Quá Khứ Một Lần Nữa
Tác giả: Nguyễn Thị Long An
Chủ nhật hôm nay trái với lệ thường, tôi thức dậy thật sớm bởi tiếng động đâu đó bên ngoài. Bước xuống khỏi giường, tới vén rèm, mở cánh cửa sổ, vùng ánh sáng ảm đạm với làn gió nhẹ tràn vào khiến tôi ngập chìm trong hơi lạnh sắc se của buổi sáng cuối thụ Màn sương mỏng là đà trên những ngọn đồi phía xa như dãy khăn sô trên vùng tóc rối. Hàng thông già lá cành xanh thẳm phía trước mặt, ngạo nghễ bên những ngọn redwood. Những hàng cây không tên khác trên cành còn lại vài chiếc lá úa cũng buông tay, thả mình nhấp nhô như những cánh bướm đang vờn trên bụi hoa dại giữa vùng cỏ chết. Tư lự khoanh tay gát lên thềm cửa sổ, thả tầm mắt dòm quanh khu chung cư cạnh bãi đất trống như cố kiếm tìm con đường xa lạ hơn trong tâm thức.
Hoạt cảnh đôi trai gái, tay trong tay đi bộ về phía nhà thờ ở góc cuối đường gợi nhắc trong tôi vô vàn niềm đau xót. Bởi tôi thực tình hoãng sợ những buổi sáng trên con đường mù sương đi ngang nhà thờ đến trường học, trong tiếng chuông ngân vang báo hiệu hết giờ lễ sớm. Cùng đi cùng về như một hội ngộ tình cờ với người đã gởi trao tất cả cảm tình. Những ngày đằm thắm, tha thiết bên nhau, cho tới khi hai đứa ra trường. Cha mẹ đôi bên nhận lời giao ước, một lễ cưới linh đình được diễn ra. Lòng tôi rộn rã, ngất ngây với tiếng pháo vu qui tưng bừng nổ như một ngày đại hội. Tưởng tình yêu như keo sơn, gắn bó vĩnh viễn cho tới ngày xuôi tay nhắm mắt. Vậy mà mối lương duyên đó đã trôi đi như ngọn thác, mặt ghềnh, chảy xuôi như giòng nước ngầm lặn hút dưới đáy biển sâu. Cuộc đời tối đen của tôi thoáng đến rất nhanh trong trí nhớ, gờn gợn trong lòng từng vẩn buồn không tên, cùng với cảm giác ớn lạnh bàng hoàng của cơn gió trở trời. Nước mắt bỗng ứa ra, tôi cắn môi cho qua cơn xúc động. Trong óc chập chờn hoạt cảnh cuộc cãi vã đưa đến xô xát hai năm về trước. Rờ đường thẹo dài nằm vắt ngang từ phía trên cằm và vòng xuống phía dưới, dấu vết khó quên và cũng khó tàn phai nổi với thời gian. Đời người thay đổi không phải do một hay nhiều nỗi nghiệt ngã mà do định mệnh ban phát, mà chính là do chọn lựa sai lầm đối tượng của đời mình. Tôi thầm lặng nhận chịu và cúi đầu giã từ tình yêu, tình chồng vợ cánh chuồng, yểu mạng để triền miên ray rức trước đổ vỡ lớn lao trong đời. Cuộc sống trống không từ hai năm nay dày vò, vừa đủ hối hận đã làm lỡ đời mình với một thứ tình yêu vụng dại và rã tan hết những lời nồng ấm, những buổi hẹn hò, những cánh thư màu và bây giờ tất cả mất hút chỉ còn là kỷ niệm như cánh chim giữa hoàng hôn chìm khuất nơi lòng trời đen thẳm. Đôi khi tôi muốn đi nhưng không biết nơi đâu hầu tránh cảnh đời huyên náo, lấp đầy tháng ngày còn lại, vừa đủ lãng quên đời sống cũ. Niềm rung động và hạnh phúc trước kia không còn nữa. Cơn lụt lũ tàn phá hết cánh đồng xanh tươi phơi phới trong hồn người con gái nửa vời dang dở, đã lay đổ hết lòng tin vào hạnh phúc của nỗi ước mơ ngày son trẻ. Cuộc ly hương, tâm hồn tôi dường như đã thay đổi và như con chim đủ lông cánh muốn lượn vào vòm trời cao rộng. Đôi khi nhớ lờ mờ một chút kỷ niệm tuổi thơ trong con thuyền quá khứ trên giòng nước thời gian trôi về quê hương xa tăm tấp ấy.
