Chương 1
Tác giả: Nguyễn Thị Như An
Thịnh ơi Thịnh, cái quần pant màu hồng của tao đâu rồi hả Thịnh?
Giọng chị Thanh cao và trong vút vọng lên từ dưới nhà. Thịnh đang lui cui ủi đống quần áo trong phòng, hét to:
- Em đâu có biết. Mới thấy chị mặc hôm qua hôm kia gì đó mà.
- Ừa, thì tao mới mặc đây mà bây giờ lạc đâu mới tức. Đâu mày coi trong đống quần áo mày đang ủi có nó không?
Thịnh dựng bàn ủi lên, lấy tay lục tung đống quần áo lên tìm nhưng không thấy cái quần màu hồng của chị Thanh đâu cả.
- Không có chị Thanh ơi! Em tìm trong đống đồ rồi.
Có tiếng chị Thanh càu nhàu, rồi tiếng bà Diệp, mẹ của Thịnh:
- Hai đứa bay là con gái con đứa mà hở một chút gì là la lên cho cả chợ nghe, như đầu máy xe lửa vậy đó. Chuyện gì thì cũng từ từ mà tìm, chị Tư xin nghỉ một tuần mà tụi bây làm tùm lum.
Chị Thanh:
- Tại chị Tư nghỉ đó chớ má. Lâu nay chuyện gì chỉ cũng lo cũng cất, bây giờ tụi con đâu có biết.
- Thì phải tập lần lần cho biết công biết việc chớ! Ai đời cô là con gái sắp đến tuổi lấy chồng rồi mà mỗi chuyện mỗi người khác lo. Mai này lấy chồng về nó cười cho thúi đầu. Thiệt má rầu hết sức, như con Thịnh nó nhỏ hơn con mà con biết lo hơn con.
Giọng chị Thanh đầy hờn dỗi:
- Má lúc nào cũng khen con Thịnh hết trơn. Má nói nói nhỏ! Nhỏ gì đâu má, nó thua con có một tuổi hà...
Hai mẹ con bắt đầu khó chịu nhau. Thịnh cắm cúi vào công việc. Thịnh biết không nên chen vào những lúc như thế. Dạo sau này chị Thanh càng ngày càng đổi tính, chị ưa cãi lời má, dù những việc nhỏ nhặt đến đâu. Thịnh biết má rất buồn nhưng má không tỏ lộ ra, vì trong nhà ai cũng cưng chị Thanh…
… Ông bà Diệp có tất cả năm người con. Anh Thái, chị Thanh, Thịnh và ba thằng em trai. Chỉ có hai người con gái là Thanh và Thịnh, nhưng trong nhà hầu như có một sự bất công đối với Thịnh. Ai cũng chìu chị Thanh… nhất là ba và anh Thái. Trừ má… má hiểu Thịnh và thương Thịnh nhất. Tuy là hai chị em ruột nhưng chị Thanh và Thịnh rất tương phản nhau. Chị Thanh đẹp lộng lẫy, sắc sảo bao nhiêu thì Thịnh bình thường bấy nhiêu nếu không muốn nói là… Thịnh xấu. Bởi vậy trong trường, bạn bè Thịnh cũng như bạn bè chị Thanh, đứa nào không biết rõ Thịnh và chị Thanh đều không tin chị Thanh là chị ruột của Thịnh! Chúng nó không tin cũng phải, vì với một khuôn mặt bầu bĩnh, mũi thanh tú, mắt to đen, môi hồng đẹp, chị Thanh mang nhan sắc của Tây Thi trong khi Thịnh có nước da ngâm đen hơi tái, khuôn mặt với những nét không cân xứng. Thịnh chính là tấm màn tô nổi cho nhan sắc cho Thanh.
