-- 2 --
Tác giả: Nguyễn Thị Hoàng
Tôi bắt đầu cảm thấy lạnh ở hai chân sau giấc ngủ ngắn buổi chiều hôm qua. Tôi ngồi dậy, mang vớ, và đắp thêm một lần chăn thật dày khắp mình sau khi đã tắt máy lạnh trong phòng. Nhưng vô ích, mỗi lúc hình như càng lạnh thêm. Tôi sờ đầu, ngực và lưng, không triệu chứng của một cơn sốt nóng lạnh. Tôi tỉnh táo và mạnh khoẻ hoàn toàn. Tôi nhắm mắt, cố nghĩ đến những điều đẹp. Nghĩ đến Quỳnh Mai và những ngày trăng mật sau hôn lễ. Nghĩ đến tên những đứa con sẽ sinh ra. Khu vườn nhiều cây xanh và hoa hồng leo quanh những bức tường thấp của hoa viên. Nhưng nhắm mắt, tôi cảm thấy rõ hơn hai thân thể. Tôi thoáng nghĩ đến lời nói của bà cụ cố ngày xưa còn bé, bao giờ sắp chết người ta cũng sẽ cảm thấy lạnh như thế, trước hết ở hai bàn chân, và lạnh dần lên đầu. Kẻ nào tùy nghiệp nặng nhẹ đến đâu, cái lạnh ngưng đến phần cơ thể tùy thuộc, và ta sẽ đầu thai làm thứ gì là tùy cơn lạnh đó. Tôi không suy nghĩ gì thêm lời nói đó. Tôi dốt đạo Phật, thậm chí đến cả lời của bà cụ cố, nói thế nào tôi không nhớ rõ nguyên văn, chỉ đại khái thôi. Tôi không tin chuyện gì ngoài chính mình, đúng hơn là ngoài sức chinh phục của mình, đối với đàn bà. Chinh phục mà không cần đến một vận dụng nào cả của khả năng và tâm hồn. Vì chính tôi đã là một sự chinh phục đầy đủ. Đàn bà tới với tôi, không vì một kêu gọi, lôi cuốn dỗ dành nào hết. Họ tới vì họ muốn tới. Thế thôi. Tôi không nhớ gì đến quãng đời tình ái của tôi. Không nhớ gì. Cũng như những mẩu chuyện và vai trò trong những phim tôi đã đóng. Tôi là tài tử. Tôi không biết tôi là tài tử hay tài tử là tôi. Tôi lẫn lộn. Khi gặp và thích một đàn bà, tôi tưởng tôi đang đóng phim, và người đàn bà, đến với tôi, cũng như trong khúc phim nào đó. Xong mọi việc là hết. Thật tình tôi không nhớ. Và cũng chẳng có gì quan hệ cả. Cái gì nhiều quá, cũng làm lu mờ, chán nản và lầm lẫn như thế cả. Ở đâu tôi cũng trông thấy loáng thoáng những nét dáng và màu sắc đó vây quanh, ở phim trường, trong những bữa tiệc, những cuộc đi xa, và những nơi bến tàu, bến xe, phố chợ, những cặp mắt đẹp, long lanh, môi tươi và má thắm, vóc dáng khêu gợi và cái nhìn gọi mời, năn nỉ. Tôi làm sao nhớ riêng một trường hợp nào và một bóng dáng nào. Còn Quỳnh Mai ư, đó là chuyện về sau, khi cuộc đời tình ái lăng nhăng đã chấm dứt. Không phải là vì tôi tĩnh trí, dứt khoát, mà vì cơ nghiệp. Còn nghĩ đến cơ nghiệp nữa chứ. Bây giờ nhiều tài tử đáng giá lên như diều. Tôi bắt đầu mòn cũ, quen thuộc. Tôi cảm thấy lo. Tôi muốn tậu phim trường, làm đạo diễn. Muốn thế, tôi phải cưới Quỳnh Mai. Cha Quỳnh Mai thừa khả năng và phương tiện lo cho tôi điều đó. Lý do tôi lấy nàng chỉ vậy thôi. Hơn nữa, nàng cũng là một tài tử lớn. Nàng sẽ thuộc về tôi là hãng phim của tôi. Và trước pháp lý, nàng cũng có thể có lý do để vừa hủy bỏ vừa bồi thường cho hãng phim đã ký giao kèo. Tôi có thừa hạnh phúc. Chỉ còn tạo cơ nghiệp để bảo tồn hạnh phúc đó. Hạnh phúc, than ôi, là cái gì, ở đâu, cho tới bây giờ, tôi mới nhận ra, là đã xây đắp và kiếm tìm hạnh phúc trên oan nghiệt, trên cái bóng ám ảnh kia… và không chừng, nhiều cái bóng khác nữa.
Không, nhưng mà tôi sẽ thắng, sẽ thoát. Trong cơn lạnh, tôi còn cố nghĩ thế. Và hình như cơn lạnh dừng lại ngang bụng rồi biến đi. Tôi nghĩ với nụ cười hoang mang, nếu mình chết, sẽ trở thành ngạ quỷ với cơn lạnh dừng ngang bụng. Ngạ quỷ, quỷ đói, đói đàn bà. Tôi nghe hoảng hốt thật sự với một thứ tiếng nguyền rủa nào vẳng lên trong im lìm. Tôi vùng dậy.
