An Phúc, Người Chồng
Tác giả: Nguyễn Vạn Lý
Khi An Phúc và con trai là Đại Chí về tới chợ làng Lưu Thôn, lưng hai người mồ hôi nhỏ giọt. Đại Chí đi theo sát gót An Phúc, và bước vào tiệm rượu Trịnh Hưng. Mỗi khi từ Thượng Hải về nhà, An Phúc có thói quen tới tiệm rượu nghỉ chân và uống một chén trà. Người chủ tiệm trước kia là người coi sổ sách cho dinh cơ nhà họ Lưu. Sau khi ba anh em nhà họ Lưu chia nhau gia sản, công việc coi sổ sách không cần nữa, lão dùng tiền để dành trong những năm làm trong nhà họ Lưu mở một tiệm rượu tại chợ. Vì sự liên hệ trước kia với nhà họ Lưu, lão quen biết nhiều người; sự quen biết ấy cũng như tính tình thân thiện của lão đã giúp tiệm rượu của lão phát đạt. Nhà họ Lưu và bạn bè của họ trở thành khách hàng của tiệm rượu. An Phúc cũng thân mật với lão kể từ khi gia đình chàng dọn tới dinh cơ nhà họ Lưu.
An Phúc đứng trước cửa tiệm và chào lão chủ tiệm đang ngồi tính toán sau quầy.
- Trịnh huynh đệ, công việc phát đạt chứ?
- A, ông An Phúc!
Lão chủ tiệm đẩy cái bàn tính vào chỗ cũ, rồi vội vàng đứng lên chào khách. Vạt áo choàng vải trắng dài của lão banh ra, đập vào hai bên chân.
- Xin mời vào, mời ngồi và dùng một chén trà. Ông trở về làm đám cưới của cháu gái phải không?
- Phải. Đáng lẽ tôi phải về sớm hơn nữa, nhưng công việc bận quá tôi không thể bỏ đi được. Đại Chí, chào bác Trịnh Hưng đi con.
Đại Chí khẽ chào lão chủ tiệm bằng "Bác". Chàng giống hệt cha, cùng một nước da ngăm ngăm, môi dầy và mắt sáng. Mũi An Phúc to hơn, và có một vết thẹo bằng ngón tay cái trên hàng lông mày trái; hồi nhỏ An Phúc té xuống một mảnh thủy tinh vỡ, và mặt bị cắt rất sâu. Khi nào chàng nổi giận, vết thẹo trở thành màu tím sẫm và mắt trái giật liên hồi, khiến Đại Chí và Vân Thụy rất sợ. Nhưng An Phúc biết tự kiềm chế và không bao giờ tức giận, trừ phi bị khiêu khích quá đáng. An Phúc người cao tầm thước nhưng rất vạm vỡ: cánh tay áo cuộn lên để lộ những bắp tay mạnh mẽ. Đại Chí cao hơn thân phụ phân nửa đầu và vai rộng hơn. Thân thể chàng dường như là những khối bắp thịt.
Lão chủ tiệm rượu hỏi, "Đây là Đại Chí, phải không? Tại sao mới có một năm mà nó đã cao vọt lên thế này! Tôi biết đã đến lúc nó phải lấy vợ rồi." Lão kéo hai chiếc ghế và mời hai người ngồi xuống, gọi người bưng trà, bước vào sau quầy tìm hai cái quạt làm bằng lá gồi, và bưng ra một đĩa hạt dưa và một đĩa đậu phọng. Trước khi lão ngồi xuống, lão đưa cho An Phúc một điếu thuốc lá, và tự châm cho lão một điếu.
- Đại Chí đang tính học đại học. Tôi nghĩ tôi có thể nuôi nó ăn học một hoặc hai năm nữa, vì tôi đã gả Vân Thụy rồi, vì thế tôi cho phép nó học tiếp. Trịnh huynh đệ biết đấy, thời bây giờ đã thay đổi rồi; người ta càng học nhiều thì càng bớt ngu xuẩn.
- Tôi rất đồng ý với ông. Ông An Phúc ơi, ông thật là có phước, một đứa con trai chăm chỉ, một đứa con gái gả vào một gia đình tốt.
An Phúc cười một cách thoa? mãn. "Ông bạn tử tế quá. Trong làng ta ra sao, bình yên chứ?"
- Không tốt mà cũng không tệ. Quân Nhật ít khi đến đây, nhưng những tên lưu manh phản quốc được chúng che chở, thường đến quấy nhiễu chúng tôi, đòi tiền và đủ thứ khác.
- Thế còn gã họ Lưu thì sao, tên hắn là gì nhỉ? Phải, Lưu Trường Khanh, hắn thế nào?
Lão chủ tiệm giật mình im lặng. Hắn không biết An Phúc đã nghe tin đồn về Lưu Trường Khanh và bà vợ chưa. Nếu ông ta đã nghe thấy rồi thì nghe biết bao nhiêu? Và ông ta tin bao nhiêu? Có phải ông ta đang tìm cách hỏi dò thêm không? Lão rít một hơi thuốc lá dài và nói, "Ông muốn hỏi gì, hắn làm sao?"
- Tôi muốn hỏi hắn có áp bức người ta không?
Lão chủ tiệm tỏ ra không biết gì và nói, "Tôi không biết chắc. Người ta đồn hắn... Nhưng không nên tin vào lời đồn."
Đại Chí nóng ruột lên tiếng, "Ba ơi, thôi mình đi đi, bà nội chắc đang nóng ruột chờ đấy."
Trên đường về nhà, An Phúc rất thắc mắc. Lần trước trở về, lão chủ tiệm chửi cái thằng lưu manh đó bằng những lời lẽ nặng nề, buộc tội hắn hiếp dâm, ăn cướp đồ nhà người ta và đủ thứ tội ác khác. Lão còn tiên đoán một ngày nào đó tên lưu manh sẽ bị đâm hàng ngàn nhát dao. Nhưng lần này lão miễn cưỡng không nói một điều gì chống lại hắn, mà còn có vẻ bảo vệ hắn. Chuyện gì đã xảy ra? Phải chăng lão đã trở thành đồng bọn của cái tên vô lại ấy? Có phải lão đã đi vào con đường quấy? Nhưng lão không phải là một người không có lương tri. Vậy thì tại sao lão có vẻ giấu giếm điều gì? Chàng sẽ hỏi người chị Nghĩa Phần về chuyện này khi về tới nhà.
Khi tới gần cái ao, chân chàng trở nên nhẹ nhàng hơn. Năm ngoái, chàng về thăm nhà bất ngờ khi cha bị bệnh tim. Hôm ấy khi về tới cái ao này, người đầu tiên chàng trông thấy là Thôi Mẫn, đang ngồi bên bờ ao giặt quần áo. Bàn tay nàng dưới nước, hai bàn tay vẫn giữ được vẻ mềm mại trắng trẻo sau bao nhiêu năm làm việc trong bếp. Hai bàn tay trắng ngần như thân thể nàng. Khi nàng tình cờ ngẩng đầu lên và trông thấy chàng, niềm vui dâng lên từ trái tim đã lan ra và làm dịu khuôn mặt nàng. Trong suốt hai mươi năm hầu hạ cha mẹ chồng ở nhà quê, nuôi con, chăm sóc mọi công việc trong nhà, không phải là dễ dàng đối với nàng. Thực vậy, thỉnh thoảng chàng cũng trở về, nhưng mỗi lần chỉ có vài ngày, thật là ngắn ngủi! Và ban đêm còn ngắn ngủi hơn nữa, bởi vì nàng còn phải dậy sớm để sửa soạn trà cho cha mẹ.