Những ngày còn vô tư, những ngày chưa ý thức được về diện mạo tương quan thế nào với đời sống, Thịnh đã hồn nhiên sống như tất cả những đứa trẻ cùng lứa tuổi mình! Thế rồi càng lớn, càng hiểu, Thịnh càng thu mình vào như con ốc trong vỏ. Đời sống bỗng nhiên cô độc lạ lùng. Thịnh không thích may mặc đua đòi dù ba má có tiền cho Thịnh ăn diện như chúng bạn. Thịnh hiểu một điều, nghĩ đến đâu thì đau xót thật nhưng bắt buộc phải nhớ. Đó là trong khi quần áo đẹp làm tôn nét mỹ miều của chị Thanh bao nhiêu thì nó làm lộ rõ nét xấu xí củ Thịnh bấy nhiêu. Lâu ngày Thịnh đâm ra chỉ thích mặc áo dài trắng là màu đồng phục của trường. Bà Diệp là người mẹ tế nhị và thương con. Bà hiểu nỗi bất hạnh lớn nhất của người con gái là thiếu nhan sắc. Chính vì thế mà bà săn sóc đến Thịnh nhiều…
Tính tình hai chị em cũng không giống nhau… Chị Thanh ưa phô trương còn Thịnh, thích khép kín. Có lẽ một phần bản tính cũng do sự cô đơn mặc cảm mang lại…
Chồng quần áo đã vơi bớt. Thịnh tắt bàn ủi, ôm đống áo quần của chị Thanh vào phòng, xếp lên ngăn tủ của chị cho ngay ngắn. Mấy hôm nay chị Tư giúp việc xin nghỉ đi thăm chồng, quần áo của hai chị em chưa ủi dồn đống, lại tiếng chị Thanh:
- Ủi đồ xong chưa Thịnh ơi!
- Chưa. Em còn ủi nhiều lắm.
- Thôi mày dẹp bớt đi, xuống chở dùm tao lại đằng nhà nhỏ Dung chút xíu đi.
Thịnh định cãi lại nhưng nghĩ đến những câu gắt gỏng của chị Thanh, Thịnh lại thôi. Cô bé lững thững xuống thang lầu.
Chị Thanh đang đứng chờ sẵn ở phòng khách. Chị mặc quần ống thật rộng bằng mousselin in hoa, chiếc quần mà tháng trước chị đã cậy cục xin ba tiền mua cho bằng được… Trông chị Thanh thật đẹp. Thịnh chắc lưỡi khen:
- Chị mặc hoa sậm màu trông nổi và đẹp quá.
Chị Thanh chống nạnh hai tay, xoay một vòng cho hai ống quần rộng phất phơ quấn vào vòng chân. Chị mỉm cười.
- Hôm nay chắc trời mưa. Cóc mở miệng khen. Mày thật tình hay cho tao đi tàu suốt đây?
Thịnh lắc đầu:
- Em khen thật đấy. À, mà sao chị không đi xích lô đến chị Dung đi, đi lại bắt em chở honda.
Chị Thanh bĩu môi:
- Xì, thôi đi mày ơi, xích lô bây giờ một cuốc mấy ngàn, đi một cuốc tao tốn tiền sao. Để dành tiền đi chơi.
Thịnh không nói gì, đi ra dắt xe. Chị Thanh đi sau lưng Thịnh. Chị bỗng nói:
- À, hay mày đi chơi với bạn tao luôn.
- Mấy chị đi đâu vậy?
- Tụi tao đi coi phim. Hết sẩy à mày?
Thịnh lắc đầu:
- Thôi, em không đi.
Sao thế?
- Em không thích.
Chị Thanh nhún vai:
- Mày thì chỉ có một câu đó! Không đi! Không thích! Không han! Tao không biết bao giờ mày mới chịu khá được.
Thịnh im lặng đạp máy xe. Chị Thanh ngồi lên yên sau, vòng tay ôm ngang người Thịnh. Cô bé khó chịu lạ lùng. Thịnh ghét nhất là những sự đụng chạm như vậy. Thịnh nhỏ giọng:
- Chị đừng ôm eo em.
Chị Thanh cao giọng:
- Gì kỳ vậy mày…
Thịnh nói dối:
- Em nhột chạy không được.
Chị Thanh cằn nhằn “đủ chuyện” rồi sửa thế ngồi lại. Ngôi biệt thự song lập của gia đình Dung hiện ra. Chị Thanh đập tay vào vai Thịnh:
- Thôi tốp, tốp đi mày.
Chị nhảy xuống yên xe, dặn Thịnh:
- Ở nhà có ai hỏi tao, nói tao đi học thêm.
