Phần 1
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Tú
Làng Yên Hạ ai có lần đến hẳn sẽ không thể quên. Đó là những xóm nhỏ hiền hoà nằm bên những vườn cây và hồ nước rộng thả đầy sen. Trong vườn, ngoài rau và hoa ra hầu như trồng toàn doi. Có những thân cây hai người ôm không hết. Tán lá che rợp vùng đất, vùng trời. Có lẽ không ở đâu có nhiều màu xanh đến thế. Màu xanh đầm ấm như những vòm lá dày, màu xanh dịu mát trong trẻo của hồ nước, và màu xanh mềm mại của cỏ.
Chúng tôi đến Yên Hạ vào một ngày tháng Tư. Đây là địa điểm chúng tôi dừng lại trước khi lên đường ra mặt trận. Ngay buổi đầu mới đến, chúng tôi ai cũng vui thích trước một thiên nhiên rộng lớn lung linh như thế này. Tháng Tư, những cây doi nở đầy hoa trắng và trên mặt hồ những chiếc lá sen đã xoè rộng một vài búp hoa đầu mùa như những đốm lửa nhỏ thắp lên làm sáng cả mặt hồ. Chim rất nhiều, suốt ngày không lúc nào ngớt tiếng hót. Chúng tôi đóng quân trong làng, ở nhờ nh dân. Tôi và Mạc ở trong nhà một bà cụ có hai con trai đang chiến đấu ở ngoài mặt trận. Nhà bà cụ cũng có một khu vườn và những cây doi to kề bên một hồ nước rộng. Có lẽ đây là cái hồ rộng và trong sạch nhất xóm vì chiều nào cũng có nhiều người ra tắm.
Hôm mới đến, sau khi thu xếp xong chỗ ở, Mạc đã cởi quần áo ngoài chạy ra hồ, nhảy xuống bơi tít ra ngoài xa để mặc tôi ngồi với bà cụ. Bà cụ chủ nhà là người hay chuyện. Mỗi khi tôi hỏi chuyện gì ở trong làng thì bà cụ lại kể ra một loạt những chuyện tương tự. Mỗi cây doi trong vườn nhà cụ đều có một sự tích. Có cây trồng kỉ niệm người con đi xa, có cây trồng vào ngày đứa cháu đầu tiên ra đời… Nhìn những con gà đang bới rác trong vườn bà cụ nói:
- Cáo mới bắt mất của nhà tôi một con gà mái tơ đấy, anh ạ! Con cáo ấy rất dữ, nó từ phía miếu Hai Cô bên bờ sông, đêm nào cũng vào làng bắt gà, cũng có khi nó vào làng từ lúc chập choạng.
- Sao không giết nó đi ạ?
- Chẳng ai dám động vào nó đâu, anh bộ đội ạ! Ban đêm, người yếu bóng vía mà nhìn thấy nó lại không sợ chết khiếp đi ấy chứ anh. Hai mắt nó xanh lè như con đom đóm ma, lúc thì đỏ rực như cục than hồng. Chân nó chạy nhanh như gió cuốn, vừa thấy nó ở chỗ này, chớp mắt đã thấy nó ở đằng kia. Có người bảo có thể đi được cả ở trên mặt nước nữa ấy chứ.
- Con cáo ấy từ đâu đến, hả cụ?
- Nó ở trên rừng về năm động trời, năm có bom B52 ấy.
Bà cụ đang say sưa kể chuyện về con cáo với những tình tiết nhuốm vẻ huyền thoại, kích động tính tò mò của tôi thì từ đâu vẳng đến một tiếng hát. Tiếng hát hơi yếu nhưng sao nghe dịu dàng đến thế. Những âm thanh trong trẻo lúc vút lên cao quấn quýt trên những vòm lá xanh rợp nơi bóng tối trú ngụ, lúc hạ thấp xuống và lẫn mất trong tiếng sóng hồ vỗ nhẹ. Tôi thấy mình trở về quê hương với tuổi thơ trong tiếng ru của mẹ và con sông Hồng đỏ ngầu phù sa mỗi mùa lũ.