Co ro trong chiếc áo mỏng chạy xuống dưới nhà, dòm quanh quất trong nhà không còn ai, ba mẹ đi làm, hai đứa em chắc đã đến thư viện chỉ còn bà nội đang ngồi trên "sô pha" coi phim chưởng. Không biết bộ phim này bà coi chưa, nhưng với tôi cũng đã hơn chục lần. Mỗi lần có cô, chú ở xa về chơi, hoặc bạn bè tới, ba mẹ tôi bắt hai đứa em chọn lựa phim, không hiểu vô tình hay cố ý mà lúc nào cũng thấy tụi nó lôi bộ phim "Thần Châu Kiếm Khách" ra cho mọi người thưởng thức. Trong phim có người con gái chỉ một đêm buồn rầu, sáng ra mái tóc đã trắng phau. Tôi thấy như loáng thoáng trong cô gái đó hình ảnh của chính mình...
Thấy mặt tôi, bà nội hỏi và nói một hơi, không cần chờ tôi trả lời, "Mấy giờ rồi Trang ? Kiếm gì ăn chút đi, nhớ sửa soạn đúng mười một giờ rưỡi đưa nội đi chùa."
Trước kia, ngoài những ngày đi làm, tôi thật rảnh rổi đôi khi ở nhà một mình tự do ngủ nướng. Nhưng hơn nửa năm nay, lãnh thêm một công việc làm, "tài xế đặc biệt" cho nội, siêng năng cần mẫn đưa nội đi chợ, đến nhà những bà bạn cũ mới viếng thăm, nhất là đi chùa trưa chủ nhật.
Mặc xong cái áo, xỏ đôi giầy vào chân, tôi chòm sát mặt vào gương, tô một chút phấn hồng, ngắm nghía khuôn mặt trái xoan với đường kẻ chì đen thanh tú quanh đường viền đôi mắt to đen láy của mình. Tôi mỉm cười đồng tiền bên má trái lún sâu tăng thêm chút mỹ miều. Nỗi hài lòng len lỏi vào tâm thức. Liên tưởng cuộc đời không mấy may mắn của mình, "hồng nhan đa truân" người người thường bia miệng câu nói đó quả thật đúng, và bắt tôi nhớ tới câu "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" đã từng học hồi thời Trung Học. Đang lơ mơ nghĩ ngợi, tiếng bà ngoại phía ngoài vọng vào với chút phiền trách yêu thương. Xong chưa nhỏ, con gái xứ này mỗi lần đi ra ngoài sửa soạn gần hết nửa ngày. Tôi vội vàng lên tiếng. Dạ, xong rồi. Vừa trả lời vừa bước ra khỏi cửa phòng, nhưng cũng không quên quay lại nhìn lần nữa dáng mình trong tấm gương dựng đứng sát tường.
Đưa nội ra xe mở cửa cho bà ngồi vào chiếc ghế bên tay lái, gài seat belt cho bà, rồi đi vòng phía sau mở cửa lên ghế lái xe như một người tài xế chuyên nghiệp. Lui khỏi thềm đậu, một chút gió lạnh phả vào mặt, vội vàng quay kiếng xe lên, và liếc qua phía bà an toàn trong chiếc áo ấm dầy cộm. Thời tiết thay đổi như tánh tình khó khăn của đàn bà làm nội đau, ba chủ nhật rồi tôi thật rảnh rang, được ở nhà đọc sách. Hết đau bà lại hối thúc tôi đưa đi chùa.
Chiếc Toyota Camry êm đềm lướt chậm trên đường nhựa giữa bầu trời đục đục âm ụ Mây xám giăng khắp vùng trời tưởng như sắp sửa đổ mưa. Lối đi đến chùa về trưa như lắng xuống trong không khí thanh tĩnh, thơm mùi lá ướt và cỏ khô.