Cái người bạn họ Vương cùng làm việc và ngủ lại trong tiệm về ban đêm, đã nhiều lần muốn dẫn chàng giới thiệu cho những trò chơi hấp dẫn tại Tứ Lộ Ở Thượng Hải. Nhưng chàng không bao giờ đi theo hắn. Khi chàng nghĩ tới làn da mịn như lụa của Thôi Mẫn, chàng không còn thèm muốn đụng tới một người đàn bà nào khác. Bây giờ cha mẹ chàng sống với người chị, và người chị có thể săn sóc cho cha mẹ được, chàng sẽ dò hỏi xem bà mẹ có cho phép Thôi Mẫn đi Thượng Hải với chàng không. Dù chàng chỉ đem Thôi Mẫn đi sống với chàng chừng vài tháng thôi, thì cũng đủ cho chàng biết được cái đời sống gia đình bình thường sẽ như thế nào. Chàng đã chán cái cảnh ban đêm phải kê ván làm giường, và sáng phải thu dọn lại ở Thượng Hải, nói chi tới việc mỗi năm phải ngủ một mình suốt mười một tháng. Có lẽ mẹ chàng sẽ thông cảm cảnh vất vả của chàng và cho Thôi Mẫn đi theo. Ngoài ra Đại Chí cũng vào đại học Thượng Hải, và nó có thể sống chung với chàng nếu Thôi Mẫn cũng đi Thượng Hải. Như vậy, chàng sẽ đỡ tốn kém. Mẹ chàng bao giờ cũng nhượng bộ khi tiết kiệm được tiền bạc.
- Ba tính đưa mẹ con đi Thượng Hải một thời gian. Em con sẽ lấy chồng, cô con sẽ trông nom ông bà nội. Như vậy con không phải sống trong đại học xá.
- Ba ơi, con phải ở trong đại học xá nếu không thì sẽ mất đi cái ý nghĩa là sinh viên đại học. Nhưng con đồng ý một trăm phần trăm với ba về việc đưa má đi Thượng Hải. Ba má sống xa cách nhau như thế này thực là bất thường. Bây giờ em con lấy chồng, không còn lý do gì không cho má đi theo ba để sống như một cặp vợ chồng bình thường.
Đại Chí nói chuyện khác hẳn mọi người trong gia đình. Không những Đại Chí không dùng thổ âm trong làng, mà còn gọi cha mẹ là Ba và Má, theo kiểu cách con cái nhà quan. Chàng còn dùng những câu và chữ ngoài sự hiểu biết của gia đình. Cha chàng, mặc dầu hiểu chàng không nhiều lắm, nhưng kín đáo cảm thấy rất hãnh diện về chàng.
- Ba đồng ý với con, nhưng không biết bà nội có cho phép không.
- Bà nội không nên can dự vào việc của ba má. Con sẽ bảo bà nội như thế.
- Đại Chí, đây là việc của người lớn, ba không muốn con can dự vào. Đừng nghĩ rằng con đọc hơn người khác vài quyển sách mà con có thể bỏ ra ngoài sự tôn kính người trên! Tại sao con nói chuyện với bà nội về dự định của ba về má con? Khổng tử nói, "Khi cha mẹ còn sống, con trai không nên đi xa nhà." Ba bất đắc dĩ lắm mới đi Thượng Hải kiếm tiền; con nghĩ ba muốn xa cha mẹ? Nơi ở đúng nhất của một người con dâu là bên cạnh cha mẹ chồng, sao con lại cho là chuyện phi lý? Khi về đến nhà, đừng nói chuyện tầm bậy này với ông nội, nghe không?
Đại Chí lặng im một lúc mới lẩm bẩm đồng ý. Rồi chàng đi chậm lại, giữ một khoảng cách với An Phúc để tránh nói chuyện thêm. Khi hai người tới gần dinh cơ nhà họ Lưu, bên cạnh cái ao, An Phúc thở phào nhẹ nhõm.
- Cuối cùng cũng tới! Ở đây mát mẻ hơn Thượng Hải nhiều.
Cả hai người bước vội tới con đường bên bờ ao. Trương Tẩu, đang đứng ở cửa sau nói chuyện với đầy tớ nhà Tam Gia, ngẩng đầu và reo lên: "Trần Lão gia và thiếu gia đã về! Trần Lão Gia đã về!" Rồi mụ chạy vào trong nhà để báo tin cho mọi người. Khi tới gần nhà, An Phúc và Đại Chí bước vào cửa sau. An Phúc hy vọng Thôi Mẫn sẽ chạy ra đón chàng, nhưng chỉ thấy Vân Thụy nhảy lên và chạy lại với chàng, theo sau là Nghĩa Phần và cha mẹ chàng. Chàng cảm thấy hơi buồn buồn, nhưng vẫn mỉm cười chào cha mẹ và chị.
Đại Chí nói đùa em gái, "Chỉ còn ba ngày nữa em đã có chồng rồi, sao em có thể nhẩy cỡn lên như thế? Không biết mắc cở! Anh chắc em không thể chờ được lúc nhẩy vào nhà họ Trương!"
Trong lúc Vân Thụy đuổi theo để đánh chàng, Đại Chí chạy vọt qua cửa, chạy tới cuối hành lang và hỏi, "Má đâu rồi?"
Đúng lúc đó Thôi Mẫn từ cửa bếp bước ra, tay vẫn lau mồ hôi mặt, và quay lại dặn Trưởng Tẩu một lần nữa, "Nhớ để lửa nhỏ thôi, để lửa nóng quá sẽ làm mất mùi vị cá vền nấu hành." Khi nàng quay lại, nàng trông thấy chồng. Nàng đang mặc một bộ quần áo mỏng màu ngọc thạch. Chiếc áo đẫm mồ hôi dính vào người nàng. Mặt nàng đỏ bừng vì hơi nóng, và những giọt mồ hôi đọng lại trên trán nàng. Cổ áo nàng hở ra và trễ xuống, để lộ cái cổ trắng muốt. Khi trông thấy An Phúc, mặt nàng đỏ bừng tới tận tai.
- Chàng đã về!
Rồi nàng trông thấy hai mắt của bà mẹ chồng đằng sau chồng, giống như hai mũi tên tẩm độc bắn thẳng vào nàng. Nàng vội vàng khép cổ áo và cài nút lại.
- Chàng hãy lên nghỉ trên phòng của cha. Em sẽ bưng nước lên cho chàng lau rửa.
Rồi nàng quay vào trong bếp. An Phúc cúi nhìn đôi mông tròn lẳn của vợ đang lúc lắc bên dưới cái quần mỏng màu lục.
Ngày hôm trước khi An Phúc về, cha mẹ chàng và người chị trong một buổi họp bí mật, đã quyết định họ sẽ không nói một lời gì về chuyện xấu xa đã xảy ra, cho đến khi hôn lễ xong. Vì thế, sau bữa ăn tối, họ chỉ bàn với chàng về chương trình hôn lễ của Vân Thụy, rồi giục chàng đi nghỉ sớm, sau một ngày dài đi đường. Vân Thụy vẫn thường ngủ trong cái phòng nhỏ bên trong phòng của Thôi Mẫn, để bầu bạn với mẹ trong lúc An Phúc ở Thượng Hải, nay trở về căn phòng ở phía đông, và ngủ trong căn phòng với người anh.