Tôi thấy lại cái dốc sỏi dựng đứng bên hồ, mỗi lần chạy xuống chơi tôi thường ngồi xệp trên sỏi rồi lấy chân đạp mạnh. Những hòn sỏi trượt lên nhau đưa tôi xuống tận bãi cát mềm mại sát bờ nước. Tôi mê mải chơi đùa với sỏi cát và những làn nước mát không biết đến bao giờ nếu như không có tiếng mẹ tôi gọi ở trên bờ.
Quần áo tôi ướt và lấm vùi. Mẹ hiền dịu không bao giờ mắng hoặc nói nặng tôi một câu. Nhưng mẹ tôi không còn nữa. Mẹ bị bệnh tim. Mùa đông năm ấy rét dữ dội và sương mù dày đặc, một đêm mẹ tôi ngủ và không bao giờ dậy nữa.
Những ngày ấy tôi tưởng chừng như không thể sống nổi. Nhưng rồi tôi vẫn sống và đến trường học. Bố tôi lấy vợ khác. Tôi được gửi lên tỉnh ở với cô ruột. Đó là một người đàn bà lạnh lùng, nghiêm khắc nhưng tốt bụng cực kì.
Cô đã thay anh nuôi dạy cháu theo những khuôn phép mẫu mực của một nhà sư phạm nhiều kinh nghiệm.
Tiếng hát trong khoảnh khắc đưa tôi trở lại quá khứ xa xăm và buồn dâng lên xiết chặt trong lòng. Tôi đứng lên đi đến gần tiếng hát. Trong những tia sáng mặt trời vàng đang tắt dần trên mặt đất và bóng tối màu xanh lá cây thẫm, tôi nhìn thấy bóng một người con gái gầy gò nhỏ di động giữa những luống rau, tiếng nước rơi trên lá rào rào.
Tôi không nhìn rõ mặt cô nhưng theo dáng người tôi hình dung ra khuôn mặt cô – một khuôn mặt tròn, nước da trắng hồng, đôi mắt đen láy và hai lúm đồng tiền trên má – Nghĩa là tôi tưởng tượng ra cô theo khuôn mẫu một người con gái khác mà các truyện hay tả, tất nhiên là còn cả hàm răng khểnh và mùi lá sả, hương nhu thoang thoảng trên tóc nữa.
- Này, làm gì mà đứng ngây ra trong bóng tối thế?
Mạc từ đâu chạy đến, đập tay lên vai tôi và cười rất hồn nhiên.
- Có cô nào ở bên kia hát hay quá – Tôi nói và cảm thấy lúng túng.
- Người có đẹp không? – Mạc hỏi ngay.
- Cô ấy có giọng hát đẹp, còn người thì không biết.
- Chiều nay tớ bơi sang bên kia hồ, thấy mấy cô đang giặt xinh lắm. Mai tớ với cậu sang bên ấy chơi đi. – Mạc nói và nhảy lò cò, đầu nghiêng nghiêng lắc qua lắc lại cho nước từ trong tai chảy ra.
Chiều hôm sau, hết giờ luyện tập, Mạc lại ra hồ và bơi về phía bên kia. Còn tôi, thơ thẩn ngoài sân và chờ nghe tiếng hát. Nhưng cho đến tối, chẳng có tiếng hát nào mà chỉ có tiếng trẻ con học bài. Bà cụ chủ nhà cho tôi biết, đó là cô Thảo, một cô gái trẻ vừa đầy hai mươi tuổi đã học hết lớp mười từ hai năm nay. Vì mồ côi cả cha lẫn mẹ, một mình phải nuôi hai đứa em nên cô đành bỏ học, ở nhà nhận việc làm thêm và trồng trọt, chăn nuôi. Bà cụ không ngớt lời ca ngợi cô gái làm tôi cảm động.