Khoảng mười lăm phút sau xe đã đến trước sân chùa. De xe vào bãi đậu, hai bà cháu ung dung bước từng bước nhẹ trên cây cầu giả bắt trên một khe đào, nước róc rách chảy, tưởng như mình đang đi trên cây cầu giữa vùng thiên thai tiên cảnh. Lên thềm chùa, cởi giày bỏ dép bà nội đi thẳng lên chánh điện vừa đúng lúc sửa soạn lễ cầu kinh. Có thể vì trời lạnh, không phải là ngày sóc vọng, khách thập phương và phật tử không được nhiều. Mọi người ngồi thứ tự trên chiếc đệm lớn trải từ bục thờ dài gần khung cửa giữa chính điện, những chiếc gối mỏng trước mặt chực chờ đôi đầu gối quỳ lên. Tất cả trong tư thế chờ sư trụ trì chùa ra hành lễ.
Tiếng chuông đồng ngân nga vang rền từng hồi bay lan xa nối tiếp hòa lẫn với những câu "kinh chú" thỉnh chuông của chú tiểu phía góc điện thờ. Đưa tầm nhìn lên ngai vị của phật Tổ, ngài ngự kiết già trang nghiêm giữa tòa sen, đôi mắt mở lớn với đôi vành tai dài thòng tới cổ. Đó là một bức tượng bằng đá hay cây được sơn son thếp vàng để tượng trưng cho một vị Phật. Tôi thầm nghĩ, nếu có thật là một vị phật đang ngồi trên cao ngất, liệu ngài có ngồi yên cho bao nhiêu chúng sinh tôn kính quỳ lạy hay không? Để xóa tan ý nghĩ quẩn quanh tà niệm tôi nhìn qua phía vách chỗ bàn thờ có bài vị và những bức hình nhỏ của những người chết, lờ mờ một chút mạng nhện, con ruồi xanh đang vướng chân vào một góc nhỏ dây tơ, con thằn lằn cụt đuôi khó khăn trườn theo bắt con mồi cái miệng dài của con thằn lằn há ra, ngỡ như nghe rõ ràng đôi cánh mỏng xập xòe kêu cứu. Tôi mở mắt thật lớn nhìn vào bụng con thằn lằn đã lớn ra dưới làn da mỏng dánh một chấm đen dường như đang vùng vẫy bên trong.
Một lần nữa, đôi mắt tôi gần như muốn rách, ráng mở ra không phải nhìn con thằn lằn mà nhìn vị sư mới vừa bước vào giữa điện. Vị sư thật trẻ, khuôn mặt dáng dấp tôi thấy như mình đã gặp và thật quen. Qua một giây trong đầu bừng lên ánh sáng, tôi muốn kêu thật to một tiếng kinh hoàng nghẹn ngào, một sự mừng rỡ đột ngột không nguyên do, gần như muốn phóng ra khỏi tầm kiểm soát kín đáo thường xuyên của tính tình đàn bà nền nếp. Cuối cùng tôi lấy đôi bàn tay đang chấp trước ngực ướt đầm mồ hôi đưa lên ấp vào đôi má nóng bừng. Vị sư bắt đầu hành lễ. Tiếng đọc kinh của vị sư, của phật tử hòa lẫn với tiếng chuông mõ trầm vang trong chính điện liên hồi, không tan lấp nổi, không nhòe nhạt nổi sự hồi tưởng trong tâm tự Qúa khứ hiện về, Khang! ngày xưa... Qùy trước phật đài, miệng đọc kinh mà hồn như lạc về vùng trời khác.
