Chương 6
Tác giả: Nguyễn Trường
Dung nhớ như in đám giỗ lần đầu tiên tại nhà ông Năm. Mọi lần ông bà thường chở thực phẩm về quê, làm giỗ dưới đó luôn. Những lần ấy Dung phải cáng đáng công việc nhiều hơn nữa, bởi vậy cô hoàn toàn dửng dưng trước lễ chạp, cúng kiến của ông bà Năm. Năm nay ông bà tổ chức đám giỗ ngay tại nhà.
Nhân đám giỗ lần này, ông sẽ thông báo một tin đặc biệt cho cả họ được biết: ông đã tìm thấy đứa con gái út của mình. Đứa con gái mà cho đến bây giờ ít người còn nhớ ông bà đã sinh ra nó.
Ngay từ tối ngày hôm trước đã giết heo. Không khí trong nhà ông Năm vui nhộn hơn không khí tết. Cánh thanh niên xúm quanh ông đồ tể coi ông giết heo. Họ khoái cung cách cạo heo của ổng. Hai chân dạng ra, cặp con heo vào, hai tay cầm dao, mới nhìn không thấy gì bén lắm, ông cạo ào ào. Sau những nhát dao đẹp như múa, tấm thịt trắng ngần của con heo hiện ra. Chỉ vài phút thôi, con heo đã được cạo xong. Mấy người thanh niên giúp ông giội nước rửa. Với cánh tay rắn như thép và nước da màu đồng hun, ông cầm chân con heo nặng cả tạ xách lên, ném đánh huỵch sang tấm ván kế bên. Bằng thế đứng cũ, ông đưa một đường dao từ cổ cho xuống tận đuôi, bộ lòng đã hiện ra qua hai lần đưa dao mà không hề phạm vào bộ phận nào của bộ lòng.
Chỗ mấy bà làm vịt xôm chuyện nhất. Bầy vịt bị cắt tiết để một đống tú hụ. Nồi nước to tướng luôn sôi sùng sục. Người ta nhúng một lần cả chục con vịt. Lông vịt chẳng mấy chốc thành đống lớn.
Trong nhà mấy cô gái đang xúm quanh Dung. Người ta vuốt ve bộ quần áo mới nhất của Dung. Chưa bao giờ cô mặc loại áo quần may bằng thứ vải đắt tiền thế. Bà Năm còn mua cho cô một cái tráp đựng đầy đủ các loại phấn son và dụng cụ trang điểm. Bà xuất tiền tức tốc sắm ngay cho cô đôi bông tòn ten. sợi dây chuyền ba chỉ, chiếc nhẫn hai chỉ, bộ lắc năm chỉ, loại vàng 24K và một đồng hồ ORIENT tự động nữ, có gắn hột xoàn. Bỗng chốc Dung mang trên mình cả đống đồ đáng giá. Hôm trước, bà nghỉ buôn bán, đưa Dung vô tiệm cắt tóc, dũa móng tay, móng chân. Người thợ phải loay hoay mãi mới mài sạch hết chất phèn bám ở ngón chân cô. Móng tay Dung ngắn quá, người thợ bàn chưa nên sơn làm bà Năm tiếc ngơ ngẩn. Vậy là chưa có sự đồng bộ trên thân thể cô rồi! Bà trách cô đã lớn sao không biết để móng tay, móng chân như các cô gái khác. Dung chỉ cười. Tại má không biết, để thứ đó chỉ tổ dính phân heo, rửa không sạch. Má cô sung sướng chăm sóc cô. Khi cô từ chợ về, rời chiếc Toyota sang trọng bước xuống, nhiều người không nhận ra một cô Dung ngày ngày áo quần lấm bê bết. Trước mắt họ là một cô Dung thướt tha trong tà áo vàng, người sáng rực đủ các thứ nữ trang. Cô đẹp hơn, lộng lẫy hơn bất cứ tiểu thơ đài các nào khác mà họ từng xem qua tivi. Chỉ riêng điều đó cũng đủ làm bà Năm sướng mê đi rồi.