Một buổi tối, trong lúc tôi đang cắm cúi đọc sách bên cửa sổ thì lại nghe tiếng hát ấy cất lên. Tiếng hát xen lẫn tiếng dao băm trên thớt gỗ đều đều. Tôi lặng lẽ ra ngoài đi về phía có tiếng hát và vùng ánh sáng ấy. Cô gái trước mặt tôi hoàn toàn khác với cô gái trong tưởng tượng của tôi. Khuôn mặt cô thon thả, da ngăm đen, đôi mắt màu nâu. Cô mặc chiếc áo cũ và mái tóc ngắn buộc ra phía sau bằng một sợi dây vải. Cô đang băm rau cho lợn. Hai bàn tay đầy nhựa rau. Cô không biết có người đang đứng nhìn nên cô vừa làm vừa hát, từ bài nọ cô nhảy sang bài kia, không cần chuyển tiếp hoặc ngừng nghỉ gì cả.
Tôi đứng lặng dưới bóng tối của một gốc cây, trong lòng như dâng lên một tình cảm thương xót ái ngại. Tôi bỗng ao ước được làm đỡ cô một việc gì đó để cô bớt một phần nặng nhọc vất vả, nhưng tôi có thể làm gì được khi vừa mới biết nhau như thế này?
- Húi! – cô gái bỗng kêu lên khi cầm ngọn đèn soi vào chuồng lợn. Cái bóng tối đổ trên sân làm cô giật mình. – Anh bộ đội, mời anh vào nhà chơi! – Cô nói và cười. Cô không có răng khểnh và lúm đồng tiền nhưng nụ cười hiền hậu biết bao! Tôi hơi luống cuống trước nụ cười ấy.
- Cô Thảo có việc gì đưa tôi làm đỡ với nào? Tôi nói và ngồi xuống cầm con dao băm chuối. Cô gái để cái dèn xuống đất vào trong bếp bưng nước chè ra mời tôi.
Từ hôm ấy, tôi và Thảo quen nhau. Riêng tôi, một tình cảm tha thiết đã buộc tôi vào với người con gái ấy. Vì lẽ gì tôi không biết nhưng tôi chỉ cảm thấy yêu mến và gắn bó với cô như thể tôi và cô đã thân thiết với nhau từ bao năm rồi. Còn cô gái cũng tỏ ra quyến luyến tôi một cách tự nhiên không chút màu mè. Cô vẫn mặc những bộ quần áo cũ giản dị như trước và mỗi khi tôi sang nhà, cô đều xếp cho tôi việc gì đó để làm. Thảo nói cho tôi nghe nhiều chuyện và những ước mơ về tương lai. Cô mong muốn trở thành một bác sĩ nhưng chắc chắn chẳng bao giờ cô đạt được.
- Sao lại không ? – Tôi kêu lên với vẻ bực tức và liền bày ra cả một kế hoạch để cô thực hiện. Tôi động viên cô cố gắng và những lúc nghỉ ngơi tôi lần mò đi tìm sách để cô tự học thêm.
Nói chung, tình cảm hai đứa tôi ngày một gắn bó, thân thiết. Chúng tôi nói với nhau nhiều chuyện, duy có điều cần nhất thì tôi lại không nói được đó là tôi đã yêu Thảo.
Những diễn biến tình cảm của tôi hình như Mạc cũng biết. Một hôm, tôi vừa sang nhà Thảo về thì Mạc cười nói:
- Ông bạn đang tính chuyện nghiêm chỉnh hay chỉ đùa chơi thôi đấy?
- Không ai đùa chơi với tình cảm của mình cả! – Tôi đáp.
- A! Hay đấy, để tớ xem xét hộ nhé. – Mạc nói và lại bỏ đi ra hồ tắm như mọi chiều ở sân bóng về, mồ hôi đầm đìa trên ngực.
Tôi đi theo Mạc, chỉ sợ nó làm điều gì tổn thương đến Thảo. Nhưng nó chỉ lao xuống nước và bơi tít ra ngoài xa. Thoáng cái đã thấy nó sang đến bờ bên kia – nơi có những cô gái xinh đẹp mà nó quen biết. Tôi thấy nó chạy trên cát một lúc rồi mất hút trong những vòm cây xanh rậm.
