôi lông mày anh nhíu lại. Có cái gì uẩn khúc trong những câu nói đầy thân ái nhưng sắc như một lưỡi dao kia?
Thành về ban đã bốn tháng. Anh là bác sĩ duy nhất của ban. Tuy vậy, từ khi về đến nay, anh chỉ mổ những ca nhẹ còn những ca đại phẫu, anh chỉ phụ mổ cho Tháp, một y sĩ. lâu năm . Những ngày đầu, Sơn rất lo ngại về vấn đề này. Dù sao Thành cũng là bác sĩ, người có bằng cấp cao nhất trong ban. Sơn sợ Thành sẽ tự ái về nghề nghiệp nhưng Thành đã làm tan ngay ý nghĩ ấy trong Sơn. Anh làm công việc của một người phụ mổ một cách vui vẻ, thận trọng và tự nguyện. Chính anh cũng nói:
-Tôi là bác sĩ thật đấy nhưng chỉ trên sách vở thôi. Còn thực tế tôi còn phải học hỏi các anh nhiều.


Anh cũng không dấu diếm sự thán phục của mình đối với Tháp.


Trường hợp tử vong lần này xảy ra trong lúc Tháp lên tiểu đoàn họp. Các y sỹ cũng đi công tác lẻ hết. Ở nhà chỉ còn Thành và Trường một y sỹ. Thương binh lên bàn mổ trong tình trạng đã hôn mê. Cuộc hội chuẩn được gấp rút tiến hành nhưng Thành và Trường lại không thể thống nhất với nhau. Sơn và những y tá phụ mổ chỉ còn biết đứng ngây người nghe cuộc tranh luận diễn ra bên bàn mổ. Tình trạng của thương binh không cho phép cuộc tranh luận kéo dài. Cuối cùng Thành lấy quyền hạn phó ban phụ trách chuyên môn quyết định mổ theo phương pháp của mình. Ca mổ thất bại. Phải chăng Thành quyết định như thế là sai? Là coi thường ý kiến mọi người? Cũng có thể phương pháp của Thành là sai. Nhưng có thể từ đấy kết luận là anh ta coi thường tính mạng thương binh được không? Từ trước đến nay có những biểu hiện gì về sự coi thường tính mạng thương binh của anh ta?
-Đứng về chuyên môn mà nói, phương pháp mổ của đồng chí Thành là hết sức táo bạo. Một phương pháp ít người dám dùng. Trong điều kiện sức khỏe của thương binh như vậy, phương pháp ấy chỉ có thể thực hiện được khi công tác gây mê hồi sức thật tốt….
Phương pháp ấy táo bạo nhưng lấy gì để chứng tỏ anh ta thiếu tính toán? Phải chăng kết quả của ca mổ nói lên điều đó? Còn điều này nữa : Thương binh chết là do đâu? Do phương pháp mổ hay do thương binh đã bị quá nặng?


Sau ý kiến của Tháp, cuộc họp xôn xao hẳn lên. Mọi người chia thành hai phe đối lập . Một phái ủng hộ Tháp, một phái ủng hộ Thành. Hai phái tranh cãi nhau dữ dội trong cuộc họp. Thành bình tĩnh lắng nghe tất cả các ý kiến cả ủng hộ lẫn phê phán mình. Càng về cuối, cuộc họp càng trở nên lộn xộn. Mọi người phân thành từng nhóm tranh cãi nhau kịch liệt. Sơn phải nhắc mọi người trật tự nhưng vẫn không được
-Tôi có ý kiến
Một tiếng nói bật ra ở một góc phòng
-Im! Im nghe Liên nó nói
-Trật tự
-Liên nói đi.
Tiếng ồn ào trong phòng lặng hẳn. Phòng họp im phăng phắc. Mọi con mắt đổ dồn về phía cô gái. Từ góc nhà Liên đứng dậy. Mấy ngọn đèn dầu không đủ ánh sáng để chiếu tới tận chỗ cô. Không nhìn thấy nét mặt Liên lúc ấy nhưng nghe giọng nói, Sơn biết cô ta đang cố nén xúc động trong lòng. Nhìn sang Thành, Sơn thấy mặt Thành tái nhợt. Người anh run bắn lên. Bàn tay Thành lạnh giá từ từ nắm lấy tay Sơn siết chặt như một gọng kìm thép. Thành quay hẳn người lại phía Liên chằm chằm nhìn cô gái chờ đợi như một phạm nhân đang chờ đợi sự phán xét của một vị quan tòa
-Về chuyên môn, tôi không đủ trình độ để kết luận phương pháp mổ của đồng chí Thành là đúng hay sai. Có thể phương pháp ấy là sai và dẫn đến ca mổ bị thất bại. Nhưng có thể vì thế mà kết luận cho đồng chí Thành như đồng chí Tháp đã nói được không? Bản thân tôi, tôi thấy quyết định của đồng chí Thành không có gì sai về mặt nguyên tắc. Hội dồng hội chuẩn hôm ấy chỉ có hai người biết chuyên môn. Bản thân đồng chí Trường cũng mới chuyển từ bên nội sang kinh ngiệm cũng chưa nhiều. Trong điều kiện đó hội đồng không thể biểu quyết. Lúc đó đòi hỏi người cán bộ phải tự quyết định và dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đồng chí Thành lúc đó là người cao nhất về tổ chức cũng như về chuyên môn vì vậy quyết định của đồng chí Thành lúc ấy là cần thiết và đúng đắn. Đấy không phải là thái độ kiêu ngạo, coi thường ý kiến mọi người. Cách mổ của đồng chí Thành có thể là táo bạo nhưng không thể vì thế mà quy chụp cho đồng chí ấy là liều lĩnh coi thường tính mạng thương binh.. Chúng ta đều thấy, đồng chí Thành luôn luôn tranh thủ mọi thời gian tự học để nâng cao nghiệp vụ của mình. Một người liều lĩnh, coi thường tính mạng đồng đội của mình thì không thể tự học một cách nghiêm túc như vậy. Bản thân tôi là......
Nói đến đây giọng Liên nghẹn lại. Toàn thân cô rung lên trong một nỗi xúc động tột độ. Nhưng chỉ một thoáng sau, cô đã lấy lại được bình tĩnh. Cô nói tiếp, giọng bình thản
-Bản thân tôi là người thân của người đã mất. Tôi hiểu những gì đã giày vò đồng chí Thành sau khi ca mổ không thành công. Riêng tôi , tôi cho rằng –Liên hơi dừng lại, cố kìm nén xúc động- Ca mổ thất bại là do anh ấy đã bị quá nặng
Liên ngồi xuống. Mọi người im lặng. Không có ý kiến nào tiếp theo. Còn cần gì phải tranh cãi nữa. Chiếc khăn tang trên đầu Liên đã đủ sức mạnh để thuyết phục mọi người
Cuộc họp giải tán trong không khí im lặng nặng nề. Cái gì sẽ xảy ra sau cuộc họp này?Liên tự hỏi. Cô đẩy cửa bước vào nhà. Ngôi nhà sao mà lạnh lẽo, trống trải. Cô khêu to ngọn đèn. Ngọn đèn tỏa ra một vùng ánh sáng vàng đục , hiu hắt. Ngọn đèn in hình cô lên vách trông càng buồn thảm hơn. Chống hai tay vào má, cô đăm đăm nhìn ngọn lửa. ngọn lửa khi mờ khi tỏ. Những cơn đau vật vã ,cào sé đã qua rồi, bây giờ là nỗi nhớ. Mấy hôm trước cô không dám nhớ, không dám nhìn lại một quãng đời ngắn ngủi nhưng tràn đầy hạnh phúc của mình. Mấy hôm trước cô lao vào làm việc để dứt mình ra khỏi những kỉ niệm thanh bình, trong mát như nước suối ban mai. Còn mấy hôm nay, cô lao vào làm việc để dứt mình ra khỏi những phút trống trải đến ghê rợn
Không ai biết về gia đình Liên và chính cô cũng thế. Hình ảnh cuối cùng của cô nhớ về người mẹ là đôi cánh tay ôm riết lấy cô, ghì chặt cô xuống đất giữa muôn vàn trái đạn pháo đang gầm rít xung quanh. Một dòng nước nóng chẩy xuống người Liên và cánh tay mẹ dần dần lạnh giá. Đôi cánh tay như một đai thép xiết chặt lấy Liên. Cô bé thấy sợ. Cô muốn vùng chạy nhưng không sao gỡ được đôi tay đã cứng đờ của mẹ. Không hiểu sao Liên lại khóc. Tiếng khóc của cô bé tám tuổi ấy được trộn lẫn với những tiếng nổ rền rĩ của những trái đạn pháo tầm xa. Tiếng khóc đã lọt vào tâm hồn của một người cha. Giữa muôn vàn tiếng nổ, tâm hồn nhậy cảm của người cha đã lọc ra được tiếng khóc của đứa con mình. Người tiểu đoàn trưởng bộ binh phải khó nhọc lắm mới gỡ được Liên ra khỏi cánh tay người mẹ. Bà đã lấy cả thân thể mình che cho đứa con. Ngay cả lúc chết đi bà cũng không muốn rời xa đứa con yêu dấu. Đưa được Liên về hầm, cả người cô bé được tắm bằng máu. Chỗ đã khô cứng, đen bầm, chỗ còn đỏ tươi như lửa và trên người tiểu đoàn trưởng đã thêm một vết thương nữa
Cô bé đã sống với tiểu đoàn bộ binh suốt trong hai năm. Hai năm sống giữa những người mà cô bé chỉ thấy trong họ tiếng cười và tình thương yêu đã làm cho cô bé tám tuổi quên đi hình ảnh đau thương và cảm động của người mẹ. Nó còn bé, mọi người nghĩ như thế và họ không bao giờ kể lại cho cô bé về tình cảnh đau thương ấy. Trong một tâm hồn non nớt chỉ nên cho nó nhận được những niềm vui. Hãy để cho nó cười, đừng để cho nó khóc lúc nó chưa cần phải khóc..Những con người đã hiểu thế nào là nước mắt thì hơn ai hết họ hiểu thế nào là tiếng cười và cả cuộc đời họ sẽ giành cho tiếng cười để tiếng cười không bao giờ tắt. Người tiểu đoàn trưởng đã có một lần khóc, một lần thôi, rồi từ đấy ông không bao giờ khóc nữa. Đấy là lần ông đứng trước xác vợ và hai đứa con trong một vụ thảm sát cách đây đã mười năm. Mười năm, ông mang mối thù nung nấu vào trong những trận đánh. Ở đấy, mối thù riêng của ông chìm xuống dưới mối thù của đất nước, của dân tộc và của những người đồng đội. Mối thù riêng đã đã cho ông khẩu súng còn những mối thù sau đã khiến ông trở thành một anh hùng. Mười năm ấy, ông chỉ nghe thấy tiếng pháo gầm, tiếng súng nổ và những tiếng cười rộn rã sau những lần thắng trận trở về. Ông đã hầu như quên mất mình đã là cha. Đột nhiên đêm đó, tâm hồn ông mở ra hứng lấy tiếng khóc của đứa trẻ và tình cảm người cha bùng cháy trong ông ,nôn nao, thôi thúc. Ông lao ra khỏi hầm không nghe thấy gì hết ngoài tiếng khóc. Không nghe thấy tiếng pháo đang gầm rít và tiếng người công vụ gọi mình giật giọng
-Anh Tùng!