Khi An Phúc bước vào, Thôi Mẫn đã nấu sẵn nước nóng trong cái chậu tắm bằng gỗ sơn đỏ. Trong lúc chồng tắm, nàng xuống bếp xem mọi thứ đã sắp gọn chưa, và ghé phòng cha mẹ chồng để hỏi xem họ cần gì nữa không; rồi tới phòng Đại Chí thu dọn những quần áo con thay ra, và lắng nghe Đại Chí thao thao kể chuyện học đường. Vào lúc nàng trở lại phòng riêng, An Phúc đã nằm trên giường phe phẩy chiếc quạt, chờ nàng.
Bất cứ khi nào hai người ở một mình, chàng nói khẽ, và giọng nói hơi khàn khàn và vội vàng. "Thôi Mẫn. Sao nàng đi đâu lâu thế? Ta nóng lòng chờ nàng đây!"
Mặc dù lòng dạ đầy lo ngại, nàng cũng không thể không cười rúc rích. "Ngồi như thế thì làm sao mà không nóng cho được? Hãy đứng dậy lại gần cửa sổ cho mát."
- Ta đang đợi nàng đây, mau lên!
Nàng vào phòng trong, dùng nước trong chậu chàng vừa tắm, lau người nàng thật sạch. Sau khi lau khô người, nàng thoa phấn mát lên khắp người, và sức nước hoa vào nách và cổ. Rồi nàng rửa mặt và bôi son phấn. An Phúc hối thúc gọi nàng đến nỗi nàng không kịp mặc quần áo trước khi bước vào giường. Sau đó thân thể hai người ướt đẫm mồ hôi. Thôi Mẫn xuống giường lau rửa người một lần nữa và mặc quần áo lót, trong khi đó nàng nhớ lại hàng ngàn lần những lời nàng định nói với An Phúc. Nàng không bỏ đi một chi tiết nào của cái biến cố ấy. Nàng phải cho chàng biết về cảm nghĩ thực của nàng đối với chàng, dù chàng quyết định thế nào về tương lai nàng cũng được.
Nàng trở lại giường, và thất vọng thấy chàng đã ngáy ngủ.
Ngày hôm sau An Phúc phải ra chợ. Chàng tìm người khiêng kiệu và rương của cô dâu, người đánh chiêng trống, và sáu người đi kèm kiệu cô dâu. Chàng mất cả một ngày mới tìm thuê được. Rồi chàng đưa tất cả về nhà, cho ăn uống, và định giờ họ phải tới trong ngày cưới. Sau khi họ đi rồi, chàng đến phòng cha mẹ để bàn về chi tiết bữa tiệc cưới ngày hôm sau, ghi tiền từng món một. Rồi tay cầm cuốn sổ kế toán, chàng kiểm điểm lại những đồ cô dâu mang về nhà chồng trong phòng con gái. Vào lúc chàng trở lại phòng riêng thì chàng đã mệt đừ. Sau khi tắm xong, chàng ngủ thiếp đi trước khi Thôi Mẫn ở nhà bếp lên.
Ngày hôm sau là ngày trước đám cưới, và chàng còn bận rộn hơn nữa. Bà con bạn bè mang đồ mừng đến chúc mừng, và mãi đến tối họ mới ra về. Ba bàn tiệc dọn ra mời khách ăn uống. Mặc dù Thôi Mẫn không lúc nào ngơi tay trong bếp, nhưng nàng cấm Vân Thụy không được phụ giúp nàng trong ngày cuối cùng còn là con gái. Sau khi người khách cuối cùng ra về rồi, chân nàng sưng đến nỗi nàng không thể tháo giầy ra được. Vậy mà nàng vẫn phải giúp Trương Tẩu lau nhà bếp, và phải coi con ở thu dọn phòng ăn. Đèn trong phòng cha mẹ chồng nàng đã tắt khi nàng làm xong mọi việc, và nàng đi về phòng con gái.
Vân Thụy vẫn mặc chiếc áo thêu ngắn tay nhẹ màu hồng mà nàng mặc từ sáng, đang ngồi bên cạnh đèn và nghe lời ông bố căn dặn. Đại Chí ở trong phòng riêng, tập thổi khẩu cầm. Âm điệu của chiếc khẩu cầm tạo ra một bầu không khí hoang vắng cho buổi tối yên tĩnh. Thôi Mẫn bật khóc khi nàng ngồi xuống cạnh con gái. Nàng rất mệt, và sự hồi tưởng đến ngày cưới của chính nàng hai mươi năm trước, càng làm cho nàng nghĩ nhiều hơn đến cái tương lai bấp bênh của nàng.
An Phúc khẽ gọi, "Thôi Mẫn, Thôi Mẫn. Thế này nghĩa là gì? Ta đã khuyên được Vân Thụy không nên lo lắng. Nàng lại làm cho con gái khóc nữa phải không? Xương Đức là một thanh niên rất tốt. Vân Thụy không cần phải lo ngại gì khi sống với nó. Vào cái thời kỳ loạn lạc này, nàng tìm đâu được một người con rể tốt như nó?"
- Mẹ Ơi, con sẽ về thăm mẹ mỗi tuần hai hoặc ba lần. Mẹ có thể chắc như thế.
- Ta đã quyết định đưa mẹ con đi Thượng Hải với ta sau khi con lấy chồng. Có lẽ ta giữ mẹ Ở lại với ta cho tới khi hết chiến tranh. Ở đây đã có cô của con săn sóc cho ông bà rồi.
- A, thế thì tuyệt quá! Con cũng vừa nói chuyện với mẹ về chuyện này tối hôm nọ. Cha đã hỏi ý ông nội chưa?
Thôi Mẫn chợt ngừng khóc, lắng nghe câu trả lời của chồng.
- Mấy hôm nay ta quá bận với chuyện cưới của con thì làm gì có thời giờ nói chuyện với ông bà. Ngay khi con ngồi lên kiệu cô dâu, ta sẽ nói chuyện với ông bà. Chắc chắn ông bà sẽ không phản đối. Mẹ con không được một ngày thoải mái trong suốt hai mươi năm qua; bây giờ con và Đại Chí đã lớn rồi, mẹ con phải được hưởng hạnh phúc đôi chút chứ.
Vân Thụy nắm tay mẹ và nói thật trìu mến, "Đúng vậy! Mẹ Ơi, bây giờ mẹ đừng buồn nữa nhé. Có thể Xương Đức và con sẽ đi Thượng Hải thăm mẹ; có lẽ chúng con cũng dọn lên Thượng Hải nữa, và sống bên cạnh nhà mẹ. Như thế thực là tuyệt diệu, phải không mẹ?"
Thôi Mẫn không thể không mỉm cười qua làn nước mắt. "Con thật là ngớ ngẩn! Chuyện này vẫn còn là chuyện trên trời mà con tưởng như con đã nắm được trong tay rồi vậy!" Nàng vuốt ve cánh tay Vân Thụy và hỏi, "Tại sao tay con lạnh thế! Đi ngủ đi, sáng mai con phải dậy sớm đấy. Tam Nương sẽ sang để làm mặt cho con. Áo cưới mẹ đưa cho con đâu?"