Anh Hai, chị Hai cũng về lo đám giỗ cùng với vợ chồng anh Ba. Các anh chị đều mừng khi nhận Dung là em út. Thu Hiền và Út không vui. Thu Hiền phải đổi cách xưng hô, gọi Dung bằng cô. Nó làm bộ mừng song có phần ghen tỵ. Từ bao lâu nay, dù là bạn chơi thân với nhau nhưng Dung là bề dưới. Dung chỉ được mặc quần áo do Thu Hiền thải ra. Trong những lần khách đến, Thu Hiền vẫn nổi bật hơn Dung về áo quần. Bây giờ, Dung đẹp hơn Hiền và lại ở vai lớn hơn. Dung còn diện những thứ đẹp hơn và quý hơn. Nhưng vốn khôn ngoan, Thu Hiền vẫn cười nói với Dung. Cũng may, người ta cho rằng có sự khó xử, ngượng nghịu khi đổi cách xưng hô nên không ai để ý đến những nét khó chịu, ghen ghét, lâu lâu vẫn thoáng lộ ra nét mặt chưa quen giấu những suy nghĩ thật của Thu Hiền.
Út Trung hơi ngượng. Kể từ hôm ông Năm cho họp gia đình tuyên bố cho mọi người trong nhà biết và sắp xếp thứ tự trong nhà, Trung được đôn lên thứ Tư, Dung lãnh thứ của Trung và lấy lại tên Hoàng Lan như trước, Trung trở nên lầm lì, buồn man mác. Đáng lẽ Trung phải náo nức, sắm quà cho em v.v… Nhưng Trung thấy buồn. Một cô bé đẹp, ngây thơ trong trắng là vậy mà không được xài. Nhận anh em làm gì để rồi ngồi nhìn thằng nào đó xài. Có lúc, Trung thấy buồn cười: Một cô bé suýt nữa thì vào tay Trung, bỗng dưng trở thành em gái mình. Cuộc đời oái oăm thật. Mẹ kiếp - Trung thầm nghĩ - Ở nước ngoài, tây Âu hay Mỹ mà lại hay. Cóc cần biết anh em khỉ khô gì. Cứ thích nhau thì chơi tất. Thế mới gọi là tiến bộ, văn minh chớ. Còn nước mình phong kiến bỏ mẹ. Trên cương vị mới này Trung sẽ không được phép tán tỉnh Dung, chẳng bao giờ được hái bông hoa đẹp nhất nữa. Mặc cho mọi người vui chơi trên nhà. Mặc cho đám giỗ tổ chức rềnh rang, Trung thấy mệt mỏi trong người. Tuy không suy nghĩ, hối hận, hay ăn năn gì nhưng Trung cảm thấy nhức đầu như búa bổ.
Ông bà Năm vui nhất. Không vui sao được sau mười sáu năm lưu lạc và mãi cho đến lúc con của họ ở ngay trong nhà mà vẫn phải nếm trải bao vất vả, nay đã nguyên vẹn là đứa con và là đứa con gái xinh đẹp, nết na. Có ước mơ nào lớn hơn không? Có niềm vui nào sánh bằng. Những người đau khổ xung quanh ta thật đáng thương làm sao - Ông Năm nghĩ thầm - Họ sống cơ cực xiết bao nhưng vì sao bao năm nay ta không nhìn thấy, không cảm thấy tội nghiệp. Ta đã bàng quan trước những người nghèo khổ rồi ư. Ta có thái độ đó từ bao giờ? Nào phải xa xôi gì đâu. Họ ở ngay quanh ta, ở ngay trong nhà chúng ta. Vậy mà một thời ta đã dửng dưng trước nỗi thống khổ của họ.