"Giữa trưa, trời nắng chang chang, không một chút gió. Cầm trong tay cuốn tập bài học, tôi chạy một mạch ra sau vườn chỗ cái võng, bà ngoại hay ai đó đã giăng từ lâu lắm. Tôi ngồi lên, mở tập chỗ trang chép bài học thuộc lòng "Chùa Diệu Đế", nghêu ngao học, đọc đến câu "Sau chùa cam, quít, cau, dừa, Trước chùa cây kiểng bốn mùa nở hoa", tôi liếc nhìn qua bên kia khoảng đất rộng, kiểng chùa lớn ẩn sau hàng liễu rũ phất phơ, chen lẫn với những cây cam, cây quít, phía trước nhiều cụm mẫu đơn, vạn thọ và những loại cây có bông hoa khác mà tôi không biết tên. Rồi tôi lại ê a... "Trong chùa thờ Phật Thích Ca, Sau lưng đức Phật có bà Quan Âm... "
Giòng họ ngoại tôi thật sùng đạo. Tôi không biết vuông đất gần mười mẫu cạnh nhà có ngôi chùa được lập lên tự hồi nào. Chùa trang nghiêm, mái cong với bốn đường viền trên nóc ngói rêu xanh. Bốn con rồng nằm chụm đầu trên bốn đường viền như trấn giữ phía trên. Hàng cột bốn bên chánh điện cũng thật nhiều rồng, con lớn con nhỏ, quấn mình từ dưới chân lên tới ngọn. Bên trong thật nhiều Phật, Phật Tổ, Phật Thầy dọc dài sát vách hàng hàng lớp lớp đặt trên bệ thờ, thậm chí chỗ trai phòng cũng có Phật. Chùa lớn như vậy mà chuông chiều mỏ sớm chỉ có một vị sư già trụ trì. Thường những ngày nghỉ học, tôi vạch rào lén chui qua sân chùa, ngắt mấy cánh hoa mười giờ, đôi khi đem theo cây vợt bắt bươm bướm, hay bắt chuồn chuồn đậu chập chờn trên mấy cánh bông bụp. Có một lần thấy tôi cầm trong tay con bướm trắng, xâu đuôi mấy con chuồn chuồn kim ngoặt lên ẹo xuống, sư ông tươi cười nói: "Thả nó đi, đừng chơi như vậy nó chết, con mang tội sát sanh". Không biết nghĩ sao, tôi buông tay thả con bướm và chuồn chuồn rồi bỏ đi về. Từ hôm đó rồi thôi, tôi không qua sân chùa chơi như những lần trước. Tôi chưa hiểu nổi mang tội sát sanh là tội gì, nhưng có thể nghe lời sư ông tôi không muốn làm mấy sinh vật đó chết oan.
Ve sầu kêu râm rang trên cây phượng đỏ hoa cạnh hong chùa. Tôi đã bắt đầu nghỉ hè, và đang trông ngóng ba mẹ trở về. Không biết bận rộn chuyện gì mà hai người không thể để tôi ở nhà. Từ hai năm nay ba mẹ gởi tôi sang nhà ngoại. Bà ngoại thương yêu và cưng chiều cháu lắm, nhưng lòng vẫn cảm thấy như bơ vơ, như thiếu thốn tuổi thơ dại không thể hiểu nổi, chỉ biết trông chờ mỗi chiều cuối tuần hoặc những ngày nghỉ lễ để gặp lại cha mẹ mà thôi.
Chín mươi ngày qua mau như đường tên bay thẳng, tôi trở về nhà ngoại sửa soạn tựu trường. Ba mẹ Ở lại với ngoại một ngày đêm và đã ra đi từ sáng sớm. Dư vị những ngày bên cha bên mẹ còn lãng đãng như người say còn lại chút men nồng trong hơi thở. Buồn bã, đi thơ thẩn ra sau vườn. Đứng bên này dòm sang phía cuối ven đất chùa, bắt gặp và chăm chú dòm theo một cái đóm thật xa đang di động dưới gốc cau, dừa, rồi gần, gần mãi cho đến khi tôi nhận ra đó là một thằng con trai lạ lẫm đang lúi húi kiếm tìm gì đó. "Cái đóm" mặc chiếc quần đùi và cái áo sơ mi rộng thùng thình ngắn ngủn. Từ xa "cái đóm" cũng đã thấy tôi, nhưng khi đến gần "cái đóm" dòm thẳng vào một nơi nào ra vẻ lửng lơ, thản nhiên như không thấy ai cả. Tôi đứng đó dòm theo "cái đóm" lẫn khuất vào chùa lúc bóng nắng chiều nhạt nhòa sắp tắt.