Vừa lúc ấy thì Thảo cắp chậu quần áo ra hồ giặt.
- Hai đứa em đang muốn nhờ anh giảng bài toán, anh vào nhà giúp em nhé! – Thảo nói, mắt long lanh ướt (cô vừa tắm sau khi lao động về, nom tươi tắn như cây hoa sau cơn mưa).
Tôi vội vã quay vào nhà. Trong khi tôi đang hí húi vẽ hình trên tờ giấy cho hai chú bé học thì nghe tiếng chân chạy thình thịch và Thảo, mặt đỏ bừng, quần áo ướt lướt thướt lao vào trong nhà. Trong chậu quần áo cô cắp trên tay có một bông hoa sen đỏ rực.
- Không có gì cả đâu, tại em nhát đấy thôi. – Thảo nói và cười, nét mặt vẫn còn nguyên vẻ hồi hộp, xúc động. – Em đang lội dưới hồ giặt quần áo thì bỗng thấy mặt nước chuyển động và một đầu người sừng sững nhô lên. Em sợ quá, định chạy nhưng không sao nhấc chân lên được. Cát thì cứ như lún xuống, em ngã lăn ra, anh ấy đỡ em dậy và đưa cho em bông hoa này. Anh ấy lặn giỏi quá! ôi chao, trống ngực em còn đập đến tận bây giờ! –Thảo vừa nói vừa nhìn tôi và cười.
Tôi giận Mạc quá. Tôi đi về nhà định mắng cho nó một trận, và bắt nó hứa sẽ không bao giờ còn có cái kiểu đùa nghịch như thế đối với Thảo và với bất cứ cô gái nào. Nhưng Mạc không có nhà. Bà cụ chủ nhà bảo Mạc đi xuống phố rồi. Tận khuya đêm ấy Mạc mới về, lúc ấy tôi nghe nó kể chuyện về trận bóng đá ở sân vận động Hàng Đẫy, nó vừa đi xem. Nó đã đổi cái bút máy rất đẹp ai tặng trước ngày lên đường để lấy một cái vé. Nỗi tức giận trong lòng tôi đối với nó bỗng tiêu tan. Tôi thấy nó chẳng phải là người có tâm địa gì, nó cũng chẳng có ý định phá tôi, và có lẽ nó thích đùa nghịch thế mà thôi. Có lẽ nó cũng đã quên cả câu chuyện buổi chiều với Thảo. Thôi cầu mong cho nó quên đi đừng nhắc gì đến Thảo của tôi nữa.
Nhưng không phải như ý nghĩ của tôi. Mạc tỏ ra không những chỉ chú ý đến Thảo mà còn thích Thảo nữa. Điều ấy thật đáng sợ đối với tôi. Tôi thấy nó hay sang nhà Thảo và thường chạy qua sân nhà Thảo để xuống bến tắm. Tôi thấy ngượng thay cho nó, mỗi khi ở sân bóng về, trong nắng xiên khoai đỏ rực, nó phơi ra bộ ngực trần nhễ nhại mồ hôi, đôi bắp chân dài ngoằng cố tình chạy trước mắt Thảo, mồm huýt sáo rồi lao xuống nước.
- Con bé ấy nom kháu đáo để. – Một hôm, nó bỗng nói.
- Cậu đã có bao nhiêu cô xinh đẹp ở bên kia hồ rồi cơ mà. – Tôi nói và cố kìm nỗi bực tức đang dâng lên.
- Bao nhiêu cô, ăn thua gì! Cô thì đã có chồng có con, cô thì có người yêu đang chuẩn bị cưới. Cái Thảo vừa đẹp người vừa tốt nết, nó mà được ăn mặc diện vào thì phải biết.
Tôi đắng người trước những câu nói tự nhiên, cử chỉ ồn ào, vồn vã của Mạc. Những điều nó nói, tôi đều đã nghĩ nhưng chẳng bao giờ nói ra. Còn nó, nghĩ sao nói vậy, cứ tự do phô bày những điều mà người ta thường kín đáo, giữ gìn.
