Hối
Tác giả: Nguyễn Thị Long An
Cơn mưa chiều đột ngột đổ xuống thành phố A. Từ trên không gian những sợi nước trong veo, đan nhau tuôn phủ khắp vùng. Bầu trời trắng đục. Những chiếc xe qua lại như cố gắng chạy mau, bánh xe càn lên mặt lộ xé nước bắn tung tóe, nhập nhòa vào hàng loạt giọt mưa sa.
Nhà hàng 'Golden V.N' nằm ở góc đường Thomas và Memorial thật vắng khách. Bà chủ ngồi sau quầy, tay chống cằm lơ đãng dòm ra bên ngoài. Hai cô hầu bàn sửa soạn lại mấy thứ gia vị phía bàn cuối dãy. Trong khung cảnh vắng lặng chờ khách chỉ có tiếng hát từ máy cassette phát ra giọng trầm buồn, nghẹn ngào như khóc. Cánh cửa bật mở. Bốn người khách tuôn vào. Chùm khánh nhỏ phía trên khung cửa khua leng keng gây chút náo động nhỏ không làm ai chú ý. Họ gồm ba người đàn ông và một cô gái trẻ, tất cả đều ngoài ba mươi, cùng nhau đến ngồi ở cái bàn tròn giữa nhà. Hai cô hầu bàn vội vã đứng lên tiếp khách. Bà chủ liếc qua nhận biết là khách từ nơi khác đến, không phải khách quen mặt trong vùng. Đưa mắt quan sát những người thanh niên ấy, bà chăm chú dòm một người có vẻ lớn tuổi nhứt. Bà cảm thấy quá quen thuộc. Đôi mày bà nhíu lại cố gắng soát lại trong trí nhớ. Dường như đã nhớ ra người ấy là ai, nét rạng rở bừng lên trên khuôn mặt băn khoăn từ nãy giờ. Ngồi trên chiếc ghế cao lâu lâu bà cúi xuống tìm đôi dép xỏ chân vào rồi lấy chân ra như giợm bước ra khỏi quầy nhưng quyết định ngồi lại, điệu bộ bồn chồn, không yên.
Ăn uống xong khách gọi tính tiền. Bà chủ thân hành đem tờ hóa đơn đến cho khách, mắt ngó thẳng vào thanh niên đã để ý từ trước:
- Xin lỗi, tên cậu phải là Đức nhà ở... ?
- Phải, tôi tên Đức. Sao bà biết?
- Quên tôi rồi sao ? Tôi là cô Lê, trước có dạy kèm cậu từ năm Đệ Tứ cho đến Đệ Nhứt. Nhà tôi cách nhà cậu một con đường.
- Bà lầm, tôi không có học với bà và tôi cũng không biết bà là ai.
Người đàn bà ngỡ ngàng, đứng im lặng. Chặp sau như tỉnh ra bà lựng khựng rời khỏi bàn của khách mà tai còn nghe mấy tiếng cười khúc khích và lời người thanh niên nói oang oang: 'Tao rất ghét những người sang qua đây mà còn tìm cách nhận nhìn nầy nọ để gián tiếp đề cao mình... cho thiên hạ biết ta cũng là tay trí thức, không phải là tay tầm thường."
Trở lại ngồi sau quầy, người đàn bà vừa mắc cở, vừa giận nên vẻ vui tươi thường có hằng ngày đã biến mất.