Rồi chị biến sau cổng. Thịnh quẹo xe trở về. Đầu óc cô bé lênh đênh cùng với màu trời thật đẹp. Thịnh bỗng nảy ý định chạy một vòng quanh thành phố. Cô bé không hiểu đi như thế để làm gì, nhưng từ lâu Thịnh vẫn thích được một mình xách xe chạy lòng vòng… chạy… chỉ để thấy mình và thành phố còn một chút gì gần gũi và thân thiết… để thấy mình cũng khá lớn. Năm nay mười bảy rồi, năm nay học lớp mười một rồi, ít sao? Má vẫn nói Thịnh đã lớn. Mà lớn để làm gì nhỉ? Thịnh thường lẩn thẩn tự hỏi như vậy! Như chị Thanh, lớn để lấy chồng! Như những người con gái khác mang một nhan sắc bình thường và trung bình, lớn để có một mái gia đình vừa phải, tạo lập một hạnh phúc hợp lý! Còn mình! Thịnh nghĩ, chắc chả bao giờ mình có được như thế dù mình cầu mong… bởi vì Thịnh xấu… một người con gái xấu chính là một sai lầm của tạo hóa! Đáng lẽ không nên tạo ra…Những ý nghĩ chợt đến trong đầu làm Thịnh không chú ý đến chung quanh. Tiếng kèn một chiếc xe chạy bên cạnh làm Thịnh giật mình, mất thăng bằng, cô bé lạc tay lái tông đại vào một người con trai chạy chiếc xe Honda vừa từ sau vọt lên. Thịnh té nhào ra mặt đường trong khi người con trai cũng không hơn gì Thịnh. Hắn ta lồm cồm bò dậy không để ý đến chiếc xe đang chảy xăng loang mặt nhựa, gã con trai chạy lại đỡ Thịnh dậy.
- Cô có sao không?
Thịnh mắc cỡ đỏ mặt, vừa phủi quần áo vừa nhìn quanh quất. May mà khoảng đường này vắng vẻ. Gã con trai hỏi lại, giọng lo lắng.
- Cô có sao không, cô?
Thịnh hoàng hồn, cô bé lắc nhanh:
- Dạ, không sao…
Rồi Thịnh cúi dựng chiếc Honda của mình nhưng người con tai đã nhanh miệng.
- Không cần, cô để tôi dựng xe cho. Cô đứng vào lề đi.
Thịnh cắn môi bước xéo vào lề đường, dưới một gốc cây to. Người con trai dựng hai chiếc xe lên rồi cúi xuống sửa cho hai ống xăng đừng chảy nữa. Khi hắn đứng lên đi lại phía Thịnh, hai bàn tay lấm lem vết dầu xe. Hắn cười:
- Xong rồi
Ánh nắng mười giờ sáng chiếu trên khuôn mặt người con trai cùng với những bóng lá cây soi làm Thịnh bỗng nghe những mạch máu đang luân lưu trong cơ thể mình như ngưng đọng lại. Khuôn mặt hắn ta có một nét duyên dáng thật dễ thương, nhất là nụ cười hắn vừa có với Thịnh.
Cô bé cắn mạnh môi lấy lại tự chủ rồi nói:
- Cảm ơn anh nhiều.
- Tôi là Nghiêm. Xin lỗi cô, đã làm cô mất thì giờ và… xăng.
Câu giới thiệu tự nhiên và vui vẻ của Nghiêm làm Thịnh bớt rụt rè. Thịnh muốn tạo cho mình một nụ cười nhưng không dám vì Thịnh biết khi mình mỉm cười, khuôn mặt còn xấu hơn khi để tự nhiên. Có thể người sẽ chê Thịnh bất lịch sự, Thịnh… này nọ, nhưng không cần. Bởi vì như từ bao giờ, Thịnh hiểu mình là kẻ sẽ không bao giờ nhận được những đặc ân của tạo hóa. Gặp Nghiêm bởi một tình cờ buổi sáng mình thích rong chơi rồi chia tay, là hết.
Tiếng Nghiêm:
- Xin lỗi cô… cô…
- Toàn Thịnh.
- … Cô Thịnh. Bây giờ chúng ta có thể tiếp tục đi được rồi. Xe cô không hỏng đâu.
Thịnh hơi giật mình như vừa được lôi khỏi cơn mơ! Thì ra là vậy. Nghiêm đâu có muốn làm quen với mình. Chỉ là những lịch sự bình thường. Chỉ là những xã giao sơ đẳng. Thịnh bỗng tức mình sao hay nghĩ viễn vông. Khuôn mặt cô bỗng chùng xuống một cách không giấu giếm.