- Người hơi gầy và xanh chắc là ăn uống kém. Tóc ấy mà uốn cao lên thì đẹp phải biết. – Một lúc khác, tự nhiên Mạc lại nói như vậy.
- Cậu nói về ai thế? – Tôi hỏi.
- Nói về cái Thảo chứ nói về ai nữa? Cậu chỉ giả vờ! Giá ông bà già đừng theo nhau mà đi cả thì em không đến nỗi vất vả bỏ học dở chừng như thế. Hồi đi học, nó thông minh, văn nghệ giỏi. Tiếc thật, nếu không bây giờ là sinh viên rồi thì đâu đến lượt mình.
- Đến lượt mình?
Tôi hỏi và nhìn Mạc. Mạc không trả lời, huýt sáo rồi bỏ đi. Tôi tìm Thảo. Tôi quyết định nói thật mọi chuyện với Thảo. Nhưng khi gặp em, nhìn đôi vai gầy trĩu nặng lo toan tôi lại thấy ngập ngừng khó nói. Một người lính trên đường ra mặt trận chưa biết ngày về, tình yêu của tôi có khi không đỡ được gánh nặng mà lại chất thêm lên đôi vai gầy ấy những lo âu nữa cũng nên. Vì thế tôi chỉ lặng thinh và lo làm đỡ Thảo những gì cần thiết. Có lúc tôi thấy Thảo rất yêu tôi, nhưng có có lúc tôi lại thấy Thảo chỉ coi tôi như một người bạn, hơn thế một chút, coi tôi như một người anh – ấy là khi Thảo nhắc đến Mạc với tất cả sự chú ý của mình:
- Anh Mạc là một người hồn nhiên vui tính, thoải mái dễ chịu thật! Anh ấy khác hẳn anh.
- Vậy thì em thích ai? – Chỉ một chút nữa thì câu hỏi ấy bật ra nhưng tôi đã ghìm lại được. Tôi quyết định viết thư cho Thảo. Những gì tôi không nói ra được bằng lời tôi sẽ nói bằng giấy. Viết có lẽ dễ hơn nói. Nhưng sự thực lại không phải như thế. Viết một bức thư tỏ tình yêu với một người như Thảo và trong hoàn cảnh của tôi cũng chẳng phải dễ dàng nên tôi cứ viết rồi xé. Trong khi tôi chưa viết xong được cái thư khó nhất đời ấy thì ngay cạnh tôi, bên cái bàn nhỏ, đôi vai của Mạc căng rộng, cái đầu tóc cắt cao, cúi xuống trên một tờ giấy mầu hồng. Trời ơi, phải chăng Mạc cũng đang làm cái việc mà tôi làm mãi không xong ấy? Nó say sưa mê mải viết đến nỗi không biết là tôi đang đến gần.
Viết một hồi, nó quẳng bút, ngẩng lên nhìn tôi nhoẻn miệng cười:
- Thơ lục bát dễ làm nhưng không khéo nó giống như vè.
- Cậu đang làm thơ à? – Tôi giật mình, sửng sốt nhìn Mạc.
- Cậu đọc đi rồi góp ý cho tớ! – Mạc nói và đưa tờ giấy cho tôi rồi đứng dậy vươn vai, ngáp:
Anh yêu quá làng Yên Hạ sạch sẽ
Nơi sinh ra một người con gái trẻ
Xinh như hoa và đẹp như thơ
Loăn xoăn bay dăm sợi tóc tơ
Cười tủm tỉm đôi môi hồng mọng đỏ
Anh yêu em muốn như tắt thở…
Tôi đưa tờ giấy trả Mạc và bỏ đi. Mạc giữ tôi lại hỏi dồn:
- Sao? Được không?
- Được thôi, nhưng câu đầu và câu cuối nên sửa lại, thế nào ấy. Trong thơ tình người ta không nói về vệ sinh của làng xóm. – Tôi nói và không giấu được vẻ khó chịu trên nét mặt. Như thế là con người này đã thực sự nhảy vào giữa chúng tôi rồi. Mạc như bất cần đến thái độ của tôi, anh ta cứ thích gì làm nấy.