Trời ngoài đã tối. Căn phòng chưa lên đèn. Tôi bước ra khỏi giường, xỏ hai chân vào hài. Và bước. Hình như chân tôi nặng nề vì bị cái gì vương vương ghìm lại đàng sau. Rồi một phiến gì lạnh buốt phả lên vai tôi, thong thả, dịu dàng, nhưng nặng nề, trì trọng, như muốn kéo ngược tôi về đàng sau. Tôi quay lại. Không gì ngoài vũng tối mờ của căn phòng chưa lên đèn. Tôi nổi da gà khắp hai cánh tay. Tôi đưa bàn tay về phía trước. Tay tôi chạm vào khoảng không cứng và lạnh như vật gì đắp lên vai tôi. Tôi lì lại. Không còn gì nữa. Một lúc, rồi tôi nghe tiếng vi vu lao xao, trong tai, nhưng như cõi nào xa hút vọng về, chuyển thanh âm vào tận tủy xương mình. Tiếng vi vu như hơi gió rít lạnh buốt, tạo thành một thứ tiếng chỉ nghe lắng bằng tưởng tượng. Tôi cảm thấy như tiếng nói gọi đúng tên tôi, âm vang nhỏ như bằng sợi tơ trời, nhưng cũng như tơ trời, long lanh óng chuốt, sắc sảo đến châm chích vào tận trong óc tủy người nghe lắng. Tôi ngồi xuống ghế và như bị thôi miên dần dần bằng tiếng gọi vi vút xa xăm kia, hai tay ôm đầu, thiếp đi trong bóng tối. Đến khi tôi tỉnh dậy hẳn thì người bồi phòng đã bật đèn và dọn thức ăn tối lên bàn. Trong lúc uống rượu, tôi bỗng buồn bã lắng nghe. Tôi mường tượng lại tiếng gọi và bỗng nhớ. Tôi muốn nghe lại tiếng gọi, như buổi chiều, nhưng không có nữa. Chỉ còn tiếng vi vu bình thường của thứ lặng im có thật vây quanh. Bâng khuâng, rã rời, trong một trạng thái nửa thức nửa ngủ, tôi uống liên miên hết cốc này đến cốc khác, gần hết chai rượu. Hình như tôi say nhừ sau đó. Chưa bao giờ tôi uống rượu trong thời gian đóng phim. Nhưng từ khi trốn chạy cái bóng, trốn chạy những giấc chiêm bao, tôi lại uống, không ngừng. Tôi thiếp đi trong hơi rượu, và lại nghe tiếng gọi vi vút nổi lên từ tim óc chính mình. Nó gọi tên tôi, đúng tên tôi. Tiếng gọi thì thào, kéo dài, như hơi thở của người hấp hối. Bây giờ thì tôi nhận ra rồi, đúng là lần này tôi nhận ra, đúng cái giọng đó. Cái giọng này và khuôn mặt lập lờ ẩn hiện trắng toát những đêm rồi trong chiêm bao. Bên một bờ cỏ xanh. Một đêm trăng mờ. Không phải là tiếng gọi, mà tiếng hát, thủ thỉ một khúc tình ca, vừa thơ ngây tội nghiệp vừa tuyệt vọng não nùng. Tiếng hát của cô gái miền sơn cước, ở thung lũng Cẩm Thạch, tiếng hát của Sơn Chi.
Đoàn người quay phim đã tản mác ra nhiều sân sau khi dự khán buổi trình diễn của đoàn ca vũ sơn cước với mục đích tuyển chọn một cô cho cuốn phim sắp quay. Tôi còn dùng dằng ở lại, vì suốt buổi chiều ngồi đó, băn khoăn mãi với cảm tưởng bị nhìn, quá chăm chú, tha thiết, từ một góc trại nào đó. Cảm tưởng đó vẫn gặp nhiều lần, và thường thường không bao giờ lầm lẫn. Nó là khởi đầu cho một chuyện tình đẹp, đúng hơn là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời đối với tôi.
Lần này thì hình như không phải, vì cho đến khi chỉ còn tôi ngồi lại một mình nơi ghế mây trong lều lục giác, không có gì bất ngờ xảy ra cả. Tôi nghĩ đến điều gì ấy đang xảy ra và chờ đợi bên ngoài. Cho nên tôi thong thả, lẫn với một chút luyến tiếc bước ra ngoài.
Đúng vào lúc tôi thấy sắp sửa bước ra khỏi cửa lều thì tiếng lục lạc reo lanh canh sau lưng. Tôi quay lại. Ba cô gái không biết từ lối nào, hiện ra khung cửa sau nhà trại, bối rối nhìn tôi, như có điều gì muốn nói. Thoạt trông, tôi thất vọng, vì không có một vẻ đẹp nào nơi cả ba người con gái. Nhưng cô gái ở giữa, một lúc sau, tôi mới nhận ra có vẻ ưa nhìn, một thứ duyên thầm, hấp dẫn và kín đáo ở khoé mắt nhìn lặng câm và đôi môi mọng mỉm cười, nửa ngại ngùng, nửa van xin.
