Chương 4
Tác giả: Nguyễn Thụy Long
Cả nước phải chịu quốc tang, nhà nhà treo cờ rủ, đường Thống Nhất trước dinh Độc Lập xưa kia, nay đổi tên là đường Lê Duẩn, nhà lãnh tụ tối cao của đảng Cộng sản đang cầm quyền đã nằm xuống... Có ngay nhà lãnh đạo khác lên nắm quyền. Nhân dân hy vọng một sự đổi mới hoặc đổi khác, đời sống đỡ bị o ép, đỡ hà khắc. Guồng máy chính quyền cai trị trong sạch hơn. Có nhiều người quan tâm về chuyện đó và cũng có người thì dửng dưng như chẳng có chuyện gì xảy ra. Người dân có chuyện gì thì phải lên đến cửa quan, qua không biết bao nhiêu cửa, nộp không biết bao nhiêu là thứ giấy tờ. Nếu đem cân được cũng phải mấy ký lô. Hầu hết phần nhiều không đạt kết quả, đôi khi còn bị mắng mỏ, qua những lời “thiếu văn hóa” của các quan. Vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, phải cười, cười rất là… hèn. Tôi vẫn là đứa con hoang sống trong thành phố. Hai mươi hai năm trời vẫn không có được tên trong hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân. Vậy thì tôi tồn tại và sống như cỏ cây. Quyền công dân không phải bỗng dưng ai đem đến dâng cho mình. Phải đi xin, phải làm đơn, phải gõ mọi cửa quan. Chạy chọt cho ra giấy giới thiệu, bảo lãnh của người có chức sắc. Vậy mà tôi vẫn thua. Cho đến nay tôi vẫn không hiểu mình là giống gì đang sống trên đất nước này.
Có người bạn tù nói với tôi:
- Mày đừng hy vọng gì, người ta cấp cho mày cái giấy tạm để kiểm soát mày, biết mày ở đâu, khi có việc cần “xài” đến thì người ta móc ra, khỏi phải mất công làm lệnh truy nã.
Nhà cửa sang đẹp của những ông bà có chức có quyền mọc lên như nấm. Người nghèo hèn vẫn nghèo hèn, như một sự tự nhiên có từ bao nhiêu đời nay. Nghèo hèn có truyền thống, có “gien” di truyền. Kêu ca cái nỗi gì. Kẻ nào đang ở cảnh nghèo hèn, bỗng dưng nhẩy lên một địa vị khác là do “may mắn”, hoặc nói cách khác là “trúng mánh” chứ không do số trời hay tài năng.
Người ta từng đồn đại rằng thời buổi này có nhiều vị giám đốc của xí nghiệp này hay công ty nọ, về học thức chỉ cần biết ký tên và đóng dấu. Tài năng kinh bang tế thế của anh không giá trị bằng những năm tuổi đảng. Người ta cần sự trung thành, đặt đâu ngồi đó, yên phận thì được hưởng miếng đỉnh chung, Nếu không, anh được chụp ngay lên đầu cái mũ thoái hóa. Anh có thể ra tòa, có thể toi mạng, như một con dê tế thần. Để chứng minh rằng luật pháp rất công minh. Pháp bất vị thân. Do sự ngu dốt của nhiều kẻ liều lĩnh không biết sợ là gì, luôn luôn vướng vào những sự sai lầm nghiêm trọng. Đất nước rối beng, kẻ phạm pháp được những ông to bà lớn đỡ đầu nên gia tăng tốc độ phi mã. Thời gian sau này, người ta không còn đổ tại “tàn dư của Mỹ Ngụy” nữa. Câu nói này là câu cửa miệng của người cách mạng trong những năm đầu giải phóng miền Nam.