Nghiêm nhìn vào khuôn mặt đó, anh bỗng nói:
- Tôi xin phép… hộ tống Thịnh về đến nhà, nếu Thịnh cho phép.
Thịnh thấy chán nản lạ,, cô bé lắc đầu:
- Dạ thôi, cám ơn anh. Tôi đi một mình được rồi.
- Nhưng tôi đi theo… đề phòng Thịnh lại mơ mộng rồi ngã xe một lần nữa thì sao.
Câu nói đùa của Nghiêm làm Thịnh ngượng chín người. Sao anh chàng lại biết là Thịnh mơ mộng? Có lẽ anh ta chỉ đoán mò. Thịnh không nói gì thêm, leo lên đạp máy xe nhưng Thịnh giữ tốc độ vừa phải.
Nghiêm chạy xe bên cạnh Thịnh, anh gợi chuyện:
- Chắc Thịnh còn đi học?
- Thịnh học ở đâu vậy?
- Tôi học Lê Quý Đôn.
- Chắc cô Thịnh học giỏi lắm?
Thịnh bỗng chậm hẳn xe lại, quay nhìn Nghiêm xoi mói:
- Sao anh biết tôi học giỏi?
Một tia bối rối trong mắt Nghiêm. Tia bối rối làm Thịnh đau nhói trong lòng. Tuy Thịnh hỏi như thế, nhưng Thịnh đã hiểu vì sao! Tất cả, hay đa số những cô gái xấu đều học giỏi, đó hầu như là một định luật bù trừ. Mà cũng dễ hiểu! Những cô gái xấu thường không có ai theo tán tỉnh, không bị chia trí trong khi học, không lo những chuyện viễn vông nên học giỏi. Thế thôi.
Giọng Nghiêm thật buồn:
- Cô Thịnh giận tôi?
Thịnh chợt thấy cái vô lý của mình. Nếu Thịnh xấu, đó đâu phải là lỗi tại Nghiêm? Vả lại, Nghiêm chính là người con trai đầu tiên làm quen Thịnh, dù chỉ là sự làm quen… bất đắc dĩ!
Thịnh dịu lại:
- Dạ không, tôi chỉ ngại anh Nghiêm đưa tôi về thế này, mất thời giờ của anh.
Nghiêm lắc đầu:
- Sáng nay tôi rỗi rảnh đi lang thang, không ngờ lại gặp Thịnh.
Thịnh nhủ thầm, phải rồi, anh rảnh rỗi đi lang thang cho nên anh mới đưa tôi về, nếu anh có một người bạn, chắc anh đã đi ngay lúc nãy… Thịnh nghĩ để thấy cái phi lý của mình. Tại sao Thịnh cứ chuyên chú bắt lỗi Nghiêm từng li từng tý trong khi giữa Nghiêm và Thịnh chỉ là sơ giao? Hay Thịnh sợ mình sẽ nghĩ về Nghiêm nên ngay phút đầu tiên, Thịnh đánh bạt hình ảnh Nghiêm ra khỏi tâm thức mình? Thịnh tự phân tích nhưng không trả lời được…
Thịnh rà xe vào đầu ngõ:
- Sắp đến nhà của tôi.
Nghiêm ngước nhìn dãy lầu cao phía trong, cười:
- Chưa đến.
Thịnh cắn môi:
- Thôi xin phép.
Rồi cô bé vọt nhanh xe vào đường rộng như sợ sẽ mất cả can đảm từ biệt Nghiêm. Thịnh không dám quay lại nhìn phía sau để xem Nghiêm có nhìn theo mình, có đuổi theo mình? Cô bé sợ quay lại sẽ gặp một lề đường trống, Nghiêm đã bỏ đi…
***
Chị Thanh vừa thay áo vất trên mặt giường nệm hỏi Thịnh:
- Ở nhà có ai kiếm tao không Thịnh?
Thịnh lăn người qua một bên tránh làm nhàu áo chị Thanh, đáp:
- Em không thấy ai.
Chị Thanh càu nhàu:
- Thằng cha khỉ chưa kìa. Hẹn sáng nay mang lấy cuốn sách lại cho người ta mà chết tiệt ở đâu.