Sáng hôm sau sư ông đưa "cái đóm" vào nhà thật sớm để cùng đi với tôi đến trường. Hai đứa chạy lót thót bên sư ông cho tới lúc chia tay tôi vào trường học nữ. Trước khi rẽ lối sư ông nói với tôi, "Trang à, tan học về con ra đứng chỗ kia chờ Khang về với con nha, Khang mới đến đây không biết đường về nhà đâu".
Từ đó, chúng tôi trở thành đôi bạn, hai đứa cùng đi cùng về hai lượt trên đường có lá me bay, có có bướm lượn và đám chim chiền chiện luyện trên cánh đồng nắng gió. Tôi biết được một chút riêng tư về số phận hẩm hiu của Khang. Cha mẹ chết không rõ nguyên do, chỉ còn có sư ông là người bác ruột độc nhất trong họ đành theo về chùa nương tựa."
Tôi giựt mình nhưng còn mơ hồ rạp mình cúi lạy theo những người xung quanh khi họ đồng loạt cúi xuống. Tiếng chuông nữa vang lên tôi ra khỏi cơn bàng hoàng, trong trí nhận biết gần chấm dứt bài kinh "Trì niệm chú Đại Bi". Lòng thầm nghĩ, còn phải cúi lạy nhiều lần khi đọc tên các vị Phật. Bắt đầu bài kinh khác, quỳ thẳng người, hai con mắt tôi lại dán cứng phía sau lưng vị sư mới, ý tưởng cũng lại trở về vị trí cũ và lờ mờ hiện rõ khung cảnh trong óc dỡ dang khi nãy.
"Ngày tháng bình thản trôi qua, chúng tôi cũng bình thản lớn lên lần theo ngày tháng. Nỗi e ấp của người con gái dậy thì và sự e dè của người con trai cùng trang lứa đã bắt đầu thấy rõ. Một lần tôi theo ngoại qua chùa lễ phật, Sư ông vuốt tóc tôi, nói với bà ngoại "Con Trang và thằng Khang mới ngày nào tôi đưa đi học còn nhỏ nhí, chạy giỡn với nhau, mà bây giờ hai đứa trông lớn hết rồi". Chúng tôi đã lên Trung Học và lại học cùng một lớp. Thường tôi hay chạy sang chùa nhờ Khang giải giùm một bài toán khó hay chỉ cho tôi biết thêm một vài tác giả để bình giảng một đề tài thầy mới đưa ra. Một hôm, tôi mượn quyển tập của Khang chép một đoạn bài còn thiếu. Vô tình lật ngược trang bìa sau phía trong, tôi thấy hai chữ "Khang Trang" viết chung trong dấu ngoặc kép nhiều hàng như vậy đóng khung giữa một trái tim lớn bằng nét vẽ của cây viết mực đỏ. Trong tôi vô cùng rung động, vô cùng bồi hồi, không phiền trách Khang, bởi chính tôi cũng đang có những cảm tình nồng đượm thiết tha dấu kín.
Chiều ngày sau tôi sang chùa trả lại tập cho Khang, cố gắng bình tỉnh cùng lúc đó Khang ngó thẳng vào mặt tôi như dò xét và bàn tay thoáng nét rung động khi cầm quyển vở. Khang rủ tôi ra vườn. Hai đứa bước chầm chậm bên nhau giữa những nắng gió lao xao reo vui dưới những bước chân ngập ngừng trên sỏi đá. Bỗng dưng Khang nắm tay tôi và kéo người tôi sát vào với Khang, cùng lúc đó thêm nụ hôn trên bờ tóc rối. Hơi nóng từ bàn tay và da thịt của hai phái dính sát qua làn vải áo, hơi thở của Khang phả vào cổ, vào vai, xương sống tôi nổi lên một luồng buốt lạnh. Nỗi bí ẩn trong tận cùng vực thẳm của thâm tâm mà chính tôi muốn che dấu, từ lúc đó bị khám phá bởi tôi không có một chút phản đối nào. Tôi choáng váng trong cảm giác nhẹ nhàng, nửa chới với của kẻ mất thăng bằng không còn tự chủ, nửa sắp sửa lao mình vào không gian giữa chiều nắng còn vươn trên đọt cây, ngọn cỏ mà tưởng như cơn bão dữ sắp sửa hoành hành. Tôi mê man cùng Khang tay trong tay không cần biết nắng quanh mình sắp tắt.