Và một điều tệ hại nhất là hình như Thảo cũng có cảm tình với Mạc. Thảo hay nhắc và hay hỏi chuyện về Mạc. Một lần, đang ngồi nói chuyện với tôi, chợt mặt Thảo ửng đỏ. Tôi nhìn thấy Mạc đi đến.
- Anh Mạc có bà mẹ thật tuyệt vời. Goá chồng từ ba mươi tuổi, đứng vậy nuôi con! Em phục bà thật đấy! Thảo nói, một lần đang chuyện trò với tôi.
Tình cảm trong lòng tôi như có nước lạnh giội. Tôi đối với Thảo tốt đẹp biết bao nhưng hình như Thảo chưa biết tình cảm của tôi. Tại tôi chăng? Tại tôi mỗi lần gặp Thảo chỉ biết ngồi nghe em kể chuyện hoặc vội vã làm những việc mà em cần, còn những gì về mình thì tôi nén lại! Thật là ngu xuẩn! Tôi tự mắng nhiếc mình. Nhưng thôi, điều đó có lẽ cũng chẳng quan trọng gì nếu như Thảo không yêu Mạc. – Tính Thảo và Mạc trái ngược nhau như hai mặt đen trắng của cuộc đời, làm sao có thể kết hợp được. Tôi tự an ủi mình và yên tâm với ý nghĩ sớm muộn thì em cũng nhận ra tình cảm chân thành thiêng liêng của tôi đối với em thôi. Tình yêu đó là thứ tình cảm thiêng liêng và tự nguyện nhất trên đời, nó như quả, như hoa, chẳng thể nào bắt buộc nó gượng chín, gượng nở.
Một buổi, tôi đang đứng sau gốc cây doi nhà Thảo nhìn những cánh hoa phủ trắng trên mặt thì thấy Thảo từ trong nhà vội vã đi ra. Trống ngực tôi đập rộn lên. Chắc Thảo nhìn thấy tôi? Nhưng không phải, Thảo đứng lại dưới một gốc cây ổi bóc phong bì kéo ra một tờ giấy màu hồng (cái tờ giấy có bài thơ Mạc đưa tôi xem), cúi xuống chăm chú đọc, vừa đọc vừa mỉm cười. Đọc xong, Thảo gấp tờ giấy lại bỏ vào túi áo rồi đi ra hồ. Ở dưới nước, Mạc từ từ bơi đến, bộ ngực đỏ au giàn giụa ánh mặt trời xoải rộng ra trên sóng. Mạc cười, bọt nước trắng xoá bao bọc xung quanh nụ cười của Mạc, làm cho cả khuôn mặt rạng rỡ giống như người ta kết hạt cườm quanh ảnh một người chiến thắng. Ở trên bờ, Thảo cũng bật cười. Hai nụ cười bắt gặp nhau.
Mạc kéo từ dưới nước lên một cái gì và giơ tay ném vào chỗ Thảo đứng. Một con cá chép vẩy sáng lấp lánh đập mình trong cỏ.
- Bắt được cá ở đâu thế? – Thảo cúi xuống nhặt con cá rồi hỏi vóng ra ngoài xa.
- Ở dưới nước!
- Giỏi thế nhỉ!
- Đang bơi nó lao vào ngực mình, tội gì mà không bắt?
Thảo rút một ngọn cỏ rồi xâu cá xách về, nét mặt Thảo sáng rỡ. Thảo lại đi qua chỗ tôi nhưng cô vẫn không trông thấy tôi.
Tôi đi thẳng từ gốc cây doi – vườn nhà Thảo, lang thang đến đêm mới về nhà ngủ. Mạc cũng chưa về.
Bà cụ chủ nhà bảo tôi:
- Hôm nay không chắc cậu ấy về đâu. Cậu ấy đi bắt con cáo. Đêm nay cáo lại về. Mới nhập nhoạng tối chó bên nhà cô Thảo đã sủa ầm lên. Cô ấy lo lắm. Cậu Mạc bảo sẽ giết con cáo ấy trong đêm nay.