Hai bên im lặng một lúc rồi cô gái đi bên bỗng nói:
"Chúng tôi xin ông cho chụp chung một tấm hình. Xin ông đừng từ chối ân huệ đó. Chúng tôi chờ như thế đã nhiều lần".
"Sao lại nhiều lần?"
"Vì ông lên đây nhiều lần rồi, mà đến nay chúng tôi mới… tìm cách để gặp ông được".
Cô đứng bên đối đáp, nhưng tôi chỉ nhìn chăm chú cô đứng giữa. Cô ta cắn môi. Những chiếc răng trắng lóng lánh màu ngà trên đôi môi đỏ. Tôi nói vui vẻ, các cô muốn chụp bao nhiêu hình và muốn gặp tôi bao nhiêu lần nữa cũng được.
Đôi mắt cô đứng giữa sáng lên khác thường, với một ánh long lanh kỳ diệu làm khuôn mặt nhuốm một vẻ tươi thắm ấm áp.
"Thật à?"
Nàng nói, giọng nhỏ, ấm mà thân mật. Tôi hỏi nàng làm gì ở đây. Nàng nói hát. Tôi nói, chốc nữa, ra ngoài kia chụp hình xong, cô hát cho nghe. Cô gái cười, nói nhỏ như chỉ muốn cho mình tôi nghe, em chỉ quen hát dưới đêm trăng một mình. Tôi nói:
"Thế hai mình có được không?"
"Dạ, với ông thì… chắc phải được. Nhưng mà… sợ rằng không hát được hay".
"Sao vậy?"
"Thưa ông, em chỉ thèm im lặng".
Nàng nói như thế, với một đuôi mắt nhìn thật dài và khi đứng chụp hình chung với nhau, tôi với ba cô gái, tôi nghe rõ hơi thở thơm mùi hoa dại và cỏ tranh của cô gái bên vai mình, như một lời nhắn nhủ kín đáo đầu tiên.
Ngày mai sẽ khởi quay một vài ngoại cảnh Đài Trung và đoàn quay phim phải về ngay trong buổi chiều hôm đó, nhưng phút chót người ta tin cho biết bão có thể tới bất ngờ trên vùng thung lũng nên chuyến bay độc nhất trở về sẽ bị hủy. Cả bọn đồng ý ở lại đến sáng mai, thay vì, có thể liều đi bằng xe hơi để trở về cho đúng ngày giờ làm việc.
Tôi vẫn nghĩ, một cách đổ lỗi cho sự tình cờ và bất ngờ, nếu chuyến bay buổi chiều đó không bị hủy thì chắc chắn đã không có chuyện gì xảy ra cả. Với lại, khởi điểm của câu chuyện, như thế, quả tình không phải do tôi chủ động, dù là chỉ trong ý nghĩ. Bởi vì sau khi chụp hình, tôi lại đi theo đoàn, ăn uống, bàn chuyện, phác hoạ chương trình làm việc cho những ngày tới, bị vây bọc giữa những cô phóng viên, những bạn đồng diễn trong phim và vô số những việc làm bận rộn thời giờ tâm trí, tôi không nhớ không nghĩ gì đến nữa cô gái đứng giữa vừa chụp hình chung với mình buổi chiều.
Cho đến tối nằm một mình trong lều tranh, giữa vườn cỏ hoa lắt lay gió khuya, với bóng trăng thoang thoảng bên kia sườn núi mờ, tôi nghe rõ tiếng chân tới gần, như lãng đãng u uất trên đầu những ngọn cỏ phất phơ. Tôi nghĩ đến cô gái nhưng không tin là cô ta có thể tới. Nhưng cuối cùng cũng là khuôn mặt của cô ta nơi khung cửa lều, khác hẳn buổi chiều, được trang điểm tỉ mỉ và áo quần, nữ trang lỉnh kỉnh trau chuốt hơn. Một mùi hương rừng kỳ ảo làm ngất ngây không khí quanh nơi cô gái đứng, kìm tôi lại phía cửa lều bỏ trống.
Cô gái nhìn tôi, im lặng, đăm đăm, vẫn như buổi chiều, nhưng lâu dần và quấn quít hơn, như cô ta đã nhìn tôi như thế, một hình ảnh gần gũi, quen thuộc, dưới quyền sở hữu trìu mến của cô ta từ bao nhiêu năm nay rồi.
"Cô đến thăm tôi đó ư?"
"Không, em đem biếu ông cái này".
Nàng mở tấm khăn lụa đỏ chỉ cho tôi xem chiếc dĩa sứ tròn. Trên mặt dĩa tráng hình chụp của chúng tôi buổi chiều.
"Cô nhanh như vậy được sao?"
"Dạ. Chừng vài giờ sau khi chụp hình là có ngay, nhưng em bận nên bây giờ mới đem đến ông".
"Hết bao nhiêu tiền tôi gửi lại cô, và cô cho tôi cái này. Tôi nói và giữ lấy chiếc dĩa lẫn tấm khăn lụa đỏ".
Cô ta xua tay, hai con mắt long lanh:
"Không đáng bao nhiêu, ông đừng trả, nhưng tấm khăn thì… em xin lại".
"Sao vậy? Tấm khăn này đắt lắm à?"
"Dạ, chỉ là mảnh vải cũ, nhưng của mẹ em để lại, em giữ từ hồi nhỏ".