Ông đã đưa Liên vào vị trí của hai đứa con trong tim ông và mối thù mười năm lại càng thêm cháy bỏng.
Hai năm sau, tiểu đoàn chuyển sang hoạt động ở một địa bàn mới. Họ không thể mang Liên theo. Người tiểu đoàn trưởng đã mang đứa con nuôi mười tuổi đến gửi ở đội điều trị này. Liên đã lớn lên ở đây. Và cũng chính nơi đây, bốn năm sau ,cô đã chứng kiến những giây phút cuối cùng của người bố nuôi. Ông bị thương nặng trong một trận đánh và được đưa về đây. Ông đã giành tất cả những phút cuối cùng để kể lại cho Liên và mọi người nghe câu chuyện cách đây đã sáu năm. Ông trao lại cho Liên bộ quần áo đẫm máu của mẹ mà cô đã mặc đêm ấy. Ông ghì Liên lần cuối cùng trong cánh tay mình. Cô gái gục vào ngực ông khóc nức nở. Bằng một tình cảm cháy lửa của một người cha và lí trí kiên cường của một người lính. Ông dặn lại cô câu cuối cùng
-Đừng buồn nghe con
Tiếng con thốt ra sau mười sáu năm cất giấu
-Má !Má
Bé Hải choàng tỉnh. Quờ quạng tìm mẹ không thấy, nó mếu máo khóc. Liên cúi xuống bế con lên
-Má đây! Má đây
Bé Hải choàng lấy mẹ. Đầu nó rúc vào ngực Liên tìm vú buồn buồn. Đôi môi hồng tươi của nó ngậm lấy bầu vú căng tròn bú một cách ngon lành. Căn nhà ấm hẳn lên bởi mùi sữa hoi nồng từ đôi môi của nó tỏa ra.
Ôi! Tiếng khóc của con, tiếng gọi má còn bập bẹ. Con là tất cả, là hôm nay và mãi mãi sau này. Dù cuộc đời có trăm đắng nghìn cay thì những nỗi đắng cay cũng sẽ mất đi trong tiếng con gọi má
Bé Hải lại ngủ, miệng nó đã rời vú mẹ mà vẫn tóp tép một cách ngon lành. Liên gượng nhẹ đặt con xuống giường. Bỗng nhiên như một người kiệt sức, cô gục xuống ,úp mặt vào bộ ngực nhỏ bé của đứa con
-Con tôi
Liên kêu lên một tiếng khe khẽ
*
* *
-Đau bụng à? Lâm tờ uyn nhé. Rức đầu à? Lâm tờ uyn nhé .Lâm tờ uyn chữa bách bệnh mà
-Kì này không có viên thịt hộp à anh Tháp?
Tháp đặt tập bệnh án xuống chiếc bàn nhỏ làm bằng cành le cười dễ dãi
- Thôi xin các ông. Penicilin của Tây Nguyên đấy. Bôi bác mãi.
Anh em thương binh ở đây thường gọi Lâm tờ uyn là thuốc chữa bách bệnh vì lần khám nào cũng có nó. Thuốc bị hạn chế. Kháng sinh chỉ dùng cho các trường hợp đặc biệt nên vết thương rất lâu lành. Một vết thương chỉ bằng hai đốt ngón tay mà cũng phải hàng tháng trời mới khỏi. Câu khẩu hiệu “Bệnh viện giảm giường, chiến trường tăng dũng sĩ” nhức nhối như một câu hỏi.. Anh em thương binh cũng vậy, cơm ăn sáu lạng rồi lại chơi dài. Đánh bài chán lại nằm lăn ra ngủ, đêm đến lại đốt lửa ngồi tán gẫu với nhau trong lúc anh em ở đơn vị cơm hai lạng đánh nhau thí mạng thì chịu làm sao nổi.Ở đây cũng vui nhưng ở đơn vị vẫn vui hơn. Đối với người lính chẳng cái vui nào bằng cái vui thắng trận. Đêm không ngủ, nằm lắng nghe tiếng súng từ xa vọng về lại thấy bứt rứt trong người. Lính cũ càng nhớ. Đánh nhau nhiều rồi, ngửi mùi thuốc súng quen hóa nghiện. Nay về nằm đây, ngửi toàn mùi phenol ,long não lại nôn nao nhớ cái mùi khét nồng làm say người trong trận. Sống giữa một thác người lúc nào cũng sôi động như thác nước Đắc gia ly, gặp nhau là nghe thấy tiếng cười giòn tan và không khí hừng hực lúc xuất kích thì làm sao không khó chịu trước không khí lúc nào cũng bình lặng ở đây. Họ muốn trở về đơn vị
Một buổi sáng, Nga khoác gùi cầm dao vào rừng. Đến chiều, cô lễ mễ gùi về một bó những cành cây. Về nhà, cô lại hì hục nấu cho ra một thứ nước đen nhánh như cà phê , uống vào miệng nhạt thếch đến khó chịu. Lâm tờ uyn ra đời từ đó. Nó không phụ lòng mong mỏi của mọi người và công lao khó nhọc của Nga.
Người thầy thuốc trong chiến trường có nhiều nỗi khổ tâm nhưng không có nỗi khổ tâm nào bằng nỗi khổ không có thuốc. Kì khám bệnh này Lâm tờ uyn, B1. Kì khám bệnh sau B1, lâm tờ uyn. Cho mãi đâm ngượng. Thành có lần đã phải thú nhận “ Cho các anh B1 là để an ủi chính tôi thôi. Chẳng lẽ khám bệnh mà lại không cho các anh uống thuốc gì” Thành thú nhận điều ấy bằng cái giọng buồn buồn và những nét ngượng ngập trên mặt khiến cho người nghe cũng phải động lòng
-Ông Lương cho tôi xem lại vết thương của ông một tý.
Lương đặt tay lên thắt lưng ngần ngại
-Hôm qua anh vừa thay băng xong
-Hôm qua cô Liên xem “Của ông” nhiều chứ tôi xem gì mấy
Tháp nhấn mạnh hai tiếng “ Của ông” , Mắt nháy lên một cách tinh quái. Nắn nắn xung quanh vết thương của Lương, Tháp vỗ đét một cái vào mông anh
-Tay cô Liên lành thật đấy. Hôm qua còn cứng dơ mà hôm nay đã mềm rồi
-Tay con gái mà
Mọi người bật cười. Một người nói chen vào
Khác với Thành, Tháp đi đến lán nào là tiếng cười lại rộ lên ở đấy. Tháp vui tính, dễ dãi. Nét mặt tỉnh khô với một kho khôi hài trong bụng. Cứ nhìn nét mặt anh là người ta cũng đã thấy buồn cười rồi . Ở ban này, người ta kính nể anh không phải vì anh vui tính mà vì cái vốn chín năm ở chiến trường và mười hai năm cầm dao mổ. Vì những đêm thức trắng bên thương binh và cả vì mới bốn chục tuổi đầu mà đã “Góa vợ từ thủa còn nằm trong bụng mẹ”. Đời người lính có bao nhiêu cái hi sinh.Có cái hi sinh chói lọi sau một tiếng nổ dậy trời. Nhưng cũng có những hi sinh chìm đi một cách lặng lẽ mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy. Những hi sinh ấy không ai nói tới. Nó gần như một lẽ đương nhiên. Bốn mươi tuổi đời chưa vợ con có gì đáng nói. Nhưng phải sống ở lứa tuổi bốn mươi ấy mới hiểu vì sao mắt anh đằm lại khi nghe bé Hải khóc u ơ. Năm ngoái, đoàn văn công quân khu Việt Bắc đến ban biểu diễn. Tối đến ngồi uống nước , một cô văn công còn rất trẻ hỏi anh
-Anh được mấy cháu rồi?
Anh trả lời giọng tỉnh khô
-Cám ơn cô, tôi chưa có người yêu
Mọi người bò ra cười. Cười đến đau cả bụng. Chính anh cũng mỉm cười trước câu trả lời khôi hài của mình. Anh cười như thể không hề nghĩ gì đến cái điều mọi người cho là kì lạ. Anh vô tâm? Không phải đâu. Đêm hôm ấy, Trường thấy anh trằn trọc rồi buột ra một tiếng thở dài. Tiếng thở dài nén chặt trong tim bao nhiêu năm mà đêm ấy mới thoát ra? . Chín năm trong chiến trường, chín năm không nhận được một lá thư nhà, Tháp thầm lặng hi sinh đi những thứ mà một đời người không thể hi sinh. Một mái nhà nhỏ, một người vợ dịu hiền ,một tiếng ru con rất đỗi thân quen. Anh nhiều khi đứng lặng trước cảnh bé Hải chơi đùa với mẹ. Ôm lấy nó, anh cảm thấy nôn nao trước mùi sữa hoi nồng trên đôi môi hồng của nó tỏa ra. Tâm hồn người cha trỗi dậy trong anh khi anh chưa được làm chồng. Anh dấu kín điều đó trong lòng và trải tình yêu của mình ra cho đồng đội .Cái con người luôn mồm cười nói lại là một con người kín đáo đến vô cùng
-Bác sĩ Thành
Mọi người chào. Tháp thoáng có cảm giác khó chịu. Thành chào mọi người rồi đi lại bên Tháp
-Anh cho anh Lý ở lán số ba uông aspirin đấy à?
-Ừ! Sao
-Không được đâu. Anh ấy bị dạ dày.
Mạch máu ở thái dương Tháp giật mạnh. Cái khó chịu dâng lên đông ứ ở cổ. Hắn muốn khoe mẽ với mọi người đây
-Tôi có thấy ghi hội chứng dạ dầy trong bệnh án đâu
-Anh mới đi họp về nên không biết. Tôi mới nghi thôi. Anh sửa sổ thuốc giúp
Thành đưa cho Tháp cuốn sổ nhỏ vẫn ghi thuốc uống hàng ngày
*
* *
Cái mừng khi có một bác sĩ về ban đã tan biến ngay trong Tháp ngay ngày đầu tiên Thành về. Cũng giống như Sơn, anh có ác cảm với cặp kính trắng và mái tóc quá thư sinh của Thành. Hắn vào chiến trường mà cứ như đi du lịch. Cái ngữ này không biết chịu được mấy ngày. Cái ý nghĩ đầu tiên về Thành trong Sơn ngày một mất đi, còn trong Tháp ngày một tăng lên.. Cái từ bác sĩ luôn luôn đi kèm với từ Thành làm anh nhiều lúc thấy bực mình. Uy tín của Tháp trong ban lớn tới mức anh không bao giờ nghĩ rằng sẽ có một người thứ hai cũng có được một địa vị như mình trong suy nghĩ của mọi người. Mười hai năm trong nghề với chín năm lăn lộn trong chiến trường, chỉ riêng hai thứ đó thôi cũng đủ để mọi người kính nể.