Một cuộc chiến không cân sức, hay sự chống trả cay cú giữa những tàn dư Mỹ Ngụy và người giải phóng vẫn diễn ra trong xã hội. Tôi muốn nói đến những mẩu chuyện tiếu lâm, những câu vè, những bài đồng dao phổ biến lén lút ở bất cứ chỗ nào nếu gặp được người đồng điệu. Chuyện tiếu lâm, đồng dao hay vè đương nhiên không có tác giả. Người ta có thể gán ghép của thi sĩ này hoặc nhà văn kia. Cũng có tác giả và cũng có thể không. Chẳng sao hết. Phổ biến rất mạnh và rất kỹ do rỉ tai, truyền khẩu, không đăng báo, không in sách xuất bản, không đăng báo lậu. Vì làm gì có báo lậu. Cú coi bộ biên tập đó là nhân dân, từ nhân dân mà ra.
Có một thời người ta, những người âm thầm “làm văn học nghệ thuật” nháo lên đi tìm ai là tác giả hai câu sực mùi phản động mà tôi không nhớ.
Người thì nói tác giả là thi sĩ Vũ Hoàng Chương, người thì nói của Ninh Chữ. Vì hai câu thơ đó anh đã ở tù mười năm. Nhưng chẳng ai đúng hết. Vì hai thi sĩ đó, một già một trẻ đã chết cả rồi.
Thời gian sau giải phóng, thời gạo châu củi quế, thời ngăn sông cấm chợ. Thời của những người đàn ông, thanh niên miền Nam làm thân trâu ngựa đi thồ gạo lậu, than củi lậu, thập phần nguy hiểm để tiếp tế chuyện thành phố. Họ làm bất cứ nghề gì để kiếm cơm cho bản thân và gia đình. Cay đắng, nhục nhằn đều chịu đựng được cả, kể cả chẳng may bỏ mạng vì bị xe cán hay viên đạn lạc. Những viết hồi ký này từng là nạn nhân, từng bị người ta đập cây vào ống quyển, bị ngã dập đầu gối vì tội thồ gạo lậu trên đường Đức Hòa - Đức Huệ thành phố Hồ Chí Minh. Có đau, có què và có bật khóc vì tủi nhục. Nhưng sau đó tôi bật cười được ngay qua câu chuyện tếu của anh bạn nạn nhân cùng chuyến và cùng tội. Anh bạn an ủi khi tôi mất toi ba giạ gạo (mỗi giạ 31 kg), nếu chịu nộp phạt thì khỏi bị tịch thu chiếc xe đạp thồ.
- Này bạn, hôm qua tôi mới gặp Văn Vĩ đó!
- À, tôi biết có phải anh chàng nghệ sĩ mù tịt đờn cổ nhạc nổi tiếng không?
- Đúng vậy, anh ta bỏ nghề đờn rồi, bây giờ anh ta làm nghề khác kiếm ăn. Tôi gặp anh ta ở bến xe…
- Đi ăn mày à?
- Không, bậy nào, Văn Vĩ lao động đàng hoàng, có chất lượng đáo để.
- Lao động gì được, anh ta mù bẩm sinh mà.
- Chở xe ôm!
Tôi hét lên:
- Bố láo, đại bố láo, xạo sự đại xạo sự.
Người bạn vẫn ôn tồn, mặt tỉnh khô như không:
- Thật đó, đầu tiên tôi cũng không tin, nhưng rồi tin, tin chắc như bắp.
Tôi nổi giận, chỉ vào mặt anh ta mà rủa:
- Anh mới là thằng mù, nhìn một thằng mù bẩm sinh mà anh lại có thể nói nó chạy xe ôm được, thuốc nào chữa nổi…
Người bạn tôi toe miệng cười:
- Chuyện khó tin mà có thật. Anh Văn Vĩ giải thích với tôi rằng nhờ có giải phóng nên mắt anh mới sáng ra, anh bèn bỏ nghề đờn, làm nghề chở xe ôm vì anh nghĩ lao động mới là vinh quang.