Chị Thanh lôi bộ đồ lụa màu vàng, mặc vào rồi nằm lăn xuống cạnh Thịnh.
- Mệt quá.
Thịnh cười:
- Chị đi chơi về lần nào cũng than mệt.
Chị Thanh gác một tay lên trán, lim dim mắt:
- Đi chơi mới mệt à mày. Cứ ru rú tối ngày ở nhà như mày thì làm sao biết mệt với khỏe.
Thịnh nhớ đến vụ đụng xe xảy ra sáng nay, cô bé định kể cho chị nghe nhưng nghĩ đến những câu giễu cợt sẽ có nơi chị Thanh, Thịnh lại thôi.
- Phim hay không, chị?
Thanh mở mắt ngay, vẻ mệt trên khuôn mặt bến mất nhường cho nét sôi động:
- Khỏi chê. Thằng bé gì con của Robert Mitchum đó, đóng hết xẩy, mày biết không tụi nó phóng xe chạy bạt mạng, mình ngợp luôn.
Thịnh nhỏ giọng:
- Đóng phim mà, chị khéo nói, mấy cái cảnh đó khó gì.
Chị Thanh trề môi:
- Sức mấy. Phim thì phim chứ, cũng tùy diễn viên đóng. Có đứa đóng những pha hồi hộp mà mình ngồi coi cứ thấy tỉnh bơ bơ, chả xúc động một ly ông cụ nào… thằng nhỏ này đóng tuyệt quá.
Chị Thanh có vẻ chịu gã diễn viên. Chị mơ màng:
- Mày biết, nó ăn mặc lè phè tối đa, vậy mà tao trông nó vẫn noble như thường…
Thịnh hỏi:
- Nữ diễn viên nào vậy chị?
- Olivia Hussey.
Thịnh im lặng. Chị Thanh trở người.
- Mày biết con nhỏ đó mà.
Thịnh cười lớn:
- Chị ngộ! Em làm sao biết.
- Nó đóng Roméo et Juliette, tao dẫn mày đi xem năm ngoái đó.
Thịnh chắc lưỡi:
- Thì chị phải nói rõ như vậy em mới nhớ.
Chị Thanh nhún vai chán nản.
- Nói chuyện phim với mày thật chán.
Im lặng. Một lúc sau chị Thịnh đã ngủ. Thịnh nằm bất động nhìn lên trần nhà. Vòng ánh sáng từ khung cửa tròn chiếu hắt tạo thành một đường nắng thật đẹp. Chiều rồi! Thịnh mơ màng nghĩ đến buổi sáng. Một buổi sáng mình tình cờ thích lang thang và gặp Nghiêm. Lần đầu tiên Thịnh quen một người con trai. Ừ! Mà hình ảnh Nghiêm sao dễ thương, lôi cuốn quá làm Thịnh thấy như ru hồn vào những mơ xa bất chợt nào đó. Nụ cười trên khuôn mặt sáng, nụ cười của một sự trìu mến thường xuyên. Không. Thịnh không có quyền nghĩ đến Nghiêm, Nghiêm xa lạ lắm, Nghiêm vô tình lắm. Chỉ là một buổi sáng…. Chỉ là những câu chuyện vu vơ không ngờ như thế rồi thôi. Nếu Thịnh là chị Thanh, Thịnh tin là sáng nay Nghiêm đã chạy theo Thịnh cho đến tận cổng nhà… Nhưng Thịnh lại là một cô bé xấu xí, vô duyên! Làm sao Nghiêm còn nuôi ý định một lần trở lại để thành thân quen nữa. Không. Thịnh không được phép nghĩ đến Nghiêm nữa. Thịnh phải bảo vệ cho đời sống tâm tư của Thịnh bằng cách không để hình ảnh Nghiêm xâm chiếm! Bất cứ giá nào! Đời đâu thể có hai lần tình cờ để Thịnh gặp Nghiêm nữa… Thịnh nghĩ, mình chưa thấy người con trai nào dễ thương như Nghiêm? Hay bởi vì Nghiêm chính là người con trai đầu tiên làm quen Thịnh cho nên cô bé bỗng thấy chung quanh Nghiêm một vùng hào quang sáng rỡ. Thịnh tô điểm cho hình ảnh đó để rồi Thịnh chỉ biết đứng xa mà chiêm ngưỡng Nghiêm thôi, bởi đến gần là điều không thể…
Có tiếng chị Thanh trở mình, chị càu nhàu:
- Nóng quá.