Tôi cười:
"À, của gia bảo của cô. Một bản đồ chỉ nơi giấu kho tàng phải không?"
Nàng cười:
"Còn hơn thế. Một kho tàng, em cũng không đánh đổi đâu, của mẹ em".
"Bà nhà… ở với cô à?"
"Mẹ em chết khi em ra đời".
Tôi hỏi phất phơ cho có chuyện nói để giữ cô ta đứng lại ở cửa lều.
"Bà… bệnh à?"
"Dạ… điều này em chỉ nói với mình ông thôi. Bà sinh ra em đúng lúc… gặp người mà bà muốn em gọi là cha ấy… đi với một cô nào đến… nhà thương".
"À, bà ấy ghen. Bệnh ghen khủng khiếp nhỉ, như tôi bây giờ, nếu tình cờ thấy ai đến rủ cô đi, tôi cũng dám chết được lắm".
Nàng ngưng lại, nín hơi vì kinh ngạc và xúc động rồi bỗng nhiên, nàng rướn người lên, áp đầu vào cánh tay tôi, và tay kia nàng níu chặt lấy cửa lều.
"Thật vậy chứ ông, ông… ông không nói đùa với em, phải không ông, đừng đùa, nếu ông nói đùa thì không phải ông mà chính là em chết".
"Thôi đừng nói chuyện chết, ta nói đến sự sống đi. Trời đã cho không cơn bão, vậy ra máy bay hủy chuyến về để cô tới thăm tôi đó, và trời đang sáng trăng, cô có nhớ buổi chiều đã nói cô hát trong đêm trăng chứ? Hát một bài gì đi em". Tôi nói, lần những ngón tay trong vòng tóc rối lủng lẳng mấy cánh hoa sắp rơi của cô gái.
Nàng đứng thẳng người lên. Hai mắt nàng thấm đẫm ánh trăng xanh từ vầng lá đêm toả xuống.
"Trời ơi!"
"Sao em lại kêu trời, có gì phiền phải không?"
"Em chết mất, em đã mong thế này, và bây giờ mọi sự tới, như khẩn nguyện và em sợ quá chừng".
Tôi nói lảm nhảm mà không nghĩ, như quen nói bằng môi với các cô gái sa vào tay mình, trong khi trí óc vẫn dành cho những tính toán công việc và tâm hồn phiêu bạt theo những vai trò của chính mình và những vai trò khác cạnh mình.
"Có gì mà em sợ, sự bất ngờ nào cũng làm ta sợ. Nhưng đừng sợ gì, nghe em".
Nàng rời khỏi tay tôi và bỗng nhiên cắm đầu chạy như trôi biến giữa vùng cây lá xanh xao lấp lánh ánh trăng mờ như bạc chảy. Tôi đứng nhìn theo nàng một lúc, lòng xao động, băng mình đuổi theo. Tôi cố nghĩ là giữa nàng và tôi, giữa nàng và đời sống thật, có một liên hệ âm thầm bí mật và tiền định nào đó, tôi phải tìm hiểu, phải khám phá cho ra, bởi vì từ phút sau, mọi chuyện có vẻ như không do ngẫu nhiên mà có.
Càng chạy, vùng cây cỏ càng trở nên hoang vu, ánh trăng càng xanh xao, kỳ ảo khác thường và tiếng đêm càng thao thức tịch liêu bốn bề quạnh quẽ. Tôi không nhìn thấy nàng nhưng vẫn nghe tiếng chân xào xạc trên lá cỏ lẫn vào tiếng những hòn sỏi lăn khô khan, hay tiếng nhảy vọt mơ hồ của con vật bé bỏng nào dưới những gốc cây bí mật sù sì. Và càng chạy, tôi cảm thấy như từ bốn bề hoang vụ trời lên ngào ngạt một vừng hương kỳ ảo, lôi cuốn, ngất mê. Tôi lao đao chạy như điên dại về phía mùi hương cho đến khi không còn nhận ra mình, hương đêm hay dấu vết người con gái vừa băng mình chạy trốn.
Khi tôi tỉnh dậy, hình như trời bên ngoài lờ mờ sáng. Nằm trên tấm nệm đan bằng một thứ cỏ nhuộm ngũ sắc, với chiếc gối mây cao dưới đầu, nhìn ra quanh quất, không thấy một bóng người. Chỉ có những khung cửa khép hờ và bên ngoài, hình như là một vùng cây lá mênh mông. Hoàn toàn im lặng. Như không cả tiếng một côn trùng bé bỏng hay một bước chân nào tới. Tôi gọi, không có ai đáp lại. Chỉ thoang thoảng một thứ hương trầm hay gỗ quý ngan ngát toả ra từ những góc lều lờ mờ tối.
Tôi nhắm mắt lại, một lúc, cố nghĩ đến những gì xảy ra trong đêm. Đầu óc kín bưng, không một thoáng hình ảnh nào gợn lên trí nhớ. Như hôm qua và lúc ấy đã hàng năm đi qua.
Bỗng tôi ngửi thấy mùi trà sen thoang thoảng tới gần. Trong hai mắt hé mở, người con gái cúi xuống, đặt bên cạnh chỗ nằm tôi một khay trà, và quỳ xuống yên lặng ngắm tôi ngủ. Nàng khoác một tấm vóc sặc sỡ nhiều màu che kín từ phần ngực trở xuống tận gót chân, để lộ phần vai tròn và hai cánh tay thon dài khép nép đặt trên đùi.