Việc lấy lại tên cũ của Dung đã sinh ra một loạt rắc rối nho nhỏ. Ý của bà Năm là để Dung quên quá khứ đau khổ. Nhưng cái chính là địa vị làm mẹ của bà được củng cố và nặng cân hơn bà mẹ nuôi. Nhưng chính bà cũng lẫn lộn, khi thì gọi Dung lúc lại gọi Hoàng Lan. Trong gia đình, sự lẫn lộn càng nhiều hơn. Ông Năm thấy không ổn. Giấy tờ của cô đều ghi tên Dung, việc đổi những giấy tờ này đối với ông không khó, nhưng ông không muốn. Vả lại, trong thâm tâm ông, ông không thích cái tên Hoàng Lan, nghe có vẻ đài các quá. Nguyên chuyện đặt tên Hoàng Lan này khi xưa hai ông bà đã cãi nhau. Ông muốn tên con mộc mạc thôi. Bà muốn tên con thật kêu. Hồi ấy, cũng như bây giờ, mọi việc trong gia đình đều do bà quán xuyến, nên ông đành chịu. Còn bây giờ lại khác, ông viện cớ này nọ, tình cảm của con, để quyết liệt giữ tên thường gọi của Dung. Khôn ngoan hơn lần trước, ông cho họp gia đình để bàn chuyện này, và biểu quyết. Dĩ nhiên ông thắng. Mặc dù vậy, chỉ tăng thêm quyết tâm lấy tên cũ cho con của bà Năm. Sau này chính Dung mới thấy sự tế nhị của ông. Cô thầm cảm ơn ông đã giữ được tên cũ cho cô.
Ông bà Năm dành nhiều tình cảm và sự may sắm cho Dung để bù lại những thiệt thòi của Dung, riêng ông Năm, đó là để lương tâm bớt day dứt. Phải chăng chính Dung đã gánh nặng khổ đau để ông có thêm uy tín: hy sinh con để giúp cách mạng. Để người ta nhìn ông với con mắt trung kiên, để ông tiến thân. Tất nhiên lúc đó ông không hề mảy may có một tính toán nào như vậy. Nhưng sau này ông mới bị những ân hận, day dứt kéo dài. Thời gian không làm vết thương kín miệng khi mà ông cứ lên chức ào ào. Mấy năm sau hòa bình, trên cương vị mới, ông bận túi bụi với công việc, ông đã quên hẳn đứa con. Lúc đó Dung còn quá nhỏ, giữa cha và con ngoài tình phụ tử, còn chưa có kỷ niệm nào khác. Bỗng dưng đứa con gái tìm về cội nguồn nó một cách hết sức tự nhiên. Trong niềm vui mừng khôn xiết ấy, ông càng thương con gái đến rưng rưng. Bây giờ, hầu như người ta quên dần quá khứ, thì con ông lại hiện ra, nó kéo theo trong ông cả những kỷ niệm về một thời oanh liệt trước đây. Nó như chứng nhân nhắc nhở ông cần phải sống thế nào cho xứng với một thời oanh liệt.
* *
*
Đêm chuẩn bị cho đám giỗ thật nhộn nhịp. Thợ nấu bánh tét, bánh ít thức sáng đêm. Thùng bánh tét, bánh ít sôi sùng sục. Những cặp bánh to bằng bắp chân dài cỡ ba mươi phân được vớt ra, bốc khói ngùn ngụt. Chỗ làm patê, nơi làm chả lụa, có chỗ chế tạo ba loại bánh nhân mỡ, nhân chuối và nhân đậu. Có góc mà bánh da lợn, bánh khọt, bánh bò. Người ta mải mê đổ từng cái bánh bé xíu nhưng trong suốt. Bà Năm đích thân chỉ huy nồi xôi vò vì bà thạo và thích món này nhất. Đầu vấn khăn gọn gàng, tay áo xắn cao, bà Năm khệ nệ bưng chảo đậu xanh đến. Đậu đã được nấu chín với nước cốt dừa, sầu riêng, vò thành từng cục trắng, to bằng cái trứng ngỗng. Bà dạng chân, tay mở nắp nồi xôi. Hơi nóng bốc lên nghi ngút. Bà nhặt từng cục đậu, bóp nhuyễn, rắc lên mặt xôi rồi dùng đũa đánh. Lâu lắm, mồ hôi đọng trên trán bà. Bà kéo khăn trên đầu lau qua khuôn mặt đỏ bừng vẻ hài lòng lộ rõ.