Bên ngoài những sợi nước vẫn còn thi nhau đổ. Bốn người khách dường như muốn ngồi nán chờ mưa tạnh. Họ nói chuyện, cười giỡn với nhau thật lớn tiếng, lâu lâu quay dòm lại phía quầy nghinh ngó, xầm xì to nhỏ. Bà giương mắt chăm bẳm về phía họ, mục đích bẻ gãy ý đồ mượn chuyện nhìn lầm làm trò tiêu khiển. Bà thở dài thất vọng. Thể xác của ba thanh niên đó là đồng bào, đồng màu da với mình, nhưng cách suy nghĩ và tư tưởng giống người bản xứ rồi. Trận hồng thủy nhận chìm quê hương, có rất nhiều thanh thiếu niên theo cha mẹ đến đây, đi học, chơi đùa, bất cứ cử chỉ nào của họ cũng đều rập khuôn người xứ nầy. Dung thân ở quốc gia nào thì tiêm nhiễm theo lề thói của quốc gia ấy, lễ giáo Khổng, Mạnh không thể áp dụng tường tận ở đây. Ngần ấy tuổi lẽ ra phải được giáo dục kỹ càng, khuôn phép cũ phải được tôi luyện, đâu lý nào đổi đất sống, đổi tâm tánh con người và đổi luôn đạo nghĩa. Chúng nó không thể có thái độ bất nhã như vậy đối với người đồng hương. Người bà bức rức bởi trong hồn tổn thương quá nặng. Bà vội vàng cúi xuống trang báo mở trên mặt quầy, cố gắng làm ngơ, không nghe, thấy những điều chướng tai gai mắt từ phía trước.
Tiếng thắng xe rít lên két két, chiếc xe bus trờ tới dừng lại trước nhà hàng. Mấy đứa nhỏ đi học về và hai người đàn ông bản xứ xuống xe. Một già một trẻ bước thẳng vào nhà hàng. Ông già là khách quen thuộc, ông chọn ngay cái bàn thường hay ngồi ở góc phía trên. Ông gọi rượu và một ít đồ nhấm, hai người vừa ăn uống vừa nói chuyện với nhau tương đắc. Khoảng hơn nửa giờ sau người thanh niên đứng lên từ giã: 'Tạm biệt, một lần nữa xin cám ơn. Cám ơn cụ đã đối xử với cháu rất niềm nở và đầy tình thương. Không bao giờ cháu quên được lòng mến khách của cụ. Cụ rất tốt. Cả gia đình cụ đều là người hảo tâm, hào hiệp.
Do tình cảm dạt dào và do ảnh hưởng của ly rượu mới uống, giọng nói của người trai trẻ đều đều khép nép như cậu học trò trong tu viện, xúc động đến mức không phải chỉ biểu lộ tình cảm của mình bằng lời nói mà còn bằng những cái nhấp nháy mắt. Ông già cũng xúc động không kém, ôm choàng lấy người trai trẻ ấy, hôn thân mến.
Nghe được lời đối thoại của hai người bản xứ, bà không biết người trai trẻ đó đã thọ hàm ân gì của ông lão mà biểu lộ sự mang ơn đến cùng cực như vậy, so với mình, đứa học trò kia quả là quá đỗi tệ.
Mười giờ tối, bà về đến nhà, thân xác mệt rã rời sau một ngày làm việc chen lẫn trong hồn nỗi phẩn hận khó nguôi. Căn nhà ấm cúng bây giờ trở nên vô duyên. Lăn mình trên giường nệm êm êm vậy mà tưởng như đang nằm trên gai gốc.
Mọi ngày sau khi tắm táp xong lên giường, năm bảy phút sau giấc ngủ dễ dàng choàng đến. Đêm nay trăn trở hàng giờ, cơn buồn ngủ vẫn xa rời, đôi mắt nhắm mà tinh thần tỉnh táo như uống phải ly cà phê đậm đặc. May mắn ngày mai nhà hàng không mở cửa! Cạnh bên kia tiếng ngáy của chồng ồm ồm giữa đêm vắng vẻ. Đứa con gái phòng bên kia có lẽ cũng ngủ vùi. Bà nghe cô đơn và lòng đang đầy ấp nỗi buồn sâu kín.