- Ở đằng kia.
- Con có nhớ những điều mẹ dặn con không? Lúc nào con cũng phải nhẫn nhục, dù con bị lấn át; đừng quên lúc nào cũng phải tươi cười. Khi con là con gái, con là một con chim; con được ăn khi con đói, rồi con bay đi chơi đùa thỏa thích. Nhưng khi con là con dâu, con trở thành một con bò kéo cối xay lúa. Con phải kéo từ sáng tới tối; bất cứ khi nào con chậm lại, sẽ có roi quất vào người con. Mẹ không nói cái roi thực, nhưng là một thứ vất vả mà một người con dâu phải chịu đựng, còn tệ hơn là bị quất bằng roi. Phải thận trọng trong mọi vấn đề, phải tinh ý nhận ra thái độ trên mặt người khác. Không bao giờ được cãi lại mẹ chồng. Ngay cả khi con đúng, con vẫn phải chịu nhận sự buộc tội của mẹ chồng. Cái chữ con dâu có nghĩa là chịu đựng.
- Con biết mà mẹ. Mẹ bận suốt cả ngày, chắc mẹ mệt lắm và đi nghỉ đi.
An Phúc an ủi vợ, "Mẹ của Xương Đức là một người hiểu biết và sáng suốt. Bà ta sẽ không đày đọa Vân Thụy đâu. Nàng có thể an tâm nghỉ ngơi." Rồi chàng quay sang nói với Vân Thụy, "Bây giờ con đi ngủ đi. Ngày mai là một ngày vất vả cho con đấy và đêm nay con phải ngủ đẫy giấc. Anh con sẽ đi theo kiệu cô dâu sang nhà Xương Đức. Nó và Xương Đức là bạn học. Nếu họ mời nó ở lại đêm bên đó, ta sẽ bảo anh con nhận lời, để cho con cảm thấy dễ chịu hơn khi biết có anh con ở cùng với con. Thôi đi ngủ. Đại Chí, thôi đừng thổi kèn nữa. Con biết bây giờ là mấy giờ rồi không?"
Vào phòng riêng, Thôi Mẫn ngồi xuống giường, đặt chân vào cái ghế để chân và bắt đầu xoa bóp. An Phúc quỳ xuống bên cạnh vợ, giúp xoa bóp chân nàng. Vội vàng co chân lại, Thôi Mẫn nói, "Chàng còn mệt hơn em. Chàng đi ngủ đi. Ôi, bằng giờ này ngày mai, Vân Thụy sẽ không còn là của chúng ta nữa! Dù con trai hay con gái, chúng nó cuối cùng rồi cũng đi mất." Giọng nàng im dần và rút ra một chiếc khăn tay từ ống tay áo.
- Thôi Mẫn, Thôi Mẫn, nàng lại như thế rồi! Dù cuối cùng các con của nàng xa nàng thì nàng vẫn còn có ta. Nàng sẽ đi Thượng Hải với ta và ta sẽ thuê một căn phòng gần cửa tiệm, giống như ông Quế, người bạn cùng làm chung với ta. Ban ngày ta đi làm, nhưng ban đêm ta sẽ dẫn nàng đi chơi. Thượng Hải rất là nhiều màu sắc và sinh động, chỉ nội một tiệm bách hoá Thành Tín thôi cũng đủ làm nàng choáng váng quay cuồng rồi. Có đủ các thứ món ngon nàng có thể ăn, đủ mọi nơi chốn nàng có thể đến xem, chừng nào nàng có tiền! Nàng đã làm vợ ta hai mươi năm rồi, thế mà chúng ta không có lấy một ngày dành riêng cho nhau. Lần này, dù thế nào mặc lòng, ta sẽ đem nàng đi Thượng Hải. Và ta bảo đảm, chỉ hai ngày sau khi nàng tới Thượng Hải, nàng sẽ quên Vân Thụy ngay.
Thôi Mẫn cúi xuống kéo chàng lên và để chàng ngồi cạnh nàng. Nắm chặt tay chàng, nàng hỏi, "Chàng có thực sự đem em đi Thượng Hải không?" Nàng thường gọi chồng là "Tía thằng Đại Chí" khi có mặt người khác. Nhưng khi chỉ có hai người, nàng không bao giờ gọi tên chàng. Trong suốt hai mươi năm, chưa lần nào nàng gọi cái tên "An Phúc". "Lần này, chàng nhất định đem em đi theo ư?"
- Dĩ nhiên. Trên đường về từ Thượng Hải, ta chỉ nghĩ đến chuyện này thôi.
Nàng buông tay chồng ra để bóp chân. "Mẹ sẽ không đồng ý đâu."
- Chính ta sẽ nói chuyện với mẹ. Tía là người hiểu biết. Tía sẽ giúp ta khuyên mẹ. Nàng không phải lo ngại. Sau khi Vân Thụy bước lên kiệu hoa, nàng có thể bắt đầu sắp sửa đồ mang theo.
Nàng vẫn cúi đầu. "Mẹ sẽ không đồng ý."
- Ta biết mẹ hơi cứng rắn. Và mẹ quen việc hầu hạ của nàng trong những năm qua, thì dĩ nhiên là mẹ không muốn để nàng đi. Nhưng ta sẽ khuyến dụ mẹ và bảo rằng nàng đã quá đau lòng về việc Vân Thụy về nhà chồng, và ta phải đưa nàng đi Thượng Hải để nàng quên Vân Thụy, và nàng sẽ trở về chừng một hay hai tháng thôi. Mẹ không thể ngăn cản nàng đi nếu nàng chỉ đi trong một thời gian ngắn. Một khi nàng đã đi khỏi đây rồi, nàng có thể ở lại sáu tháng, hoặc một năm. Mẹ không có cách gì kéo nàng trở về.
- Mẹ sẽ không đồng ý. Em biết mẹ sẽ nói điều gì để ngăn cản chàng.
- Thôi Mẫn, ta biết nàng và mẹ không hợp nhau, và ta cũng biết mẹ đôi khi cũng rất nóng tính, nhưng ta biết chắc mẹ không chủ ý hành hạ nàng. Trong quá khứ, mẹ có lý do không để nàng ra đi. Bây giờ Vân Thụy đã lấy chồng rồi, ĐạI Chí sẽ đi học tại Thượng Hải, và ở đây còn có Nghĩa Phần săn sóc, mẹ sẽ không có cớ để giữ nàng ở lại.
Bỗng nhiên nàng nắm chặt lấy hai tay chồng. "Mẹ sẽ giữ lại. Có một điều em muốn cầu xin chàng. Trong suốt hai mươi năm, em chưa cầu xin chàng một điều gì, bây giờ em cầu xin chàng. Bất cứ mẹ hoặc cha nói gì với chàng, xin chàng đừng tin. Chàng phải tin em. Mặc dầu em không được đi học nhiều, nhưng em cũng biết điều xấu điều tốt. Chàng đã đối xử với em rất tốt. Em sẽ không làm điều gì làm chàng đau lòng. Chàng phải tin em cái điều đặc biệt này."