Xôi chín, người giúp việc khiêng nồi xôi lạch bạch từ dưới bếp lên nhà ngang. Bà Năm mở nắp. Mùi sầu riêng, hương nếp mới quyện lại với nhau bốc lên ngào ngạt. Bà Năm bưng thau đường cát trắng tinh, rắc lên mặt xôi và dùng đũa bếp đánh đều. Món xôi đã hoàn tất, bà dùng đũa xẻo lấy một ít đưa lên lòng bàn tay. Bà bóp bóp cục xôi nhỏ tròn tròn như hột trứng cút rồi mới đưa lên miệng kiểm tra chất lượng. Xôi đã đủ độ ngon, bùi, thơm, ngọt và dẻo nữa. Khách đến nhà bà Năm, sau khi đã no say vẫn dùng thêm đĩa xôi vò vì mùi vị thơm ngon và kỹ thuật nấu điêu luyện của bà.
Mọi người lục đục chuẩn bị từ khi còn mờ đất. Thức suốt đêm nhưng không khí tất bật làm họ quên buồn ngủ. Ngôi nhà lớn trở nên chật chội. Bàn ghế dọn ra và người đến đông hơn. Khu nhà được trang trí lại cho thêm phần long trọng. Bàn ghế phủ vải hoa rực rỡ. Tủ thờ, lư hương được đánh bóng, vàng chóe từ ngoài tiệm, giờ được đưa lên chưng. Bàn thờ đầy ắp trái cây: mãng cầu, măng cụt, cam, quýt, chôm chôm, nho… Đó là quà do bà con dưới quê lên cúng.
Tin ông bà Năm vừa tìm lại được đứa con gái út vang đi rất nhanh. Cái giỗ năm nay, những người được mời chuẩn bị đi đám rất sốt sắng. Họ muốn đến chia vui với ông bà, người sang trọng và niềm tự hào của dòng họ. Dung trở thành nhân vật trung tâm. Người ta đến nắm tay cô, nói những lời cảm động nhất. Họ đều chung nhận xét, cô đẹp và dễ thương. Ông bà Ba, người nuôi Dung hai năm trời cũng xúc động. Bà Ba tự hào ra mặt. Bà cố làm cho ông Năm nhớ đến công lao của mình. Trong giọng nói của bà Ba người ta thấy rằng nếu không có bà chắc gì ông Năm tìm được con. Công của bà lớn như Critốp Colômbơ, người tìm ra châu Mỹ vậy.
Dung cứ ngóng ra cổng nhìn những người khách tề tựu kéo nhau về. Không thấy Thu đâu. Có lẽ ba má Dung không mời. Có lẽ ba má cô còn giận. Chắc giờ này anh đã hay tin Dung được nhận là con ruột ông bà Năm. Bây giờ Dung đã là anh em cùng dòng họ với Thu và vai vế có khác. Không lẽ mối tình đầu đã bị cắt. Dung nhớ Thu nhưng cô không dám hỏi ba má. Chắc là anh không đến rồi. Thu ơi, tuy em là con ông bà Năm nhưng em vẫn kính trọng và thương nhớ anh. Em đâu muốn chúng ta xa cách. Qua đám giỗ này, thế nào em cũng về quê thăm anh. Em sẽ nói cho anh hiểu lòng em…
Thời gian Dung dành để nhớ Thu rất ít. Cô luôn "bị" bà con cô bác hỏi thăm. Cô phải tươi cười, vui vẻ trả lời tất cả những người quan tâm đến cô. Cô được nghe giới thiệu tên tuổi, thứ vị của những người bà con và cô quên ngay. Đến nỗi, sau đó cô ngại trả lời ai đó vì không biết phải xưng hô ra làm sao cho đúng. Cuối cùng cô chỉ giữ lại nụ cười xã giao trên môi và nỗi nhớ Thu trong lòng.