Tôi cười một mình. Thuật của những thằng đàn ông mê gái là thích tạo ra những chuyện hấp dẫn để lao vào làm. Thôi được, cứ để cho Mạc đi bắt con cáo. Tôi đi ngủ. Khuya lắm, lúc tôi đang ngủ say bỗng giật mình choàng tỉnh dậy vì tiếng súng nổ rất gần. Tôi mở cửa chạy lao ra ngoài. Bên nhà Thảo đèn sáng rực. Trên đất một con vật lông vàng thẫm nằm dài. Máu đỏ lòm. Hai đứa em Thảo đứng nép sát vào Mạc, hãi hùng nhìn con vật đã chết nhưng mắt vẫn mở trừng trừng.
- Chị Thảo đâu? – Tôi hỏi và tránh cái nhìn ngạo nghễ của Mạc.
Chú bé chỉ vào trong nhà. Thảo đang thắp hương cắm trên bàn thờ. Bàn tay cô run run và đang nói gì lầm rầm trong miệng. Cô đi thẳng tới chỗ Mạc và đứng sát bên cạnh Mạc.
Một lần nữa cô đi ngang qua tôi mà không nhìn thấy tôi.
Trước ánh đèn đỏ rực, trong khoảnh khắc tôi cay đắng phải công nhận một điều rằng họ trông thật đẹp đôi. Mạc cao lớn sừng sừng, còn Thảo thì nhỏ nhắn dịu dàng, mềm mại trong chiếc áo cánh xanh biêng biếc. Cô đứng gần Mạc và ngẩng nhìn Mạc với ánh mắt thật khó tả, nó như mắt người dân vùng địch chiếm nhìn người chiến sĩ giải phóng quê hương vừa thân thiết vừa trìu mến, biết ơn.
Con cáo bỗng giẫy mạnh, đám lông trên mình nó sởn lên, chân sau đạp nhè nhẹ rồi nằm im phắc. Thảo giật mình đứng sát vào Mạc như cầu sự che chở.
- Không sợ. Nó giẫy chết đấy, cô bé ạ. – Mạc đập tay lên vai Thảo rồi cười vang.
Tôi bỏ đi… Và đêm ấy, tình yêu trong lòng tôi cũng giẫy lên lần chót rồi chết hẳn. Tôi không nghĩ đến Thảo nữa mà lo tập trung mọi sức lực chuẩn bị lên đường.
Những lúc rảnh rỗi tôi đi thăm bạn bè. Ngày nghỉ tôi ngồi lì trong thư viện. Những cuốn sách cũng như bạn bè, cũng giúp tôi quên đi bao điều cũ và cũng cho thêm bao điều mới. Nhưng tệ hại thay, trong lúc tôi tìm cách để quên đi thì Mạc lại bắt tôi phải nhớ. Ngày nào nó cũng bắt tôi nghe chuyện gì đó về Thảo. Đại loại như thế này:
- Cô Thảo thật tốt hết chỗ nói. Rất giỏi nữ công nhé! Hôm qua nhà cô ấy có giỗ, cậu đi đâu mà mình tìm không thấy? Cô ấy cho mình xem một bó thư của các anh chàng gửi cho cô ấy. Thôi thì đủ các bác sĩ, kĩ sư. Nhưng cô ấy lại chọn mình. Một thằng lính nghèo! Thế mới hay!
- Mừng cho cậu! – Tôi đáp.
Như thế là Mạc và Thảo đã chính thức yêu nhau. Các buổi chiều ở sân bóng về, Mạc không chạy ra hồ tắm mà sang bên nhà Thảo. Tôi thấy nó cuốc đất bổ củi, tưới rau và thỉnh thoảng nó lại bắt một con cá trong khi bơi làm Thảo thích thú. Rồi một buổi, tôi thấy hai người hì hục đào đất ở bờ hồ đắp một cái nền nhà.