Chàng hơi ngạc nhiện và bực mình. "Thôi Mẫn, nhiều lắm là mẹ không cho nàng đi, chứ không nói điều gì xấu về nàng đâu. Mẹ không phải là hạng người như vậy, nàng có thể tin chắc điều ấy. Đôi khi nàng coi ta như là một đứa trẻ ba tuổi. Nàng thực sự nghĩ rằng mẹ có thể bảo mặt trời mọc ở phương tây, và ta vẫn tin mẹ ư? Nàng đừng lo lắng, ta sẽ giải quyết mọi chuyện. Ngủ đi. Coi lại chân xem nếu chỗ sưng không bớt thì nàng không thể đi chợ được, chứ đừng nói Thượng Hải." Chàng gỡ tay ra khỏi tay Thôi Mẫn, vươn vai, và ngáp. Chàng bắt đầu cởi áo dài.
Miệng Thôi Mẫn há hốc đến nỗi cổ nàng đau khi nuốt nước miếng. Nhưng vì bây giờ nàng đang hoảng hốt, nàng cứ tiếp tục nuốt nước miếng. "Em... em có điều muốn nói với chàng. Một hôm..."
- Thôi Mẫn, ta biết tất cả những việc mẹ hành hạ nàng, nhưng thôi hãy để quá khứ trôi đi, tại sao còn nói đến nữa? Ta hứa danh dự với nàng: bất cứ mẹ nói gì, ta vẫn đưa nàng đi Thượng Hải với ta. Nàng đã bằng lòng chưa?
Chàng vẫn đứng giữa căn phòng, ánh đèn chiếu vào má trái của chàng. Nàng trông thấy mí mắt trái của chàng giật liên hồi nên không dám tiếp tục nói nữa, cũng như nàng vốn không có can đảm thú tội. Chàng cởi quần áo ra và đi vào bên trong để rửa chân. Thôi Mẫn lê bàn chân sưng của nàng lại giường, dùng quạt xua đuổi muỗi, buông màn xuống, và cũng đi rửa chân. Vào lúc nàng sẵn sàng lên giường thì An Phúc vẫn còn chờ nàng. Ngay cái phút đầu tiên nàng chui vài mùng, chàng ôm chặt lấy nàng.
- Ngày mai là ngày của con gái chúng ta, hãy sống một ngày thực vui vẻ. Ta bảo đảm bằng giờ này tuần sau, chúng ta sẽ ở Thượng Hải, chỉ mình nàng và ta. Hãy an tâm và ngủ đi.
Suốt đêm đó Thôi Mẫn không thể nhắm mắt. Ngay lúc gà gáy lần đầu, nàng ngồi dậy. Đầu nàng nhức như búa bổ và trước mắt nàng tối xầm lại. Nàng cố gắng mặc quần áo thường ngày, và như thường lệ, vào bếp để đun nước pha trà cho cặp vợ chồng già. Rồi nàng đặt nồi cháo yến lên bếp hâm nóng để con gái ăn sáng, trước khi con ở mắt nhắm mắt mở bước vào, tìm nước sôi cho cha mẹ chồng nàng. Vào lúc mọi người thức dậy, Thôi Mẫn bưng chén cháo yến trên một chiếc khay bạc vào phòng Vân Thụy. Bên dưới tấm mền mỏng bằng lụa vẽ hình bông sen, con gái nàng vừa thức giấc. Khi trông thấy mẹ, tim Vân Thụy đau nhói, và quay mặt vào tường để tránh không nhìn mặt mẹ. Thôi Mẫn cũng cố cầm nước mắt và nài nỉ con gái dậy và ăn chén cháo. Rồi nàng giúp con gái mặc quần áo cưới. Mỗi lần mặc thêm một thứ quần áo lên thân thể con gái, tim nàng lại trĩu nặng thêm. Khi Vân Thụy mặc xong quần áo rồi, thì chiếc áo của Thôi Mân thấm đầy nước mắt. Nàng quay mặt đi chỗ khác, không nhìn Vân Thụy.
- Mẹ đã nói tất cả những gì mẹ muốn nói với con rồi, Vân Thụy. Tóm lại, con phải hết sức bảo trọng. Khi trời lạnh, phải mặc thêm quần áo buổi sáng và buổi tối. Khi ăn, con đừng ăn quá nhiều để chọ..
Vân Thụy nhào vào vòng tay mẹ. "Mẹ Ơi! Con sẽ trở về trong vòng ba ngày!" Những lời nói không đem lại an ủi cho chính Vân Thụy, và nàng oà khóc.
Lưu Tam nương đi cùng mấy người đàn bà tới làm mặt cho Vân Thụy. Thôi Mẫn vội vàng lau nước mắt và mỉm cười chào đón họ. Nàng gọi con ở bưng trà và đi tìm người chị chồng đến nói chuyện với khách. Kể từ đó, nàng bận bịu với nhiều việc vặt trong bếp cho tới lúc Vân Thụy bước lên kiệu hoa. Vì có nhiều người vây quanh, nàng không thể nói những gì nàng muốn nói với con gái. Khi tiếng chiêng bắt đầu vang lên ở cửa trước, báo hiệu cuộc rước dâu khởi sự, Đại Chí mặc một bộ âu phục mới, chạy tới bồng em gái vào kiệu hoa. Vân Thụy nắm lấy chiếc áo thêu đỏ sẫm của mẹ và khóc, "Mẹ, mẹ Ơi!"
Đưa chiếc khăn tay trắng viền ren che lên mặt, và không để ý tới trong nhà đầy khách, Thôi Mẫn khóc theo con gái. Các khách phụ nữ an ủi nàng, "Con gái của chị phải đạo hạnh trong ba kiếp trước mới được vào làm dâu trong một gia đình như thế!"
- Chàng rể tai to mặt lớn, có tướng giầu sang sau này.
- Vân Thụy, con không nên khóc như thế khiến mẹ con lo buồn. Nếu phấn trên mặt con bị ướt, chúng ta phải thoa lại. Thôi bước lên kiệu mau lên, trễ rồi đó!
Những lời nói đã làm dịu Vân Thụy và cuối cùng nàng nín khóc. An Phúc vẫn ở trong phòng ngoài tiếp khách của nhà họ Trương tới đón dâu; nhà họ Trương nhắc nhở đã tới giờ đón dâu rồi. Đại Chí giằng em gái ra khỏi tay mẹ, bồng lên, và băng ngang qua phòng khách và đặt vào chiếc ghế trong kiệu hoa, ngay tại cửa trước. Khách trong phòng Vân Thụy đều đi theo Đại Chí ra cửa, tại đấy các nhạc công bắt đầu thổi kèn đánh trống sửa soạn tiễn đưa cô dâu.
Thôi Mẫn trong trạng thái hôn mê thất thần, bước ra khỏi phòng con gái về phòng riêng và ngồi xuống cuối giường. Theo tập quán thì bà mẹ thường than van rên rỉ ồn ào khi con gái sắp được đưa về nhà chồng. Vì thế nàng khóc mặc sức, không kiềm chế, tuôn ra tất cả những bất hạnh của nàng kể từ ngày Lưu Trường Khanh lôi nàng lên lầu.