Thành về, uy tín của Tháp vẫn chưa có gì bị sứt mẻ nhưng hai chữ “ Bác sĩ Thành” với “Anh Tháp”làm anh thấy khó chịu trong lòng. Thành về, độc quyền chuyên môn của Tháp không còn nữa. Làm việc gì anh cũng phải hỏi ý kiến của Thành. Anh có cảm giác, vị trí của mình bị hạ xuống một bậc từ khi Thành về. Cảm giác ấy càng rõ ràng hơn trong một ca mổ. Lần ấy Tháp mổ một trường hợp bị thương sọ não. Người thương binh nằm bất tỉnh. Vào hội chuẩn, Tháp nói rất nhanh những đường mổ dự định của mình. Hội chuẩn cho đúng thủ tục thôi chứ Tháp biết rằng sẽ chẳng có một ai phản đối cách mổ ấy. Lời nói của một người mười hai năm cầm dao sẽ đủ trọng lượng buộc mọi người phải nghe theo. Với một niềm tin chắc chắn như vậy nên Tháp vô cùng ngạc nhiên khi Thành phản đối ý kiến của mình. Cái ngạc nhiên chuyển nhanh thành sự bực bội
-Tôi tưởng với vết thương như thế này phải mổ từ đằng sau tai chứ?
Thành hỏi Tháp giọng rụt rè, ngần ngại
-Mổ dọc theo vết thương thì làm sao?
Tháp hỏi lại, không kìm được sự bực bội trong giọng nói của mình
-Tôi sợ mổ như thế sẽ làm tổn thương dây thần kinh định hướng
Tháp im một lúc. Anh biết, Thành nói đúng. Không phải Tháp không biết điều đó nhưng mổ như thế sẽ khó tìm thấy đường vào của mảnh đạn hơn. Thời gian mổ sẽ lâu hơn. Thương binh đang mê man. Hiện tại mạch và huyết áp vẫn đang tốt nhưng biết đâu trong khi mổ những cái ấy lại xấu đi. Huyết áp bị tụt xuống thì khó lòng lấy lên được.Thời gian mổ càng kéo dài, các điều kiện cho ca mổ càng xấu đi. Thà để thương binh không trọn vẹn còn hơn để thương binh chết dưới tay mình. Mổ theo cách của Thành thì tốt hơn nhưng, mà cái nhưng thì ai mà biết trước. Tháp không sợ chết nhưng lại rất sợ cái chết dưới tay mình. Trong cái nghề này, không có cái gì nhục nhã hơn là để con bệnh chết trên bàn mổ. Tháp sợ thương binh chết vì tình đồng đội hay vì sợ mất uy tín của mình? Có lẽ là vì cả hai.. Một mục đích đúng xuất phát từ một động cơ sai thì hành động làm sao có thể đúng được. Chỉ cần con bệnh sống là được còn con bệnh sống với một cơ thể như thế nào ? Điều đó sau này sẽ xét đến.
Ca mổ vẫn tiến hành theo phương pháp của Tháp vì Thành không kiên quyết phản đối và vì mọi người bị quáng mắt trước một lưỡi dao mổ đã mười hai năm. Thương binh được cứu sống nhưng không định nổi phương hướng, không lấy được thăng bằng khi vận động vì dây thần kinh định hướng bị lưỡi dao làm đứt. Thành quan tâm đến người thương binh ấy nhất. Ngày nào anh cũng ngồi nói chuyện với người thương binh ấy ít nhất là một lần. Quần áo anh ta thay ra, tự tay Thành mang đi giặt. Anh chăm sóc người thương binh ấy bằng tất cả sự ân hận của mình. Trước mặt Tháp, Thành không bao giờ nhắc đến tên người thương binh ấy. Còn anh ta, anh ta không biết những gì đã xảy ra khi anh ta nằm trên bàn mổ và những gì diễn ra trong Thành trong những đêm không ngủ.
Thành không nói nhưng sự chăm sóc người thương binh ấy của anh như một câu hỏi hằn sâu trong Tháp, buộc Tháp phải suy nghĩ và trả lời. Tháp chưa trả lời được câu hỏi đó nên vết rạn giữa hai người ngày một rộng dần ra. Như một cái nồi súp de đóng kín, nó sẽ nổ tung khi áp lực hơi ngày một tăng lên
Cái nồi súp de ấy đã nổ sau ca mổ của Thành thất bại. Họp ở tiểu đoàn xong, Tháp bổ về ban với một niềm vui ích kỉ trong lòng. Sự thất bại của Thành làm uy tín và vị trí của Tháp thêm vững chắc. Trong cuộc họp kiểm điểm tử vong ,Tháp tìm cách “Hạ” Thành nhưng không xong và rồi buổi sáng nay.
Tháp nằm trằn trọc. Đêm rất tĩnh để cho các ý nghĩ thả sức hoành hành.Ở đời chỉ hơn nhau có mỗi mảnh bằng. Chín năm vào chiến trường, mười hai năm trong quân đội rốt cuộc lại mình vẫn chỉ là cái thằng y sĩ. Dù là trưởng ban thì vẫn là một thằng y sĩ. Còn hắn, hắn đã làm được gì? Suốt đời chỉ ăn với học thế mà bây giờ hắn là bác sĩ phụ trách chuyên môn. Có hắn về mình chỉ thêm vướng chân. Cũng may mà ca mổ vừa rồi hắn thất bại chứ nếu thành công thì không hiểu hắn còn vênh đến đâu
Một cơn gió ào ào từ ngoài rừng thổi thốc vào trong nhà.Tiếng sấm ì ầm cuối chân trời báo hiệu một mùa mưa lại đến. Tháp trở mình, cái giường kêu lên cọt kẹt. Lại đến mùa mưa rồi, Tháp thầm nghĩ. Kì tới phải xem lại nhà cửa, sửa lại hầm hố không mưa đến lại không làm được. Cái thằng trông thế mà đâm dai sức. Hôm gùi hàng qua dốc voi mục , mình đã tưởng hắn không qua được thế mà hắn qua cũng không đến nỗi lệt bệt lắm. Mới mấy tháng mà trông hắn sụt đi trông thấy. Nghĩ cũng thương. Hắn chăm thật. Có hắn mình cũng đỡ phải lo lắng nhiều. Thằng cha chăm học thật. Cũng phải cẩn thận. . Kì tới mình phải cho hắn mổ vài ca. Vài lần tử vong nữa là biết mặt nhau ngay ấy mà
Sao mình lại hẹp hòi, ích kỉ thế? Sao mình lại có thể vui mừng khi hắn thất bại? Còn gì tốt hơn có một người đồng nghiệp vững bên cạnh
Lần mổ tới hắn mà thành công thì mình thật khó ăn khó nói đây. Hắn lí thuyết vững thật phải cái hơi non tay nghề và hay tìm cách đề cao mình
Hai con người trong Tháp không cãi nhau. Người này lên tiếng thì người kia im lặng. Người nào Tháp cũng thấy đúng. Có những ba Tháp sống chung trong một thân người
Nửa đêm, trời đổ cơn mưa, Nước mưa gõ rào rào trên mái lán. Bầu trời bừng sáng sau những tia chớp chói lòa.Tiếng sấm lúc gần, lúc xa. Lúc xa, tiếng sấm nghe chẳng khác gì tiếng súng. Sau làn chớp sáng là một tiếng nổ rất trầm kéo theo một dây những tiếng nổ lụp bụp đằng sau nghe chẳng khác tiếng nổ của một quả pháo khoan nổ sâu dưới ba thước đất. Lúc gần, tiếng sấm nổ đanh như một trái US
Hồi còn ở nhà,những trận mưa đầu mùa như đêm nay, anh lại xách đèn vác nơm đi đến tận sáng.Cánh đồng làng đèn soi ếch, ánh đuốc thấp thoáng suốt đêm. Gặp buổi trời mưa, cá rủ nhau đi tìm chỗ đẻ.Tìm đến chỗ nước sâu, có cỏ, những chị chép lội trước, anh chép cặp kè ngay bên. Dưới ánh đèn, nước cuộn lên thành những xoáy nhỏ. Lườn con cá lúc nhô lên khỏi mặt nước nhìn rất rõ, lúc lại mất tăm trong lớp rong hay cỏ lòa xòa. Đợi cho lưng con cá nổi lên, Tháp nhanh nhẹn chụp nơm xuống, thích thú nghe tiếng cá quẫy sùng sục trong nơm. Anh thò tay bắt con cá lên, đưa nó ra trước ánh đèn để vảy nó loáng lên một mầu sáng bạc.
Hồi bé hơn một chút thì cầm đuốc đi soi ếch. Sau trận mưa, cánh đồng rộn lên tiếng ếch gọi nhau. Những chú ếch suốt một mùa nằm trong hang sâu nay gặp trận mưa rào thì vui mừng ra mặt. Cứ nhìn thấy ánh đuốc là chúng lại nằm im nhìn lên ngơ ngác. Cái yếm trắng phập phồng. Bắt ếch phải thật lẹ chộp làm sao cho được cả đôi
Mướp non nấu với gà đồng
Thử chơi một chuyến xem chồng về ai
Khối cô mất chồng như chơi vì ếch. Mưa vẫn rơi triền miên tạo thành một thảm âm thanh đều đều dễ ru ngủ. Thỉnh thoảng tiếng mưa lại rộ lên khi có một trận gió thổi qua rồi lại triền miên như cũ. Mưa chạy rào rào trên mái lán, gõ vào tâm hồn gợi lên nỗi nhớ. Chao ôi, Tháp nhớ. Tiếng ếch gọi nhau đêm mưa sao mà quyến rũ. Những đêm mưa rào cánh đồng không ngủ. Một thế giới riêng, một sự sống riêng đang nảy nở sinh sôi. Xa chín năm rồi, chín năm không được nghe tiếng ếch. Chín năm chỉ nghe tiếng bom gầm đạn rít mà vẫn nao nao nhớ tới một cánh đồng. Đêm mưa trong rừng bao giờ cũng sâu hơn đêm mưa ở đồng bằng vì không có tiếng ếch gọi nhau. Không có ánh đèn soi thấp thoáng suốt đêm thâu hay là vì chiều sâu ấy chính bằng chiều sâu nỗi nhớ?
Khí trời mát lạnh, Tháp kéo tấm đắp lên chùm kín đầu. Tiếng sấm lặng đi đã lâu nay lại nổi lên âm ỉ. Một tiếng nổ, tiếng nữa. Tiếng sấm dậy từ rất xa. Tháp lắng tai nghe. Không phải sấm. Tiếng súng. Tiếng súng nghe xa rất trầm trộn lẫn với tiếng mưa rào rào trên tán lá. Súng vẫn nổ. Bầu trời vẫn giận dữ trút cơn giông.