Trời đất ơi, tôi bò lăn ra cười, quên mình vừa bị đòn đau. Đúng là một mẩu chuyện tiếu lâm thú vị. Trong sự tận cùng của đau khổ bỗng nhiên người ta bật ra tiếng cười. Một liều thuốc an thần. Tôi cố gắng móc tiền nộp phạt chuộc xe. Những lần sau đi “buôn lậu” tôi dùng hai thanh tre bó hai ống quyển lại. Tôi dấn thân vào con đường phạm pháp có giáp trụ phòng thân.
Đời sống dễ thở hơn một chút. Những người dân miền Nam được giải phóng lai rai có thân nhân nước ngoài gửi đồ về “cứu bồ” xóa đói giảm nghèo. Gởi tiền gặp khó khăn thì gởi đồ. Ở sân bay Tân Sơn Nhất, ở bưu điện đường Hai Bà Trưng phát sinh một nghề mới, nghề chợ trời mua thu gom đồ. Họ bíu lấy người được lãnh đồ như ruồi, không tiền đóng thuế cho hải quan, họ tình nguyện đóng thuế giùm, miễn là bán lại đồ cho họ. Tôi đã trải qua tình trạng ấy, chẳng đáng bao nhiêu mà cũng tức hộc máu mồm. Một bà cô ruột định cư ở Mỹ thương tình thằng cháu và gửi cho cháu một bịch thuốc lá Pall Mall mười gói. Thằng cháu là tôi hí hửng ra bưu điện làm đủ mọi thủ tục lãnh đồ. Bây giờ bịch thuốc lá thơm tho đã ngồi chồm chỗm trên quầy chờ bàn tay sở hữu chủ vồ lấy. Thuế má cũng đã đóng cả rồi. Nhưng chưa được phép. Người hải quan cho tôi biết rằng thân nhân của tôi bên Mỹ đã gửi đồ một cách phạm pháp cho tôi. Tôi sợ bỏ mẹ, nhưng cũng ráng hỏi trong hồi hộp:
- Thưa… trong những gói thuốc này có… héroin?
- Không, nhà nước xử nhẹ thôi, sẽ mua lại với giá chính thức, và cho lại anh một gói hút lấy thảo gọi là tình nghĩa với bà con.
Tôi vỡ nhẽ và tôi nổi giận, tiền đóng thuế và tiền nhà nước mua lại của tôi với giá chính thức có sự chênh lệch, phần lỗ đứng về phía tôi cho thêm phần chính nghĩa. Luật là luật, muốn nổi loạn, muốn chống đối thì nói chuyện với “chèo” (công an) đứng ngay bên cạnh. Tôi đi lãnh đồ mà bị lỗ nặng. Chính gói thuốc tôi được cho lại phải bỏ tiền ra mua. Ai oán quá chừng.
Có một anh chợ trời người ba Tàu xách một cái giỏ bự đứng ngoài quầy vơ lấy những gói thuốc là của tôi như lùa những quân mạt chược về phía mình:
- Lần sau gởi nhiều nhiều một chút nhé!
Tôi lợm giọng, tôi muốn khạc một bãi đờm nhưng tôi vặc ra được một câu chửi bằng tiếng Trung Quốc:
- Tỉu nhà ma cái nị!
Anh chàng con buôn ba Tàu mặt cứ nghệt ra, ngẩn tò te như chúa Tàu nghe kèn. Tôi hãi quá, ù té chạy như thằng móc túi bị phát hiện.
Mười phút sau, tôi gặp chính anh con buôn đó xách giỏ thuốc lá đi bỏ mối cho những quầy thuốc lá cao cấp trên đường Tự Do (đường Nam Kỳ khởi nghĩa bây giờ). Anh nói với người bán hàng:
- Thuốc ngoại “din” bên Mỹ gởi về, mua đi kẻo hết. Tôi kiếm chút đỉnh tiền lời mà.