Yên tĩnh của vườn cây, nghe trong tiếng gió thoang thoảng mơ hồ nhịp đập của đôi tim náo nức. Đi dựa bên Khang mà hồn tôi chập chờn như muốn lìa khỏi xác, trí não quay cuồng những hình ảnh cũ mới. Hai con mắt và cử chỉ Khang ngu ngơ ngày mới đến. Những tháng năm dài cùng đi học, cùng chơi đùa, cùng chia xẻ những nỗi muộn phiền, cùng những buổi tối dưới ngọn đèn dầu leo lét hai đứa thân thiết ngồi bên nhau làm bài vở. Tất cả những kỷ niệm đó là nền móng của một thứ thành lủy cứng chắc quyện thành một thứ nhựa thiên nhiên kết chặt giữa Khang và tôi như mười ngón tay ràng buộc.
Tiếng chuông chùa vọng lên từ trong lắng tĩnh hoàng hôn. Cành cây phất phơ quét nhẹ nhàng trên mái cao, âm vang mơ hồ như từng bước chân ấm áp của hai người đi vào bóng tối.
Tôi ngước mắt nhìn trời những vì sao nhấp nháy xa xa và ngôi sao Hôm đang hãnh diện tỏa ánh sáng chênh chếch trên ngọn cây sứ cạnh tượng Quan Âm giữa sân chùa, nhắc nhở tôi nhớ tới bài học và những công thức toán phiền phức cho ngày mai chưa làm xong. Hai đôi chân vòng tới hiên chùa, tôi hỏi:
- Mấy giờ rồi Khang.
Khang nhìn đồng hồ tay:
- Hơn tám giờ.
- Gần tới ngày thi, về nhà học bài nha Khang.
Tôi trở về nhà, Khang quay vào hậu liêu chùa. Chỉ một lần đó rồi thôi, hai đứa phải vùi mài sách vở cho kỳ thi Tú tài.
Hết chương trình Trung học, tôi phải lên Đại Học. Mối tình đằm thắm thiết tha của chúng tôi chưa thể thành tựu được. Những ngày xa Khang tôi vô cùng buồn bã, một đôi tháng tôi trở về thăm Ngoại, nhưng thật sự là để gặp Khang. Cho đến một ngày tôi trở về lần nữa được biết Sư bác đưa Khang lên học ở một trường Đại Học của một ngôi chùa lớn. Từ đó tôi không còn gặp Khang, đôi khi muốn tìm nhưng tình huống bắt buộc tôi dừng lại".
Bài kinh "Hồi Hướng" lôi tôi trở lại thực tại lần nữa. Tôi bắt đầu đọc và chăm chú hết sức mình theo bài kinh, không muốn suy nghĩ vẫn vơ, cố gắng xua đuổi những tạp niệm ra khỏi đầu óc. Tự dặn lòng, hãy để yên cho người tu hành, đừng khơi lại những gì đã qua, quên đi hết quá khứ. Nhìn thẳng lên đôi mắt phật Tổ, khấn nguyện xin ngài hộ độ cho những vọng niệm trong tôi tan biến, cho lòng bình an thiền định và quên hết những điều xảy ra ở đây hay bên kia bến bờ Đại Dương, trong quá khứ trong sạch của tuổi mới biết yêu, hay trong cái tự hào của một con người chưa làm điều vẩn đục dù trong tâm hồn hay xác thể.
Đưa bà nội ra xe, tôi ung dung lái, thanh thản như khi đưa tay ký lên tờ giấy trả tự do cho người chồng muốn đi hoang. Gió mát lạnh nhưng tôi không quay cửa kiếng lên, chỉ mỉm cười thưởng thức cảm giác nhẹ nhàng đã lóe lên trong lòng.