Cánh cửa bỗng bật tung, Liên lao vào kéo theo cả một cơn gió thốc.
-Anh Tháp ! Anh Tháp
Liên gọi giật giọng. Tháp nhỏm dậy. Linh tính báo cho anh một điều gì đó chẳng lành
-Gì thế?
-Loan tâm thần chạy đâu mất rồi
Tháp vùng dậy khỏi giường, vớ lấy đèn pin nói nhanh
-Cô gọi mọi người dậy
Mọi người tỏa ra lùng sục khắp cánh rừng. Những ánh đèn pin loang loáng khoan màn mưa thành những lỗ hình côn. Trời tối mịt. những cành cây bị gió quật gẫy đổ ngả nghiêng trong rừng. Nước chảy thành dòng trên mặt. Nước mưa lọt vào mắt cay sè. Cảnh vật nhòe đi mờ mờ ảo ảo..Cốp! mặt Tháp đập vào một thân cây đổ nghiêng, mắt tóe hoa cà hoa cải. Tháp đứng lại, bắc tay làm loa lên tiếng gọi
-Looan….ơ …i…
Tiếng gọi rền rĩ kéo dài mất hút trong màn mưa. Gọi xong, Tháp đứng im nghiêng đầu lắng nghe. Anh hi vọng lẫn trong tiếng mưa có một tiếng trả lời . Một tiếng sét nổ dậy trời. Cánh rừng bừng lên trong một giây ngắn ngủi. Mưa quất vào mặt rát buốt.
Rắc! Một tiếng rắc kéo dài tiếp theo là một tiếng rạt gê rợn nghe chói óc nổi lên ngay cạnh Tháp. Một cơn gió thốc từ lưng chừng trời cắm thẳng xuống đất. Tháp nhẩy bắn ngay sang bên một gốc cây to. Âm!.Sau tiếng ầm, Tháp thấy đầu mình tê dại. Một dòng máu nóng tràn ra bết vào những sợi tóc. Ngay lúc đó, một ánh chớp bừng lên chói lòa. Dưới ánh sáng lạnh lẽo, ngắn ngủi, Tháp kịp nhìn thấy một cây cổ thụ bị gió và mưa quật đổ. Cả một vạt cây non khá lớn đổ rạp, xơ xác chẳng khác gì bị một quả bom phạt ném trúng. Hú vía ! Chỉ chậm một giây nữa thì mình cũng như những cái cây non này. Tháp thầm nghĩ. Máu tràn nhanh xuống mặt. Anh xé cái áo lót lóng ngóng tìm cách băng lại vết thương trên đầu. Mưa lạnh, mười ngón tay cứng lại nhăn nheo. Cây đổ…Thằng Loan.. Ý nghĩ ấy chợt xuất hiện như một tia chớp. Hoảng hốt, Tháp vứt mản áo lót nhẩy bổ về chỗ cái cây đổ. Mưa vẫn trút xối xả. Sấm sét gầm lên muốn xé nát cả màn đêm.
Thoáng thấy một bóng đen sờ soạng, dò dẫm từ dưới suối đi lên,Tháp quất ngay đèn pin vào chỗ đó
-Loan hả
-Không ! Thành
Quần áo Thành ướt sũng,dính bết vào da thịt. Mặt bị những cành cây, dây nâu cào những vết dài đỏ bầm rớm máu. Mắt Thành nheo lại vì luồng ánh sáng của chiếc đèn pin chiếu vào mặt. Tháp chúc ngọn đèn xuống đất
-An bun bị cháy à?
-Ừ
-Thế kính đâu?
-Chẳng biết nó rơi ở chỗ nào
Tháp bật cười
-Ngày mai lại đi tìm kính cho ông cũng quá tội
-Tôi còn một cái dự trữ.Anh cứ đi tìm thằng Loan đi
Tháp ngần ngừ một lát rồi hỏi lại
-Ông có về được không?
-Được. Nếu không đứng đây đợi sáng sẽ về
Bốn giờ sáng, Tháp dìu được Loan về lán. Sau khi tiêm cho anh chàng một liều thuốc ngủ, anh lần về giường mình. Vừa thay đuợc bộ quần áo, Tháp bỗng rùng mình. Toàn thân ớn lạnh. Những đốt xương như lỏng ra, rệu rã. Tủy sống đông cứng. Mình sốt rồi. Tháp chui nhanh vào màn.Người run lên cầm cập. Tai lùng bùng như có ai lấy thùng thiếc gõ vào đấy liên hồi.
*
* *
Sơn khoác gùi, nhanh nhẹn nhẩy trên những tảng đá vượt qua suối
-Anh Sơn ,đợi em với.
Tiếng Nga léo nhéo đằng sau. Sơn dừng lại trên một tảng đá đợi Nga đến. Nga cũng khoác gùi, cô kéo ống quần lên lội qua suối. Hai bắp chân cô trắng muốt lại như càng trắng ra trong làn nước trong. Nước suối đang chảy gặp bắp chân cô gái , nó gợn thành một vòng nhỏ . Lên bờ, cô cúi xuống gỡ hòn sỏi bị mắc trong dép. Xong, cô ngẩng lên nhìn Sơn cười rất tươi.. Cái con bé đến lạ, lúc nào cũng cười. Đang học chính trị, cười. Đang ăn cơm, cười. Ra nương cũng cười . Nhiều khi không biết nó cười cái gì nữa Sơn nghĩ thầm
-Cô cười cái gì thế?
-Em cũng chẳng biết
Nói xong Nga lại cười. Hàm răng trắng bóng, đều đặn hé ra một luồng sáng long lanh.
-Giá như hồi mới vào cô cũng cười như bây giờ có phải là tôi được nhờ không.
Nga thoáng đỏ mặt. Hồi mới vào, Nga nổi tiếng là hay khóc. Đêm nằm nhớ mẹ, khóc. Sốt rét không ăn được ,khóc. Thậm chí đánh vỡ chai huyết thanh chưa ai nói gì đã đứng khóc tu tu. . Có lần hành quân chốt đêm lại trong rừng ,cô chưa biết cách làm cọc phụ cứ thế buộc võng vào hai gốc cây. Nửa đêm, trời mưa, nước theo dây võng chảy vào làm cái võng ướt đầm cô cũng mặc kệ cứ nằm trên võng mà khóc rưng rức. Sơn đến thấy thế phát bực quát tướng lên. Cô gái len lén lau vội dòng nước mắt đứng im. Quát xong, nghĩ lại thấy thương, Sơn hạ giọng bảo cô về võng mình nằm. Cô gái không chịu cứ đứng thế suốt đêm. Từ khi làm chính trị viên, chưa bao giờ Sơn lại thấy bực mình và bất lực như cái lần ấy.
Hai người đi theo con đường nhỏ ra nương. Con chim khách bay trước dẫn đường. Nó truyền từ cành này sang cành khác cách hai người một đoạn ngắn. Cái đuôi của nó xòe ra như một bộ dẻ quạt thỉnh thoảng lại điểm vào một cái lông trắng muốt chập chờn lúc ẩn lúc hiện trong các lùm cây. Lúc lúc, nó lại dừng lại như có ý chờ đợi hai người. Lúc ấy, bộ đuôi của nó lúc xòe ra ,lúc cụp vào như có ý dục giã: Nhanh lên các bạn. Đôi lúc nó kêu lên : khách khách, vẫy vẫy cái đuôi như báo một tin vui rồi vụt bay lên một cành cây thấp.. Nếu như ngày trước, khi còn ở nhà, nghe tiếng chim khách là Sơn đã ngóng ra ngõ chờ người đến còn ở đây, giữa cánh rừng này lấy đâu ra khách mà nó cứ kêu hoài? Sơn không thích chim khách bằng chim cu. Tiếng chim cu gợi nhớ hơn, thanh bình hơn. Nghe tiếng cu gù ,người ta hay nghĩ đến một cái gì trong sáng trong tương lai. Nhưng những cái đó chỉ là phụ thôi. Cơ bản là chim cu rất béo. Giá như trước mặt anh không phải là con chim khách bé tẹo mà là một con cu xanh thì anh đã sẵn sàng tặng cho nó một viên đạn để được nghe tiếng nó gù trong chảo mỡ đang sôi
Hai người ra đến nương. Đang đi, đột nhiên Sơn đứng sững lại. Lúa ! Sau những trận mưa, lúa lên xanh mơn mởn. Một cơn gió từ trên đồi trườn xuống, những cụm lúa nghiêng ngả dập dờn. Mới hồi nào còng lưng phát nương, hai bàn tay phồng lên bỏng rát. Rồi đến ngày đốt nương, ngọn lửa bốc lên lưng trời, réo lên như thác. Những ngày dọn nương, người đen sì chỉ còn hai con mắt với hàm răng. Thế mà nay đã bạt ngàn một mầu xanh của lúa. Cũng là một mầu xanh mà mầu xanh của lúa sao mà quyến rũ. Một mầu xanh mượt mà, dịu mát. Cũng là mùi thơm sao chẳng có mùi thơm nào bằng mùi thơm của lúa. Một mùi thơm no ấm quấn quýt trong từng gốc rạ .mùi thơm lâng lâng làm ấm lòng người. Anh cùng với mọi người đổ bao nhiêu mồ hôi để đất này mọc lên bát ngát mầu xanh và bay lên mùi hương no ấm. Anh bước hẳn vào trong nương lúa. Những khóm lúa cứng cáp, mập mạp, ướt đẫm sương đêm cọ vào người Sơn ram ráp. Anh cúi xuống nhặt những đám cỏ mọc quanh gốc lúa. Hương đất bay lên ngai ngái
-Lúa tốt quá
Sơn thốt lên. Nga giật mình quay lại. Cô cười, nụ cười rạng rỡ. Cũng như Sơn, cô thiết tha yêu lúa
-Đi thôi anh Sơn
Nga buớc đi nhún nhẩy như một con chim. Chiếc gùi sau lưng cô nhấp nhô trên thảm lúa.
- Còn xa không?
-Gần thôi, mười lăm phút nữa
Hai người leo lên đỉnh đồi rồi tụt xuống một dòng suối nhỏ. Đi dọc theo suối một đoạn, Nga chỉ cho Sơn một loại dây leo nhỏ mọc chìa ra ngoài bờ suối
-Cây Thảo ngọc Hùng đấy
Sơn nghi ngờ nhìn sợi dây leo
-Cây này thì bổ với béo gì?
-Anh nói thế ,còn tốt hơn đi ta ki na đấy
-Tôi thì tôi tin B12 hơn. Mà sao cô lại biết cây này?
-Em hỏi dân bản
Sơn nhìn Nga có vẻ không tin
-Dân tộc gì mà cái tên có vẻ “Kinh” thế?