Thế thì có tức không, có lộn tiết canh lên đầu không. Một vụ ăn cướp trong nhiều vụ ăn cướp xảy ra mỗi ngày. Nói không tin được, chỉ khi chính mình là nạn nhân mới biết thế nào là cay cú. Nếu sự vụ bị lộ, bị nạn nhân làm dữ, kiểu như “thằng điếc không sợ súng”, cái mồm cứ kêu quang quác như quạ hay cào cua ăn vạ như nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, đuối lý, người ta bèn đổ thừa cho cá nhân tiêu cực làm bậy. Cấm không được nghĩ bậy. Bị đội xếp bắt bỏ tù như chơi. Chuyện đó từng xảy ra.
Thuở tiền đô la từ ngoại quốc gửi về Việt Nam còn rất khó khăn. Các thân nhân, bồ bịch ở ngoại quốc muốn giúp bạn bè ở quê nhà rất là gian nan, công khai nhất là gửi đồ, những thùng đồ càng to càng tốt. Nhiều khi trong những môn đồ đó cũng lén lút có đô. Trong cây kem đánh răng, ruột một cây bút bic hay trăm phương ngàn kế gì khác mà tôi không được biết hết. Những người kinh nghiệm ở Hải Quan giàu kinh nghiệm biết nhiều hơn. Tờ đô la bị bắt ngay chóc. Có thể bị làm biên bản rồi tịch thu, nếu là nhân viên liêm chính. Trường hợp khác bị ỉm đi, nhân viên tiêu cực một tí thì ra hiệu với “nạn nhân” lãnh đồ, bí mật cho địa chỉ ăn chia cho yên lòng lương tâm đỡ bị áy náy và còn được biếu xén đền ơn đáp nghĩa. Được coi là “người tốt việc tốt”. Nhưng các vị nhân viên đó biết nhìn những con mòng, mòng mập thì sẽ có chuyện làm ăn lâu dài, mòng mèng thì vồ luôn đút túi. Con kiến đi kiện củ khoai. Hàng từ ngoại quốc gửi về, nằm trong kho, người nhận quà được giấy báo, đôi khi hỡi ôi, chỉ còn thùng rỗng rút ruột hoặc bị đánh tráo. Vải từ bên Mỹ gửi về cho thân nhân ở quê nhà toàn dệt ở Việt Nam, nhà máy dệt Nam Định chẳng hạn. Gặp những chuyện đó chỉ có nước đi kiện, lại kiện củ khoai. Tốn hàng ký lô đơn từ, chạy khoảng một chục cửa quan rồi chẳng đi đến đâu. Đành tin trong nhà kho có chuột. Cái cột đèn trong thành phố nó bị trồng cứng xuống lề đường đành đứng nguyên một chỗ, còn đồ Mỹ có chân, nó chạy ra chợ trời được. Nồi cơm điện, bàn ủi, hay đổng đài nó có thể chạy ra đến chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Đạm. Người mất của nên câm cái họng, đừng có la. Càng la càng bị đì. Liệu cái thần hồn. Nên tin rằng những món đồ ở ngoại quốc gửi về là những con quái vật có chân, biết di chuyển đến những nơi nào nó phải đến. Chuyện đó xảy ra hàng ngày nên không còn là chuyện la. Người ta nói rằng có nhân viên hải quan làm việc một năm trời, đồng lương ba cọc ba đồng mà xây nổi nhà cao tầng giữa thành phố. Rồi kinh doanh nuôi chó bẹc giê kiếm lời. Một giai cấp mới ra đời, người ta chăm sóc chó, cho chó ăn cả ký lô chả quế, ăn phở tái nạm gầu. Lời đồn đại về lối sống của giai cấp mới này nhiều lắm, nhưng tôi không thể tin hết nếu chưa kiểm chứng. Trong thiên hồi ký này những điều tôi viết ra đều đã được kiểm chứng và đúng là sự thật. Tôi không “bắt” ai phải tin hay nghĩ gì khác.