Thời gian trôi qua đã mười lăm năm bù đầu trong công việc sinh kế. Làm bồi bàn cho một nhà hàng người Mễ, thôi làm nhà hàng lại vào làm trong một hãng điện tử. Từ đó dành dụm được khá tiền. Con nhà nghèo sang đây tay trắng. Bây giờ có trong tay độ vài trăm ngàn thấy như được thỏa mãn. Căn nhà hàng lập lên hơn bảy năm, lợi nhuận ào vào như nước đổ vào hồ. Vật chất đủ đầy, nhà cửa xe cộ và những đồng tiền rải về quê nhà, báo hiếu mẹ cha. Tưởng như mình đang bay bổng, đang sung sướng nhất thế gian. Cười reo giữa đám đông hiện tại và giữa sự huyên náo của đám bạn bè, những lúc vui chơi không cần nghĩ về một ai khác. Đang kênh kiệu tự toại, bỗng đứa học trò làm hụt hẫng, như một tên quân bại trận mất hết nhuệ khí xông pha. Nhớ tới người khách trẻ ban chiều, trong tâm tư cân phân, xét nét thử dò lại hình ảnh tưởng đã bay xa. Bà đưa tay vỗ đầu, cương quyết để trí nhớ mình nhìn thật kỹ về dĩ vãng. Không thể lầm lạc, chắc chắn nó là học trò mình. Mình từng dạy dỗ, từng đem hết sức trui rèn bởi cha mẹ nó muốn khi đi thi nó phải đậu cao. Đã tìm mọi cách nhồi nhét vào trí óc, cố gắng tạo phần căn bản cho nó, nhiều khi không kể giờ giấc. Có lần đá banh với bạn, nó té trật khớp xương. Chân sưng húp chỗ mắc cá, không đi được phải nằm nhà thương. Công việc bận bịu mẹ nó đã nhờ mình chăm sóc cho đến khi lành hẳn. Đôi lúc dỗ dành, năn nỉ biết nó giận hờn gia đình không muốn về nhà. Suốt ba năm dạy nó, mình coi nó như người em, như đứa cháu nhỏ. Nhiều lần nó đến nhà nhờ giảng dạy thêm bài vở ở trường. Sao mình có thể quên được khuôn mặt, cử chỉ, dáng điệu của nó. Đã ngoảnh mặt xoay lưng quên cô giáo cũ mà còn có những cử chỉ khinh bỉ, những câu nói phũ phàng như cầm ly nước lạnh hắt vào mặt người đối diện. Nỗi xấu hổ và mất mặt với người làm công thì ít mà cay đắng với cuộc đời man trá, lừa lọc thì nhiều. Muốn bỏ quách đi chuyện xảy ra lúc ban chiều, không nhớ tới nữa. Nhưng hình ảnh vênh váo của đứa con trai bất nghĩa cứ trở lại trong đầu. Mắt vẫn nhắm kín, nhưng giữa võng mô hiện ra những vòng tròn sáng láng màu vàng, màu cam của đèn vọng ra từ cửa sổ.
Không ngủ được, chỗi dậy mở cửa ra phía ngoài bao lơn dựa mình vào góc tường hướng về mặt lộ. Ánh trăng hạ tuần mờ nhạt soi hững hờ xuống hàng cây trùng điệp bóng đen. Mấy ngọn đèn đường đứng gục đầu tỏa ánh sáng nhòa nhạt hòa lẫn với màu sáng của trăng soi rọi sâu thêm vào vũng tối. Hướng mắt về phía trời xa chợt cảm nhận trong lòng niềm nhớ nhung quay quắt về quê nhà xa lắc xa lơ. Ngóng trời, trong tâm khảm vẽ lên khuôn mặt mẹ già bên kia trời. Trăng chếch về hướng tây, một mình trong đêm tối, mắt mở lớn dòm đỉnh trời đầy ánh sao khuya. Vẫn chưa buồn ngủ, quay vào nhà mở truyền hình, mong những chuyện trong màn ảnh hấp dẫn, lôi cuốn hầu quên đi những nỗi bực bội trong lòng. Trên màn ảnh hiện lên con tàu nhỏ lênh đênh trên biển cả, con tàu nhấp nhô lặn hụp dưới những đợt sóng khổng lồ gợi nhớ lần vượt biên cùng gia đình người thầy dạy ở Đại học. Mắt mở lớn sững sờ dòm con tàu lần lần chỉ còn là một chấm đen xa tít. Bây giờ trong trí mình lại hiện lên chiếc tàu năm nào chòng chềnh trên mặt biển