-Em đặt ra chứ
-Cô cẩn thận đấy. Không khéo uống vào lại dãy đành đạch thì vừa
-Anh khỏi lo đi – Nga cười- Nấu xong em uống trước. Hai ngừời cắm cúi nhổ cây. Cây Thảo ngọc Hùng mọc không dày, thỉnh thoảng mới có một bụi nhỏ. Cô gái luồn lách hết bụi này đến bụi cây khác, nhanh nhẹn như một con chồn. Gần trưa, cả hai gùi đã đầy, hai người ngồi nghỉ trên một tảng đá. Sơn dựng khẩu AK vào gốc cây cúi xuống sửa lại quai gùi. Hai người đứng dậy thong thả ra về.. Vừa chạm đến bìa nương, Sơn đột ngột quay lại ra hiệu cho cô đứng yên. Anh từ từ ngồi xuống, cởi quai gùi, xách súng nhẹ nhàng tiến đến một gốc cây đổ. Nòng khẩu AK rung lên nhè nhẹ rồi đứng im. Nga hồi hộp nhìn theo. Cô lấy hai tay bịt chặt hai tai lại. Không nghe thấy tiếng nổ, Nga chỉ thấy khẩu súng giật nhẹ một cái trên vai Sơn. Nòng súng phụt ra một luồng khói xanh và Sơn xách súng cắm cổ chạy về phía trước. Một lúc sau, anh quay lại, một tay xách súng còn tay kia kéo lê một con vượn đen sì. Nga reo lên.
-Thêm con này nữa là đủ xương nấu cao rồi.
Sơn nheo nheo con mắt
-Cô lúc nào cũng chỉ cao với lá. Đáng lẽ được bữa cháo thì cô lại tước mất bộ xương
Nga tò mò nhìn con vật.,vừa thích lại vừa sợ. Sao mà nó giống người thế nhỉ? Nếu tay chân nó ngắn đi một tý, không có cái đuôi và bộ lông đen sì thì nó chẳng khác gì một đứa trẻ. Người ta bảo rằng cách đây hàng vạn năm, thủa ấy chưa có con người trên trái đất. Có một thời trái đất khô cạn làm chết hết những cánh rừng già. Loài khỉ phải từ trên cây xuống dưới đất và do lao động đần dần đã biến thành người. Không hiểu điều ấy có đúng không chứ cứ nhìn con vượn này, Nga thấy cũng có lí. Nhờ lao động con khỉ đã biến thành người. Còn mình, lao động đã làm mình bớt nước mắt đi và vui lên. Anh Sơn vẫn hỏi mình “Sao cô hay cười thế”. Mình cũng không biết nữa. Nhìn cái gì mình cũng thấy đẹp thấy vui thế là mình cười. Thế thôi. Thật đơn giản. Ông Xuân Diệu ngày xưa không biết tại sao mình buồn, Còn mình, mình lại không biết tại sao mình lại vui
Lên rừng có nhiều cái thật lạ. Có lần, trên đường vào trạm 73 ,cả đoàn chốt tít trên đồi cao. Nga vác ni lông xuống suối lấy nước. Mùa mưa, con đường xuống suối nhão nhoẹt, trơn tuột. Từ chỗ nằm đến bến nước cô ngã đến mấy lần. Vừa bám cây leo xuống cô vừa tấm tức khóc như bị ai bắt nạt. Thế mà vừa xuống đến suối, cô gái đứng ngẩn người. Đôi mắt đầy nước mắt mở to. Cô thốt lên “Ôi đẹp quá”. Một dòng nước trắng xóa từ trên cao ầm ầm đổ xuống những tảng đá mốc xám, sù sì .Mặt trời chiếu vào thác nước hắt lên một sắc cầu vồng lung linh, hư ảo. Cô gái nở một nụ cười rạng rỡ
Còn nhiều điều nữa, lên rừng cô mới hiểu ra. Có một lần, bệnh xá của cô đóng ở một hang đá rất to. Nga phát hiện ra trong hang có một lớp tro rất dày đã bị phủ lên bằng một lớp đất mỏng. Ai đốt lửa ở đây nhỉ? Cô gái băn khuăn tự hỏi Câu hỏi ấy cứ ám ảnh cô gái mãi đến khi có một anh lính vốn là sinh viên sử đã giải đáp cho cô những câu hỏi ấy. Anh chỉ cho cô một mảnh đã và bảo với cô đấy là một cái rìu của người tiền sử. Cũng trong cái đêm ấy anh nói cho cô nghe con người đã lấy lửa từ đâu và những cuộc chiến tranh vì lửa. Hóa ra trong cái hang này đã có một ngọn lửa cháy qua bao nhiêu thế kỉ. Ngọn lửa đã biến thành vũ khí để cho con người chiến thắng thiên nhiên
-Thế còn bây giờ?
Cô gái đột nhiên hỏi. Người thương binh im lặng. Đôi mắt anh bỗng trở nên xa xôi
-Bây giờ vẫn có một ngọn lửa nhưng ngọn lửa ấy không nhìn thấy được. Để tôi kể cho cô chuyện này thì cô sẽ hiểu
“Dạo ấy là mùa xuân năm 68 chúng tôi được lệnh đánh vào thị xã. Dẫn đường cho chúng tôi là một má đã già. Mái tóc bạc đã khá nhiều. Về sau tôi mới biết má có ba người con, hai trai một gái. Hai người con trai đã hi sinh. Bây giờ má ở với cô con gái út
Chúng tôi len lỏi vượt qua các ấp chiến lược, các đồn bốt địch bí mất thọc sâu vào thị xã. Chúng tôi tập trung tại ngôi nhà của má. Thấy chúng tôi, cô con gái má rất ngạc nhiên. Cô hết nhìn chúng tôi rồi lại nhìn má mình. Cô nói với bà bằng một giọng trách móc, hờn tủi
-Thế mà má cứ giấu con
Má bảo cô mang các thứ ra cho chúng tôi ăn tết trước. Chưa bao giờ trước giờ nổ súng lòng chúng tôi lại thấy thanh thản và ấm cúng như lần này. Chỉ còn mấy tiếng nữa thôi, trong số chúng tôi ngồi đây sẽ có người ngã xuống nhưng không một ai nghĩ đến điều đó. Không khí đầm ấm quá. Tình cảm của má trước lúc giao thừa, trước giờ nổ súng làm dấy lên trong tôi muôn vàn nỗi nhớ. Tôi nhớ đến gia đình. Tôi nhớ mẹ. Cô biết đấy, trong quân đội không khí ngày tết không bao giờ lắng sâu. Bao giờ cũng vui và khỏe. Những trò chơi nhanh chóng làm nỗi nhớ tan vào trong tiếng cười. Trong quân đội, cái tết không có tính gia đình. Nhưng cái tết ấy, tất cả chúng tôi đều lặng im còn cô gái đứng ngây người nhìn chúng tôi, tay xoa xoa lên những nòng súng đen bóng. Có lẽ cô ta chưa nhìn thấy quân giải phóng lần nào thì phải
Tôi vừa ăn, vừa hỏi lại má cặn kẽ những mục tiêu chúng tôi sẽ đánh trong đêm nay. Mười một giờ đêm, chúng tôi lên đường. Cô gái muốn đưa chúng tôi đi nhưng má ngăn lại. má nói với tôi khi bước ra cửa
-Má chỉ còn mình nó. Hai anh nó đã hi sinh. Má….
Tôi lúng túng không biết nói gì để cho má hiểu. Chúng tôi đâu dám nghĩ điều gì sai cho má. Má là người mẹ. Hai con má đã hi sinh và đêm nay chính má đã đưa đường cho chúng tôi. Chỉ cần như thế thôi đã đủ để chúng tôi hiểu tấm lòng của má.
Đêm tối đen, chúng tôi bám sát theo nhau, theo má áp sát mục tiêu sẽ đánh. Đúng giao thừa , chúng tôi nổ súng. Bọn giặc hoàn toàn bị bất ngờ. Trước lúc đó , chúng tôi đã buộc má phải quay về. Không đừng được, má nắm tay chúng tôi dặn lại một câu
-Đánh giỏi nghe các con
Các mục tiêu bị đánh chiếm dễ dàng. Đại đội chúng tôi được lệnh chốt lại. Sáng mồng một, địch điên cuồng phản kích hòng đẩy bật chúng tôi ra. Đang lúc đánh nhau gay go thì má đến mang theo bao nhiêu là bánh trái. Chúng tôi nhận quà của má và bảo má quay lại nhưng lần này thì nhất định má không chịu. Nói thế nào má cũng chỉ bảo
-Má ở lại đây, thế nào các con cũng cần đến má.
Chúng tôi quần nhau vớ địch suốt từ sáng đến chiều. Bọn mĩ không làm sao nhích lên được . Gần năm giờ, sau khoảng nửa tiếng im lặng, bọn Mỹ đột nhiên bắn như đổ đạn rồi sau đó dò dẫm tiến lên. Lần này sảo quyệt hơn, chúng lại ẩn một người dân đi trước. Người đó chính là con gái má. Đánh trong thành phố, địa hình rất chật chội. Cô hãy hình dung một con đường nhỏ hun hút. Một người con gái bị đẩy đi trước ,đằng sau lúc nhúc một đám lính cổ da. Chúng tôi nhìn nhau. Một vài người đã nâng súng lên ,rồi lại phải hạ súng xuống. Tôi không biết phải sử trí thế nào. Chính tôi cũng đã nâng súng lên rồi nhưng không dám bắn. Trong khoảng sáng của khe ngắm, hình ảnh cô gái cứ chập chờn. Mới hôm qua thôi cô gái còn mang đồ ăn cho chúng tôi, còn ngắm nhìn chúng tôi với lòng thương yêu ,kính phục. Có lẽ nào hôm nay lại chính chúng tôi găm vào ngực em viên đạn? Bọn Mĩ nhích lên từng bước. Trận địa của chúng tôi im lặng. Má nhìn chúng tôi kêu lên đứt quãng, tuyệt vọng
-Cứ bắn đi…. Bắn đi….các con
Chúng tôi đưa súng lên, các nòng súng run bắn. Không một ai nổ súng. Đột nhiên má chồm đến, giật phăng khẩu súng trong tay tôi. Kê khẩu súng vào một bức tường đổ. Báng súng bám chắc vào vai má. Nòng súng rung lên một cách kì lạ. Tôi thấy nòng súng chao đảo sang hai bên rồi nằm im. Rất im. Ngón tay má từ từ kéo căng nấc cò thứ nhất. Đôi mắt má rực sáng. Hàm răng lún sâu vào môi.. Tôi chợt hiểu mã làm gì rồi.. Tôi nhào đến ,hất ngược nòng súng lên trên. Cũng là lúc súng nổ. Viên đạn sướt qua má cô gái. Tôi giằng lấy khẩu súng trong tay má. Giọng tôi đanh lại
-Giương lê!