Dần dần chiếc kiệu hoa khuất dạng, và tiếng ồn ào của kèn trống trở nên mơ hồ. An Phúc và cha mẹ vẫn còn đầy một nhà khách khứa phải tiếp. Khách được mời ngồi quanh những chiếc bàn tròn trong phòng khách. Bằng một hành động bề ngoài, mẹ và chị An Phúc tới phòng Thôi Mẫn và chiếu lệ năn nỉ nàng đừng quá buồn phiền, và an ủi nàng bằng một chân lý rẻ tiền là con gái nhà ai cũng phải lấy chồng khi tới tuổi. An Phúc nhiều lần vào phòng để đua cho vợ một chiếc khăn nóng, rót cho nàng một tách trà, hoặc bằng một giọng nhẹ nhàng, xin nàng hãy vì sức khoẻ mà đừng buồn lo thái quá. Chàng cũng cho nàng biết nàng không phải lo việc tiếp khách, nhưng nàng cần phải nghỉ ngơi. Chàng bảo sẽ sai con ở mang cơm vào cho nàng.
- Nếu nàng không ra thì khách cũng không phiền hà gì đâu. Nàng phải nằm nghỉ sau khi ăn cơm trưa. Trong mấy ngày vừa qua nàng đã làm việc quá nhiều. Nếu nàng không nghỉ thì sẽ bị bệnh đấy. Sau khi ta tiễn khách, và dặn chúng nó dọn dẹp nhà cửa, ta sẽ vào với nàng. Và tối nay, ta sẽ bảo cho mẹ biết ta sẽ đem nàng đi Thượng Hải với ta. Nàng phải nghỉ đi.
Vai Thôi Mẫn rung rên vì khóc, chiếc khăn tay của nàng ướt đẫm nước mắt. Sau khi lau mặt bằng chiếc khăn chồng đưa, phấn trên mặt nàng trôi hết, để lộ ra một nước da vàng tái và hai mí mắt sưng húp. Nàng trông thực là bệnh hoạn.
- Mẹ không...
Chàng vỗ nhẹ lên vai nàng, không cho nàng nói nữa. "Ta biết, ta biết. Nhưng ta hứa với nàng mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nàng phải nghỉ sau khi ăn xong."
Con ở đem vào bốn đĩa thức ăn nhỏ và một bình cháo trên một chiếc khay kiểu Phúc Kiến bóng loáng. Thôi Mẫn từ sáng chưa ăn gì, cảm thấy đói khi mùi đồ ăn bốc lên mũi nàng. Sau khi con ở đi ra, nàng ăn một chén cháo, xúc miệng và rửa mặt một lần nữa. Khách bên ngoài vẫn cười và ồn ào trong trò chơi đố ngón tay, nhưng nàng không có tâm trạng ra nhập cuộc chơi. Ngoài ra, đồ ăn trong bụng nàng, nỗi mệt nhọc dồn dập từ vài ngày qua, và một đêm vừa qua không ngủ, tất cả đã đưa nàng vào một giấc ngủ trưa mê man. Nàng định sẽ ra tiếp khách ngay khi nàng ngủ dậy.
Nhưng vừa đặt lưng xuống, nàng chìm vào một giấc ngủ say sưa, mãi tới khi căn buồng tối hẳn nàng mới thức giấc. Ngơ ngác, nàng ngó nhìn chiếc đồng hồ trên chiếc kỷ trà bên cạnh giường, và mãi lúc đó nàng mới biết nàng ngủ suốt cả buổi chiều. Nàng ngồi bật dậy, hất chiếc mền mỏng sang một bên, chiếc mền có lẽ do An Phúc đắp cho nàng. Căn nhà rất yên tĩnh. Nàng đoán An Phúc đang ở trong phòng của bà mẹ chồng.
Trong phòng mẹ chồng của nàng! Tim nàng hồi hộp đập mạnh trong lồng ngực. Không thể thế, không thể thế! Nàng lơ đãng gấp chiếc mền mỏng lại, đứng trước cái tủ quần áo, nàng thoa chút son phấn lên mặt, chải lại tóc và vuốt thẳng quần áo bèo nhèo. Khi nàng sắp bước ra khỏi phòng, thì chiếc màn cửa bị giật mở toang và An Phúc đứng đó. Nàng co rúm như một trái banh, như thể là chiếc màn cửa đập vào nàng thay vì vào tường. Trong bóng tối, cái thẹo tím nâu của An Phúc nổi bật lên vì mặt chàng đã biến thành màu xám như tro, trong khi mí mắt trái giật giật như thể chàng đang trong một cơn động kinh. Thôi Mẫn hoảng hốt lùi lại một bước, tựa người vào chiếc tủ quần áo. Nàng cố gắng hỏi, "Chàng ở đâu? Em đang định đi tìm chàng."
An Phúc tiến một bước về phía nàng. Một tay nắm chặt chiếc áo thêu của nàng, chàng nhấc bổng nàng lên. "Nàng hỏi ta ở đâu hả? Nàng sợ muốn chết biết ta ỏ trong phòng của mẹ ta, phải không? Con điếm rẻ tiền! Hành động của nàng đẹp lắm!" Rồi chàng buông tay ra và Thôi Mẫn lảo đảo, lưng nàng lại đụng vào chiếc tủ quần áo. "Hay lắm! Trong lúc ta làm ăn vất vả như một con ngựa ở Thượng Hải, nàng lén đưa đàn ông vào nhà! Nói cho ta biết, cho ta biết! Làm thế nào nàng dan díu với thằng lưu manh ấy?" Tiến lên một bước nữa, An Phúc đứng sát nàng, ngón tay trỏ của chàng giống như ngón tay trỏ của bà mẹ, chỉ thẳng vào nàng, gần như chạm vào mặt nàng.
- Em đã muốn cho chàng biết chuyện này, em không bao giờ có ý định... gian díu với hắn. Chính là tại gã họ Lưu đó, hắn dùng sức mạnh lôi em lên lầu...
An Phúc hất mặt về phía trước, chỉ tay vào mũi, và nói chặn nàng, "Hà, nàng cho ta là một kẻ ngớ ngẩn hay sao? Nếu nàng không đồng ý, thì ai có thể làm gì được nàng? Mẹ thật là quá đúng, khi nói nàng là đồ rẻ tiền, sinh ra đã rẻ tiền rồi. Cút đi, gia đình nhà họ Trần không thể chứa một con người dâm đãng như nàng!"
Lập tức Thôi Mẫn quỳ xuống, hai tay ôm chân An Phúc, và nói, "Xin hãy nghe em! Em không bao giờ đồng ý chuyện đó, không bao giờ. Hắn cưỡng bức em. Em chỉ là một người đàn bà, làm sao em chống cự được hắn? Nếu em nói dối một lời thì sét đánh em chết ngay lúc này!"
An Phúc gầm lên, "Sét sẽ đánh chết nàng thực đấy! Nói hay lắm! Vậy thì tại sao nàng không tự tử đi khi hắn cưỡng bức nàng? Tại sao nàng không đập đầu vào chân giường để chết đi?"
- Đúng là những lời của mẹ! Vậy mà chàng hứa chàng sẽ không tin những gì mẹ nói!
An Phúc đạp nàng ra, rồi nâng nàng dậy, tát chéo vào mặt nàng, mạnh đến nỗi nàng bị văng tới tận giường. Một dòng máu đỏ tươi ứa ra từ khoé miệng nàng. "Sao nàng dám phê bình mẹ sau khi nàng đã làm chuyện này?" Vung một cánh tay, An Phúc gạt tất cả những đồ son phấn trên mặt tủ quần áo xuống đất. Chiếc hộp phấn có tiếng nhạc bên trong kêu lên một khúc nhạc trong căn phòng tối tăm. An Phúc dùng chân đạp lên cái hộp phấn để chấm dứt tiếng nhạc. "Trong suốt những năm qua, ta đối xử với nàng như một người đàn bà có tư cách, mua cho nàng cái này cái nọ cho nàng sung sướng. Ta không bao giờ ngờ rằng nàng bôi phấn lên mặt để quyến rũ đàn ông khác. Đêm nay, trước khi ta trở lại phòng này, nàng phải ra đi - ta không muốn trông thấy nàng một lần nữa!" An Phúc bước ra khỏi phòng, gạt tấm màn cửa mạnh đến nỗi chiếc màn cửa đập vào bức tường.