Mâm bát được dọn lên. Hơn chục bàn, phần lớn là bàn tròn. Thức ăn xếp la liệt trên mặt bàn: vịt tiềm chín rục, cà ri vàng ngậu, bò chấy thơm phức, thịt kho tàu nấu với nước dừa xiêm màu hổ phách… Chả đùm đơm như xôi, gỏi tai heo chua giòn, nổi bật trên đó những trái ớt sừng trâu đỏ chót chẻ thành hình bông hoa. Rau sống đơm đĩa lớn, bên trên xếp dưa leo, khóm xắt lát mỏng xen nhau như đài hoa khổng lồ. Nhiều món ăn khác mà lần đầu tiên Dung nhìn thấy. Dung chạnh lòng nhớ đến bữa cơm ngày xưa của mình, cũng ngay trong nhà này.
Đàn ông uống rượu đế, ly nhỏ xoay tròn, uống chuyền tay nhau. Ly đến tay ai, người đó phải cạn. Cạn ly mới được “đưa cay”. Người không biết uống, mời ra, và tốt nhất len lén ngồi mâm đàn bà. Còn đôi chút tự ái thì uống một hai ly gì đó theo vòng rồi nhịn đói mà trốn. Không biết tục lệ này có từ bao giờ, nhưng nó tập cho những người thanh niên biết uống rượu rất nhanh. Uống càng nhiều, ói càng lắm được coi là thiệt tình. Dung đi ngang qua bàn nhậu, mùi mồ hôi, mùi rượu nồng nồng, chua chua, tiếng nói cười, hô hét làm cô thấy buồn nôn. Mệt mỏi và nhức đầu bởi những âm thanh ầm ĩ đó, cô bỏ vào phòng mình khóa cửa nằm lì trong đó.
* *
*
Ông Năm thường vắng nhà. Thói quen đi lại liền liền mấy chục năm chiến tranh còn ăn sâu trong ông. Ông vẫn giữ thói quen làm việc theo hứng. Sực nhớ ra công việc lúc nào, ông lao vào làm quên hết tất cả thời gian, giờ giấc. Chỉ khổ cho anh lái xe. Đang ngủ ngon giấc bỗng bị dựng dậy. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ mà làm việc theo kiểu đó thật khổ. Anh luôn thèm ngủ. Hễ dừng xe được một lúc là anh bật chốt cho chiếc ghế hơi ngả ra sau rồi ngủ ngay. Có lần anh ngủ gật trong lúc xe đang chạy. Cũng may, quãng đường quốc lộ ấy rộng, lại thẳng, giữa đêm khuya thanh vắng nên không gây tai nạn. Khi anh choàng tỉnh, xe đã lướt đi vài cây số rồi. Giây phút trấn tĩnh, anh nhìn vào kính chiếu hậu, ông Năm vẫn ngủ lơ mơ trong xe, không biết mình vừa qua phút giây cực kỳ nguy hiểm, thần chết chỉ còn trong gang tấc. Anh không dám kể lại chuyện ấy với ông, nếu biết, ông sẽ dựng tóc gáy. Nhưng ông Năm còn hơn anh về tật ngủ được vào bất cứ giờ giấc nào. Có lần anh thư ký đọc cho ông nghe bài diễn văn khai mạc hội nghị mà anh đã bỏ bao công soạn thảo. Ông có thói quen duyệt văn bằng cách ngồi nghe người chấp bút đọc. Hiếm khi ông tự đọc lấy. Bài diễn văn ngày mai ông sẽ đọc trong buổi khai mạc hội nghị quan trọng của tỉnh nhà. Anh thư ký mới đọc non nửa bài đã nghe tiếng ngáy của sếp, bèn mỉm cười ngừng lại. Nhưng "sếp" choàng tỉnh, biểu anh đọc tiếp. Ông Năm lại ngồi dựa vào ghế sa lông lim dim mắt nghe. Một lát sau đã lại nghe tiếng ngáy khò khò phát ra từ cổ họng ông. Rút kinh nghiệm lần trước, anh thư ký cứ đọc. Anh cũng muốn nhanh chóng thông qua để chóng được đi chơi. Bài diễn văn kết thúc, ông Năm mở choàng mắt, ngồi ngay ngắn lại, góp ý. Anh kinh ngạc bởi ông bắt sửa cả những đoạn anh đọc khi ông đang ngáy. Ông có thể thức suốt mấy đêm liền để chỉ huy một chiến dịch, không cần lấy một phút chợp mắt. Khi chiến dịch kết thúc, ông lăn ra ngủ, mấy đêm liền. Hồi kháng chiến, những người dưới quyền ông khổ sở vì bị ông dựng dậy giữa đêm khuya, lạnh buốt xương để đi làm nhiệm vụ. Thói quen ấy còn lại cho đến bây giờ. Ông bị nhiều người phản ứng. Thời kháng chiến vì nhiệm vụ đặc biệt có liên quan đến xương máu, đồng đội, đến sự thắng lợi của trận đánh, của chiến dịch… dù có mệt mỏi, mắc ngủ, họ cũng cố gắng làm. Giờ đã hòa bình, làm việc có giờ giấc thì ông lại bê nguyên xi tác phong làm việc thời chiến tranh. Các cán bộ cấp dưới tuy không phản ứng ra mặt nhưng họ phản ứng ngầm bằng cách lẩn tránh ông. Chỉ có lái xe là vô phương lẩn tránh. Ông thức thì anh phải thức, thậm chí, ông có thể ngủ trên xe nhưng anh phải thức trên vô lăng của mình.