Đáp lại lời tôi là một tiếng “Rắc” gọn và khô. Những mũi lê bắt nắng hắt lên những tia sáng sắc, lạnh. Khi tên mĩ đầu tiên ló ra khỏi chỗ ngoặt. Tôi muốn hô một câu gì đó để động viên anh em nhưng không hiểu sao tôi chỉ thét lên một tiếng kéo dài
-Giê.ết
Cả người tôi bay về phía trước, mũi lê đâm ngập vào bộ ngực tên Mĩ. Một trận đấu lê khủng khiếp đã diễn ra. Không chịu nổi, hai đại đại đội lính mĩ đã tháo chạy. Sau trận đấu lê dữ dội ấy, cả đại đội tôi còn lại đúng ba người”
Anh thương binh dừng lại. Một không khí lặng im bao trùm lấy hai người. Anh mỉm cười, giọng trở nên bình thản
-Cô thấy không, nếu không có giây phút bà má nâng súng lên ngắm bắn chính con gái mình thì chúng tôi đã không có được sức mạnh để chấp nhận một cuộc đấu lê quá chênh lệch như thế. Sau này tôi luôn tự hỏi : “Cái gì đã xảy ra trong trái tim má để má có được cái phút nâng khẩu súng lên. Cái gì đã giữ cho khẩu súng nằm im mà trước đó má không muốn cho đứa con đưa chúng tôi vào trận?”
*
* *

Vừa thấy Sơn xách con vượn từ dưới suối lên, Trường đã vỗ hai tay vào đùi
-Thế này thì có chết tôi không
-Sao?
Sơn đứng ngớ người ra
-Tôi lại vừa mới vặn cổ một con gà xong
-Sợ không hết à?
-Không phải nhưng như thế thì lãng phí quá
Thành bé bé Hải đi lại. Anh lấy chân đá đá vào con vượn. Trên tay Thành, cu Hải co dúm người lại vì sợ. Anh tặc lưỡi
-Con gà để một ít dim cho thằng cu Hải còn lại nấu cháo cho thương binh.
Nâng bổng thằng bé lên anh quay lại hỏi nó
-Có đồng ý không thằng cu?
Bé Hải nhìn Thành. Tuy không hiểu anh nói gì nhưng nó vẫn toét miệng ra cười. Cái chân ngắn tũn ,mũm mĩm của nó giãy giãy. Nó đòi xuống đất
Ở ban này, bé Hải như một dòng nước mát giữa sa mạc. Những người lính ở phía trước về đây ai cũng muốn được bồng nó trên tay. Được cắn vào đôi má bụ sữa của nó, Muốn được đôi môi hồng ướt của nó áp lên gò má đen sạm dầy dạn của mình. Xa vợ con, xa gia đình, họ sách súng đi chiến đấu vì tổ quốc. Khái niệm tổ quốc thật là trìu tượng. Về đây, bé Hải đã cụ thể hóa khái niệm này bằng đôi mắt mở tròn to ngơ ngác như mắt con ngan con mới nở. Bằng tiếng cười thơ ngây, bằng tiếng nói còn bập bẹ, bằng tiếng khóc sinh sôi của nó và bằng cả mùi thơm sữa mẹ tỏa ra từ cái miệng tươi hồng. Những người lính xa nhà tìm thấy ở bé Hải những tình cảm tươi mát nhất. Những con người đã bao lần nghiến chặt hàm răng cố ngăn những dòng nước mắt, về đây nghe bé Hải khóc trên môi họ lặng lẽ nở một nụ cười. Nhưng ở ban này, chú Thành được thằng bé yêu nhất vì chú Thành hay chơi với nó, hay rúc cái đầu vào bụng nó làm nó cười khanh khách. Những lần Liên đi công tác, bao giờ nó cũng sang ngủ với chú Thành mà nó vẫn ngủ ngon lành như nằm trong lòng mẹ. Khi ngủ, hai tay bé xíu của nó ôm lấy cổ Thành. Mặt nó úp vào ngực anh tin cẩn. Hơi thở của nó nồng ấm làm anh nhiều khi thấy rạo rực cả người
Ban đầu, Thành yêu bé Hải như tất cả những người trong ban. Anh yêu thằng bé như yêu một cái gì tươi mát giữa một nơi khô cằn, ác liệt. Nhưng từ sau ca mổ đáng nhớ ấy, tình cảm của Thành với thằng bé đã đổi khác. Ý thức trách nhiệm đã nẩy nở trong anh. Ý thức ấy cứ ngấm dần, ngấm dần cho tới lúc giật mình anh có cảm giác mình là một người bố. Một người bố thực thụ. Thằng bé không còn là một bé Hải đơn thuần nữa mà là một tài sản tinh thần thiêng liêng trong anh. Là con anh. Cảm giác ấy thực đến nỗi nhiều khi nghĩ lại anh tự thấy ngượng với chính mình, ngượng với Liên. Thành lấy trong chiếc ba lô ra chiếc áo len mà Hà , người yêu của anh, đan cho anh ngày vào chiến trường đưa cho Nga nhờ cô đan cho thằng bé hai chiếc áo len dài tay
-Nó còn bé
Anh phân trần với Nga mà mặt đỏ bừng trông đến tội nghiệp. Đưa áo cho Nga rồi, anh trở về nhà dở ảnh Hà ra ngắm. Anh nhìn tấm ảnh rất lâu và nói như có Hà đang ngồi trước mặt
-Em không giận chứ?
Cô gái trong ảnh đang cười.
Đối với bé Hải thì như thế nhưng đối với Liên ,anh luôn thấy như có một tấm lưới vô hình đang ngăn cách hai người. Thời gian cứ cuồn cuộn trôi như thác Đăcgialy không bao giờ nghỉ. Tưởng rằng giữa dòng thác thời gian ấy quá khứ ảm đạm, kỉ nệm đau thương sẽ bị cuốn phăng đi. Thời gian tưởng là một phương thuốc thần kì làm kín miệng những vết thương đang còn rỉ máu. Nhưng không phải. Một buổi tối, khua lắm rồi, mọi người đã đi ngủ cả. Thành xuống suối rửa mặt đánh răng chuẩn bị đi ngủ. Ngang qua phòng Liên thấy phòng còn sáng. Sau một phút ngập ngừng, Thành đẩy cửa bước vào. Liên đang ngồi bên bàn, chăm chú xem một vật gì rất nhỏ cầm trên tay. Thấy động cô giật mình ngẩng lên. Mắt hai người thoáng gặp nhau trong một giây. Liên cúi mặt nhìn xuống. Cánh tay đặt trên bàn buông thõng, cái vật nhỏ trong tay cô rơi xuống đất. . Thành cúi xuống nhặt lên. Mảnh đạn! Hai người im lặng. Anh bỗng thấy hối hận vì đã vào quấy rầy cô lúc này. Anh nhìn vào mảnh đạn, mân mê nó trên năm đầu ngón tay. Mảnh đạn sù sì, gai sắc. Lúc gắp nó ra khỏi cơ thể người chết, anh không hề chú ý đến nó. Chưa bao giờ anh nghĩ: “ nếu mảnh đạn này găm vào mình nó sẽ thế nào?” Mảnh gang nhỏ bé này đã cướp đi tính mạng một con người và găm vào trái tim của hai người khác. Thành nhìn Liên, thấy cô gái cũng đang nhìn vào mảnh đạn
-Liên để tôi giữ mảnh đạn này.
Thành hỏi đắn đo, do dự. Liên không trả lời. Cô lặng lẽ gật đầu. Trong mắt cô, giọt nước mắt to dần rồi trào ra lăn dài trên má. Cô gục vào ngực anh, run rẩy như một đứa trẻ đang sợ hãi cần người che chở. Đôi vai cô rung lên. Tiếng nức nở nghẹn trong cổ. Những giọt nước mắt to, nặng thấm đầy ngực áo Thành. Lặng im. Thành bỗng cảm thấy sợ. Đột nhiên Liên ngẩng lên, lùi lại một bước giọng hoảng hốt ,cầu khẩn
-Anh về đi . Anh Thành
Sau cái đêm hôm ấy hai người càng xa nhau hơn. Ai đã một lần thổi lửa mới biết ẩn giữa đám tro tàn là những hòn than rực đỏ. Nỗi đau của Liên bây giờ cũng thế. Nỗi đau không bốc thành ngọn lửa mà trở thành một hòn than đỏ ủ kín trong lớp tro thời gian
Hai người đều tránh gặp nhau. Người này sợ làm nỗi đau của người kia và của chính mình bùng cháy. Chỉ bé Hải là cười với cả hai người. Thằng bé là một cái cầu mà mỗi người dứng ở một đầu. Dưới cầu là một vực thẳm thương đau. Rất xa nhau nhưng lại rất gần nhau
Thành đặt bé Hải xuống đất. Nó ngồi xuống bên cạnh con vượn rụt rè sờ vào con vật
-Này!
Sơn đứng ngoài “Này” lên một tiếng. Thằng bé dụt ngay tay lại ôm choàng lấy chân Thành. Anh bồng thằng bé lên, cắn vào đôi má phinh phính của nó. Bé Hải rúc đầu vào cổ anh. Mái tóc tơ của nó lùa vào cổ Thành buồn buồn.
-Hải con ai?
-Con má
Sơn cười hỏi chen vào
-Con ai nữa
-Con ba
-Ba nào?
Bé Hải ngơ ngác không biết trả lời. Lòng Thành se lại
-Ba Thành , rõ chưa.
Thằng bé bíu lấy cổ Thành, cái miệng non nớt của nó lặp lại.
-Ba Thành. Ba Thành
Sơn phá lên cười. Thành lúng túng đỏ mặt
-Cái ông này ăn nói hay nhỉ
-Sao lại không hay?-Sơn cười hỏi lại-Nó đang cần một người cha như ông đang cần có một dứa con ấy.
Sơn bỏ đi, Thành tiếp tục đùa với thằng bé. Như có linh tính, Anh chợt quay lại bắt gặp Liên đang đứng nhìn hai người đang quấn quýt bên nhau. Cô thoáng đỏ mặt bước vội vào trong nhà khép cửa lại
Dưới suối, Tháp nhìn con vượn gật gù
-Được đấy, tối nay lại được một bữa cháo đây.
Tiếng Nga the thé
-Cháo là thế nào. Bộ xương của em đấy
*
* *
Thành giật lấy khẩu súng của người y tá đi cùng. Mặt đỏ gay, tiếng nói rít qua kẽ răng.
-Đồng chí có chở không?
-Không !
Người lái đò đáp lại giọng chắc nịch. “Tách” chốt an toàn khẩu AK bật xuống. Mắt Thành long lên trông thật dễ sợ. Cả người anh run bắn lên trong một cơn giận đến tột độ. Ngón tay trỏ cho vào vòng cò. Người lái đò, một người nhỏ bé bình tĩnh nhìn tất cả những hành động ấy của Thành. Anh ta nắm lấy cổ áo giật mạnh. Mấy cái cúc đứt tung phơi bộ ngực gày gò ra trước họng súng
-Bắn đi! Tôi không thể làm lộ bến đò.
Một bàn tay từ phía sau vươn ra nắm lấy họng súng gạt sang một bên và một tiếng nói vang lên
-Cái gì thế này?
Người lái đò đứng nghiêm
-Báo cáo tư lệnh, đồng chí này bắt chúng tôi chở một thương binh qua sông ngay bây giờ để trở lại viện
Đôi lông mày của tư lệnh nhíu lại. Ông quay sang Thành nhìn anh nghiêm khắc
-Sao?