Trong bóng tối mờ, nàng như chỉ là một khối bóng mỏng và nhẹ thoang thoảng hương thơm. Đúng là thứ hương tôi đã ngửi thấy và choáng váng trong rừng cây tối hôm qua.
Tôi mở mắt chống tay ngồi dậy. Nàng đặt bàn tay mát dịu lên trán tôi ngăn lại:
"Đừng, ông cứ nằm nghỉ thêm, còn lâu trời mới sáng mà".
Tôi hỏi như trong mê:
"Sáng thì sao?"
"Ông sẽ ra khỏi đây trước khi trời sáng".
"Tại sao vậy?"
"Để không người nào nhìn thấy ông".
"Thấy tôi, thì sao?"
Nàng mím môi, băn khoăn:
"Người ta sẽ làm tội em".
Tôi cảm thấy cần nghĩ đến điều gì khó khăn lúc ấy.
"Tại sao như vậy chứ?"
"Em đã… để ông về nhà trong đêm rồi".
"Nhà cô?"
"Chỗ này của mẹ em để lại cho em".
"Quanh đây là người làng nước bà con của cô?"
"Không, người lạ. Ngày xưa mẹ em tình cờ tới, và định cư ở đây. Em cũng vậy, em chẳng biết gốc tích, nhưng sống lâu năm thành dân ở đây".
"Cô… có quyền tiếp một người bạn chứ?"
"Phải, nhưng bạn gái thôi, không phải bạn trai. Vả lại người ta biết ông là ai, và tất nhiên hiểu ra ông không là bạn em".
"Vậy thì tôi là gì của cô?"
Nàng cười khúc khích:
"Em không biết. Ông là kẻ giết người".
"Đừng nói đùa. Nhưng mà… tôi giết ai, nếu là kẻ giết người thật?"
"Giết em, chứ còn ai, hay ông còn giết nhiều người khác mà em không thể biết".
"Thôi đừng nói như thế, người xung quanh sẽ đối đãi với cô ra sao?"
"Không lường được, có thể sẽ chửi bới, sẽ hất hủi, sẽ ném những vật cứng và nhọn hay đồ dơ bẩn vào em".
"Đến thế à, sao lạ vậy?"
"Người ta cho là em hư hỏng. Và nữa, một người lạ hư hỏng làm hư hỏng luôn đời sống tốt lành của họ ở đây".
"Có ai bị thế chưa?"
"Một năm, có một người con gái tới. Cô ta rất đẹp, quyến rũ, nhưng đầy tính xấu".
"Tính xấu là sao?"
"Làm hư hết những đàn ông quanh vùng. Cuối cùng mọi người cho cô ta là phù thủy nên ném đá, đuổi cô ta đi".
"Rồi ra sao?"
"Có một dạo người ta thấy cô hiện về".
"Hiện về là sao?"
"Chết rồi và cái bóng trở về trong chiêm bao người sống".
Tôi hỏi không suy nghĩ:
"Nếu… em chết đi, em phải chọn riêng chiêm bao của người để trở về chứ, phải không?"
Nàng như rùng mình với một cơn lạnh nào đó.
"Phải rồi, em chỉ trở về trong chiêm bao của ông thôi. Nhưng mà… sắp sáng rồi. Lạ thật, đôi lúc em thấy như trời chưa sáng, hay không bao giờ sáng, đêm sẽ dài vô tận, nhưng đôi khi ngày chợt tới, màu hồng đã nhuộm thắm cỏ cây bên ngoài. Em sợ".
"Sao vậy?"
"Rồi ông sẽ đi, và suốt đời, không bao giờ còn thấy ông nữa".
Tôi chỉ nhớ tới ngày, nhớ chương trình sắp tới, những cuộc hẹn hò của tôi.
"Ờ nhỉ, à, hôm qua, ra sao nhỉ, tôi đã mê đi".
"Không mê đâu, ông say".
"Tôi có uống đâu".
Nàng chỉ những hũ không bên góc phòng tối.
"Đó, ông đòi uống quá nhiều".
"Không phải, như tôi mê đi, mê ngay lúc chạy ngoài vườn cây ấy mà".
"Có người gọi như vậy là chết dại, chết giả, thật ra thì chỉ choáng váng với mùi hương, mà lạ thật, ông vẫn tỉnh táo, như thường nhưng như ông không có trí nhớ bây giờ và óc sáng suốt lúc đó".
"Mùi hương, hương gì nhỉ? Ờ, tôi nhớ ra mùi hương rồi, nồng nồng, hăng hắc".
"Dạ hợp hương".
"Tên một thứ hoa?"
"Cả một rừng dạ hợp ngoài kia".
"Hoa mọc hoang à?"
"Mẹ em trồng ngày xưa đó. Người ta đòi chặt phá đi, em không chịu, họ nói, bao giờ em không giữ đúng những điều lệ của họ, họ sẽ phá".
"Điều gì?"