Vào khoảng nửa đêm, khi An Phúc lảo đảo bước vào phòng, Thôi Mẫn vẫn còn ngồi nguyên chỗ cũ. Trên chiếc bàn cạnh cửa sổ, ngọn đèn dầu thắp lờ mờ. Chàng buông người xuống chiếc ghế gụ, bên cạnh bàn; chiếc bàn lung lay khiến cho ngọn đèn cũng chập chờn và căn phòng trở nên tối hơn. Thấy chồng say rượu, Thôi Mẫn vội đứng dậy, rót một tách trà, và hai tay bưng lại cho chàng. An Phúc uống hết tách trà mà không quay lại nhìn nàng, và đặt mạnh tách trà lên bàn, làm cho ngọn đèn mờ hơn nữa. Rồi chàng đứng dậy bước vào phòng trong. Không buồn cởi chiếc áo choàng dài, chàng nhào lên cái giường mà Vân Thụy thường ngủ mỗi khi chàng vắng nhà. Thôi Mẫn tìm một chiếc mền mỏng và bước vào phòng trong. Nàng muốn đắp mền cho chàng nhưng không dám, sợ chàng nổi nóng. Nàng đứng tư lự một lát, rồi thở dài và quay đi, bỏ cái mền trên chiếc rương. Sau khi vặn đèn nhỏ hơn nữa, nàng cởi quần áo và nằm trên chiếc giường của nàng.
Những tư tưởng rối mù khiến nàng không thể ngủ được. Nàng nghĩ đến Vân Thụy ở trong phòng tân hôn ngay lúc đó, đang phải chịu đựng những trò đùa rỡn và chế riễu của khách dự tiệc cưới. Nàng không biết Đại Chí có thể che chở cho em gái được không. Trương Xương Đức tỏ ra một thanh niên khôn ngoan. Chắc nó biết cách làm cho khách phải đi ra khỏi phòng tân hôn. Nàng không biết khi chỉ có hai người trong phòng, thằng nhỏ có dịu dàng với Vân Thụy không. Dẫu thế nào, nàng cũng không rời bỏ căn nhà này cho đến khi nàng trông thấy Vân Thụy trở về nhà với chồng trong ba ngày nữa. Liệu An Phúc có nhẫn tâm đẩy nàng ra khỏi nhà ngay không? Nàng ghì chặt cái gối vào ngực để chặn cơn đau trong tim nàng. Chiếc khăn phủ gối bên dưới đầu nàng ướt và lạnh. Nàng không biết nàng khóc từ bao lâu rồi.
- Thôi Mẫn, Thôi Mẫn! Rót nước, ta khát muốn chết đây!
An Phúc gọi nàng bằng một giọng ngái ngủ. Thôi Mẫn mừng rỡ và vội rót một tách trà lạnh. Tay cầm chiếc đèn tù mù và tách trà, nàng đi vào buồng trong, và trông thấy chồng nằm xấp trên giường, đầu thò ra ngoài cạnh giường. Nàng đặt cây đèn và tách trà xuống, nàng khéo léo lật ngược chồng lại, đặt đầu chồng tựa vào ngực. Rồi nàng nới lỏng cổ áo choàng của chồng, và đưa tách trà vào miệng chồng.
An Phúc uống một hơi cạn tách trà, và nói nửa thức nửa ngủ, "Chị Nghĩa Phần lôi ta sang nhà Tam Gia chơi mà chược. Ta uống nhiều rượu quá. Hừ ta khát quá! Thôi Mẫn, nàng đâu rồi?"
Nàng vặn to ngọn đèn, vuốt tóc chồng. Nàng cúi xuống nhìn mặt chồng. "Em đây. Bây giờ chàng thấy khá chưa?"
An Phúc tỉnh ngủ dần dần và trông thấy vợ. Con mắt trái của chàng co lại, và chàng ngồi bật dậy như thể bị điện giật. "Nàng ở đây làm gì? Đi ra ngay! Ta không muốn nhìn thấy nàng nữa!" Nhưng chàng đã nhìn thấy nàng quá rõ trong bộ quần áo ngủ màu hồng, hai đầu vú nhô lên bên dưới làn vải mỏng, và hai đùi nàng mịn và trắng nõn. Chàng vội quay nhìn đi chỗ khác.
Trông thấy mặt chồng không còn cọc cằn như hồi chiều, Thôi Mẫn gục vào ngực chồng và khóc ai oán. "Chàng thực tâm đuổi em đi phải không? Chàng không còn nghĩ gì đến hai mươi năm yêu thương nhau hay sao? Chàng có thể chửi rủa và đánh đập em, và em sẵn sàng chịu đựng, nhưng em van xin chàng đừng đuổi em đi! Có bao giờ em nói dối chàng điều gì không? hoặc làm bất cứ việc gì khiến chàng buồn lòng không? Có không? Xin nghĩ kỹ lại. Còn về chuyện này, Trời làm chứng cho em, khi cái tên vô lại họ Lưu ấy lôi em lên lầu, em có nghĩ đến việc tự tử. Nhưng em cũng lo sợ một người như hắn sẽ làm bất cứ điều gì nếu không được toại nguyện - em muốn bảo vệ gia đình. Hãy nghĩ lại đi, nếu em là loại người rẻ tiền, thì em có giữ mình trong sạch trong suốt hai mươi năm qua cho chàng không?"
Lời van xin đầy nước mắt của nàng làm An Phúc dịu lại đôi chút. Xoay người nàng lại, chàng nhìn thẳng vào mặt nàng và hỏi, "Có phải mỗi lời nói của nàng là đúng không?"
- Nếu em nói một lời nào chỉ đúng một nửa thì sẽ bị Trời Đất trừng phạt! A, em nhớ rồi...
Nàng nhảy xuống giường, chạy vội về phòng, lôi ra một hộp đựng giầy dưới gầm giường, và chạy vào với An Phúc, và chìa ra cho chồng coi một bộ quần áo lót và một chiếc áo bị xé rách. "Hãy coi quần áo này. Đây là bằng chứng của em. Hắn xé quần áo của em rạ.."
Từ những manh quần áo rách ấy, An Phúc tưởng tượng cái thân thể trần truồng của vợ và bàn tay của Lưu Trường Khanh trên tấm thân thể ấy. Bên dưới bộ quần áo ngủ màu hồng, chàng trông thấy không những cái thân thể mịn màng và mềm mại của vợ, mà còn trông thấy hàng ngàn bàn tay của cái tên khốn kiếp ấy nữa. Bỗng nhiên như thể là chàng đã chết, mặt chàng biến thành màu của bao tử cá đã chết. Toàn thân chàng như thể bị tê liệt, đổ gục xuống thành đầu giường. Mí mắt trái của chàng lại co giật dữ dội. "Thôi đừng nói nữa. Đem những cái này đi! Đem đi!"