-Báo cáo, tôi là bác sĩ hộ tống thương binh về phía sau. Hiện đang có một thương binh đang bị hoại thư sinh hơi cần đưa gấp về viện
-Chỉ vì thế mà các đồng chí định bắn nhau à?
-Tôi đã…..
-Không có bất cứ một lí do gì để……..
Thành thấy sốt ruột. Ông này mà quạt lính thì mất hàng tiếng đồng hồ cho mà xem. Anh thầm nghĩ. Mỗi giây đối với anh bây giờ đều rất quý. Anh mạnh bạo cắt ngang lời tư lệnh
-Ngày mai tôi sẽ xin kiểm điểm trước đồng chí và xin nhận kỉ luật. Còn bây giờ , đề nghị đồng chí cho chuyển thương binh sang ngay bên kia nếu không thì muộn mất
Đang nói bị hẫng. Tư lệnh ngạc nhiên nhìn Thành, mắt nheo lại nhìn người bác sĩ trẻ tuổi đang đứng trước mặt mình. Ông mỉm cười độ lượng. Tay này khá đây. Ông thầm nghĩ.
-Không đợi đến năm giờ chiều được sao?
-Chỉ chậm một tiếng nữa là đồng chí ấy sẽ chết
Thành trả lời dứt khoát. Tư lệnh không nói gì. Ông lo ngại nhìn lên bầu trời. Trời trong vắt, không một gợn mây nhỏ. Hai chiếc OV10 đang lờ lững thả diều trên không. “Sang bây giờ thì lộ mất” ông thầm nghĩ. Nhìn xuống ông bắt gặp con mắt lo lắng, cầu khẩn của Thành.
-Sang bây giờ thì lộ mất.-Ông nói-Chỉ sợ các đồng chí không sang nổi bờ bên kia thôi
-Nếu tư lệnh cho phép, chúng tôi sẽ sang được
Người lái đò mảnh khảnh nói chen vào. Thành quay sang nhìn anh ta với con mắt biết ơn
-Thôi được – Tư lệnh thở dài-Sang ở đây thì không được đâu. Bến lộ mất, mà bến này cả chiến dịch đang cần. Bây giờ cậu-Ông nói với người lái đò-Cho đò xuôi xuống khoảng hai trăm thước rồi dừng đò đợi ở đấy. Còn cậu –Ông quay sang bảo Thành- Cho cáng thương binh theo. Đò sẽ sang ở đấy. Tôi sẽ cho ba khẩy 12 ly 7 yểm hộ các cậu. Rõ chưa?
-Rõ!
Cả hai người đồng thanh trả lời. Chiếc thuyền khéo léo men theo những bụi cây xuôi xuống. Một lúc sau chiếc thuyền rời khỏi đám lá xanh rì lao ra giữa dòng. Trên bờ, tư lệnh dùng ống nhòm chăm chú theo dõi
Trên thuyền có năm người. Vừa rời khỏi đám lá xanh, Thành bảo với hai người lái đò.
- Bình tĩnh nhé và chèo khẩn trương vào.
Hai mái chèo dài ngẵng bổ xuống nước những nhát chắc nịch, đều đặn. Đứng hơi chếch so với mũi thuyền, chân hơi dạng ra, người lao về phía trước. Giữa một vùng sông nước mênh mông, dáng đứng người lái đò vươn ra như thách thức .Gió thổi lồng lộng. Cái áo bị giật đứt hết cúc khi nãy bay phần phật về phía sau như chiếc áo choàng ngày xưa của các vị thủy sư đô đốc
Thằng “Mù” bắt đầu khép kín vòng lượn. Vòng lượn của nó cứ nhỏ dần và cuối cùng xoáy lại chiếc thuyền. Nó hạ thấp dần độ cao rồi bất thình lình chúc xuống
-Bình tĩnh
Thành bảo với mọi người. Nâng khẩu AK lên vai, anh nheo mắt. Ngón tay từ từ kéo nấc cò thứ nhất
-Mày thì tao khinh.
Người chèo đằng mũi hơi ngước lên nhìn rồi nhổ một bãi nước bọt xuống nước tỏ ý khinh bỉ
-Nó thì khinh nhưng liệu hồn với thằng F5 đấy.
Người chèo ở đằng đuôi nói. Đúng vậy. Thằng “mù” vừa chúc xuống lại ngóc lên ngay. Thành vừa rê khẩu súng theo chiếc máy bay thì đã nghe thấy tiếng rít như xé lụa. Một loạt đạn hai mươi ly nổ chát chúa ngay trước mũi thuyền..Tiếp ngay theo là một loát AK nổ ròn rã, vỏ đạn văng vào người Thành nóng bỏng. Người chiến sĩ vận tải đứng ngay bên cạnh Thành đã kịp thờ nổ súng.
- Bỏ thằng mù bám lấy thằng F. Anh ta nói gần như quát. Hai thằng F vòng lại, chiếc nọ cắn đuôi chiếc kia lao xuống. Qua khe ngắm, chiếc máy bay to ra rất nhanh. Thành có cảm tưởng nó đang đâm thẳng vào mặt mình, hung dữ, lỳ lợm. Không nghe thấy tiếng súng của mình nổ. Thành chỉ thấy khẩu súng đang rung lên trong cánh tay ghì chặt.
Ầm ! Ầm! Hai cột nước cao ngất dựng lên. Chiếc thuyền khựng lại một chút rồi lại lao lên phía trước. Một luồng nước quất và người Thành xô anh ngã dúi xuống lòng thuyền. Thành bật đứng dậy, theo thói quen, dơ súng lên nhưng anh không nhìn thấy gì cả. Nước vào đầy mắt làm mọi vật đều trở nên nhòe nhoẹt .Tiếng bom lại rít trên đầu nghe rợn như hai miếng thép xiết vào nhau. Anh thoáng thấy sợ. Cảm giác ấy nó giống như cảm giác của người lính bộ binh khi đang ngồi trong hầm chữ A nghe tiếng pháo địch nổ xung quanh hầm của mình. Khi đối diện với kẻ thù, người lính không biết sợ nhưng khi không thấy địch mà chỉ nghe thấy tiếng nổ, một cảm giác tê dại, hồi hộp nhanh chóng lan khắp cơ thể. Thành lấy vội ống tay áo đã ướt sũng quệt vội mắt
-Tát nước đi
Nghe tiếng kêu, Thành ngồi xụp xuống vớ lấy cái gáo tát lia lịa
Ầm ! Ầm! Lại hai tiếng nổ nữa. Thành bị bắn tung ra khỏi thuyền. Dòng nước chẩy xiết ,hung dữ cuốn ngay anh vào lòng nó. Vừa nhô lên khỏi mặt nước, anh thấy chiếc thuyền đang quay ngang để đuổi theo mình. Dơ một tay lên khỏi mặt nước xua xua, anh gào lên trong tiếng rít của hai chiếc F5 đang lao xuống
-Cứ….
Một con sóng ập đến nuốt chửng những tiếng tiếp theo. Con thuyền quay lại nhằm bờ lao như tên bắn
Phải xuôi thật nhanh xuống một đoạn nếu không bom ném thì mình chẳng khác gì con cá bị đánh mìn Thành nghĩ nhanh. Anh xoay mình buông xuôi theo dòng nước. Nhìn sang bên, anh thấy con thuyền đã cập vào bờ. Ổn rồi. Anh nghĩ thầm và thấy mình thanh thản lạ. Đến lúc này anh mới nghe thấy tiếng 12li 7 nổ. Tiếng súng thôi thúc, trầm hùng.
Dòng nước ngày một chảy xiết, chẳng mấy chốc, anh nghe thấy tiếng thác đổ ầm ầm. Mười mét chiều cao, có chết cũng chẳng biết đau đâu mà sợ. Thành bỗng thấy yêu đời quá. Yêu đến cái mức không thấy sợ cả cái chết đang đến rất gần. Hình ảnh thác nước trắng xóa hiện ra trong óc anh rất nhanh. Chết bây giờ thì tiếc quá. Dồn hết sức vào cánh tay, anh sải những sải dài quyết tâm chống lại dòng nước và cái chết. Nước bỗng lặng đi
Thác!
Trước cái phút dòng nước trở nên hung tợn nhất là lúc nó trở nên thanh bình. Cũng chỉ một phút thanh bình ấy thôi, Thành đã sống. Sải mấy sải đến cật sức, người nhoài lên phía trước, anh vươn tay vớ được một cành cây mọc chìa ra ngoài sông. Hú hồn! Ngay dưới chân Thành ngọn thác điên cuồng gầm thét.
Lên được bờ, Thành nằm vật xuông đất. Chân tay bủn rủn, miệng há hốc. Mồm, mũi , tai tranh nhau thở. Cảnh vật đảo lộn quay cuồng. Ngọn thác ngay dưới chân anh réo ầm ầm mà anh không nghe thấy. Mắt nhắm lại, mặt úp sấp trên bãi cát ẩm, Thành thỉu đi. Phải một lúc khá lâu, anh bắt đầu nghe thấy tiếng thác nước chảy một cách mơ hồ. Ý thức dần trở lại. Ngay lập tức ,anh thấy người thương binh một chân đã cụt đến đùi còn chân kia bầm đen. Những vết đen đáng lo ngại. Anh kéo tay về phía ngực, gượng nhỏm dậy. Cát dưới tay anh toài ra. Thành lại ụp xuống , mặt vùi trong cát. Thành cứ thế nằm im một lúc. Một trái bom xé gió rít ngang đầu. Trái bom nổ đầm và sâu. Anh bật dậy. Chạy !Như một cái máy đang im lìm, nó sẽ lập tức hoạt động khi cái nút mầu đỏ bé tý xíu có đề chữ “Start” được ấn vào. Thành cũng vậy. Tiếng bom nổ làm ý thức trở lại hoàn toàn. Anh chạy miết. Những cành cây từ hai bên xòa ra quất vào mặt đau rát. Một chiếc dép bật tung. Mặc kệ, cứ chạy. Thời gian trôi cuồn cuộn như một dòng thác chảy.
Một bóng người chạy lại đón Thành. Anh ôm choàng ngay lấy, đầu gục vào người đó thở dốc. Gan ruột lộn nhào, đau thắt. Anh hỏi đứt quãng trong hơi thở dồn dập
-Thương ….binh….đâu?
Tiếng của ai đó nói rất êm và trong.Anh cũng không rõ là tiếng của Nga hay Liên trả lời mình
-Đưa lên bàn mổ rồi
-Cắt à?
-Cắt
Thành gạt phắt người đó sang một bên nhảy xổ vào phòng mổ. Anh nắm chặt lấy cánh tay cầm dao của Tháp đang định khoanh một vòng tròn.
-Anh định cắt à?
-Cắt!
Tiếng “cắt” cụt lủn, tàn nhẫn, sắc, nhọn như một mũi lê đâm thẳng vào ngực Thành. Thành kêu lên
-Anh không nhìn thấy một chân người ta đã cụt sao?