"Không… giao du với một người đàn ông lạ…"
Tôi ngồi dậy, nhìn cô gái chăm chú và nhớ ra dần dần mọi điều trong đêm. Tôi đã quá bước và cô gái tỏ ra dịu dàng, chịu đựng với những tiếng khóc thật nhỏ lẫn với tiếng cười mênh mang như nỗi reo vui thơ ngây.
"Kể như là em chết rồi vậy".
Tôi cầm tay cô ta, muốn nói một câu gì, nhưng chỉ hứa suông.
"Tôi sẽ trở lại hoặc là làm cách nào đưa cô về dưới đó chơi luôn, mình sẽ gặp nhau như thường. Cô có thích như vậy không?"
"Dạ có", nàng đáp, ngoan ngoãn, và yên lặng, thong thả rút bàn tay lạnh lẽo khỏi tay tôi rồi thở dài đứng lên, ra kéo tấm cửa lều lên.
Trời như sắp sửa hửng lên một góc nào đó. Tiếng chim kêu nhỏ và thanh, như nỗi hấp hối bình thản và hoan hỉ trong ngày mới. Tôi soi gương, sửa lại áo tóc cạnh cái giá cắm cây nến hồng vàng vừa thắp lên. Trong gương, nửa thân trên của nàng lồng lộng đẹp như một pho tượng bán thân bằng hồng thạch. Tôi quay lại, thèm ôm nàng, một lần nữa, nhưng nàng vuột ra khỏi hai tay tôi và cúi xuống nhặt những đồ vặt vãnh gì đó bỏ vào cái cặp da nhỏ tôi mang theo.
Nàng nhắm mắt, yên lặng cho tôi hôn lên chiếc cằm nhỏ bé, như ướp đầy dạ hợp hương, gót chân mềm dưới đất chừng như nhón lên cao, thấp thỏm trân trọng, một cử chỉ tiễn biệt dịu dàng, ân cần, tha thiết, với hai cánh tay trần vòng lên quanh cổ vai tôi níu xuống dịu dàng.
Tay tôi lúc ấy tình cờ chạm vào một vật cứng trong túi áo. Cái búp hoa bằng ngọc gắn áo đàn bà vừa mua buổi chiều trong quán ngọc. Tôi đặt vào lòng bàn tay nàng bảo nàng giữ lấy, mãi mãi, như nhớ đến tôi.
Nàng im lặng, mân mê búp hoa bằng ngọc một lúc lâu rồi bảo tôi:
"Thôi ông đi đi, đi theo đêm ngắn ngủi của ông đi".
Quãng đường đi ra khỏi rừng dạ hợp hương chừng như ngắn hơn lúc vào. Ra khỏi rừng hương, tôi như thoát khỏi một ám ảnh nặng nề, quái dị và có cảm tưởng như chỉ là một giấc mơ bình thường, đêm hôm qua, một giấc mơ không thể tới thêm lần nữa bao giờ.
Cách đó ít lâu, tôi nhận được một bức thư dày. Bức thư của người con gái miền núi, ký tên là Sơn Chi. Trong thư nàng kể lể những cảm tình, xao xuyến, rung động trước khi gặp tôi, đã nghĩ tưởng và mơ mộng như thế nào về tôi, mỗi khi có dịp về phố và xem phim của tôi hay ngắm nhìn các bảng quảng cáo. Nàng nói là đã yêu mê tôi như thế trong nhiều năm. Nàng sống một mình trong rừng dạ hợp hương, với mỗi một bóng hình tôi. Cho nên khi gặp tôi tình cờ, dịp may độc nhất cứu rỗi nàng, thì nàng đã đối đãi với tôi như một người tình cũ. Bức thư tha thiết đắm đuối như viết bằng máu lẫn nước mắt, bằng tủy xương và tim óc của một người. Dù rằng với một kết luận thông thường của bao nhiêu bức thư tình khác là mong gặp người tình lại lần nữa.
Khi đọc thư, một phần là gặp lúc tôi đang nhiều vấn đề rắc rối quan trọng phải giải quyết, phần vì lảng lênh không lưu tâm nhiều đến một hình bóng đã lu mờ trong kỷ niệm qua đường, chập chùng lẫn lộn vào bao nhiêu kỷ niệm khác, tôi xếp thư và tất nhiên không đoái hoài gì đến những lời tái bút có vẻ vội vàng và mệt mỏi.
Khoản tái bút ghi nàng mong muốn được gặp tôi, tại rừng dạ hợp hương, và nàng đang đau nặng lắm. Nhưng làm thế nào tôi trở về một khu rừng u tịch, xa xôi và bé bỏng kia trong lúc hợp đồng đóng phim cho một hãng Nhật đã ký và tôi sắp sửa sẽ phải qua đó trong vòng một tháng. Cùng với những bận rộn khác của những thành công liên tiếp từ các phim vừa mới hoàn thành. Tôi bù đầu. Quanh tôi lúc nào cũng tới tấp cả một rừng người đẹp chen lấn săn đón, xô đuổi nhau vây bủa lấy tôi. Làm cách nào tôi dày xéo, hất hủi tất cả người thứ ấy để tới với một hình ảnh quá lu mờ trong trí nhớ.
Tôi đặt bức thư vào trong những bức thư khác giữa đống giấy tờ hỗn độn thường xuyên của tôi rồi lên đường.