Tôi viết hồi ký có thể than thở cho thân phận mình, một thân phận chẳng mấy may mắn gặp toàn nghịch cảnh, nói lên được nó cũng nhẹ cái đầu. Thường thì tôi nói những điều xấu hơn những điều tốt. Nhưng không phải không nói đến những điều tốt. Điều đó có chứ, tôi sẽ dàn trải dần dà trong thiên hồi ký này. Nói về những điều tốt có những nhà chuyên môn phụ trách họ được học nghề ca tụng. Tôi có muốn ca tụng thêm cũng bằng thừa, bằng lạc điệu, nghe chẳng đặng, chẳng hay ho gì. Bởi vậy nên tôi im lặng. Làm văn nghệ cũng vậy, tôi chỉ văn nghệ cái lỗ miệng với tôi với những bạn bè của tôi thôi. Sáng tác được những câu thơ, đọc cho nhau nghe. Nghĩ được cái truyện ngắn, không in ấn đăng báo gì cả, tự mình làm diễn viên kể nghe chơi.
Bạn tôi, anh Hoàng Hải Thủy có một thú đam mê là được lấy ráy tai. Nghe danh ở đâu có anh thợ cạo lấy ráy tai giỏi đạt nghệ thuật anh phải mò tới lấy ráy tai bằng được. Anh đã kể cho tôi nghe một chuyện rằng ở Hải Phòng có một anh thợ cạo lấy ráy tai siêu hạng. Ngày chia đôi đất nước, chỉ còn một ngày nữa Hải phòng tiếp thu, thuộc về chính quyền miền Bắc, anh cũng mò đến nhờ anh thợ lấy bằng được một vẩy tai cuối cùng còn mắc ở tận hốc tai trong cùng. Có vậy anh mới đành lòng xuống tàu vào Nam.
Sau giải phóng, trước những ngày anh lãnh án tù (được lãnh án đàng hoàng đấy), tôi gặp anh ở Ông Tạ, ngồi uống cà phê với nhau trước một tiệm hớt tóc. Anh khen phó cạo này có tài lấy ráy tai. Anh nhàn nhã quá nên uống cà phê ngồi chờ đến lượt, anh nói anh chẳng làm gì hết, chỉ chờ đồ ngoại viện lãnh qua đường bưu điện.
Cà phê nhâm nhi nên nổi hứng đọc thơ nghe chơi. Thơ của Hoàng Hải Thủy vui đáo để, từ lâu rồi tôi cũng từng nghe thơ của anh, chế từ thơ khác thành thơ mình, chọc phá người ta cười chơi. Mà chẳng ai giận được, anh chẳng hề có ác ý với ai bao giờ.
Ngồi ở Ông Tạ nhìn sang quán thịt chó có tên “Ô kìa! Đây rồi! ” Hoàng Hải Thủy nổi hứng đọc một loạt thơ ca tụng mộc tồn, bây giờ tôi quên mất, vì tôi không phải là người hảo món ấy. Tôi chỉ biết là buồn cười thôi.
Hoàng Hải Thủy quay sang đọc thơ khác, bài này thì tôi nhớ lõm bõm, vì nó phản ánh tâm sự chung của những người “được” lãnh đồ nước ngoài.
Hoàng Hải Thủy ở đây bị tó, bị kết án rồi ra tòa rồi hàng loạt bài viết nói về Con người Hoàng Hải Thủy qua tất cả mọi khía cạnh. Rồi Thủy ở tù ngót nghét mười năm. Rồi cũng ra tù, rồi biến khỏi Việt Nam thân yêu. Tôi biết anh ở Mỹ, tuy già rồi mà viết cũng rất hăng.
