Nguyễn Tường Bách
Lời tựa
Tác giả: Nguyễn Tường Bách
Những mẩu chuyện này được viết trong những ngày cuối hạ, đầu thu 1988.
Lúc đầu, tác giả không có ý định xuất bản, chỉ muốn tập hợp lại vài tâm tư và quan sát trong nhiều năm qua, cho một số bạn hữu và chính mình. Vì vậy, người viết cảm thấy tự do, không ngại sử dụng nhiều ý tứ và cách dùng chữ xạ lạ khó hiểu. Người đọc, có ai tìm được vài pháp lạc thì đó là niềm vui cao quý cho tác giả.
Tập truyện này xuất bản được là nhờ khuyến khích và giúp đỡ từ nhiều phía. Xin chân thành cảm ơn tất cả.
Cộng hòa Liên bang Đức, tháng 2 năm 1989
Nguyễn Tường Bách
Lời tựa in lần thứ hai
Hơn mười năm sau khi in lần thứ nhất ở nước ngoài, tập truyện Đêm qua sân trước một cành mai (1) được in lại lần thứ hai với vài bổ túc nhỏ.
Tác giả trân trọng cảm ơn Nhà Xuất bản Trẻ đã tạo điều kiện cho cuốc sách này được ra đời.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng mười hai năm 1999
Nguyễn Tường Bách
(1) “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, trích trong bài kệ của Thiền sư Mãn Giác.
Mãn Giác (1052-1096) tên thật là Lý Trường, người đất Lũng Triền, hương An Cách. Theo các nhà địa lý học lịch sử Hà Bắc thì nay đó chính là xã Lũng Khê, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc.
Ngài xuất thân dòng hoàng tộc. Cha là Lý Hoài Tố, từng làm đến chức Trung thư ngoại lang dưới hai triều Lý Thánh Tông (1051-1072) và Lý Nhân Tông (1072-1128). Thiền sư Mãn Giác thuở nhỏ được vua Lý Nhân Tông sủng ái, đặt tên là Hoài Tín. Ngài xuất gia, được thiền sư Quảng Trí trụ trì chùa Quân Đinh truyền tâm ấn. Ngài tiêu biểu là truyền thừa thứ tám của dòng Thiền Quang Bích.
Ngày 30-11-1096, sư lâm bệnh, gọi đệ tử đến đọc kệ rằng:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
“Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai”
(Ngô Tất Tố dịch)
Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) là tên của người đời sau đặt và cho đến nay, bài này vẫn được xem là bài kệ duy nhất mà người đời sau tìm thấy được, mặc dù Ngài viết rất nhiều.
Thân thế của Thiền sư Mãn Giác được trích trong bài “Mãn Giác và bài thơ nổi tiếng của ông”, tác giả Nguyễn Huệ Chi đăng trong Tạp chí Nhà Văn số 1-2000
Xin khiêm cung đa tạ.
Trong tập này:
Lời tựa
Lời tựa in lần thứ hai
Chuyện người kỹ nữ
Người nuôi thú bên bờ biển
Con vượn lông đỏ
Người đạo sĩ bên gốc thông già
Gã chèo đò và sáu cây chùy
Tên tiểu đồng trên cây đào tiên
Bên đàn vịt trời
Chuyện người văn sĩ