Thịnh nhỏ giọng:
- Chị chưa ngủ sao?
Chị Thanh ngáp dái:
- Chưa. Sao nực quá tao không ngủ được.
Thịnh cười nhẹ:
- Trời này mà chị than nực. Em đang muốn dắp mền đây.
Chị Thanh dài giọng:
- Mày cò ma thấy mồ. Hở chút là lạnh với lẽo. Dậy mở dùm tao cái quạt trần đi.
Thịnh lăn mình:
- Em làm biếng dậy quá. Chị dậy mở đi.
Chị Thanh xì dài:
- Nếu tao siêng thì sức mấy tao nhờ mày. Với lại tao cũng hơi mệt. Mở dùm tao đi.
Thịnh lồm cồm ngồi dậy, vặn số nhỏ nhất. Chị Thanh la lên:
- Mở gì yếu xìu vậy. Mạnh chút nữa coi.
Thịnh nhún vai mở hết số. Chiếc quạt quay vù vù như muốn lìa. Cô bé từ từ tốp bớt lại.
Thịnh leo trở lên giường, Thịnh bỗng muốn hỏi chị Thanh một chút về đời sống riêng tư của chị. Thịnh cũng không hiểu sao mình lại bỗng muốn như vậy? Có lẽ bây giờ tâm hồn Thịnh đang xôn xao như một biến động bất ngờ vừa chợt qua… Thịnh rụt rè:
- Chị Thanh này.
Chị Thanh vẫn không mở mắt:
- Gì?
- Chị chưa ngủ phải không?
Chị Thanh ậm ừ:
- Chưa, sao?
- Buồn qua muốn nói chuyện với chị… cho vui.
Chị Thanh bỗng mở bừng mắt, dường như câu nói của Thịnh có tác dụng mạnh.
- Cha, nhỏ này bữa nay ghê quá ta, vui buồn gì nữa đây? Nói tao nghe coi.
Thịnh nhỏ giọng:
- Em thì đâu có gì… có điều… thích hỏi chị một vài điều, thí dụ như… khi chị quen một người con trai, chị cảm thấy thế nào.
Chị Thanh thở ra:
- Thì… thêm một cây si nữa chớ sao, mệt thêm một chút, phiền phức thêm một chút.
Bỗng chị lăn người qua, nhìn thẳng vào mắt Thịnh:
- Sao bỗng nhiên hôm nay mày tò mò vậy?
Thịnh lúng túng như vừa bị bắt gặp làm một điều gì không phải. Cô bé lắc đầu:
- Dạ không… tại… tại em thấy nhiều người theo chị quá nên em hỏi.
Chị Thanh kiêu hãnh:
- Ừ, tao cũng mệt vì cái vụ nhiều tên theo tao, nhưng nghĩ cho kỹ, cũng… vô tội vạ, phải không mày? Có nhiều đứa con gái cả đời không ai để ý thì sao?
Câu nói vô tình của chị Thanh làm Thịnh muốn khóc, như em phải không chị Thanh, em đúng là con bé suốt đời không nên mộng tưởng về một đối tượng hiện hữu. Em chỉ nên xây dựng trong tâm thức mình những hình ảnh rất mộng cho đời sống nội tâm đỡ khô khan thế thôi.
Giọng chi Thanh bỗng trở nên soi mói.
- Hôm nay mày có gì lạ.
Thịnh trở nên buồn. Cô bé quên cái ý định hỏi chị Thanh về tình cảm của chị Thanh. Thịnh trầm giọng:
- Em mà có gì lạ đâu, chị? Em thì lúc nào cũng thế, và chỉ có thế mà thôi.
Chị Thanh hơi thương hại:
- Mày bi quan.
- Đôi khi. Nhưng có những ý nghĩ của em, rất thực mà vẫn bị hiểu lầm là bi quan, bởi một lẽ giản dị là ở em không thể có sự lạc quan.
Chị Thanh cười dài:
- Thôi, ngủ cho rồi. Nói chuyện với mày đem ba cái triết ra, tao nghe mệt quá.