- Mai kia về tớ sẽ làm thêm một ngôi nhà ở chỗ này. – Mạc nói và vẽ lên giấy một ngôi nhà trong tương lai.
- Ông bạn định tính chuyện nghiêm chỉnh hay chỉ đùa chơi thôi đấy? – Tôi nhắc lại câu hỏi của Mạc hôm nào.
- Ai lại đùa như thế? – Mạc lườm tôi.
Ngày lên đường sắp tới gần. Tôi thấy Mạc có vẻ suy nghĩ, lo lắng. Một hôm, nó bảo tôi:
- Hay là tớ báo cáo đơn vị cho tớ làm lễ cưới với Thảo trước khi đi?
- Sao vội vã thế?
- Phải cưới tớ mới yên tâm. Nếu không, mình đi xa, em ở nhà gặp phải đứa nào sạch nước cản hơn lại lấy béng thì sao? – Mạc nói và thở dài. – Cưới ngay cũng khó khăn lắm vì chưa chuẩn bị được gì cả. Bà cụ ở quê chưa hay biết, có đánh điện cũng không kịp.
Mạc nói và có vẻ suy nghĩ nhiều. Mạc gặp Thảo và không biết hai người bàn bạc với nhau như thế nào mà lúc về nó có vẻ bình tĩnh, không thấy nhắc gì đến chuyện cưới xin nữa.
Khi ấy khắp nơi trên đất nước sôi nổi chuẩn bị tổng tiến công giải phóng miền Nam. Ngày đêm những đoàn quân lần lượt lên đường ra mặt trận. Thảo và Mạc đã vẽ lên trên đất một nền nhà hình chữ nhật. Họ chuẩn bị cho tương lai thật đẹp: ngôi nhà sẽ xây lên dưới bóng rợp của một cây doi lớn, phía trước là vườn rau và hoa. Phía sau là hồ nước. Mùa hè này Thảo chuẩn bị thi vào trường Y khoa.
Càng gần đến ngày chia tay thì quan hệ giữa hai người càng thân thiết, gắn bó. Nhiều bữa Mạc ăn cơm bên nhà Thảo và có lần tôi thấy Thảo đem quần áo của Mạc ra hồ giặt. Mỗi lần gặp tôi, Thảo lại chào hỏi rất lễ phép. Tôi cố giữ vui vẻ và bình thường trong quan hệ với Thảo. Nhưng mỗi lần gặp cô, tôi thường nhìn sâu vào mắt cô và hỏi rằng không biết cô có yêu Mạc thật hay không. Những khi ấy cô thường tránh cái nhìn của tôi, đôi khi trong mắt còn thoáng vẻ trách móc nữa.
Tôi không hiểu sao cô lại có ánh mắt như thế.
Chả lẽ cô tiếc thương người này nhưng lại chấp nhận người kia sao?
Ngày lên đường đã đến. Mạc bảo tôi:
- Cậu cho tớ vắng mặt cả ngày hôm nay nhé. Sáng mai, tớ đảm bảo tập trung đúng giờ. Cậu thông cảm cho tớ, tớ có nhiều việc cần phải bàn với Thảo trước khi chia tay.
Nhìn vẻ mặt của nó thật thương, tôi đành bằng lòng để cho nó vắng mặt, nhưng bắt nó phải về ngủ trước 12 giờ đêm để còn đủ sức khoẻ ngày mai lên đường. Nhưng cả đêm Mạc không về. Mờ sáng, nó rón rén mở cửa vào nhà và lên giường nằm. Khi cái đồng hồ báo thức reo lên một hồi chuông thì nó vùng dậy vươn vai y như thức dậy sau một giấc ngủ dài. Trên khuôn mặt phờ phạc vì thiếu ngủ của nó thấp thoáng những nụ cười khó hiểu.
Tôi không hỏi gì và cũng không chú ý đến nó nữa. Có biết bao điều háo hức sôi nổi của ngày lên đường cuốn lấy chúng tôi.
Và tất cả cùng ra mặt trận.