Ở Nhật về là những tiếp tân, tiệc tùng, hội họp liên miên. Tôi ít khi trở về nhà, chỉ quanh quẩn ở các nhà bạn, phim trường hay các nơi ăn uống vui chơi. Nhà là một nơi dành cho những đời sống bình yên hay những kẻ thất bại trở về trú ẩn. Còn tôi, tôi đang say đắm những thành công lẫy lừng của tôi, như một thằng nghiện rượu, choáng váng trong hơi men.
Một buổi tối tôi trở về nhà muộn, bà vú già mở cổng cho biết có một người lạ đợi tôi, đã từ hai hôm, khẩn khoản xin ở lại chờ trong nhà xe, từ chối mọi tiếp đãi và ăn uống, cho đến khi tôi về.
Khi một mình tôi tới nơi nhà xe, cánh cửa vừa mở, người con gái ngã nhào xuống hai chân tôi và nức nở khóc. Nàng nói, muốn giết chết nàng đi, hay hành hạ bất cứ hình phạt nào cũng được, nhưng chỉ cần cho nàng gặp lại tôi một lần.
Nàng đã thay đổi hẳn y phục. Một chiếc xường xám xẻ thật cao trên đùi màu rêu sẫm, giày và ví cùng màu, lóng lánh những mảnh cườm đen. Mớ tóc nàng vấn gọn lên trên gáy thành những lọn nhỏ, lỏng lẻo, bơ phờ, làm cho khoé mắt nhuốm một vẻ não nùng cuốn hút lạ thường, lòng tôi một thoáng mềm đi với những xao động kỳ dị. Nhưng mà không phải vì tôi gặp lại nàng, mà vì nàng trước mắt tôi, như một người con gái khác.
Tôi nói, không cần gặp tôi một lần, mà bao nhiêu lần cũng được, nhưng nếu thích, nàng cứ ở lại, tự nhiên trong nhà này, như nhà này là của mình nàng.
Tôi không lưu ý nhiều đến những phản ứng của nàng sau câu nói. Hình như nàng ngột thở, chới với. Nhưng nàng bay bổng, thoát thành khói hơi. Như nàng nổ bùng, vỡ tan với một sức nung đốt nào đó.
Tôi dìu nàng lên, đưa vào nhà mở tủ chọn cho nàng những chiếc áo đàn bà đẹp nhất bảo thay. Nàng ngây thơ hỏi, tại sao tôi lại có áo đàn bà đẹp như vậy trong tủ. Tôi nói để dành cho người nào sẽ là vợ. Nàng chớp mắt mơ mộng, ướm hết chiếc áo này sang áo khác. Tôi cũng vui. Chỉ vì tình cờ trở về nhà, gặp một người đàn bà lạ (tôi không muốn nghĩ đó là người đã biết).
Tôi đưa nàng đi ăn tiệm sang trọng nhất tối hôm đó, rồi đi coi hát, dạo các hoa viên, chơi thuyền và đêm đó trăng lờ mờ, và tận cùng buổi tối bằng nghe nhạc ở một hộp đêm. Mãi về sau, tôi mới nhận ra là tôi, trong thâm tâm, tưởng như trả giá nàng được bằng buổi tối ăn chơi đầy đủ như thế, phút đó thì tôi không nghĩ như thế, tôi che mặt nạ cho tôi, tôi nguỵ trang đủ cách, để cảm thấy thích thú với những vui chơi đã cho nàng hưởng, mà thật tình thì tôi chán ngấy những thứ ăn uống vui chơi đó của thành phố.
Và rồi, đêm tận cùng với bóng tối hoàn toàn, với tiếng nhạc dịu, với đèn chong mờ, với mùi dạ hợp hương tóc da nàng và mùi rượu thơm cay trên miệng tôi. Đó là lần đầu tiên, với nàng, tại chỗ của tôi, tôi cảm thấy đêm đã hoàn thành trọn vẹn ý nghĩa thần tiên của nó.
Nàng ở lại đó, mấy hôm sau, rồi mấy tuần sau. Những hôm đầu tôi chỉ đi ra vì công việc. Nhưng những hôm sau, tôi tìm thêm những trò tiêu khiển khác bên ngoài. Đến một hôm tôi nhận ra không thích trở về nhà nhiều nữa. Đúng ra là tôi chán về nhà, chán gặp nàng. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó, trong tôi không một ý nghĩ hay dự định gì dứt khoát hết đối với nàng. Chỉ một tiếng nói, hay một cử chỉ nào đó, là nàng sẽ ra khỏi nhà, là tôi không gặp nàng nữa. Còn dễ dàng hơn những trường hợp khác, vì đối với tôi, Sơn Chi không điều kiện, hay mặc cả gì hết. Nàng yêu vậy thôi. Tôi biết là mọi điều đang hỏng. Tôi sinh ra không phải để cho hay nhận tình yêu. Tôi chỉ nghĩ đến những gì bên trong bộ áo lộng lẫy của tình yêu đang khoác. Sự thật như thế. Dù sao tôi cũng đã nguỵ trang tôi đủ thứ. Vừa nguỵ trang vừa chạy trốn, nhưng đồng thời cũng công nhận phần tối tăm của mình.