Thôi Mẫn bỏ ra ngoài và quay trở lại, trên tay không có gì. Nàng quỳ xuống và ôm lấy chân chồng. "Nếu chàng không thể tha thứ cho em theo như lời em kể, xin hãy nghĩ đến Đại Chí và Vân Thụy và đừng..."
An Phúc nói ngay, nhưng giọng nói gần như không còn sinh khí nữa. "Nàng có thể ở lại. Sáng mai ta sẽ thu gọn hành lý và đi Thượng Hải ngay."
Nàng sợ hãi ngẩng lên nhìn chồng. "Chàng không đem em đi Thượng Hải ư? Chàng vẫn không tin em ư? Em rất sạch sẽ. Em không làm điều gì để nhục đến chàng mà."
- Ta tin nàng, đó là lý do tại sao nàng có thể ở lại đây. Ta biết nàng không còn nơi nào để đi nữa.
Thôi Mẫn chậm chạp đứng dậy, mắt chăm chú nhìn chồng. "Nhưng chàng không còn muốn có em nữa phải không? Chàng không trở về đây nữa phải không?"
An Phúc tránh mắt vợ. "Chừng nào cha mẹ còn sống, ta vẫn phải trở về thăm. Những giữa ta và nàng không còn gì nữa. Ta sẽ không đuổi nàng ra khỏi cửa, và cũng không nói một điều gì cho Đại Chí và Vân Thụy biết. Ta sẽ xin mẹ không nói cho chúng nó biết chuyện này. Ta sẽ gửi tiền cho nàng hàng tháng như thường lệ." Mặt An Phúc không còn tái mét và mí mắt trái không co giật nữa. "Nhưng, giữa nàng và ta không còn gì nữa."
Thôi Mẫn lùi dần. Nàng kêu lên "An Phúc." Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời chồng vợ nàng gọi tên chồng. An Phúc hơi giật mình vì không quen gọi thẳng tên như thế, chàng nhìn nàng như thể nhìn nàng lần đầu tiên. Nàng nói, "An Phúc, em hiểu. Đừng nói thêm một lời nào nữa. Em chỉ muốn chàng sẽ không hối tiếc." Nàng lùi ra khỏi phòng, để lại cho chàng cây đèn tù mù và tách trà không trên bàn ngủ cạnh giường.
Sáng hôm sau, An Phúc bị đánh thức bởi tiếng kêu hoảng hốt của con ở. Nó kêu:
- Ông chủ ơi! Ông chủ ơi! Bà chủ đâu? Không thấy bà ấy đâu cả!
Chàng ngồi bật dậy và mí mắt co giật dữ dội đến nỗi chàng phải lấy tay bịt lại. "Mày nói gì thế?"
- Bà chủ đi đâu rồi! Bà chủ biến mất rồi! Lão ông và lão bà, bà Lưu, Trương Tẩu và con nữa đã tìm khắp nơi mà không thấy bà chủ đâu cả!
Chàng nhảy xuống giường, hai tay nắm lấy cánh tay gầy khẳng khiu của con ở, và lay mạnh, "Mày đã tìm khắp nơi chưa? Mày có chắc không?" Bỗng chàng không lay con ở nữa, và đứng chết trân; khó khăn lắm chàng mới nói hết câu hỏi, "Mày đã tìm ngoài ao chưa?"
Trước khi con ở trả lời, An Phúc chạy xô vào phòng Thôi Mẫn, căn phòng chung của hai người, và suýt đụng phải cha mẹ đứng ngay tại cửa phòng.
Bà mẹ giơ tay và giữ chàng lại. "Có tìm ngoài ao rồi, nhưng không thấy gì. Ta nghĩ nó không tự tử đâu. Nó không phải loại người như vậy."
An Phúc nhìn vào mắt mẹ như muốn tìm một sự bảo đảm. Rồi chàng trông thấy cái nhếch mép khinh bỉ của bà mẹ, một sự biểu lộ mà chàng đã từng biết, nhưng vẫn chưa biết rõ. Lần đầu tiên trong đời, chàng phẫn nộ với mẹ. "Thế thì mẹ nghĩ vợ con đi đâu!"
Ngạc nhiên và cảm thấy bị xúc phạm bằng cái giọng bất thường của con trai, bà mẹ bắt bẻ lại, "Làm sao ta biết được? Có thể nó đi theo cái thằng lưu manh ấy!"
Ông bố bực mình với bà vợ. "Mẹ thằng An Phúc! Bà nói gì vậy?" Rồi ông quay lại nói với con trai, "Có thể nó trở về nhà cha mẹ nó."
An Phúc nhìn ra ngoài cửa sổ, cái sân trống vắng dường như trống trải hơn dưới ánh nắng rực rỡ. "Cha ơi, con không biết. Con không biết. Vợ con chẳng còn ai cả..."
Bà mẹ ngồi xuống chiếc ghế gụ bên cạnh cửa, và nhồi thuốc vào cái điếu. "Ta mà là con thì ta sẽ không lo ngại nó đi đâu. Ta có thể nói là một dịp may loại bỏ được nó."
An Phúc nhìn bà mẹ. Bà ta gân cổ hút thuốc đến nỗi hai má lõm xuống, gò má và cằm nhô hẳn ra. Chàng bực mình mẹ hơn bao giờ hết, vì tính tình quái quỷ và sự lãnh đạm của mẹ; chàng cài lại khuy cổ và vuốt thẳng chiếc áo choàng. "Con đi tìm vợ con."
Bà mẹ ngừng hút thuốc và hỏi con. "Cái gì?"
An Phúc nhìn thẳng vào mắt ông bố như muốn xin một sự thông cảm. "Cha ơi, con sẽ đi tìm vợ con. Khi tìm thấy, con sẽ đưa vợ con đi Thượng Hải."
Bà mẹ dằn cái điếu xuống bàn và đứng dậy. "Con nói gì vậy? Con mất trí rồi ư? Con đem nó đi Thượng Hải với con sau cái việc nó đã làm cho con? Sau khi nó đã làm ô danh nhà họ Trần? Con có còn là người đàn ông không?"
- Thưa mẹ, con biết nàng đã làm chuyện gì, và nàng làm chuyện ấy vì... mẹ đấy.
Rồi chàng hai tay ôm mặt và nói tiếp, "Trong những năm dài vừa qua, nàng không phải là một người con dâu tốt ư? Nàng có là người mẹ tốt của Đại Chí và Vân Thụy không?" Những lời nói tuôn ra qua kẽ những ngón tay nghe có vẻ khô khan.
Chàng nghe thấy ông bố nói, "Nếu con muốn đi tìm nó thì con phải đi ngay."
Chàng ngẩng đầu lên, bắt gặp mắt của ông bố và nhìn mắt bố một lúc, rồi gật đầu. "Con đi đây, cha ơi. Chào mẹ." Chàng bước hai bước dài, đẩy chiếc màn cửa ra và biến mất, tiếng bước chân của chàng tắt dần ở cuối hành lang.
Bà mẹ chạy vội ra cửa, "An Phúc, An Phúc!"
- Thôi để nó đi.
Bà quay bộ mặt mỏng về phía chồng và nói dằn giọng, "Tôi chỉ muốn nó ăn một cái gì trước khi nó đi!"
Nguyễn Vạn Lý phỏng dịch