Tháp không quay người lại, giọng lạnh tanh
-Cụt cả hai chân còn hơn là chết
Nghe xong câu nói của tháp, Thành chợt hiểu .Thế là hết. Anh bỗng bủn rủn cả người. Thành nhìn người thương binh. Anh ta nằm im, chân duỗi thẳng. Một miếng vải trắng phủ kín hết cả người chỉ còn hai chân thò ra ngoài. Nhứng lớp băng ở chiếc chân cụt đã được tháo bỏ. Mỏm cụt trong giống như một chiếc mõm bò đang hếch lên nhìn Thành một cách mai mỉa. Thành hạ thấp giọng
-Anh xem còn có thể bảo toàn được không?
Đến lượt Tháp kinh ngạc. Anh trợn tròn mắt nhìn Thành
-Bảo toàn? Anh điên à?
-Điên!- Thành nổi nóng-Tôi điên nên tôi mới đội bom đưa thương binh giữa ban ngày trở về đây. Vì điên nên tôi mớ suýt mất xác trong thác. Còn anh, anh tỉnh nên anh mới không nhìn thấy một chân người ta đã bị cụt. Anh…
Tháp cắt ngang lời Thành
-Đây là quyết định của hội đồng hội chuẩn
Thành quay phắt lại nhìn lướt mọi người trong phòng
-Ai? Ai tán thành?
Mọi người lặng im cúi xuống. Thanh cười nhạt rồi nói giọng chua chát.
-Các anh chỉ cưa chân người khác thôi nên rất nhanh. Các anh có bao giờ tự cưa chân mình đâu. Các anh có đau đâu. Các anh có khổ đâu, có phải tích thuốc ngủ quá liều đâu. Chúng tôi đội bom đạn đưa người ta về đây để các anh làm thế này đây.
Giọng Thành nghẹn lại.
-Anh Tháp hay là ta hội chuẩn lại.
Trường rụt rè nói. Tháp khoát tay kiên quyết
-Không hội chuẩn gì cả. Tôi trưởng ban quyết định cắt.
Thành xô đến trước mặt Tháp
-Tôi ! Người phụ trách chuyên môn cao nhất ở đây quyết định bảo toàn.
-Thương binh chết ai chịu trách nhiệm?
-Tôi !
Tháp ném con dao mổ xuống khay dụng cụ bước thẳng ra cửa
-Anh Tháp!
Sơn gọi với theo nhưng Tháp không thèm nghe nữa. Mọi người ngơ ngác nhìn theo bóng Tháp khuất dần.. Tháp gần như trở thành một niềm tin tuyệt đối đối với mọi người trong ban. Những ca mổ dù khó khăn đến đâu có Tháp mọi người đều thấy nó trở thành đơn giản. Niềm tin đã trở thành tiềm thức thì làm sao mọi người không thấy hoang mang trong những lúc gay go này?
Thành cầm lưỡi dao rạch những đường ngắn. Dòng máu đen bầm trào ra theo đường dao trong tay Thành., Anh quay sang Nga nói nhanh
-Thuốc tím một phần trăm.
Dòng nước hồng nhạt từ từ xối xuống bắp thịt đã bị rạch nát. Thành lấy tay vạch những lát thịt để cho dòng nước xối vào. Công việc rất lâu và tỉ mẩn. Nga chạy lên chạy xuống pha thuốc tím,lưng đẫm mồ hôi.
-Tiêm kháng sinh liều cao nhất.
Thành bảo Trường. Mọi người xúm lại tất bật lo công việc. Rất tự nhiên, không một ai chú ý rằng lần này thiếu Tháp. Cái hoang mang, sợ hãi khi vắng Tháp trong mọi người đã biến mất. Tuy kết quả chưa rõ ràng nhưng niềm tin đã trở lại với mọi người.
Niềm tin bao giờ cũng phải có cơ sở của nó. Đối với người thầy thuốc, cơ sở của niềm tin là tình yêu. Một ca mổ dù khó khăn bao nhiêu nhưng người thầy thuốc bao giờ cũng tin là con bệnh sẽ sống.Tại sao lại nhất định sẽ sống? Rất đơn giản vì thương binh là những người không thể chết.
-Thuốc tím hết.
Nga báo tin bằng một giọng hoảng hốt. Mọi người quay lại nhìn cô.
-Pha bằng penicilin
Thành nói sau một phút ngần ngừ
-Bao nhiêu?
-Một phần năm cơ số
-Một phần năm cơ số?
Nga kêu lên.Thành phũ phàng cắt ngang
-Đồng chí hãy chấp hành mệnh lệnh!
Nga im ngay. Với những người trong ban, chưa bao giờ Thành dùng hai từ đồng chí
Một ngày trôi qua. Một đêm trắng. Thời gian trôi bình thản, lặng lẽ như dòng nước kháng sinh nhỏ xuống cái chân. Trôi chậm chạp trên mặt chiếc đồng hồ, nhỏ từng giọt nặng nề trong bộ truyền treo lủng lẳng trên lán. Nhỏ từng giọt mối lo vào lòng Thành. Cái lúc tiếng “Tôi” bật ra rất nhanh, gần như tức khắc sau câu hỏi của Tháp, đến cái lúc cầm lưới dao rạch bắp chân của người thương binh Thành không hề lo. Đến bây giờ, không còn việc gì để làm, ngồi khắc khoải chờ đợi kết quả của công việc, những cái lo mới theo nhau kéo đến
Nếu cái chân không cứu được thì thương binh sẽ chết. Rồi sau đó thì sao? Một tờ quyết định kỉ luật. Cái đó cũng bình thường không có gì đáng ngại. Chi bộ có thể cắt đối tượng? Cũng chẳng sao miễn lương tâm không bị cắn rứt. Ở đời có lắm cái trái ngược. Có khi quyết định kỉ luật được đọc lên, mọi người đều cười, vỗ vai thông cảm. Vị trí của anh trong trái tim, khối óc mọi người vẫn không hề suy chuyển. Chính bản thân anh cũng tặc lưỡi bỏ qua mà không phải suy nghĩ quá nhiều về vấn đề đó. Nhưng cũng có khi không có một tờ quyết định kỉ luật nào nhưng mọi người đều xa lánh anh. Chỗ đứng của anh ở tận hư vô và đêm đêm anh không thể ngủ để nghe con tim chất vấn. Một người bao giờ cũng có hai vị trí trong những người khác. Một vị trí ở bộ óc và một vị trí ở trái tim. Vị trí ở trái tim mất đi còn dễ dàng lấy lại được nhưng nếu vị trí ở bộ óc mất đi, muốn lấy lại được có khi phải mất cả một cuộc đời. Mất đi niềm tin của mọi người đối với mình, đó mới là điều đáng sợ nhất. Nếu lần này để cho thương binh chết, mọi người vẫn thương vẫn yêu mình. Vẫn san sẻ với mình những niềm vui, nỗi nhớ. Vẫn cho mình xem những bức thư của một cô gái gửi cho họ. Nhưng đến khi có một ca mổ thì nếu họ không nói thẳng vào mặt mình “Thôi! Anh hãy để cho anh Tháp làm” thì họ cũng sẽ đuổi khéo mình bằng cách phân công cho mình một việc gì đó. Họ không tước đi con dao mổ trong tay mình nhưng lại tước đi vị trí của mình trên bàn mổ.
Sao mình lại khờ đến thế nhỉ? Cứ để cho Tháp cắt nốt cái chân kia đi thì đã sao? Anh ta ở đây cùng lắm là hai tuần lễ rồi người ta sẽ chuyển anh ta về phía sau. Công việc ngập đầu, mình sẽ chẳng có thời gian để nghĩ về một cặp chân bị cụt. Mà có gì mà phải nghĩ? Mình có cắt đâu. Tháp cắt đấy chứ. Thật dại. Bây giờ tất cả trách nhiệm đều đổ vào đầu mình.
Thành ngồi trên võng mà đầu óc nghĩ linh tinh. Quyển sách đặt ở đầu gối mà không sao đọc nổi. Mặc dù đã phân công tổ trực để theo dõi nhưng anh vẫn không yên tâm cứ đảo đi đảo lại. Cuối cùng, Thành mắc luôn võng ngay cạnh người thương binh.
Người thương binh nằm im không nhúc hích. Lồng ngực lên xuống một cách đều đặn. Thành rời võng nắm lấy cổ tay người thương binh để xem mạch. Người thương binh mở mắt nhìn Thành
-Cái chân của tôi liệu có giữ được không bác sĩ?
Anh ta hỏi nhỏ. Thành không trả lời ngay. Anh đang tập trung sự chú ý vào hai đầu ngón tay đón nhận những cái giật rất khẽ của dòng máu chảy trong cơ thể người bệnh. Xong xuôi anh mới ngẩng lên.
-Sao lại không được
Người thương binh nằn im một lúc. Anh nắm lấy bàn tay Thành
-Cám ơn anh.
Anh ta nói rất khẽ. Một niềm vui, niềm tự hào trào dâng trong anh nhưng rồi nó lập tức bị những lo lắng đè xuống. Anh ta cám ơn mình. Nhưng… Thành lắc đầu không dám nghĩ tiếp.
Lại một ngày nữa trôi qua. Lại một đêm trắng nữa. Những mối lo đã bớt đi một nửa nhưng thời gian vẫn lười nhác nhích từng tý một trên chiếc kim đồng hồ.
Buổi chiều không mưa. Lá cây đã sàng bớt đi cái nóng của nắng.Giữa một buổi chiều bình lặng, tiếng OV10 dai dẳng lúc gần lúc xa khiến cho người nghe có một cảm giác khó chịu. Nghe tiếng máy bay, người thương binh cau mày nhìn ra cửa. Chắc anh ta nhớ tới một cái gì. Nắng nhuộm vàng cả một rặng núi xanh rì trước mặt, thỉnh thoảng lại điểm vào những vạt cây đổ nát, vàng úa , trơ trụi vì bom pháo trông loang lổ chẳng khác gì tấm dù ngụy trang của người lính chiến
Buổi chiều chuyển rất nhanh thành mầu tím. Tiếng ve cất lên êm và thanh. Đêm sập xuống rất nhanh nhưng về sáng lại quánh lại chảy rớt dài như sữa cô lại làm kẹo cho thương binh ăn bồi dưỡng.
Lịch ngày của chiếc đồng hồ kêu “Tách” một tiếng. Một ngày mới bắt đầu.Cái gì hôm nay sẽ tới?
Tháp bước vào trong lán khi trời chưa sáng rõ. Mắt anh thâm quầng, hõm sâu. Người hốc hác. Anh cũng thức hai đêm trắng. Tháp bảo với Thành
-Anh về nghỉ đi để tôi trực cho
Mặt trận phía sau
Chương Một
Chương Hai
Chương Ba
Chương Bốn
Chương Năm
Chương Sáu
Chương Bảy
Chương Tám
Chương Chín
Chương Mười
Chương Kết