Khác với mọi hôm, chủ nhật này ông Năm ở nhà. Ông thấy người mệt mỏi. Tuổi tác bắt đầu tấn công ông. Mới hôm qua thôi, anh thơ ký mở cho ông nghe đoạn băng ông phát biểu cách đây nửa năm, giọng ông còn sang sảng. Bây giờ giọng ông có hơi thở. Sức khỏe của ông tồi tệ quá rồi.
Dạo này Dung rảnh rang. Cô chọn sáng chủ nhật đi thăm Thu. Tất nhiên cô giấu cha mẹ. Lúc đó, ông Năm đang ngồi ở phòng khách, tay cầm ống nghe điện thoại. Ông chờ một cú điện thoại đường dài.
Dung rón rén đến bên cha, lễ phép:
- Thưa ba, hôm nay chủ nhật, con xin phép ba má cho đi chơi một buổi.
Ông Năm nhìn con bằng ánh mắt trìu mến:
- Được, nhưng tối phải về nghen.
- Dạ! Trưa con về ạ.
Ông Năm gật đầu cười, hài lòng; Dung vừa toan lui xuống nhà bếp ông đã gọi:
- Con đi bằng gì?
- Dạ, con đi bằng xe đạp.
Ông Năm vẫy Dung lại ôn tồn:
- Con lấy xe ba đi cho khỏe và an toàn.
Dung đáp:
- Thôi, con đi xe đạp cũng được.
Ông Năm làm như không nghe lời Dung nói, gọi:
- Thắng à, cháu chở con Dung đi nhé.
Dung không dám cãi, đành theo Thắng lên xe. Lần đầu tiên một mình Dung với tài xế trên xe hơi sang trọng, cô thấy thế nào ấy. Nhưng nỗi nhớ Thu đang xâm chiếm tâm trí cô. Hôm nay Dung mặc bộ áo quần đẹp nhất. Đó là chiếc áo dài màu xanh nhạt. Dung đánh phớt qua chút phấn son. Cô muốn làm đẹp dành cho Thu.
Vừa liếc Dung, Thắng vừa nịnh:
- Chị Dung hôm nay đẹp quá. Tiếc nước mình chưa tổ chức thi hoa hậu, nếu không chị sẽ giành được vương miện.
- Em mà thi với ai.
Dung nói vậy, nhưng rất vui. Lát nữa thôi, cô sẽ gặp Thu. Cô rất sung sướng nếu được Thu khen như Thắng. Cô sẽ ngả vào vai anh, anh vuốt mái tóc mềm, hôn và nói với cô những lời yêu thương. Dung nói với Thắng:
- Anh cho em ghé vô chợ chút,
Chiếc xe rẽ vào chợ trung tâm. Xe lướt qua dốc cầu, nơi có tiệm hột vịt, người mua bán đông đúc, đủ mọi loại xe đậu trước cửa tiệm. Dung nhớ tới hai giỏ hột vịt nặng trĩu, và hai bàn tay đỏ lừ vì quai giỏ siết vào da thịt. Vết chai hãy còn đây. Anh hay cầm tay cô, vuốt vuốt những nốt chai trên tay cô. Anh hay bóp nhẹ những ngón tay nhỏ nhắn của cô, rồi khen bàn tay Dung đẹp, Dung thở dài. Chỉ một thời gian nữa thôi, tay Dung sẽ mềm mại và đẹp hơn lên.