Lúc đầu nàng tỏ vẻ lo nghĩ, buồn bực vì sự vắng mặt nhiều của tôi, nhất là những buổi tối. Đến giai đoạn thứ hai, nàng khẩn khoản năn nỉ, giữ tôi lại. Đến khi nhận ra mọi sự vô ích đối với tôi, nàng trở nên hung dữ, và tất nhiên kết quả của thái độ điên cuồng gần ngu xuẩn không phải cách kia đưa nàng ra nhanh khỏi nhà tôi.
Một vài tháng sau đó, tôi như quên hẳn người con gái đã trở thành đàn bà, vì tôi phải đóng phim liên miên, hợp tác với nhiều hãng trong một lúc và phải đi đây đi đó không ngừng.
Tôi chóng quên những khuôn mặt đàn bà đã tới với mình, như những khuôn mặt tài tử trong những phim không phải do tôi đóng vai chính. Tôi cũng không hiểu tại sao. Nhưng mà tôi quên thật tình, ngon lành. Đôi khi cảm thấy là đã quen, đã gặp người này đâu đó, một hay vài lần. Nhưng không thể nào nhớ được là ai.
Cho nên buổi tối hôm đó, tiệc sinh nhật ở nhà một bạn gái tài tử đồng diễn, tôi đã không nhận ra nàng nữa. Đúng ra là tôi không đủ thời giờ và chú ý để nhìn nhận lại nàng.
Suốt buổi, nàng ngồi im, bên cạnh người chơi dương cầm, với một cái quạt phe phẩy trong tay. Nàng mặc bộ áo trắng, dài tha thướt tận gót chân, với những mảng kim tuyến gắn lấp lánh, trước ngực áo rộng và hai cánh tay mềm phơ phất. Vẻ trắng toát của áo tương phản lố bịch với làn da nâu làm chán và mệt mắt người nhìn. Cái áo lại rộng phùng phình khoảng dưới, từ ngực trở xuống, đó là một kiểu áo Tây phương quý phái, trở thành quê mùa cho những người mặc không thích hợp.
Tôi nhìn về phía ấy, vì sau chiếc dương cầm, là một hàng rào đàn bà lộng lẫy ngồi nghe nhạc, với những cốc rượu, quạt, khăng tay hoặc những thứ lỉnh kỉnh khác để làm dáng khi có người nhìn đến.
Xong một bản nhạc dài thượt, tôi đứng dậy đi về phía đó.
Người đàn bà đứng dậy hai mắt sáng long lanh, nét mặt lộ vẻ hoan hỉ đến chờm ngợp khi tôi tới gần. Nàng đưa hai cánh tay lên làm như muốn níu tôi lại trong tầm tay nàng lúc đó. Tôi nhận ra nàng quen quen, nên chỉ gật đầu nhẹ, mỉm cười, và đi thẳng lại phía sau dương cầm.
Một lúc lâu, tôi nghe tiếng lao xao đằng sau. Người ta nói một người đàn bà vừa ngất xỉu, có lẽ mệt hay trúng gió, hoặc nhấp một thứ rượu quá mạnh không hợp tì vị.
Tôi không để ý, cho đến tối, ở nhà thương gọi điện thoại lại, bảo có người thân muốn gặp.
Tôi đến, người gọi đúng là người đàn bà áo trắng. Nàng nói thật yếu, đầu tựa lên gối, tay chặn lên tấm ra đắp ngang bụng.
"Ông… ông tha lỗi cho đã phải mời ông đến, nhưng tôi tưởng đã chết, và xin được thấy ông một lần trước khi chết. Chắc là ông không hẹp lòng với người sắp chết đâu".
Tôi luống cuống ngồi xuống ghế nhỏ. Hỏi nàng những câu thường lệ.
Nàng như dại người với những giọt nước mắt lạnh lẽo chảy xuống hai gò má nhợt nhạt.
"Thật… ông không nhận ra em à, mới mấy tháng".
"Cô, bà… bà là…"
"Em không là cô, là bà gì đâu. Sơn Chi đây".
Tôi sửng người:
"Vậy ra… tại em… thay đổi quá, sao em đổi khác đi vậy?"
"Em muốn gặp anh, đúng ra là muốn được nhìn thấy anh nên đã phải tìm cách len lỏi vào các đám ăn chơi đó, ăn mặc theo lối các bà các cô ấy, tập những dáng điệu cử chỉ của họ, sống như họ. Chỗ nào nghe có anh em em cũng làm cách nào để góp mặt. Mãi đến tối nay mới thấy nhau rõ, nhưng rồi anh… anh không nhận ra em".
Đến đó, tôi hiểu ra, tôi biết nàng yêu và khổ. Nhưng lòng tôi không mảy may xúc động, ái ngại. Cũng như tôi cảm thấy là nàng khổ nhưng chính nàng không tự cảm thấy nỗi khổ của mình ra sao. Tôi bực mình vì có một sợi dây vô hình, vô lý vấn vít mình, dai dẳng.
Tôi săn sóc nàng lặt vặt, chiếu lệ vài việc, và chờ cho nàng ngủ thiếp đi xong, tôi trở ra cửa, sau khi nhét vào ví nàng một xấp tiền dày, với vài chữ bút chì nguệch ngoạc em nên về nhà của em.
Và tưởng như mọi chuyện như thế là xong đi được.