rộng bao la. Cảm giác say sóng nổi lên trong người, đầu óc quay cuồng, dật dờ như muốn ói, mệt lã, khát khô cổ. Cảnh vật trước mặt quay cuồng nghiêng ngã. Ngồi giữa căn nhà đầy đủ tiện nghi mà tưởng như đang chen chúc trong tàu. Căn nhà và cảnh vật trước mặt quay vòng chệnh choạng. Nằm dài xuống ghế dài, văng vẳng bên tai tiếng kêu khóc của đứa con gái, con của thầy đòi nước. Nó thiếu nước uống, chính mình đã dự phần uống nước của thầy dành dụm cho con. Thầy không nệ hà cho mình đi trên chuyến tàu ấy không cần điều kiện. Nhiều năm qua mình đã quên, đã phủi ân nghĩa như phủi mớ bụi bám trên vai áo. Thầy đã tận tình giúp đỡ lúc mới ra trường chưa đền bồi được. Cho đến khi quê hương trong cơn dầu sôi lửa bỏng, cũng thầy là người đưa tay tế độ. Ngoài thầy, không-một-ai-thật- trên-thế-gian- nầy cho người đi tàu vượt biên mà không đòi hỏi trả một li vàng. Thầy đã chia xẻ một phần sự sống của gia đình cho mình. Đến được bến bờ tự do mình quên hết. Đứa học trò bất nghĩa kia đã đánh thức dậy được lương tâm của đứa học trò vong ơn nầy. Mình có phải là con người không? Hành động xấu xa bạc nghĩa hơn đứa học trò ban chiều quá nhiều. Sao không tự trách mình, mà đã vội trách người khác. Nó không nhìn nhận mình là cô giáo của nó cũng là điều phải lẽ. Bởi khi trước mình nhận tiền công dạy dỗ, mình chưa hề dạy dùm nó bao giờ. Tiền trao ra thì công đáp lại, quá sòng phẳng. Nó có vô tâm không nhận nhìn thì cũng không là điều đáng trách. Chỉ có mình mới là kẻ quá vô ơn. Đã làm lơ, đã ngoảnh mặt nhiều năm. Không thăm hỏi, không liên lạc để khỏi phải lúc nào cũng canh cánh bên mình cái ơn xưa. Nếu ngày đó không có thầy, liệu mình có ngày nay không? Suy nghĩ tới lui cũng không làm sao giải tỏa nỗi hối hận của mình. Lặn hụp trong tiền bạc, mãi mê hưởng sung sướng do cuộc đời hiện tại đem lại đến quên hết những lẽ phải cần có. Giờ đây, nằm trong đêm, nỗi niềm kia không làm thâm tâm yên ổn. Trong đáy tâm hồn réo gọi sự trở về thuở còn là đứa học trò nhỏ tánh tình thuần khiết, bản thiện. Mình đã tiêm nhiễm thói đời, đổi thay, ích kỷ, lọc lừa đen trắng. Đứa học trò cũ hiện ra, thái độ của nó, theo thuyết nhà Phật thì mình bị quả báo nhãn tiền. Mà cũng có thể là một sự đánh thức dậy để mình thấy được chân tướng mình, cái bản lai diện mục nằm sâu thẳm trong bản ngã mà cuộc đời nầy che lấp! Mình nên buồn? Mình nên cám ơn?
Mặt trời đã lên cao. Ánh nắng đầu ngày soi qua cửa sổ, Lê bật ngồi dậy lấy cuốn điện thoại niên giám, tìm kiếm. Lật tới lui, vẫn không thấy tên thầy. Trong một thành phố mà người ơn mình di chuyển cũng không hay! Cái vô tâm của mình quá lớn. Lê bật máy computer, tìm tên thầy trong mạng. Có quá nhiều tên giống nhau trên khắp nước Mỹ. Hơn hai chục người với tên những thành phố lạ lùng kế bên. Không lẽ ngồi gọi hết số nầy đến số kia để hỏi. Thì giờ đâu? Thừ người. Lê tắt máy. Thôi chờ khi khác lúc có nhiều thì giờ hơn và tâm hồn ổn định hơn. Bây giờ phải ngủ cái đã. Chuyện ân nghĩa kia tính sau.
Bảo đảm cho tâm thần bình yên, cho lương tâm thôi dày vò, Lê dùng thuốc ngủ, mong tìm được giấc ngủ say giữa lúc ngày đang lên dần.
Nguyễn Thị Long An