Loáng cái, xe đã vào đến cổng chợ. Thắng quay lại nói với Dung:
- Chị vô chợ, tôi đậu xe ở chỗ kia, dưới cây xoài đẳng.
- Em vô chừng nửa giờ, anh chờ em chút xíu nghen.
- Tùy chị - Thắng cười nịnh - Tôi chỉ được quyền phục vụ chị thôi. Chị toàn quyền quyết định.
Dung mỉm cười. Cuộc đời đến lạ, mới lúc nào bị người ta coi thường mà giờ đây…
Nhà lồng chợ rộng mênh mông, ngập đầy hàng hóa. Những sạp vải ngồn ngộn bao súc vải xanh, đỏ, trắng, vàng sặc sỡ. Cô chọn mua cho Thu bộ quần áo xanh dương, màu mà Thu thích nhất. Nhớ đến mẹ Thu, cô mua biếu bà ba thước vải katê màu nâu. Màu này hợp với người già. Cô chọn mua chục cam sành, loại ngon nhất. Người bán bỏ cam vào túi ni lon trao cho cô.
Xe chạy ra quốc lộ phóng vun vút. Kim đồng hồ qua qua lại lại vạch 80 km/h. Thắng bật công tắc Cassette. Bài hát quen thuộc vang lên. Xe chạy êm như ru, máy điều hòa nhiệt độ làm không khí trên xe mát lạnh. Mùi nước hoa từ chiếc bình hình búp sen gắn gần vô lăng tỏa hương dìu dịu.
Xe bỏ quốc lộ, rẽ vào con đường sỏi đá lổn nhổn về thị trấn. Thị trấn của cô đây rồi nhưng sao lạ quá. Thị trấn nhỏ nhắn như một làng quê nếu không có dăm bảy căn nhà lầu và bến xe khách nằm đầu thị trấn, lúc nào cũng mù mịt bụi và nồng hơi khói do các loại xe vào ra. Quanh thị trấn là những rặng dừa trĩu quả, luôn xanh tươi.
Xe chạy dọc bờ sông lổn nhổn đá và ổ gà. Phong cảnh đổi thay nhiều quá. Cô phải vận dụng trí nhớ để tìm ra mái nhà khi xưa. Căn nhà đó ở bên một con rạch, cạnh một cây cầu chênh vênh. Nhờ đặc điểm đó, Dung nhận ra nền nhà bây giờ cỏ dại mọc um tùm. Nó không còn dấu tích của thời má và Dung sống ở đấy. Má giờ ở đâu? Má ơi! Có ai đâu để sửa sang ngôi mộ của má. Đã mấy năm rồi con không thắp được nén nhang trên mộ má. Giờ má có biết con về thăm má đây không…
* *
*
Xe dừng trước ngôi nhà lá của mẹ Thu. Ngôi nhà hệt như má nuôi cô đã cất hồi trước. Cũng tuềnh toàng, trống trước, trống sau. Cũng mái lợp lá dừa nước, mảnh sân rêu phong, chiếc lu sứt miệng. Nhưng sao Dung thấy ấm áp quá chừng. Ngôi nhà làm sống dậy cả quãng đời thơ ấu của cô. Quãng đời cơ cực mà giàu tình cảm làm sao.
Má Thu già và ốm yếu cũng như má nuôi Dung ngày xưa. Nhận ra chiếc xe hơi và người lái xe quen thuộc, bà niềm nở đón Dung vào nhà. Thắng giới thiệu Dung với bà. Bà cảm động:
- Có phải con ruột anh chị Năm đó không?
- Dạ… - Dung đáp.