Thịnh úp mặt xuống gối. Đáng lẽ em đã nói cho chị nghe rất nhiều về đời sống nội tâm em. Chị có một đời sống bên ngoài bình thản, thảnh thơi tự ái chị được vuốt ve, chị được suy tôn bởi bao nhiêu câu nói lịch sự, cử chỉ hào hoa. Còn em, em có một đời sống bên ngoài phẳng lặng và tầm thường, em hầu như không còn tự ái nữa vì em đã hiểu thân phận mình, em đã biết ép mình vào một khuôn khổ do mình đặt ra để sống… nhưng em vẫn có một đời sống nội tâm cho riêng em. Cuộc sống đó vẫn có thể nổi sóng… như buổi sáng hôm nay, tâm tự em đã xao động vì một người con trai lạ. Một người con trai thật dễ thương mà em đang cố tình tìm cách đẩy hắn ra khỏi cái mặt hồ tâm tư đang lặng sóng của em. Thịnh thì thầm nói một mình mà như đang nói với chị Thanh. Giờ phút này Thịnh đang cần nói với một người nào cũng được, chút tâm tư nhỏ bé nhưng Thịnh hiểu mình không tìm được người để tâm sự… Chị Thanh thì như thế đó… Còn anh Thái, anh xa lạ lắm, Thịnh có mấy khi trò chuyện với anh ngoài những công việc thường ngày. Thịnh nghĩ tới Hiền. Có thể khi gặp Hiền. Thịnh sẽ nói cho Hiền nghe… biết đâu Hiền sẽ có lời khuyên tốt cho Thịnh. Cô bé lim dim mắt, cố tình để dỗ giấc ngủ bình an như chị Thanh nhưng không được. Hình như kể từ giờ phút gặp Nghiêm, đời sống Thịnh không hoàn toàn do Thịnh làm chủ nữa, mà nó còn bị chi phối bởi một thứ tình cảm chợt đến mãnh liệt. Thịnh vẫn rất hiểu người ta chỉ gặp rồi quên, còn mình… sao vẫn nhớ. Cái nhớ đang làm khổ mình đây. Đôi lúc, Thịnh đã ao ước, phải chi mình chỉ là một cô bé quê mùa suốt tháng quanh năm lẩn quẩn xó vườn, mình đừng giao tiếp với xã hội văn minh, xã hội đầy những trình diễn thời trang, so sánh vật chất, có lẽ mình sẽ đỡ khổ hơn… Thịnh biết bạn bè đều hiểu Thịnh và thương Thịnh… chỉ có mẹ… mẹ mới là người đàn bà duy nhất hiểu Thịnh mà Thịnh có thể đặt vào tay mẹ tất cả lo âu của mình… nhưng bây giờ với hình ảnh Nghiêm chợt đến, Thịnh thấy mình bỗng xa lạ với mẹ. Những điều đang làm khổ Thịnh, mẹ không thông cảm được.
Lâu nay, Thịnh vẫn chạy trốn với chính mình những ý nghĩ phơi trần như thế. Thịnh thấy sợ… không hiểu sao hôm nay Thịnh bỗng muốn phân tích mình thật kỹ… chẳng hiểu để làm gì? Để xót xa thêm một ít sao? Thịnh không biết đóng kịch, khi Thịnh đã sống thực thì cái sống thực đó được phơi bày như một bệnh nhân dưới ngọn đèn mở. Như chị Thanh đang nằm cạnh Thịnh ngon giấc, có bao giờ chị phải chật vật với những ý nghĩ này nọ đâu? Như những cô gái khác, có một nhan sắc bình thường? Có phải chỉ có Thịnh mới chìm mình trong những ý nghĩ đó?
Thịnh hiểu mình, hiểu đời sống trong ý nghĩ thu hẹp. Tất cả những bạn trai của chị Thanh đều hầu như không biết Thịnh, bởi mỗi khi có ai đến nhà, Thịnh đều rút lui vào phòng. Thịnh sợ những gặp gỡ bởi vì Thịnh chỉ thu mình trong thế giới riêng tư. Thế giới của mặc cảm, của khổ sở của những dằn vặt phi lý và không nguôi…
Chú thích:
* Noble: quý phái, sang trọng, lịch lãm