Sau một chuyến vượt biên khác, không thành công, tôi bị bắt, ở tù. Ra tù, một lần nữa gia đình tôi tan vỡ. Cơm không lành, canh không ngọt. Cả hai phía cùng có lỗi cả. Tôi có đời vợ thứ ba, điều ác hại người vợ thứ ba này lại có họ hàng dây mơ rễ má với bà thứ hai mà lại gần xịt, thành ra tôi lãnh đủ cái búa tạ. Tôi đã uống thuốc liều, tôi chịu đựng để tiếp tục yêu. Tôi và bà xã thứ hai có dắt nhau ra tòa cùng thuận tình ly hôn. Bà cũng đã kết hôn với người khác có cái thế ra đi nước ngoài, hiện bà cũng đã đi rồi.
Lại thêm những ngày cay đắng nữa, tôi và người vợ thứ ba sống không nhà không cửa, đói rách ra mặt. Tôi chán đời, uống rượu ngày một nhiều. Điều này làm tôi hư hỏng trầm trọng, bất mãn đời. Nhưng vẫn phải sống, phải làm việc kiếm tiền, cố tìm lấy một mái nhà, không phải lề đường, quán trọ, bến xe. Cũng không thể ở nhờ ở đậu ai được. Ở đâu người ta cũng cần đến giấy tờ làm tạm trú. Tôi không có giấy tờ. Đêm xét hộ khẩu, tôi trốn như chuột, không thoát thì bị bắt, bị nộp phạt… Tôi là người sống bất hợp pháp.
Tôi trôi dạt về khu Tân Phú, Bà Quẹo làm nghề mua bán phế liệu. Tôi xưa nay vẫn là người dở òm trong việc buôn bán. Tôi thuê được một cái chuồng heo bỏ không, hai vợ chồng chui rúc vào đó ở. Ngày ngày tôi khiêng từng bao phế liệu rác bao ni lông về chọn lựa, phân loại ra từng thứ rồi giặt giũ, rửa sạch, phơi khô đem bán cho nhà máy tái sinh.Những bao ni lông hôi rình, thối tha đựng đủ thứ đồ phế thải, vợ chồng tôi ngồi lựa chọn, xé bọc. Tôi muốn ngạt thở, muốn nôn mửa nhưng vẫn phải làm việc.
Trong khi đó bên cạnh chúng tôi có mấy con chó đói nhà hàng xóm ngồi chầu chực. Bỗng một con nhảy xổ vào đống phế liệu ngoạm một cái bao đựng gì đó rồi phóng chạy. Vợ tôi vụt đứng dậy đuổi theo. Nàng bụng chửa, con chó tha bao chạy trước, vợ tôi lạch bạch chạy theo sau. Tôi sợ vợ té nên chạy sau cản nàng, đành mặc cho lũ chó xâu xé những bao ni lông được rũ tung trên đất:
- Em ơi! Thôi đi.
- Nhưng nó cướp bao ni lông của mình kìa.
- Kệ nó, cái bao ấy đựng phân đó.
- Bỏ sao?
- Bỏ đi! Tiếc cái gì!
Cuộc buôn bán phế liệu của tôi chẳng bao lâu thất bại. Sự thất bại thảm hại lại đeo thêm nợ nần. Chơi hụi với người ta thì bị giật hụi, buôn bán bị lừa lọc. Họ hàng, bà con, bạn bè xa lánh, không một mái nhà.
Tôi ngất ngưởng một mình với xị rượu. Con người tôi hốc hác bệ rạc. Hình như tôi sắp sửa phát điên. Tôi sống quanh với nhiều loại người cặn bã của xã hội. Tôi nói là cặn bã chứ không phải là nghèo đói hay bình dân. Tôi không trở thành ăn cắp ăn trộm hay móc túi, lưu manh, côn đồ là may lắm.
Tiền bạc, miếng ăn đối với hai vợ chồng tôi khi đó cần thiết biết bao. Nhất là cho đứa trẻ sắp ra đời. Nó cần một mái nhà, dẫu là dưới một túp lều.