Bà Năm trầm trồ:
- Thằng Thu nhắc con hoài. Nó khen con chịu khó. Giờ dì mới biết mặt cháu của dì đó.
Dung không giấu được nôn nóng. Cô cứ tìm cớ nhìn quanh để tìm Thu. Nhân cơ may bà nhắc đến Thu, cô hồi hộp hỏi:
- Thưa dì, anh Thu đi đâu rồi?
Bà cụ rơm rớm nước mắt:
- Anh cháu đi làm rẫy trên Cát Tiên rồi. Nó đi mấy bữa nay. Dạo này nó hay buồn. Nó nói lên rừng làm rẫy cho đỡ buồn. Ở đây có mẹ có con còn chưa vui được hà huống lên rừng mới vui. Nó siêng năng, chịu khó lắm nhưng số nó vất vả từ khi chưa lọt lòng.
Anh từng nói sẽ đưa em đi lập nghiệp trên đó. Giờ anh nỡ bỏ đi một mình. Còn tổ ấm mà chúng mình định dựng trên đó anh cũng quên rồi sao?
Dung ngước nhìn mái nhà. Ánh sáng lọt qua kẽ lá thành từng luồng trong suốt. Sắp tới mùa mưa rồi. Mái lá đơn sơ này có đủ che một mái đầu bạc không. Dung mang gói quà biếu má Thu rồi chia tay bà. Bà cảm động thành ra cứ luống cuống mãi. Mắt bà ươn ướt. Dung thấy lòng tê tái. Rồi Dung nghĩ đến rừng già âm u. Hồi xưa cô mơ nó với vẻ đẹp hùng vĩ với suối ngàn mềm mại trên sườn non. Còn giờ cô tưởng như thấy cảnh âm u, buồn bã, thâm nghiêm. Phải thế không anh?
* *
*
Lần đầu tiên Dung có thư. Phong bì ghi hai chữ "Phương xa", nhưng nhìn dòng chữ quen thuộc đó, Dung biết ngay thư anh. Dung hồi hộp chạy về phòng, tay run run bóc thư. Dòng chữ của Thu hiện lên trên trang giấy. Dòng chữ run rẩy hay chính là Dung vậy. Thư Thu kể rằng anh đã biết được chuyện ông bà Năm nhận ra Dung là con ruột. Anh rất mừng được nhận bà con với Dung, anh càng vui hơn khi tương lai của Dung được bảo đảm chắc chắn và tươi sáng. Anh nhắc Dung phải sống cho tốt, đừng quá ỷ lại vào điều kiện…. Anh kể chuyện làm rẫy ở Cát Tiên. Cuối thư anh nói xa xôi rằng con người ta dù muốn hay không cũng không thể chống lại sự định đoạt của số phận, không thể vượt qua mọi trở lực nhất là trở lực đó ở ngay trong đồng loại, trong quan niệm của bà con ruột thịt và được xã hội công nhận là đương nhiên, và ngay cả trong ý thức của chính mình. "Ngày Dung lên xe hoa, em đừng quên mời người anh ở chốn núi rừng heo hút này Dung nhé".
Chao ôi, chỉ nhiêu dòng thôi mà nó khiến Dung òa khóc tức tưởi. Thu ơi! Anh phải dằn yêu thương, anh phải làm bộ bình tĩnh, như không có gì cả. Thu ơi, anh có thể giấu mọi người nhưng làm sao có thể giấu tình yêu thương, sự xót xa của anh đối với em. Tình yêu của anh giờ đây nó được nén lại và thêm phần tủi hờn, xót xa cho thân phận của mình, phải không anh… Em biết hết! Biết hết!… Cuộc đời sao lắm ràng buộc, lắm éo le đến vậy. Em nhớ có một nhà văn nào đó đã viết rằng con người ta chỉ được một cái, được thứ này tức là mất thứ kia. Nào em có cần chi giàu sang, con ông này, bà nọ. … Niềm vui tìm được ba má chưa hết thì em lại gánh nỗi đau phải mất anh, bắt buộc mất anh… Giờ đây có ai đi cùng em trong quãng đời cuối cùng, thông hiểu em, thương em như anh?!…